Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Phải làm thế nào

Phải làm thế nào” hoặc gọn hơn: “làm thế nào” là cụm từ mà vài chục năm nay vẫn được nhiều chính khách, các vị lãnh đạo hay dùng mỗi khi tiếp xúc với cấp dưới hoặc với quần chúng nhân dân. Có thể hiểu cụm từ này theo mấy cách như sau:
1. Đây là một câu hỏi. Ví như: Làm thế nào để sống chung với lũ? Là cấp trên - chính khách, nhà lãnh đạo có thể hỏi cấp dưới câu đó. Và cấp dưới phải trả lời tức thì hoặc sau một thời hạn chuẩn bị nhất định nào đó.
2. Có thể đây là một cách nêu vấn đề, một sự gợi ý để cấp dưới suy nghĩ. Có thể là một đề tài mới hay một đề bài mẫu để cho cấp dưới theo đó mà mở ra những đề bài tương tự và hãy cố gắng mà tự giải.
3. Có thể đây là câu hỏi mà chính người hỏi cũng là người phải trả lời, nhưng trong khi tìm kiếm lời giải thì hẵng cứ hỏi người khác xem họ trả lời thế nào.
4. Có thể là một mệnh lệnh, nếu người hỏi đủ quyền lực, đủ nghiêm khắc, đủ kiên trì theo dõi buộc người được hỏi phải suy nghĩ và trả lời bằng hành động thực tiễn.
5. Cũng có thể là nói để mà nói chứ không có hàm ý gì ngoài cái sự tỏ ra là ta cũng quan tâm tới vấn đề đó. Hoặc có thể cũng chỉ là một cụm từ đệm được phát ra theo thói quen, như thể “rằng thì là”…
6. Và cuối cùng, có thể là cách đá quả bóng sang cho người khác.

Chỉ dừng ở ý thứ nhất: Phải làm thế nào là một câu hỏi. Cuộc sống có vô vàn câu hỏi. Ai cũng có quyền tự hỏi và cũng có quyền tự trả lời những câu hỏi kiểu đó theo sự hiểu biết của mình. Những người  dân đóng thuế có quyền hỏi những “công bộc” mà mình “bầu lên” và mình trả lương những câu hỏi mà chính các vị ấy thường nêu ra, và không ai khác, chính các vị ấy phải trả lời.
Ví như, trước dân họ phải nói được rằng: Để sống chung với lũ thì phải:  Một là …, hai là…, ba là…, thay cho việc nói phải làm thế nào.
Hoặc, thay vì hỏi: làm thế nào để đảm bảo lợi ích cho người nông dân,  họ phải nói được: Để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, nhà nước phải…, doanh nghiệp phải…, nhà khoa học phải… và người nông dân phải…
Hoặc, thay vì hỏi, họ phải nói được: Để trục xuất những lao động TQ vào VN một cách trái phép chúng ta phải: Một là… hai là… ba là….
Tóm lại, nên bỏ chữ “ thế nào trong cụm từ “phải làm thế nào”. Và các chính khách, các vị lãnh đạo nên chỉ rõ cho cấp dưới và cho dân nên làm hoặc phải làm như thế này…., vì… hoặc nên làm như thế kia…., vì…một cách rõ ràng mạch lạc.

Còn nếu họ chỉ biết hỏi và hỏi thì ai trả lời đây? Và nếu họ không biết cách trả lời, hoặc chỉ biết…đá quả bóng sang cho người khác thì dân phải nuôi họ làm gi?
19-9-2011

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Ngóng một dòng tin

Mở báo ra toàn "trộm cướp hiếp giết"

Có phải thế mới là " ưu việt nhất"

Ngóng một dòng tin Hoàng sa Trường sa

Điện tắt loa im... gì còn... gì mất...


*****
     ... TS Nguyễn Nhã đã phải chịu đựng lối xử sự trái ngược hoàn toàn, trong buổi thuyết trình cũng về biển đảo theo lời mời của một số quần chúng yêu nước “tự phát” tại Hà Nội. Xin trích nguyên văn bài tường thuật trên blog Nguyễn Xuân Diện: “…khi ông cất lời được ít phút thì đèn và máy chiếu phụt tắt. Được biết, cơ quan an ninh đã gọi điện và đến yêu cầu chủ quán cắt điện và ngưng phục vụ cuộc thuyết trình này…”
           ( Tin Basam)

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Có tin vui mới

Xin phép giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho tôi đăng lại tin vui này:

GS Hoàng Tụy vừa được tăng thưởng giải Caratheodory dành cho lĩnh vực TỐI ƯU TOÀN CỤC

September 22nd 2011                                            
o                                                       
                                                Xin chúc mừng Giáo sư Hoàng Tụy
o                                                       
o                                                       

 

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Chuyện chú khách đi tìm kho báu

Tiếp theo chuyện của Bùi Công Tự và Nguyễn Xuân Diện trên NXDblog ngày 20-9-2011

Chuyện kể: Ở làng Quỳnh đôi Nghệ an có một chiếc giếng cổ. Giếng ở ngoài đồng, xa dân cư nhưng nước rất ngon nên cả làng nhà nào cũng dùng nước giếng ấy. Một hôm có hai chú khách quảy đôi bồ nhỏ đi vào làng, tìm hỏi về giếng nước. Họ nói:
- Theo gia phả tổ tiên của họ để lại thì dưới đáy giếng có một cái chum đựng vàng. Bây giờ nhờ bà con trong làng tát hộ cái giếng, nếu lấy được vàng thì chia đôi.
Bà con ngày ấy còn làm hợp tác, phân công nhau tát cạn giếng. Lúc ấy mới biết thành giếng được xây bằng gạch cho tới tận đáy. Các chú khách nhờ bà con gỡ hết gạch dưới giếng quẳng lên bờ.  Cuối cùng thì cũng phát hiện ra cái chum lớn ở dưới đáy nhưng mở ra bên trong chỉ có nước, không thấy vàng bạc đâu cả. Các chú khách bật khóc òa lên: Thế là có kẻ nào biết trước đã lấy hết vàng rồi. Khổ công anh em tôi lặn lội sang đây, cũng khổ công bà con giúp đỡ mà chẳng được kết quả gì. Càng nói họ càng khóc lóc thảm thiết. Bà con thấy vậy cũng chẳng nỡ trách cứ họ điều gì, chỉ biết lẳng lặng ra về. Còn các chú khách cũng biến mất tăm luôn.
Chuyện rồi cũng bẵng đi, cái giếng hỏng rồi thì không còn ai ra gánh nước ở đấy nữa. Phải đến mấy ngày sau, người đi canh đồng về báo: có những viên gạch do dân gỡ ra ném lên bờ đã bị ai đó đập gãy làm đôi. Trong mỗi viên gạch có một cái hốc… Dân làng đã ùa ra đập tiếp những viên gạch còn lại, nhưng trong đó chẳng có gì.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Thư gửi ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư (P cuối)

