Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

ĐÁNG SỢ NHẤT


 Thuở xưa trên rừng còn hổ báo, dưới sông còn ma gia thuồng luồng, trong làng còn có hồ li tinh. Dân làng, người thì sợ hổ báo, người thì sợ ma gia thuồng luồng, còn hồ li thì ai cũng sợ. Hỏi hồ li sợ gì thì nó nói: Hồ li chỉ sợ hồ li.(*)
Cách nay 66 năm, mượn cớ giải giáp quân Nhật, phía bắc thì quân Tàu Tưởng tràn sang, phía nam thì quân Pháp tái chiếm, có người gần bên cụ Hồ có hỏi Cụ: Bên nào đáng lo hơn? Cụ bảo: “Tàu không đáng sợ, Tây cũng không đáng sợ,… Đáng sợ nhất là các chú”. (**)
Giờ đây, ta đã thắng hai đế quốc to, vua quan phong kiến cũng đã đánh tan rồi, địa chủ cường hào không còn nữa, tiểu thương tiểu chủ, trí thức tiểu tư sản cải tạo xong rồi;  Hổ báo trên rừng, ma gia thuồng luồng dưới sông, đến cả hồ li trong làng cũng  không còn nữa. Không biết giờ đây cái đáng sợ nhất là gì?

(*) Theo Cổ học tinh hoa.
(**) Theo Hoài Thanh toàn tập

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Cái nhìn từ mọi phía


        Mấy ông thầy bói xem voi, do xem bằng tay nên mỗi ông thấy một khác. Người không mù như thầy bói nhưng viễn, cận, hoặc loạn thị, dù góc nhìn không khác, thì sự thấy vẫn khác. Những kẻ như tôi, nhìn chữ Tây chữ Tàu, thấy mà không  hiểu thì có khác chi mù. Hoặc giả, mấy ai nhìn vào bàn cờ mà thấy được nước đi, đừng nói thấy trước được dăm bảy nước, làm sao biết được thất thế hay thắng thế, biết sao thua được thế nào.
Mù chữ, mù ngoại ngữ, mù cờ tướng, mù tin học, mù bóng đá, mù phong thủy, mù kinh tế thị trường…Không biết thứ gì là mù thứ đó, biết lơ mơ lờ mờ thì có hơn mù mấy nỗi. Trừ cái chuyên môn hẹp của anh, gọi là biết, còn thì hầu hết các lĩnh vực khác là mù lòa cả. Trương mắt nhìn còn không thấy, hoặc chỉ thấy lờ mờ thì dù không góc nhìn khác vẫn thấy khác.
Ra chợ mua mớ rau, làm sao để biết không có thuốc sâu? Ra đường ú ớ hội tề, lơ ngơ phạm luật. Mở mắt nhìn mà còn không thấy, nói chi thấy thế này rồi còn thấy thế kia.
Đứng trước đại ngàn mà chỉ thấy cây không thấy rừng, không thấy thái sơn sừng sững. Đứng trước biển chỉ thấy sóng gió, cá tôm, con còng con rạm mà không thấy thềm lục địa, không thấy đảo xa, không thấy đại dương nối cả năm châu tròn một địa cầu.
Ấy là chưa kể cái sự bưng bít thông tin, tam sao thất bản, cái sự thông tin giả, thông tin ảo. Còn thêm thông tin một chiều, nhìn từ một phía. Thêm nữa tô hồng, thêm nữa bôi đen…
Cho nên, không cứ phải là góc nhìn khác mới thấy khác, hay góc sờ khác mới thấy khác.  Dường như ai ai mà cũng nói lên được điều mình thấy thì mỗi người đều nói một khác cả. Chỉ khi không được nói ra, hoặc chỉ nghe một người nói rồi nói theo một người đó thì mới nói na ná giống nhau thôi.
Sự nhìn đã vậy, sự nghe cũng không  khác bao nhiêu. Cái loài thú nghe được thì người không nghe được. Cái người này nghe được thì người khác lại không nghe được. Nghe được rồi, người hiểu người không. Hiểu rồi thì nông sâu, đen bóng lại khác nhau nữa. Đến khi đem cái hiểu ra mà hành thì còn khác nhau nhiều lắm.
Sự nghe, sự nhìn chưa phải là tất cả những gì con người cảm nhận được về thế giới này. Mới là cảm nhận từ thực tế khách quan mà còn vậy. Cọng thêm một chút chủ quan vào nữa thì còn sai khác tới đâu.
Dẫu vậy tôi vẫn tin rằng: Bằng cái nghe, cái nhìn của mọi người, từ mọi phía, và cùng được nói lên, cùng được lắng nghe, cùng được thảo luận thì nhận thức về sự vật sẽ sáng rõ hơn nhiều.
15-6-2011

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

LÀM SAO QUA HẾT MỘT ĐỜI

Hồi còn trẻ, mỗi khi vắng bạn bè thì giải toán mà chơi. Nếu không thì đọc sách, cuốc vườn, nhổ cỏ. Không nữa thì cùng chú chó, khoác súng vào rừng, lắng nghe chim hót/ thả hồn lên mây.
Nay có tuổi rồi, giải toán, như vừa giải xong “ngũ hành – hệ sinh khắc duy nhất”, thì cũng chẳng để làm gì. Muốn chơi cũng không còn chơi được. Bạn bè đứa còn đứa mất, đứa còn giờ cũng già rồi, chơi gì nữa.
Một ngày có 24 giờ. Mỗi năm 365 ngày. Đời người trăm năm. Làm sao  qua hết một đời?.
May mà mẹ hoe đã sắp đặt mọi điều, thành ra không còn mấy khi rỗi rãi. Khi rỗi thì gõ phím viết blog của mình, xem blog của người, xem thế giới chung quanh.
Có lúc, bà ấy  nổi khùng, thét lên: - Ông gõ cái gì thế?
- Tôi viết blog.
- Viết để làm gì? 
Chết thật, không nói ngay được là để làm gì. Ú ớ mãi.
May sao, có bữa tình cờ nghe ai đó đọc một câu Kiều, tôi mới chợt tỉnh. Thì ra, nói như cách của cụ Nguyễn Tiên Điền: Để "mua vui cũng được một vài" ba giây.

Đồng bào mình ở nước ngoài biểu tình chống Trung quốc gây hấn biển đông


Ở đâu người Việt mình cũng yêu nước. Biểu thị tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm chống kẻ thù lấn chiếm bờ cõi bằng cách biểu tình là hình thức đấu tranh ôn hòa để góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Trong nước chưa có điều kiện để biểu tình thì đồng bào ta tiến hành biểu tình ở Pháp, ở Nhật. Có thể tới đây sẽ có biểu tình của Việt kiều ở nhiều nước khác nữa. Có thể sẽ cuốn theo nhiều người dân ở các nước sở tại cùng tham gia, và làn sóng này sẽ lan rộng trên toàn thế giới.
Bốn triệu Việt kiều là bốn triệu tấm lòng hướng về tổ quốc, là bốn triệu người yêu nước, là bốn triệu chiến sĩ chống xâm lược.
Bốn triệu ngọn lửa nhiệt tình này sẽ kích hoạt hàng tỷ con tim yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Các bạn ơi! Hãy vững tin, hãy xuống đường, vì Việt nam, vì thế giới hòa bình.
Khi đó, các bạn ơi, sóng sẽ dồn về Việt nam. Và như triều dâng, như thác lũ, tám mươi sáu triệu dân trong cả nước sẽ vùng lên. Vượt qua tất cả mọi nỗi sợ hãi, quét sạch mọi rào cản, mọi trở lực, chúng ta vượt qua chính mình một thời nín lặng, trở lại đúng nghĩa Việt nam. Một Việt nam anh hùng bất khất, chưa từng chịu lùi bước trước bất kỳ thế lực ngoại xâm nào.
Chỉ cần trở lại chính mình, dõng dạc đọc to lên: “Nam quốc sơn hà nam đế cư” và cùng phất lên tám mươi sáu triệu lá cờ đỏ sao vàng trong cả nước, cùng bốn triệu lá cờ đỏ sao vàng của Việt kiều yêu nước trên khắp năm châu, thì chúng ta không cần phải nổ súng, kẻ thù đã phải kinh sợ.
Vì tổ quốc Việt nam đời đời bền vững.
Đồng bào ơi! Hãy đứng lên!

