Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

NỬA THẾ KỶ NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT -P3

 3. Câu hò điệu ví không còn
   Ngày nhỏ, lúc ấy mới giải phóng Điện biên, ở quê tôi có điệu hò lơ. Điệu hò này nghe nói là theo đoàn dân công hỏa tuyến mà về tới làng. Câu hò dựa trên một khổ thơ lục bát, với cái kết: hò lơ hát lơ lắng tai nghe tiếng ai hò lờ. Điệu hò này còn tồn tại cho tới ngày HTX, thanh niên làm thủy lợi vẫn hò. Anh thì đào đất đắp bờ - hát lơ hò lờ, em thì quảy thúng - hát lơ hò lờ - đứng chờ chi ai - hò lơ hát lơ lắng tai nghe tiếng ai hò lờ...Thế rồi tự dưng điệu hò lơ mất hẳn, không rõ là vào hồi nào nữa.
     Quê tôi có món hát ghẹo của các bà các chị mỗi khi cấy hái ngoài đồng. Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy thả bò trên núi, vẳng nghe các bà các chị hát với nhau đằm thắm mùi mẫm lắm. Tôi thì muốn xuống đồng để nghe cho rõ nhưng sợ chúng bạn cười cái sự đến gần đàn bà con gái, nên đành thôi. Tiếc thế, cho đến giờ tôi vẫn không rõ lời các bà các chị đã hát những gì.
    Lớn lên chút nữa thì tôi về thị xã để học. Ngày ấy phải đi đò. Người ở đằng lái vừa nhẹ nhàng chèo vừa cất tiếng hò, ấy là điệu hò đò dọc. Hai người chống đằng mũi cùng hai người chống trên be thuyền cất tiếng hò theo. Tiếng hò mênh mang trong đêm trên sông đưa tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay nữa.
     Mấy năm sau trở về thì không còn được nghe hát ghẹo, cũng không còn tiếng hò đò dọc. Thỉnh thoảng có nghe đâu đó đôi làn ví dặm, trong các cuộc vui, trong các lễ cưới, nhưng dần dà rồi cũng lắng đi. Rồi chiến tranh phá hoại miền bắc, những đoàn quân rầm rập vào nam, những đoàn thanh niên xung phong lần lượt lên đường. Quê tôi lại có thêm điệu hò xứ Thanh theo đoàn thuyền nan vận tải dọc kênh nhà Lê truyền vào xứ Nghệ. Điệu hò đối đáp này còn mãi cho tới sau mùa xuân 75, các cô thanh niên xung phong trở về còn hò đối đáp với nhau trên đồi cà phê nông trường hay trên rừng quế lâm trường ở những vùng cao...
     Nghe kể ngày xưa, chưa lâu, xứ Nghệ còn có hát phường vải, có cả hát ả đào. Chẳng hiểu vì sao bỗng nhiên biến mất.
Rồi điệu hò xứ Thanh hồi chiến tranh ấy cũng mất dần. Lại rộ lên những điệu cải lương từ miền nam ra theo đoàn Trần Hữu Trang. Rồi cải lương cũng ngưng. Thế vào đó là xẩm ở bến xe, ga tàu, ở chỗ đông người, ở chợ. Không ít xẩm kèm ăn xin khốn khổ. Rồi xẩm cũng không còn... 
     Và thế là trong cuộc sống hằng ngày, trong lao động sản xuất, không ở đâu còn có câu ví dặm,  không còn hát ghẹo, không còn hò lơ, không có hò đối đáp. Đâu đó có câu lạc bộ ca trù, có ca Huế trên thuyền rồng sông Hương, có ví dặm vào lúc trà dư tửu hậu, nhưng đấy là khoảng hẹp, là chút lưu luyến, cũng có khi là chút kinh tế thị trường mà người ta chú tâm khai thác, còn thì không có còn trong dân gian, trong dân ca nữa. 
   Nhiều khi có dịp về quê nội xứ Huế hay quê ngoại xứ Nghệ,  trên chặng tàu xe dằng dặc, loanh quanh giữa non xanh nước biếc, tôi lại mong được nghe êm êm, nhẹ nhẹ, nho nhỏ thôi, một khúc dân ca, một điệu hò của chính quê mình như thuở xưa nằm trên đò dọc, mênh mang sông nước... Đơn giản, chỉ đơn giản vậy thôi mà suốt bao năm rồi đâu có được.  Ngược lại, càng sống càng đi càng nhận ra những điều đã mất, những điều đang mất. Chưa hết một đời mà đã thấy mất dần biết bao nhiêu điều, mất đi nhiều lắm lắm những gì tồn tại tự ngàn xưa, những vốn quý của đất trời, của ông cha để lại, thì sao mà không buồn, không đau cho đặng. Nên càng đi, lại càng buồn, buồn mà vẫn muốn đi vì vẫn hy vọng mỗi chuyến đi là một cuộc trở về theo cả không gian và cả thời gian, về với những gì đã
mất.

