Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

NHỚ VỀ QUÊ NGOẠI (1,2,3)

Quê nội tôi ở Thừa thiên Huế, huyện Hương trà, xã Hương toàn, làng Bàu đôn hay Bàu đôông. Tôi không có được may mắn sinh ra và lớn lên ở đấy. Bởi vậy, với tôi, quê nội là một nỗi buồn thiếu vắng, một vế trống, một nửa mông lung không thể nào bù đắp được.
Tôi cũng không được sinh ra ở chính quê ngoại. Mẹ sinh tôi ở Nam đàn, là một trong những nơi ba mẹ tôi từng đi qua cùng quân y viện liên khu bốn thời chống Pháp. Nhưng nơi mà tôi có được những hình ảnh đầu tiên in dấu trong trí nhớ cho đến bây giờ chính là quê ngoại. Theo tháng năm, tôi ghi lại những gì mình còn nhớ được, để làm kỷ niệm, để sống lại với chính mình và với mọi người, với quê. Tôi cũng muốn tri ân quê ngoại, vì những gì quê ngoại đã cho tôi.

1.
Những hình ảnh đầu tiên trong trí nhớ của tôi là căn nhà ở đầu cầu Bến quan. Qua cầu, đi theo bờ nông giang một quãng ngắn là vào cổng, vào sân, rồi vào nhà. Ba gian nhà tranh. Bên phải, nhìn từ trong ra, có một cái ao to. Một hôm mẹ để tôi dắt trâu cho ăn cỏ bên bờ ao. Rồi tôi nghe tiếng mẹ gọi về ăn cơm. Tôi đã dạ. Tôi thả dây mụi ra và cúi xuống ao rửa tay. Con trâu ăn cỏ vừa đến chỗ tôi đang ngồi rửa, chắc là nó hất mõm một cái, thế là tôi rơi xuống ao…
Về sau mẹ kể, chờ hồi lâu, mà không thấy tôi vào, mẹ gọi cũng không thấy tôi thưa, mẹ chạy ra ao thì thấy tôi đang ngữa mặt lên trời, nằm im như ngủ. Mẹ nhào xuống, bế tôi lên, tôi vẫn còn thở đều, bụng không có nước, không bị sặc, chỉ có lặng im, lay mãi mới tỉnh.
Ngày ấy Pháp còn đánh mình, tôi lúc đó chắc chỉ bốn tuổi, hoặc hơn một tí. Con trâu, cặp sừng, cái mõm đen sì với chạc mụi, bờ ao, và cỏ, và bờ hóp quanh ao, tất cả vẫn còn trong trí nhớ…
Mẹ nói là nhờ có bà mụ đỡ, nếu không tôi làm sao qua khỏi lần chết đuối ấy được.

2.
Nhà tôi ở đầu cầu, xung quanh là ruộng lúa. Không có nhà nào khác, chỉ có mỗi một căn nhà của ba mẹ tôi ở đấy. Sau này tôi nghĩ đấy là cái sự khác biệt của ba mẹ tôi, cái sự không giống ai của các vị sinh thành. Tôi không được ra cầu chơi, vì cầu cao lắm, bờ sông dốc lắm. Nhưng tôi nhớ có máng ở dưới mặt cầu, dẫn nước nông giang từ bờ bên kia sang bờ bên này. Nhà tôi có một đám ruộng ở ngay đầu cầu. Ba tôi đã cưa những ống nứa, thông mắt, rồi nối với nhau bằng những đoạn săm xe đạp làm thành một đường ống gấp khúc vắt qua bờ nông giang để lấy nước vào ruộng của mình. Việc này cũng tray tró lắm, vì các khớp nối cứ chực tuột ra, và công việc phải lặp lại từ đầu.
Để qua được nông giang người ta lại phải bắc một chiếc cầu nhỏ. Cầu lớn qua sông và cầu nhỏ qua nông giang vuông góc với nhau. Cầu nhỏ ở đầu một nhánh của con đường liên huyện chạy dọc theo bờ nam sông Lam, nối về làng tôi. Đường về làng vẫn gọi là đường quan.  Có lẽ vì đường ấy to, có rải đá, ô tô chạy được, cũng có thể là đường cho quan đi, đương nhiên dân cũng đi. Sau này, lớn lên tôi biết ông ngoại của tôi được gọi là quan, dù ông không ra làm quan. Em ruột của ông ngoại cũng là quan, có cả ô tô, có cả người làng đi làm tài xế cho ông…
Mới khoảng sáu tuổi, hồi ấy còn ở quê, tôi có giấc mơ nhớ mãi tới giờ. Tôi mơ thấy ai đó dựng lên những cái cọc trên đám ruộng của nhà tôi ở đầu cầu. Trên đỉnh các cọc giăng giăng như là một cái giàn, cái lưới. Kinh là giăng bằng lòng, bằng ruột của con vật, không biết là con vật gì. Còn thấy một cái đầu, chỉ có cái đầu, không rõ là đầu trâu hay đầu bò, nhưng có sừng dài, vừa húc vừa ủi một thân người trần truồng bê bết máu lăn trên đường cái quan, lăn qua cầu nhỏ, sang bờ bên tê rồi lại ủi lăn về bờ bên này, lăn tiếp dọc đường quan...

3.
Hễ nghe tiếng máy bay là mẹ kéo tay tôi chạy về phía rú Mấc. Có lần vừa chạy ra khỏi nhà một đoạn  thì máy bay sà tới. Nó bay thấp lắm, tưởng như sát ngọn lúa. Hai mẹ con ém vào bờ ruộng thì nó đã lướt qua. Thân cánh nó to bè, mốc thếch.
Có lần thì nó bay trên cao, trắng lóa, bằng cái bắp chuối. Mẹ con tôi nấp trên trại, ngữa mặt lên nhìn, thấy nó cứ ở mãi trên ngọn cây bục bạc. Sao lần này nó bay chậm thế.
Có lần về dưới xóm, đi qua cựa đình, ngang cổng cố Cát thì nghe tiếng máy bay, tôi sợ quá co cẳng chạy ngược lên đình. Trên đình cây cối rậm rạp, lại có cả hầm cá nhân, đào tròn như cái ống cống. Ngồi trên miệng hầm nhìn theo thì máy bay đã bay qua bên tê rào Cấy (sông Lam), ngược lên phía bắc.
Ba mẹ tôi phải dời nhà từ đầu cầu Bến quan về rú Mấc. Sau này mẹ nói chính quyền yêu cầu thế, có thể sợ máy bay ném bom, do chỗ ở quá lộ, có thể sợ mình làm chỉ điểm? Ngày ấy sợ cả một cái kẹp tóc bằng inox, gọi là kẹp Mỹ, cho rằng nó phản quang, làm máy bay nhìn thấy.
 Còn nữa

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

THỜI GIAN

thời gian
lặng lẽ cô
những nỗi buồn thành giọt

lặng lẽ cảm
tình em dịu mát

lặng lẽ trôi
         bát ngát
                 vô bờ

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Những người biểu tình lại bị bắt

Sáng nay – chủ nhật- 27/11- vào mạng biết tin nhiều người BT ủng hộ Thủ tướng đề xuất xây dựng luật BT đã bị bắt ở Bờ Hồ. Ủng hộ Thủ tướng mà cũng bị bắt thì chả hiểu ra làm sao nữa.
Hay là có các thế lực khác nhau ở chỗ trên cao. Có thể nào nghị Phước có thể làm chuyện đó?
Khó hiểu quá. Thế này thì dân biết ủng hộ ai? Chống ai?
Chống TQ gây hấn- Bị bắt!
Ủng hộ Thủ tướng – Bị bắt!
Quốc hội họp xong rồi. Ai giải thích cho dân?

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Đêm nay khách lại viếng thăm

Đêm nay 26-11 CA khu vực và CA quận- ba vị, ghé thăm. Ý muốn nhắc tôi ngày mai đừng đi BT. Tôi bảo tôi không có ý định đi BT vì tôi chưa có thông tin gì mới về việc TQ gây hấn biển Đông. Các vị có thể tin ở lời của tôi. Còn tôi không cam kết rằng mình có đi BT nữa hay thôi. Nếu TQ còn gây hấn tôi sẽ còn đi. Lạy trời cho tôi thời gian và sức khỏe.

