Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

DÒNG NGƯỜI BIỂU TÌNH ĐI TRONG TIẾNG HÁT


         Hôm nay tôi đi trong dòng người biểu tình quanh hồ Gươm, và quả thật không có điều gì phải lo sợ. Quanh tôi là những người cùng đi, cùng hô vang khẩu hiệu và những nắm tay giơ cao rắn rỏi. Có nhiều người lớn tuổi hơn tôi, nhưng còn nhiều hơn những người trẻ tuổi, có cả các cháu vừa tan trường cũng nhập vào dòng người. Có lẽ tất cả mọi người đều không nghĩ tới nỗi sợ hãi, mặc dầu nó còn hiện diện.
 Tôi nhớ có những chiếc xe đi ngược chiều, trên một chặng dài, dọc bờ hồ, vượt qua rất nhiều những cảnh sát giao thông, trong một quãng thời gian rất lâu mà không bị xử phạt. Nếu nói đến trật tự giao thông thì đấy là những người, những chiếc xe vi phạm nghiêm trọng nhất.
   Ấn tượng hơn cả đối với tôi là hai người phụ nữ mặc áo dài. Cả hai đều hô khẩu hiệu rất khỏe, rất vang. Người phụ nữ ôm bó hoa hồng, đã trung tuổi nhưng mạnh mẽ và cứng cỏi, còn cháu trẻ tuổi trắng muốt áo dài thì xinh xắn tự tin và cũng rắn rỏi không kém.



Có một nhạc sĩ già, kéo vĩ cầm. Tôi không nghe được tiếng đàn của ông, nhưng tôi cảm được tiếng lòng của ông. Ông đã cố gắng cùng mọi người chung quanh đặt lời mới cho bài hát cũ để khớp với không khí xuống đường hôm nay. Có thể lần sau, đoàn biểu tình sẽ có bài hát ấy. Tôi có ý nghĩ, giá như có thể phổ nhạc cho các khẩu hiệu, để không chỉ hô lên mà còn có thể hát lên: Hoàng sa… Việt nam…Trường sa… Việt nam… Biển Đông… Việt nam…Hòang sa Việt nam… trường sa...Việt nam!
   Viết tới đây tự nhiên tôi thấy giai điệu vang lên điệp khúc Hoàng sa… Việt nam… Và tôi hình dung một cuộc tuần hành vừa đi vừa hát: Hoàng sa… Việt nam…Trường sa…Việt nam… Hết một điệp khúc là tràng pháo tay và tiếng reo vang dậy. Tiếp nữa là tiếng hô khẩu hiệu: Đả đảo Trung quốc xâm lược! Đả đảo! Đả đảo! Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc! Quyết tâm! Quyết tâm! Và nữa là khúc ca: Hoàng sa… Việt nam… và cùng nhiều ca khúc khác.         Cứ thế, quanh hồ Gươm, dòng người diễu hành, dòng người biểu tình đi trong tiếng hát.
o                             
24-7-2011

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Quốc hội khóa XIII đang họp kỳ I, tôi xin kiến nghị hai điều




                          Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam
                                   Độc lập tự do hạnh phúc

Kính gửi quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam

Tên tôi là Võ quang Luân – Hộ khẩu thường trú: Tập thể xưởng phim Cổ loa Đông anh Hà nội - Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam, xin kiến nghị hai điều sau đây:

I. Một trong những biểu hiện của “chủ quan nóng vội duy ý chí” vào những ngày đầu sau khi chúng ta thống nhất đất nước là: Đổi chính thể Việt nam dân chủ cộng hòa sang chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam.  Thực chất chỉ là thay đổi định danh thôi, chứ chính thể thì vẫn vậy. Lúc ấy ta kiêu hãnh lắm, tự tin lắm thành ra mới có sự thay đổi đó.
Thực tế những năm tiếp theo là những năm cực kỳ gian khó, phải nói là đói khổ, cơ cực. Chúng ta bị bao vây cấm vận, bạn bè thưa dần, sự ủng hộ giảm sút hẳn đi, chiến tranh biên giới nổ ra…Bên trong thì từ sức sản xuất đến quan hệ sản xuất không có gì thay đổi, thậm chí còn yếu kém trì trệ, trước chỉ ở một miền, nay cả nước đều thế.
Định danh chỉ là một dòng chữ, còn chính thể thì phải đồng bộ từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. Điều đó không thể áp đặt chủ quan mà có được. Nhưng ta vẫn tin và vẫn chờ có được điều ta mong đợi đó. Từ bấy đến nay đã hơn ba chục năm rồi, chúng ta có nhiều thành tựu nhưng cũng không ít sai lầm. Nhiều sai lầm do chủ quan nóng vội tỏ ra ngày càng chủ quan thêm. Duy ý chí, thì ý chí ngày một đuối đi, thay vào đó là thoái hóa biến chất. Còn điều ta mong đợi cứ lùi xa dần. Tới khi phe XHCN thực sự tan rã thì chúng ta trở nên lạc lõng.
Bởi vậy, chúng tôi kiến nghị: Để phù hợp hơn với sức sản xuất cũng như quan hệ sản xuất hiện nay và còn dài lâu về sau; để hòa nhập cộng đồng quốc tế và khu vực; để thêm bạn bớt thù; để tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế; và cuối cùng để yên dân, để phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, để nhà nước thực sự của dân do dân vì dân, tôi xin đề nghị thay đổi định danh, trở lại chính thể:
                 Việt nam dân chủ cộng hòa
                     Độc lập tự do hạnh phúc

Kiến nghị này tôi từng đề xuất từ năm 1988 trong bài gửi lên T.Ư. thông qua ban biên tập báo Nhân dân, và tôi cũng đã nhắc lại vài lần khác trong những bài tương tự. Nay sắp họp kỳ I quốc hội XIII, tôi xin đề xuất một lần nữa.