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Đạo của trời


Trời không nói gì, chỉ lặng lẽ sáng tạo. Trời tạo ra muôn loài, không loài nào giống loài nào. Các loài, các cá thể sống dựa vào nhau, khắc chế lẫn nhau, mà thành cân bằng bền vững. Cân bằng trong đa dạng là đạo của trời.
Khi định được đạo rồi, trời theo đạo mà hành, không cần phải nói. Trời sáng tạo được nhiều như vậy, phần lớn là nhờ ở đó.
Con người chúng ta không sáng tạo được như trời, không im lặng được như trời, thì cũng nên học một chút ôn hòa mà tồn tại cân bằng tương đối bên nhau trong đa dạng sắc màu. Được thế, có phải tốt hơn không.

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Mô hình biểu kiến

Ơclit và phi Ơclit đều đúng. Không chỉ trong logic hình thức, trong tư duy trừu tượng mà còn đúng cả trong mô hình biểu kiến. Có điều, khi chưa tìm ra mô hình biểu kiến thì chẳng mấy ai tin. Chỉ có những bộ óc siêu phàm mới có thể ngất ngây trong vẻ đẹp lạ kỳ của hình học phi Ơclit.
Ngày nay, chúng ta có thể nói A hoặc nói không A. Đừng xỉ vả chi nhau, vì có thể cả hai đều đúng, nếu tự thân mỗi thứ là phi mâu thuẩn. Vấn đề là ở chỗ: Phải tìm cho ra mô hình biểu kiến, nếu không, chỉ những bộ óc siêu phàm mới ngây ngất thôi, còn đại đa số bình dân, khi không thấy, không hiểu, và đặc biệt - không có lợi ích gì, thì sẽ không hứng thú và không bao giờ ủng hộ.
23-6-2011

Lạ mấy cũng không lạ nữa


Cách đây mấy năm, có cháu trong quê ra thăm, hỏi han mới biết bạn cùng trường với tôi ngày xưa giờ chuyển về dạy chỗ cháu. Cháu tôi khen: 
- Thầy ấy dạy hay lắm. Đặc biệt nhất là cuối năm đứa nào cũng đủ điểm. Hằng ngày thầy ấy rất nghiêm, vẫn cho điểm kém, nhưng cuối năm mới biết, không đứa nào bị thầy tổng kết dưới trung bình cả.
Nghe thế tôi lấy làm lạ lắm. Thứ nhất là môn toán rất khó, chương trình lại nặng nữa, không phải trò nào cũng tiếp thu nổi. Hai là hàng ngày vẫn có điểm kém, mà sao tổng kết lại toàn trên trung bình. Chẳng nhẽ lại cấy điểm khống vào à. Tôi không thắc mắc với cháu những điều này, chỉ thầm nghĩ thế thôi. Nhưng cháu tôi đã nói tiếp:
Thầy bảo: Cho các em thế, về mà đi cày. Mai sau có giở học bạ ra còn nói được với con cháu, cha mày học hành có đến nỗi nào.
    Cái lý bạn tôi đưa ra hay quá, tôi không còn biết nói gì hơn.

       Bẵng đi mấy năm, không để ý lắm, năm nay bỗng thấy tỷ lệ tốt nghiệp THPT xấp xỉ 100%. Thật không tưởng tượng được. Hồi trước mình có nói  bỏ thi hết cấp I, rồi bỏ thi hết cấp II khi tỷ lệ đỗ quá cao, không chừng có lúc bỏ luôn thi cấp III. Tưởng rằng chỉ nói lẩy vậy thôi, ai dè bây giờ tỷ lệ ấy là có thực. Không những vậy mà còn nghe người ta tính bỏ luôn kỳ thi hết THPT.
Tới nước này rồi thì dù có lạ mấy cũng không lạ nữa.

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

MỘT TIẾNG CHUÔNG CHÙA

Lặng lẽ nằm nghiêng kê gối cao
Song thưa lay trúc nguyệt chen vào
Thinh không một tiếng chuông chùa vẳng  
Như gọi hồn ta lạc xứ nào
                                               21/6/2011

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

KER THÙ MONG GÌ Ở CHÚNG TA ( Phần cuối)

III.  Kẻ thù mong cho chúng ta sa đọa.
Từ chỗ vô sản, đến chỗ có chính quyền, có sức mạnh chuyên chính, có của cải, có danh vọng, địa vị…chúng ta đã thay đổi đi nhiều lắm. Trong nhiều chiều của sự thay đổi đó có một chiều dẫn đến sa đọa biến chất. Đó chính là cái chiều mà kẻ thù của chúng ta mong đợi.
Hách dịch, cửa quyền, tham nhũng đục khoét là những điều thường thấy. Xa hoa trác táng trụy lạc cũng không phải là hiếm. Nịnh trên nạt dưới, cơ hội xu thời đều có cả.
Cái nguy ở đây là tất cả những thứ đó đều được núp dưới bóng của cái cao cả, cái tốt đẹp, được nuôi bằng những ước mơ lý tưởng cao xa, được chiếu rọi bởi ánh sáng này kia hoặc hào quang của những chiến công oanh liệt.
Hội nhập vào kinh tế thị trường chúng ta bập ngay vào cái thực dụng tầm thường của nó. Hàng loạt các giá trị bị xáo trộn. Đồng tiền chi phối khắp nơi. Bất cứ nơi đâu cũng thấy chém chặt, từ trong công sở cho tới trường học, bệnh viện, ra đến ngoài đường  ngoài chợ, miễn là nắm chút đằng chuôi. Những người thật thà nhất bây giờ cũng có thể làm hàng giả, có thể làm hàng độc hại cho khách tiêu dùng.
Chúng ta mạnh lên hay yếu đi từ đó thì ai cũng biết, nhưng không có gì khắc phục cả mà gần như được thả lỏng để cho ngày càng trầm trọng thêm lên. Có khi còi thổi rất to, nhưng vừa đá bóng vưa thổi còi thì phỏng ích gì. Các đạo luật ngày càng được xây dựng chặt chẽ hơn nhưng chỉ chặt với đại đa số người dân không có năng lực tận dụng kẽ hở.
Rừng vàng biển bạc tưởng như vô tận mà chỉ sau vài chục năm đổi mới đã trở nên cạn kiệt. Thành tựu công nghiệp hóa chưa thấy đâu thì đa số các  dòng sông và ao hồ đã chết. Văn minh còn xa mà môi trường tự nhiên và cả môi trường xã hội thì đã xuống cấp rồi…
Vậy là lại thêm một điều khiến kẻ thù hỷ hả.


IV. Kẻ thù mong chúng ta mê muội.
Bay bổng trong men say chiến thắng là một thứ mê. Đắm chìm trong khoái lạc là một cách mê khác. Dựa dẫm vào thiên nhiên, tin ở rừng vàng biển bạc như của trời cho vô tận, cũng là mê.
Sùng bái cá nhân, núp bóng lãnh tụ có thể là một cách mê khác nữa. Viện dẫn kinh điển, lười biếng tư duy, xa rời thực tế, cũng lại là mê lú. Tiêu tốn bao nhiêu giấy bút để minh họa, để tán dương ca tụng. Biết bao nhiêu nhân lực ưu tú dồn cả vào tầm chương tích cú, trong khi bỏ qua bao thành tựu từng ngày của toàn nhân loại tiến bộ, trên mọi lãnh vực từ khoa học kỹ thuật đến kinh tế xã hội, từ công nghệ tới nhân văn. Đáng buồn hơn là có lúc đã bê nguyên cái lú lẫn của người về áp dụng cho mình, và không chỉ một lần.
Duy vật thô sơ, đề cao vật chất, nô lệ đồng tiền cũng là một chứng mê muội. Chứng này lan tỏa khắp nơi, khắp mọi tầng lớp từ bình dân lên hàng chức sắc, và lên cao nữa. Chứng này còn thể hiện ở sự hàng hóa hóa tất cả mọi thứ trên đời, thể hiện bằng triết lý: “Cái gì không mua được bằng tiền, đều có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Và nữa, tăng trưởng bằng mọi giá cũng là mê.
Duy tâm siêu hình, khoan bàn nó là cái gì, nhưng con người ta đang ngày một mê hơn ở chốn thần thánh, ma quỷ, trạch cát, bùa chú. Người ta cũng mê lạc đi trong lễ hội, vừa mê mẩn vừa trí trá kiếm tiền, vừa lú lẫn cầu xin rạp mình lễ bái. Chốn này mê lú đến nỗi không lớp người nào trong toàn xứ mình vượt qua được kể cả nhà khoa học hay chính trị gia.. Ngược lại là xem nhẹ, thậm chí bỏ qua việc nghiên cứu bài bản các sự kiện tâm linh, các tiềm năng của con người. Và đó cũng lại là một thứ mê lầm nữa.
Mê lầm đáng nói cuối cùng, không biết đã cuối cùng chưa, là: Ảo tưởng. Ảo tưởng và mọi thứ tương tự cùng lúc nẩy sinh từ ham muốn, từ ý chí chủ quan, thậm chí có cả mơ màng ngủ. Điều này nói kỹ thì đau, đau lắm. Xin tạm dừng chừng ấy.