Họ nói ngày mai sẽ có BT. Tôi bảo tôi không biết chuyện đó. Có người bảo BT ủng hộ thủ tướng đề xuất xây dựng luật BT. - Chưa biết luật ấy thế nào. Hy vọng nó không trái với hiến pháp. Chỉ là hy vọng. Thực chưa biết thế nào để ủng hộ. Tôi không đi.
      Chỉ có thế mà họ phải điều ba người. Thật tội.

RCYT: 75 GỐC KHẾ HAI THÂN

Gốc khế hai thân hút sâu trong khe ông Ngãi là nơi tôi vẫn thường tần ngần dừng lại mỗi lúc qua đây. Có thể trong đám lá lặng tờ kia có cả một đàn vẹt vụt chốc bay lên. Chúng bay nhanh như tia chớp, rẽ ngoặt đột ngột, mạnh mẽ, không ngừng kêu quét quét… Còn một khi đã khinh thường tôi thì chúng cứ việc đậu yên trong tán lá, hòa lẫn vào đó mà bình thản tiêu hóa những hạt khế, cùi khế vừa rỉa được.
Tôi gắng quan sát nhưng không hề thấy một chú vẹt nào. Trên cành lủng lỉu những quả khế chín vàng mọng, cùng những quả khế xanh gợi cái vị chua thấu vỏ, và cả những quả khế non cạnh khía quăn queo mà vị chua hẵng còn nhạt thếch. Những quả khế rụng tỏa lên mùi thơm ngọt úng. Thơm ngọt úng là mùi riêng của khế. Thường khi không thơm, chín rồi chưa thơm, úng rụng xuống đất lại tỏa mùi thơm dễ chịu, có ngọt, có chua, có nồng trong đó.
Trong rừng không một phẩy gió. Trên cao không hề một cánh chim bay qua. Nền trời nằng nặng. Phía xa, tít trên đồi cây bụi, đàn chào mào huyên náo nhảy nhót trong tán lá. Chúng hót với nhau một bài ca gì đó do con đầu đàn đậu trên chót cao lĩnh xướng. Chú chim ấy vươn cổ lên, ngẩng cao đầu, rung rung cái mào đỏ thẫm và ưỡn cái ngực trắng bông tròn căng ra mà hót say mê. Niềm vui của chúng tôi không hiểu hết. Đã nhiều lần tương tự, tôi lén đến gần và thấy trong bụi rậm, những con chào mào đang tìm cách đậu sao cho sát bên nhau. Chúng xích vào nhau, hoặc bay sang một cành khác để được đậu sát vào nhau. Cứ thế, cứ thế mà huyên náo không ngừng.
Trong bụi lịm dưới rừng cây gỗ lớn gần gốc khế hai thân nơi tôi đang ngồi bỗng có tiếng đàn khướu rộ lên. Có thể là chúng phát hiện ra tôi, hoặc có thể là, cũng như đàn chào mào kia, đã đến lúc chúng phải tìm cách đậu sao cho sát bên nhau. Rất có thể là đúng như thế vì chúng không di chuyển, chúng vẫn chỉ lau chau ở đúng một chỗ ấy trong bụi lịm.
Tôi cảm thấy sự cô đơn của mình vào lúc này. Mùi thơm khế rụng đậm hơn, đầy vẻ hoang sơ. Cây cối đứng im, cành rũ im, và lá cũng lặng im. Thỉnh thoảng một chiếc lá vàng rụng rơi đâu đó. Đôi cánh bướm hiếm hoi sót lại vật vờ vô định.
Tôi ra về, chậm rãi bước trên đám lá mục. Mỗi bước chân đặt xuống, dưới đám lá lại rào lên. Tôi dừng lại, đám lá cũng im theo. Lắng nghe trong đám lá thì có tiếng lào rào rất khẽ. Tôi bước đi, đám lá lại rào lên. Thận trọng, tôi lấy que khời đám lá ra, thì dưới đó hằng hà sa số, dày đặc những con mối màu nâu thẫm. Chúng nhất loạt rùng mình dưới mỗi bước chân của tôi nên đám lá đã rào lên thành tiếng. Sự rùng mình của mối cũng giống như sự chớp cánh của ong mật vậy. Mỗi lần chớp cánh cả tầng ong dợn lên như sóng.
Ra đến cửa rừng tôi gặp các cô gái lấy củi đang về. Họ vác những vác  củi được sắp xếp cẩn thận theo một chiều cong nhất định, thanh củi to nhất  được xếp sao cho chạm vào vai êm hơn. Khi vác lên bó củi vít nặng hai đầu, trọng tâm sẽ thấp hơn, thế cân bằng hơn. Bó củi đủ cong, người vác chỉ cần đặt tay giữ hờ là đủ, có thể đi nhanh mà không sợ triềng vai. Vả lại bó củi như thế đi trong rừng đỡ vướng dây leo, cành nhánh. Chưa ở đâu trên mọi miền tôi được đi qua, con người biết xếp những bó củi dễ vác như thế.
Chúng tôi chào nhau. Và trong đoàn người có một cô gái chỉ nháy mắt cười khi thấy tôi vác súng về không. Nhưng tôi không buồn vì nụ cười làm nàng rạng rỡ mọi đường nét. Tươi trên đôi môi, vui trong đôi mắt, mũi hơi nhăn tinh nghịch. Nàng bước nhẹ nhàng, lưng ong uyển chuyển. Nàng đi trong đoàn người, leo một lối mòn lên dốc ở quãng yên ngựa, để rồi lại xuống dốc ở mé bên kia, về bản.
Tôi về đến nhà thì gà cũng lên chuồng. Gà mẹ gọi gà con cục cục… còn gà con thì chiếp chiếp khoái trá giành nhau rúc vào dưới cánh mẹ. Thì ra một chiều như chiều nay, tất cả đều phải biết trở về và phải biết xích lại sao cho thật gần nhau. Ngay cả con mối cũng biết sống thành đàn để đến lúc như chiều nay, cùng rào lên dưới đám lá mục.
   1984

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma


    Câu chuyện về lời của Đc Đt Lai Lt Ma  được lan truyền trên mạng:
    - “ Điu gì làm Ngài ngc nhiên nht v nhân loi?
    - Con người- bi vì h hi sinh sc khe đ kiếm tin, ri li b tin ra đ tìm li sc khe. H quá st rut vi tương lai nên chng còn thi gian đ tn hưởng hin ti, kết qu là h chng sng hin ti hay tương lai. H sng như th h không bao gi chết, ri li chết như chưa tng được sng”... 
    - “Tôi có nói thế bao gi đâu! Này, đng tin Internet…”

  Dẫu là Người không nói thế, thì những lời trên đây cũng thật đáng để suy ngẫm.


Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

THỜI GIAN TRÔI Ư


Mải mê làm mà không cầu điều gì
Thận trọng mà làm rồi việc xong có thì
Thời gian trôi ư dường như không hay
Ngoài song trời xanh gió đưa mây bay


Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

MÌNH LÀ

Trong tổng với đời mình là số 0
Trong tích với đời mình là số 1
Trong khúc ca buồn mình là dấu lặng
Trong cõi vĩnh hằng mình hoá hư vô