II. Trước lúc đi xa Bác Hồ đã căn dặn bao điều về “chỉnh đốn lại đảng”,  về những “công việc đối với con người”, “đối với các liệt sĩ”, “đối với cha mẹ, vợ con” của thương binh và liệt sĩ, đối với “những chiến sĩ trẻ tuổi… và thanh niên xung phong”,…, “đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ”,… Và Bác viết:
Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”…(Trong ngoặc kép trích di chúc của Bác)
Về việc riêng Bác chỉ viết có mấy dòng. Trong đó Bác ghi rõ:
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ có nhiều điện, thì sẽ “điện táng” càng tốt hơn.”
Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam đảo và Ba vì hình như có nhiều đồi tốt. Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.”
“Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và ích cho nông nghiệp.”
Ý của Bác đã rõ, tôi xin không bàn thêm.
Tiếc là ngày đó hai miền còn chia cắt, đồng bào miền Nam chưa được gặp Bác, Bác chưa thực hiện được “ ý định đến ngày đó,( ngày hòa bình thống nhất) tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Hoặc là:
“Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em…các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”.
Vì thế, trung ương đảng , quốc hội và chính phủ đã có chủ trương xây lăng bảo quản thi hài Bác.
Đến nay đã ba mươi sáu năm thống nhất nước nhà, non sông liền một dải, đồng bào hai miền Nam Bắc, kiều bào ở nước ngoài và bè bạn năm châu đã được viếng Bác. Bác cũng đã gặp đồng bào hai miền Nam Bắc, kiều bào ta ở nước ngoài và bè bạn năm châu. Lòng Bác chắc đã thỏa, lòng dân cũng thỏa phần nhiều, dù còn thương nhớ Bác khôn nguôi.
Bởi thế, giờ đây, tôi xin kiến nghị trung ương đảng, quốc hội, chính phủ và toàn thể đồng bào thực hiện yêu cầu của Bác. Một đời người, Bác đã hy sinh tất cả, một lòng vì dân vì nước, Bác không đòi hỏi chút nhỏ nào cho riêng mình. Chỉ trong di chúc, Bác mới nêu một yêu cầu duy nhất này thôi, chẳng nhẽ chúng ta từ chối Bác.
Tôi xin kiến nghị thêm: Nên đúc tượng Bác bằng vàng, đúng kích thước thật khi Người khỏe mạnh nhất. Thay vì Bác nằm trong lăng, là tượng của Bác đứng trong lăng, dưới cờ tổ quốc.
Đến ngày đó, đồng bào về thủ đô vào lăng viếng Bác; khách thập phương lên Tam đảo hoặc Ba vì thì đến mộ viếng Bác. Chỉ còn một điều là phải chọn địa điểm để trồng cây trước, cho có bóng mát, để rước Bác lên.
Tôi thành thực có hai điều kiến nghị. Kính mong quốc hội xem xét.
Võ quang Luân cung kính gửi lên.
                                                             Hà nội ngày 25-6-2011.
                                                                        

                            *****


Bản kiến nghị này dưới dạng viết tay 4 trang A4, tôi đã gửi văn phòng quốc hội 37 Hùng Vương, Ba đình,  Hà nội, ngày 2-7-2011, theo dấu bưu điện. Tôi tin tưởng rằng việc làm này cũng là một chút nhỏ thiết thực hưởng ứng cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bởi vậy mà tôi mạnh dạn lên trang, nhất là khi nghe quốc hội có chủ trương sửa đổi hiến pháp.
             24-7-2011

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

CÓ ĐIÊN KHÔNG VẬY?

Ngoài đường, người ta chạy xe không theo lề nào, không theo tốc độ nào, có điên không vậy.
Trong quán, rượu bia không giới hạn,  “123, dzô!”. Điên!
Ai ai cũng tối mặt kiếm tiền, càng nhiều càng ít, càng giàu càng tham, càng cao chức tước càng ham hố nhiều. Có điên không hả?
Thằng có chữ mà như vô học, đạo văn, đạo nhạc, đạo cả tiến sĩ. Điên không?
Sao tự dưng lại hỏi như vậy? Mày điên à!
Giải tán bà con biểu tình chống Trung quốc gây hấn biển đông, công an nhân dân nhè mặt nhân dân mà đạp. Có điên không?
        Ừ. Có. Điên. Điên thật!