V. Kẻ thù mong chúng ta phân biệt chia rẽ.
Có sự phân chia “vô tư” không hàm ý phân biệt tốt xấu, sang hèn, như việc chia đồ đựng trong bếp thành ra đọi, bát, ấm chén ly cốc…Sự ấy kẻ thù không lợi dụng được gì. Cái mà kẻ thù muốn là sự phân biệt nhằm chia rẽ, thậm chí thành mâu thuẩn, thành đối kháng, tàn hại lẫn nhau, nồi da nấu thịt  trong nội bộ chúng ta.
Cùng là người dân lao động, người thì trên đồng ruộng, kẻ thì trên công trường nhà máy, sao mà phân biệt thành phần. Nông dân hay công nhân thì chỉ là nghề nghiệp, là hình thái lao động, có thể khác nhau ít nhiều nhưng cùng là cần lao cả, sao bên trọng nhiều bên trọng ít, bên tiên tiến bên lạc hậu, bên là lãnh đạo bên là bị lãnh đạo, thậm chí còn cần cải tạo.
Trí thức cũng là người lao động, sao lại xếp cùng địa hào để mà đòi “đào tận gốc trốc tận rễ”. Có nhiều ý tương tự ở mục này tôi đã viết ở bài: “Mâu thuẩn đối kháng”, Ở đây xin không nhắc lại.
Việc cố tình khoét sâu mâu thuẩn là điều trái với tư tưởng đại đoàn kết dân tộc. Tiến bộ xã hội nhắm tới bình đẳng bác ái. Tu dưỡng đạo đức nhắm tới cái tâm không phân biệt. Vậy khoét sâu mâu thuẩn thì nhằm tới cái gì.
Nhiều khi cái sự phân chia tách biệt trở thành cứng nhắc, không còn biện chứng, chỉ còn cái chủ quan áp đặt, nhằm có lợi cho thiểu số những  kẻ quyền thế, mà bất lợi cho quần chúng đông đảo. Có người đã là chính khách cấp cao, gần như suốt đời không đụng tay cày cuốc vẫn cố bám cái xuất xứ bần cố nông. Có người một đời phấn đấu không ngừng, cống hiến lớn lao, vẫn phải mang cái tròng cha ông địa chủ. Người ôm gốc này để mong thăng tiến, kẻ mang tiếng kia chịu lép mấy đời, vậy sao xã hội công bằng văn minh lên được.
Chúng ta còn phân biệt dân tộc, tôn giáo, có đạo và không có đạo. Chúng ta không đa đảng để phân biệt đảng phái, nhưng lại phân biệt trong đảng và ngoài đảng. Bất lợi lại thuộc về số đông ngoài đảng. Chính quyền và quốc hội là của dân do dân vì dân, nhưng bất lợi lại một lần nữa thuộc về dân.
Ba mươi sáu năm sau ngày thống nhất nước nhà mà nỗi đau vẫn còn chia hai nửa, nửa đau ngợi ca, nửa đau lặng lẽ. Những con người đau khổ lìa xa tổ quốc, vọng về vào lúc dậy sóng biển đông mà màu cờ lại khác. Đau thay.
Chỉ xin nói thêm một ý nữa thôi, về chính thể của mình: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam. Một chính thể nổi trội hơn người, để vẻ vang hơn người hay để lạc lõng xa lạ với người, để thêm bạn hay thêm thù, để đoàn kết hội nhập hay để tự cô lập mình, để mạnh thêm hay yếu đi?.
Chừng ấy vấn đề tôi xin bày tỏ, trong khi kẻ thù đang lăm le ngoài biển, để thử nhìn lại xem chúng mong gì ở mình, chúng đã thấy gì ở mình và tại tại sao chúng giở trò vào đúng lúc này.
 


Rời khỏi tâm trạng khi viết bài này tôi lại được hòa vào không khí hào hùng nóng bỏng của những cuộc xuống đường phản đối Trung quốc gây hấn biển đông. Với khí thế này, Hà nội, Sài gòn, và tất cả các thành phố khác, cùng cả nước xuống đường thì chúng ta sẽ phá bỏ được mọi điều mà kẻ thù mong đợi. Hãy đoàn kết lại, vượt qua sợ hãi và những toan tính tầm thường, vì một Việt nam hùng mạnh “vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Thảo dân nông cạn, chỉ biết nôm na, không tránh khỏi sai sót khi lạm bàn việc lớn, chỉ hiềm không lặng được, xin mọi người ghé qua lượng thứ.
19-6-2911

Kẻ thù mong gì ở chúng ta

Hai kẻ thù địch nhau thì luôn mong cho đối phương sơ hở hoặc yếu hèn đi để thừa cơ quật ngã. Nếu như ta có kẻ thù, thì kẻ thù cũng mong ta như vậy. Có thể chúng đặt bẩy, nhử chúng ta rơi vào. Có thể chúng hù dọa làm chúng ta hoảng loạn.  Có thể chúng ru êm khiến chúng ta mơ ngủ. Thủ đoạn là không cùng, có thể khó lường. Vấn đề là chúng ta có nhận ra chúng mưu mô những gì, thủ đoạn ra sao, có cạm bẩy nào kẻ thù đang giăng ra, tháo gỡ thế nào. Hay chẳng nghĩ gì, hay ngất ngây thỏa mãn, hoặc ngây thơ tin tưởng để rồi một ngày kia chúng nó ung dung ngồi nhìn chúng ta ngã xuống?
Bình thường ai cũng lo làm ăn, mấy ai nghĩ về những chuyện đó. Nhưng nếu như ta có kẻ thù, nhất là kẻ thù truyền kiếp, thì không thể không lo.
Tự tôi không thù oán chi ai và cũng tin không ai thù oán chi mình. Chỉ bởi gần đây biển đông dậy sóng mà lo lắng suy tư. Xin nêu lên 5 điều mà tôi có thể hình dung ra được.

I.  Kẻ thù mong chúng ta kiêu căng tự mãn.
Chúng ta đã từng là người chiến thắng. Nhiều lần thắng xâm lăng. Gần đây lại thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Chúng ta có quyền tự hào. Nhưng chúng ta cũng rất dễ kiêu căng tự mãn. Và đấy là điều kẻ thù của chúng ta mong đợi.
Khi kiêu căng tự mãn thì ta không còn là ta nữa, mà là ai lâng lâng trên chín tầng mây, say sưa ngây ngất tự ngắm mình, tự ca ngợi mình, tung hô vỗ ngực tự sướng với mình; Thậm chí còn tưởng rằng mình vô địch, vĩnh viễn vô địch; Tự tách mình ra, trên cao lồng lộng, “mục hạ vô nhân”.
Cũng khi này, ta ảo tưởng rằng mọi việc sẽ êm xuôi, không gì không làm được. Chủ quan nảy sinh. Lại thêm nóng vội đi tắt đón đầu, bỏ qua quá độ, tiến thẳng một lèo, mà con đường thì chưa mở, thậm chí chưa rõ hướng nào, đến nỗi không ít sai lầm đã không tránh nỗi.
Khi kiêu căng tự mãn thì không còn khiêm tốn lắng nghe, không cần  học tập, rèn luyện tu dưỡng. Không còn khiêm tốn, ta tự đánh mất những người bạn thân nhất của mình, mất luôn sự ủng hộ của họ; Chúng ta cũng đánh mất luôn miền tin yêu của mọi người chung quanh, những người từng đi với mình, đồng cam cọng khổ, hy sinh chiến đấu vào sinh ra tử với mình.
 Cũng dễ mà từ đây tha hóa, tự khen tự thưởng cho mình; Tự cho mình có công trạng to lớn và có quyền thụ hưởng bổng lộc vô biên. Đã ở trên cao, lại hưởng lộc lớn, chẳng bao lâu anh cách xa đồng chí đồng đội đồng bào. Anh lẻ loi đơn độc với phần đông lương thiện. Chung quanh anh chỉ còn bọn xu thời bợ đỡ, bọn cơ hội thực dụng vô lương.
Chỉ với bấy nhiêu kiêu căng tự mãn cũng đủ làm kẻ thù hỷ hả.

