Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Ba câu dành cho Nguyên Vũ

Người ta rộn lên chuyện ĐLNV, sao ông cứ lặng im như rứa? Thì biết chi mà nói, tôi trả lời.
Tôi chỉ có cái này, muốn nói với Vũ từ lâu mà không tìm ra số điện thoại của hắn. Cũng chỉ có ba câu. Nói luôn cả làng nghe, hắn nghe được càng tốt, tôi đã định dành riêng cho hắn:
Cà phê có nhiều cây cho quả chín có vị ngọt, ngọt lắm.
Lên men như làm vang nho, ta có vang cà phê.
Hạt cà phê đã qua lên men, cho ta cà phê vang.
Ba câu! Tin là rất ngon! Hắn thích nữa thì đề: Cà phê vang Trung nguyên; Vang cà phê Trung nguyên!
31-5-2011

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Chúng ta.com bị tai nạn giao thông

          Chúng ta.com bị tai nạn giao thông đã mấy bữa nay rồi, không rõ đang nằm viện nào. Cái nhà này luôn đi đúng lề mà vẫn bị tai nạn. Nhiều khi thế đấy, không cứ phải sai lề hay loạng quạng ra đường mới bị đâu, mà ngồi trong nhà lắm lúc cũng bị xe to nó đâm vào, tan cả nhà, thiệt cả người.
           Xin gửi vọng lời thăm ân cần tới CT.com. Chúc CT.com mau hồi phục, trở lại lưu thông, cho bà con được nhờ.
30-5-2011

NGƯƠI THẦY CỦA TÔI


        Năm 1972 tôi được gặp cụ Sầm Văn Phú. Cụ có cháu nội học với tôi. Cụ xuống trường họp hội cha mẹ học sinh thay cho thân sinh của trò. Sau buổi họp Cụ ghé qua nhà thăm mẹ con tôi. Giữa lúc vui câu chuyện, cụ nói: Tiếc quá, tôi yếu rồi, không thể hướng dẫn cho thầy tập khí công được.
         Đây là lần đầu tiên tôi được nghe nói đến khí công, mà người nói cho tôi hay là ông cụ vùng cao đang hiện diện ngay trước mắt tôi đây. Tôi mừng quá, lại ngạc nhiên quá nữa. Trước kia tôi chỉ nghe nói tới khí công trong các sách kiếm hiệp mà bọn trẻ chúng tôi đọc lén trang được trang mất. Nay tôi được nghe Cụ nói ngay tại nhà mình, thật xúc động quá đỗi. Thì ra Cụ đã từng theo cụ Giải San sang Nhật, mà ông ngoại tôi lại là học trò của cụ Giải, cũng từng sang Nhật. Chuyện cứ thế mở ra.
-  Thưa Cụ, khí công nghĩa là gì ạ.
-   Nghĩa là công phu luyện khí, đó thầy. Cái lý của nó là thế này:
    * Sinh khí nói chung, dưỡng khí nói riêng, là thứ dường như vô tận trong trời đất. 
    * Trong lục phủ ngũ tạng của con người chỉ có tạng phế là có thể điều khiển được. 
    * Vậy thì hãy dùng tâm chí của mình mà điều khiển hơi thở sao cho thâu nhận được tối đa sinh khí của đất trời, vũ trụ!
     - Ôi! Cụ ơi! Thật tuyệt vời! Cháu cảm ơn cụ. Quả là chưa bao giờ, chưa ở đâu cháu được nghe một tam đoạn luận nào tuyệt vời như vậy. Chỉ ba câu mà lay động tâm can, mà khắc ghi tức khắc vào trí não, nhớ như in mãi không phai.
      Sau đó mấy tháng tôi có mua được cuốn sách đầu tiên nói về khí công của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện dưới cái tên dân dã “Thở đúng thở tốt”. Sau thời gian dài tiếp nữa là cuốn “Khí công” của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng và rồi có những cuốn giới thiệu về khí công khác nữa. Tôi chưa thấy sách nào nói được cái gốc, cái cốt lõi của khí công súc tích, dể hiểu và chính xác như lời của cụ Sầm Văn Phú.
       Cụ nói thêm: Tập khí công, phải công phu lắm và phải tập từ khi còn trẻ; 14, 15 tuổi mà tập là tốt nhất. Tôi bây giờ yếu rồi, chỉ nói sơ sơ với thầy như vậy chứ không tập được nữa.
       May là tôi còn có nhiều dịp về Châu kim thăm Cụ. Dẫu không dám phiền Cụ truyền dạy cho mình môn học đòi hỏi nhiều thời gian và lắm công phu này nhưng trong tâm trí tôi Cụ mãi mãi là người thầy tuyệt vời nhất đã khai mở cho tôi một sự nhận biết, một cách tư duy và một ý thức rèn luyện sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần. 
        Lần lần tập theo nhiều sách khác nhau, nhưng tôi luôn lấy ba câu của Cụ làm chuẩn.  Tự cảm nhận, tự chắt lọc, rồi hai mươi năm nay tôi tập một phức hợp ioga  trên nền tảng thuận theo hơi thở. Ơn trời, ơn đời, đặc biệt ơn Cụ và các thầy thuốc, từ ngày cái phổi được chữa lành tới giờ đã 35 năm tôi chưa phải vào viện lần nào.

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

PHÉP THỬ

        Hội đồng bầu cử đưa ông PXN vào danh sách ứng cử viên quận HBT là một phép thử. Thử cái gì? Thử xem dân tình ủng hộ ông PXN tới đâu. Thử xem những bài vận đồng ứng cử có giá trị gì. Cơ bản hơn thử sức mạnh của sự sắp đặt còn giá trị hiện hữu tới đâu?...
        Bản thân ông PXN cũng muốn đận này làm một phép thử. Thử xem bầu bạn ủng hộ mình thật không? Thử xem bầu bán dân chủ tới mức nào? Cũng thử uy tín nhà văn trong xã hội ra sao? Thử nữa trò chơi may rủi tới đâu? Cũng nữa, thử xem dân chúng đi bầu kiểu gì?...
       Ngoài biển Việt nam, tàu Trung quốc chặn tàu mình, phá thiết bị của mình, lại là một phép thử khác. TQ thử thái độ đảng mình, quốc hội, chính phủ, quân đội mình, thử cả thái độ của dân mình, thái độ các nước trong khu vực và thái độ của các nước lớn?…
        Dân chúng trong nước cũng lắng xem phản ứng của đảng và nhà nước mình thế nào, động tĩnh tiếp đây ra sao, thế giới quan tâm cỡ nào, mình bầu bạn với ai, có người nào ủng hộ?…
       Các nhà khoa học cũng thường thực hiện chu trình “ thử và sai và thử tiếp” kiên trì cho tới khi nào có kết quả. Điều này cũng đúng cho mọi người tìm kiếm một lối đi. Đúng cả cho đứa trẻ chập chững những bước đầu đời.
       Và cũng có thể nói tất cả mọi điều chỉ là phép thử. Kể cả phép thử đúng. Cái quan trọng nhất là thái độ của mỗi người trước các phép thử đó.