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

CÔNG AN NHÂN DÂN ĐẠP VÀO MẶT NHÂN DÂN


Công an nhân dân đạp vào mặt nhân dân
Bắt bớ nhân dân không cần ký lệnh
Anh ăn cơm ai, mặc áo ai mỗi bận
Anh nghĩ gì về cha mẹ vợ con anh

Công an nhân dân đạp vào mặt nhân dân
Cổ kim đau thương cũng chưa từng có
Ai ra lệnh cho anh làm việc đó
Để nỗi nhục này mang tiếng nhân dân

Công an nhân dân đạp vào mặt nhân dân
Đau một chút dân có thể là chịu được
Nhưng dân tộc và lòng yêu nước
Và cả chính thể này, đau biết bao nhiêu

Khi tổ quốc lâm nguy đất nước nghiêng nghèo
Anh tung cú đạp vào chế độ
Anh có nghĩ đến một ngày nào đó
Đất nước sẽ thế nào và anh sẽ ra sao?

*****
Trong cuộc biểu tình chống trung quốc gây hấn biển đông, chủ nhật 17-7-2011 tại Hà nội, 4 công an đã túm hai tay hai chân xách một người dân lên xe but và để cho một công an đứng trên xe đạp vào mặt người này mấy cú liền.

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Nhà cầm quyền tự làm khó mình rồi