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

RCYT: 109 Bắn hổ giữa sân trường

Đầu mùa đông năm 1972, mới khoảng hơn 7 giờ tối nhưng sương đã xuống và trời se se lạnh. Chúng tôi đang quây quần bên bếp lửa, bỗng nghe tiếng chó sủa phía sân trường, rồi có hai phát súng vang lên rất gần và rất đanh. Chúng tôi nhào ra, thấy ánh đèn pin hươ lên loang loáng. - Ai bắn đấy! Chúng tôi thét lên.
- Tôi. - Có tiếng người khẽ khàng đáp lại. -Tôi bắn.
Thì ra thấy Chánh, giáo viên thể dục của trường. Thầy là người bắn súng rất giỏi và rất thận trọng, vậy mà sao giờ này thầy lại bắn súng trong trường.
- Bác bắn gì đấy? Chúng tôi cùng hỏi.
- Hình như là con hổ. Thầy nói nhỏ nhẹ, có vẻ hơi run.
Chúng tôi không còn tin vào tai mình. Chẳng lẽ có hổ vào trường? Mà lâu nay có nghe ai nói gặp hổ bao giờ đâu? Càng không nghe ai nói bắn được hổ. Không phải chỉ quanh đây mà cả các xã vùng cao, vùng sâu cũng không nghe có ai bắn được hổ. Thế mà đêm nay, giữa sân trường nghe thầy Chánh khẽ khàng nói lên như thế, sau hai phát súng rất đanh.
Thầy Chánh dọi đèn vào vườn sắn mà nói: - Tôi thấy nó đứng kia, trong vạt sắn, cứ tưởng là bò vào ăn sắn. Lại thấy con chó của tui xồ ra sủa. Nhưng khi lia đèn thì thấy vằn. Tôi lấy súng, kê vào cột bóng chuyền. Tôi bắn. Nó chạy ra phía lớp học. Phát thứ hai,  đàng tê.
- Nó chết chưa?
- Tôi cũng không biết, chắc là chết. Thầy Chánh vẫn nhỏ nhẹ và không có vẻ tự tin.
Chúng tôi đi theo thầy vào lớp học. (Ở vị trí trước cây đa cao bây giờ).Xung quanh lớp có lũy đắp cao tới tầm ngực, bên trong kè bằng phên nứa và cọc gỗ. – Gác súng lên bờ lũy, chỗ này, tôi bắn. Còn nó ở chỗ kia, bên bờ giao thông hào.
Theo hướng đèn thầy Chánh dọi chúng tôi thấy lờ mờ trên bờ hào có cái gì vàng vàng như tàu lá cọ khô khuất lẫn sau những cây bớp bớp. Không có gì ra vẻ là con hổ cả. Học trò vẫn thường dùng lá cọ che mưa mỗi khi đi học rồi vứt lại đâu đó xung quanh lớp học như thế. Chúng tôi lấy những khúc cây đầu đày thừa ra khi kè lũy để ném vào chỗ đó, chẳng thấy động tĩnh gì. 
Thầy Chánh thì như người mất hồn, không thật khẳng định và cũng không nói thêm gì nữa. Tôi luồn theo một ngách giao thông hào tới chỗ nghi là có con hổ. Đã thấy cái đuôi. Tôi cầm vào chót đuôi giật mạnh một cái rồi thả ra ngay và bước lùi lại. Vẫn không có phản ứng gì. Tôi giật một lần nữa. Vẫn không có phản ứng gì. Tôi nắm cả hai tay mà kéo, nặng quá, nhưng rõ ràng là nó đã chết. Tôi nhảy lên bờ giao thông hào, hô anh em xúm lại cùng kéo nó về. Con hổ mới to làm sao.
Chỉ mấy phút sau thì đủ mọi cơ quan chức năng của huyện đến lập biên bản về việc dùng súng quân dụng, về việc bắn chết động vật quý hiếm, về việc quản lý bộ xương sau khi mổ… Họ đo từ đầu đến mông được hơn mét bảy, ấn bàn chân con hổ xuống đất, nó xòe ra rộng như chiếc vung xoong 20. Đấy là con hổ to chưa từng thấy kể từ năm 45 tới giờ, nhiều người trong bản đã nói như thế. Nhưng mà nó gầy quá, nó nằm nhẽo ra như cái bao tải, xương hông xương sườn nhô lên thảm hại. Có người lật vành tai của nó lên, thấy một vết xước, khẳng định: Nó đã từng ăn thịt một người. Thật là hú vía cho thầy trò trường tôi đêm đó không có ai ra vườn nhổ sắn và cũng không có ai lảng vảng ngoài sân.
Đêm ấy người ở khắp nơi đổ về xem hổ. Người ở Mường hin kéo  lên, ở Châu kim xuôi xuống, từ Lông không, Na pu, kéo ra... Đuốc thắp sáng mọi ngả đường dẫn đến trường, vui như hội. Cũng may hồi này Mỹ ném bom hạn chế, nếu không đèn đuốc thế này có mà là mục tiêu cho giặc lái.
Những ngày sau đó, có tin đồn con hổ cái lảng vảng trong rừng, nó về để báo thù. Nhưng với thời gian mọi chuyện rồi cũng trôi qua. Bộ xương hổ thì dược phẩm thu mua, không rõ giá cả thế nào, thầy Chánh có được bao nhiêu. Chỉ thấy còn tấm da hổ, thầy Chánh căng ra bằng mấy cái sào nứa, phơi mãi thì nó khô đi, co rút dần lại, khi mưa ẩm thì bốc mùi khăm khẳm. Về sau cũng không biết thế nào.
                                                                              1984

QUẾ PHONG - CÁI THUỞ BAN ĐẦU (p5)


* Tết ở vùng cao đến sớm. Các trường học và cả các cơ quan huyện cũng nghỉ sớm. Thường thường 20 tháng chạp là đã nghỉ rồi. Cái tết đầu tiên - (1969 -1970), chỉ còn hai mẹ con tôi ở lại. Các trò trong huyện thì về ngay chiều hôm ấy, còn các thầy và các trò dưới xuôi thì sáng sớm hôm sau mới í ới gọi nhau, lục tục ra về. Qua cổng trường, mà cũng là cái ngõ nhà tôi, các trò chào, tôi chỉ biết nhìn theo… Trò về hết rồi tôi trở vào nhà với mẹ, rồi lấy bút ghi lại bài thơ:
           Các em về

 Tôi lặng nhìn theo bóng các em về
         Bịn rịn

           Các em chào: - Thầy ở lại thầy nha!
     -Thầy đừng buồn
     -Thầy vui đón xuân qua…

           Tôi chỉ biết gật đầu để ghìm lòng khỏi khóc
           Ừ các em về
           Thầy gửi nhớ miền xuôi

           Các em đi rồi
           Còn lại mình tôi
           Bên cổng vắng tôi dõi nhìn vời vợi
           Bên cổng vắng tôi một mình chờ đợi
           Các em lên.

* Cổng trường, nói thế cho oai, chứ thực ra cũng chỉ như cái lối vào nại sắn của dân. Nghĩa là nó được định vị bởi hai cái cọc to bằng ống mét có khoét lỗ với mấy cái gióng ngang bằng nứa xuyên qua mấy cái lỗ ấy. Mỗi lần ra vào thì đẩy cái gióng ngang về một phía, qua rồi thì kéo lại, ngăn không cho trâu bò vào bên trong. Tôi đứng ở cái cổng ấy mà nhìn theo anh em, nhìn theo trò trẩy bộ về xuôi…

Hai tiếng về xuôi sao thân thương, sao gợi nhớ  nhung đến thế. Không rõ nhớ ai, nhớ cái gì, chỉ biết cồn cào mung lung nỗi nhớ miền xuôi. Và hai tiếng về xuôi như là để nói về nhà, về quê, về với mẹ cha, anh em bà con, về với bầu bạn, về với kỷ niệm tuổi thơ, về với đồng bằng, với biển…

Ngày đó chưa có xe ca lên Quế phong, cho nên phải đi bộ về Quỳ châu( 30km), may ra có xe, nếu không thì cuốc bộ tiếp về Nghĩa đàn (90Km). Ra giêng tới tận mồng 9 mồng 10 học trò và anh em giáo viên mới trở lại trường. Những ngày chờ đợi ấy đối với mẹ con tôi thật là dài thăm thẳm. 
Ngày đó chỉ có bà Tùng, bà Khánh làm nồi đất ở dưới Km 119. (cổng trường Km 120) , thêm vài nóc nhà ở Tòng mọ, bên tê nọong cụt có mỗi nhà ông Hưng, bên rừng cà phê có mỗi nhà bà Tài, qua một quãng trống và bụi bờ dằng dặc cả cây số không có ai, lên khe bà Lăng, lên nữa rồi rẽ vào, có nhà bà An và nhà ông Thảo thợ mộc...Lên nữa, lại chẳng có ai, lên nữa mới là bệnh viện. Huyện ủy thì ở mãi trong Na pu, ủy ban thì sơ tán vào bản Dốn, ngân hàng ở trong na Phày... Nhưng mà ngày tết thì cũng chẳng còn ai...