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

NỬA THẾ KỶ NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT- P2

2. Đình chùa bị phá.
   Làng tôi có đám ruộng Cửa Đình rất tốt rộng chừng ba bốn mẫu nhưng khi tôi lớn lên thì không thấy có đình. Đầu làng có hai cây đa cổ thụ to cao chót vót và có một gốc gối tỏa bóng xum xuê và cũng to cao không kém. Ba cây chụm lại tạo thế chân vạc, che mát cả một vùng bến bại. Tiếp đến là một triền cây cối rậm rịt dày đặc, mọc lên theo bờ sông, trong đó nhiều nhất là thị rừng, sung, mưng, có cả cây gôm và vô vàn cây bụi, chỗ này cũng được gọi là đình nhưng chẳng thấy đình.
    Làng chỉ còn cái điếm. Điếm là nơi hội họp của làng. Nơi đó có treo cái mõ bằng gỗ mít rất to, thêm một cái vồ cũng bằng gỗ mít, để đánh vào cho bật lên thành tiếng côông côông. Lũ nhỏ chúng tôi được học vỡ lòng ở cái điếm ấy. Thế rồi đến ngày HTX cái điếm cũng không còn.
    Năm 60-61, tôi học lớp 5, lần đầu tiên tôi thấy người ta phá đình. Đó là đình làng Đại định. Ngày đầu người ta đập đổ mấy trụ cổng tam quan. Trụ đổ xuống rồi có người nhận ra trên đầu trụ có gắn mấy cái đĩa sứ rất đẹp. Người đó loay hoay cạy mấy cái đĩa đó ra nhưng mà không được. Cạy tới đâu vỡ tới đấy. Có người nói xen vào: gắn vôi mật rồi đừng hòng cạy. Những ngày sau thì giỡ đình nhưng tôi không chứng kiến vì còn đi học. Mấy ngày nữa trở lại thì chỉ có cái nền.
    Làng tôi không có chùa, chỉ có cái đền con con ở bên bờ vực. Cái đền ấy không nghe nói có ai phá, nhưng rồi nó cũng biến mất. Mãi sau này mới có người từ xa về bỏ công đức xây trở lại. Tiếc là dòng sông đã cạn, thành ra cái vực thuở nào giờ chỉ còn là vũng nước con con.
       Cũng những ngày còn nhỏ tôi đã được dự hội làng Quỳnh phương. Người ta rước kiệu, rồi voi, rồi ngựa đi từ đền ra và diễu quanh làng. Người ta tung tiền đồng và cả những dải lụa cho thanh thiếu niên tranh nhau,vui không tưởng được. Nhưng mà thiêng nhất là lễ trong đền. Đền Cờn Quỳnh phương được xếp đầu bảng những chốn linh thiêng và có tầm kiến trúc đặc sắc nhất xứ Nghệ.  Thế rồi trong cái thời “ Thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn” người ta phá tan đền Cờn.  Năm 1969 tôi lên Quế phong dạy học, thì ở đây người ta cũng vừa phá giỡ xong chùa Chín gian ở bản Kim khê. Năm ngoái theo chú em về Anh sơn, đi qua gốc gạo già, chú bảo: Đình làng em ngày xưa ở đây. Hồi di dân lên núi người ta giỡ đình làm kho HT, giờ thì không còn dấu vết. Cách nay hơn hai tháng tôi trở về Quỳnh lập, hỏi thăm đền, nơi xưa tôi học lớp 1 ở gian tiền tế, mới hay đền đã mất. Hỏi thăm thêm đình Quỳnh lộc, nơi tôi học lớ 2, lớp 3, thì đình cũng không còn. Không biết có bao nhiêu những đền những đình những chùa bị phá như thế, nhưng người ở vùng nào cũng kể làng tôi có đình có chùa có đền mà nay không còn nữa. Thì đây, ngay giữa Hà nội,cách đây chưa lâu, hội trường Ba đình lịch sử cũng bị phá. Và đây nữa, ở Hà tây mà nay là Hà nội, chùa trăm gian, di tích ngàn năm tuổi đang ngang nhiên bị phá giỡ giữa thanh thiên bạch nhật, giữa những ngày chúng ta đang chỉnh đốn này.
   Cũng phải nói thêm là mấy năm lại nay đã có những đền chùa được dựng lại, được cất mới to đẹp hơn, nhưng dường như sự linh thiêng thì đã vợi đi nhiều.

