Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

"Quốc hội nay đã không còn là những nghị gật"

Đọc tin này trên bản tin, đăng lại của tuổi trẻ vn, mà thấy vui trong lòng. Quả là chưa bao giờ được đọc một mẩu tin ngắn mà ấn tượng thế. Mong mãi bao nhiêu năm rồi nay mới thấy, không mừng không vui sao được.
Thì ra hào kiệt đời nào cũng có. Mai ngày, hết bỉ rồi lại thái, hết hối rồi lại minh. Quốc hội khóa tới tiếp nối cái tinh thần, cái ý chí này thì phúc cho đồng bào, cho đất nước.
Mấy hôm trước đọc bài "về thôi thầy ơi", mà buồn. Nay lại vui, tự nhủ lòng: tôi ơi đừng tuyệt vọng!

Ngộ

Những người giàu trí tưởng tượng nhất
đã sáng tạo ra thiên đường và địa ngục

Những người thông minh nhất
đã chứng ngộ đạo Phật

Những người ngù ngờ nhất
tin mọi điều đều có thật

Những người dũng cảm nhất
luôn luôn tin ở chính mình

Van gốc

cái giá của Van gốc
không phải ở sơn dầu hay thuốc nước
dám nổ súng vào đầu
cái giá ấy không làm sao trả được.

TÀI SẢN CỦA TÔI

Tài sản của tôi
không đội trên đầu
không mang bên vai
không khoác lên người

Tài sản của tôi
là những niềm đau
lặng lẽ kiếp người

Tới lúc ra đi
tôi chỉ mang theo
ngần ấy
đủ rồi

NỢ

Mang ơn mắc nợ với đời
trần gian trả mấy kiếp người cho xong

LŨA

Tất cả giác đã mục thành đất
Lõi chỉ còn chỗ rắn nhất
Kết đọng tinh dầu
Và kỳ dị không sao hiểu hết

             *****

    Năm tiêu chí để đánh giá lũa:
         Một là chất gỗ, nó là lũa của thứ gỗ gì: đinh, hương, sến, táu, vàng tâm hay dổi... Không phải gỗ nào cũng có lũa đâu, và không phải lũa nào cũng như nhau.
Có thứ gỗ rắn mà lũa không đẹp, có thứ lũa đẹp mà lại không thơm. Lũa vừa rắn vừa đẹp lại vừa thơm thì cực quý.






Tiêu chí thứ hai là tuổi của gỗ, có thể là 50, 100, 300, có thể cả ngàn năm tuổi. Cây càng già lõi càng nhiều càng chắc, có thể còn kết tinh dầu, có thể có thêm hang thêm u vấu sẹo.
                       
        Thứ ba là tuổi của lũa, là năm tháng nắng mưa dầu giãi từ khi cây gỗ chết đi rồi hoai mục, đến khi không còn gì hoai mục được nữa thì lũa mới thật là lũa vậy.
         Thứ tư là dáng hình và kích thước của lũa. Lũa có dáng đẹp, lại gợi một ý sâu xa  thì càng quý. Đã quý mà còn hiếm nữa thì vô giá. Cả bốn tiêu chí này nằm ngoài ý muốn của con người, chỉ có đất trời mới tạo ra được. Ai có duyên thì gặp.


     Còn tiêu chí thứ năm, là dụng ý, dụng công của con người mà làm nên lũa. Việc này càng kín càng tốt, như là chưa tác động gì tới cả. Cũng có người cao tay thổi hồn cho lũa, được vậy thì còn gì bằng.
Tôi chưa có lũa tới mức như nói ở trên, nhưng lũa cũng đã cho tôi có được chút hồn vía cốt cách của cây, để đỡ nhớ núi nhớ rừng. Lắm khi nhìn lũa mà tự hỏi:
  -Đời cây để lại lũa, đời mình để lại cái gì?
  -Cốt cách của cây là đây, cốt cách của mình ở đâu?