* Trước đó thương nghiệp và lương thực có bán cho mỗi người cân nếp, mấy lạng thịt, vài bao thuốc lá… gọi là tiêu chuẩn tết. Có thể mua thêm từ dược phẩm vài chai rượu thuốc ngũ gia bì chống phong thấp. Rồi tất cả cùng đóng cửa, cùng nghỉ. Và vắng tanh vắng ngắt từ cơ quan huyện, cho tới lâm trường, ngân hàng, bưu điện, bách hóa, lương thực…
Không có chợ, nên chỉ có bấy nhiêu mua được gọi là tết. Học trò thương tôi, có trò đem cho thịt, có trò cho bánh. Tôi nhớ trò Lộc Chí Xuyết đem cho cả cá, cả thịt đã nấu chín rồi, gói một đùm lá chuối to đùng, thêm cả bánh chưng và bánh sừng bò không nhân nhưng rất dẻo.
 Cái ăn nói thế nhưng không thiếu, cái đáng nói là buồn. Buồn vắng lặng, buồn thấm ruột gan, nhất là về chiều và đêm. Ngoài trời thì sương lạnh. Mang toác trên rừng pu Hiêu, koong còi điểm nhịp bên phía pu Mai, dù dì kêu trên ngọn cây ngát giữa sân trường, có tiếng suối trong bản Hăn...Còn thì lặng thinh không một tiếng người… Buồn muốn khóc.


* Ra giêng thì có hội ném còn, hình như không ai tổ chức, tất cả là tự phát, rủ nhau tụ lại mà ném cho nhau. Ở cổng trường ta là ngã tư rẽ vào bản Hăn, bản Dốn, ngược lên Na nga, Na phày, xuôi về bản Bon bản Tạng, thành ra tụ hội khá đông. Con gái áo trắng váy thêu với khăn choàng đỏ, khăn choàng xanh rực rỡ trong xuân mới. Các nàng còn đeo dây xà tích, và quả đào bên hông, đeo thêm vòng tay và cả vòng cổ nữa, tất cả đều bằng bạc, sáng lấp lánh. Còn các chàng trai thì giản dị  và có vẻ kém tự nhiên hơn, nhưng cũng hớn hở tươi vui hơn hẳn thường ngày. Những quả còn có tua dài đủ màu sặc sỡ được ném qua ném lại cho nhau. Hình như là rất dễ bắt được quả còn, nhưng  các chàng trai thi thoảng lại bắt trượt. Có vẻ như bắt trượt thì bị phạt. Đầu tiên là phạt nhẹ, chàng trai phải bỏ ra thứ gì đó gọi là để nộp phạt như cái bật lửa hay cái đèn pin, hết rồi thì phạt cả thắt lưng, phạt cả áo. Người bị phạt tỏ ra vẫn vui, còn người được quyền phạt thì chắc là vui lắm, cứ cười tít. Vừa phạt vừa cười sao mà vui thế. Phạt thế thì ai mà chẳng muốn bị phạt. Tôi mà có người ném còn cho thì tôi cũng bắt trượt, để bị người ta vừa phạt vừa cười vui với mình. Tiếc là tôi không được nhập cuộc. 
Và thế là tôi lại buồn thêm...

                                  

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

QUẾ PHONG CÁI THUỞ BA ĐẦU (p4)

* Ấn tượng đẹp về cảnh quan là bản Phạm của Mường hin. Trên đường 48, qua lèn đá vôi, ngược lên một quãng, bên phải là cánh đồng, tới nữa là dòng sông, bên trái là dãy núi đất, còn bản làng thì ôm lấy con đường gấp khúc quanh co. Bản có nhiều nhà kê tảng, dưới sàn sạch sẽ gọn gàng, các căn nhà mở cửa sổ trông sang nhau, nhìn ra đường cái như là trên phố.
Bản Hữu văn, trên tận cùng của xã Châu kim lại có một vẻ quần tụ dầy đặc rất ít gặp. Có lẽ do thế đất chật, cũng có thể vì một lẽ nào khác, mà người ta làm nhà san sát bên nhau, mái kề với mái, căn nhà nào cũng cao cũng rộng. Có thể đi từ đầu làng đến cuối bản trong mưa mà không ướt.
Sang bên kia bờ nậm Giai có bản Đỏn chám, ở trên đồi cao, trông ra thung lũng lớn, rải rác đó đây những tảng đá trắng, tương truyền là Nang Đọn (nàng Trắng) hóa thân để ở lại với làng với bản, với người thương…
Trung tâm thung lũng Kim sơn có bản Đỏn cớn ở giữa cánh đồng mượt mà phì nhiêu, trông ra bốn phía chân trời thoáng đãng. Xa xa là  pu Hiêu ở đàng đông, pu Tạ chang ở đàng tây, pu Mai, pu Quai mạn bắc và và piêng Panh, pu Kẹp về nam. Tôi đã đến bản này với anh em Quang Trường Sơn và đã có dịp được nghe cụ Sầm Tiến, thân phụ anh Nga Di, kể rằng: Xưa dân ta không ăn hết lúa đâu, phải chờ mùa nước lớn vượt được thác Đũa thì đóng bè mà chở về xuôi… Ngày anh Nga Di về trường thì cả bản đã phải dời vào Lông không rồi. Ngoài cánh đồng, chỗ là bản Đỏn cớn giờ chỉ còn những cây muỗm cây mít cây bưởi trên những bìa vườn bỏ hoang. Bỏ hoang mãi cho tới khi tôi rời QP vẫn vậy. Không hay người ta dời dân đi để làm gì. Không chỉ Đỏn cớn mà cả Na nga, Na phày, Cỏ noong cũng vậy. Miền xuôi cũng vậy thôi mà. Ở quê mình có một thời như thế: “Thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn”…

* Vài năm đầu khi chúng tôi mới lên Quế phong, tiêu chuẩn lương thực thì vẫn chỉ ngần ấy nhưng mà được mua 100% gạo không hề phải độn. Nhiều tháng liền lương thực bán toàn là nếp, do dân đóng thuế tại chỗ mà có. Những kỳ như thế người không quen ăn nếp, nóng cổ, còn phải kêu trời. Sau rồi không hiểu vì gì mà lương thực chỉ còn bán gạo tẻ hẩm mốc độn ngô xay, có khi độn sắn, độn mỳ bột, tệ nhất là cái thời độn ngô răng ngựa và hạt bo bo.
Trong trường thì chúng tôi có sắn tự trồng. Thầy trò ai muốn ăn thì tự nhổ về mà luộc. Có vẻ như các trò vùng cao không đến nỗi đói nên chẳng mấy khi trò dùng đến sắn. Chỉ có trò ở xuôi lên, đói thật, cả các thầy nữa, gần như đêm nào cũng phải luộc một nồi. Ba cha con thầy Vi Trọng Thái, hai anh em thầy Lê Huy Hạnh, hay cha con anh Phạm Thanh Năm, cha con thầy Lê Nam Bình chỉ có một suất lương thực mà san sẻ ra, không độn sắn vào thì sao cho đủ...

* Những ký ức vui buồn cứ đan xen nhau, khi dồn dập điều này khi loáng thoáng điều kia. Tôi lại sực nhớ ra rằng mình đã có lần say, ngày đó. Không phải say sắn như hồi đói 1954, mà là say rượu, say rượu siêu lẫn rượu cần ở nhà anh Hà văn Thanh, giáo viên cấp I, làm văn phòng trường ta, nhà trên bản Kim khê. Hôm ấy anh Thanh mời cả hội đồng về mừng đầy tuổi cu con đầu lòng. Nói là cả hội đồng cho ghê chứ có năm anh em thôi( 2 thầy đi bộ đội mà chưa có  giáo viên lên thay). Cả tốp giong bộ, lội qua đập tràn Châu kim, lên hết cái dốc là đến.
Bữa ấy là lần đầu tiên trong đời tôi uống rượu. Lại cả siêu lẫn cần. Lại sợ mất lòng gia chủ, lại nể người cao tuổi trong làng, cũng lại phải nhập gia tùy tục, mà nào mình đã biết tục lệ gì đâu, nói gì nghe nấy, không dám chối, thành say. May mà không nôn, còn gắng lội qua đập tràn mà về được. Nhưng rồi váng vất mất ba bốn hôm, đến bữa, đói mà nuốt không vào, mồn miệng đắng ngăn ngắt. Vẫn phải cố mà lên lớp, cái đầu cố giữ cho tỉnh nhưng chân thì bước xéo khoai. Sợ thế!
Chén rượu siêu đặt lên lòng bàn tay trái xòe ra, dâng lên. Bàn tay phải chắp lại trước ngực, gia chủ hướng về khách mà mời, chối từ sao được. Cần rượu vít cong, người già đã đón, mình là khách được xếp uống cùng người già, chối sao cho đành, lại uống. Say,  mệt quá. Sợ nữa. Nhưng mà bù lại, mọi người tin mình, mọi người thương mình. Cũng quý, đúng không.
                   Còn nữa