Vừa khi lại nghe có dự án bỏ ra hàng chục ngàn tỷ để xây dựng bảo tàng. Cái muôn năm cũ, cái tinh hoa đã thuộc về lịch sử cứ bị phá dần đi thì không biết rồi người ta sẽ bảo tàng và bảo tồn những cái gì đây?
   

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Trường THPTDT nội trú Quế phong nhìn từ vũ trụ

Ảnh của Google maps

Phóng to hơn

Và đây là hình ảnh thung lũng Châu tiến- Kim sơn: Như một mâm xôi giữa đất trời, rất hiếm gặp, dành riêng cho người trụ lại vùng cao.

.

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Thu sang- đọc thơ MÙA THU

Mùa xuân và mùa thu

Em như mùa xuân tươi xanh
Và anh - mùa thu vàng đang tới
Mùa thu có thể nào chờ đợi
Mùa xuân chẳng thể đi mau

Mùa xuân - mùa thu có bao giờ gặp nhau
Như anh và em cứ xa mãi mãi
Dẫu em đi tới
Anh chẳng dừng chân

Em như mùa xuân xanh tươi
Mùa xuân tuổi trẻ
Em như chồi non mới hé
Trái tim bồi hồi ấp ủ tình yêu

Còn anh -mùa thu -trời đã ngả sang chiều
Những bông cúc vẫn vàng màu nắng
Em cứ ngỡ hồn anh yên lặng
Khi đã qua rồi -tuổi trẻ, tình yêu

Mùa thu ơi em yêu biết bao nhiêu
Thế giới dịu êm bầu trời cao rộng
Dẫu lá vàng rơi vẫn tràn sức sống
Yên tĩnh lòng em những tháng năm buồn

Dòng thời gian sao đã vội tuôn
Để mùa xuân của anh em chẳng bao giờ gặp
Mùa xuân của anh chắc kì diệu lắm
Suốt cuộc đời em vẫn ước mơ...

Giờ đây -mùa thu, lòng em ngẩn ngơ
Sao thời gian không đợi
Mùa xuân -mùa thu cứ xa vời vợi
Như anh và em không thể gặp nhau

Ôi ước gì em có phép màu
Làm những chiếc lá vàng xanh lại
Để giữ hồn anh như mùa xuân tươi mãi
Tháng năm trôi vẫn chẳng hề phai

Nếu không được em xin làm lá úa
Để gặp anh trong khoảnh khắc mùa thu
Vẫn biết đời sẽ ngắn ngủi mịt mù
Dẫu tàn lụi vẫn thấy mình hạnh phúc

Nhưng em vẫn là mùa xuân tươi xanh
Còn anh -mùa thu vàng đang tới
Em biết mùa thu không thể nào chờ đợi
Cũng như mùa xuân không thể trôi mau

Mùa xuân -mùa thu có bao giờ gặp nhau
Như anh và em cứ xa mãi mãi
Có phải chẳng bao giờ gặp lại
Để em mang hoài nỗi nhớ mùa thu
                   21-3-      M.T.

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Gió lạnh về ra đồng tìm hoa dại

      Trở gió heo may, cái lạnh đầu mùa. Tôi ra đồng tìm xem có hoa dại nào nở độ thu sang?