II. Kẻ thù mong cho chúng ta hèn đi.
Khi hèn đi thì chúng ta chỉ như bầy cừu, chỉ như đàn vịt. Vài con chó, hay một chiếc sào là đủ xua đi. Ta hèn khi ta không đủ tự tin, khi chúng ta luôn nơm nớp sợ hãi, dù không rõ hãi ai, hay sợ cái gì. Nếu sợ hãi tới mức đông cứng mọi ý nghĩ, không còn tư duy suy luận gì được nữa, thì chỉ chút hơi may, một ánh lờ mờ, một câu bóng gió cũng đủ run lên bần bật.
Chúng ta đã từng sợ đến mức không còn tự tin để nói, để viết, không còn dám ngồi lại với nhau, hoặc đi cùng nhau trên phố, cùng hô một câu tỏ lòng yêu nước. Chúng ta sợ đến mức bịt mồn nhau, nếu có ai muốn nói.
 Chúng  ta từng thuộc lòng những câu không hiểu, và tiếp tục truyền những câu không hiểu cho nhau. Càng mù mờ, càng thiếu thông tin, càng không biết đằng nào phải trái, càng sợ nói sai, nói hớ. Càng ngậm miệng, càng phải nghe ai đó một chiều, lại càng thêm mù mịt.
Nỗi sợ mơ hồ như là sợ ma, hơn cả ma, vì là có thực, có thực mà không nhìn thấy gì thì càng thêm sợ. Cái sợ ngoài đời ngấm vào trong học thuật, cả trong khoa học, làm cho học thuật không còn học thuật, khoa học không còn khoa học, chỉ còn là thứ minh họa tầm thường. Những cái đó không giúp chúng ta sáng ra mà còn làm cho mịt mù rối rắm và mò mẫm tối tăm hơn.
Nỗi sợ hãi không lý giải được càng làm tăng thêm sợ hãi. Đấy chính là ý muốn của kẻ thù. Khi sợ hãi đã thành ý thức thường trực thì khả năng phản kháng triệt tiêu. Trước kẻ thù chúng ta bị hoàn toàn tê liệt.
Làm sao mà nên nỗi ấy, khi dân tộc này từng bao lần thắng xâm lăng. Làm sao hèn thế khi vừa đánh bại hai đế quốc to. Hay là chúng ta sợ chính mình, chúng ta tự hù dọa mình, tự ám ảnh mình. Hay là chúng ta sợ lẫn nhau, sợ ngay người trong nhà, sợ luôn đồng chí. Hay trong chúng ta có kẻ rắp tâm hãm hại người khác, hãm hại đồng bào. Có kẻ nào cố ngoi lên mà tìm mọi cách dìm người mình xuống.
Có thể có nỗi sợ hãi được nhập ngoại nào không. Có đám mây nào từ xa bay vào che mờ ánh mặt trời. Có tà thuyết, tà đạo nào chăng. Nhiều điều cần làm sáng tỏ, bởi dân mình vốn không hèn như vậy, dân tộc mình càng không hèn như vậy.
 16-6-2011                 Còn nữa.

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

VỀ ĐỔI MỚI VÀ BẤT BIẾN

      Trong khoa học có nhiều phương pháp, nhiều con đường khác nhau để tiếp cận chân lý. Có hai phương pháp phổ biến nhất. Một là từ thực nghiệm hoặc từ thực tế khách quan mà phân tích, tổng hợp rồi tìm ra quy luật, tìm ra chân lý. Hai là thừa nhận các khái niệm cơ bản (không định nghĩa) và các tiên đề cơ bản (không chứng minh), rồi dùng suy luận logic mà tìm ra các chân lý mới.
      Rất hay là những phương pháp này không bài xích, không loại trừ lẫn nhau mà thường bổ sung cho nhau trong quá trình tìm hiểu sự vật và tiếp cận chân lý. Và ngay trong cùng một phương pháp, những phép thử trái nhau hoặc các giả thuyết ngược nhau cũng không hề loại trừ nhau mà song song tồn tại, thậm chí đều đúng, đều là chân lý. (Như hình học Ơclit và hình học phi Ơclit; Như cơ học Niu tơn và thuyết tương đối Anh xtanh). Đương nhiên mỗi định đề có một miền nghiệm đúng riêng nó, và mỗi lý thuyết cũng có những mô hình nghiệm đúng của riêng mình.
      Có một phương pháp thứ ba ít phổ biến, ít được vận dụng hơn nhưng không phải vì thế mà kém tin cậy về mặt khoa học hoặc khó ứng dụng về mặt thực tiễn. Đó là phương pháp bất biến.
      Chúng ta biết rằng các sự vật luôn vận động, luôn biến đổi. Và thường chúng ta chỉ nhìn nhận sự vật theo một chiều như vậy. Thực ra mọi sự vận động đều chứa đựng hai trạng thái hỗn độn và trật tự. Trật tự cho phép duy trì một hình thái hay một tính chất của chính sự vật đó và nhờ thế nó mới chính là nó. Còn hỗn độn là động lực của vận động, hơn thế, còn là “sinh khí” của tồn tại. Và như vậy, mọi sự vật, kể cả cuộc sống của chúng ta, luôn chứa đựng các yếu tố biến và bất biến.
      Động thì dễ gây chú ý hơn tĩnh. Biến dễ thấy hơn bất biến. Bởi vậy chúng ta thường quan tâm tới cái biến mà bỏ qua cái bất biến. Dẫu vậy, bất biến vẫn tồn tại và phương pháp bất biến vẫn được áp dụng đó đây.
      Dễ nhận thấy nhất là trong toán học. Hình học đã áp dung phương pháp này và thu được những kết quả bất ngờ. Những gì chịu sự biến đổi rồi mà vẫn bất biến, ấy là cái còn lại, là chân lý cuối cùng. Và lạ lùng thay, bất biến của phép dời chính là hình học Ơclit mà mỗi chúng ta đều biết.
        Còn trong thực tiễn cách mạng nước ta, bác Hồ cũng đã từng căn dặn “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Và chính Người cùng các học trò lỗi lạc của mình đã áp dụng phương pháp này một cách tài tình để đạt được những thành tựu rực rỡ, những thắng lợi vẻ vang.
     