CÙNG HÁT VỀ VĂN CAO

      Hôm qua vui, cùng bạn bè nhắc tới Văn Cao, người mà cả nhóm đều yêu mến và kính trọng. Tôi nhớ ra là mình có viết một bài hát với tựa đề: NHỚ VĂN CAO. Bài viết đã lâu, từ cuối những năm chín mươi, khi nỗi nhớ về ông, và cả những nỗi xót xa chưa thể nguôi ngoai. Viết rồi để đấy, chưa hát lên lần nào cho ai hay cả.
   Nay tôi hát, có Nghĩa đệm đàn, có cả Sơn, cả Minh ê a thêm nữa. Các cháu này có nghề, xem qua là nhập được ngay. Ca từ của bài là:
   1. Anh là ai lạc chốn thên thai. Anh từ đâu rơi xuống cõi đời, để ca hát, để mộng mơ và để lặng im tái tê lòng. Anh nhận biết và anh hiểu hết, nhưng anh dại khờ hồn nhiên như bé thơ. 
     Văn Cao ơi, người về chốn thiên thai rồi. Địa đàng còn đó thế nhân không quên người. Những ngón tay khô gầy gõ phím đàn ứa máu, nâng chén rượu nồng nhấp từng giọt đắng.
     Văn Cao ơi, ru anh sao trời, tiên nữ hát lời, thánh thót cung đàn đào nguyên.


    2. Anh là ai lạc chốn thiên thai. Anh từ đâu rơi xuống cõi đời để ca hát để mộng mơ và để lặng im tái tê lòng. Anh nhỏ bé và anh rộng lớn, tim anh đập cùng nhịp bước tiến quân ca. 
   Văn Cao ơi, người về chốn thiên thai rồi. Mọi người còn nhớ, hát khúc ca muộn màng, nghe gió lay trên cành biết một mùa thay lá, nguyệt thực qua rồi trăng vàng lại sáng. 
     Văn Cao ơi, ru anh sao trời, tiên nữ hát lời, thánh thót cung đàn người về. Lấp lánh ánh sao vàng, trong muôn sắc hương ngập tràn, người về... thiên... thai...


       Ca từ tôi dựa ý của Trịnh Công Sơn trong những bài viết của ông về Văn Cao, còn cái tình là của tôi, và đồng điệu của những tâm hồn.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