Cánh đồng màu mỡ này bị giải tỏa và bỏ hoang có đến 5 năm.

Còn nơi này xưa là hồ thả cá, nay cũng lấp đi rồi.

Tôi tìm trong đó và thấy có bao nhiêu là hoa dại


Thì ra, nói như Tago, dẫu bờ xôi ruộng mật có bị bỏ hoang - với riêng tôi - "cũng chưa phải đã mất đi tất cả". Nhưng mà với bà con nông dân, với cộng đồng thì đau xót lắm, và tôi cũng không thể không đau nỗi đau chung ấy.

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

NỬA THẾ KỶ NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT. P1

     Tháng 8-2011 tôi có viết bài: Nửa thế kỷ đồng tiền mất giá. Tính ra cho tới thời điểm đó đồng tiền VN đã mất giá đến 100.000 (một trăm ngàn) lần. Tưởng chỉ viết có vậy rồi thôi. Nào ngờ, sau chuyến đi dọc chiều dài đất nước, nhận ra không mấy khi gặp được một cánh chim trời, lại phải  viết tiếp bài: Đất lành sao chim không đậu. Và nay với tin  mới đây chùa trăm gian ở Hà tây bị phá, tôi lại bị trăn trở về đề tài cũ: Nửa thế kỷ những gì đã mất. Bởi vậy tôi sẽ lần ngược thời gian, trở lại những ngày đầu tiên khi tôi ghi nhận được thế giới quanh mình và thấy những gì đang mất. Ngày ấy cách nay hơn nửa thế kỷ. Ấy là:
  1. Những cuốn sách bị đốt.
    Ngày ấy tôi mới năm tuổi, nhưng tôi đã có trí nhớ từ trước đó nữa. Nhưng nhớ về cái đã mất thì phải là năm ấy. Năm CCRĐ. Những chuyện đấu tố thì tôi không hiểu gì mấy, chỉ thấy người này nhui nhui ngón tay vào mặt người kia và nói những gì gay gắt lắm. Nhưng rồi chuyện có người bị bắn thì tôi chứng kiến, cả chuyện đốt sách cũng vậy.
     Sách được lấy ra từ nhà ai thì tôi không biết, nhưng tôi thấy người ta vun sách lại thành một đống rất to ở sân nhà bà Xoán. Phần lớn là sách chữ nho, có bìa đen. Những quyển sách rất mềm, trang giấy mỏng nhưng rất dai. Rồi người ta châm lửa đốt. Những quyển sách mới đầu rất khó cháy, chỉ có khói lên nghi ngút. Dần dần thì lửa cũng bốc, thành đám cháy ngùn ngụt. Ngày ấy tôi chưa hiểu gì mà đã thấy xót xa.
  Sau này thì tôi biết số sách ấy phần nhiều là của hai anh em ông ngoại tôi. Ông ngoại đỗ giải nguyên nhưng không ra làm quan. Ông chỉ đọc sách, chữa bệnh. Ông bị Pháp bắt giam rồi chết trong tù từ những năm 30. Còn em ông ngoại thì đỗ đạt rồi có ra làm quan, bị bắn chết năm 45. Mãi sau này ông ngoại được công nhận là liệt sĩ, còn em của ông được công nhận là chí sĩ yêu nước. Đau thế. Muộn rồi. Dù có an ủi muộn còn hơn không thì vẫn tiếc, vẫn đau, mà tiếc nhất là sách của hai ông đã bị đốt hết rồi, không có cách gì phục hồi lại được.
   Sau này lớn lên tôi không thấy một cuộc đốt sách nào nữa, nhưng mà lại biết còn có nhiều cuốn sách mình không được học, không được đọc, không có mà đọc. Mãi sau nữa khi đã về già mới có thể tìm đọc được một số ít trong đó có những cuốn sách rất hay, rất bổ ích.  Ngược lại cũng có nhiều thứ phải học rất mất thời gian và công sức nhưng lại chẳng có lợi ích gì. Không những chỉ có sách mà rồi dần dà tôi còn thấy những điều mất mát khác.