QUẾ PHONG _CÁI THUỞ BAN ĐẦU (p3)


* Những đêm trăng thanh, sương giăng bàng bạc, cây rừng ngủ im, bên đồi cây lúp xúp lối vào bản Hăn, bản Dốn, nghe rủ rỉ tiếng pì, tiếng nhuôn. Tiếng pì buồn, lời nhuôn cũng buồn, âm điệu kéo ra như tiếng thở dài, như thầm thì nhắn nhủ, như hờn dỗi trách móc. Thỉnh thoảng nghe tiếng cười giòn tan rộn lên như tia chớp âm thanh, rồi lại lặng thinh, rồi lại rủ rỉ buồn man mác. Những đêm như vậy, rừng già gần như không ngủ, con trai con gái trong bản cũng gần như không ngủ. Tiếng pì tiếng nhuôn cùng rì rào tiếng suối cứ chảy mãĩ dưới trăng, long lanh buồn lai láng…

* Các cô gái thích mặc áo trắng và đội khăn len màu đỏ. Da con gái Thái trắng hồng, tóc dài xanh mượt. Thuở ấy con gái dưới xuôi chỉ biết màu nâu hoặc màu xanh công nhân, may lắm thì có được màu xanh chỉ lâm, chỉ giang; còn tóc thì khô xác, nhiều cô tóc còn he he lông bò chẻ ngọn. Có vẻ như người vùng cao đủ dinh dưỡng hơn, khỏe hơn và tầm vóc cũng khá hơn. Nhưng đấy chưa phải là khác biệt lớn. Cái khác biệt mà tôi không thể quên là ánh mắt nhìn thẳng, trong veo, thân thiện và tin cậy của người vùng cao, nhất là các cô gái. Không hề gợn chút lườm nguýt, đong đưa, không tỏ ra thẹn thò bẻn lẻn, không len lét sợ sệt, cũng không bợn chút khinh khi, hằn học.  Chỉ có nhìn thẳng hồn nhiên trong veo. Và hình như người vùng cao không thích nói to, các cô gái cũng vậy. Có lẽ trong không gian yên tĩnh, tai con người thính nhạy hơn, chỉ cần nói nhỏ, chỉ cần thầm thì là đủ. Và còn nhiều nhiều những điều, những nét đẹp nữa. Ví như:
Những cô gái bản
Búp tay căng tròn
Chiều về bên suối
Nghiêng mình thon thon...


* Tôi còn ngạc nhiên nhiều nữa khi đi lên cánh đồng Đỏn cớn, hay qua sông nậm Giai sang đồng Đỏn chám, thấy lúa gặt rồi phơi ngay ngoài ruộng. Chụm mấy gốc rạ lại mà gác nắm lúa lên phơi, bao giờ khô, hoặc bao giờ rỗi thì gùi về, không lo cất giữ, không lo ai lấy mất. Ngược lên bản Hữu văn, tận cùng của Châu kim, thấy cối nước giã gạo bên bờ khe, che bằng túp lều đơn sơ, cũng chẳng ai nghĩ phải coi, phải giữ gì cả. Một cộng đồng làng bản như vậy với những con người như vậy, quả là thánh thiện. Tôi cho đó là văn minh, là thiên đường trên cõi nhân gian. Ngày xưa, làng tôi, quê ngoại, cũng vậy. Cũng không hề nghe nói có ai đó bị mất cái gì, dù là nhỏ nhất. Không hề nghe đến từ ăn cắp. Và thuở nhỏ tôi chưa từng thấy thế nào là cái ổ khóa. Rồi căn nhà của mẹ con tôi ở Quế phong cũng vậy, chỉ khép hờ, không hề khóa bao giờ.

* Ôi! Cứ thế này thì tôi chỉ mong trở lại ngày xưa. Cái ngày xưa mà hai người đàn ông gặp nhau trên lối mòn bên bìa rừng, dừng lại chào nhau. Hai người nói với nhau nho nhỏ,vừa đủ nghe, vừa đủ thân mật. Họ hỏi thăm sức khỏe của nhau, đưa hai bàn tay lên trước ngực, nhẹ nhàng xá nhau và cảm ơn. Hỏi thăm sức khỏe ông bà, cha mẹ, lại xá nhau và cảm ơn. Hỏi thăm con trai con gái, con dâu con rể, xá nhau, cảm ơn. Hỏi thăm cháu chắt, rồi bà con anh em nội ngoại… rồi xá nhau, và cảm ơn. Hỏi thăm cây lúa ngoài đồng, con cá trong ao, hỏi thăm con trâu con bò con gà con lợn, lại xá nhau và cảm ơn. Không cần biết mặt trời đã lên tới đâu, hay đã xế về đâu, họ đứng chào hỏi nhau bên đường, nhẹ nhàng, rủ rỉ.

Ôi, ngày xưa! Quế phong!
                                       Còn nữa

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

QUẾ PHONG- CÁI THUỞ BAN ĐẦU (p2)


*  Mấy tháng liền trời râm mát, có vẻ như trên trời lúc nào cũng nặng trĩu mây. Khó mà xua tan được lớp mây ấy, bởi nó dày đặc từ lòng thung, lên ngọn cây, lởn vởn trên đó, rồi vấn vít lưng chừng núi, rồi che mờ chót đỉnh, và lên cao nữa, kéo giăng giăng khắp cả bầu trời. Tận trưa may ra mới có ngày hé một chút nắng, và chưa ngả chiều thì đã âm u. Rất ít khi có nắng từ sáng tới chiều. Ban đêm sương xuống nhiều, mới đầu thu đã se se lạnh. Mùa đông thì cực lạnh dẫu gió không thổi vi vút như ở đồng bằng. Nhưng sang tháng ba tháng tư lại cũng không thấy gió Lào khô nóng, chỉ thấy nhiều mưa hơn, có khi tầm tã, có khi rả rích hết ngày này sang ngày khác, buồn nẫu ruột. Đấy là mưa tiết tiểu mãn ở thượng nguồn. Còn về tới Quỳ hợp Nghĩa đàn thì trời đã chuyển mùa, nắng chang chang, gió Lào cồn cột thổi, khô không khốc.
Mấy năm tiếp theo vẫn gần như thế, bầu trời Quế phong vẫn rất nhiều mây, và có rất nhiều những ngày râm mát trong năm. Sau này biến đổi khí hậu, rừng bị tàn phá nhiều, Quế phong lại gần giống như Quỳ hợp, Nghĩa đàn, lại hứng chịu gió Lào khô nóng.

* Không có rau gì để ăn, không ai trồng, không có chợ. Quẩn quanh chỉ có măng, hết luộc lại chua, hết chua lại luộc. Thèm rau quá thì ăn ngọn sắn, ngọn tàu bay. Nghe nói ăn mấy thứ này nhiều loảng máu, thì ăn lại măng chua măng luộc. Mẹ tôi tìm đến nhà bà Khánh - quê gốc Yên thành lên Quế phong mang theo nghề làm nồi đất- còn ở phía dưới Tòng mọ nữa, cách trường đúng 1km, xin dây lang về trồng để lấy lá lấy ngọn làm rau. Dần dà nhờ người có dịp về xuôi công tác mua dùm hạt giống rau cải, rau diếp, rồi mua giống rau muống, giống dọc mùng, giống hành tỏi, giống ớt, giống mùi…
Cuối năm 69 cơ quan tư liệu dời lên chỗ mới, mẹ con tôi mua lại cái bếp tư liệu để làm nhà ở và khai khẩn mảnh đất tư liệu nhường lại để làm vườn. Từ đấy có rau, có vườn chuối, vườn dứa, có ao mùng, ao muống, rồi có cây ổi cây đào… Làm ra, ăn không hết thì bán, bán chạy lắm vì chỉ có mỗi một nhà mình trồng rau…

