Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

"Đã có đảng và nhà nước lo" - đôi điều nghĩ lại


Từ hồi có biểu tình chống Trung quốc gây hấn biển Đông, cụm từ “Đã có đảng và nhà nước lo” được xuất hiện nhiều lần. Tôi cũng được nghe nhiều lần, nhất là hôm bị bắt về CA Mỹ đình, và đêm qua, sáng nay khi CA khu vực và cán bộ địa phương tới thăm nhà. Đêm nay, như đã hẹn, tôi lại đến thăm đáp lễ bác tổ trưởng dân phố. Câu chuyện vẫn xoay quanh vấn đề này, nhưng đã nhẹ nhàng đi rất nhiều bởi sự đồng cảm của những người cùng thế hệ và là những người hàng xóm láng giềng. Bây giờ nghĩ lại, tôi nhận ra rằng:
1. Hầu hết những người đã nói với tôi câu: ”Đã có đảng và nhà nước lo” đều không biết câu ấy xuất phát từ đâu, do ai nói, vào dịp nào, ở đâu. Cũng  không ai biết có văn bản chỉ thị thông tư gì về việc ấy. Càng không có ai ký và đóng dấu ban hành câu nói nổi tiếng này. Nhưng câu nói ấy có sức mạnh. Nó được đưa ra nhằm ngăn chặn mọi người dân lên tiếng về những  băn khoăn lo lắng, bức xúc của mình trước việc Trung quốc gây hấn biển Đông, trước việc lao động thủ công Trung quốc tràn vào Việt nam bất hợp pháp, trước việc Trung quốc tập trận gần biên giới, trước chuyện Trung quốc thuê rừng đầu nguồn .v.v… Và nó cũng được dùng để biện minh cho việc bắt giữ những người biểu tình ôn hòa trong những ngày vừa qua ở Hà nội.
2. Câu nói: “Đã có đảng và nhà nước lo” còn thể hiện rõ thái độ thiếu tôn trọng và không tin tưởng vào quần chúng nhân dân. Chúng ta đã nhiều lần nói về vai trò quần chúng nhân dân trong lịch sử. Chúng ta cũng đã xác quyết chính thể “của dân do dân vì dân”, nhưng câu nói trên đây đã lại phủ định hoàn toàn việc đó. Không những không tin vào dân mà còn nghi ngờ dân, quy chụp võ đoán đối với dân, thậm chí bôi nhọ cả những người trí thức lớn và cả những bậc lão thành cách mạng ủng hộ biểu tình.
3. Đồng ý rằng việc lớn của quốc gia thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng như thế không có nghĩa là người dân không có quyền hạn và trách nhiệm gì trước vận mệnh của quốc gia dân tộc. Không có điều khoản nào của hiến pháp bảo rằng dân chúng không được lo nghĩ cho nước cho nhà. Ngược lại, càng đáng lo hơn khi nhà cầm quyền Trung quốc càng ngày càng gia tăng áp lực mà về phía ta vẫn lặng tờ, không phản ứng, không thông tin, không định hướng dư luận. Càng lo hơn khi ta đã mất Hoàng sa, mất một phần Trường sa, mất cả máu xương người Việt mà không công khai lên tiếng phản đối. Càng đáng lo hơn nữa khi những người biểu tình ôn hòa chống Trung quốc gây hấn biển Đông lại bị đàn áp, bắt bớ, bôi nhọ.
4. Ai sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước lịch sử về câu nói nổi tiếng: “Đã có đảng và nhà nước lo”. Đây là một trong những câu nói chủ quan và thiếu trách nhiệm nhất, được truyền từ người này sang người khác, từ cấp này qua cấp khác. Đã có nhiều sai lầm của một thời “Chủ quan nóng vội duy ý chí”, cho đến bây giờ vẫn không thể nói là ai phải chịu trách nhiệm, cũng như chưa một ai công khai nhận trách nhiệm. Vậy thì câu nói giữa trời này ai sẽ chịu đây? Ngoài dân?
5. Câu nói này chắc chắn không phải của đảng, vì đảng không bao giờ phát ngôn không chính danh như vậy. Cũng vì đảng là từ dân mà ra, đảng của nhân dân lao khổ, đảng tin dân, đảng đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân, đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân và của dân tộc. Đảng lãnh đạo, dân thực hiện, chẳng nhẽ trước họa xâm lăng dân ngồi nhìn để đấy đảng lo đảng làm hết thảy.
6. Có chăng một thế lực ngầm đứng ngoài nhà nước, thậm chí đứng trên nhà nước chỉ đạo phát ngôn: "đã có đảng và nhà nước lo" này. Thế lực này không chính danh, không có chữ ký, không có con dấu, không tuân thủ hiến pháp và cũng không theo các công ước quốc tế mà Việt nam đã tham gia. Thế lực này vô hiệu hóa cả tuyên bố của Trung tướng – Giám đốc công an Hà nội về biểu tình ôn hòa biểu thị lòng yêu nước, và chủ trương CA Hà nôi không đàn áp người biểu tình yêu nước. Thế lực này gây hoang mang trong dân chúng và hạ thấp uy tín của nhà nước, của chính thể.
Sau bao nhiêu sự kiện dồn dập của một tuần căng thẳng, cái đầu già nua của tôi chỉ có thể nghĩ ngợi được bấy nhiêu thôi. Mà với bấy nhiêu, chưa đủ lý giải cho mình an lòng, nói chi để cho mình vui vẻ. May sao cũng biết được rằng mình đang tồn tại.

