Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

MƠ ƯỚC DU LỊCH_DU LỊCH NGÀY XƯA

Hồi còn thanh niên, ở rừng, không nhìn thấy gì xa hơn dãy núi trước mặt, nghĩ về thế giới bên ngoài chỉ biết ước mơ. Tôi nói với trò:
- Ước gì có cục vàng bằng ngần này, tôi giơ ngón tay út lên, thầy sẽ đi khắp cả nước; Có được cục vàng bằng này, tôi giơ nắm tay lên, thầy sẽ đi khắp thế giới.
Rồi tôi có con nhỏ, còn mẹ thì đã già mà chỉ có hai bàn tay trắng. Đành gác ước mơ ấy lại. Đến khi nghỉ hưu, vẫn hai bàn tay trắng, mẹ càng già hơn, con chưa kịp lớn, không dám mơ du lịch, nhưng thỉnh thoảng vẫn ước có được một chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp. Vừa đi vừa kiếm sống, chẳng hạn vừa đi vừa rao: Ai mài dao kéo đơi.ơ.i…
Bây giờ, nghĩa là hai mươi năm sau nghỉ hưu, nhìn trên tivi thấy đại ngàn Trường sơn không còn nữa, Tây nguyên cũng chỉ có cà phê và cao su, Đà lạt rừng thông chỉ còn thưa thớt; Trông lên Tây bắc chỉ thấy toàn núi trọc và đá tai mèo và rẫy nương cằn cỗi…Không thấy rừng nhiệt đới nhiều tầng, không cánh chim, không mang kêu vượn hót, không thác chảy suối reo, thì tự nhiên thấy buồn.
 Tôi đã từng ở rừng, ở biển nhiều năm, thuở rừng còn nguyên sinh, biển còn nguyên sơ, nay thấy cảnh này đau lòng lắm. Nửa năm trước đi dọc bờ biển vào tới Nha trang, thấy bãi biển không còn hoang sơ như xưa, không còn của chung nữa mà người ta đã băm nhỏ ra, chia nhau cát cứ. Nhà cửa thì mọc lên di dít, và người, người sao đông thế, và nữa là...ngào ngạt. Tiếc thay đấy lại không phải hứng thú của mình. Thế là lại buồn thêm.
Cục vàng có to bằng nắm tay hay to hơn nữa, mà những điều tôi mong ước không còn thì giấc mơ ngày xưa cũng chỉ là giấc mơ thôi. Dẫu vậy, trong sâu thẳm khát khao, tôi vẫn mơ du lịch… 
 Nhờ trời nếu được, xin trở về du lịch ngày xưa
1/11/2011





Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

ĐẠO

Là con đường để đi
Là để đi trên mọi con đường
Là để không có đường mà vẫn đi được

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

BẠN BÈ TẾU TÁO CHO VUI

      Lâu lâu bạn bè có dịp gặp nhau, chuyện trò thân mật, bổ bả, không thiếu gì chuyện trên trời dưới đất. Cao hứng có anh hát nhạc tiền chiến. Hay. Mọi người vỗ tay. Có anh hỏi: - Này, có ai biết vì sao ngày ấy có thơ có nhạc hay đến vậy không hả?
     Cả lũ tự dưng ớ ra. Ờ nhỉ, ngày ấy đế quốc phong kiến bóc lột dân mình tận xương tận tủy, thâm độc thực thi chính sách ngu dân, mà sao những năm ấy có phong trào thơ mới, nhạc cũng mới, mới mà hay nữa chứ; lại có cả hội họa, nhiếp ảnh cũng mới lắm, và độc đáo nữa. Chưa hết, lại còn làm báo, mà là báo tư nhân, truyền bá nhiều cái mới, khích lệ tinh thần dân tộc, mở mang dân trí.
      Chẳng anh nào nói được vì sao cả. Thì toàn là một bọn tay ngang, không có ai chuyên nghiệp về học thuật hay lý luận gì thì biết nói làm sao được.
     Rồi lại cũng tự dưng có anh hỏi: - Sao bây giờ không có báo tư nhân nhỉ? Nghèo, không đủ tiền ra báo, hay là sợ báo không bán được? Cũng chẳng biết làm sao nốt. – Chẳng lẽ bây giờ nghèo hơn ngày xưa?.
    Có anh bảo: - Dân trí mình thấp, không thể cho ra báo tư nhân được!.
    Có anh nói lại: - Chẳng lẽ dân trí ngày xưa cao hơn?
    Lại tự dưng có anh đứng dậy bảo: - Thôi, bỏ qua đi, đừng nói chuyện chính trị!   
      - Ô hay! Thì nãy giờ đã có ai nói gì tới chính trị đâu. Cả bọn lại càng ớ ra, mất hẳn vui. May mà có thằng tào lao nói lớn:    - Thằng nào giỏi nói được bốn chữ vàng là bốn chữ gì, bốn chữ nha, không phải mười sáu chữ đâu, nha, nói được tao khao chầu bia! Cả bọn cười ồ lên, như thể là thằng nào cũng hiểu bốn chữ ấy là gì, nhưng lại cũng chẳng có thằng nào nói ra cả.
    - Bọn mày không nói thì tao nói, cũng vẫn anh ban nãy. Nhưng tao chỉ nói hai chữ, hai chữ còn lại có vần với hai chữ này: răng chắc…; thằng nào giỏi đọc nốt. Cả bọn càng cười to hơn, cười nghiêng cười ngả, cười chảy cả nước mắt.
    Từ đấy về sau, bạn bè gặp nhau chỉ toàn nói chuyện trạng, cười cợt tếu táo cho vui.


Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011


MỘT CHUYẾN VỀ NGHỆ

Đêm thứ năm đón xe ở bùng binh Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi. Trong đêm mà vẫn thấy bụi, ghê gớm là bụi từ mặt đường bốc lên cuồn cuộn. Xe chạy không ngừng, xe to xe nhỏ xe nặng xe nhẹ đủ loại đủ cỡ ngắn dài siêu dài, siêu trường siêu trọng. 
Lên được xe rồi thì ngủ lịm đi, tờ mờ sáng đã tới Vinh. Vinh lặng lẽ, yên bình, sạch sẽ và se se lạnh. Đường phố rộng, vỉa hè càng thênh thang, những hàng cây chưa thật to cao nhưng đã xòe rợp tán. Người vắng, xe ít, không hề có bụi.
Ghé quán cháo lươn bên đường. Về Nghệ không thể không ăn cháo lươn, nhưng lần này thì thấy toàn lươn chứ không còn cháo. Thì ăn cùng bánh mỳ vậy. Người ta gọi là xúp lươn, nghe lạ nhưng mà ăn cũng được.
Ngược lên cầu Đước, xe chạy ngang qua chỗ ngày xưa là nhà thờ Cầu Rầm. Giờ không còn nhà thờ nữa, trục đường chạy thẳng vào nền nhà thờ xưa, ra tới sát bờ hồ lớn cửa nam, rồi rẽ phải, lại rẽ trái qua chùa Sư Nữ mà lên cầu Đước.
Nhớ khi xưa còn nhỏ, đến Phật đản thì ba đưa mình lên chùa, vãn cảnh và nghe sư bà thuyết pháp; Nô en thì ba đưa lên nhà thờ Cầu Rầm, chỉ đứng ngoài thôi, ngắm cảnh hang đá, nơi Đức Chúa ra đời. Ngày ấy Vinh là thượng Cầu Rầm hạ Bến Thủy. Tiếng chuông nhà thờ vang lên cả thành phố đều nghe.
     Trưa ăn cơm ở Hưng Dũng, có nhiều món lạ, rồi về thăm anh chị ở Bến Thủy, lại đón xe buýt ra Cửa Lò. Cửa Lò vắng lặng, sạch sẽ tinh tươm. Sóng nhẹ nhưng không muốn tắm vì  lạnh. Có vài ba chiếc xe chạy bằng điện lòng vòng đón khách. Chẳng thấy có ai trên xe.

Đêm xuống. Cửa Lò đèn điện rực sáng. Trên đường, trên quảng trường trung tâm không một bóng người. Chừng gần bảy giờ tối có những chiếc xe máy chở bàn ghế bày ra trên vỉa hè, cả trên quảng trường… chờ khách. Tám giờ… có vài cậu choai choai ghé vào ngồi, có lẽ họ mua một điếu thuốc hay một chén nước… Vắng lắm, nhiều ghế trống, hầu hết là để không, chỉ có cô chủ ngồi trông. Vài chiếc xe điện vẫn chạy lòng vòng. Nghĩ bụng: kiếm đồng tiền không dễ.

Vợ chồng Hải từ Vinh chạy xe xuống, cùng nhau vào thăm vợ chồng Hội. Lâu quá rồi nay mới gặp lại. Ơn trời, thấy mọi người còn khỏe, con cái trưởng thành, cửa nhà sung túc. Lại nhắc về QP và những người thân, những tháng năm, những kỷ niệm. Uống rượu với lạc rang, đúng chất, rượu cứ vào mà không chếnh choáng. 
Sáng sau dạo thăm Cửa Lò, phố xá khang trang, khách sạn nhà hàng san sát. Có vẻ như thị xã này còn mở rộng thêm nữa. Thực lòng tôi muốn tìm một nét gì đặc trưng ở đây, mà không thấy. Một bãi biển đẹp, thoáng đãng, cần thêm một chút gì đấy nữa, vi lượng thôi cũng được, nhưng là đặc sản Cửa Lò?
       Chiều ngược lên phía tây. Qua Quán hành gọi điện cho anh Kỷ nhưng máy tạm thời bị khóa. Chắc là anh chị đã ra Hà nội với con trai. Ngược nữa, lên Nghi lâm thăm Hoài. Hoài nghỉ hưu rồi, ba mươi năm xa nhau còn gì. Hưu là đúng, là thượng sách, Hoài cũng nhận ra như vậy. Hoài có tới ba gái một trai, giỏi thế, gan, liều thế. Mới hay hắn cũng hảo hán lắm. Gặp hắn hóa ra vui, nhắc chuyện mọi người, nhớ tới Từ, Tường, Cẩn... nhớ cả các trò QP thuở ấy. Chúc cho vợ chồng Hoài cùng các cháu mọi sự tốt lành.
21h trở ra đường I, kết thúc một chuyến về Nghệ nhoáng nhoàng nhưng gặp được nhiều và cũng gợi nhớ nhiều…

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Tự phạt


Trước 36 tuổi tôi hút thuốc lào, thuốc lá, đủ cả. Mỗi khi đi đâu về, hay làm xong việc gì, hoặc viết được câu thơ là tự thưởng cho mình điếu thuốc.
Trở đi, mắc bệnh, bỏ thuốc, rồi bỏ dần nhiều thứ khác. Người khỏe ra, tự cung thanh đạm, thành ra không đòi hỏi gì ghê gớm cả. Cái khoản tự thưởng xem ra không còn.
Đã vậy lại tự phạt mình bằng đủ thứ chuyện trên đời, dứt ra không được, cứ ôm vào cho rặm bụng. Như là Vinasin vỡ nợ, dậy sóng biển đông, Tây nguyên bôxit… thêm cả chuyện kho đạn bên Nga bị nổ, Nhật bản sóng thần, Hoa kỳ xoáy lốc…
Tự thưởng thì qua lâu rồi. Bao giờ không tự phạt mình được nữa thì tôi ra đi. Tôi về với mẹ.
8-6-2011