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Du lịch Việt nam - cầu cấm, cửa rào, cổng chốt

        Đất nước mình rất giàu tiềm năng du lịch. Cao nguyên địa chất Đồng văn, địa đầu Lũng cú, chiến trường Điện biên, đỉnh Phan xi phăng sừng sững, Sa pa Tam đảo sương mờ, đất tổ Hùng vương, chiến khu Việt bắc…Chỉ quanh tây bắc mà đã không kể hết địa danh. Xuôi về đồng bằng Bắc bộ, ra vịnh Hạ long, hướng về nam, qua miền trung dằng dặc, tới Nam bộ thành đồng, ngược lên Tây nguyên hùng vĩ, dọc theo bờ biển hơn ba ngàn cây số…còn biết bao nơi muốn ghé muốn thăm.
       Thế mà sao du khách đến Việt nam mình, chỉ có dăm bảy phần trăm quay lại. Phải chăng chúng ta chỉ mới có địa danh, chỉ mới có nơi đến, mà chưa có nhân danh, chưa có tiếng là người mến khách. Người thì có, người đep cũng nhiều, mà người mời chào đon đả, người lịch thiệp chan hòa, người thông tỏ mẫn tiệp, người tươi đôi môi, long lanh đôi mắt, người hút hồn du khách chưa nhiều.
       Ngược lại, người chèo kéo, bám dai, người thách cao dao bầu, người sẵn sàng “chém đẹp”thì tới đâu cũng gặp. Lại thêm bốn cái “B” bẩn bụi bực buồn của du lịch ta. Thêm luôn thói độc quyền cát cứ của các nhóm lợi ích băn nát cảnh quan, rào dậu danh thắng, thì đến người ta, dù đã quen đủ thứ ‘B” cũng còn không chịu nổi, huống chi người Tây bỏ tiền tươi thóc thật nghìn dặm tới đây.
       Một lần về Nghệ, bạn bè đùa: Cầu thì cấm, cửa đã rào, cổng lại chốt, thì dẫu không quanh quanh, dẫu có non xanh nước biếc cũng chẳng ma nào dám vào.
        Đã không cười thì chớ, lại còn rào, còn chốt, lại còn chém thế này thì tôi cũng một đi không trở lại, chứ nói chi du khách nước ngoài.
                                                                                                28-5-2011.

Ở trong lòng


 
       Thơ hay, trăng ngần, mỹ nhân, cho đến phật pháp, tất cả đều ở ngoài lời. Lặng lẽ mà ngắm, mà cảm, lặng lẽ chiêm ngưỡng và tu tập. Đến lúc cảm được, lâng lâng bay bổng, hay ngất ngây, hay bằng lặng thanh tịnh là ngộ.
       Đã cảm, đã ngộ được thì tất cả thơ, trăng, mỹ nhân, cho đến đạo đều ở trong lòng, không còn xa lạ nữa.

Mênh mông

Chú chim rừng sợ khói đốt nương
Bay lạc
Về nép vào búi tre gai góc
Làng xa

Tháng ba
Dậy mùa gọi bạn
Gióng giã suốt đêm
Vô trèo ra trụt
Bền bỉ qua ngày
Khó khăn khắc phục
Khàn giọng nhắn nhe
Bắt cô trói cột

Chơ vơ không bạn đáp lời
Chỉ có tiếng xe
Inh ỏi tiếng còi
Pốp rốc tiếng người

Chim rừng lạc lõng
Không lời đồng vọng
Chim ơi

Rồi tiếng chim ngừng
Dõi tìm không gặp
Rừng xanh xa tít tắp
Về đâu

Trời cao lồng lộng
Bạn tình nòi giống còn không
Chim hời chim hỡi
Mênh mông
Mênh mông
                       

Mảnh vụn


Những mảnh vụn của cuộc đời
Sắc như thủy tinh
Rạch lên da
Cứa vào tim
Lúc nào không hay biết

Chợt khi thấy rát
Mới hay vệt máu đã loang
Loay hoay băng bó chưa xong
Lại vương mảnh đời vụn khác

Có khi rơi nước mắt
Không phải khóc cho mình
Mà vì bàn chân đã vô ý dẫm lên
Cánh hoa tàn dưới đất
Lại nữa một mảnh đời vụn nát.

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là một bất biến

       Tàu hải giám của Trung quốc xâm phạm sâu vào lãnh hải nước ta để phá hoại thiết bị thu sóng siêu âm tàu Bình minh 02 của ta vào hồi 5h 58 ngày 26/5. Đây là một thách thức nghiêm trọng đối với chủ quyền biển đảo của nước ta.
       Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là một bất biến. Đảng cầm quyền và các nhà lãnh đạo hãy nắm vững bất biến này để ứng vạn biến.
       Hơn bao giờ hết, lúc này đây là thời cơ để chứng tỏ bản lĩnh của các nhà lãnh đạo và đảng cầm quyền. Chủ quyền quốc gia và uy tín của đảng có được giữ vững hay không phụ thuộc vào thái độ và bản lĩnh ứng xử với “láng giềng tốt” của các nhà lãnh đạo vừa được đảng và dân tin bầu trong đại hội đảng và bầu cử quốc hội vừa qua.
       Làm dân, chúng tôi chỉ còn biết mong chờ, hy vọng và đương nhiên sẵn sàng vì nghĩa lớn khi tổ quốc cần.