III. Về giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Vì thư đã dài, và để thay đổi không khí, tôi gửi tới ông bài thơ về:

    Những người vô sản nhất

Hàng triệu công nhân trên các đại công trường
Và trong các khu công nghiệp
Rời xa quê hương
Sống không gia đình họ tộc
Không tấc đất cắm dùi
Không nhà ở, không bệnh viện và không trường học
Càng không có tư liệu sản xuất
HỌ LÀ NHỮNG NGƯÒI VÔ SẢN NHẤT
Họ đang bị tư bản nước ngoài bóc lột
Ngay trên tổ quốc mình
Mà không biết kêu ai
Họ không được đình công, không được biểu tình
Không có quyền tự bảo vệ
Họ cũng không có người đại diện
Không có tổ chức công đoàn
Không đoàn thanh niên
Không hội phụ nữ
Không biết họ có không chi bộ?
-  Rằng không!
Vậy có còn không đảng tiền phong của giai cấp công nhân
Đảng của những người vô sản
Vậy có ...

Bài thơ này tôi viết đã lâu, hồi mới rộ lên các khu công nghiệp, tôi chưa đọc ở chỗ nào và ông là người đầu tiên tôi gửi đến. Đây là hình ảnh tập trung nhất về thực trạng người lao động, không chỉ trong các khu công nghiệp, các công trường, mà ở cả nông thôn, thành thị, nơi những người cần lao đang đối mặt với cuộc sống, cuộc mưu sinh khắc nghiệt.
Xin nói thực với ông, đảng chỉ hiện diện đậm đặc nhất ở các cơ quan ban nghành của đảng, ở các cơ quan công quyền, ở chóp bu các công ty, tập đoàn nhà nước…Nói chung ở nơi nào có nhiều quyền lợi và nhiều quyền lực nhất. Còn càng xa quyền lợi và quyền lực thì mật độ đảng càng giảm, có nơi như những chi bộ hưu trí chúng tôi, số đảng viên không ít, nhưng có cũng như không, chẳng nói được đến đâu, chẳng quyết được việc gì, chỉ còn biết cố sao cho khỏi biến chất đã là may lắm. Còn nhiều nơi khác khó khăn gian khổ thì còn biết nói gì hơn. Ở đấy dân tự lo, tự bươn chải, ơn trời là họ đã tự vượt qua được để tồn tại, dù không ít những khi bị nhũng nhiễu bởi chính những “đầy tớ” ở trong các cơ quan “hành là chính” của mình.

         Kính thưa Tổng bí thư. Đảng của chúng ta và bản thân ông còn có nhiều điều phải quan tâm khác nữa. Thư này tôi xin tạm dừng ở đây. Tôi thành thực cảm ơn ông đã đọc những dòng này. Và tôi tin là đến đây, vào lúc này ông đang đồng cảm với tôi. Với lòng tin như thế, tôi xin được gọi ông là đồng chí. Kính chúc đồng chí Tổng bí thư sức khỏe.
                                                 Kính thư
                                          Võ Quang Luân
                                                          28-7-2011.

*****

Thư này dưới dạng viết tay 10 trang A4 tôi đã gửi tới Tổng bí thư qua văn phòng trung ương đảng: số 1 Hùng Vương, quận Ba đình, Hà nội, ngày 4-8-2011, theo dấu bưu điện. Sau hơn một tháng chờ đợi hồi âm, chỉ hồi âm của văn phòng thôi cũng được, mà không có, thì tôi tin như người xưa thường nói: “nhất ì...”, chắc là Tổng bí thư không có điều chi phản đối. Vậy nên tôi mới lên trang nhật ký này.
8-9-2011


Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Chủ nhật không lên Bờ Hồ

Chủ nhật không lên Bờ Hồ. Nhớ bạn cùng đi BT, nhớ từng gương mặt,  dầu không biết tên. Nhớ cái không khí sục sôi căm thù bọn cướp nước, bọn TQ gây hấn biển Đông, mà lần này chúng ngang nhiên hơn đưa cả tàu ngàn tấn sang Trường sa cùng 500 tàu khác nữa.
Không lên Bờ Hồ không phải vì sợ đàn áp, bắt bớ, bởi mình từng trải rồi, mình biết họ sợ, thực sự lo sợ đến mức run rẩy, hoảng hốt, tức tối và bối rối, chứ không phải mình sợ. Mình không lên, không đi nữa là để lòng mình lắng lại và cũng để lắng xem “đã có đảng và nhà nước lo” như thế nào? Cũng đối chiếu xem không có BT thì tình hình có sáng sủa lên không?  Chờ xem họ xử lý thế nào với lao động Tàu vào VN trái phép? Xem họ làm sao trục xuất hàng trăm tàu TQ ngoài Trường sa…Tôi cũng muốn nhìn xem người ta dùng lực lượng CA, AN và các lực lượng khác như thế nào, kể cả thông tin và truyền thông khi không có BT, và cũng muốn nhìn xem họ sẽ dùng chính lực lượng ấy để đối phó với thực tế lao động TQ trái phép ở VN ra sao? Tôi cũng muốn nhìn xem không có BT thì cái không khí của thủ đô có còn căng thẳng không? Ai gây ra căng thẳng? Ai làm mất đi hình ảnh thủ đô vì hòa bình?.v.v…và v.v…
Ngổn ngang nhiều nỗi niềm trong lòng khi ngồi nhà, khi không đi lên Bờ Hồ. Có khi những nỗi niềm đó làm mình buồn hơn, đau hơn. Đi BT thì chỉ có một ý nghĩ, một ý chí là phản đối TQ gây hấn, chứ không nghĩ điều chi khác. Không đi BT thì biết bao ý nghĩ tản mạn mung lung nó ập đến và bao câu hỏi day dứt lại cứ chực bùng lên.
Trong vô vàn những nỗi niềm, những ý nghĩ ấy, chợt lóe lên: Biết đâu  đến một ngày đảng và nhà nước lại kêu gọi toàn dân lên Bờ Hồ đi biểu tình yêu nước.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