     Chúng ta có ba cách khác nhau để vận dụng phương pháp bất biến. Một là: chỉ ra phép biến đổi và đối tượng biến đổi rồi mới tìm ra các bất biến của nó như từng làm với hình học. Những bất biến này có thể là khái niệm, cũng có thể là tính chất. Tập hợp tất cả các khái niệm và tính chất bất biến đó lại ta có nội dung của học thuyết tương ứng.
      Hai là: trong muôn vàn hình thái biến đổi của sự vật, hãy lựa chọn những biến đổi theo hướng định trước và tìm cách tác động sao cho các các bất biến được bảo toàn. Chẳng hạn, trong nông nghiệp việc tạo giống mới cho năng suất cao nhưng vẫn giữ được phẩm chất của nông sản là một thí dụ về việc vận dụng phương thức ấy.
      Ba là: tìm kiếm một cơ chế thích ứng khả dĩ có thể hóa giải được mọi biến đổi có thể xảy ra đối với một sự vật trong ngưỡng nào đó mà vẫn giữ được các bất biến của nó. Ví như một chiếc xe, cần có hệ thống điều khiển và hệ thống giảm chấn linh hoạt và hiệu quả để có thể vận hành an toàn trên mọi địa hình, trong mọi hoàn cảnh giao thông mà vẫn bảo toàn cấu trúc của nó.
      Tóm lại, phương thức một là chọn phép biến rồi mới tìm bất biến của nó; phương thức hai là chọn mục đích biến rồi mới tìm cách biến phù hợp; phương thức ba là chọn bất biến rồi mới tìm cơ chế để ứng vạn biến.
     Có nhiều lựa chọn phương thức như vậy là một thuận lợi để triển khai tìm hiểu về bất biến. Trong khi biến và bất biến hiện diện khắp mọi nơi, mọi lúc, trong mọi sự vật, trong mọi lĩnh vực, kể cả trong đời sống xã hội, vậy thì chẳng có lý gì chúng ta lại hờ hững bỏ qua. Bất biến nhiều khi còn có thể là tinh hoa, là cốt cách, là khí phách bất tử, là vàng ròng đã qua thử lửa, bởi vậy càng phải để tâm tìm hiểu.
       Phương pháp bất biến còn là một công cụ, một cách ứng xử hợp lý. Nhớ lại lời của Bác: “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong lúc hiểm nghèo càng thấy bất biến giá trị nhường nào.
     Làm cách mạng là thực hiện một cuộc đại biến đổi. Nhưng đại biến đổi không phải là đại hỗn độn, cũng không phải là đại phủ định. Ngược lại, cách mạng là thực thi biến đổi theo quy luật, vào đúng thời điểm sự biến đổi về lượng dẫn tới biến đổi về chất. Nhưng không phải mọi điều đều biến đổi hết, mà là trong cái hừng hực khí thế ấy, trong sự biến đổi vĩ đại ấy vẫn còn lại những bất biến. Đó là truyền thống, là tinh hoa của văn hiến bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước; đó là khối đại đoàn kết toàn dân tộc không gì phá vỡ nổi, là tính độc lập tự chủ thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, là chân lý bất biến tối hậu: “nước Việt nam là một, dân tộc Việt nam là một”…Chúng ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, đã đánh thắng hai đế quốc to, cốt lõi là nhờ đã giữ vững và vận dụng những bất biến đó.
    
    Sau đại thắng mùa xuân 1975 chúng ta tiến hành cuộc cách mạng XHCN trên cả nước. Thực chất là thực thi một cuộc đại biến đổi có định hướng và hợp quy luật. Đó là ý chí và nguyện vọng của chúng ta. Nhưng không phải lúc nào và ở đâu chúng ta cũng tìm ra quy luật và không phải lúc nào chúng ta cũng định hướng đúng. Những năm tháng “chủ quan nóng vội duy ý chí” đã chỉ rõ điều đó.
      Rất may là chúng ta đã kịp thời đổi mới và cuộc đổi mới này mới thật là cuộc đại biến đổi so với những tháng năm cách mạng XHCN một cách trì trệ trước đây (1975-1985). Nông nghiệp, nhờ áp dụng khoán hộ mà ổn định lương thực, tiến tới xuất khẩu. Thương mại, dịch vụ nhờ cơ chế thị trường (mặc dù mới manh nha) mà có bước phát triển. Bưu chính viễn thông nhờ đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực mà có bước đột phá. Trong khi đó y tế, giáo dục hầu như không tìm ra phếp biến đổi gì hữu hiệu. Còn hệ thống hành chính thì chậm đổi mới nhất và có thể còn nhiều tiêu cực nhất vì hầu như chưa có biện pháp gì thực sự khả thi.
      Cái được và cái chưa được như đã dẫn ở trên cho thấy dù đã có những thành công bước đầu nhưng chúng ta vẫn còn bị động lúng túng trong việc tìm ra những phương cách biến đổi có tính chiến lược để thúc đẩy mọi mặt đời sống, kinh tế- xã hội phát triển bền vững. Có vẻ như chúng ta còn thiếu một hệ thống lý luận, một học thuyết cách mạng để đưa cả nước tiên lên CNXH. Chúng ta có thể xây dựng hệ thống đó bằng phương pháp tiên đề được không, ví như hệ thống giáo lý rộng mở mênh mông mà chặt chẽ tuyệt vời của đạo Phật chẳng hạn. Đây là việc hệ trọng và rất khó, không thể có ngay một sớm một chiều. Trong khi chờ đợi một học thuyết như vậy, chúng ta có thể vận dụng phương pháp bất biến để tìm một đường lối thích hợp cho công cuộc đổi mới hiện nay.
    Chúng tôi xin đề xuất một đề cương giản lược:
   1.- Tập hợp các đối tượng chịu tác động của biến đổi là tất cả vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo và thềm lục địa nước nhà; là toàn thể đồng bào ta với 54 dân tộc anh em; là hệ thống chính trị và nền kinh tế; là toàn bộ cơ sở hạ tầng và nền văn hóa của chúng ta; là các mối quan hệ với các quốc gia và các dân tộc khác trên toàn thế giới.
   2.- Tập hợp các bất biến tuyệt đối, đó là chủ thể: đất nước ta, nhân dân ta; là sự thống nhất và toàn vẹn: “đất nước ta là một, dân tộc ta là một”; là thể chế chính trị: dân chủ cộng hòa; là mục tiêu: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc; là bản sắc dân tộc: văn hiến Việt nam; là quan hệ quốc tế: độc lâp, tự chủ và hợp tác hội nhập.
       Ngoài những bất biến tuyệt đối có thể có những bất biến tương đối có tính sách lược tùy thuộc thời điểm.
    3.- Mục tiêu biến đổi: dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh.
    4.- Động lực biến đổi: là tất cả các nguồn nội lực được giải phóng và khơi dậy tối đa; là thu hút các nguồn ngoại lực; là hợp tác quốc tế và là thuận theo xu thế thời đại.
     5.- Phương thức biến đổi: chấp nhận mọi phép biến đổi bảo toàn bất biến và hướng tới mục tiêu. Các phép biến đổi khác không thỏa mãn các yêu cầu trên đều phải loại trừ.
     Thực tiễn những năm qua cho thấy chúng ta đã chọn lựa được những chủ trương chính sách, cũng là những phép biến, để tạo ra được những đột phá tiệm cận mục tiêu hoặc đã có những cơ chế để ứng vạn biến mà vẫn bảo toàn bất biến cơ bản. Hy vọng trong tương lai gần, với công sức và trí tuệ toàn dân, với những quyết sách đúng đắn và sáng tạo của đảng chúng ta sẽ tìm ra các phép biến đổi có sức tác động mạnh mẽ hơn nữa nhằm xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