HỌC TOÁN ĐỂ LÀM GÌ

     Nhân được đọc bài đáp từ của GS Hoàng Tụy trong lễ nhận giải Phan Chu Trinh trên blog NXD tôi tự dưng hỏi mình câu hỏi đó. Là người được học toán từ phổ thông cho đến đại học tôi chưa bao giờ tự hỏi mình như thế. Hình như hỏi thế là thừa vì câu trả lời đã có sẵn hay là đã biết câu trả lời trước khi hỏi. Cũng tương tự như thế, chẳng ai hỏi ăn cơm để làm gì, hay tập thể dục để làm gì.
    Nay thì tôi phải tự hỏi mình, dù rằng bây giờ tôi già rồi không còn dính dáng gì với toán nữa. Vậy khi còn trẻ, khi đi học phổ thông, tôi học toán để làm gì? Ngày ấy tôi chưa bao giờ hỏi mình như thế. Chỉ thấy rất thích học toán. Cũng chưa bao giờ tự hỏi tại sao lại thích. Bây giờ nghĩ lại, có khi thích là vì học nó dễ vào hơn những môn khác, bài tập cũng dễ hơn, ít nhất là dễ hơn rất nhiều so với làm một bài tập làm văn. Đã thế, thường lại được điểm cao, sao lại không thích. Cũng không loại trừ cái hiếu thắng của con trẻ. Ấy là cái cảm giác lâng lâng khi thấy mình làm được mà ít người khác làm được. Cũng có thể, nhưng chỉ chút nhỏ thôi, thấy toán có thể dùng được vào cuộc sống thường ngày. Bây giờ cũng câu hỏi này có người trả lời rằng học để lên lớp, học để thi vào đại học. Đúng quá, nhưng ngày ấy tôi không hề nghĩ thế. Lên lớp, hay đỗ đại học như là một điều tất nhiên. Còn học do thích lại là việc khác.
    Khi lên đại học rồi, học toán để làm gì. Nói thực lòng, cũng là học do thích. Còn để làm gì, thì rõ rồi, vào sư phạm, học toán là để sau này đi dạy toán. Dạy toán là nghề để tôi kiếm sống, nhưng chỉ vì kiếm sống mà học toán thì không phải. Dạy toán cũng không đơn thuần là để kiếm sống, với tôi còn là niềm vui, là hứng thú, và là trách nhiệm nữa.
    Với tôi, như thế tạm cho là đã trả lời được học toán để làm gì. Còn với những người không thích học toán, thậm chí sợ học toán, và cũng không phải để mà đi dạy toán như tôi thì học toán để làm gì. Như trên, đã có ngườ trả lời: học để được lên lớp, để thi tốt nghiệp, để thi đại học...Không lên lớp thì không qua nạn mù chữ. Không thi được vào đại học thì còn mặt mũi nào, thì làm gì, đi cày à, lấy đâu ra ruộng?...
     Tạm cho như thế là câu trả lời, nhưng là nằm ngoài cái thực chất của toán học, nó chỉ là cái thủ tục thì đúng hơn, mà mỗi người muốn qua thì phải làm cái thủ tục đó, như là phải mua vé để qua phà, mà cái vé không phải là cái sào để chống phà. Hóa ra trả lời câu hỏi này không dễ.
   Để dễ trả lời hơn, tôi hỏi bạn bè, hỏi các trò của tôi, những người đã trưởng thành ở nhiều nghành nghề khác nhau, có người là kỹ sư, là bác sĩ, là tiến sĩ khoa học công nghệ, chứ không phải là khoa học xã hội, những câu cụ thể thế này:
   - Anh vẫn nhớ chứ, cái gọi là số nguyên tố ấy, theo anh học nó để làm gì?. Phần lớn là chịu, có người còn không nhớ, có người nói được là để tìm  bscnn và ưscln. Tìm được những cái đó rồi thì để làm gì nữa? Lại chịu!.
   - Hỏi tương tự với phân số, hỗn số, với hằng đẳng thức đáng nhớ, với cọng trừ nhân chia đơn thức đa thức, rối ù cả tai, chẳng mấy ai nhớ, chứ nói gì đến chuyện dùng để làm gì.
   - Hỏi thêm tới trung tuyến trung trực, góc trong cùng phía, rồi cung chứa góc, nội tiếp ngoại tiếp, rồi sin, cos, rồi logarit, chẳng còn mấy ai nhớ, cả bọn cười xòa với nhau.
   - Ừ  nhỉ, chẳng biết học để làm gì. Quả là chưa bao giờ dùng đến, lâu ngày rồi quên mất.
   - Tôi hỏi thêm, cái này thì hay lắm, chắc là dùng được, cái cực đại cực tiểu ấy, có vị nào nhớ không? Ừ, có nhớ, ngày ấy cày kỹ lắm, nhưng mà cũng chưa dùng bao giờ.
   -Hỏi câu cuối cùng nhá thế có dùng tích phân vi phân vào đâu không? - Cậu hỏi mới nhớ ra, biết, có biết, nhưng nói thực cũng chưa bao giờ dùng tới cả. - Ông là kỹ sư kia mà sao lại không dùng? Không cần thì không dùng, ông đừng tự ái, môn của ông thật đấy nhưng thực tế không dùng tới thì tớ nói là không dùng. Ông đừng giận.
    Còn giận ai được, thực tế nó vậy. Có cảm giác cay đắng một chút cho cái môn của mình, cho cái việc của mình. Thế mà ngày xưa đi dạy mình bắt trò học, bò ra mà học. Mình lại ra thêm cho chúng những bài toán khó. Mình không giải, chỉ gợi ý, rồi bắt chúng phải tự giải. Rơm rớm nói với trò: - tha lỗi cho thầy. -Không phải đâu thầy ơi, nếu thầy không rèn bọn em như thế thì làm sao bọn em có thể thi đỗ được. Ừ, thì còn chút an ủi cuối cùng- giúp trò có cái vé qua phà.