Xưa nay nhà cầm quyền nói gì làm gì dân cũng tin cũng nghe cũng theo. Lâu dần thành thói quen, dân gần như ỷ lại nhà cầm quyền, bảo sao làm vậy. Ỷ lại là cái dở, lâu ngày thành lười, thành ươn, thành hèn. Cũng có cái hay, cười ra nước mắt, là dân khỏi phải lo, khỏi phải nghĩ gì cả. Có no được no, có đói chịu đói. Vô tư ngủ ngon, mơ giấc mơ thiên đường trái đất.
Giấc ngủ kéo dài mấy chục năm, rồi cũng tới khi tỉnh giấc. Bất chợt nhận ra người ta sướng hơn mình, giàu hơn mình, văn minh hơn mình, tự chủ hơn mình, thậm chí mạnh hơn mình. Mà mình là anh hùng vĩ đại chứ có phải xoàng đâu. Sao lại thế được? Thế là, quay ngược quay xuôi hỏi loạn cả lên: Sao lại thế? - Hỏi ai vậy. Nhìn quanh, lại chẳng biết hỏi ai. Hóa ra tự mình hỏi mình. Tự hỏi thì tự trả lời. Trả lời không được.
Ngược lên, thì hình như người cầm quyền cũng lại ỷ vào ai đó đã nghĩ trước nói trước đi trước, còn mình thì cứ thế mà theo. Nhẩm lại, có thời mấy cái khái niệm Hán -Việt có vẻ như nhập ngoại, vốn cổ mình đâu có, như thể: Tư sản, tư bản, tư tưởng, tư hữu, tư doanh, mại bản, thực dân, đế quốc, vô sản, cộng sản, chuyên chính, chuyên chính vô sản, cải cách, cải lương, cải tổ, cải tạo, biện chứng, siêu hình, duy tâm, mâu thuẩn đối kháng v.v. và v.v…Cả một núi khái niệm, một lúc ào ạt đổ xuống đầu những người dân mù chữ thất học đói rách của nước mình. Người học hành nhiều, biết tầm chương trích cú, biết tra cứu nghĩa nguyên, nghĩa đen, nghĩa bóng, biết định nghĩa chú thích, luận giải, nghe mấy thứ này cùng lúc cũng rối hết cả đầu huống chi dân chúng lầm than.
      Anh Chí đau khổ nhiều uất ức lắm, chỉ biết chửi, quá nữa thì rạch mặt ăn vạ, chứ làm sao mà hiểu bóc lột thặng dư, chuyên chính vô sản, mà hiểu cách mạng vô sản là cái gì. AQ bên Tàu cũng chỉ hiểu lờ mờ “cách mẹ cái mạng nó đi”, như lời cụ Lỗ Tấn kể, chứ có biết cách mạng cách miếc gì đâu. Bê cái nghĩ của anh AQ sang mình, sẵn cái máu chửi đổng với rạch mặt ăn vạ, thế là đồng loạt các anh Chí nhà ta vùng lên “cách mẹ cái mạng nó đi”, ào ào như thể trong CCRĐ, và bao nhiêu thứ sau đó nữa.
Khi phong trào đang lên như nước vỡ bờ thì ai ngăn nổi. Ví như mấy ông “Nhân văn giai phẩm - toàn chữ đẹp”- nói như Nguyễn Trọng Tạo,  không lượng hết rủi ro, đua nhau lên tiếng. Ai dè các anh Chí đâu có thích “ní nuận” nghệ thuật vị cái gì, đập cho nhân văn mấy gậy, mà đòn đau nhất là từ chính anh em văn nghệ với nhau, hùa theo đám đông mà đập. Không hẳn là sợ, mà chắc là uất quá, nhân văn ngậm tăm luôn mấy chục năm trời.
Các doanh nhân, doanh nghiệp, là người nhạy bén thức thời, biết chớp cơ hội làm ăn, cũng nín thít mấy chục năm, mặc cho các anh Chí hồi này mạnh thế cửa quyền quốc doanh bao cấp. Phải tới khi đói khổ quá rồi không lấy gì mà bao cấp được nữa kể cả tinh thần lẫn vật chất thì ra mới có đổi mới. Nhưng chừng đó lý do nội tại, cọng thêm ông Kim Ngọc hay là ai ai nữa, cũng  không đủ để có đổi mới thật sự. Có vẻ như đổi mới cũng là theo cái cách của người khác chứ không hẳn tự mình nghĩ ra, tự mình đề xướng mà dám làm. Cũng có thể là nhận hàng viện trợ “ní nuận” từ bên ngoài.
Cái món nợ “ní nuận” này, có khi chính là cái khó cho nhà cầm quyền xử thế hiện nay. Được “ní nuận” thì mất thực tiễn, được thực tiễn thì mâu thuẫn với “ní nuận”. Nói về “ní nuận” thì có vẻ như là bạn, cùng chỗ AQ với Chí cả thôi, mà thực tiễn thì như là thù. Có thể đó là thâm hiểm, một bên; còn nhẹ dạ, một bên. Có thể là vì quyền lợi phe nhóm mà cố níu cái “ní nuận” cho nó gần nhau, cho có vẻ bạn bè đồng chí, cho còn có đồng minh, không đến nỗi lẻ loi đơn độc. Muốn được cái đó thì phải mất gì? Chuyện đó khó ai biết được nhưng mà thấy có sự ràng buộc chi đây trong cái công thức 4+16. Cái sự khó nói, khó giải thích, khó minh bạch hiện nay, tỏ ra là có chuyện đó. Cái dè dặt đến mức như là sợ sệt, không dám phản ứng khi ngư dân bị cướp ngư cụ, bị bắt bị giữ, tàu thăm dò bị cắt cáp lần này lần khác, tỏ ra có gì khuất khúc. Cái sự ngăn cản nhân dân biểu tình, hay ú ớ ngọng ngịu như thể há miệng mắc quai, không dám công nhận dân mình biểu tình cũng lại chứng tỏ điều đó. Cái sự đưa những tin theo hùa bản tin của kẻ đang gây hấn biển đông cũng lại chứng tỏ như vậy nữa. Thế là có quá nhiều những điều khiến dân lo lắng.  
Ngược lại, phía bên kia có vẻ nắm rõ chuyện này nên mới ngang nhiên gây hấn, khiêu khích, đòn gió, nắn gân mình ở ngoài biển đông. Tàu xì có vẻ chủ động chơi trò ú tim. Mình thì có vẻ bị động. Trong khi cái lý mình nắm phần hơn, địa lợi nhân hòa mình cũng nắm phần hơn, thiên thời thì mình đâu lép, sao mà mình cứ chịu im thin thít. Dân mình có đui mù, có ngậm miệng quá lâu rồi thì cũng thấy có gì không ổn, có gì phải nói, có gì phải đòi minh bạch.
Im thin thít từ lâu là dân, nay không phải dân mà là nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền nhận trách nhiệm về mọi mặt, toàn diện triệt để mà sao khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa lại im tiếng, ngược lại còn ngăn cản nhân dân đấu tranh, biểu tình tỏ rõ quyết tâm giữ nước, giữ biển, giữ đảo.  Oái oăm là không có một lý lẽ gì được đưa ra thật rõ ràng xác đáng để giải thích vì sao ngăn cản. Dân biểu tình là đúng hay sai, nhà cầm quyền không nói. Vì sao bắt người, không nói. Vì sao không phản đối kẻ bắt ngư dân , không nói. Chuyện tày đình đáng lên tiếng thì lại lặng im, dân đang cần định hướng thì chẳng thấy nói hướng nào. Nhà cầm quyền không nói trực tiếp, cũng không nói qua thông tin đại chúng. Bởi vậy mà dân càng lo lắng, bức xúc. Dân đi biểu tình là một cách để tự cứu lấy mình, dân mình, nước mình khi kẻ thù đang rình rập ngoài kia, mà nhà cầm quyền thì lặng tờ không thể hiện gì.
So với anh Chí ngày xưa, dân nay ôn hòa hơn, văn hóa hơn rất nhiều. Họ đấu tranh tỉnh táo, có lý có lẽ, hòa bình và hợp hiến. Lẽ phải đang thuộc về họ, nhân loại đang theo dõi họ và ủng hộ họ. Việt kiều cũng đã và đang hợp sức cùng họ. Các nước có Việt kiều đấu tranh cũng ủng hộ Việt kiều mình, ít nhất là đã không ngăn cản.
Lúc này nhà cầm quyền tự đặt mình kẹt giữa kẻ xâm lược bên ngoài và đồng bào mình, dân tộc mình. Chủ nhật này là chủ nhật thứ bảy có biểu tình chống Trung quốc gây hấn biển đông, cũng là bảy chủ nhật nhà cầm quyền không ủng hộ biểu tình, thậm chí còn ngăn cản bắt bớ người dân biểu tình ôn hòa. Trung quốc không ngừng gây hấn, các cuộc biểu tình phản đói Trung quốc không ngừng nổ ra. Nhà cầm quyền không tỏ rõ đứng về bên nào, họ đang tự cô lập và tự làm khó mình rồi.