* Đêm đêm ngoài tiếng du di dù dì trên cây ngát cao đùng giữa sân trường, còn có tiếng mang toác đâu đây rất gần, nghe như sau lớp học, nhất là những hôm động trời. Bên phía pu Mai, quãng bản Hăn đi ngược lên, về khuya  thường nghe tiếng koong còi. Tiếng kêu vang, lạ lắm, gợi một cái gì xa xăm bí hiểm. Hỏi trò, chúng bảo coong còi như mèo, nhưng lại như người, thấy lửa thì sấn vào, ngồi khều than ra ăn, ăn được cả than đang đỏ, lưỡi nó cũng đỏ, chờ cho mọi người ngủ thì…
Đêm khuya thanh vắng nghe rõ cả tiếng suối bên pu Mai. Dòng suối ấy chảy về bản Hăn rồi về Tòng mọ rồi xuống bản Bon, bản Tạng, xuống Na cày, Mường hin… Có hôm xuống thăm Nguyên Thiều, về lội qua khe Tòng mọ, chợt nghe tiếng nước ồ ồ, ngẩng nhìn lên phía thượng nguồn, một con nước đang chồm tới như đàn trâu lồng, đục ngầu sủi bọt. Kinh hãi quá, chạy vội sang bờ, nhìn lại hú vía.
                                                       Còn nữa

QUẾ PHONG - CÁI THUỞ BAN ĐẦU (p1)

Tôi nhận quyết định lên Quế phong đúng vào sinh nhật mình, tròn hai mươi tuổi. Ngày ấy ty sơ tán ra Diễn châu. Tôi từ Thanh chương xuống Vinh ngày hôm trước, hôm sau ra ty. Ông trưởng phòng tổ chức nói: - Mẹ anh nghỉ hưu à, đã có nhà nước nuôi, anh đi Quế phong! Thực tình trước cái cách nói như vầy của ông trưởng phòng, tôi không biết nói gì hơn. Mà tôi cũng chỉ đoán lờ mờ Quế phong là một huyện miền núi nào đó, vì chưa từng được nghe tên, chứ không biết rõ ở đâu.
Trở về nhà, kể chuyện, mọi người mới cho hay Quế phong là huyện vùng cao tách ra từ Quỳ châu, mà Quỳ châu lại được tách ra từ Phủ quỳ trước đây. Ồ thế thì có nghe rồi, cái tiếng Phủ quỳ, Phủ bọn tôi đã được nghe đâu đó. Ờ chính thế, Phủ bọn là Quỳ châu…
… Sau cải cách ruông đất, cậu tôi bỏ nhà đi ngược lên Phủ quỳ, Phủ bọn. Trên đó có bà Hưng án, cậu tôi gọi là dì, tức mẹ kế. Từ ngày ông Án mất, bà ngược lên rừng tìm cách làm ăn sinh sống, tưởng là mai danh ẩn tích, thế mà đến lúc này vẫn còn cái tên như vậy. Mỗi lần cậu về tôi thấy da cậu bủng ra, cái bụng báng thì căng lên mà người thì tọp đi. Rồi cậu đưa em Thiều đi theo vì ở nhà còn khổ hơn nữa. Nghe đâu giờ thì em Thiều ở Quế phong, có chồng con rồi…
Với ngần ấy thông tin, tôi cõng ba lô, với vài bộ đồ, một mảnh ni lông, cái màn cũ và chiếc chiếu một, lên đường. Một ngày xe xuống Vinh, một ngày xe lên Thái hòa. Bến xe Thái hòa ngày ấy ở trên đồi, tầm nhìn xuống bến xe ngày nay, nhưng mà trên cao, như là quãng đi lên cổng trường cấp III thị xã bây giờ. Giữa bãi đất hoang có một căn nhà lá chơ vơ trống hoác, gọi là phòng chờ và một góc được ngăn ra gọi là phong vé. Không có quán ăn, không phòng trọ, may mà có bà hàng nước có bán bánh chưng. Chiều hôm sau thì có xe ngược lên Phủ bọn.
Ông lái xe có vẻ đã uống nhiều rượu, mặt đỏ gay, nói năng bổ bả bặm trợn. Xe ca ngày ấy đầu máy nhô ra phía trước chứ không bằng đầu như ngày nay, còn thùng xe thì cũng chỉ chứa được khoảng ba chục người. Đặc biệt nhất là xe không có kính, kể cả kính chắn gió phía trước chỗ người lái. Ông ấy cho xe chạy nhanh, xóc dội ngược cả người. Càng kêu, ông lại càng chạy nhanh hơn. Được khoảng gần hai chục cây, đường tương đối bằng phẳng, đến một khúc cua đột nhiên trước mặt có một chiếc xe tải ngược chiều lao tới, tài xế đánh lái đâm ào vào rừng hơn chục thước, rồi thúc phải bụi tre, đứng khựng. May mà trên xe có mấy người sơn tràng ngược lên khai thác lâm sản, họ có sẵn dao, rìu, chặt phá một lúc, rồi lấy chạc rừng cột vào đuôi xe, hò nhau kéo ngược ra. Máy vẫn nổ tốt, chỉ có gãy mất cái chốt đâu ở chỗ nối với cần lái. Tài xế bảo ai có sợi dây tun cho mượn cột tạm. Rồi chiều tối hôm ấy xe cũng lên tới Tân lạc. Trên xe hôm ấy có thầy Bùi Hưng Bang, cùng khóa với tôi, lên Quỳ châu, dạy văn. Anh lên đến nơi rồi, còn tôi phải tiếp chặng nữa.
Đêm ấy ngủ ở nhà bà Hưng án, sáng ra bà cho uống cà phê, đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhấp cà phê. Bà bảo ăn cho no, đường còn xa, bà còn gói cơm trưa cho nữa. Sang đò kẻ Bọn, đi được một quãng thấy rừng bịt bùng dày đặc. Đường ô tô nhưng chỉ có hai vệt mòn, còn nữa là cỏ, tiếp nữa là bờ bụi và nữa là rừng. Đột nhiên có một người từ rừng vọt ra, mặc quần cộc, bên hông có cái bao dao, thòi cán ra ngoài. Tôi khựng lại. Họ không nhìn tôi, cứ cắm cúi đi. Tôi chờ cho họ đi trước. Họ đi bên phải thì tôi đi bên trái, trong bụng dè chừng, có gì thì cố mà chạy. Rồi người đó lại đột ngột rẽ vào rừng, tôi lặng lẽ đi qua, thỉnh thoảng ngoái nhìn lại, không thấy gì. Đường rừng vắng lặng.
Lại qua đò Châu tiến. Cả hai bến kẻ Bọn và Châu tiến đều có phà, có cả nhà cho người chống phà nhưng bộ hành thì đi đò. Lên đến trường Mường hin thì vừa lúc trường làm lễ viếng Bác Hồ. Tỉnh ta tổ chức muộn, chọn nhằm ngày xô viết Nghệ Tĩnh 12/9. Đêm ấy tôi ở lại bản Tạng trong nhà dòng cũ với vợ chồng Nguyên Thiều.
Hôm sau tôi lên trường. Thực là không tài nào nhận ra nếu không có người chỉ cho. Bên phải đường ở km120 có một lối mòn nho nhỏ, rẽ vào, hai bên là bờ bụi, có mấy cây đa to đứng rải rác, những vũng nước và cả những hố trâu đằm, qua cái cổng như là vào nại…
       Mấy đêm đầu tôi ở trong căn nhà gọi là văn phòng nhưng bỏ không. Rải ni lông ra mà nằm vì chiếu còn gửi lại ở Quỳ châu. Đêm đêm nghe tiếng con gì cứ du di dù dì thấy ghê ghê. Hỏi trò, càng ghê hơn khi chúng bảo con ấy ăn thịt người, to bằng người lớn, trông như bà già mang tơi…
 Mấy hôm sau thì cô Tuyết lên…

Hơn một tháng sau nữa thì tôi về Quỳ châu đón mẹ và mự tôi lên. Mự đi cùng với mẹ cho yên tâm. Mự ở với vợ chồng Nguyên Thiều một thời gian rồi lại về quê, đợt sau mới lên ở hẳn. Còn mẹ tôi ở Quế gần hai chục năm trời, và tôi thì còn ở lâu thêm nữa…
Tôi không thể nào nhớ hết những cảm nhận ban đầu của mình về Quế phong, cũng không thể kể ra theo thứ tự, nhưng mà tôi sẽ cố ghi lại, trước hết cho mình, sau nữa cho những ai cùng lứa với mình, rồi những ai như mình, và… cho những ai sau mình muốn biết đến ngày xưa…