    Toán học, quả thực có giúp cho chúng ta rèn luyện tư duy, rèn cả cách diễn đạt sao cho chính xác rõ ràng súc tích. Toán học giúp ta biết khi nào thì dùng cọng trừ nhân chia, dù là bây giờ bằng máy bỏ túi.
    Toán cũng cần cho người thợ xây khi thả dây dọi kiểm tra cái cột thẳng đứng bằng cách ngắm từ hai phía không thẳng hàng với nó. Tiếc là không mấy ai dạy toán nhớ nhắc cái ứng dụng ấy với trò, có nhắc cũng chẳng mấy trò nhớ nổi, có nhớ nhập tâm thì chắc gì trò ấy đã làm thợ.
   Xin nói thêm, để rèn tư duy thì đánh cờ cũng là rèn. Để rèn diễn đạt rõ ràng chính xác súc tích thì làm thơ viết văn cũng là rèn, đặc biệt viết câu đối lại càng rèn. Thành thử toán không phải là môn độc quyền về mấy thứ đó.
    Nôm na mấy ý nhân đọc bài diễn từ của GS Hoàng Tụy. GS có nhắc điều đầu tiên là học và thi. Học cái gì, thi ra sao. Tôi không lý giải sâu xa được, chỉ xin nêu một thực tế, bằng chính việc học và dạy toán của mình, một ngày đã xa rồi.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

ĐI NGANG QUA BA VÌ, LẠ THẬT

      Hôm qua đi ngang qua Ba vì, gặp chàng kỹ sư khai thác mỏ đá ở Hòa sơn, tôi vui chân theo một chặng. Gặp một cái hố đào sâu ngay chân tường căn nhà để hoang không người ở, hỏi ra người ta cho hay là hố đào vàng. Ngạc nhiên quá đỗi, hỏi tiếp vài người nữa thì được nghe nói người ta đã đào vàng ở vùng này từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy còn đào thủ công. Sang thập kỷ 90 thì đào với quy mô rộng khắp. Người ta nói được nhiều vàng lắm, còn nói Hòa Sơn là cả một mỏ vàng. Lại nghe nói trong núi người ta đào giếng sâu xuống hàng chục thước, rồi đào hầm ngang mà cõng quặng ra, dùng máy nghiền, lọc thủy ngân, mà lấy vàng. Lại còn nghe nói có cả một cái hang gọi là hang Trung quốc sâu hun hút không nhớ chính xác có từ ngày nào, hiện vẫn còn trong núi. Chẳng biết sự thực bao nhiêu phần trăm, nhưng người ta nói, người ta chỉ chỗ này chỗ kia đã từng là hầm là hố đào vàng, chổ này có cục vàng bằng ngón tay cái, chỗ kia có thỏi vàng đúc bằng viên gạch lục, nghe mà choáng.
    Lại thêm cái tin mới nhất cách đây mấy ngày rằng có công ty Bình minh gì đang khai thác vàng với quy mô công nghiệp ở vườn quốc gia Ba vì càng làm cho tôi tin thêm lời dân Hòa sơn nói.
    Về nhà nghĩ lại thấy dân mình chỉ cố giữ cố quản những cái con con, còn cái lớn như rừng Trường sơn, như núi Ba vì, như dầu khí ngoài khơi... thì không có ai, không có bộ ngành nào quản cả. Lạ thật!

BỆNH THÀNG TÍCH

Từ ngày đẹp tốt phô ra
Con khen mẹ hát
Dân mình đã mang cái bệnh thành tích

Đến thời dương dương tự đắc
Cái gì cũng ưu việt nhất
Thì bệnh đã ngấm vào tim
Đã lan lên óc

Vừa rồi rộ lên ở nghành giáo dục
Chẳng qua không ở nơi đâu
Có thể vẽ rồng thêm râu
Thổi còi đá bóng
Và tự nắm tóc mình nhấc bổng
Dễ dàng như ở nơi đây




      Hôm nay trên NXD blog có bài diễn từ của GS Hoàng Tụy rất hay, ý tứ thật sâu sắc. Xin được trở lại v/đ vào dịp khác.