*****
Tiếc là chủ nhật mà phải lên trang này. Cáo lỗi với bà con.

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

VẬN NƯỚC THẾ NÀO

Nhân việc dân biểu tình chống Trung quốc gây hấn biển đông, nhân sĩ trí thức kiến nghị BNG minh bạch thông tin và phản ứng của nhà cầm quyền, chợt nhớ:

Xưa có vị vua khi cùng quần thần bàn việc nước mà không có ai hơn mình thì lấy làm lo lắm.
Nay đảng lãnh đạo toàn diện triệt để thì có khác gì vua. Vậy mà mấy chục năm qua, bàn chuyện quốc gia không ai bằng đảng cả. Chẳng hay không đáng lo sao?
Lại nghe cổ nhân có câu: Làm vua, ai có người quyết đoán cho mọi việc thì nước còn, ai bàn việc mà không có ai bằng mình thì nước mất.
Ngẫm lại nước mình, gần chín chục triệu dân ngoài BCT, mà không có ai bằng BCT cả, thì ra vận nước thế nào!
13-7-2011

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Nguyên khí quốc gia tụ hay tán


“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Thử nhìn lại một thế kỷ qua, hiền tài tụ hay tán.
Tính từ năm 1908, khi cụ Phan chu Trinh bị thực dân Pháp bắt.  Các đồng chí của ông trong phong trào duy tân như tiến sĩ Trần Quý Cáp cũng bị Pháp bắt năm đó và bị xử chém ngang lưng, tiến sĩ Huỳnh thúc Kháng bị đày Côn đảo suốt 13 năm (1908 – 1921). Năm 1916 vua Duy Tân, vua Thành Thái bị thực dân Pháp đày ra đảo Réunion. Năm 1925 cụ Phan Bội Châu cũng bị thực dân Pháp bắt. Năm 1926 cụ Phan chu Trinh qua đời khi mới 55 tuổi…
Năm 1931 lãnh tụ cộng sản Trần Phú bị thực dân Pháp bắt giam và chết trong nhà thương Chợ Quán. Các lãnh tụ cộng sản khác như Lê Hồng Phong, Hà Huy  Tập, Nguyễn Văn Cừ cũng lần lượt bị Pháp bắt. Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ bị bắn cùng các chiến sĩ khác như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu (1941). Lê Hồng Phong chết trong nhà tù Côn đảo (1942). Và còn biết bao chiến sĩ cách mạng và các nhà yêu nước khác bị thủ tiêu, bị cầm tù trong các nhà lao đế quốc.
Phải nói rằng đây là thời kỳ mà những bậc hiền tài đấu tranh sôi nổi, mạnh mẽ nhất và cũng bị đàn áp đẫm máu nhất. Dân tộc bị mất nhiều những bậc hiền tài. Đấu tranh ôn hòa công khai vào cuối thời kỳ này chỉ còn cụ Huỳnh Thúc Kháng và một số người yêu nước nằm trong chính quyền cũ như cụ Phạm Quỳnh, cụ Phạm Khắc Hòe, nhưng cũng bị kềm thúc…
Cụ Hồ Chí Minh cùng các cộng sự đã khôn khéo hoạt động bí mật, mặc dù không ít lao tù, nhưng đã vượt qua, để xây dựng lực lượng về mọi mặt, chớp thời cơ phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, cướp chính quyền mùa thu năm 1945. Cụ Hồ ra tuyên ngôn độc lập, lập nên nên nước Việt nam mới: Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hòa.
          Tiếp đó là thời hội tụ các hiền tài dưới ngọn cờ Việt minh. Những người Việt tài giỏi ở các nước cũng về với Cụ Hồ. Nhân dân trong nước trên dưới một lòng, cùng góp sức người sức của, kể cả tính mạng của mình cho kháng chiến. Nhờ thế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp do Việt minh lãnh đạo đã giành được nhiều thắng lợi, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện biên chấn động địa cầu.
Nhưng cuối cuộc chiến đó đã bộc lộ những phân hóa trong những vị thức giả. Các luồng tư tưởng khác nhau đã xuất hiện và dần dần chính kiến cũng khác nhau. Kết thúc chiến dịch Điện biên là một hiệp định quốc tế chia cắt hai miền Nam Bắc. Một lần nữa hiền tài lại tán, nguyên khí quốc gia như bị chia đôi.
Thế cuộc buộc phải lặp lại một cuộc chiến hơn hai mươi năm nữa, biết bao nguyên khí bị hao tổn, bị phân tán, phải hy sinh, bị trừ diệt. Những cuộc cải cách, cải tạo, những cuộc chống cộng cũng làm mất đi không ít hiền tài, tổn hao không ít nguyên khí.
Sau mùa xuân 75, thắng lợi lớn là thống nhất Bắc Nam, non sông liền một dải, nhưng hiền tài lại phân tán khắp nơi. Có người ra đi trong dòng di cư, có người chìm trong trại cải tạo, có người đi theo xuất khẩu lao động  ra nước ngoài, người đi du học, nghiên cứu sinh, thực tập sinh rồi lưu lại xứ người. Có những người dù không đi đâu nhưng cũng chịu nín lặng, hoặc vô hiệu hóa, gần như vắng bóng giữa đời…Khi hai đảng xã hội và dân chủ bị giải tán năm 1988 thì không ít nhân sĩ đã lẫn vào trong quần chúng vô danh ngoài đảng…
Ngày nay biết bao nhà khoa học hàng đầu của chúng ta đang ở nước ngoài. Nhiều chính khách, nhiều nhà kinh doanh giỏi gốc Việt đang mang đủ các quốc tịch lớn trên thế giới. Chỉ xin đơn cử như ngài Trịnh xuân Thuận nhà vật lý thiên văn ở Mỹ, cùng hàng trăm nhà khoa học trong cục hàng không vũ trụ NASA; ngài Ngô Bảo Châu ở Pháp, ngài Philipp Rosler ở Đức, ngài Nguyễn Đăng Hưng ở Bỉ, ngài Nguyễn Văn Tuấn ở Úc, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn ở Canada…Thật không sao kể hết những bậc hiền tài gốc Việt ở khắp bốn phương trời. Họ đang miệt mài học tập nghiên cứu khoa học, hoặc làm chính khách, hoặc làm kinh tế hoặc hoạt động nghệ thuật…Họ đang cống hiến hết mình cho nhân loại và không lúc nào quên hướng về tổ quốc.
Ngoài hiền tài nổi danh còn có gần chín mươi triệu đồng bào vô danh góp đang công sức mình vào nguyên khí quốc gia. Thêm nữa, nguyên khí quốc gia còn ở trong hình sông thế núi, ở rừng và biển, ở ruộng nương và hải đảo. Nguyên khí còn ở trong phong thủy, với vô vàn nắng gió, nước nôi và vô biên sinh khí trong trời đất. Nguyên khí còn là tài nguyên ẩn sâu dưới đáy đại dương, trong lòng đất và bên thềm lục địa. Những điều này cái gì đang tụ, cái gì đang tán, cũng là điều đáng ngẫm, đặc biệt là từ khi đổi mới tới nay.
Nguyên khí tụ thì nước thịnh, nguyên khí tán thì nước suy. Thấy được tụ tán rồi, tìm thêm lý do vì sao mà tụ, vì sao lại tán, thì sẽ nhận ra hướng đi cho đất nước mai này. Với nguyên khí ấy, tụ lại, là niềm hy vọng một ngày đất nước mình cường thịnh.
6-6-2011