Quả đấm thép

“Quả đấm thép” Vinasin đã hạ gục nền kinh tế non yếu vừa mới gượng dậy của chúng ta từ sau “đổi mới”. Cũng có thể có thêm vài quả đấm gang, đấm sắt nào đó bồi vào nữa. Do độ trễ, mà nay mới thật ngấm đòn, mới thấy lạm phát hoành hành dữ dội.
Cái lạ lùng là ‘quả đấm thép” sau khi hạ gục đối phương thì phân tán ra, tái cơ cấu, lặng lẽ rời bỏ vũ đài, để lại món nợ khổng lồ cho kẻ bại trận lãnh đủ.
Những tưởng “quả đấm thép” dành đối đáp người ngoài, ai dè nhè chính người mình mà đấm. Trước hết là đấm vào mặt người sinh ra nó, sau là đấm người cưu mang nó, cuối cùng là đấm vào người đóng thuế nuôi nó. Những quả đấm khác cùng một giuộc, có thể chưa lộ hẳn ra nhưng chắc là không ít, cũng đang góp phần gia tăng lạm phát, và cũng đang nhè vào người mình mà đấm. Làm dân lúc này chẳng dễ dàng gì, làm quan cũng vậy. Có điều làm quan thì còn gọi là cố đấm ăn xôi, chứ dân thì ăn gì mà vừa chịu đấm vừa đóng thuế.
Chắc chắn là đã tới lúc nhìn nhận lại các “quả đấm thép”. Có điều, không phải dân nhìn mà là quan nhìn. Quan nhìn, quan nhòm, không biêt quan có thấy quan liêu, quan liều, quan tham, quan nhũng.
4-6-2011

Xin đăng lại một tin vui

Tập san khoa học “Nature” khẳng định lập trường:
Ban biên tập sẽ dành quyền đặt vấn đề đối với đường lưởi bò, không cho phép đem tuyên truyền chính trị vào báo cáo khoa học
Nguyễn Đăng Hưng



Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Tin vui: Đảo chìm Đá Tây đã nổi


RCYT: GIÔNG TỐ

Giông tố là lúc những đợt xoáy lốc rít lên vít oằn cây gỗ lớn, giật ngược mái tranh, cuốn cát bụi và lá cây bay lên mù mịt. Cây rừng rối bời, nghiêng ngả. Những cây bụi nhỏ đổ rạp xuống, còn những cây gỗ đơn lẻ thì oằn vặn chới với cầu cứu.
Mây đen kéo tới và chớp rạch trời. Những tiếng sét giật nẩy người, chẻ tươm, xé nát không gian. Sấm ầm ầm từng dây lan truyền trên khắp bầu trời, rền như tiếng vọng trong lèn đá; xen lẫn những tiếng nổ đục trầm rung cả phên vách, nén ép lồng ngực.
Mưa trút xuống xối xả như muốn gột rửa, cuốn trôi, tẩy sạch tất cả những gì tạm bợ, nhỏ nhoi, rác rưởi. Mưa quất ràn rạt trên mái nhà, trên lá cây. Khe suối réo lên điên lồng lao xuống tung bọt đục ngầu.
Giữa trời đất ấy tôi thấy mình yếu đuối quá, căn nhà của tôi nhỏ nhoi chông chênh quá. Sét có thể đánh tan, gió có thể bốc lên, mưa có thể gột đi. Tôi phải chạy tránh các phía mưa tạt, vội vàng chốt cửa. Ngồi trong nhà đóng kín càng thấy sợ. Chớp cứ nhoang nhoáng qua kẽ hở. Gió rít từng cơn giật ngược mái tranh. Mưa dột khắp nơi, tạt vào tứ phía. Căn nhà tre nứa lá runhg lên, vặn vẹo kèn kẹt. Tôi thấy nó không đủ sức che chở cho mình. Tôi hé cửa ra để tìm cứu cánh. Nhưng chẳng có đâu một điểm tựa vững vàng. Đã thế gió lại thốc vào, mưa còn quật tới.
Nhưng chính lúc đó, tôi thấy cây chuối mang buồng trĩu nặng trước sân đang cố gượng để đứng vững. Những tàu chuối cuộn ngược lên như bàn tay chới với. Ôi, nó sẽ đổ mất. Hãy cứu lấy nó. Trong tôi bừng lên một ý nghĩ gần như thế, từ một nơi thẳm sâu nào đó. Tôi vụt chạy ra tìm nạng chống và tôi đã đỡ được cây chuối thẳng lên, dẫu cho các tàu lá vẫn còn chới với…
Xong việc ấy thì tôi mới hiểu là mình đang ở ngoài mưa, đang đứng giữa trời, toàn thân ướt sũng. Hình như trong tôi đã nổi lên bão tố. Có một sức mạnh ẩn sâu đâu đó mà tôi không biết, không nghĩ là mình có, nhưng nó đã bùng lên. Tôi thấy tự tin mạnh mẽ. Dường như chính tôi cũng là gió mưa, cũng là giông tố, chính tôi cũng là một phần của trời đất trong cơn say sức mạnh hoang sơ.
Cột xong tấm phên cho nhà mình, tôi chạy sang nhà hàng xóm. Bên đó cũng đã có những người chạy ra sân ra vườn như tôi. Chúng tôi đã giúp nhau, và chúng tôi cùng nhào ra sân trường khơi rãnh thoát nước, rồi ra xem lại bờ ao. Chúng tôi như những kẻ phát rồ năng lượng. Hay là năng lượng của giông tố đã truyền vào chúng tôi đến mức dư thừa. Khi không còn việc gì để làm nữa, chúng tôi cởi phăng áo ra để tắm. Chúng tôi đứng giữa trời đất như một thành viên bình đẳng. Hơn thế, tôi còn thấy mình là chủ nhân của sấm chớp gió mưa, là vệ sĩ của nếp nhà và mảnh vườn, là nhạc trưởng của giàn hợp xướng vũ trụ. Và với sức mạnh ấy, tôi nhẹ nhàng âu yếm những chiếc lá ướt sũng, và tôi đã nhìn những con giun bị ngộp nước sôi lên mặt đất với niềm thương cảm mà ngày thường không dễ gì có được.
Dần dần trong tôi trở lại lắng dịu, mát mẻ và thanh thản. Bầu trời sau giông tố trở nên trong xanh, nắng lại rải vàng, và tất cả cỏ cây hoa lá đều sáng láng.


Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Cha con cùng học

Hồi trẻ, mình học toán, là thích, đã đành, nhưng cái chính là nhằm kiếm một nghề. Thế mà, nói như cách Hoàng Ngọc Hiến, giải trăm bào toán chẳng thấy bát cơm nào. May sao nhà nước dùng vào chỗ dạy học, nếu không, học toán để kiếm miếng ăn không dễ.
Con mình, không thế. Nó học nấu phở. Chẳng cần ông bà nào sắp xếp, chẳng cần lạy lục cửa nào, mà nó cũng có một nghề. Khách khứa tự nguyện vào ăn, tự nguyện trả tiền, lại còn khen ngon nữa.
Ngẫm ra, cha con cùng phải học, cùng phải chọn nghề cả. Nhưng rõ ràng là con chọn khôn hơn, chẳng phiền lụy ai mà đắc dụng cả đời.  


Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Tự làm hại mình thôi

Những biểu tình viên nhớ Bờ Hồ, nhớ nhau, chủ nhật không hẹn mà gặp, uống với nhau chén nước, nói với nhau vài câu, nhìn thấy nhau cho đỡ nhớ thì có tội tình gì mà rình rập theo dõi. Đội mũ lá, hay đội nón lá thì phạm tội gì mà cấm mà bắt. Dù có viết lên nón HS-TS-VN thì sao, tội gì. Luật nào cấm những điều đó. Chưa nói đó còn là hành động yêu nước.
Các vị trên cao ơi, đừng làm những điều như vậy, nó làm hại thanh danh của các vị đấy, nó đi ngược với lòng dân, nó chà đạp lên lòng yêu nước, và nó bêu xấu chế độ đấy, các vị ạ.
Những biểu tình viên ôn hòa không có ý gì xấu đối với các vị đâu, hoàn toàn không. Chỉ các vị tự cho là như thế và rồi tự làm hại mình thôi.


Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

CÁI GIÁ CỦA BAO CẤP KHÁI NIỆM

Chúng ta đã qua một thời bao cấp, thường hiểu là bao cấp cái ăn cái mặc, tem phiếu gạo thịt vải dầu... Chung lại là bao cấp vật chất. Nhưng ngoài bao cấp vật chất còn có bao cấp tinh thần: tin tưởng tuyệt đối, nhiệt liệt tán thành, ý chí sắt đá, sục sôi căm thù, sẵn sàng chiến đấu... Một sự bao cấp thừa thãi khiến toàn dân hừng hực khí thế xông lên.
Trong cái bao cấp tinh thần, ẩn sâu dưới cái khí thế hừng hực đó là có một thứ để nuôi dưỡng nó, ấy là sự bao cấp khái niệm. Một chuỗi các khái niệm dưới dạng Hán Việt được dồn dập được tung ra ban phát: đế quốc, thực dân, phong kiến, lý tưởng, hoài bão, phong trào, chủ nghĩa, tư tưởng, cách mạng, hy sinh, quán triệt... Quần chúng cần lao được nghe, được nghe rất nhiều, lặp đi lặp lại, dù chỉ qua loa, không có hệ thống mạch lạc. Nhưng, để được nghe như thế thì phải có người nói, người tuyên truyền và các phương tiện, phải có người nghe và thời gian để nghe, và đương nhiên phải tốn kém, phải trả giá, bằng thời gian, bằng công sức. Đấy là chưa kể cái giá mà họ phải trả cho việc áp dụng những điều được nghe, được ban phát qua loa ấy vào thực tế, khi phần lớn những cái lý thuyết đó lại là màu xám. Và nếu cái lý thuyết ấy sai thì cái giá phải trả còn đắt hơn nhiều.
Người phải trả giá tiếp theo là những bộ óc siêu việt, những trí tuệ hàng đầu. Họ phải đọc, phải ngiền ngẫm, thậm chí phải thuộc lòng những khái niệm nhập ngoại đó. Chỉ học vẹt lại thôi họ cũng đã bơ phờ mệt mỏi rồi, còn đâu thời gian và sự độc lập suy nghĩ để mà sáng tạo. So với dân chúng cần lao, họ có mức sống khá hơn, và phần lớn họ thỏa mãn với vai trò học vẹt và nhai lại đó. Nhưng với xã hội nói chung thì đấy là sự lãng phí ghê gớm về thời gian, công sức, tiền của và quan trọng hơn là chất xám.
Tệ hơn nữa, những thứ nhập ngoại ấy không phải là hàng cho không. Mình phải mất gì để có được những thứ đó.  Những thiệt hại hay tổn thất, sai lầm của CCRĐ, hiệp định Giơ- ne- vơ, nhân văn giai phẩm, đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng, hay Hoàng sa, Trường sa, thác bản Giốc, biên giới phía bắc, ải Nam quan... đều là cái giá mà ta phải trả. Cái giá này là đất liền là biển đảo quê hương, là xương máu đồng bào. Cái giá này quá đắt. Hơn thế, cái giá này không đo đếm được.
Còn cái giá nữa, chưa biết đã phải cuối cùng chưa, đấy là thời gian. Chúng ta đã mất quá nhiều năm tháng cho những mò mẫm, giáo điều sáo vẹt, lạc lối trong mớ ngôn từ khái niệm mịt mù, và cho những sai lầm không đáng có. Trong khi nhân loại tiến bộ không ngừng thì chúng ta dẫm chân tại chỗ, chưa nói chúng ta có lúc còn thụt lùi, có khi còn tổn thất.

Thời bao cấp vật chất qua rồi, cái giá phải trả là không nhỏ, nhưng bao cấp tinh thần trong đó có bao cấp khái niệm vẫn còn lởn vởn đâu đây và còn phải trả giá dài dài. Tất cả những cái đó nhằm đổi lấy cái gì?
Đổi lấy một mớ khái niệm. Có thể được thêm một chút ảo tưởng. Thế thôi! 
Và cái giá phải trả là tất cả những điều thiêng liêng vô giá như vầy. Đau quá.
28-9-2011





Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

RCYT: 36 XAO VA

Cái tên Xao va gợi về một người con gái, nhất là khi Xao va ở trên một dòng sông. Cô gái ấy chắc phải có nước da trắng ngần và suối tóc chảy dài óng ả. Nàng đẹp như tên Xao va đầy gợi cảm. Và thác Xao va cũng đẹp như nàng.
     Thác Xao va trên dòng nậm Việc. Đầu nguồn nậm Việc, nước chảy lặng lờ giữa đôi bờ xanh ngắt sắn ngô, xanh thẫm rừng. Về gần đến Xao va, nậm Việc tách làm hai. Dòng nhỏ, rẽ về bên phải xuôi dần từng bậc. Dòng lớn xuôi về thác. Hai dòng tụ lại ở vực sâu dưới chân thác. Giữa hai dòng ôm một cù lao đá hoa cương nhưng vẫn xanh mướt những cây rừng. Tới Xao va là một vách đá hoa cương dài gần trăm mét, gần như thẳng tắp, nối liền hai triền núi lớn. Dòng nước về đây đổ xuống vách đá thứ nhất, đều tắp, cùng lúc như nắm tay nhau nhảy vào vũ hội. Vũ hội không ngừng và dòng nước không bao giờ nghỉ.