TÔI CÓ VỆ SĨ

Sáng nay (28-8) vợ chồng tôi dự định đi thăm người nhà ở trên phố. Sắp xếp cả rồi. Dắt xe ra cửa thì bác tổ trưởng dân phố cùng hai vị khách vừa tới. Chào nhau, ý khách rằng muốn vào nhà thưa chuyện. Tôi mời vào nhà. Bác tổ trưởng dân phố giới thiệu: Chị Hà – phó chủ tịch phường; anh Niên cán bộ mặt trận.
Chị Hà nhã nhặn thăm hỏi gia đình, xem đây là việc thường xuyên của cán bộ cơ sở. Quý hóa quá. Sau nữa là đề xuất việc tôi đi biểu tình hôm 22 tháng 8. Tôi phải đính chính: chủ nhật 21 tháng 8. Nội dung câu chuyện của chị Hà vẫn xoay quanh việc đã có đảng và nhà nước lo, bác già rồi cứ nghỉ ngơi thanh thản, làm thơ, đi bộ… Chỉ thiếu kê cao đầu mà ngủ.
Chuyện trò hồi lâu, chúng tôi khá hiểu nhau, bắt tay hẹn dịp sau vui vẻ đàm đạo tiếp. Tiễn khách. Vợ chồng tôi ra đường theo kế hoạch. Tôi thấy ngay vệ sĩ kính đen đang chờ. Vệ sĩ hỏi: cô chú đi đâu. À quên, đáng ra vệ sĩ phải xưng mình là ai trước khi ra câu hỏi. Mà thôi, bỏ qua. – Cô chú lên phố thăm người nhà.
Vợ tôi bảo ghé qua chợ. Vệ sĩ cũng vào chợ. Chúng tôi vào nhà chú em uống cà phê sáng, vệ sĩ đứng chờ. Chúng tôi lên Ba đình, rẽ phố Điện biên phủ, vệ sĩ bám theo. Chúng tôi sang Trần phú, vào ngõ…vệ sĩ đứng chờ ngoài ngõ, tiện thể trông xe hộ chúng tôi luôn. Lúc sau nhà tôi đưa nước ra mời, bảo: Cháu về đi, cô chú ở lại ăn cơm trưa trên này, cháu đừng đợi.
Vệ sĩ bảo sau 11 giờ cháu mới được về.
Tội thế! Kinh tế đang suy thoái, lạm phát tăng nhanh, lại hành nhau thế này, có khổ cháu tôi không?

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Những điều tôi muốn nói với tổ trưởng dân phố và CA khu vực


Hiến chương nhân quyền LHQ:

ĐIỀU 1: Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu.

ĐIỀU 5: Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm

ĐIỀU 9: Không ai bị bắt, giam giữ hay đày đi nơi khác một cách độc đoán.

ĐIỀU 11: Mọi người, nếu bị quy tội hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi một toà án công khai, nơi người đó đã có được tất cả những đảm bảo cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội trạng của người đó dựa trên cơ sở luật pháp.

ĐIỀU 12: Không ai bị can thiệp một cách độc đoán đối với cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hay thư tín của cá nhân người đó cũng như không bị xâm phạm tới danh dự và uy tín. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ chống lại những hành vi can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.

ĐIỀU 19: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, tryền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.

ĐIỀU 30: Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này.

Liên Hiệp Quốc, ngày 10 tháng 12 năm 1948

**
"Điều 69 hiến pháp 1992:

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật."



**
Khẳng định một cách đanh thép qua tuyên bố của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc công an Hà Nội: “Đây là những cuộc biểu tình yêu nước”.

**
Đây là những điều tôi muốn nói với tổ trưởng dân phố và CA khu vực khi đến nhắc tôi không nên đi biểu tình chống Trung quốc gây hấn biển Đông, vào đêm nay, 27-8-2011.

HUẤN LUYỆN CHƯƠNG

Mẹ đi về trời, về với tổ tiên, về với ba, với em, mới đó mà đã gần một năm rồi. Con nhớ mẹ. Con ghi lại đây bài “Huấn luyện chương" mà mẹ đã đọc cho con chép lại hồi nào.