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011


Nếu tồn tại một mình tôi chẳng là gì cả
Khi ở bên em tôi là một nửa
Khi giữa bạn bè tôi chính là tôi
Giữa cuộc đời là hạt bụi chia đôi

Giật mình


Đêm mưa không nghe tiếng ếch
Tháng ba dấm dậy như thừa
Trống trơn cõi lòng không thể
Giật mình như cụ Tú ngày xưa


Nhâm nhi


Nhòm song
Nhâm nhi từng chữ
Thơ đời
Đắng chát

Hồi lâu
Câu chữ quên rồi
Chép môi
Hít một hơi dài
Lại ngọt.

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Không biết là để xây cái gì, sao người ta lại phá

     Thật khó trả lời câu hỏi này. Chẳng hóa ra người ta hành động không có mục đích?  Hành động không mục đích thì không phải là việc của con người. Phải có đích chứ. Vậy đích ở đây là gì? Lại thật khó mà nói rõ được, vì đích còn xa lắm, chỉ mù mờ hình dung về nó, làm sao nói ngay được nó là cái gì. Chưa có đích rõ ràng sao người ta lại hành động? Lại thật khó quá! Lại quay về hỏi từ đầu. Thôi thì cố thử lý giải xem, may chăng có lý nào nghe lọt.
      1. Người ta phá vì không thể chấp nhận sự tổn tại của sự vật đó.
--. Vì nó quá xấu, hoặc nó đứng không đúng chỗ mà lại không thể di dời.
--. Vì nó ức chế hoặc đè nặng lên con người ta đến mức không chịu nổi.
      2. Người ta phá vì cái đó không phải của chính họ:
--. Mà là của kẻ họ đang căm ghét.
--. Hoặc cũng chẳng phải của riêng ai, nhưng có khả năng rất dễ rơi vào tay kẻ khác.
--. Hoặc cái đó chẳng ai trông nom nhòm ngó.
     3. Người ta cũng có thể phá phách khi quá bực tức điều gì, mà không biết trút căm tức vào đâu. Khi đó người ta sẽ đập phá:
--. Cái gì ở ngay trong tầm tay.
--. Cái gì không thực là tối quan trọng đối với họ.
--. Hoặc bất cứ cái gì không phải của riêng họ và là không của ai cả.     
     4. Người ta phá khi người ta sợ hãi.
--. Sợ cái đó có hại cho mình, hoặc chỉ mơ hồ nó ám ảnh mình.
--. Sợ kẻ khác có cái đó thì sẽ hơn mình.
    5. Người ta phá vì một đức tin hay một ý tưởng:
--. Khi người ta có một đức tin vào điều gì thiêng liêng, người ta sẽ phá cái gì ngược với đức tin đó, nếu như cuồng tín.
--. Khi người ta mù quáng tin theo kẻ khác, ngay cả khi chỉ có một ý tưởng mơ hồ, thậm chí càng huyễn hoặc, càng nhiều hứa hẹn, dẫu suông, càng dẫn dụ người khác.
--. Hoặc là chỉ hùa theo phong trào, theo bầy đàn, mặc cho trong lòng bán tín bán nghi, thậm chí trong lòng sợ hãi.
    6. Người ta phá vì một ý đồ, vì một tham vọng. Tham vọng càng lớn, càng cần dẫn dụ nhiều người, nếu được, thì sức phá càng mạnh. Nhưng những tham vọng lớn thường lại mơ hồ, khó trù liệu, thậm chí còn chưa hình dung nổi phá thế nào, xây làm sao.
     7. Người ta phá để xây cái khác, tốt đẹp hơn.
 Khi người ta hoàn toàn tự tin rằng mình sẽ xây được cái tốt đẹp hơn, bằng chính sức mình, với sự chuẩn bị chu đáo từ ý tưởng đến thiết kế, dự toán nhân tài vật lực, cho đến thi công và chọn đúng thời điểm thuận lợi nhất, thì người ta mới phá cái cũ. Điều cuối cùng này thực sự ít khi đạt được mà phần nhiều là rơi vào các điều trước đó, nhất là khi con người ta chủ quan nóng vội.
        Có thể tôi chưa hình dung hết những gì đẩy người ta đến chỗ đập phá, nhưng chỉ bấy nhiêu cũng đủ thấy không có nhiều lý do chính đáng để đập bỏ. Và cũng qua đây cho ta thấy để xây được cái mới tốt đẹp hơn cái đã đập bỏ, thật không dễ dàng gì.
                                                                                           15-5-2011

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Bao cấp khái niệm



      Thời bao cấp nhiều khi thiếu đói. Đói miếng ăn, thiếu cái tiêu dùng tối thiểu. Già nửa dân số hiện nay đã qua thời đó, chắc rằng chẳng ai có thể nào quên. Nhưng cũng phải ghi nhận rằng cái thời đó dân chúng được bao cấp niềm tin đến mức bão hòa, bao cấp ước mơ đến hồi ảo tưởng, và bao cấp khái niệm đến nỗi dư thừa.
      Ấn tượng nhất và cũng là khó hình dung nhất là khái niệm làm chủ tập thể. Chúng tôi phải học suốt cả một mùa hè cái nghị quyết có khái niệm ấy. Có thể nói khái niệm ấy là cái sáng tạo bậc nhất trong nghị quyết đó và đã được trình bày khá kỹ. Thế mà cái đầu của tôi vẫn không sao hiểu nổi. Nhiều khi tôi nghi ngờ chính mình: Chẳng hay mình ngu đến mức này sao? Bạn bè thương tình, có đứa bảo: Thôi mày ơi, không hiểu cũng coi như hiểu rồi, cho qua đi. Mày tưởng chúng tao cũng hiểu chắc.
      Giở lại thời còn đi học, tôi thực không làm sao hiểu được khái niệm “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Năng lực của mình thì có hạn, gầy như con mắm, giỏi lắm gánh được 50 cân, còn nhu cầu thì biết mấy là vừa, lấy của đâu ra mà hưởng. Thời này may ra có anh Vinasin là thỏa mãn cả hai điều ấy: vừa được “làm chủ tập thể” vừa được “làm theo năng lực” mà lại   “hưởng theo nhu cầu”, chứ với đại đa số nhân dân lao động thì những thứ ấy mãi mãi vẫn chỉ là khái niệm được người ta ban cho mà thôi.
     Còn một loạt các khái niệm có gắn với chữ hóa: công nghệp hóa, hóa học hóa, hiện đại hóa, lý tưởng hóa, tư sản hóa, thành thị hóa, cơ giới hóa, tự động hóa, Việt nam hóa, hủ hóa, tầm thường hóa v.v…Đến giờ nếu vẫn theo cách nói này thì phải có thêm: ô nhiễm hóa, tham nhũng hóa, biến chất hóa, sa đọa hóa.v.v…và v.v…
    Cũng có một loạt khái niệm đi cùng chữ chủ nghĩa: chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa Sô vanh, chủ nghĩa hẹp hòi, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa bành trướng, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa xét lại hiện đại, chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa thực dụng v.v… và v.v…Cả một trời chủ nghĩa.
     Ngày ấy, giữa cơn đói như bào, ước gì tất cả những thứ đó có thể vo tròn  thành một nắm xôi, thì Bờm tôi hẳn cười sung sướng lắm.
    Ơ…, mà khoan! Dừng lại! Đói thì đói, đừng ăn. Biết đâu…, ăn nắm xôi ấy vào ngộ độc mà chết cũng nên!
20-5-2011



Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Bầu cử xong rồi


      Người ta cử sẵn, mình chỉ còn việc bầu, tưởng là đơn giản, hóa ra không dễ. Đến điểm bầu cử, người ta phải chen nhau để được đọc tóm tắt trích ngang hồ sơ ứng cử viên. Tôi muốn đọc cho kỹ cũng không được. Có người còn gắt: Muốn đọc kỹ sao mấy bữa trước không đến. Đành thôi, lùi ra.
      Bầu một lúc cả bốn cấp, hơn hai chục đại biểu, nhớ sao hết. Định đánh dấu cho nhớ người này người kia, lại hóa ra không có bút. Ban bầu cử cũng không có. Nhìn quanh có vài người nhớ đem theo, nhưng họ cũng đang dùng, mà còn phải dùng lâu lâu. Họ dùng xong thì họ cũng phải về, cho mình mượn lâu lâu họ chờ sao được. Thôi đành quay về nhà lấy cái bút rồi quay ra lại.
      Đến cuộc chọn mới khó. Biết chọn ai bây giờ. Rất muốn sáng suốt lựa chọn, nhưng thông tin ít quá. Biết là ít nhưng nào có chen mà đọc cho được đến nơi đến chốn. Đang lúng túng thì có người gợi ý: Ông có thấy người ta không xếp theo thứ tự ABC không. Cũng không theo già tới trẻ, hay ngược lại, trẻ tới già. Cũng không phải nữ tới nam, hay nam tới nữ. Thế mà vẫn đánh số thứ tự thì rõ là có ý đồ. Hay là lấy trên xuống, đếm đủ thì gạch những cái tên còn lại. Hay là lấy dưới lên?.
     Tôi loay hoay cả tiếng. Hay là thế này: Có hai nữ thì xóa một, có hai anh ngoài đảng, xóa một. Nhưng xóa ai trong hai? Vẫn khó. Hay là tiến sĩ thì để lại, xóa anh nào bằng cấp yếu hơn. Nhưng lại nghe nói có tiến sĩ dởm ở ngay trong danh sách ứng viên. Dởm thì xóa, kể cả tiến sĩ!
     Nhà tôi gắt nhặng lên: Người ta vừa đến đã bầu xong, nhoáng một cái là về, sao ông cứ so đo?
     - Bà chịu khó chờ tôi một tí, xong ngay đây.
     Đến lượt bỏ phiếu, đang lo không biết phiếu nào bỏ vô hòm nào, thì may quá, cán bộ hướng dẫn tươi cười bảo: Hai bác bỏ tất vào đây, một thùng cho tiện. Cái này thì nhất tổ bầu cử nhà mình, sáng tạo thật. Và đây là nụ cười duy nhất trong cái hội trường này suốt từ sáng tới giờ, giữa ngày hội non sông.
   

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Lợn đi thi


Có kẻ bảo rằng có khó chi
Đến kỳ đóng rọ lợn đi thi
Cái giống ấy mà tài giỏi thế
Xây chuồng dựng trại dẹp trường đi.
                  Hội đồng coi thi C.III T.H. 1981

                           *****

           Ngày ấy còn bao cấp, đến kỳ thi mỗi hội đồng thi được cấp một con lợn, đem về mổ ngay tại trường. Nghe tiếng lợn kêu eng éc, có kẻ đã bảo như trên. Miếng ăn là miếng nhục. Chẳng lễ cứ cắm mặt mà nuốt, nên mới có thơ này. Buồn.

ĐÃ CÓ MỘT THỜI

Đã có một thời như thế thật sao
Thầy giáo sống bằng nuôi lợn
Bằng đạp xích lô, vá may, cày ruộng
Bằng đủ mọi nghề trừ nghề của mình ra

Đã có một thời gió táp mưa sa
"Kỷ nguyên mới" trò đánh thầy tơi tả*
Phụ huynh đến trường bằng gậy dao gạch đá
Kỳ thi thành trận chiến công kiên**

Nhà giáo bị ép từ trên xuống dưới lên
Chỉ tiêu được bề trên áp đặt
Giả dối đấy mà cố tin là thật
Như đã một thời như thế rồi ư

Vẫn biết ở đời xấu tốt hơn thua
Là cái lẽ thường tình vẫn có
Mà chẳng dễ gì tin đã một thời như thế
Ở đất nước mình vốn văn hiến ngàn xưa

Đã có một thời của xấu đồ hư
Được sơn mạ hòe hoa nhấp nhoáng
Chẳng lẽ nhà trường cũng đem hàng dởm
Tung ra đời đổi chác bán mua

Đã có một thời như thế rồi ư
Nhà giáo chỉ được một chiều ca ngợi
Thành trống rỗng sáo mòn giả dối
Và tự biến mình dần thành hèn kém nhỏ nhoi

Đã thật vậy sao có như thế một thời
Nhà giáo bỏ nghề tâm đắc
Những nhà giáo NGHIÊM – HIỀN – THANH BẠCH
Biết lẽ sống đời mình “vì hạnh phúc trăm năm”.