            Nhân đây tôi xin bàn thêm một chút về một tính chất mà ta đã thừa nhận như một bất biến, đó là: Vai trò tiên phong cách mạng của giai cấp công nhân.
    Chúng ta đều biết giai cấp công nhân có những ưu  điểm cơ bản để có thể là giai cấp đại diện cho lực lượng tiến bộ nhất và cách mạng nhất. Nhờ thế giai cấp công nhân và chính đảng của nó xứng đáng là người lãnh đạo cuộc cách mạng xóa bỏ áp bức bóc lột, lật đổ phong kiến, đánh bại đế quốc.
     Nhưng chúng tôi nghĩ rằng để kiến tạo xã hội mới với sức sản xuất và quan hệ sản xuất mới thì giai cấp công nhân còn thiếu một tâm thế làm chủ. Điều này không phải là lỗi của họ mà là một tồn tại lịch sử. Bởi công nhân nước ta phần lớn là nông dân bị bần cùng hóa, họ chỉ còn cách làm thuê cho tư bản để kiếm sống. Rồi từ năm này qua năm khác, đời này qua đời khác trong họ hình thành tư tưởng làm thuê. Biểu hiện của tư tưởng này là sự thụ động chỉ đâu đánh đó, là sự thiếu nỗ lực, thiếu chủ động sáng tạo, là tâm lý dè dặt sợ sệt đi kèm với thái độ bất mãn thậm chí chầy bửa và phá phách. Điều này là tất yếu thôi, vì họ bị áp bức, bị bóc lột, và họ không còn gì để mất.
     Chuyển sang chế độ mới họ không được chuẩn bị một tâm thế, một năng lực làm chủ từ đầu. Họ vẫn thấy mình chỉ là người làm công ăn lương, không phải làm thuê cho ông chủ tư nhân thì cũng là làm thuê cho ông giám đốc nhà nước. Còn ông giám đốc thì ban đầu cũng từ công nhân mà lên, cũng là đồng chí, về sau thì thành sếp, thành ông chủ, rồi thành đai gia lúc nào không hay. Các nhân viên công quyền cũng thế. Rồi tha hóa biến chất diễn ra làm cho người có quyền càng ra vẻ ông chủ hơn, còn người công nhân thì càng nặng nề tâm lý làm thuê hơn. Trong các liên doanh hiện nay điều này càng rõ nét hơn nữa.
     Không làm chủ còn ở chỗ luôn chịu sự lãnh đạo chăn dắt của người khác từ đường đi nước bước đến tư tưởng, nghĩ suy, yêu ghét...Lâu dần họ mất hết tư duy độc lập, mất dần sự tự tin, mất dần tính sáng tạo. Khi đó họ không còn là động lực của CM.
     Đáng ra chúng ta phải chuẩn bị tâm thế làm chủ cho công nhân ngay từ khi giành được chính quyền. Nhưng chúng ta đã chậm làm điều đó. Với nông dân cũng vậy. Đó có vẻ là những lỗ hổng lý luận. Khi trở lại khoán hộ, chúng ta đã khắc phục được phần nào lỗ hổng ấy. Đấy là với nông dân, nông thôn. Còn với công nhân, công nghiệp thì sao?...
     Chỉ khi nào công nhân có đủ tâm thế của người làm chủ thì khi đó công nhân với chính đảng của nó mới có thể lãnh đạo và thực thi công cuộc xây dựng chế độ mới một cách vững vàng. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, mà về phía người lãnh đạo, người quản lý (hầu hết là cán bộ đảng viên), cũng phải có sự chuyển biến tâm thế. Từ tâm thế bề trên kẻ cả sang tâm thế đồng chí đồng sự. Điều đó chỉ có được khi chúng ta xóa bỏ đặc quyên đặc lợi, kể cả đặc quyền chính trị, đông thời không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực để thực sự xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
     Đảng không nên độc quyền chính trị vì đảng tôn trọng nhân dân, tôn trọng giá trị thiêng liêng “không có gì quý hơn độc lập tự do”, không chỉ cho toàn dân tộc mà còn cho mỗi một người dân. Sự tôn trọng đó là một trong những yếu tố cơ bản để đảng giành được sự ủng hộ của toàn dân, để nhân dân tín nhiệm chọn đảng là đảng cầm quyền.
    Đảng không nên độc quyền chính trị còn vì đảng cần và phải đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, “không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt nghề nghiệp đảng phái…” đồng tâm xây dựng đất nước “thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
      Không độc quyền mà được toàn dân tin tưởng trao cho vị thế cầm quyền, đấy chính là phép màu của sự đổi mới tiếp theo. Chúng tôi tin tưởng như thế. Lịch sử đã chứng tỏ điều đó khi đảng ta lãnh đạo toàn dân “đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ” để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là bài học lịch sử vô giá cả về lý luận lẫn thực tiễn.
        Bất biến là một phương pháp, bất biến tuyệt đối là nguyên tác bất di bất dịch, mục tiêu là ước vọng, là lý tưởng của chúng ta, còn phép biến đổi thì vô vàn và chúng ta phải sáng suốt chọn lựa những biến đổi phù hợp để đảm bảo mục tiêu và bảo toàn bất biến. Đấy chính là công việc của những người vạch ra đường lối và các quyết sách. Đảng ta là đảng cầm quyền. Đảng ta chính là người được toàn dân tin tưởng giao cho trọng trách làm phép chọn lựa quyết định ấy. Đó chính là sinh mệnh chính trị của đảng.
                                                                                                                                   Ngày 28-2-2005.


(Bài này tôi đã gửi văn phòng số 1 Hùng Vương- Hà nội theo ngày ghi ở trên nhưng chưa có hồi âm, nay xin lên trang blog)

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Chơi chơi


Cuối tuần.
Lật qua mấy trang blog quen quen thấy một nét chung là chơi chơi. Chơi như ai chơi cờ, chơi bóng, chơi như ai chơi cây, chơi đá, chơi lũa…Nói chung là chơi cái đẹp, hay gọn hơn là chơi đẹp. Chơi cho mình đẹp, người đẹp, đời đẹp. Chơi cho đời trôi trong cái đẹp. Sao không.
Giá như ai ai cùng chơi chơi vậy cả thì đời đẹp lên biết mấy. Đời là cuộc chơi dài. Được mất riêng mình, rồi cũng chẳng để làm gì, chẳng mang đi được. Chỉ còn cái đẹp ở lại với đời, để lại lòng người, để chơi muôn sau.
Đã đi qua cuộc đời này, hãy chơi cho đẹp một lần, rồi thôi, không trở lại.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

MÂU THUẪN CỦA VIẾN ĐỔI


Trong lòng mỗi sự vất đều có mâu thuẩn và giữa các sự vật cũng có mâu thuẩn. Con người trước mỗi sự biến đổi có những mâu thuẩn gì vậy?
Ấy là mâu thuẩn giữa quán tính ( sức ì) của cái cũ và động lực tiến tới cái mới.
Là mâu thuẩn của trạng thái tâm lý giữa quen và lạ, giữa ghê và thích, giữa ghét và ham, giữa quyến luyến và sợ hãi…
Nhưng khi sự thay đổi đã diễn ra rồi thì con người cũng thay đổi theo, không còn là con người với những mâu thuẩn trước đó nữa. Có thể từ anh tá điền làm thuê nay là ông chủ. Trước nhút nhát sợ sệt, nay mạnh mẽ tự tin, thậm chí còn hống hách kiêu ngạo; Trước đói rách thèm khát, nay thừa mứa tham lam, thậm chí còn điên cuồng dục vọng; Trước cần lao, nay trưởng giả, có thể là đại quý tộc. Có thể chiều đổi thay đảo ngược. Cũng không ít kẻ đổi đi đổi về lại thành ra không đổi.
Cách mạng là cuộc đại biến đổi thì sự khác nhau giữa trước và sau càng rõ. Cũng là con người đó nhưng trước sau đã mâu thuẩn nhau rồi. Anh ta tự mâu thuẩn với mình. Đổi thay càng nhiều mâu thuẩn càng gay gắt. Và khi anh không còn là anh ta trước kia nữa, thì vai trò của anh trước kia cũng không còn. Trước làm thuê, nay làm chủ. Trước lãnh tụ, nay thường dân. Trước phất cao ngọn cờ, nay cầm đầu tham nhũng…
Đại biến đổi nhằm giải quyết mâu thuẩn này thì lại nẩy sinh mâu thuẩn khác. Đó không phải là lỗi của biến đổi. Cái đáng quan tâm là chính con người làm nên cuộc biến đổi ấy lại cũng bị biến đổi theo và đến một khi anh ta không còn là anh ta nữa, anh ta tự mâu thuẩn với mình, với tầng lớp đã sinh ra mình, với giai cấp gốc rễ của mình. Anh ta thành kẻ tiền hậu bất nhất. Cái này làm cho anh ta tự đánh mất đi niềm tin trong lòng mọi người. Anh ta trở thành đối tượng của chính mình ngày trước. Và đây chính là cái mất lớn nhất của sự biến đổi.
Bi kịch của đại biến đổi là nó biến một bộ phận, thường là bộ phận tích cực nhất, của lực lượng làm nên biến đổi, thành đối tượng của chính cuộc đại biến đổi đó.
Để tránh điều này, cái cốt lõi là phải tuân thủ các bất biến tối thượng, trước và trong khi tiến hành biến đổi.
Mâu thuẩn là tồn tại khách quan trong mỗi sự vật. Nhưng một lý thuyết thì không được phép tự mâu thuẩn. Tự mâu thuẩn, lý thuyết không còn là lý thuyết nữa..
3-6-2011