Huấn luyện chương

              Ghi theo lời mẹ

Cách mạng đồng chí
Huấn luyện mấy chương
Xin chớ xem thường
Phải ghi vào dạ

Thơ từ giấy má
Hình ảnh thiếp danh
Chớ để trong mình
Phòng khi khám xét

Lúc vào công việc
Phải biết phòng xa
Gặp người hỏi tra
Ta không lung túng

Đi ra công chúng
Gặp bạn chớ chào
To tiếng hỏi nhau
Là điều bất tiện

Thơ từ bí kín
Cất đặt có nơi
Khám xét tìm tòi
Phải phòng từng tí

Phải cho tinh ý
Trước lúc hành vi
So xét chi ly
Kẽo người rình lén

Khi đi việc kín
Chớ có rụt rè
Lên tàu xuống xe
Tự nhiên thái độ

Hẹn cho đúng chỗ
Chớ có sai giờ
Đừng để bạn chờ
Phải cho hành tốc

Giữ mình y phục
Hết sức bình thường
Đừng có phô trương
Người ta chú ý

Đi đường hành lý
Thu xếp gọn gàng
Chớ để ngổn ngang
Người ta chú mục

Nói chớ lụp chụp
Cử chỉ dịu dàng
Không nên khoe khoang
Việc đâu bỏ đó

Sổ sách giấy dó
Xong việc hủy ngay
Chớ để vào tay
Những phường hành chính

Hội nghị phải tính
Lối chạy đường thưa
Cỗ bài bàn cờ
Đề phòng dự bị

Kết nạp đồng chí
Phải dấu tên mình
Giáp Ất Bính Đinh
Tha hồ mà đặt

Phòng khi bị bắt
Phải biết lo xa
Lúc bị khảo tra
Mọi điều giấu hết

Dẫu có ác nghiệt
Ta cứ khoan dung
Họ tất ngã lòng
Tự nhiên vô sự

Nếu bị đòn dữ
Giả dại giả ngây
Sự thật không khai
Tên bạn không nói

Đừng nghe lời dối
Rằng bạn thú rồi
Thối chí bồi hồi
Mà sa vào bẩy

Cứ như thế ấy
Làm gì được ta
Kết cục phải tha
Bảo toàn khí tiết

Hy sinh khôn xiết
Phấn đấu kỳ cùng
Cách mạng thành công
Đại đồng thế giới

*****
Theo lời mẹ thì bài Huấn luyện chương này có trước thời 30-31. Có thể là đã có từ thời Tân việt cách mạng đảng. Ngày ấy mẹ mới mười mấy tuổi. Vậy mà mẹ thuộc lòng từ ngày đó tới hồi mẹ 96 tuổi, trước khi mẹ bị tai biến não. Tôi ghi bài này và gửi cùng hồ sơ lão thành cách mạng của mẹ về tỉnh ủy Nghệ an. Hồ sơ có đủ xác nhận của bà Tôn thị Quế, ông Võ Thúc Đồng, ông Phan Tố Đức. Tỉnh ủy thông báo hồ sơ đã gửi ra T.Ư và T.Ư đã đồng ý, hãy gửi hồ sơ gốc về đi. Tôi gửi hồ sơ gốc về, ít lâu sau nghe tin báo lại: T.Ư không duyệt. Không biết vì gì T.Ư. không duyệt. Đấy là tỉnh ủy nói thế. Không biết thực hư thế nào. Giờ mẹ không còn thì cái chuyện này có ý nghĩa gì. Nghĩ lại chỉ làm tôi thương nhớ mẹ khôn nguôi, và thêm nỗi xót xa cho mẹ.
Sở dĩ tôi gửi kèm bài thơ này trong hồ sơ của mẹ là vì trong cuốn “Với quê hương” ông Võ Thúc Đồng tặng mẹ, cũng có mấy khổ của “Huấn luyện chương”, nhưng thiếu sót rất nhiều. Trong cuốn ấy cũng còn vài chỗ chưa chính xác, mẹ đã nhắc tôi ghi lại để báo cho tỉnh ủy và ban biên tập cuốn sách đó xem xét, nếu có tái bản thì sửa chữa. Đặc biệt trong bài viết về ông ngoại tôi là cụ Giải nguyên Phan Bá Hòe, liệt sĩ 30-31, có nhiều sai và sót không đáng có.
"Hy sinh khôn xiết
         phấn đấu kỳ cùng"...
để được gì, thì tác giả Huấn luyện chương (HLC) không nói, còn những người thuộc nằm lòng và thực thi theo HLC như mẹ và các đồng chí của mẹ chắc cũng không được biết gì hơn.  Không thấy nhắc đến mục tiêu dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, dân chủ phổ quát, cũng không vì nâng dân trí, chấn dân khí, mà chỉ có duy nhất ước mơ "đại đồng thế giới" hết sức mơ hồ.
      Từ ngày mẹ theo CM, mẹ học thuộc bài này và hy sinh phấn đấu, đến giờ đã hơn tám mươi năm. Bao nhiêu máu xương đã đổ, nào đâu thế giới đại đồng?
Mà thôi, mẹ ơi. Con dừng ở đây. Con cầu mong vong linh mẹ nhẹ nhàng siêu thoát. Cõi trần con còn ở lại, con xin chịu đựng mọi điều.
2011



Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

SINH NHẬT


Sinh nhật. Lòng xốn xang không nghĩ được gì cho riêng mình. Đành mượn lời một nhà thơ Nga. Chỉ tiếc mẹ không còn. Những ngày này mẹ ở trên cao chắc là thương con lắm, lo cho con nhiều lắm và con tin là mẹ cũng vui lòng.