*****
Hôm nay nhân ngày tưởng nhớ Văn Cao, tác giả quốc ca, qua đời (10-7-1995), mà lên trang bài này.

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

NHỚ VĂN CAO

                                                                                             
 
.

 
Có những lúc
Khóc không thành tiếng
Cười không hé môi
Hơn hai mươi năm không hát một lời
        Bàn tay gầy như lũa

Nâng chén rượu soi vào quá khứ
Nào đâu hình bóng Trương Chi

Mơ một ngày lớp lớp quân đi
Trùng trùng như sóng

Nhớ một thời sông Lô
Ầm vang tiếng súng

Qua dần đi một thời
Nửa mặt che nửa miệng đắng

Để đến một ngày
Mùa xuân theo én về…

Rồi một sớm vui
Nghe tiếng chuông nhà thờ gọi
Đặt chén rượu xuống bàn
Chống gậy ngược dòng suối
Người về với chốn thiên thai.
                                           2004

*****
Còn vài hôm nữa là tới ngày Văn Cao về cõi thiên thai (10-7), xin lên trang bài thơ này như một nén tâm hương.

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Khi sống một mình


Khi sống một mình tôi dễ dàng chịu đựng
Cái rét của một đêm
Cái nóng một chiều
Ăn một niêu cơm
Ngủ một gian lều
Đắp tấm chăn đơn
Nằm vừa phản mỏng
No đói hàng ngày liệu cơm gắp mắn
Nhịp sống bốn mùa ngày tháng như nhau
Tôi cũng chịu đựng được thôi khi những kẻ sang giàu
Khinh miệt nhìn tôi nghèo túng
Và trả giá thật là rẻ rúng
Mồ hôi tim óc của tôi
Tôi cũng nhẹ nhàng chịu đựng được thôi
Khi ai đó kéo còi vượt qua tôi lên trước
Né bên đường tôi xin nhường bước
Và mong thầm người vượt lên nhanh
Và tất nhiên với trái chín ngọt lành
Tôi cũng sẽ nhẹ nhàng nếm trải
Nếu trước đó chính tôi đã phải
Trả một cái gì đáng đổi ngọt lành kia
Tôi sẽ nhẹ nhàng cất bước ra đi
Đường thiên lý dãi dầu thanh thản
Có lẽ chẳng còn gì có thể là hoạn nạn
Khi tôi sống một mình đối diện với đời tôi
Thế mà còn một điều đó người ơi
Ấy là lúc em nhìn tôi đằm thắm
Em không nói nhưng tôi biết là em thương tôi lắm
Còn tôi thì…
                    chừng gục dưới chân em
Tôi sẽ chẳng còn thanh thản bình yên
Khi biết chắc lòng mình
Sẽ yếu mềm trước tình người sâu nặng
Và bởi thế người ơi
Tôi chẳng dễ gì chịu đựng
Một mối tình
Khi quen sống cô đơn


Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Xin góp đôi điều bàn về văn hóa


Nhân việc học “các kết luận của hội nghị BCHTW lần thứ X”, xin góp đôi điều về văn hóa.