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Chúng ta đã từng như thế

       Nước Nhật đã chịu đựng một cách kiên cường cả tuần nay thảm họa động đất và sóng thần với sức tàn phá kinh hoàng. Nước Nhật đã chứng tỏ cho cả thế giới phải cảm kích và kính phục. Những người Trung hoa phải thừa nhận rằng dù bao lâu nữa họ cũng không thể sánh bằng người Nhật. Người Việt mình vào thời điểm này cũng tự thấy xấu hổ khi soi vào nước Nhật. Nhưng vào một thời điểm khác, một hoàn cảnh khác, chúng ta đã từng ngẩng cao đầu mà tự hào rằng chúng ta cũng có đủ ý chí nghị lực và lòng tự trọng.
       Chúng ta đã từng trải qua những tháng năm gian khổ, thiếu ăn thiếu mặc, nhưng không hề có người ăn xin, không có kẻ trộm cắp. Chúng ta cũng đã từng xếp hàng, cũng nề nếp trật tự, cũng nhường nhịn xẻ chia. Thậm chí chúng ta chỉ cần dùng viên gạch vỡ cũng đủ để xếp hàng lần lượt và tuần tự. Chúng ta cũng đã từng cắn răng chịu đựng bao đau thương mất mát, không kêu gào, không bật khóc. Và nhờ sức chịu đựng kiên cường, sự bền bỉ nhẫn nại ghê gớm đó, với một tình thương yêu đồng bào đồng chí và một lòng yêu nước nồng nàn mà chúng ta đã chiến thắng hai đế quốc to.
       Sau bao năm hòa bình chúng ta đã làm được nhiều thứ. Dân ta đã không còn đói rách như xưa. Chúng ta cũng đã thôi không phải xếp hàng chờ mua nhu yếu phẩm, và chúng ta còn làm được nhiều điều hơn thế. Nhưng chúng ta cũng đã đánh mất đi không ít những điều mà ngày xưa chính đó là những cái mà cả thế giới phải kính trọng và ngưỡng mộ chúng ta. Bây giờ chúng ta chen lấn nhau từng bước trên đường, từng tấc trong ngõ, kẻ hèn thì trộm cắp, kẻ mạnh thì cướp bóc, kẻ quyền thế thì đục khoét tham nhũng.
         Sông núi vẫn là sông núi ấy, con người thì vẫn là con người ấy, đảng vẫn là đảng ấy mà sao ngày xưa khác, ngày nay khác xa nhau. Hay là sông núi không còn là sông núi ấy, nhân dân không còn là nhân dân ấy, hay đảng không còn là đảng ấy.

Trường sơn

Chưa phải đốt cháy dãy Trường sơn
đã giành được non sông về một mối

Ba mươi năm sau ngày thắng lợi
đốt đuốc đi tìm vời vợi Trường sơn

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

KÊU CỨU

      Nhiều thứ, nhiều cái, nhiều người kêu cứu quá. Sông Thị vải, sông Nhuệ kêu cứu, còn sông Tô lịch thì chết hẳn rồi không kêu được nữa. Đại ngàn Trường sơn kêu cứu, núi tổ Ba vì kêu cứu. Rùa thiêng hồ Gươm kêu cứu. Người dân uống nước nhiễm thuốc trừ sâu Phú yên kêu cứu. Và biết bao những dòng sông, những cánh rừng, những người dân kêu cứu.
      Tiếng kêu này gửi tới đâu? Hình như chỉ kêu như thể kêu trời chứ không phải là kêu ai cả. Tiếng kêu không gửi tới ai, không đề địa chỉ. Tiếng kêu không tiếng trả lời. Tiếng kêu vô vọng.
      Tôi muốn tiếp sức những tiếng kêu kia, ít nhất đến được một nơi, hy vọng có tiếng trả lời, là nơi đại biểu của dân- đến quốc hội.

BAO NHIÊU

Bao nhiêu chip điện tử
cho thành con xao la
bao nhiêu đống rác thải
thêm một loài siêu vi
bao nhiêu nhân mạng nữa
nền văn minh này 
ra đi.
                          1998

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

lại vào được blog

Hôm nay lại vào được blog của mình sau mấy ngày thất lạc. Trong mấy ngày này điều mọi người quan tâm nhất là thiệt hại do động đất sóng thần ở Nhật.Xin chia sẻ nỗi đau này cùng nhân dân Nhật và xin bày tỏ lòng khâm phục trước sức chịu đựng, lòng quả cảm và văn hóa cộng đồng của người dân Nhật. Thực sự thử thách này là một bài học quý báu cho Việt nam về rất nhiều điều, trước hết là về văn hóa và tổ chức.