Đúng hôm nay ngày mẹ sinh con
Xin cho phép con được tự mình chúc mẹ
Mẹ chăm chút cho con nhiều thế
Còn con nằm đây dài thượt gầy gò
Chẳng làm nên được một việc gì
…Ở nhà vô tích sự
Sao mẹ vẫn nhìn con yêu thương và dễ dãi
Cho con chúc mẹ về nỗi lo đau đáu ấy
Một nỗi lo mà mẹ đã sinh ra
Mẹ sinh con nhưng không thể cho con
Giàu có vinh quang…
Mẹ chỉ cho con duy nhất một điều
Là tài không biết sợ
Mẹ bế con lên mở toang cửa sổ
Về phía bóng cây về hướng chim trời
Mẹ đã hôn con
Cho con mở mắt nhìn
Cho con bú
Rồi cho con giấy bút
Dạy con sống thẳng lưng mà bước
Có vậy thôi
Rồi mẹ tiễn lên đường


(Hình như là thơ của Ep -tu- sen- cô, tôi ghi lại theo trí nhớ.)

*****
 Ngày ở Nha trang, cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước con cũng có một bài sinh nhật. Hồi ấy mẹ còn khỏe ở tuổi xấp xỉ 80. Bài ấy con không dám đọc cho mẹ nghe, bây giờ con lên trang ở đây như một kỷ niệm.

Như thể hôm rày sinh nhật ta
Xế chiều phiêu bạt tận phương xa
Rầu lòng chẳng nói làm chi nữa
Kẻo mẹ già càng thêm xót xa

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

TẢN MẠN BIỂU TÌNH YÊU NƯỚC- HỒ GƯƠM 21-8-2011. (P cuối)

Tiếp PIII

Đến tầm hơn bốn giờ chiều thì lác đác có những người được cho về. Họ là những người đã qua bước lập biên bản vi phạm trật tự công cộng, chụp ảnh và lăn vân tay. Tôi, một ông khác đồng niên con trâu, một ông nữa hơn chúng tôi 5 tuổi và cụ bà là những người gần như cuối cùng ở CA Mỹ đình. Không kể những người đã được đưa đi nơi khác mà chúng tôi không biết hết.
Có năm tờ giấy in sẵn theo mẫu để lập biên bản vi phạm và quyết định xử phạt. Chúng tôi được gọi từng người một vào phòng riêng, lại hỏi mấy câu. Ghi thêm là chúng tôi vi phạm điều…Tôi bảo: Tôi chưa được học cái nghị định hay cái gì gì đó. Anh công an lục lọi một lúc rồi huơ lên trước mặt tôi một tập giấy: Nghị định ấy đây, bác đã tin chưa? Chưa, tôi chưa tin. Nếu có thì nó cũng chỉ nói về tụ tập đông người trái phép. Chúng tôi biểu tình phản đối Trung quốc gây hấn biển Đông chứ không tụ tập trái phép. Tụ tập đánh bạc, tụ tập đua xe, là trái phép.  Biểu tình thì luật pháp không cấm, nhất là biểu tình yêu nước. Chúng tôi đã đi biểu tình nhiều lần rồi, từ hồi còn đấu tranh thực hiện hiệp định Giơ ne vơ, đến chống Mỹ Diệm, rồi chống Mỹ Thiệu, và bây giờ là chống Trung quốc gây hấn trên biển Đông.
Anh ấy lại bảo: Bác vi phạm thông báo của UBND thành phố. Tôi bảo không ai thông báo cho tôi cả. Mà thông báo không phải là luật. Anh ấy đành bảo:
- Thôi thì bác ký hay không tùy bác. Tôi bảo tôi sẽ ký nhưng tôi phải được ghi ý kiến của mình. Anh ấy đồng ý. Tôi viết thế này vào cái phần giấy còn lại: Tôi đi biểu tình phản đối Trung quốc gây hấn biển Đông. Tôi tin rằng mình không vi phạm pháp luật. Và tôi ký ở dưới, cả 5 bản như nhau.
Xong việc ấy thì đến khâu lăn dấu vân tay và chụp ảnh. Chưa lần nào tôi được lăn vân tay với cả bàn tay như vầy. Cũng chưa lần nào được chụp ảnh cả ba phía như lần này. Nhưng tôi dị ứng nhất khi phải khai tên bố mẹ. Tôi bảo: Tôi đã già thế này, bố mẹ đều không còn, còn lôi bố mệ tôi ra làm gì. Tôi làm tự tôi chịu trách nhiệm. Họ bảo: bác thông cảm, thủ tục là phải vậy. Lại thủ tục. Khốn nạn với thủ tục của cái xứ mình!
Tôi đợi hai ông bạn già để cùng về. Lúc này sân trường đã thưa vắng. Các chiến sĩ trẻ đã rút. Phía trong sân một nhóm chắc là sĩ quan đã có tuổi, mệt mỏi ngồi quanh chiếc bàn uống nước. Phía ngoài cổng cũng một nhóm CA uể oải ngồi nghiêng ngả. Bà cụ vẫn chưa xong thủ tục để về. Ba chúng tôi đành về trước. Gần tới cổng tôi quay lại nói to: Chào các anh!
Họ không nói gì, ánh mắt mệt mỏi nhìn theo chúng tôi. Không biết mai này, nói dại mồm, mấy nghìn công nhân Trung quốc, không phải, cả nước có đến gần chục vạn công nhân Trung quốc nhập cư trái phép mà đồng loạt gây rối bằng cuốc xẻng xà beng, chưa nói bằng súng thì nấy ông vòng hai to uỳnh trong kia, và mấy anh mệt mỏi ngoài này ứng phó thế nào nếu không có dân?
Ra khỏi cổng sắt, nhìn lại cái trường học, lại cũng là đồn CA này chợt gợn lên: Ngày mai mở cửa, các cháu học sinh bước vào sẽ nghĩ gì về các chú công an nhân dân? Chưa nói các cháu sẽ nghĩ gì về chúng tôi, những người đi biểu tình yêu nước.
Tôi không có dịp nào đến vùng này. Hỏi thăm tìm đường mãi một hồi tôi mới ra được đến đường Phạm Hùng. Lúc này trời đã tối mịt.
Hết.