* Có lẽ ấn tượng đầu tiên, là các trò vùng cao sao nói tiếng phổ thông giỏi thế. Tôi ngạc nhiên khi các trò chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác một cách tự nhiên, nhẹ nhàng uyển chuyển, hầu như không có một chút vấp váp gì. Có thể có vài từ hơi khó, phát âm chưa thật chuẩn nhưng ngữ pháp thì không hề sai. Về sau thì tôi nhận ra ngữ pháp của cả hai ngôn ngữ hoàn toàn như nhau, vốn từ cũng sáu bảy chục phần trăm là giống nhau, nên mới có được sự thông hiểu ấy. 
   Tôi nói ra ấn tượng này với trò, và Lô Văn Xanh thật thà:
- Cũng khó lắm đó thầy. Hồi đầu em chỉ nói được mấy chữ không chi không mô, không chi không mô. Suốt ngày em cứ nói đi nói lại có mấy từ đó mà không hiểu chi cả...
      Một ấn tượng nữa cũng gắn với ngôn ngữ là tên của trò hầu hết được đặt theo tiếng phổ thông cả về âm tiết và ngữ nghĩa như là Mạnh Hùng, Minh An, Ngọc Loan… Ngược nữa, đến tên của các bậc phụ huynh cũng vậy.  Điều đó cho hay ngôn ngữ phổ thông và ngôn ngữ Thái đã có sự giao lưu pha trộn từ rất lâu rồi, và các dân tộc đã hòa hợp cùng nhau cả về địa dư và phong tục, cả về nhận thức và tình cảm.

* Trước khi lên QP tôi đã từng biết về rừng hồi còn ở Quỳnh lập, hay ở Thanh chương, hay ở Thạch thành, nhưng chỉ là biết thoảng qua, còn nay mới thật là sống với rừng, sát bên rừng, lọt thỏm giữa rừng.  Điều lạ là rừng ở đây không có gai, lạ nữa là không có lá han, hay còn gọi là lá nải, hễ chạm vào là ngứa, rồi đau, rát như phải bỏng, rồi sưng tấy lên. Rừng ở đây cũng không có nhiều dụi trùn to ngang bãi phân voi choẹt loét nhớp nháp như rừng Thanh chương. Phải nói là rừng ở đây lành và sạch. Chỉ có điều ngày ấy cây cối dày đặc quá, thành ra có cảm giác ngột ngạt, độ ẩm trong không khí quá cao, khó thở, và nữa là hạn chế tầm nhìn. Ngày ấy thấy hạ được cây nào là thoáng ra chỗ đó, là thấy đỡ ngột, đỡ vướng, thấy sáng ra, vòm trời rộng thêm ra một chút. Nhưng mà còn chiến tranh nên cũng phải giữ gìn ngụy  trang…

    * Hai trạng thái sinh lý của người mới lên vùng cao là buồn ngủ và ăn không biết no. Dân gian vẫn gọi là ngã nước. Ngủ nhiều, nhưng giấc ngủ không sâu, và sau khi thức dậy thường không được tỉnh táo. Trong người thấy mệt mỏi, trì trệ, nặng nề, chậm chạp. Phụ nữ ngủ nhiều thì tăng cân, mập ra, nhất là các cô giáo vùng cao, nhưng mà trông không khỏe.
     Còn đói thì là đói quá rồi. Một là do khẩu phần lương thực chỉ có thế. Hai là chẳng có rau canh gì ngoài măng luộc, măng chua, đu đủ. Thay đổi thì hái ngọn sắn, luộc lên, chấm với nước viên canh hòa ra. Không nữa thi rau tàu bay. May mà có sắn củ. Sắn trồng quanh lán ở, trồng quanh lớp học, nhiều lắm. Tháng 9 tháng 10 thì củ đã to. Sắn lại ngon, thơm, bột mịn. Đêm nào các thầy cũng luộc sắn, lục cục dưới bếp, rồi nướng, bọc lá chuối hay giấy báo nhúng nước mà nướng. Thơm, ngon! Ăn không biết no. May sắn lành, không say, qua được cái đói...


                                                          Còn nữa

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

NHỚ VỀ TRƯỜNG CẤP 3 QUẾ PHONG NHỮNG NGÀY ĐẦU THÀNH LẬP (p3.2)

III.2 (Tiếp theo)


Thầy Hà Thanh Tình
Anh Tình quê Nam đông, bên bờ nam sông Lam, phía chín nam. Từ hồi có anh Phan Long, anh Tình là đệ tử của cái cách nói “tui với cụ”. Đến giờ, nghĩa là sau bốn chục năm anh vẫn xưng hô kiểu đó.
Anh trắng trẻo, mái tóc bồng bềnh, thư sinh, nhưng rắn. Anh đứng hậu vệ thì không mấy ai qua được. Anh rình, phán đoán rồi cướp bóng rất nhanh, bằm một phát đã phá được bóng lên. Ngoài ra anh còn chiêu bay người đánh đầu tầm thấp rất chi là ngoạn mục. Cách đá ra chân nhanh, rụt về ngay, nên ít khi va chạm, bọn tôi nói vui là không bị mẻ. Chơi mà bị mẻ là lỗ, kể cả thắng. Anh em tôi hay nhắc nhau như vậy. Chơi mà, quyết nhưng lành mới gọi là chơi. Đá chí chết còn gì là chơi nữa.
      Anh có hoa tay kẻ vẽ trang trí báo tường khẩu hiệu. Hầu như toàn bộ phần việc này của trường cũng như của các lớp đều nhờ một tay anh.
Khi rỗi anh rủ tôi đi câu. Anh sắm cần và cả mồi câu cho tôi luôn. Đi cốt vui, tiếc là tôi câu kém quá, hay là cá nó kỵ vía nên không chịu cắn câu. Còn anh thì giật liên tục, được nhiều, về rán lên hai thằng nhâm nhi.
Rồi anh lấy vợ - chị Sửu làm ở huyện ủy. Có chuyện vui: Cứ sắp đến thứ bảy là anh bỏ thuốc, đánh răng thật kỹ, hết đêm chủ nhật về lại hút bù cho bỏ thèm, cuối tuần sau lại nhịn. Thành vợ chồng, hai người trông thật đẹp đôi, hạnh phúc. Vợ chồng anh dựng căn nhà lá hai gian xinh xinh và ấm cúng, trên mảnh đất cũng xinh xinh bên bờ hồ nọong cụt, ngay sau nhà tôi. Cháu gái đầu lòng đặt tên là Quế Anh, sinh trên đất Quế.
Anh em chúng tôi là những người đầu tiên có ý định thuê thợ cưa gỗ làm nhà. Tôi làm nhà tại QP, còn anh thì chở gỗ về quê. Năm 1973 anh được về Nam đàn I, anh chị làm được nhà riêng bên bờ sông đào. Hồi chưa nghỉ hưu thỉnh thoảng tôi có ghé thăm anh chị. Rồi anh lên hiệu phó, rồi hiệu trưởng Nam đàn I, còn tôi thì lặn một hơi dài. Giờ  anh chị cũng đã nghỉ hưu rồi, hai cháu đều trưởng thành cả.

         *****
Bổ sung (2017):   Mùa đông 2013 cha con tôi theo đường 15 đi dần vào Quảng bình, tiện đường ghé qua Nam đàn thăm anh. Nhà anh vẫn chỗ ấy bên bờ đê sông đào. Cổng chỉ khép hờ. Cha con tôi đẩy cổng vào. Vắng lặng. Gọi mãi không ai lên tiếng. Lâu sau, chị Sửu ra, nước mắt lưng tròng: 
- Anh Tình không còn nữa... Anh đi đã gần trăm ngày...
Thắp nén nhang cho anh mà tôi không thể tin anh đi sớm thế. Nhìn anh vẫn như ngày nào, tóc bồng bềnh, mắt cười rất tươi và rất nghệ.