RCYT: 35. NHỮNG DÒNG SÔNG

Từ hàng trăm con khe trên các triền núi cao của Phà Cà tún, của pu Kẽm phăng hội tụ về dòng suối lớn. Nhiều suối lớn khắp lưu vực sa khoáng vàng và thiếc hợp thành dòng nậm Quang. Từ trên cao điệp trùng của các dãy pu Tạ chang, pu Quai, pu Mai, lên cao nguyên Hạnh dịch - Nậm giải và ngược lên trên nữa là khởi thủy của các dòng nậm Giai và nậm Việc. Dòng nậm Giai đổ xuống thác Hữu văn rồi chảy theo hướng đông nam qua thung lũng lớn Kim sơn mà về hợp lưu cùng dòng nậm Quang ở chót cuối đuôi pu Kẹp.
Dòng nậm Việc chảy dọc theo sườn phía bắc của dãy pu Mai, rồi đổ xuống thác Xao va mà xuôi dần và hợp lưu cùng dòng nậm Quang thành sông Hiếu. Sông Hiếu vượt thác Đũa, về Quỳ châu, xuôi theo hướng đông về Quỳ hợp, nhận thêm nước sông Dinh rồi xuôi Nghĩa đàn. Từ đây sông Hiếu chảy theo hướng nam, qua Tân kỳ, nhận thêm nước từ nhiều khe suối khác, thành sông Con. Sông Con rẽ ngoặt theo hướng tây nam lên Anh sơn, hợp lưu thêm bao khe suối nữa rồi đổ vào sông Cả. Sông Cả chảy về xuôi, qua Anh sơn, Đô lương, qua Thanh chương quê tôi, quê của tương, của nhút, của lá cọ chè xanh hoa trái. Từ đây dòng sông man mác điệu hò đò dọc. Bởi dòng sông gần như bốn mùa trong xanh, nên còn có tên gọi sông Lam. Sông Lam xuôi về Nam đàn, Hưng nguyên, qua Vinh – Bến Thủy, rồi qua cửa Hội mà ra biển lớn.
Tôi xa quê gần hai mươi năm, gắn bó một thời thanh xuân với những dòng nậm Giai, nậm Quang, nậm Việc, thân yêu xem đất Quế như quê. Bởi vậy tôi mong miền Tây với những dòng sông không còn lặng lẽ chìm khuất giữa rừng già muôn thuở. Tôi ao ước một ngày các con sông sẽ trở mình, để những dòng thác trên sông biến thành dòng điện, cho các bản làng sáng bừng lên và rộn ràng vui.
Còn hôm nay, trong nỗi xốn xang chờ đợi những điều kỳ diệu, tôi lại cùng trò đi tới những dòng sông. Chúng tôi đến để ngắm nhìn, để mộng mơ, để vẽ ra một ngày mai…Và riêng tôi, tôi muốn gửi bao niềm thương nhớ cùng dòng nậm Giai về xuôi, về quê hương tôi, về với tuổi thơ, và về biển yêu thương.
                                                QP 1984

***
RCYT: Rừng chiều yên tĩnh

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Nhẹ nhàng chịu đựng

Nén được nỗi yếu mềm
trước tình người sâu nặng
là có thể nhẹ nhàng chịu đựng
cuộc đời này –ngay cả lúc cô đơn

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Không ngờ

Tôi đã từng tin nhiều thứ trên đời
Nhiều thứ tôi tin đã thành hiện thực
Nhưng quả không ngờ
Lại đến một ngày không còn Dân chủ Đức
Và cũng không ngờ mất nốt Đông Âu

Thư gửi ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư ĐCSVN (PII)


II. Lợi ích của đảng, của dân tộc và nhân dân.
Tám mươi năm qua về cơ bản đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân và của dân tộc. Về lý thuyết là như thế. Lợi ích của đảng gắn liền với độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đoàn kết mọi tầng lớp dân cư, xây dựng nước Việt nam hòa bình thống nhất độc lập dân chủ và giàu mạnh. Ngày nay mục tiêu được phát biểu giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh, nội dung cơ bản vẫn vậy.
Có điều là từ ngày đảng cầm quyền, đặc biệt từ sau mùa xuân 75, lợi ích của đảng được đặt lên cao hơn lợi ích của nhân dân và của dân tộc, thể hiện ở mấy điểm sau đây:
*Đảng giành quyền lãnh đạo toàn diện và triệt để, trong khi đảng không chứng minh được là mình có đủ năng lực để đảm đương trách nhiệm đó, thậm chí đã mắc không ít sai lầm nghiêm trọng.
*Đảng chiếm đa số tuyệt đối trong quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, mặc dù đảng viên chỉ chiếm chưa đầy 5% dân số toàn quốc. Đảng chi phối toàn bộ việc bầu cử đến mức đảng cử dân bầu. và cũng chỉ là bầu hình thức.
*Đảng yêu cầu giải tán các đảng khác trong liên minh cách mạng dân tộc dân chủ, khi chính quền đã về tay mình để độc quyền chính trị trong giai đoạn mới. Đồng thời đảng loại bỏ luôn phản biện xã hội, dẹp luôn phê bình, trong khi tự phê bình ngày một hình thức.
*Đảng viên nắm các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước và các tổ chức đoàn thể, các tổ chức kinh tế, và hầu khắp các tổ chức khác. Cả khi đã nhận ra một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa biến chất, hối lộ, tham nhũng…mà vẫn giữ nguyên bộ máy đó và cách thức tổ chức đó.
*Mức sống của cán bộ đảng viên được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là người có chức có quyền, trong khi nhân dân nói chung mức sống nâng lên không đáng kể, khổ nhất vẫn là công nhân và nông dân – lực lượng chính của cách mạng; Xuất hiện khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng giữa nhân dân và “đầy tớ” của nhân dân.
*Một bộ phận đảng viên có chức có quyền tha hóa biến chất, chậm bị xử lý, xử lý chưa đúng mức hoặc chỉ xử lý nội bộ, hoặc chuyển lên vị trí cao hơn. Thậm chí còn biểu hiện đảng ở trên pháp luật, ở ngoài pháp luật.
*Đảng độc quyên thông tin, truyền thông, độc quyền tư tưởng. Trong khi đó dân mất quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội…Công dân gần như mất quyền tự do sáng tạo, đặc biệt là trong văn học nghệ thuật.
* Đục bỏ lòng yêu nước, không ghi công các liệt sĩ đã hy sinh ở Hoàng sa năm 1974, ở Trường sa năm 1988 và ở biên giới phía bắc năm 1979.  Đồng thời kéo dài ngăn cách chia rẽ đồng bào, chậm hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân.
*Đảng thiếu tin dân và cũng tỏ ra thiếu tôn trọng dân. Bao nhiêu vinh quang nhờ xương máu và công của của nhân dân đóng góp mới có được nhưng có bao giờ vinh quang thuộc về nhân dân, mà tất cả đều thuộc về đảng quang vinh muôn năm. Trong khi những sai lầm của đảng trực tiếp ảnh hưởng tới dân thì dân lãnh đủ, còn đảng thì chưa bao giờ có một lời xin lỗi dân về việc đó. Tất cả quyền lợi chính trị, đến quyền lợi kinh tế, từ lợi ích vật chất đến lợi ích tinh thần đảng đều nhận phần hơn trong khi đảng luôn hô  trọn đời hy sinh phấn đấu vì lợi ích của nhân dân và của dân tộc. Thực tế chưa thấy đảng hy sinh ở đâu cả, thậm chí ngược lại, và ở cấp càng cao càng vậy, nhất là từ khi đảng đã giành được chính quyền.
Chúng ta có quốc hội, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, công an nhân dân…Nhưng tất cả những nơi ấy đều là đảng, và lợi ích chắc chắn cũng là của đảng trước tiên và trên hết. Còn hình bóng nhân dân, đại diện nhân dân, tiếng nói nhân dân ở những  nơi mang tiếng nhân dân ấy hết sức mờ nhạt. Ấy là chưa kể bao trùm hết thảy là các cấp ủy đảng từ trung ương đến địa phương, kèm theo hệ thống đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn, mặt trận,,, tất tất đều là đảng cả.
Đảng là một bộ phận của dân tộc, đảng viên là một phần trong dân cư, và đảng tự hứa hy sinh phấn đấu cho dân, vì dân, đảng còn khẳng định thêm: mọi lợi ích và mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, thế nhưng đảng lại thâu tóm về mình tất cả mọi lợi ích, mọi quyền lực, thậm chí còn dùng quền lực để đối lập, để đàn áp nhân dân, như thế thử hỏi có công bằng không có văn minh không, có tự mâu thuẩn với chính mình không, có tiền hậu bất nhất không? Tôi tin rằng tổng bí thư cũng đồng ý với tôi về điều này vì tôi biết ông rất nhân văn, không tham quyền cố vị và không tư lợi cá nhân, càng không bị chi phối bởi nhóm lợi ích nào.