TẢN MẠN BIỂU TÌNH YÊU NƯỚC Ở HỒ GƯƠM 21-8-2011. (P. III)

  Tiếp P.II

Chiến sĩ CA trẻ tuổi cầm dùi cui ban nãy dẫn tôi ra chỗ tập trung ở ngoài sân trường. Tại đây đã quây sẵn một khu riêng biệt bằng thứ rào chắn cấm đua xe, chỉ trừ một khe hẹp cho người bị dẫn đi vào. Bên cạnh cái khe hẹp ấy có một chiến sĩ cao to cầm dùi cui ngồi canh. Xung quanh còn có mấy người ngồi canh nữa, ai cũng có dùi cui trong tay. Khi tôi vào thì trong cái ràng ấy đã có khoảng gần 20 người. Một cháu còn trẻ đứng dậy nhường ghế cho tôi. Ngồi mãi, thỉnh thoảng có thêm một người vào. Nhưng trong cái ràng ấy không có anh Đức cùng phòng với tôi ban nãy. Không biết họ đưa Đức đi đâu?.
Khi tôi xin phép đi vệ sinh, người ngồi gác bên cái khe hẹp gọi một chiến sĩ trẻ cầm dùi cui tới bảo đi cùng tôi. Ra đến chỗ vệ sinh tôi bảo: Cháu ở ngoài này, đừng vào. Quay ra thấy cháu vẫn đứng đợi. Tôi vỗ vai: Thật khổ cháu tôi. Cháu chỉ khẽ nhéch mép, không biết là cười hay mếu. Thương thế.
Trong cái ràng bằng sắt ấy có sẵn nước uống. Đến trưa thì có bánh mỳ. Bà cụ ngoài 70 tuổi tôi gặp ban sáng giờ cũng đang ở trong ràng cùng chúng tôi. Cụ bảo:
- Tôi không thấy đói, không muốn ăn gì cả. Tôi chỉ sợ mất cái xe đạp. Lần nào (biểu tình) tôi cũng đi xe đạp, đến Bờ Hồ thì khóa vào cái cột điện. Xong lại đến lấy xe về. Giờ này mà còn ngồi đây thì chắc là xe không còn nữa.
       Ngón tay trỏ bên phải của tôi bắt đầu nhức. Không biết cháu đeo băng đỏ nào ban sáng đã bấu hai vết bật máu. Lúc chờ làm biên bản cuộc gặp tôi đã nhờ cháu cầm dùi cui đi tìm hộ thuốc sát trùng. Cháu đã đi tìm nhưng rồi quay lại bảo không có. Tôi thấy lạnh sống lưng, khi chợt nghĩ: Lỡ cái cháu bấu tôi chảy máu ấy mà bị ếch nhái gì thì sao? Chắc là mang án tử hình còn gì? Ngày xưa chảy chút máu thế này chẳng có gì đáng nói, nhưng ngày nay có HIV. Kinh lắm!
Đến khoảng hơn hai giờ chiều thì một cháu gái cũng ở trong ràng như chúng tôi gào to lên: Cho tôi ra ngoài mua bát phở. CA bảo: Có bánh mỳ đấy sao không ăn? Cháu ấy bảo: Tôi có nghén, không ăn được, ngửi mùi bánh mỳ là buồn nôn. Các anh mà không cho đi ăn là tôi sụt đường huyết xỉu xuống bây giờ.
Lúc sau nữa thì có người tiếp tế bánh mỳ đóng túi vào. Lần này thì tôi động viên bà cụ: Chị gắng ăn lấy một tí. Nhìn chị nhai từng chút bánh một mà thương quá đi. Sao đến thế này chị ơi! Nhưng tôi không dám nói nên lời.
Còn nữa.

TẢN MẠN BIỂU TÌNH YÊU NƯỚC Ở HỒ GƯƠM 21-8-2011. (P. II)