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

CÓ MỘT THỜI NGẠO MẠN

       Đã có một thời như thế, ngày ta còn lao động thủ công, khai mương bằng cuốc, đào giếng bằng choòng mà đã lớn tiếng "vắt đất ra nước thay trời làm mưa". Khi chống úng bằng gàu chúng ta lại nói "nghiêng đồng đổ nước ra sông". Kể ra hô vậy để động viên nhau trong gian khó thì cũng tốt thôi nếu như không phải là ngạo mạn tới mức đòi "thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn" theo cái cách mà một anh buôn bò nào đấy muốn làm. Thậm chí có lúc phá được một khoảnh rừng, đắp lên một con đập đã vỗ ngực cho rằng mình đã chinh phục được thiên nhiên. Ngày con người bay vòng quanh trái đất thì đã tưởng chinh phục được vũ trụ.
       Cùng với chinh phục vũ trụ, chinh phục thiên nhiên con người còn lớn tiếng hô cải tạo cái này cải cách cái kia. Có được một số tiến bộ kỹ thuật con người liền xếp ngay thành cuộc cách mạng KHKT lần thứ nhất, thứ hai. Hạ bệ một ông vua lại là một cuộc cách mạng nữa. Rồi tung hô vĩ đại, rồi vỗ ngực tự phong sáng suốt và vô địch.
      Đến khi phá hết rừng, cạn kiệt sông, rồi lở đất lũ quét, rồi băng tan, nước biển dâng, rồi thoái hóa biến chất, rồi tham nhũng tràn lan thì chẳng thấy ai nói đấy là cuộc gì, là cách mạng lần thứ mấy. Đã vậy, chỉ mới đối đầu với mấy cái con bé tí, bé đến mức không nhìn thấy như HIV, như H5N1, thì đã phải la toáng lên rồi, thậm chí còn phải nâng báo động lên cấp toàn cầu.
       Cũng lạ, mới vênh vang đó mà gần đây chẳng còn thấy mấy ai đòi thay trời đổi đất. Hay là đã đến lúc con người biết điều hơn, khiêm tốn hơn và bớt kiêu căng ngạo mạn ít nhiều.

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Biển Nha trang

Anh muốn cùng em đón ánh trăng lên
trên sóng nhấp nhô và trên nền trời biếc
khi có em kề ánh trăng kì lạ thiệt
biết soi bóng mình như anh soi trong mắt em


Khi ngọn gió nồm mát rợi dịu êm
anh muốn có em kề trong giấc ngủ
để hòa quyện trong từng hơi thở
cái ngọt ngào của đêm và hơi ấm từ em.

                                        1987



Hôm nay là ngày đep, chúng tôi được mời dự hai đám cưới. Về tới nhà bỗng nhớ ngày xưa biển Nha trang.

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

NHỮNG QUYỀN NĂNG VÔ TẬN

những quyền năng vô tận
hầu như không nói bằng lời
không theo công thức
cũng không phải ở trong văn bản luật


Những quyền năng vô tận
hầu như không ở thánh thần
không ở trong tay chúa


Những quyền năng vô tận
ở trong cát bụi đời thường
trong mưa trong gió
trong vi rút và nano bé nhỏ


Những quyền năng vô tận
ở trong tiếng mẹ ru hời
trong trái tim em lặng lẽ bên tôi