Hết vách đá thứ nhất cao khoảng bốn, năm mét là một triền đá phẳng. Dòng thác đổ mãi làm cho triền đá lõm xuống thành chiếc hồ con, chạy dài theo chiều ngang mặt thác. Ở đây dòng nước như dừng lại nghĩ suy, đắn đo giây lát. Rồi như để khẳng định mình, chúng lại nắm tay nhau bứt khỏi dòng xoáy, lao xuống dưới…
Vách đá hoa cương thứ hai cao ngút, trơn chuội đến chóng mặt. Thác đổ ào ào, say mê, mãnh liệt. Nước tung bụi trắng xóa. Gió từ dưới xa hút lên mát lạnh. Một cây gỗ lớn trôi xuôi, lao xuống thác như ánh chớp đen. Nó cắm ngập trong vực sâu chân thác. Lâu, lâu lắm mới thấy nó nổi lên, xoay tít giữa vực như say sưa choáng váng. Xoáy nước đưa nó ra xa dần. Nó dạo một vòng quanh bờ vực, lưu luyến nhìn Xao va hùng vĩ và tuyệt đẹp, rồi lặng lẽ trôi xuôi. Thỉnh thoảng ở những khúc ngoặt, nó quay nhìn Xao va cao ngất đang tung bọt trắng xóa giữa xanh thẫm rừng nguyên sinh huyền bí. Những đỉnh núi trầm tư nhìn theo nó, nhìn theo dòng sông với niềm cảm thông trìu mến.


Xao va, trong tiếng Thái không phải là tên cô gái, mà là một khoảng cách, một độ dài, một chiều cao hai mươi sải. Tĩnh tâm, sau những giây phút ngây ngất với vẻ đẹp Xao va, là lúc ta nghĩ về thế năng dòng chảy. Những ngày cạn nhất Xao va vẫn có thể cho ta công suất 1500kw. Điều này gợi về một nhà máy thủy điện tương lai.
Nhưng cũng có thể ta không làm thủy điện, mà làm du lịch. Giữ rừng cho nguyên sinh, giữ nước cho trong xanh, mà ngắm mà bơi, mà thưởng thức, không phải là thú lắm ru. 
Đừng dịch nghĩa xao va là một độ cao. Cứ để mơ màng Xao va như người con gái trắng ngần, có mái tóc dài óng ả thả trôi….
Xao va! Ôi, tên nàng mới đẹp làm sao!.
1984

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Trông ảnh, ra vế đối


TBT Nguyễn Phú Trọng bắt tay Hồ Cẩm Đào

Vế đối: Trọng không trọng trọng còn ai trọng

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

XIN THOÁT CƠN MÊ

Hai mươi năm những muốn lặng im rồi
Còn một chút lòng tin: lại nói
Giữa sa mạc rạc rài gió thổi
Những bóng hình lầm lũi trong mơ

Khờ khạo tôi tin ngây dại tôi thờ
Ai như Chúa và gì như kinh thánh
Có thể có thần minh có thể là ánh sáng
Nhưng mà sâu ghê gớm quá rất nhiều (*)

Có gì tôi thương có gì tôi yêu
Hơn nhân dân tôi và hơn đất nước
Đau khổ đấy chính là tổ quốc
Bốn ngàn năm lấy máu làm hoa (**)

Nhân loại đau thương vẫn nhầm lẫn tính từ
Và tôi nữa và anh và tất cả
Xin thoát cơn mê xin từ cõi lú
Ngẩng đầu lên tìm lại con đường.
                                               12/10/2011


(*) Ý của Trương tấn Sang
       (**) Ý của Tố Hữu

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

LẲNG LẶNG ĐI TÌM

Mang mang lồng lộng
Mà không một lời
Là đạo của trời

Theo ngón tay
Mà thấy được trăng
Là đạo của Phật
           
Lặng lẽ rơi
Giọt nước mắt vào tim
Là đạo của em

Còn tôi học dần lặng im
Lặng im đi tìm
Đạo của riêng mình

Thơ

Hai mươi năm em không đọc thơ anh
Và em cũng không đọc thơ ai cả
Các bạn thơ của anh em đều xem là những thằng gàn dở
Ngất ngưởng giữa đời cay đắng rót cho nhau


Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

RCYT: Mưa dầm

Cơn bão số sáu không lên tới vùng cao, nhưng mà mưa, mưa triền miên. Lại tiếp một đợt áp thấp nhiệt đới. Mưa, mưa dầm dề dai dẳng. Nước chảy ồ ồ trong các hẻm núi. Nước sôi sùng sục trên các con khe. Nước dềnh lên mênh mang ngập hết bãi bờ hai bên sông. Nước ứ trong lòng đất, những con giun ngộp thở ngoi lên trong nước rồi bạc dần ra mà chết.
Mọi loài chim đều náu kín. Riêng chim én lẻ tẻ còn bay. Tôi ngồi nhà đọc sách, không biết làm gì hơn vào lúc này. Độ ẩm lên đến mức tối đa. Không khí nặng nề dâm dấp. Đầu óc cũng nặng nề, tư duy chậm chạp đểnh đãng.
Những ngọn cây ngoài trời đứng im phăng phắc. Mưa rơi rả rích trên lá nhỏ, lộp bộp trên lá lớn, tí tách ngoài hàng hiên, ầm ào trên núi cao, lào rào trong rừng cây. Mưa như vây, như che, như úp sụp.
Vài con én bay rã cánh ướt lướt thướt đậu xuống cành xoan ngoài cửa sổ phòng tôi. Chúng xù ra để rủ lông rồi lại đậu im chán ngán. Đấy là loài chim lạ mới xuất hiện ở vùng chúng tôi sau chim bạc đầu vài năm. Tôi gọi chúng là én, bởi chúng cũng di cư và bắt mồi trong khi bay. Chúng có lông màu lam nhạt, điểm đôi vạt thẫm hơn hoặc hơi phớt vàng; mỏ dài màu đen, rất nhọn, cứng và hơi cong như dấu phẩy. Loài chim này hay kêu. Tiếng kêu ngắn, đơn điệu, chối tai: két…két…
 Có con chuồn chuồn ngô với đốm cánh màu đỏ đậu trên chót ngọn cây xương rồng ngoài cửa sổ. Nó cũng bị ướt và như thể đã bết dính vào đấy, mưa mặc mưa. Tôi nhìn nó thương hại. Thỉnh thoảng cánh của nó khẽ động rồi im ngay. Không phải nó rung cánh, mà có lẽ, chắc là đúng thế, một hạt mưa đã rơi vào cánh của nó. 
Trời vẫn còn mưa nữa. Không gian chìm ngập trong hợp âm rầm rào buồn bã. Những con én xanh rã cánh vẫn về đậu trên cành xoan. Con chuồn chuồn vẫn dính bết vào cành xương rồng ngoài cửa sổ. May sao còn có con chuồn chuồn ngô và những con én  đã gây chú ý và lay động tâm trí ít nhiều, nếu không tôi cũng không còn nhận ra sự tồn tại của chính mình.