Tiếp PI

Xe chạy được một quãng thì tôi bị đẩy vào để đóng cửa lại. Mọi người vẫn hô khẩu hiệu. Có người đề xuất căng biểu ngữ dọc thành xe. Hay quá. Xe chạy càng lâu càng nhiều người biết. Loanh quanh đâu quãng Tràng tiền, Ngô quyền, vòng ra phía Trần quang Khải, dừng lại ở trụ sở tiếp dân của quận Hoàn kiếm. Xe dừng ở đây khá lâu. Dưới đường rất nhiều người mặc sắc phục công an, và cũng rất nhiều người đeo băng đỏ. Có một người nhảy lên xe huơ huơ mấy tờ giấy A4 bảo: Ai có khiếu kiện gì thì ghi vào đây. Mọi người đồng thanh: Chúng tôi  phản đối Trung quốc gây hấn biển Đông, chứ không khiếu kiện mấy người.
Nhận được tin xe buyt thứ hai cũng đã bắt đầy người và đang chạy về phía cầu Chương dương.
Lúc sau, chắc có lệnh, đột ngột những người đeo băng đỏ xông ra giật cờ và các biểu ngữ căng dọc thành xe. Giật xong thì xe tiếp tục chạy. Loanh quanh lại về qua Tràng tiền, Tràng thi, rồi lên Kim mã. Đến đây thì mọi người đoán lại chở về công an Mỹ đình như lần trước. Xe chạy tới đâu mọi người hô khẩu hiệu tới đó. Những người ngồi phía cửa sổ còn vung tay ra ngoài để tung nắm đấm lên.
Cả hai xe bắt người biểu tình đều về Mỹ đình.
Trụ sở công an Mỹ đình, hóa ra ở trong một trường học. Có lẽ là trường cấp I, vẫn còn đọc được câu "Tiên học lễ hậu học văn" phía trên sảnh lớn. Chúng tôi bị đẩy xuống xe. Vào qua cổng sắt thì thấy công an đã đứng đầy sân. Nhiều người lăm lăm những cây gậy đen thui. Lúc sau thì đoàn người bị xé nhỏ vào từng phòng để “lập biên bản mời gặp”. Mỗi người đều có một chiến sĩ cầm gậy đi theo.
Chỗ tiếp tôi và một cậu thanh niên nữa là cái phóng ăn của trường. Cậu ấy tên là Đức, tôi nghe cậu ấy trả lời người hỏi và ghi biên bản như vậy. Tôi ngồi chờ. Kề bên tôi là một chiến sĩ còn trẻ măng vẻ mặt hiền, cầm gậy. Tôi bảo: cháu cất gậy đi, bác không làm gì cháu đâu. Cháu chỉ cười, gậy vẫn trong tay, nhưng là cầm hờ hững, cầm cho có lệ, phải cầm.
Chờ khá lâu, rồi cũng đến lượt tôi. Anh công an tiếp tôi và Đức tên là Hà. Anh ấy có đọc cả họ và tên lót nhưng tôi lỡ quên mất. Ghi đến năm sinh của tôi anh biết tôi cầm tinh con trâu, hơn anh đúng 10 tuổi, cùng có chữ kỷ. Nhìn màu da của anh tôi bảo: Hình như anh có bị sốt rét. Anh bảo phải, đã từng ở Tây nguyên gần hai mươi năm, mới được về Hà nội mấy năm nay thôi. Chúng tôi hiểu nhau từ đó. Buổi làm việc qua nhanh. Biên bản tóm lại là: Tôi đi biểu tình chống Trung quốc gây hấn biển Đông, cướp phá tàu thuyền của ngư dân, cắt cáp tàu thăm dò…Tôi tự giác đi, không ai xúi giục.


Chúng tôi còn nói với nhau là nhà nước nên giải thích rõ cho dân, nếu nhà nước muốn dân không đi biểu tình. Đàng này đã sang cuộc thứ 10 rồi mà nhà nước vẫn lặng im, các phương tiện thông tin đại chúng không hề đăng tin, không hề định hướng dư luận. Sắp sang lần thứ 11 mới có cái thông báo không số, không chữ ký, rất vô lý và vi hiến thì dân làm sao mà tin được. Tôi là đảng viên, chắc anh cũng là đảng viên. Nếu đảng nói, đảng giải thích không nên biểu tình vì thế này vì thế kia, nếu hợp tình hợp lý thì chúng tôi đi thế này làm gì. Nhưng đảng không nói gì cả. Ông Trọng không nói gì cả. Ông Nghị không nói gì cả. Các ông bí thư cấp quận huyện, xã phường cũng không nói gì cả. Bức xúc quá thì chúng tôi mới phải đi biểu tình như thế này.
Đến khi ông trung tướng Nhanh nói công an thành phố không có chủ trương đàn áp người biểu tình yêu nước, thì tôi mới tham gia. Lần này nữa là bốn. Anh xem, chúng tôi hành động như thế có phải là theo ý đảng không.
Chắc là anh cũng hiểu như tôi. Chúng tôi đã bắt tay nhau như những người đồng chí. Tôi tin: Trước kẻ thù cướp nước và trước kẻ thù bán nước, chúng tôi sẽ đứng bên nhau, cùng chiến tuyến.

Còn nữa

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

TẢN MẠN BIỂU TÌNH YÊU NƯỚC Ở HỒ GƯƠM 21-8-2011.(PI)