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Nỗi sợ hãi mơ hồ là có thực


Tôi chưa từng sợ kẻ trộm, kẻ cướp thì chưa gặp, có gặp cũng không sợ; Càng không sợ ma quỷ. Nhưng tôi đã từng bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi mơ hồ.
Mẹ tôi cũng đã từng lo: Con nói gì thì nói, viết gì thì viết nhưng đừng để mẹ phải sống một mình. Hồi ấy tôi có viết bài gửi báo Nhân dân, thỉnh thoảng thôi, không phải để đăng, mà để đến được trung ương đảng. Có bài gửi đi thì có hồi âm: “Chúng tôi đã nhận được…”; Có bài được cảm ơn: “Chúng tôi sẽ dùng…”; Có bài thì bặt tin. Có bài gửi đi, rồi sau đó trang bản thảo trong cuốn vở trên bàn bị xé mất, không biết vào lúc nào,  thế là bị ám ảnh. Không hẳn là lo hay là sợ, nhưng mà có cảm giác bất an, như thể thần hồn nát thần tính.
Thi thoảng tôi có làm thơ. Nhiều bài tôi không dám đọc chỗ  đông người,  tôi tự kiểm duyệt. Có bài đọc cho bạn nghe, nghe xong bạn gàn đừng gửi. Bởi thế thơ tôi chỉ để cho mình. Thân quen thì đọc trong nhóm nhỏ. Bài duy nhất được đăng trên báo người giáo viên nhân dân hồi 1988 là bài “ Đã có một thời như thế”. Thơ đã đăng rồi mà chính mình cũng lấy làm lạ. Cảm giác ở cái điểm ấy nó thế.
Hơn chục năm tước, mấy anh em tụ lại, lập câu lạc bộ thơ Hương quỳnh. In nội bộ mấy cuốn, tự biên tập, mà cũng ngài ngại những bài “nhạy cảm”, đành bỏ.
Một đời, tôi chỉ là anh phó thường dân, sống bằng bàn tay chai sạn của mình, không bị phụ thuộc vào ai mà còn ám ảnh vậy. Huống chi những người sống bằng viết lách, những người chức sắc ăn cơm chúa, mà sao không lo ngay ngáy vào cái sự “họa từ miệng, bệnh từ miệng”.
Lại nghe những ai trước đây mang án văn chương, đành nín lặng một đời, cứ thực thực hư hư, mờ mờ tỏ tỏ, mà ám ảnh mãi tới giờ. Ấy là không kể những kẻ hèn nhát xu thời vụ lợi, thì còn sợ hãi tới mức nào.
Mà nói thật lòng, cho tới tận bây giờ, tôi cũng không biết đích xác là mình sợ cái gì, kẻ đó là ai, chẳng lẽ lại sợ những kẻ hèn nhát hơn mình. Vô lý.
6-6-2011



Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Lặng lẽ đóng cọc Bạch đằng

     Trung quốc bấy lâu nấp sau 16 chữ vàng, nay đã lộ rõ ý đồ bành trướng và dã tâm xâm lược. Ông hàng xóm Trung hoa đã ôm mộng này từ ngàn năm trước nhưng bao cuộc xâm lăng đều bị đánh bại, nuốt hận mà hô 4 tốt mới đây. Chúng ta không còn lạ gì chuyện đó.
Vậy thì chúng ta đã biết, đã đề phòng, đã chuẩn bị. Chúng ta lặng lẽ xây dựng đường lối chiến lược, phương châm chỉ đạo sách lược, phương án tác chiến, kỹ thuật, chiến thuật. Chúng ta lặng lẽ chuẩn bị tinh thần và lực lượng, vạch sẵn đối sách, tính cách đánh giặc, giữ nước.
Chúng ta cũng lặng lẽ củng cố cơ sở pháp lý, phù hợp công pháp quốc tế; Lặng lẽ giao lưu mở rộng quan hệ ngoại giao, thêm bạn bớt thù.
Chúng ta lặng lẽ đóng cọc Bạch đằng, nhún nhường lặng lẽ đợi giặc vào sâu, lặng lẽ siết chặt gọng kìm, lặng lẽ phản công, để ngỏ một đường cho chúng tháo chạy.
Chiến thắng rồi chúng ta lặng lẽ thu quân, khao thưởng binh sĩ; Lặng lẽ trở về làm ăn sinh sống, ra khơi vào lộng, mở tình hòa hiếu bốn phương.
Biển đông lại bình yên như chưa từng dậy sóng.
                         *****
Chỉ có tấc lòng này không lặng được, phải thốt nên lời. Những người mang tầm chiến lược xin hãy lặng tờ, rắn như sắt lạnh. Còn nhiệt huyết muôn dân xin được tỏ bày và qyết tâm chống giặc ngoại xâm xin hãy cuồn cuộn dâng lên.

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Chỉ cần gài trước một câu


Khi xưa Vân Trường chém Nhan Lương , Văn Sú, làm Tào Tháo phải thốt lên: Tướng quân quả là một người thần.
Vân Trường bảo: Tôi có đáng gì. Chú em Trương Phi vào chốn vạn quân lấy đầu tướng địch như lấy vật trong túi.
Tháo nghe, cả sợ.
Câu này Vân Trường vô tình nói ra hay là La Quán Trung cố ý gài vào, không rõ, nhưng sau này chỉ cần Trương Phi một mình một ngựa đứng trên cầu Tràng bản cũng đủ làm Tào Tháo phải lui binh. Mới hay, một câu thôi, gài vào đúng lúc, cũng lợi hại ghê gớm lắm.
Huống chi, ngày nay người Tàu cài cắm khắp các cánh rừng thuê trồng 50 năm dọc theo biên giới, lại thêm người Tàu trên vùng cao bôxit Tây nguyên…không biết mai rồi hậu họa tới cỡ nào.
Khó lường thay! Khó thay!
8-6-2011

Say, nói chuyện rượu

Nhưng không nói công thức rượu. Nói về mùi rượu. Thích nhất là mùi lá chuối khô, mùi hèm ngấm trong con rùa gỗ, trong cần tre thôi ra. Là mùi  thăng hoa nếp cái hoa vàng, thăng hoa men cùng vô vàn vị thuốc quý. Là mùi vào men trên nong trên nia, là mùi ngâm ủ trong tro trong trấu. Có cả cái duyên và hương của người được cất lên cùng tinh túy giếng làng.
 Vị rượu cay nồng, có đắng, có chát, nhưng mà đừng ngọt đừng chua, không bùi không béo. Ở đời ai cũng sợ đắng cay, mà vào rượu đắng cay mới là hồn cốt. Đắng mà không kinh, cay mà không xóc, cay đắng mà êm, đằm, đọng, hồi lâu lại ngọt, ngọt tự trong mình, ngọt vào cho mình, ngọt đắng.
Tính rượu nóng ấm lan tỏa truyền dẫn; Đánh thức giác quan, khơi gợi ý tưởng, thăng hoa cảm xúc. Rượu làm đầu óc sáng láng, con mắt long lanh, sắc ngài rạng rỡ. Rượu giúp khí huyết lưu thông, săn gân mạnh cốt, đánh tan  mệt nhọc đời thường. Rượu là thuốc quý.
Bấy nhiêu về rượu mà sao không say, mà sao chưa say. Là bởi chưa biết cùng ai để thưởng. Rượu phải có bạn, không bạn rượu là thuốc độc. Có bạn thì cùng nhâm nhi. Nhâm nhi để thưởng được rượu, để nhận biết tận cùng hương vị của rượu, để quý giá trị của rượu, để nhận thêm vui buồn của bạn của mình của đời vào cùng với rượu. Có bạn, để không uống rượu, mà để cùng thưởng rượu với những điều như rượu.
Những điều như rượu là trăng, thơ, nhạc, họa, là câu nói tự đáy lòng, là tình trong ánh mắt, là nghĩa khí nắm chặt bàn tay, là điều không diễn bằng lời, là im lặng, nhìn nhau mà say.
Say được vậy thì rượu không còn là rượu nữa. Dẫu có say cũng không phải là say rượu nữa.

*****

         Nhân có được ngày nghỉ cuối tuần mà đưa chuyện lai rai, mời bạn ghé qua cùng nâng chén. Chúc mọi người sức khỏe, vạn sự tốt lành.  Giá trị đích thực của cuộc đời là say: say công việc, say em, say men. Không say một mình. Say mà say tỉnh.