Ôi đã một thời như thế rồi chăng?
                                                             1988



* Kỉ nguyên mới - nghành mình đã gọi thế vào cái thời nhập bộ đại học và trung học chuyên nghiệp vào bộ giáo dục, rồi chuyển hệ 10 năm sang 12 năm, rồi viết lại SGK...
** Năm ấy trường Nam đàn phải tổ chức thi lại vì trận công kiên...
                            Bài này được đăng báo NGVND 11/1988                         

Những kỳ thi như tôi được biết

      Những kỳ thi lại sắp đến rồi, dù mình không phải đi thi vẫn thấy xốn xang. Xưa thì lo cho mình, rồi lo cho trò, bây giờ thì thật là không biết lo cho ai, không chỉ ra thật cụ thể được. Mà sao vẫn lo. Hay là mình mắc bệnh gì.
     Ngày trước học hết cấp I là đã phải thi. Có đến hai kỳ thi. Một là thi hết cấp, hai là thi chuyển cấp. Thi hết cấp thì thấy nhẹ nhàng, không có điều chi căng thẳng. Nhưng thi chuyển cấp thì căng. Ngay từ đầu thầy đã bảo: Cả huyện chỉ có vài trường cấp II, trong khi hầu hết các xã đều có trường cấp I. Mà cả huyện có đến 42 xã.
     Vào thi, ngồi làm bài thằng nào cũng nín thinh, lưng thẳng đơ, không ngọ ngoạy. Đến gần cuối giờ thi toán thì nghe tiếng loa mo cau từ trên cao đâu ngoài đường vọng vào: Đáp số (chừng này), vơ bây! Tôi thấy không trùng với đáp số của mình, hơi hoảng. Lần lại từng phép toán, không thấy sai chỗ nào. Trong bụng muốn sửa theo người ta mà không biết sửa từ đâu, đành để thế đem nộp. Không dè mình đúng, còn mấy anh học trước, đã lên cấp II thì lại giải sai.
        Ngày ấy còn nhỏ, thi xong là về, cũng chẳng để tâm làm sao mà đề lại lọt ra ngoài được, cũng chẳng cần biết mấy anh cấp II ấy là ai. Thực ra thì đâu có nhiều những anh chị học trước chúng tôi trong xóm hay trong xã.
      Đến lớp 6 thì tôi về thị xã học. Hết cấp II lại cũng phải qua hai kỳ thi như hồi cấp I. Phải thi 4 môn hết cấp nhưng cũng nhẹ nhàng dù cho đến gần 1/4 là trượt. Thi chuyển cấp thì căng vì cả mấy trường của thị xã với mấy huyện xung quanh mà chỉ thi vào có một trường cấp III. Kỳ thi này không có chuyện loa mo cau đọc đáp số từ trên ngọn cây. Nói như bây giờ là rất nghiêm túc.
     Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông diễn ra vào lúc Mỹ ném bom bắn phá miền bắc ác liệt. Nhiều bạn tôi đã vào chiến trường, không kịp dự cuộc thi này. Kỳ thi vẫn nghiêm dù sơ tán, mỗi phòng thi ở một mé đồi.
     Kỳ thi tốt nghiệp năm 1970 thì tôi đã là giám thị. Từ 71 trở đi thì tôi đã đi chấm thi. Coi thi cơ bản là nghiêm. Còn chấm thi, thì tới lúc ấy tôi mới biết.
     Ngày ấy hội đồng chấm thi có một nửa là giáo viên ngoại tỉnh. Mỗi cặp chấm là một nội, một ngoại. Trước lúc mở đáp án và biểu điểm có cuộc gặp hội đồng chấm thi của lãnh đạo tỉnh. Vị lãnh đạo có nói đại ý: Niềm nam đang thắng lớn, niềm bắc bắn rơi (…) máy bay; các chiến sĩ ngày đêm hy sinh xương máu ngoài mặt trận; bà con nông dân tay cày tay súng…Nghành ta cũng có nhiều cố gắng, nhiều thành tích rất đáng biểu dương…Các cố gắng ấy sẽ được thể hiện qua kết quả thi tốt nghiệp. Các thầy cô cố gắng chấm thi sao cho các chiến sĩ ngoài mặt trận yên lòng, cho bà con nông dân yên tâm sản xuất…Nghành ta cùng thi đua với các nghành khác, lập thành tích cao nhất góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
     Bước vào chấm thử, môn toán chỉ đạt xấp xỉ 30%, các môn khác có khá hơn, nhưng vẫn thấp. Họp bộ môn, điều chỉnh biểu điểm tí chút, châm chước các lỗi nhỏ. Chấm lại, lên được 40%, các môn khác cũng lên, tạm ráp kết quả, 75%. Được rồi, có thể chấm đại trà. Có những kì phải điều chỉnh biểu điểm đến hai lần, chấm thử đi thử lại mới đạt tỉ lệ mong muốn.
     Việc này chỉ có hội đồng chấm thi biết, nên không ảnh hưởng đến tinh thần thái độ của thầy và trò trong việc thi và coi thi. Nói chung việc học và thi của trò, việc dạy và coi thi của thầy cơ bản vẫn nghiêm túc. Lỏng một chút ở chấm thi nhưng không để lộ ra ngoài.
      Về sau do chiến tranh ác liệt, các hội đồng chấm thi chia nhỏ, số thí sinh nhiều lên, không còn đổi chéo giáo viên ngoại tỉnh. Việc chấm thi thì vẫn vậy, thường khống chế tỷ lệ tốt nghiệp trong khoảng 75 đến 80%.
      Thế rồi càng về sau thì việc coi thi càng lỏng dần, nhất là những năm khó khăn sau chiến tranh. Tiếp đến những năm sáp nhập hai bộ giáo dục và đại học chuyên nghiệp. Tiếp nữa là thời ra bộ sách cải cách, số học trò cấp III sụt giảm. Và từ đây bắt đầu một cuộc tụt dốc không phanh cả về học, thi và chấm thi.
      Ngược lại, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng dần lên ở tất cả các cấp. Khi tỷ lệ này lên quá cao ở cấp I thì ra chủ trương bỏ thi hết cấp I,  bỏ luôn việc thi lên cấp II, coi như phổ cập THCS. Lại đến lúc các máy photo chạy nóng ran lên trong các kỳ thi hết cấp II, và tỷ lệ đỗ quá cao, thì tiến tới bỏ luôn kỳ thi hết cấp II. Đến bây giờ thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT cũng lại đã quá cao, không chừng tới lúc bỏ luôn thi cấp III, trong khi chất lượng thi vào đại học ngày một thấp.
       Ở cấp học cao hơn thì tôi không rành, nhưng các thông tin trong ngoài luồng đều nói chất lượng ở các trường đại học cũng ngày một giảm, cả trên đại học cũng vậy, thậm chí có cả thạc sĩ, tiến sĩ dởm.
      Tôi thì đã nghỉ hưu lâu rồi, tưởng đã không vương gì chuyện thi cử nữa, thế mà cứ đến mùa thi lại thấy lo lo. Bởi cái tâm không an nên mới viết lên mấy dòng này. Viết xong càng thấy bất an hơn. Hay là mình mắc bệnh gì? Ai biết thuốc, chỉ giùm; Tôi xin thành thực cám ơn.
     17-5-2011
            ******

          Thực tình thì tôi muốn chờ ít nữa giáp ngày thi mới lên trang bài viết này,  nhưng vừa  đọc được tin GSTS cựu bộ trưởng NTN được thưởng huân chương cùng mấy vị khác, vui quá, cầm lòng không đặng, mong bạn đọc thông cảm. VQL.


Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Dương Tuấn Hùng - xin tản mạn về anh (4)




4.
       Thường thì tôi không nhớ ngày tháng, cũng không mấy khi chú ý đến năm, chỉ nhớ thứ. Biết hôm nay thứ mấy là biết thời khóa biểu của mình rồi. Chỉ cần có thế để lên lớp đúng giờ. Đồng hồ cũng không cần, vì nhà ở trong trường, nghe trống là biết giờ ra chơi, giờ vào lớp. Nhưng năm 86, đúng năm đó, thì tôi ốm một trận kéo dài đến sáu tháng, nên nhớ.
      Khoảng cuối hè 86, tôi đang điều trị thì thấy anh lên. Tôi chỉ nằm ngoại trú vì còn nhúc nhắc được, với lại tôi mà nằm bẹp thì mẹ làm sao chăm nuôi. Đây là lần đầu anh lên QP. Hồi này đã có xe ca, ngày một chuyến. Bữa ấy tôi vừa đi viện về thì thấy anh bước vào sân, trên tay xách nặng một cái cặp bự. Anh vẫn bước khập khiểng, xiêu vẹo, nên tôi vội ra đỡ cái cặp cho anh. Anh bảo: Ấy ấy, cẩn thận, nặng. 
     Chuyện trò một lúc, có cả mẹ tôi, anh mới nói nhờ mẹ bán hộ chỗ cá, đổi lấy gạo. Cả cái cặp to bự đó là cá, toàn cá nục. Mẹ đã cố giúp anh, còn tôi thì chẳng giúp được gì. Tôi cũng không nói chuyện được nhiều cùng anh vì cái phế quản của tôi có vấn đề. Những tiết ôn tập cuối cùng cho trò thi tốt nghệp năm ấy tôi không còn giảng được nữa, vì nói không thành tiếng, tôi phải viết lên bảng cặn kẽ từng lời giải cho trò chép theo. Giữa lúc anh chị và các cháu đói mà tôi thì bệnh, mẹ lại già, thực không biết tính làm sao nữa.
     Rồi tôi gặp cơn gia biến. Nhà cửa bán đi, bỏ tiền tiết kiệm, đồng bạc mất giá, coi như về mo. Mẹ tôi giạt vào Nha trang, dựng một túp lều ở tạm. Hai con tôi còn nhỏ dại ở với vợ ngoài Hà nội. Tôi ở lại rừng. Tôi cũng không còn hiểu nổi làm sao mà mình tồn tại được qua khúc ấy.
     Bẵng đi vài ba năm thì tôi nhận được tin vui là anh được đi nghiên cứu sinh ở Ba lan. Anh đi, sau đó chị và các cháu cùng sang với anh. Nghe nói sang bên ấy tay nghề nấu kẹo của chị lại được trọng dụng. Chị trở thành chuyên gia trong một nhà máy hay một hãng bánh kẹo nào đấy. Thế là ổn rồi, bù cho những ngày lo toan, đói khổ.
      Một lần tôi gặp bạn, dạy cùng trường với chị, bạn nói:  Hùng Vĩ vừa mới về, không ở Quang Trung nữa, mua nhà đâu trong thành, phía cửa tả. Tôi tìm được nhà anh chị. Thì ra anh về để mổ dạ dày. Anh bảo sang bên ấy lạnh, cái dạ dày lại đau. Mổ bên ấy thì đắt, với lại họ không mổ nhiều như mình nên không quen. Bác sĩ bên mình mổ nhiều, quen tay, đơn giản như mổ gà. Đã thấy anh có da thịt, thế là mừng. Chị thì đã trắng ra như tây,còn các cháu thì cũng lớn lên nhiều.
      Tôi hỏi anh bao giờ thì về nước. Anh bảo bên ấy còn làm ăn được ngày nào thì ở lại ngày đó, rồi sau hẵng tính. Tôi đâu có ngờ đấy là lần cuối tôi được gặp anh.
     Tôi nghỉ hưu, rời QP, vào Nha trang bàn với mẹ, ngoặt vào thăm Sài gòn một lần, rồi quay ra Hà nội. Ở cái tuổi 43, tôi cùng vợ lăn ra kiếm sống, nên không có dịp nào về Vinh, trong suốt mấy năm liền.
     Một hôm có trò cũ của tôi ở QP hỏi tìm được đường đến thăm. Cậu ấy giảng dạy ở khoa văn, biết anh và biết tình cảm của chúng tôi. Lâu ngày, thầy trò hàn huyên không dứt, hồi lâu cậu ấy mới nói: Thầy ơi, thầy Hùng mất rồi!
    Tôi lặng người đi.
     -Thầy Hùng mất đau lắm, thầy ạ, trò tôi nói tiếp. Thầy mất tại nhà riêng…
     - Năm ngoái thầy Hùng đưa sinh viên đi thực tập, em cũng đi trong đoàn đó. Gặp em, thầy Hùng hỏi: em có biết thầy giờ ở đâu không? Em nói: Thầy nghỉ hưu rồi, không biết vào nam hay ra bắc. Để em dò hỏi lại coi. Thầy Hùng còn dặn: em cố tìm cho được, tôi muốn gửi cho Luân chút gì, nguyên văn thầy Hùng nói thế, nó khổ quá.
     Bây giờ em tìm được thầy, trò tôi ngậm ngùi, thì thầy Hùng lại không còn.
     Tôi hỏi thăm: - Thế chị và các cháu thế nào?
      - Chị và hai cháu không ở Vinh nữa. Em cũng không rõ là đi đâu, có người nói về quê, có người bảo ra Hà nội.
      Mẹ tôi nghe trọn chuyện này. Mẹ nói, biết làm sao bây giờ được con.
Tôi chỉ còn biết lên nhà, mở cửa tầng trên, ra ban công, thắp ba nén hương, hướng về phương nam, vái vọng giữa trời: Anh ơi, khôn thiêng phù hộ độ trì cho chị và hai cháu Hiền, Vân được mọi sự an lành. Em đã đỡ rồi. Cầu vong linh anh nhẹ nhàng siêu thoát. Vô lượng từ bi -  A di đà Phật.
                                                                                                  11-5-2011