      Văn hóa có phạm trù rất rộng. Ở đâu có sự hoạt động của con người, kể cả trong suy nghĩ tình cảm và nhận thức, ở đâu có dấu ấn của con người ở đó có văn hóa và có nhu cầu về văn hóa.
      Văn hóa dễ thấy nhất là văn hóa dân sinh. Cái gần gũi hàng ngày trong văn hóa dân sinh là văn hóa sinh hoạt: ăn, mặc, ở, đi lại, nghe nhìn, thể thao, giải trí…Với riêng ẩm thực, một khía cạnh rất nhỏ trong sinh hoạt, đã có bao giá trị văn hóa. Cho nên chỉ với văn hóa sinh hoạt thôi đã thấy phong phú đa dạng thế nào. Đấy là chưa kể bao nhiêu giá trị tiềm ẩn trong đó mà ta chưa thể nào khôi phục và phát huy hết được.
       Ngoài văn hóa sinh hoạt, trong văn hóa dân sinh còn có văn hóa giao tiếp ứng xử ( với cộng đồng, với từng cá thể, với môi trường, với tự nhiên và xã hội), còn có văn hóa dân gian với ca dao, tục ngữ…, với phong tục tập quán và lễ hội, còn có văn hóa tâm linh, tín ngưỡng; còn có văn hóa thần bí…Như vậy, chỉ với riêng văn hóa dân sinh ta đã thấy văn hóa là phạm trù rộng lớn đến mức nào.
       Điều thứ hai dễ thấy nữa là văn hóa vật thểvăn hóa thiên nhiên. Chúng ta đã có cố đô Huế, phố cổ Hội an, thánh địa Mỹ sơn, vịnh Hạ long, động Phong nha- Kẻ bàng và biết bao di tích, danh lam thắng cảnh khác. Có nhiều cái chúng ta chưa khai thác, chưa làm nổi bật lên được, cũng có những cái chúng ta đã phá hủy mất. Dẫu sao những cái còn lại cũng rất đáng tự hào.
       Nhưng chúng tôi nghĩ rằng văn hóa của một người, một địa phương, một dân tộc, hay một quốc gia không phải chỉ có thế. Ngoài văn hóa dân sinh, văn hóa vật thể chúng ta còn có những giá trị văn hóa khác như văn hóa dân trí, văn hóa dân chủ…Có thể đây là những điều ít được nhắc đến nhưng không phải vì thế mà chúng không phải là văn hóa.
      Văn hóa dân trí bao gồm tất cả những tri thức và kinh nghiệm mà một chủ thể (một người, một địa phương, một dân tộc hay một quốc gia) có được. Nó còn gồm cả những kỹ năng sống và làm việc của chủ thể đó. Văn hóa học vấn chỉ là một chút nhỏ trong văn hóa tri thức, văn hóa tri thức lại là một phần trong văn hóa dân trí, và văn hóa dân trí chỉ là phần nhỏ của văn hóa nói chung. Thế nhưng chúng ta đã có lúc lấy trình độ học vấn làm trình độ văn hóa. Đây là một trong những nhầm lẫn không đáng có, tiếc là nó kéo dài không ít tháng năm.
      Rõ ràng ngày nay dân trí đang được nâng lên, không phải chỉ cho từng người mà cho cả cộng đồng. Đó là một tiêu chí cực kỳ quan trọng để đánh giá một nền văn hóa mà có lúc chúng ta ngỡ như quên mất.
     Một nét văn hóa khác mà chúng ta cũng ngỡ như quên là văn hóa dân chủ. Chúng ta đã tốn biết bao nhiêu xương máu chống thực dân phong kiến để dành độc lập dân tộc và dân chủ nhân dân. Dân chủ nhân dân là một mục tiêu chính trị, nhưng ngày nay nó đã là một nếp văn hóa. Văn hóa dân chủ  thể hiện trước hết ở thể chế dân chủ và năng lực cũng như ý thức làm chủ của mỗi chủ thể. Văn hóa dân chủ còn thể hiện ở khả năng cống hiến và quyền lợi được hưởng của mỗi thành viên, là sự bình đẳng trước pháp luật, là quyền được tự do tư tưởng, tự do ngôn luận…trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, là “quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc”.
     Lấy dân làm gốc chính là một nét truyền thống của văn hóa dân chủ.
     Chúng ta lại phải quan tâm đến văn hóa lao động vì chưa bao giờ lao động lại mang một giá trị văn hóa cao như bây giờ. Bởi vì ngày nay lao động với công nghệ cao, tri thức sâu, kỹ luật chặt chẽ, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, không chỉ với tay nghề riêng lẻ mà còn là sự hợp tác rộng mở giữa các lực lượng  lao động toàn cầu. Sản phẩm của lao động ngoài giá trị vất chất còn có giá trị văn hóa. Lao động lại phải gắn liền với bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Lao động phải được bảo hiểm và được hưởng phúc lợi xã hội. Tất cả những điều đó chính là văn hóa lao động. Đấy cũng chính là điều mà ngày xưa dưới thời đế quốc phong kiến chưa bao giờ nói tói.
    Điều cuối cùng tôi xin nêu lên là văn hóa lãnh đạo. Chũng ta đã qua thời quân chủ chuyên chế, cũng không phải ở thời tư bản mà đồng tiền chế ngự tất cả. Sự tốt đẹp của xã hội chúng ta trước hết là ở văn hóa lãnh đạo. Đấy là tiêu chí đầu tiên để nói đến các nền văn hóa đương đại. Muốn ổn định chính trị, muốn thu hút đầu tư, muốn hợp tác quốc tế, muốn làm bạn bốn phương, muốn dân giàu nước mạnh, trước hết là nhờ lãnh đạo có tầm nhìn, có tâm, có tài, có văn hóa.
     Văn hóa lãnh đạo bao gồm: đường lối đúng đắn, bộ máy trong sạch lành mạnh, tổ chức hợp lý, công nghệ tiên tiến, tác phong gần gũi thân thiện, thực sự do dân vì dân. Có được những điều đó lại không phải là văn hóa sao.
“Cần kiệm liêm chính chí công vô tư” chính là văn hóa, là đạo đức của người lãnh đạo. Bác Hồ là danh nhân văn hóa thế giới không chỉ vì Bác là một công dân mẫu mực, cũng không chỉ vì Bác là một nhà thơ, mà cơ bản Bác là một nhà văn hóa lãnh đạo.
     Chúng tôi nghĩ rằng văn hóa di sản là thuần nhất văn hóa dân tộc. Văn hóa dân sinh có cốt lõi là văn hóa dân tộc, và nhiều điều đã nằm sâu trong máu thịt chúng ta. Ngày nay văn hóa dân sinh đang ngày một hiện đại hóa. Đó là một dấu hiệu tốt. Còn văn hóa tiên tiến có cốt lõi là văn hóa dân trí, văn hóa dân chủ, văn hóa lao động và văn hóa lãnh đạo. Trong cái tiên tiến vẫn có cái cốt cách dân tộc, đó là dân trí Việt nam, dân chủ Việt nam, lao động Việt nam. Chúng ta cũng không nên xem văn hóa của mình là dân tộc, còn văn hóa của người là tiên tiến. Mà văn hóa tiên tiến phải là những thành tựu lớn mang tầm thời đại của toàn nhân loại trong đó có chúng ta, mà dân trí, dân chủ… chính là một trong những thành tựu đó.
20-12-2004
                                                   



Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

KHÓM HOA CON TRỒNG


Khóm hoa con trồng trước lúc ra đi
Nay đã nở hoa vàng trước cửa
Ngắm chùm hoa mà thương con quá
Ở miền ngoài con có hoa tươi

Hoa con trồng nay nở bông rồi
Là tình cảm con dành ba đó
Trong cô đơn ba biết mình còn có
Đứa con yêu xa tít tắp phương trời

Khi con đi đã trồng khóm hoa này
Chắc con muốn gửi bạn bè trang lứa
Và còn gửi các cô các chú
Một tình thương thơ dại chân tình

Khi con đi đã để lại dáng hình
Để thêm đẹp căn nhà mình gửi lại
Cũng để đẹp ngôi trường ba đang dạy
Biết ơn con bao người thốt nên lời

Hoa con trồng một khóm nhỏ thôi
Ngây thơ lắm và thật là lặng lẽ
Không suy tính, con ơi, về cùng mẹ
Ba sẽ thay con vun xới khóm hoa này.
                                    10-4-1987

NHỮNG ĐỨA TRẺ NGÀY XƯA


Những đứa trẻ ngày xưa đi chân đất
Vót que hóp cho nhọn đầu làm bút (*)
Viết lên mảnh lá chuối tươi
Trời đã kẻ hàng sẵn rồi
Thành chữ
O a
Học đạo làm người
Không để thành danh
Thì cũng thành nhân
Làm người có ích.

Đất nước
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc
Những đứa trẻ ngày xưa
Vụt lớn lên
Trở thành những chiến binh gan góc
Không tiếc máu xương mình
Quyết dành tự do độc lập.

Giờ đây
Đứa còn
Nhiều đứa mất
Nhiều đứa không còn tìm ra hài cốt
Nói làm chi
Những danh hiệu, sắc phong, bằng cấp
Nhiều đứa chưa kịp có gì
Nhiều đứa lỡ bỏ rơi, đánh mất.

Trang giấy học ngày xưa
Thành lá chuối khô
Làm sao giữ được
Chỉ còn những câu nằm lòng đã thuộc
Theo ta đi suốt cuộc đời.
                                1996

(*) Sau ccrd, mỗi sáng đi học cậu tôi vót cho que hóp và xé cho mảnh lá chuối để tập viết.