I.
     Đến lúc này tôi cũng chỉ có thể ghi lại tản mạn vì các cảm xúc chưa đủ thời gian để lắng đọng, cũng chưa thể quên đi cái gì nên quên, phải quên để mà vui sống.
    Trước khi đi, tôi đã dặn nhà tôi 10h 30 gặp nhau ở chân tượng đài tổ quốc quyết sinh để rồi cùng ra hồ Tây với các con. Linh tính thế nào mà tôi lại đi giày thể thao thay cho thường ngày tôi đi dép râu. Tôi cũng chỉ cầm theo tiền vừa đủ đi xe buyt. Nhà tôi đưa cho chiếc di động bảo: phòng khi lạc nhau. Tôi bảo không nhớ số đâu. Nhà tôi bảo: ông yên tâm, tôi sẽ gọi.
     Lên tới bờ Hồ trời vẫn còn mưa nhẹ. Các cháu thanh niên đến từ lúc nào mà đã nhảy múa hát hò trên sân khấu trước tượng Lý Thái Tổ. Có mấy cháu mặc áo quần đỏ ngắn cũn cỡn lòi hết cả bụng cả đùi đang đi ra. Nhiều cháu ngồi trong lều nhìn ra. Xung quanh lều có rất nhiều áo vàng và những người đeo băng đỏ.
Đứng nhìn các cháu một lúc thấy nó nhạt nhẽo, không rõ các cháu định làm cái gì. Có hai người nuớc ngoài cũng đứng nhìn, chắc là họ cũng không hiểu. Tôi xem đồng hồ ở di động, lúc này là 8h 27.
         Bà con đi biểu tình đã đến, nhưng chưa đông. Nhớ nhất là cụ bà đã ngoài 70, người thấp nhỏ, có lẽ nặng không quá 25 kg nhưng đôi mắt vẫn còn tinh nhanh lắm và hai hàm răng thì
trắng đều và vẫn còn nguyên. Chúng tôi chỉ biết nhau như thế, đã mấy lần cùng đi biểu tình chống Trung quốc gây hấn biển đông, nhưng không hỏi tên nhau. Lát sau thì đông thêm, có cả biểu ngữ. Tất cả mọi người đứng quay ra đường. Có người tới chụp ảnh. Có người tới can thiệp. Có ôto gắn loa trườn tới. Mọi người theo vạch dành cho người đi bộ đi sang bên kia đường và dừng lại. Các biểu ngữ quay ra đường. Có người nhắc: Hôm nay ta không hô khẩu hiệu.
       Mọi người đứng lặng, quay mặt ra đường. Có chị một tay bế con, một tay cầm biểu ngữ. Các biểu ngữ lần lượt được căng ra. Có hai mẹ con cùng căng tấm biểu ngữ có cả cán tre để giơ lên cao. Hai mẹ con động viên nhau và động viên mọi người: Không sợ!
       Bỗng có người hô to: Đả đảo Trung quốc xâm lược! Thế là mọi người đồng thanh hô: Đả đảo!
     Đả đảo Trung quốc gây hấn  biển Đông! Đả đảo!
     Hoàng sa! Việt nam! Trường sa! Việt nam!


      Tiếng hô vang động át cả tiếng loa trên ôtô và giàn âm thanh khủng bên kia đường.
        Đoàn biểu tình đi theo chiều kim đồng hồ được khoảng vài chục mét thì bị chặn lại. Một toán người đeo băng đỏ dưới sự chỉ huy của một người mặc thường phục lao vào bắt từng người biểu tình lên xe buyt. Tôi cũng bị mấy cháu thanh niên vây quanh, rồi nắm chặt khuỷu tay mời bác lên xe. Rõ ràng là thế. Họ mời tôi lên xe. Tôi bảo mời kiểu gì lạ vậy. Họ lặp lại như cái máy: mời bác lên xe. Tôi chúi người, bất ngờ buớc lùi lại hai bước. Họ bị lỡ trớn nhưng nhanh chóng nắm lại tay tôi. Tôi nghĩ mình già rồi, có cưỡng lại họ cũng không được. Chứ ở tuổi hai mươi cái lũ tép riu này...Thôi đành lên xe vậy. Trên xe đã có mấy người, họ vẫn còn bắt tiếp. Tôi bám vào cửa xe nhìn cảnh bắt bớ mà thấy kinh hoàng. Nguời ta đã đẩy bà mẹ cầm biểu ngữ có cán tre lúc nãy lên xe,
còn cô con gái nhìn theo mẹ mà gào lên: Mẹ ơi! mẹ ơi! Và nước mắt!

Khi xe lăn bánh, tôi vẫn bám ở cửa, mọi người dưới vỉa hè nhìn theo, và tôi đã đưa tay lên chào. Bỗng trên xe hô vang lên:
Đả  đảo Trung quốc xâm lược! Đả đảo!
Đả đảo đàn áp người yêu nước! Đả đảo! Và tôi vung nắm đấm lên.