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

CHÉM CHẾT CHA HẮN ĐI p1


      Mấy chục năm chưa khám bảo hiểm, hôm rồi cái răng cấm nó đau quá phải đi. Cô thường trực bảo: - Tôi chỉ châm chước cho ông lần này thôi đấy. Lần sau ông phải có chứng minh thư mới, cái này quá hạn rồi.
      Chết thật. Lại cũng đã lâu không dùng đến chứng minh thư. Cũng chẳng biết thế nào là hết hạn. Có ai nói đâu, ngồi nhà làm sao mà biết. Khi nào động vào việc thì mới tá hỏa. Khổ thế!
      Đến công an huyện xin làm lại CMND, họ hỏi có sổ hộ khẩu không?
- Dạ có.
Thế CMND cũ đâu?
- Dạ đây.
     Người ta phát cho cái phiếu, bảo điền vào rồi về xã xin xác nhận. - - Xác nhận cái gì? Tôi hỏi. - Xác nhận là người của xã, xin cấp lại CMND. Cán bộ nói thế.
Tôi có hộ khẩu đây mà.
- Biết rồi, nhưng thủ tục phải như vậy.
    Tôi đi về xã, ông xã bảo: - Ông có ảnh không? _ - Dạ không. – Thế thì ông phải đi chụp ảnh, dán vào chỗ này, rồi đến đây.
    Tôi tưởng công an huyện làm CMND cho mình thì họ chụp ảnh. Hóa ra mình phải có ảnh trước. Cũng may thời này chụp ảnh lấy nhanh được, chờ một tiếng là có.
     Đến khi làm gần xong thủ tục, cán bộ lại bảo: Bác đóng 6000 tiền ảnh.
 - Tôi đã nộp ảnh rồi mà?
 - Ảnh ấy chỉ dán hồ sơ thôi, vào CMND phải là ảnh của CA chụp.
    Tôi đóng tiền và lại chụp ảnh. Tưởng thế là xong, tôi cảm ơn và định đứng dậy thì cán bộ hỏi: - Hình như bác gái có đi với bác?
 - Vâng. Tôi ra gọi nhà tôi: - Cán bộ muốn gặp bà.
      Lúc sau quay ra nhà tôi bảo: - Họ nói muốn làm nhanh thì đưa 300.000. _ - Thế bà có đưa không? – Không, tôi mặc cả cưa đôi, trăm rưởi, không cần nhanh, đúng hạn như mọi người là được. – Họ chịu không? – Không! -  Thế làm sao? - Chẳng sao cả, quên mẹ nó đi. Không ngờ nhà tôi lại rắn thế. Cầu trời cho cái răng hàm của mình đừng đau trở lại.
***
     Bỗng nhớ có dịp về quê ngoại, mấy anh em đi qua chợ, tôi vướng dép tụt lại sau, chợt nghe bà con nói với nhau: - Người Hà nội về đấy, chém chết cha hắn đi!  Không phải chém bằng dao, tôi hiểu thế, mà là bán cho thật đắt vào.
       Thì ra không cứ ai, không cứ nơi đâu, hễ có thể chém được là chém. Mấy bà ấy mà ra khỏi làng là bị nhà xe nó chém. Nhà xe lướ quớ lại bị anh thổi còi nó chém. Con anh thổi còi mà ốm thì nhà thuốc lại chém. Cá ăn kiến, kiến lại ăn cá. Suy cho cùng thì cũng đến chỗ cân bằng cả thôi. Cân bằng trong chặt chém, hoang dã và man rợ. 
                                20/5/2011


Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Có một bầy sâu.

     Hồi còn ở vùng cao hầu như ngày nào tôi cũng vào rừng, là rừng nguyên sinh, tầng tầng lớp lớp, nhưng không mấy khi gặp sâu. Vườn rau ở nhà cũng vậy, có chăng đôi con vạch lá hoặc cời đất ở gốc mà bắt là hết.
    Sau này lâm trường phát tuyến trồng mỡ - một loại cây cùng họ vàng tâm, nghe bảo để làm trụ mỏ. Cây mỡ lớn nhanh, chẳng mấy chốc mà lên thành rừng. Tôi thích đi trong rừng mỡ vì không bị vướng các cây bụi khác, cũng vì chúng đứng thành hàng như một binh đoàn, thẳng băng, tăm tắp…
     Khi thân cây mỡ lớn chừng gang tay thì rừng mỡ bị sâu. Vô vàn là sâu. Tiếng sâu ăn lá, tiếng phân sâu rơi trong rừng  nghe rào rào như mưa. Chim lửa kéo về từng đàn, bắt sâu cho rừng mà không xuể. Chẳng bao lâu rừng mỡ trụi trơ không còn chiếc lá.
     Các rừng trồng thuần một loại cây thường bị sâu như vậy. Dưới xuôi, rừng thông cũng bị sâu róm tấn công. Lá thông có mỡ màng gì đâu, mùi lại hăng hắc, thế mà sâu ăn sạch. Loại sâu róm này gớm ghiếc, chẳng có chim gì dám ăn, người thấy cũng kinh, diệt nó không dễ.
     Cánh đồng gieo một giống lúa, thửa ruộng trồng một loại rau cũng thường bị sâu như vậy, nhiều khi lây lan thành dịch.
     Ở người, chưa bao giờ nghe nói có sâu. Lần này mới thấy có, mà có cả bầy. Phải chăng cũng như rừng chỉ trồng một loại cây, cánh đồng gieo một giống lúa, thửa ruộng cấy một loại rau mà sinh ra vậy.  Ở người mà sâu cả bầy. “Cả một bầy sâu là chết cái đất nước này”. Chết thật!