RCYT: Dự báo mưa dầm

Ban mai. Trời sáng hừng lên bởi ráng vàng pha sắc đỏ ở đàng đông. Còn đàng tây là cầu vồng hiện đủ bảy màu bắc trọn một cung tròn qua hai dãy núi. Trên đầu là mây xốp xám xịt. Phải nhìn thật kỹ mới thấy mây vần vụ. Nó trôi chậm chạp, nhưng không có vẻ nặng nề mà lơ lửng như thể đang cuộn xoáy chờn vờn theo phương thẳng đứng.
Lưng chừng núi có nắng vàng. Đỉnh núi chìm trong mây. Còn ở dưới thấp thì chỉ có bóng râm. Vài hạt mưa rơi lắc rắc rồi tạnh ngay. Tôi đoán tới chiều hoặc chậm lắm là ngày sau sẽ có mưa to, mưa dầm dề. Thế mà rồi không phải. Suốt trưa và cả chiều nắng gắt. Ngày sau cũng vậy. Thời tiết ở miền núi thật là đỏng đảnh khó lường.
Nhưng rồi những ngày mưa dầm sẽ tới. Chắc chắn thế. Và còn đến sớm hơn so với mọi năm.
                                     1984

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

ẢO ẢNH

Có một dấu chấm than
lập lờ
chờn vờn mặt nước

Kinh hãi
nhìn sang bên kia bờ
có người
vừa dừng bước

Từ ấy
thấy đám đông
như một rừng những dấu chấm than  
hướng lên trời
chấm ngược.
                   7/10/2011

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

ABCK3.12/9 TT (Lớp toán, trường ĐHSP Vinh, khóa Thạch thành)

Tôi đặt tên trang này như vậy để ghi lại những điều chân tình và giản dị nhất về bạn bè thuở ấy cũng như bây giờ. Tôi cũng muốn mở rộng thông tin cho cả khóa, nếu có thể. Mỗi thông tin được ghi nhận bằng một dấu *. Đây là trang mở, cập nhật thường xuyên, rất mong các bạn đóng góp. Chúc các bạn cùng gia đình sức khỏe và hạnh phúc. VQL.

Lớp B

1. Nguyễn thị Thanh Băng  194.. Ninh bình
* Thâu cho biết Băng hy sinh năm…? Đã quy tập về nghĩa trang huyện Gia viễn Ninh bình, mộ mằn bên phía tay trái ngay ngoài cổng đi vào…

2. Chu Bình    ? Ninh bình   Giáo viên đi học. Đảng viên.  Tổ trưởng đảng hay là bí thư chi bộ lớp ?    
* Mắt bé, hơi nhèm, mặt gãy. Có khả năng văn nghệ, tập cho cả lớp hợp xướng bài Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy…
Có dạo nghe tin làm phòng phổ thông cấp  ? ở Ninh bình, gặp chuyện làm lộ đề thi chi đó?

3. Bích    194.. Quỳnh lưu N.A

4. Nam Chi   194.. Diễn châu NA
*  Ra HN lâu rồi…

5. Lê thị Danh    194.. Diễn châu NA

6. Lê đình Doanh  194..  Tĩnh gia TH
* Có mời nhóm bạn ở HN tới dự đám cưới con trai năm ngoái…

7. Dũng    1948 Quỳnh lưu NA
* Hắn có khuôn mặt sắc, lanh. Hắn làm cán sự môn tiếng Nga. Câu nói làm hắn bị rắc rối là: “Chả trách, toàn đầu trâu mặt ngựa…”

8. Dương 194.. Yên thành NA
* Hắn đàn Măng đô lin tuyệt hay…

9.Nguyễn Đăng Đàn 194… Triệu sơn TH
* Hắn là tác giả của “phát kiến”: Đường tròn Đăng Đàn…

10. Điệp   194.. Quỳnh lưu NA
* Luân gặp Điệp trên đường đi coi thi. Điệp đạp xe ngược lên QC còn Luân thì đạp xe xuôi xuống NĐ. Đường rừng hun hút những năm gian khổ…
11. Phạm văn Giai

12. Nguyễn Thị Hạnh   1949 Vinh NA
*  Có lần hắn gọi mình là Đông Ki Sốt…Hắn ra HN lâu rồi…

13. Hội  194..  Hưng nguyên NA
* Có câu trả lời thi vấn đáp môn lịch sử đảng gây sốc: “Tư sản VN không ác…”

14. Chu thị Huệ  194..  TH
* Nghe nói làm Phó giám đốc sở GD Thanh hóa…

15. Bùi Thế Hùng   1947 Quảng xương TH
* Ra HN lâu rồi…

16. Dương Tuấn Hùng  1946  Quỳnh lưu NA
* VQL có bài “DTH xin tản mạn về anh” và bài “Về xuôi hóng chuyện”, cũng nói về DTH trên blog…
* Bùi Hùng thông tin: Bùi Hùng và Tuấn Hùng thường có những buổi rủ nhau ra bờ ruộng ngồi hóng mát. DTH bảo: sau này đừng dại mà yêu học trò, trưởng thành là nó té mình đấy… Không biết có điềm gì…Bùi Hùng bảo : Mình hồi ấy cũng có nhiều trò thích, nhưng nghĩ tới lời Tuấn Hùng là mình lại sợ…