CẢNH BÁO MỘT TRÉC NÔ BƯN MỚI

     Hôm qua trong bài cát bụi tôi vừa nhắc tới Tréc no bưn, hôm nay đã thấy nổ nhà máy hạt nhân ở Nhật. Có thể là một trec no bưn mới. Cái giá cho tăng trưởng, cho phát triển có thể là chưa ai tính, nhưng đã thấy rõ dần là quá đắt, thậm chí phải trả bằng chính sự sống của toàn nhân loại, và có thể là cả hầu hết các sinh linh trên trái đất.
     Ở nước ta nếu đem tất cả các công trình làm được trong mấy chục năm qua trừ đi dãy Trường sơn đã cơ bản bị triệt phá, trừ đi các dòng sông đã bị bức tử, trừ đi những cánh đồng bờ xôi ruộng mật đã bị san lấp, trừ đi các mỏ quặng đang cạn kiệt... thì kết quả là dương hay âm. Đấy là chưa kể sự xuống cấp của đạo đức lối sống trong cộng đồng và ngay cả trong một bộ phận không nhỏ đảng viên của đảng. 
     Bấy nhiêu cái được và bấy nhiêu cái mất, có ai đã từng đưa lên bàn cân để xét xem lời hay lỗ, giải pháp tối ưu là gì, ở đâu. Bài toán này không giải được bằng duy ý chí. Tiếc rằng mấy chục năm qua chúng ta đã hành xử theo cách này là chính. Cũng có lúc chúng ta nhận ra cái sai chủ quan nóng vội duy ý chí nhưng rồi ta lại rơi vào một cuộc duy ý chí mới. Đấy là cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa bằng mọi giá hoặc không phải thế thì cũng là hiện đại hóa công nghiệp hóa một cách thiếu quy hoạch thiếu bài bản, thậm chí không tính tới phát triển bền vững hay những thảm họa mai này.
      Nhân thảm họa ở Nhật mả nêu những điều này quả không phải với những đau thương mất mát mà người Nhật đang gánh chịu. Nhưng với chúng ta thì phải nhắc tới, phải nói lên. Chưa lâu chúng ta đã từng nói tới boxit tây nguyên, nhưng mà không thấu. Nay lại càng phải nhắc, phải nói thêm nữa. Thậm chí nếu nhắc và nói không đủ lay chuyển thì phải đấu tranh một cách ôn hòa, không bạo động, không bạo lực, tỉnh táo có lý có tình, để tránh một bùn đỏ Bun ga ri, một Trec no bưn ngay trên đất nước yêu quý của mình.

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

CÁT BỤI

Trái đất này như một quả cam
năm tỷ đứa chúng con như sâu bọ
đứa khoét giếng dầu
đứa đào hầm mỏ
đứa triệt phá rừng
đứa gây nổ Tréc -nô - bưn


Trái đất này như một chiếc lồng con
năm tỷ đứa chúng con như thú dữ
xây lò thiêu người Ôt-xtơ- ven- xim
ném bom nguyên tử Na -ga -za -ki
đập đầu dân Căm- pu- chia
bóp hầu I- răc


Trái đất -hành tinh xanh quá chật
năm tỷ đứa chúng con lúc nhúc như dòi
gầm gào như thú
hát hỏng phát điên
tọa thiền mơ ngủ


Trái đất -hành tinh xanh bé nhỏ
năm tỷ đứa chúng con không bảo được nhau
Thượng đế ở đâu
Thiên chúa ở đâu
hỡi phật Thích ca
và thánh A la
xin người cứu rỗi

Nếu không 
tất thảy chúng con
cùng mọi sinh linh nhỏ nhoi tội lỗi
lại theo cát bụi
 trở về.
1999
             
                   *****        
Bài này viết lâu lắm rồi, từ hồi đân số trái đất mới ngoài  5 tỷ, nay nhân sự kiện động đất ở Tokio mà  đăng.

Động đất kinh hoàng ở Nhật

Trưa ngày 11/3 động đất kinh hoàng 7,9 độ richte đã xảy ra ở Nhật, kèm theo sóng thần cao 10 mét, với tâm chấn gần thủ đô Tokio. Thiệt hại chắc là kinh khủng, và chưa thể thống kê. Xin chia sẻ nỗi đau thương này cùng dân Nhật.
Nước ta may là không nằm trên vành đai núi lửa và động đất tây TBD. Nhưng nếu như đứt gãy sông Đà có động thì không biết sẽ ra sao với những công trình thủy điện trên cao?
Trái đất đang nổi giận. Lỗi tại con người và có thể là lỗi còn tại Thượng đế. Đáng ra trước khi ban thêm cho con người trí tuệ thì đã phải thử thách xem có đủ lễ độ với Người không đã. Có thời ở nước mình người ta đòi "thay trời đổi đất". Trời nghe thấu câu này có trừng phạt dân mình không. Cũng có thể đây là mặt trái của sự phát triển và Thượng đế muốn dạy cho nhân loại bằng cách: "trời có nói gì đâu".