           (Hết phần II, còn tiếp phần III, xin đăng sau)

         Kính thưa Tổng bí thư. Đảng của chúng ta và bản thân ông còn có nhiều điều phải quan tâm khác nữa. Thư này tôi xin tạm dừng ở đây. Tôi thành thực cảm ơn ông đã đọc những dòng này. Và tôi tin là đến đây, vào lúc này ông đang đồng cảm với tôi. Với lòng tin như thế, tôi xin được gọi ông là đồng chí. Kính chúc đồng chí Tổng bí thư sức khỏe.
                                                 Kính thư
                                          Võ Quang Luân
                                              28-7-2011.

*****

Thư này dưới dạng viết tay 10 trang A4 tôi đã gửi tới Tổng bí thư qua văn phòng trung ương đảng: số 1 Hùng Vương, quận Ba đình, Hà nội, ngày 4-8-2011, theo dấu bưu điện. Sau hơn một tháng chờ đợi hồi âm, chỉ hồi âm của văn phòng thôi cũng được, mà không có, thì tôi tin như người xưa thường nói: “nhất ì ...”, chắc là Tổng bí thư không có điều chi phản đối. Vậy nên tôi mới lên trang nhật ký này.
8-9-2011

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

VỀ XUÔI HÓNG CHUYỆN

Một lần về xuôi nghe Dương Tuấn Hùng kể: Bọn tau đi dạy BTVH cho ông Trương Kiện, cho ổng có cái bằng phổ thông. Ông ta thì ngồi một chỗ, còn bọn mình thì phải tới chỗ ổng. Ông ngồi xa- lông hút thuốc lào sòng sọc, còn mình thì đứng giảng. Không biết ông ấy có nghe, có hiểu chi không? Hết buổi thì về, không được ông ta mời lấy một ngụm nước.
Ngày ấy mỗi năm mới có một lần về xuôi, nên nghe điều chi cũng thấy lạ. Trên rừng, cả trường có mỗi cái Ô-ri-ông-tông tậm tịt, lại thiếu pin, nên tin tức bữa đực bữa cái. Chỉ mong về xuôi mà hóng chuyện.
Một lần khác về xuôi được tin cũng cái ông Trương Kiện ấy lên làm chức gì to lắm. Lại nghe thêm một câu đối:
Đào kênh Vách bắc một thằng chột được vào nhà đỏ,
Sập cống Hiệp hòa dân trăm họ vùi xuống bùn đen.
Hai chuyện này qua lâu quá rồi, không nhớ cái nào trước cái nào sau.

Lại cũng chuyện hóng được về quê mình, nhưng lại hóng tận Thủ đô. Lần ấy đề tài xoay quanh việc thay trời đổi đất, dời làng lên đồi cao rú trọc. Sân đình cổng làng cây đa bến nước chặt sạch, phá sạch. Đình làng thì làm kho hợp tác. Bia đá đưa ra bắc cầu qua mương. Bia gãy thì đập luôn bỏ lò nung vôi. Nghe nói đền Cờn đứng đầu xứ Nghệ về quy mô và sự linh thiêng cũng bị phá rồi. Ngồi nghe các vị trưởng lão ở trường NAQ nói chuyện mới hay quê mình có câu khẩu hiệu nổi tiếng thế này:
“Một mo cơm một quả cà một tấm lòng cộng sản; Thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn”.
Năm sau, lại cũng phải ra tận Hà nội, cũng ngồi nghe các vị ấy, mới hóng được một câu:
Xa nghe nức tiếng Quỳnh lưu
Qua khe Nước lạnh mắc mưu buôn bò.