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Phá để xây


       Đã có một thời cái gì không phải là của riêng mình thì đều muốn phá. Ban đầu là phá đình, rồi sau là phá đền chùa. Những chiếc cột cổng đình làng Đại định xây bằng gạch với vữa vôi mật, hoa văn phù điêu đắp bằng vôi giã cùng giấy bản, có gắn những chiếc đĩa ở bốn mặt, không biết có tội tình chi mà đập đổ tất. Rồi biến đình thành kho hợp tác, thế là còn may. Có nơi còn cho tháo rời, ngói đưa lợp chỗ khác, khung gỗ biến thành trại chăn nuôi, bậc thềm đá xanh đập bể nung vôi bón ruộng.
      Quê tôi có đền Bạch mã là một trong bốn đền nổi tiếng ở xứ Nghệ, nay đi qua không còn nhận ra được nữa. Ngoải Quỳnh phương có đền Cờn, đứng đầu các đền chùa về quy mô và về sự linh thiêng cũng bị phá tan hoang vào thời hô hào “thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn”. Nay nghe nói dân tình đã góp công góp của xây dựng lại rồi, cũng là tin vui, nhưng cũng chỉ là xây được cái khung cái vỏ còn cái hồn vía, cái linh thiêng thì xây sao được. Giá mà đừng phá thì hơn.
      Trước đó, đã có cái bị đốt như là sách vở chữ nho, có cái băm vụn chia ra như chia quả thực, cuối cùng người được chia cũng không giữ được cho mình. Có những điều lớn hơn, ví như địa bạ - cơ sở pháp lý để quản điền địa có từ xa xưa đã thành nền nếp cũng đem đốt tuốt để cho mấy chục năm trời công thổ quốc gia gần như vô chủ.
    Những việc như vầy có kể cả năm. Chỉ dừng bấy nhiêu, để nêu câu hỏi, vậy ra người ta phá để làm gì?
      Nghe nói bên Tàu, ngày trước cụ Mao có nói: “Phá để xây”. Nghe phong phanh, lại còn nói thêm “xây để phá”.
      Phá thì thấy rồi, còn xây cái gì ở quê thì chưa thấy rõ.  Đình làng thay bằng sân kho, rồi thì sân kho hợp tác đến giờ hấu hết không còn. Giếng làng cũng lấp, chưa thấy được thay bằng cái gì hơn. Cây đa với lũy tre làng cũng mất, mà chưa thấy có cây gì thay được. Hát xoan hát ghẹo, chèo tuồng ví dặm… mất dần, cũng gần như mất luôn ca trù cho dù đã được công nhận là di sản của nhân loại. Ngày nay trẻ con não nề nhạc trẻ, người lớn tuổi hơn chẳng biết hát gì, cũng chẳng còn gì để nghe…  
     Cái không đáng phá thì đã phá. Còn như lý trưởng chánh tổng bị bắn hết rồi thì nay công quyền hành chính lại vẫn “hành là chính”. Quan huyện sờ tay đáy đĩa vét mấy đồng chinh không còn thì nay lại có bề trên xòe tay nhận lót phong bao tiền đô đút cặp. Cái này đáng phá, nhưng phá rồi lại tự mọc lên, có khi còn mọc khỏe hơn nhiều nữa.
    Chưa có thiết kế, chưa lên dự toán , chưa có thực lực, nào ai có dám phá nhà mình mà ra ngủ bụi. Nhưng mà đằng này lại không phải nhà mình, cũng chẳng phải nhà ai cả. Đình ở giữa làng, chẳng phải của ai. Rừng vàng biển bạc cũng vậy, chẳng của người nào. Ca dao hò vè, lý lơ xoan ghẹo, chẳng của một ai cả. Tất tật chẳng của gì mình, muốn xây cái mới phải phá cái cũ, thì đấy, chẳng của ai, cứ phá tha hồ.
      Một thời hô hào làm chủ tập thể, thì mình là chủ mà không phải chủ, còn chờ tập thể, nhưng vẫn là chủ, lại càng mung lung hơn, càng phá nhiều hơn. Nhất là khi người ta không sợ ma quỷ, không nể thần thánh, không gì linh thiêng nữa cả, chỉ biết duy vật thực dụng, bỏ qua duy tâm siêu hình, thì phá càng mạnh.
     Ai càng phá mạnh càng là tích cực, càng là tiên phong, càng có cơ thăng tiến. Không mất của mình mà được thăng tiến thì anh nào chả thích. Sau mấy chục năm như vậy, chưa ai thống kê, nhưng ai cũng từng chứng kiến không biết cơ man nào những cái bị phá.
     Ngay thời nay thôi, bao nhiêu đất đai bờ xôi ruộng mật đem san lấp đi, chẳng biết để xây cái gì, thành dự án treo, cứ bỏ hoang để đấy năm này qua năm khác. Ngay giữa lòng thủ đô, hội trường Ba đình với giá trị lịch sử có một không hai cũng bị san phẳng đi, để trống hoác một mảng bên đường Bắc sơn, đã mấy năm rồi, mặc cho bao người ngay từ đầu phản đối.
     Cho đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu cái có thể phá, cơ bản đã phá đi rồi, mà quy hoạch tổng thể cho cái cần xây thì vẫn chưa xong, thậm chí còn mịt mù dò dẫm. Nói chi đến bản thiết kế cho mỗi một nghành, mỗi một địa phương, mỗi một công trình,  nói chi dự toán ra sao, vốn liếng thế nào, nhân lực từ đâu?
     Phá thì dễ, nhất là phá các vật thể. Phi vật thể khó phá hơn, nhưng với thời gian, không ít cái đã bị phá. Một thể chế, muốn phá còn khó hơn nữa, có khi phải đổ máu, nhưng rồi cũng phá được. Còn như xây cái mới thì khó hơn nhiều, khó hơn rất nhiều, nhất là muốn xây nên một nền văn hóa mới, hay là một thể chế mới tối ưu. Chỉ tiếc một điều người ta không lường hết những cái khó ấy trước khi đập phá những cái cũ.
    Thế mà trước đó, nghĩa là trước khi đập phá, chúng ta đã có một cái thuyết. Ôi! Lý thuyết. Lý thuyết “phá để xây”.
    Phá rồi mà chẳng biết là xây cái gì, hình dung cái ấy ra sao!
                                                                                                       14-5-2011.