17. Bùi công Khanh   194.. Triệu sơn TH
* Kỳ II năm thứ nhất mình và Khanh trọ nhà anh Phúc…Mình đi chân đất, không có dép. Thường thì mình đi ngủ trước hắn. Mượn tạm đôi dép rửa chân, leo lên giường, mình ném dép sang trả. Hắn thì ngồi cả ngày trên ghế, say sưa học. Đặc biệt khi nào hắn cũng co một chân lên, còn tay thì gãi tanh tách... Hắn có nụ cười rất nữ tính…

18. Kiếng  194..  Nga sơn TH
* Tôi đã có đôi dòng về Kiếng ở bài Gặp mặt thường niên của lớp B K3 12/9 Thạch thành.
Anh ấy khỏe thế mà lại lâm bệnh hiểm nghèo. Đôi lúc không lý giải được, đành tin số phận.

19. Khiêm   1947  Tĩnh gia TH
* Hắn ham đọc sách văn học. Hắn cũng chúa làm mất sách. Kỳ nào cũng phải đền tiền cho thư viện. Nhưng mình cũng biết ba lô hắn toàn là sách mỗi kỳ về nghỉ…

20. Hoàng Kiều  1948  Nga sơn TH
* Về làng Ba đình, đêm ngủ với Kiều, sáng ra cả nhà nhường cho hai đứa bữa cháo lươn đã đời. Mình có ba bữa ăn đáng nhớ: với Dương Tuấn Hùng, với Thắng và với Kiều…

21. Khương 194… Nông cống Thanh hóa.
* Hắn là học sinh giỏi toán cấp tỉnh của TH…Mắt xếch…
* Đi dọc đường làng thấy ớt chỉ thiên mọc rai trong bụi là hắn dừng lại hái. Ngồi trong lớp hắn đưa ớt ra nhấm nháp hết quả này sang quả khác, không biết cay là gì…
*  Bùi Hùng thông tin Khương đã mất 4 năm nay rồi.     Xin chân thành phân ưu cùng gia đình. Thế Hùng còn giữ được ảnh hắn…

22. Lệ  194?  Thanh chương NA.  Đi bộ đội năm… Nghe nói hy sinh?...
Hắn cao lênh khênh, dáng đi vung vẩy kiểu đàn bà, trọ cùng mình và Uyên ở nhà cò Tấn. Mùa đông hắn cứ đòi nằm giữa, đến khi hắn co gối lại thì mình và Uyên bật ra khỏi chăn… Hắn lành, không có cá tính gì đặc biệt. Người như thế mà bắt cầm súng đánh giặc thì thật là tội.
Có một dạo ba đứa dành được tí tiền, nhè bữa trời mưa, khoai rẻ như bèo, mình và hắn trốn học, ra chợ Yên dạ, mua. Mình cởi quần dài, tọng khoai vào, cột túm lại, vác về…

23. Võ Quang Luân  1949 Thừa thiên Huế
* Hắn ở vùng cao 23 năm, có được một kỳ về HTK rồi lại ngược lên. Về hưu từ năm 1992. Giờ ở HN.

24. Lý  194..  Nghi lộc NA
* Ra HN rồi. Phu quân là Đô, đã từng về Thạch thành thăm Lý nên nhiều người biết…
Một thời gian dài Lý làm ở nhà xuất bản GD…

25. Nga  194.. NA

26. Phúc    194..  Thiệu hóa  TH
* Hắn chắc khỏe. Kỳ II năm thứ nhất ngồi học bàn cuối với hắn. Hai thằng hay bóp tay nhau. Mình nhỏ gầy nhưng vẫn cố để không thua. Lại còn nhìn chiếu vào mắt nhau nữa, xem thằng nào chớp mắt trước?...

27. Trần văn Quang  194..  Đô lương NA
* Năm cuối trọ cùng hắn ở nhà bà Ngấn. Mỗi thằng một cái phản con con. Hắn chăm học lắm, trí nhớ cực kỳ. Hắn đọc như cháo chảy những CCVS, những TKQĐ…
Bước vào tập QS trước khi ra trường thì hắn bị đau bụng. Bọn mình đi củi về thì thấy bụng hắn đã trướng lên rồi. Vội cáng hắn lên y tế khoa rồi sang y tế K1. Biết ngay hắn bị thủng dạ dày. Trường chuyển hắn đi BV tỉnh…Mà hắn ăn ơt nhiều quá. Ngày ấy khổ, nhạt mồm nhạt miệng, đứa nào cũng ăn ớt, nhưng không ai ăn nhiều như hắn. Tội thật…

28. Quý 194.. Tân kỳ NA
* Mỗi lấn sang hắn chơi là hắn ngoay ngoảy đuổi: Mi về cho tau học…Có lần đạp xe qua Tân kỳ có ghé nhà hắn …rồi xa từ bấy tới giừ…
Vẫn nhớ hắn gầy, cười tóp cả hai má…

29. Võ Đăng Sắc  1948  Quỳnh lưu NA
* Hắn lành quá trời. Rứa mà hắn ra đi sớm …Bị tim?..chừng hơn hai mươi năm rồi…

30. Nguyễn Sơn   194..  Hoàng hóa TH
* Hồi còn lớp E hắn làm lớp trưởng. Lên dạy Qùy châu  Nghệ an rồi về lại TH. Hắn có cái cười loe rất đáng yêu..