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

MÙA XUÂN XƯA

mùa xuân xưa anh đưa em sang cầu
em ở lại miền quan họ
chúng mình tạm cách xa nhau


vọng suốt đường dài anh đi
gia diết hơn ngàn tiếng gọi
người ơi người ở đừng về
chấp chới cánh cò bên tỉnh bên mê


thao thức những đêm trăng tà
chênh chếch nhòm qua khung cửa
gió đưa cành trúc la đà
lại quặn lòng thương em xa


em ở bên dòng sông Thương
anh ở cuối trời để nhớ
chiều chiều ra ngõ mà trông
em về cho thỏa nhớ mong


ngày xưa đưa em sang cầu
em ở lại miền quan họ
hẹn một ngày về bên nhau
miếng trầu với lại quả cau
                             1987

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

CHẠNh NHỚ

gặp cô gái Huế tình cờ
giữa dòng phiêu bạt chợt vơ vẩn buồn
bồi hồi chạnh nhớ cố hương
biết ai mong có ai thương mà về


(bài ni viết đã lâu,  nay nhân đọc bài của Trần đình Hằng mà nhớ để giử lên)

TRĂM NĂM

Trốn nỗi đau mình anh đau nỗi đau em
thân cò lặn lội
quãng vắng đồng sâu
nắng mưa sương gió giãi dầu

Nén nỗi đau mình anh đau nỗi đau em
mây trôi bèo dạt
góc bể chân trời
tha hương đất khách quê người

Quên nỗi đau mình anh mong ở bên em
gừng cay muối mặn
gánh nặng kề vai
trăm năm ba vạn sáu ngày
                                                                        1998
        

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

NHÀ HỌC

Người ta nói A
- họ chẳng nói gì - những người có học.
Người ta nói B
họ cũng chẳng nói gì
đạo mạo thâm trầm - có học.
Mọi người hô nhà dột
họ vẫn ngồi yên
nhà học làm gì có nóc.
Mọi người hô lũ lụt
họ bình thản rung đùi
nhà học làm sao ngập được.

Chỉ khi có ai hô: bằng cấp!
họ giật nẩy lên 
lanh lẹn xếp hàng.

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

NGHÌN NĂM

Bóc dần từng lớp thời gian
dấu tích của nghìn năm Thăng long
hiện lên rạng rỡ

Những cung điện nguy nga tráng lệ
và lâu đài thành quách uy nghi

Đã một thời văn hiến đi qua
tro tàn cát bụi

Nghìn năm nhìn lại
tự hào đau đớn xót xa
đất nước thăng trầm dâu bể

Rồi sẽ thấy sau một nghìn năm nữa
dấu tích của hội trường Ba đình lịch sử
nếu một ngày 
con cháu lại đào lên

GẶP

Một đời lặn lội đi tìm
trăm năm gặp được chính mình là may

MIỀN TÂY

Tôi đi miền tây
trập trùng dợn lá
bao điều kì lạ
chìm trong sương mây
bao điều bí ẩn
bất ngờ đâu đây

Tôi đi miền tây
thanh nhàn năm tháng
tri kỷ cỏ cây
bạn cùng mưa nắng
lâng lâng uống cạn
chén đời như say

Tôi đi miền tây
nai vàng ghẹo bước
hương dẻ quyến lòng
nhạc rừng dìu dặt
hồn sa ánh mắt
lạc vào mênh mông
1969

TUỔI SỬU

Mình cầm tinh con trâu
lẽ sống là kéo cày
thủng thỉnh bước từng bước
vạch luống hàng thẳng ngay
hết buổi cày tắm mát
kiệu mục đồng thong dong
trời xanh đầy tiếng trúc
cỏ ngọt bờ đê cong
1995