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

LỚP B TOÁN 12/9 KHÓA THẠCH THÀNH GẶP MẶT THƯỜNG NIÊN

Hơn bốn năm trước, tụ lại được mấy người của lớp B ở Hà nội: Chi, Lý, Hạnh, Thâu, Thế Hùng, Kiếng, Trí và tôi. Gặp nhau được một bữa ở nhà Lý, nhưng cũng không đủ mọi người.
Chẳng bao lâu sau thì Kiếng qua đời. Kiếng bị bệnh hiểm nghèo, không chữa được. Kiếng dạy ở Thái nguyên, vợ là Hòa người Hà nội, rồi dời về Tiên dương, Đông anh, nơi vợ công tác. Tôi và Kiếng ở gần nhau cả chục năm mà không biết. Một hôm lần trên mạng, tìm ra số máy chị Thia, gọi thử, mới hay Kiếng ở gần mình. Anh em qua lại mấy lần, gặp chung bạn bè một lượt, rồi xa…
May sao hai đứa con anh đều đã trưởng thành. Thằng anh xong đại học, đã có vợ con. Thằng em cũng xong đại học, đi khu công nghiệp, được Nhật tuyển sang bên đó đào tạo tiếp.
Trí ở trong Vũng tàu ra, sang thăm tôi, rồi sang thăm Kiếng. Con trai Trí lấy vợ ở Gia lâm, làm địa chính. Có dịp cả Thăng –cũng ở Gia lâm. Thế rồi bỗng bặt tăm, tôi tìm lại chỗ cũ, con Trí không ở đấy nữa.
Thỉnh thoảng bạn bè có gặp nhau trong những dịp hiếu hỉ, còn thì ai cũng bận rộn với những công việc và hoàn cảnh riêng của mỗi người. Dịp mẹ tôi thọ trăm tuổi, bạn bè đến mừng. Hôm ấy khá đông vui. Cũng từ hôm ấy Thâu và Hùng nẩy ra sáng kiến gặp mặt bạn bè định kỳ hàng năm vào dịp 12-9, trước mắt là lớp B, dần dà là cả khóa toán ngày ấy. Quả thật tôi không biết mình học khóa mấy của SP Vinh, chỉ nhớ là khóa Thạch thành.



     Chiều qua 11-9 vợ chồng Nam Chi đăng cai, vì anh Thái được giải thưởng to lắm về báo chí, muốn được chia vui. Lần này có thêm vợ chồng Tân Nhung. Vậy là nhóm lớp B đang có 8 người. Có anh Thái  và mụ hoe nhà tôi nữa là chẵn chục. Ba giờ chiều đã đủ mặt ở nhà Nam Chi. Trò chuyện, hát hò rôm rả chả khác gì thời sinh viên. Hùng hát trước, rồi Tân, Thâu, rồi tôi và bà xã, rồi Lý, và nữa Nam Chi đệm đàn, dương cầm hẳn hoi. Oách quá. Anh Thái cũng hưởng ứng tích cực. Không ngờ mọi người vẫn còn vui hồn nhiên và trẻ khỏe thế.
Tôi ra đến trường văn hóa 12-9 ở Thạch thành cuối tháng 12 năm 1966, và là sinh viên cuối cùng nhập học. Tôi được xếp vào lớp E. Lớp này thu nhận những lưu học sinh lỡ chuyến, thành ra học muộn. Về sau trường sắp xếp lại, chuyển bớt một số SV sang khoa khác, lớp E giữ nguyên, và nhập thêm SV từ các lớp khác vào, dồn toa, cả khóa ấy thành ba lớp toán. Từ đó lớp E thành lớp B.
Từ cuộc gặp này chúng tôi mong bạn bè thuở ấy liên lạc được với nhau để một dịp nào trở lại Thạch thành, hoặc một dịp nào thăm các thầy giáo cũ…
Tôi muốn có một trang mở ghi lại danh sách bạn bè trong lớp với tất cả những thông tin có thể, được cập nhật thường xuyên, và thêm cả những ký ức những kỷ niệm về lớp về thầy và về bè bạn. Trang ấy tôi tạm đặt là: LBK3/12-9TT (Lớp B, khoa toán, trường văn hóa 12-9 Thạch thành).


      Thâu đã đến thăm gia đình và viếng mộ Băng ở nghĩa trang liệt sĩ, tôi đã viết tản nạm về Dương Tuấn Hùng... Mong  các bạn cho thông tin tiếp.

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

ĐIẾU TỊT

Hồi còn đi dạy học, cách nay trên dưới ba chục năm, cứ đến hè là có một tháng chỉnh huấn. Thường là học chính trị hay nghị quyết. Thực tình mà nói không có sự học nào cực nhọc như việc học này. Cực không phải do khó về bài vở kiểm tra sát hạch, do khổ về sinh hoạt vật chất mà cực vì nó không chịu vào đầu, nó u u minh minh, nó dội tai trái, nó vọt tai phải. Nhất là cái món " làm chủ tập thể". Nó không là thịt chó, nhưng cũng không phải giả cầy. Nó không hẳn là lý thuyết, cũng không hẳn là thực tiễn, không phải Ơ- clit cũng không phải phi Ơ- clitNó cực kì tra tấn còn vì cái cực nhọc khốn khổ của người truyền thụ, người đứng lớp, người phổ biến cho mình nó lây sang. Và cuối cùng thì phần lớn là học viên không hiểu gì cả.
Những kỳ như thế thì việc hút thuốc lào vặt là giải pháp chống xì - troét tốt nhất. Ngoài hành lang hội trường có đến mấy chiếc điếu cày. Giải lao là các vị học viên nhảy ra chộp lấy điếu rít sòng sọc. Thuốc lào ngày ấy cũng đâu có sẵn, phân phối cả đấy. Được cái có thương hiệu hẳn hoi: Thuốc lào Thống nhất. Chiếc điếu chuyền tay nhau đến nóng lên. Thuốc lào vê đến sợi cuối cùng. Hết rồi thì lộn túi ra, vét lấy tí vụn thuốc cho vào nõ (dân Nghệ nói là nọ), châm lửa. Rít, tụt cả tàn. Thế là điếu tịt! Xoi. Lại tịt. Nhựa của thuốc bám vào, thuốc vụn không cháy hết. Tịt. Bực mình. Nhiều người cùng muốn hút lại cứ phải chờ xoi. Bực, bực không chịu được. Chực bữa cơm đã bực, chực hút được điếu thuốc còn bực hơn nhiều…
Thế rồi không biết từ đâu, từ thằng nào sinh ra bài Điếu tịt:

Điếu tịt bay ơi điếu tịt rồi
Thôi đừng rít nựa chỉ hoài hơi
Cũng đừng xoi chọt mần chi nựa
Vứt nọ ấy đi thay nọ khác thôi

Bài thơ lan truyền nhanh như điện. Thoắt cái cả trại chỉnh huấn ai ai cũng biết, cũng thuộc. Rồi lan về các trường và các ngõ ngách. Chỉ đến khi kinh tế có khá lên, những năm sau này, nhiều người chuyển từ điếu to sang hút điếu nhỏ, thì chuyện điếu tịt mới nhạt dần. Đến giờ thì chỉ còn ai đã qua cái thời ấy mới biết, mới còn nhớ mà thôi.


Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

RỪNG CHIỀU YÊN TĨNH ( RCYT)

       Từ nay, vào một trong hai ngày cuối tuần, lều cỏ VQL blog sẽ có thêm chút quà mọn gọi là cây nhà lá vườn. Ấy là những bài viết về rừng, về cây, về chim muông... và về những người thân của thảo dân những năm đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước ở vùng cao biên giới Việt Lào.
      Để phân biệt với các bài khác, tiêu đề của mỗi bài trong mục này đều được kèm mấy chữ: (RCYT). Bà con ghé qua lều cỏ nghỉ chân sau những chặng đường dài, xin mời xem tạm, chờ khi tiếp tục hành trình.




30. RỪNG CHIỀU YÊN TĨNH

Chiều hôm qua bầu trời trong xanh lạ kỳ. Bao nhiêu nước trên các đám mây đều đã biến thành mưa trút xuống hết cả rồi. Nền trời không một gợn mây, còn gió thì chỉ khẽ hiu hiu. Và không khí đã trở nên mát mẻ sau một đợt mưa dài.
Khi nắng chiều đã nhạt, mặt trời sắp gác núi, tôi đi vào rừng. Đất rừng ẩm nhưng không đến nỗi bết dính. Sườn núi phía tây nắng còn đọng trên tán lá, còn sườn bên kia, đối diện qua hẻm núi thì toàn là bóng râm. Đứng trên cao nhìn xuống, dưới khe núi gần như đã tối. Tôi bắt gặp mấy chú khướu bạc đầu đang tìm nơi ngủ. Chúng phát hiện ra tôi, vội gọi nhau ầm ĩ cả lên và hối hả chuyền cành. Rồi rừng trở nên vắng lặng, đến mức tôi không muốn bắn một phát súng nào. Tôi sợ phá vỡ sự yên tĩnh đang loang từ dưới sâu lên cao dần, lên đến lưng chừng núi và lên, lên mãi…
Chỉ còn tán lá của cây đa giữa dốc, phía trên đầu tôi là còn đọng nắng, giống như có ai vẩy sắc vàng lên tán đa xanh thẫm. Tôi ngước nhìn ngọn đa như muốn níu thêm một chút ánh ngày. Và trong yên tĩnh thiêng liêng tôi đã nghe trên tán cây đa ấy có tiếng cu xanh. Chúng đã ăn no và khoan khoái đậu bên nhau trong vắng lặng rừng chiều. Chúng rì rầm tâm sự với nhau một điều gì đó, chắc là cảm động lắm, bằng một âm điệu gần như tiếng rên của người ốm: ư.ư.ưm…ư.ư.ừm…Đấy cũng là tiếng gù tình ái của chúng, nhỏ thôi, khá trầm và truyền đi xa trong rừng. Thỉnh thoảng vài quả đa chín nẫu rơi từ trên cao xuống tán những cây thấp và bụi rậm, để tăng thêm sự yên ắng thiêng liêng của bóng tối đang loang.
Tôi lần tụt dần xuống dốc và ra về theo hẻm núi trong bóng tối của cây rừng và trong ánh phảng quang của nền trời xanh biếc. Xa xa dưới chân đồi là bản làng với những sợi khói lam vấn vít mái tranh và những tiếng chày rộn rã.
                                                          QP 1984

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Hai bàn tay


Trước những bàn tay run rẩy chìa ra
Của ông của cháu của anh của em
Trước những ánh mắt van lơn và tiếng cầu xin
Tôi hèn hạ cúi đầu né tránh

Toàn thân ớn lạnh
Tôi phải còn đi
Mặt đất mênh mông nhưng công việc dễ gì
Tôi đang phải kiếm tìm xin xỏ

Người ta cũng như tôi, chắc là không dễ
Cho tôi một việc làm như cho một đồng chinh
Thôi hãy đứng lên tự cứu lấy mình
Xòe trước mắt hai bàn tay chai sạn.
                         Nam trung bộ 1987

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

THƯ GỬI ÔNH NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỔNG BÍ THƯ ĐCSVN (PI)

Kính thưa Tổng bí thư.