31. Trịnh Sơn   Tĩnh gia   TH

32. Cao Văn Tám  194..   Vinh NA
* Có ảnh chụp chung bốn đứa ở Vinh ngày đó…Có lần coi thi Quỳ hợp, gặp anh Bảy mới hay Tám ở Quảng ninh, nghe nói làm đến chức hiệu trưởng…

33. Tân  194..  Nam đàn NA
* Dạy Tân kỳ, rồi Thanh chương, mãi mới được về Nam đàn I. Lấy Nhung lớp C. Giỏi nhất là hắn có 4 con, vô địch! À không, hình như còn thua Bích Quỳnh lưu…
Hôm gặp nhau ở nhà Nam Chi hắn đọc thơ Thái Doãn Kỳ:
Thu đạ qua rồi còn đại lụ
Thầy trò Trù Đại gặt giúp dân
Có lệnh là đi không đợi nhủ
Nôn lòng vì nỗi nước trào dâng

34. Mai Duy Thắng  194..  Hà trung TH
* Hắn có đôi mắt ướt mi rất tình…Ghé qua nhà, hắn cho mình một bữa dấm cá quả đã đời. Rồi hắn đèo mình ra đến đường I…
Năm ngoái đám cưới con trai, hắn ra HN, có tới thăm mình… Muốn liên lạc với hắn quá mà chưa có số máy…
Có số máy rồi, Hùng cho. Gọi điện… Lại có chuyện buồn về cháu nội…Xin chia sẻ…

35. Đinh Xuân Thâu  1947  Quảng bình

* Hồi này Thâu phát tướng lắm, cao to hồng hào, đi đâu cũng kè kè cái cặp bự. Thâu có thể lôi từ trong cặp ra đủ thứ, nhiều nhất là sổ ghí điện thoại, có đủ bạn bè và những nhân vật quan trọng.
* Hắn học toán được, đã ra đi dạy, rồi đi bộ đội, đều được. Nay hắn bỏ toán, bỏ dạy, nhưng mà vẫn được. Chỉ có điều không biết hắn đang làm gì.


36. Mai Thị Thia    194..  Nga sơn TH
* Cuối kỳ… về dự đám cưới chị… năm sau về QL thăm chị học lại …
Tìm được số máy anh Gần… gọi về Nga sơn…Các cháu trưởng thành cả… Thế là mừng.

37. Thiều   194..  Vinh NA
* Hắn có mái tóc đẹp và thường vuốt hoặc hất ngược mái tóc của mình. Hắn bắt gôn giỏi, có lần va chạm sợt cả một đường đỏ bầm suốt dọc  cánh tay…Dạy cùng Thiều một Kỳ ở HTK rồi mình lại ngược QP…

38. Thực   194… Triệu sơn  TH

39. Thương   194.. QB

40. Tịnh    194.. triệu sơn  TH
* Hắn cao, mắt bé, má phính, da hồng… Lành

41. Tuấn   19…  Hà tịnh   Giáo viên đi học…Lớp trưởng …Lành…


42. Tuệ   19.. Hà Tịnh   Giáo viên đi học…

43. Trí   194.. Diễn châu  NA
* Xong năm thứ ba là cưới vợ. Thăng làm ở bệnh viện tỉnh NA. Con cái trưởng thành cả, hai đứa ở Vũng tàu, một đứa lầy vợ người Gia lâm…

44. Trung  194..   Hoằng hóa TH
* Hắn khỏe như voi, nói trạng rõ hay, nhất là cái chuyện: Ơ cái bà gìa tê…Hắn có thể bật ngữa bụng cho người  khác đứng lên, thậm chí còn có thể xếp gạch lên bụng mà quai búa xuống…

45. Từ  194… Nghi lộc NA    Phó BT chi đoàn

46. Nguyễn Công Uyên   194…  Đô lương NA
* Ba đứa nhổ rau má, rửa sạch, tái nhỏ, rắc muối bột vào ăn độn cho đỡ đói. Răng mồm thằng nào cũng xanh lè, chát sít…

47. Ưng  194…  NB?   Giáo viên đi học… Bí thư chi đoàn…
* Anh có thói quen vừa nói chuyện vừa làm một động tác gì đó như là vuốt mái tóc hay gãi ở đùi hay… Anh là con người sôi nổi…Gặp lại một lần tình cờ giữa bến xe Vinh hồi sau 75. Anh vào tận Cà mâu thì phải… Ưng và Từ thành cặp đôi hoàn hảo....

48.  194..  TH
Hồi còn lớp E, làm BT chi đoàn…  


49. Liên  194... Đô lương NA

50. San    194.... Yên thành   NA

51. Phương  194... Cẩm thủy TH

 
*****
Lớp A:  Nhớ có Đàm Em, Tuyết Thi, Quang, Tao, Thông ...
Lớp C:  Nhớ có Thiên, Ty, Nhung, Linh, Phượng...

Chắc là chưa đủ. Mong các bạn bổ sung. Nhớ các bạn nhiều. Tin gửi về Voquangluan49@gmail.com hoặc dt 04.33543825. Các bạn có thể còm ngay vào cuối bài và tôi sẽ tải lên trang. VQL thành thực cảm ơn.
15-9-2011


Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

MONG BỘ BỘ CHẲNG VỀ CHO

Năm 197... bọn tôi đi chấm thi ở hội đồng Anh sơn. Đây là một huyện trung du, xa thành phố Vinh đến gần trăm cây số. Mới hết buổi chấm thử thứ nhất, vừa ngồi vào ăn trưa, thì bộ về.
Bộ về đột ngột quá. Trường sở tại và cả ban lãnh đạo hội đồng chấm thi đều bị giật mình. Ngày ấy chưa có điện thoại di động như bây giờ. Đáng ra thì bộ về qua ty rồi mới xuống hội đồng chấm thi. Đằng này bộ chạy thẳng, không qua ty nên không ai kịp điện báo gì cả. Chết cái thuở ấy còn bao cấp, không báo trước thế này thì lấy gì mà tiếp. Căng nhất là bữa trưa hôm ấy. May sao có lớp cuối cấp của trường sở tại rủ nhau thi xong đâu đấy mới liên hoan chia tay. Vậy là hội đồng đành mượn tạm của trò mấy mâm để tiếp khách.

Cuối hè đi chỉnh huấn mới nghe anh em ở hội đồng chấm thi Hưng nguyên, là nơi được ty chuẩn bi để đón bộ về, mà đón hụt, đọc cho nghe câu lục bát:
Mong bộ bộ chẳng về cho
Thịt ôi xôi lạnh trên lo dưới mừng.