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Cầm đèn chạy trước

 1.Cái sự phản đối Trung quốc xâm lấn lãnh hải đã được các bloger lên tiếng rất nhanh, quyết liệt, hừng hực ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đến khi bộ ngoại giao, bộ quốc phòng, rồi thủ tướng, rồi chủ tịch nước lên tiếng mạnh mẽ, cứng rắn, thì hóa ra các bloger đã cầm đèn chạy trước ô tô.
2. Câu chuyện các trang mạng phản đối phát sóng phim “Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng long” thì lại khác.  Khác ở chỗ là bộ văn hóa thông tin và du lịch chẳng nói năng gì, mấy lần đều thế, lặng lễ rút chương trình phát sóng trước sức ép của dư luận. Quả này thì các bloger cầm đèn đi trước xe trâu.
3. Vấn đề chốt lại là các bloger phải biết đâu là ô tô, đâu là xe trâu, để mà cầm đèn đi trước. Nhưng cũng có chút oái oăm là nếu không chạy trước thì làm sao biết được xe gì. Thành thử, không thể cứ đợi cho qua, bloger lại phải cầm đèn chạy trước.

 

MÌNH VỀ LỀU CỎ


Anh bạn thương mình ở trong lều cỏ, gửi cho chai rượu Ngọc linh, chế từ sâm quý. Mình bảo: Hôm nào cậu rỗi, tới, anh em mình nhâm nhi.
- Rượu ấy không uống được nhiều, mỗi tối anh làm một ly, bồi bổ sức khỏe.
- Một mình, tớ không uống được.
- Rượu bổ mà anh.
- Biết rồi, bổ cũng vậy. Một mình, không uống được.

Con cái chúng nó bảo: Ai cũng như ba thì người ta sản xuất ra bán cho ai, hàng hóa ế ẩm hết.
Con cái không dám nói hết lời, chứ cái đà này mà nói cho cùng, không khéo mình còn mang tội kìm hãm sức sản xuất, tạo ra thất nghiệp, đói khổ và bao nhiêu tội khác.
Thôi thì, tốt nhất là: Nép sang bên đường , mình về lều cỏ.

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Cái ghẻ ngoài da


Cái ghẻ ngoài da, có người nhìn thấy đã sợ, có người mắc rồi vẫn kệ, ngứa thì gãi, có gì ghê gớm đâu, có người thận trọng mua thuốc về chữa.
Cái sự ngoại bang gây rối ngoài biển đông, hay thuê đất rừng dọc theo biên giới, hay boxit Tây nguyên, đối với dân ta cũng vậy. Có người xem như ghẻ ngoài da, nhưng bôi thuốc – không bôi thuốc – cả bôi cả uống, thậm chí vào bệnh viện, thì mỗi người một khác. Có người nghiêm trọng hơn, nghĩ: Không chừng ghẻ cả trong tim trong phổi, ghẻ lên tận óc thì sao? Người khác thì lại bảo: Vệ sinh thân thể cho tốt, tăng cường đề kháng, nâng cao thể trạng, phòng bệnh từ xa, chẳng có gì phải sợ cả.
Từ cái ghẻ ngoài da mà liên tưởng ra vậy, khập khiểng quá đi. Biết thế, nhưng mà ngứa, muốn gãi, bức xúc quá, phải nói. Chưa tìm ra cách nào để nói trúng hơn, đành phải mượn cái ghẻ. Mong bà con xem đâu bỏ đó.

Mượn oai hùm

Hồi xưa, thỉnh thoảng được nghe thời sự. Báo cáo viên (BCV) gọi các vị trên cao là anh Ba, anh Tư. Chúng tôi nghe vừa lạ, vừa nể vừa kinh anh BCV.
Có vẻ như họ quen thân với các vị ấy. Không thì cấp trên của họ cũng thân quen. Nghe cấp trên gọi thế, họ cũng học theo gọi thế.
Cũng có vẻ như các vị ấy tác phong quần chúng lắm, dễ gần dễ mến, không quan cách khách sáo, bổ bả anh anh em em ngay với cả mấy anh BCV huyện tỉnh. Thành nhờn.
Cũng có thể hoàn toàn không phải vậy. Chỉ có mấy anh BCV muốn làm ra vẻ ta đây gần gũi lãnh đạo, có uy có thế, có vai có vế, mới mượn oai hùm mà nói thế thôi.
Khốn thay cái đám ngu dại chúng tôi ngày ấy cứ há hốc mồn nghe như nuốt từng lời, để sướng trong lòng, để đê mê nghĩ về một ngày mai tươi sáng, mà không chừng các anh ấy nói sai cả ý lãnh đạo cũng nên.

Bây giờ, phương tiện truyền thông phát triển rồi, hay là thế này: Các vị trên cao muốn truyền đạt điều gì thì cứ nói thẳng với dân, dân nghe hiểu liền à, rồi dân trực tiếp thực hiện, khỏi phiền mấy anh trung gian làm BCV, làm PNV. 

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Muốn nói như không nói

Từ lâu lắm rồi, đã mấy chục năm, tự nhủ lòng: Nói càng ít càng tốt. Lại cũng có khi ngộ ra: …Học dần lặng im/ Lặng im đi tìm/ Đạo của riêng mình.
Hằng ngày vẫn xem thời sự, vẫn vào mạng tìm tin tức, vẫn chưa thể thoát ra ngoài nhịp thở cuộc sống. Vẫn cần nghe, cần đọc, cần biết. Vậy thì, vẫn cần ai đó nói, cần ai đó viết, cần ai đó chỉ bảo cho mình.
Vậy sao mình không nói, không viết, không chỉ dẫn cho ai cả? Chẳng hóa ra mình ích kỷ? Hay là mình ngu, mình hèn.
Không biết mình là gì, là ngu hèn hay ích kỷ, thì hãy cứ nói ra, cho lộ cái ngu cái hèn, rồi mà sửa; cho biết sẻ chia, cho bớt ích kỷ, có tốt hơn không?
Nghĩ được vậy mới nhờ con lập cái blog thật đơn sơ này. Nhưng trong bụng thì vẫn muốn “nói như không nói”. Không biết có nói được vậy không.

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Chùm thơ tặng bạn




Mà đi
                Thân tặng anh Hộ
Đôi vai của anh gầy
Gánh đời đặt lên nặng
Anh muốn đứng thật thẳng
Mà đi

Đường thì lắm gập ghềnh
Trời còn mờ mịt tối
Anh muốn là người mở lối
Mà đi

Biết chẳng thể nào ngăn anh
Tin là anh tìm được đích
Cầu mong anh đủ sức
Mà đi




Tình người

                                     Thân tặng ĐVT

Tình người lên men trong suốt tháng năm ta sống bên nhau
Giờ chí tay men bốc thành rượu mạnh
Ta cùng người uống trọn và say
Đời cần tỉnh táo nhiều nhưng chén tình người xin đừng để cho vơi


Duyên nợ

                        Thân tặng bác Nhuận

Duyên nợ một đời anh với thiếc
Niềm vui xen lẫn nỗi gian truân
Để đến một chiều trong lẻ chiếc
Bên đồi ngơ ngẩn nhớ giai nhân




Xem ảnh

                   Thân tặng anh NLC

Hé môi mà không phải cười
Trong mắt hình như đang khóc
Muốn say mà không uống được
Nghiêng bầu rượu rót sang thơ



Nhân họa

                      Kính tặng NVL

Khéo đưa nét bút họa hình
Tài hoa nắm bắt tinh anh cái thần
Đằm sau màu mực là tâm
Điều còn đọng mãi tháng năm là tình



Tứ hỉ
                      Thân tặng Long

Một mừng con gái giống cha
Hai mừng đoạt giai nhất nhà đẹp trai
Ba mừng bố vợ tương lai
Bốn mừng cháu ngoại một mai cháu mình.



Thăm thẳm

                        Thân tặng Tạ Văn Hoạt

Thăm thẳm nỗi buồn trong ánh mắt
Và những niềm đau
Sau lằn môi mím chặt
Ưu tư anh nghĩ về đời
Về thơ
Và về một khoảng trời
Vành vạnh
Trăng
Soi