Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

LỐI CỎ NON TƠ

lối cỏ non tơ chân trần dẫm nhẹ
sương đẫm bàn chân dấu nhòe lối bé
gió bấc cắt da thương bàn chân nhỏ
may còn ngọn cỏ nương bàn chân con

lối cỏ non tơ đi về vạn nẻo
xanh rợn chân trời bình yên lặng lẽ
mỗi lúc chồn chân con nằm lên cỏ
đất mẹ vỗ về nhẹ nhàng nâng đỡ 

một sớm mùa đông con rời quê mẹ
lối nhỏ mờ dần gập ghềnh đá sỏi
rồi con đi mãi vào cõi mung lung
bạc đầu về lại đường xưa ngập ngừng

đâu rồi lối nhỏ ngọn cỏ non tơ
đâu rồi dấu cũ đâu rồi tuổi thơ 
bước chân lỡ nhịp bê tông dặm dài
giật mình như thể lạc về quê ai
9/6/2012

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Cùng bạn tập dưỡng sinh P3: Thư giãn tối đa

     Thể dục, nặng hơn là thể thao, phần lớn chú trọng vào việc rèn luyện gân xương cơ bắp và vận động. Cũng có những môn thiên về khéo léo, trí tuệ nhưng không nhiều. Ngoài ra còn có những hình thức tập luyện cốt để tiêu hao năng lượng, thiêu đốt mỡ thừa, tạo vóc dáng nhẹ nhàng thon chắc.
     Bài tập dưỡng sinh đối với người cao tuổi này có phương thức và mục đích không giống như vậy. Thư giãn tối đa với hầu hết các nhóm cơ trong cơ thể khi tập dưỡng sinh là một trong những sự khác biệt đó. Điều này nhằm:
    1. Tiết kiệm tối đa năng lượng tiêu hao, từ đó mà giản thiểu việc thu nạp năng lượng qua thức ăn nước uống hàng ngày, cũng là để cho nội tạng, đặc biệt là hệ tiêu hóa tránh được sự vận hành quá mức.
   2. Duỗi mền cơ bắp để gân cốt dẻo hơn, đàn hồi mềm mại hơn và có thể vận động với biên độ quay tối đa của các khớp.
   3. Làm quen với những tư thế vận động khác nhau một cách nhẹ nhàng và tránh được các sang chấn vận động rất dễ mắc phải đối với người cao tuổi, đặc biệt là các tư thế éo le ít gặp trong hoạt động thông thường.
    4. Thư giãn tối đa về cơ bắp cũng là cách để kéo theo sự thư giãn thần kinh, để cho đầu óc được thảnh thơi, nhẹ nhàng và ...trống rỗng.
    5. Cũng là để cho các mạch máu ít bị chèn ép nhất do đó khí huyết được lưu thông tốt nhất. 
   6. Và là để cho hơi thở được điều hòa một cách tự nhiên.
   Trong bài tập dưỡng sinh này các tư thế chủ yếu được chọn lựa từ yoga sao cho phù hợp với người cao tuổi xung quanh các tư thế chủ đạo là nằm, ngồi bán già, ngồi trên gót chân (ngồi kiểu Nhật) và đứng thẳng. Với những tư thế "nằm như cây cung, ngồi như cây chuông, đứng như cây tùng cây bách", sẽ giúp ta tránh được sự căng cơ và căng thẳng thần kinh do phải giữ thăng bằng. Và như vậy chúng ta cũng dễ thư giãn tối đa hơn.
     Thông thường chúng ta ít chú ý đến sự thư giãn, vì thế mà có những nhóm cơ nào đó luôn căng cứng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đấy là các nhóm cơ ở cổ, vai, gáy, lưng, bàn tay và mặt. Có thể là do lao động quá mức, do căng thẳng thần kinh, do tư thế không vững, hoặc do hiếu động không ngừng. Sự căng cứng này thường kéo theo sự hao tổn thể chất và tinh thần, lâu dần làm cho ta mệt mỏi, chán nản, làm suy giảm sinh lực và tình yêu cuộc sống.
    Nhưng để thư giãn được thì phải tập. Tiến bộ nhanh hay chậm tùy thuộc ở mỗi người, ở cái sự có để tâm tới hay không. Nhắc lại là chỉ cần để tâm chứ không phải là để ý. Không cần phải cân nhắc biện giải, không cần phải suy diễn lập luận, càng không cần viện dẫn học thuyết này kia. Chỉ cần trống rỗng và thư giãn là được.

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

ĐÁNH ĐỔI

Biết bao máu xương để đổi lấy ruộng cày
và tự do độc lập?
Cũng biết bao máu xương để đổi lấy niềm hy vọng ấm no hạnh phúc?
cho đến hôm nay 
có thể là chưa tính hết!

Nhưng để đổi những bờ xôi ruộng mật thành vàng thành đô la
ngồi xa lông máy lạnh, chúng nó rung đùi dễ dàng nhẩm được.

Những người nông dân một nắng hai sương
không tính toán thiệt hơn
nhưng mà họ biết chắc 
là mình đang mất
ít nhất là việc làm
và miếng cơm manh áo
biết sẽ không còn làng
mồ mả ông cha cũng đang bị xới tung lên hết
và còn đâu khúc hát
còn đâu bến nước sân đình...

Khi người nông dân mất luôn chính mình
nhưng không biết sẽ thành gì sau đó
thì cuộc đánh đổi này đau quá
mà ngậm trái bồ hòn 
cay đắng biết bao nhiêu...