Tôi là một công dân và là một đảng viên 34 tuổi đảng. Từ ngày được vào đảng tới nay tôi luôn trăn trở về đảng và về trách nhiệm đảng viên của mình. Có những vấn đề cảm thấy quá lớn, ngoài tầm lo nghĩ của mình, mà không hiểu sao tôi không thể nào không lo nghĩ. Tôi quả thực không biết trao đổi với ai, ngay cả trong gia đình, trong bạn bè, và ngay cả trong chi bộ. Tôi xin thành thực trao đổi với ông, hy vọng ông có thể thông cảm cho tôi, và càng hy vọng hơn rằng ông sẽ đồng cảm. Tôi xin chọn một số vấn đề và tách dần ra để tiếp cận.
I.Về lý luận xây dựng đảng.
Trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ về xây dựng đảng của một cán bộ giảng dạy ở học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông có hỏi một câu, và còn gợi thêm, anh có thể trả lời hoặc chưa trả lời ngay câu hỏi này: "Đảng ta từ ngày thành lập đến nay đã có hệ thống lý luận về xây dựng đảng hay chưa?"
Tôi may mắn có mặt trong buổi ấy với tư cách là bạn của người bảo vệ luân văn. Anh bạn tôi đã có câu trả lời: "Bằng vào những thắng lợi rực rỡ mà đảng ta đã giành được từ ngày thành lập đảng tới nay, bằng sự lớn mạnh không ngừng của tổ chức đảng, chứng tỏ rằng đảng ta đã có đường lối đúng đắn và có một cơ sở lý luận vững chắc về xây dựng đảng."
Đó là một câu trả lời khôn ngoan, và tôi thấy ông hài lòng về câu trả lời đó. Hội đồng chấm luận văn đã công nhận luận văn của bạn tôi là xuất sắc. Tôi thực lòng mừng cho bạn.
Điều này đã qua hơn chục năm rồi. Nay tôi lại xin hỏi ông: Với tư cách là nguyên chủ tịch hội đồng lý luận Trung ương, ông sẽ trả lời câu hỏi của chính mình nêu ra như thế nào? Xin ông trả lời thẳng chứ không phải bằng cách gián tiếp như anh bạn của tôi.
Bản thân tôi, mấy chục nay tôi cũng tự hỏi mình câu hỏi tương tự và tôi nhận ra rằng:
a. Đảng là tổ chức tự nguyện.
          Từ trước khi vào đảng tôi đã nhận thức được rằng đảng là tổ chức tự nguyện. Không ai bắt buộc anh vào đảng, không ai bắt anh phải hy sinh phấn đấu trọn đời cho mục tiêu lý tưởng của đảng. Chỉ có bản thân anh tự giác nguyện trọn đời phấn đấu hy sinh vì lý tưởng và sự nghiệp của đảng mới làm đơn xin gia nhập đảng.
Trong thực tế, điều trên đây chỉ đúng một nửa. Cái nửa đúng thứ nhất thuộc về thời kỳ đầu có đảng. Lúc ấy đảng chưa giành được chính quyền, đảng viên thực sự hy sinh phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng. Lúc ấy nhiều đảng viên đã tự túc để hoạt động, nhiều đảng viên đã không tiếc tính mạng và của cải, nhiều đảng viên đã hy sinh thân mình. Hầu hết các đảng viên được dân nuôi nấng, đùm bọc, bảo vệ vì thực sự lúc ấy đảng không có nguồn thu nào cả, không có lực lượng bảo vệ nào cả. Nhưng từ khi nắm chính quyền, khi tất cả đảng viên đã có công ăn việc làm, có thu nhập, mà tổ chức đảng vẫn ỷ vào việc dân phải nuôi tổ chức đó bằng tiền đóng thuế, vẫn phải yêu cầu dân bảo vệ đảng là điều trái với tinh thần của một tổ chức tự nguyện. Đáng ra từ đây đảng phải tồn tại bằng chính nội lực của mình, bằng sự đóng góp tự nguyện của tất cả các đảng viên, đặc biệt là những đảng viên có thu nhập cao từ địa vị của mình, mà nhờ có sự đảm bảo hoặc giới thiệu của đảng họ mới có được địa vị đó.
Thực tế chúng ta không làm như vậy. Nửa sau, khi đã cầm quyền rồi chúng ta đã lặng lẽ hành chính hóa một tổ chức tự nguyện, và mặc nhiên công nhận đảng như một tổ chức dân cử, hay một cơ quan hành chính và mặc định luôn đảng viên trong các tổ chức đảng và các tổ chức liên quan khác tương tự  như là công chức nhà nước. Có thể tổng bí thư cho rằng sở dĩ mặc định như thế vì hiến pháp thừa nhận sự lãnh đạo của đảng. Đã thừa nhận như vậy thì phải trả lương lãnh đạo là việc tất nhiên.
Nhưng thưa tổng bí thư, thế trước 1992, tức là trước khi hiến định như thế hàng chục năm mà đã có sự mặc định vậy rồi là do đâu? Vả lại, thưa ông, từ đầu đảng vốn đã là một tổ chức tự nguyện. Và vì đảng là tổ chức tự nguyện thì quốc hội mới thông qua điều 4 của hiến pháp. Bây giờ giả sử đảng không phải là tổ chức tự nguyện của những người suốt đời hy sinh phấn đấu cho dân giàu nước mạnh, cho dân chủ văn minh thì liệu quốc hội có dám chọn đảng làm đảng lãnh đạo hay không? Hoặc, nếu đảng là tổ chức tự nguyện của những kẻ cơ hội vào đảng để tư lợi cá nhân, để đục khoét tham nhũng, để vinh thân phì gia thì nhân dân có dám chọn đảng làm đảng cầm quyền không? Hoặc khi đảng đã tự nhận mình có nhiều sai lầm do chủ quan nóng vội duy ý chí, và một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa biến chất thì đảng có còn xứng đáng là đảng cầm quyền không?
Một khi đại đa số đại biểu quốc hội là đảng viên thì việc thông qua một điều luật thư thế cũng là điều dễ hiểu. Nhưng dễ hiểu không đồng nhất với chân lý. Bởi vì bản thân những điều đó từ trước đã tự mâu thuẩn.
Bác Hồ có nói “đảng ta là đảng cầm quyền”, trong một ngữ cảnh đúng vào lúc đảng đang cầm quyền, là có ý nhắc nhở mọi đảng viên phải phấn đấu để thực sự xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ trung thành của nhân dân, chứ Bác Hồ không có ý nói vĩnh viễn đảng vẫn cầm quyền dù có thoái hóa biến chất hay tham nhũng sa đọa tới mức nào. Tôi tin tưởng rằng tổng bí thư đồng ý với tôi về những điều này.
b. Hệ thống tổ chức.
Đảng, nói chung, là tổ chức của những người tự nguyện tham gia vì một mục đích lý tưởng nào đó. Đảng ta chọn chủ nghĩa Mac Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng lý luận; Chọn Mac, Ăng ghen, Lê nin, Hồ Chí Minh làm lãnh tụ tinh thần của đảng. Điều này không khác gì các tín đồ thiên chúa giáo chọn Giê su và kinh thánh, cũng không khác gì các phật tử chọn đức Thích ca và phật pháp. Trong ba ngôi tam bảo, thì đã có hai, ngôi thứ ba ở thiên chúa giáo là giáo sĩ, ở phật giáo là tăng ni, và ở đảng ta là đảng viên. Ngôi thứ ba chính là những người tự nguyện đó.