Thầy Trần Ngọc Thanh

Bốn anh em chúng tôi ( Tuyền, Thanh, Năm, Luân) nghỉ hưu cùng một đợt, cùng chưa đủ tuổi hưu, đến giờ đã là hai mươi năm rồi, và một nửa đã về trời. Có thể vì thế mà tôi nhớ anh hơn.
Anh hơn tôi vài ba tuổi, có lẽ thế, vì thấy anh vừa ra trường, vừa lên QP đã tuyên bố có vợ con rồi. Tưởng là đùa, hóa ra thật vì vợ con anh còn lên QP trước cả anh, và tôi đã biết chị ấy vì chị là nhân viên bán hàng ở cửa hàng thương nghiệp huyện, mà cả huyện chỉ có mỗi một cửa hàng ấy, với vài cô bán hàng, và ai cũng phải ghé qua đấy để mua một thứ gì, mỗi ngày hoặc mỗi tuần.
Lớp đầu tiên anh chủ nhiệm chính là khóa 5 của trường( 1971-1974). Đây là lớp có nhiều thành tích học tập và đóng góp nhiều công sức lao động xây dựng trường ngày đó. Học sinh lớp này nhiều trò đi sư phạm, đi bộ đội và  nhiều trò đã trưởng thành. Thầy Lô Văn Ngọ hiệu trưởng là một trong những học sinh lớp ấy.
Anh Thanh năng nổ và quan tâm tới mọi người vì thế trong nhiều năm liền anh được tín nhiệm giữ chức thư ký công đoàn. Nhà anh lại ở trung tâm của huyện nên có nhiều thông tin, mà anh em chúng tôi ngày đó thì thiếu đủ thứ, nhất là thiếu thông tin. Có hôm anh nói nhỏ với tôi: Mình vừa ký sec chuyển 3oo cho… Ngày đó 300 đồng to lắm. Tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy anh biết nhiều điều và quan trọng thật.
Anh say sưa công việc, ham đọc sách, cũng rất giỏi làm vườn. Ngày ấy ở QP chưa mấy ai có thói quen làm vườn, vì hầu hết đều dựa vào thiên nhiên kiểu hái lượm, cho nên anh là một trong số ít những người làm vườn khi đó. Thực ra thì quê anh là đất trồng rau và thuốc lào có tiếng. Anh sẵn hiểu biết nên làm vườn rất hiệu quả, trồng được cả bắp cải su hào là những thứ dân Quế phong chưa bao giờ nhìn thấy.
Anh bị đau dạ dày, đã mổ, sức khỏe phục hồi. Anh được vào đảng, có uy tín chuyên môn. Chỉ tiếc một điều, không biết từ khi nào mà anh đâm ra nghiện rượu. Nhiều hôm ghé qua thấy anh ngồi dưới nền nhà, say quá, đứng lên không vững. Anh vẫn có đủ mọi chuyện mới mẻ để nói với bạn bè và luôn có đủ rượu để cùng nhâm nhi, nhưng uống một tí ti thôi cho anh đỡ buồn chứ không nỡ để anh say tiếp.
Có hôm, ba mươi tết rồi, con trai anh còn chạy xuống hớt hãi gọi: -Thầy ơi, lên cứu cậu cháu… - Ừ, không có gì, biết rồi không có gì đâu, Thanh ơi, rồi cũng qua, phải không, ngủ đi, tết rồi, tí nữa là giao thừa… Mình về nhé, mai mình lên…
Thế đấy… Rồi chúng tôi cùng nghỉ hưu. Lần về vừa rồi tôi lên thắp hương cho anh ở trên đồi… Thảnh thơi siêu thoát, nghe Thanh!





Thầy Nguyễn Văn Thành

Hôm có được số máy của thầy Tường, điện về mới hay thầy Tường ở gần chợ Vinh, gần nhà thầy Thành, và thầy Tường cho hay: thầy Thành đã đi rồi.
Anh dạy ở Nam đàn, rồi được điều lên QP hồi 72, năm các thầy đi bộ đội quá nhiều. Anh mồ côi, lại là con một nữa, cô đơn trên đời, nhưng ngày ấy thiếu giáo viên, người ta vẫn điều anh lên vùng cao. Anh dạy văn, có hứng nhất là bình giảng về thơ. Và anh cũng là người để hồn ”mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Lắm khi anh cứ đọc đi đọc lại hoài câu thơ Nguyễn Bính: “Nắng mưa là bệnh của trời …”
Anh ham thể thao và là người có ý thức rèn luyện sức khỏe. Anh tập chạy buổi sáng, xà kép, nhảy cao buổi chiều, cả đá bóng nữa. Anh nhảy cao khá lắm, chỉ mỗi kiểu cắt kéo thôi, thế mà qua sào mét rưỡi, dù anh người chỉ tầm tầm. Là dân thành phố, lớn lên ở Vinh nhưng anh vẫn cố gắng tham gia lao động cùng anh em và học sinh, mặc dù những năm ấy “vác gỗ Na cày mòn vai” chứ chẳng phải nhẹ nhàng gì.
Sau hai năm QP, anh được trở về Vinh, dạy ở Huỳnh Thúc Kháng. Vừa hay tin anh mới nghỉ hưu hồi nào, thế mà nay đã về với trăng sao...



Thầy Ngô Hữu Chánh
Tôi chú ý tới anh không chỉ vì anh là đồng hương Thừa thiên Huế mà vì anh dễ mến và ở anh có rất nhiều điều để nhớ.
Anh là người ham thể thao. Điều đó không đồng nhất với việc anh là giáo viên thể dục, mà phải là một ý thức tự thân, một tình cảm tự tâm mới có được. Anh luôn động viên mọi người tham gia các môn thể thao từ các loại bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn cho tới xà đơn xà kép, nhảy cao, nhảy dài. Chiều nào trên sân cũng có người chơi bóng, hố cát nhày cao nhảy dài luôn có người luyện tập. Và nữa, chiều chủ nhật nào đội bóng của trường cũng giao hữu với một đội nào đó trong huyện.
Anh không phải là người có năng khiếu vận động, nhưng có kỹ năng bắn súng. Anh thận trọng, kỹ lưỡng, bình tĩnh, thực hiện đúng yếu lĩnh. Và thế là: Đoàng! Trúng đích- con mồi bị hạ gục. Anh bắn được nhiều chim thú, với những chuyến đi săn suốt sáng. Đặc biệt nhất, anh đã bắn được con hổ ngay giữa sân trường vào mùa đông năm 1972 - (Tôi sẽ trở lại chuyện này vào một dịp khác).
      Anh chơi thể thao nhưng thích để tóc rẽ ngôi, chải mượt. Trước khi búng một quả bóng anh lại vuốt tóc, sau một cú đánh đầu anh lại vuốt tóc. Điều đó làm cho tốc độ đi bóng chậm lại, lỡ mất một nhịp. Chúng tôi phàn nàn nhưng anh vẫn thế
Anh có tài nấu nướng. Với một con chim cu cùng mấy củ sắn, anh nấu thành một nồi cháo thơm lừng ngọt lịm để đãi mọi người. Anh khỏe, ăn ngủ ngon lành, không có chi phải vội vàng, không cần chi chọn lựa. Rồi anh đón vợ con từ Diễn châu lên. Anh dựng một nếp nhà tranh tre nho nhỏ, mặt đường 48, bên hồ bản Dốn.
Một chiều mùa xuân, tôi nhớ chính xác vì đó là chiều 26 tháng 3 năm 1975, ngày thành lập đoàn, nhưng quan trọng hơn, là ngày giải phóng Huế. Thầy trò chúng tôi đang lao động rào vườn trường thì nghe được tin này, mừng quá. Anh Chánh lẳng lặng vót một que nứa thành ra một con dao nhỏ. Anh đưa ra, nói với tôi:
 - Anh Luân này, trong mình ăn bánh bèo bằng con dao như ri. Tôi nghe và nhìn vào mắt anh thấy nôn nao, ngậm ngùi chi lạ.
Đêm ấy chắc là khó ngủ, anh rủ một người hàng xóm làm ở lâm trường, cùng đi vào sâu trong bản Khối ném mìn.  Gần hai giờ sáng người đó chạy về hớt hải: - Thầy ơi, vào cứu thầy Chánh, mau!
Tôi cùng với mấy trò theo người đó chạy gần mười cây số vào tới nơi thì thấy anh đang nằm trên tảng đá bên bờ sông nậm Giai. Bên anh có một người công nhân lâm trường đội bản Khối, và ngọn đèn dầu. Anh vẫn còn tỉnh. Mìn nổ làm anh bị mất hẳn bàn tay phải, thịt và gân ở cổ tay bị xé nát tươm. Tay anh đã được ga rô, may quá. Chúng tôi đưa anh về viện. Nhờ có thể lực tốt, anh đã nhanh chóng hồi phục...
Sau năm 1975 anh trở về Huế. Chúng tôi không có cơ may được gặp lại nhau. Cầu chúc cho anh chị và các cháu mọi sự an lành.