                                                                                        còn nữa

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

UBND tát vào mặt nhân dân

Cú tát này rất đau vì đã chờ, đã định, đã luyện, đã tính toán những gần ba tháng, nay mới ra tay.  Trong gần ba tháng đó rõ ràng ủy ban nhân dân biết rõ dân chúng “biểu tình tuần hành tự phát phản đối Trung quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt nam”. Biết rõ như thế tức là biết lý do khiến dân chúng biểu tình là vì “Trung quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo”;  Biết rõ mục đích biểu tình là “phản đối Trung quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo”; Biết rõ đối tượng là “Trung quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt nam”. Biết rõ như thế trong thời gian dài như thế mà vẫn nhăm nhe tính toán bằng mọi cách ngăn cản, đe dọa, bắt bớ, thậm chí đạp vào mặt người biểu tình ôn hòa thì có phải là nói một đàng làm một nẻo hay không. (In đậm trong ngoặc kép là nguyên văn thông báo của UBND thành phố Hà nội).
Đã vậy gần ba tháng qua thành phố Hà nội cũng như mọi phương tiện truyền thông khác của nhà nước đều không đã động gì đến các cuộc biểu tình, cố tình lờ đi xem như không tồn tại, không hiện diện, chí ít cũng là không thừa nhận. Thế thì tại sao nay lại thông báo “trong các chủ nhật từ tháng 6 đến tháng 8, tại Hà nội liên tiếp diễn ra các cuộc tụ tập, biểu tinh, tuần hành tự phát phản đối Trung quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt nam”. Hóa ra các vị đều biết, các vị đều thừa nhận, thậm chí các vị  đã ra tay đàn áp. Vậy là các vị tự mâu thuẫn với mình, tự lừa dối mình và lừa dối dư luận.
UBND thành phố Hà nội cũng biết rõ: “ Các hoạt động này (biểu tình tuần hành) chủ yếu xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của nhân dân”. Đã biết rõ như thế thì phải thấy rằng biểu tình ôn hòa là hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước là kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời đảm bảo giữ vững môi trường hoà bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước, để duy trì ổn định an ninh trật tự ở Thủ đô”. Vậy mà ngay sau câu này, thông báo lại viết: “UBND Thành ph Hà Ni yêu cu chm dt mi hot đng t tp, biu tình, tun hành t phát trên đa bàn Thành ph.  Ngay trong một dòng, một câu văn, một ngữ cảnh, bản thông báo đã tiền hậu bất nhất. Có phải một lần nữa các vị lại tự mâu thuẫn hay không.
Tự mâu thuẫn là tự mình sai, là tự mình vả vào mình. Nhìn đại diện của dân tự vả vào mình như thế dân cũng xót xa lắm chứ. Nhưng mà, đối với người dân biểu tình ôn hòa, không có gì sai, không điều gì vi hiến, màUBND thành ph (lại) yêu cu lc lượng làm nhim v áp dng các bin pháp cn thiết ... “, lại còn bị quy chụp bao điều xấu xa thì còn đau xót biết bao nhiêu. Phải chăng sau những cú đạp vào mặt người yêu nước của lực lượng an ninh, UBND Hà nội lại muốn tát vào mặt nhân dân lần nữa.
                                                                      19-8-2011

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Chất độc "da cam" đối với tâm hồn


Chất độc da cam do Mỹ rải xuống miền Nam đã gây ra bao đau thương cho hàng triệu gia đình có con cháu bị dị tật. Di chứng của chất độc da cam còn kéo dài nhiều thế hệ, nhưng có lẽ đau nhất là thế hệ đang trải qua từng ngày từng giờ hiện nay. Đã có nhiều cá nhân, nhiều tổ chức lên tiếng phản đối tội ác chiến tranh, đòi bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân chất độc da cam. Chúng ta đã kiện lên tòa án Mỹ, có thể chúng ta còn phải đấu tranh, còn phải kiện nữa, vì công lý, vì nỗi đau da cam.
Có một nỗi đau khác, của những dị tật khác đang hiện diện xung quanh chúng ta. Đó là những dị tật tâm hồn: nhẹ thì văng tục chửi bậy, nặng hơn thì nghiện ngập chích hút, nặng nữa thì tham nhũng sa đọa biến chất, kết bè kéo cánh băng nhóm lợi ích, phản bội nhân dân, bán rẻ tổ quốc. Những dị tật này ngày một nhiều thêm, lây lan, truyền nhiễm, chứ không chỉ ADN.
Chúng ta phải tìm cho ra kẻ nào đã gieo rắc thứ chất độc da cam đối với tâm hồn này, để lôi nó ra trước công luận và trước ánh sáng lương tri. Văn hiến bốn ngàn năm chưa có bao giờ dị tật tâm hồn đầy rẫy, nặng nề và nhức buốt như những tháng năm này. Để bảo vệ nòi giống Tiên Rồng không chỉ với thể chất mà cả với tâm hồn, và vì sự tồn vong của dân tộc, chúng ta phải tìm cho ra thứ chất độc ghê tởm này và diệt trừ tận gốc.
Kẻ nào đã gieo chất độc?
15-8-2011

Nhân ngày 14-8-2011 biểu tình ở Hà nội và một số thành phố khác ủng hộ nạn nhân chất độc da cam mà lên trang.

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Không vào được "lều cỏ"

Đã mấy ngày nay tôi không vào được “lều cỏ" bên đường của mình cũng như vài blog thân quen khác. May mà qua bảng điều khiển tôi biết quý vị và các bạn vẫn còn theo dõi trang này. Xin cảm ơn quý vị và các bạn.

Có thể

Có thể sống, đơn giản thôi – im lặng
Hoặc có thể là hát một khúc ca
Có thể thét, có thể gào rã họng
Cũng có thể là nằng nặng giọt sương sa

Có thể thế, em ơi, có thể
Em là em và có thể không em
Tôi có thể chẳng là tôi, có thể
Chẳng là gì, cũng có thể là tôi.

Chỉ có thể một điều chắc chắn
Một mai rồi cát bụi thân tôi
Về với mẹ một phương nào xa lắm
Nhẹ nhàng bay theo gió ngang trời
             7-7-2011