Ba ngôi tam bảo này đảm bảo cho một đảng phái hay một tôn giáo tồn tại. Sự tồn tại ấy có lâu dài bền vững được hay không phụ thuộc vào cả ba ngôi. Phật giáo và thiên chúa giáo đã tồn tại trên hai ngàn năm. Đảng ta mới hơn tám mươi năm. Đức chúa Giê su và phật Thích ca không còn ai bàn cãi. Kinh thánh và phật pháp đã rõ. Hệ thống tổ chức của các giáo sĩ và giáo dân; các tăng ni và cư sĩ đã nề nếp và ổn định. Thế còn đảng ta?
Tôi quả thực không muốn nói chi tiết, chỉ xin lược vài ý, thực lòng cũng không muốn để so sánh. Các mác và Ăng ghen ở Đức, Lê nin ở Nga, tiếc thay cả hai nơi ấy các ông không còn là lãnh tụ tinh thần nữa, thì sao lại là lãnh tụ của mình. ( Tương tự như có đại biểu nào ở nơi cư trú không được nhân dân tín nhiệm mà lại vào được quốc hội ?). Hay là ở các nước ấy người ta không thể nào hiểu các cụ, còn ở ta thì hiểu. Hay là ở đấy học thuyết của các cụ không phù hợp còn ở ta thì phù hợp. Bác Hồ ở ta, Bác Hồ là lãnh tụ tinh thần nhưng có mấy ai ở tít trên cao học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Có ai học và làm theo “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”?  Chỉ gói gọn di chúc của Bác thử xem hơn bốn mươi năm qua chúng ta thực hiện những gì.
Chưa bàn về học thuyết, xin để mục sau. Thử xem ngôi thứ ba, số lượng thế nào, chất lượng ra sao, phẩm hạnh thế nào, tự tu dưỡng và thấm nhuần tư tưởng Hồ chí Minh và chủ nghĩa Mac - Lê nin tới đâu, thoái hóa biến chất tới mức nào, nội bộ chia rẽ ra sao và cuối cùng là có quản lý, có tự nuôi được tổ chức tự nguyện của mình không, hay là phải ăn nhờ vào dân, không những thế còn không ít kẻ nhũng nhiễu dân đè nén áp bức dân, thậm chí trở thành “quan cách mạng”, “vua tập thể”, hoặc “tư bản đỏ”?
Hãy xem một hình ảnh nhỏ, thí dụ là các chùa chiền, các nhà thờ được xây dựng, được tôn tạo trong vài chục nay trên đất nước ta. Thử tìm hiểu xem họ xây bằng nguồn kinh phí nào, quản lý ra sao, có biển thủ không, còn các công sở của đảng được xây dựng bằng nguồn nào. Thử tìm hiểu xem các tăng ni và giáo chức tồn tại bằng cách nào còn cán bộ đảng thì bằng cách nào cũng đủ để thấy đảng đi vào cuộc sống và lòng dân ra sao?
c. Lý luận.
Tôi phải thừa nhận mình không rành về lý luận của đảng. Tôi cũng  không rành tầm chương trích cú. Nhưng tôi hiểu để chứng mính một lý thuyết là đúng thật không dễ dàng gì. Ngược lại để chỉ ra một lý thuyết chưa đúng hoặc không đúng thì chỉ cần một thí dụ.
Cái thuyết về mâu thuẩn đối kháng: “Lợi ích giai cấp tư sản và vô sản là đối lập và không điều hòa được. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản là tất yếu và sẽ dẫn đến chuyên chính vô sản” và các hệ quả đẫm máu của nó trong hàng mấy chục năm qua, kéo theo cái kết cục tan rã phe XHCN là một thí dụ.
Gần đây nhất là việc chúng ta trải thảm đỏ mời tư bản nước ngoài vào làm giàu ngay trên lưng công nhân Việt nam, trên chính đất nước Việt nam mà không nhắc gì tới mâu thuẩn đối kháng, hay chuyên chính vô sản. Có phải đấy là chúng ta đang tự mâu thuẩn không? Khi cả lý luận lẫn thực tiễn đã tự mâu thuẩn thì lý luận không còn là lý luận nữa, lý thuyết không còn là lý thuyết nữa.
Để có thể xây dựng được một lý thuyết thường có mấy cách: Một là xác định hệ tiên đề đầy đủ và phi mâu thuẩn, rồi từ đó bằng suy diễn logic mà tìm ra các chân lý mới, tạo thành một học thuyết. Có thể tìm kiếm chọn lọc trong học thuyết Mác Lênin hoặc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, và cả trong các công trình nghiên cứu chuyên sâu của các học giả uyên thâm trên toàn thế giới về những chân lý phổ quát nhất của triết học, chính trị kinh tế học, xã hội học…để làm hệ tiên đề cho một lý thuyết như thế. Tiếc là việc này không hề giản đơn và cho đến lúc này loài người vẫn chưa làm được.
Hai là: bằng việc xác định các bất biến, rồi đi tìm phép biến đổi thích hợp sao cho bảo toàn các bất biến đó. Cách mạng là cuộc đại biến đổi. Vậy thì có thể vận dụng phép “bất biến” để tìm những cách biến đổi hay tìm phương thức, tìm biện pháp, hay một hướng đi để đưa nước nhà tiến đến mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Ba là chọn mô hình phù hợp hay một mô hình mơ ước cho tương lai. Nhiều khi mô hình có trước lý thuyết khá xa. Trong khi chờ đợi một lý thuyết được xây dựng thì việc hình thành một môt hình tốt đẹp cũng là giải pháp không tồi.
Tất cả các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học cơ bản đều biết các cách tiếp cận lý thuyết như thế này. Đảng chỉ cần tập hợp họ lại, cùng với các nhà khoa học xã hội, các nhà kinh tế và chính trị, thảo luận, định ra các bất biến, hoặc xây dựng các mô hình. Việc này đương nhiên là khó nhưng có thể làm được. Chỉ như thế, khi đó chúng ta có thể hình dung được phần nào hướng đi và tương lai sắp tới, thay vì định hướng chung chung mờ mịt bấy lâu.

(Hết phần I, còn tiếp phần II và III,xin đăng tiếp sau)

         Kính thưa Tổng bí thư. Đảng của chúng ta và bản thân ông còn có nhiều điều phải quan tâm khác nữa, tôi xin tạm dừng ở đây. Tôi thành thực cảm ơn ông đã đọc những dòng này. Và tôi tin là đến đây, vào lúc này ông đang đồng cảm với tôi. Với lòng tin như thế, tôi xin được gọi ông là đồng chí. Kính chúc đồng chí Tổng bí thư sức khỏe.
                                                 Kính thư
                                          Võ Quang Luân
                                                          28-7-2011.

*****
Thư này dưới dạng viết tay 10 trang A4 tôi đã gửi tới Tổng bí thư qua văn phòng Trung ương đảng: số 1 Hùng Vương, quận Ba đình, Hà nội, ngày 4-8-2011, theo dấu bưu điện. Sau hơn một tháng chờ đợi hồi âm, chỉ là hồi âm của văn phòng cũng được, mà không có, thì tôi tin như người  xưa thường nói: "nhất ì ...", chắc là Tổng bí thư không có điều chi phản đối. Vậy nên tôi mới lên trang nhật ký của mình.