Còn nữa

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

RCYT: 63. MÙA THU TỚI

Tiết đại thử đã qua rồi. Thế là tôi cứ xốn xang chờ thu tới. Như thể ngày xưa, cuối buổi chợ chiều tôi ngóng đợi mẹ về.
   Mẹ đi thật nhẹ, cái gánh mẹ quảy trên vai cũng nhẹ. Tôi chẳng thấy gì, chẳng nghe thấy gì. Cứ đợi. Rồi mẹ hiện ra sau khúc ngoặt con đường. Tôi nhào về phía mẹ. Mẹ dành cho tôi tất cả tình thương. Tôi sung sướng chìm trong tình thương của mẹ. Trên tay tôi một chiếc bánh đa tròn...
   Mùa thu tới, cũng nhẹ êm như thế. Tôi cứ chờ mà không dễ nhận ra. Rồi một đêm tôi làm việc tới khuya, bốn bề vắng lặng, tôi quên không để ý nhưng chắc là mát mẻ. Trước lúc đi ngủ, tôi ra sân, không khí mát dịu lạ lùng. Tôi cảm như có chất ngọt mát của thạch rau câu, của đường phèn hay của mạch nha chi đó. Cái ngọt mát dịu êm của đêm vùng cao, vẫn thường có vậy. Nhưng đêm nay có cái gì khác hơn, thấm đậm hơn, như uống một ngụm đầy, như bơi ngợp.
   Nền trời thì đen mờ, không trăng, không một ánh sao, như là đang vần vụ một cơn giông. Nhưng không phải vậy. Cơn giông thì nồng đặc hơi ẩm oi rít chứ không thể dịu mát ngọt ngào như thế. Tôi có thể hít thở tràn đầy như uống và có thể xoa lên mặt, lên cánh tay như tắm. Trước khi vào nhà tôi bật đèn pin để kiểm tra một lượt quanh vườn thì...
   Ôi! Mù giăng trắng xóa và dày đặc cả nền trời. Các giọt nước li ti li ti đang vui múa trong dòng ánh sáng. Còn tôi thì đã thầm thốt lên: Ôi, mùa thu! Mùa thu đã đến!
   Bây giờ thì tôi hiểu rằng mình đang sống giữa mùa thu. Chính xác hơn là đang thấm đẫm hòa tan ngập tràn trong mùa thu. Mùa thu như ôm tôi trọn gọn trong lòng. Tôi sống trong mùa thu như trong tình thương của mẹ.
   Ngày xưa đợi mẹ về tôi cứ mường tượng mẹ đang qua cầu lắt lẻo tre vịn, mẹ đang đi dọc bờ mương, mẹ đã về tới đầu truông, rồi mẹ đến khúc ngoặt sau hàng cây xương rồng cuối trại...
   Giờ thì thu tới trọn vẹn rồi tôi mới hình dung ra: Có lẽ mùa thu đã tới từ cơn mưa không kèm tiếng sấm hôm nào, có lẽ từ một buổi chiều tôi cảm thấy hanh hanh, từ cái hôm bắt gặp con cu xanh đi ăn lẻ một mình, hay là từ buổi nhìn thấy chú vàng anh đổi màu lông trở sang vàng xám... Có lẽ lắm, thu đã đến từ ngày ấy. Thế mà tôi không nhận ra. Cũng có thể vì còn những ngày nóng rát, những cơn giông bất chợt, những trận bão đang vào mà tôi không nhận biết thu sang.
   Nhưng hôm nay thì thu đến thật rồi. Mẹ tôi đi chợ đã về. Trên tay tôi chiếc bánh đa tròn. Còn các em thơ và cả con tôi, ít hôm nữa sẽ đón trăng rằm.

1984

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

HƯ VÔ

Rất đỗi hư vô mà tạo được niềm tin
Thiên chúa dựa vào khán thờ của họ
Dựa vào những giáo đường được xây cất đàng hoàng rực rỡ
Mà thâm nghiêm tới mức linh thiêng

Chúng tôi mong trò có một đức tin 
Vào cuộc sống và tương lai nhân loại
Nhưng ngôi trường của chúng tôi thì thật quá sơ sài trống trải
Gặp ngọn gió lùa bài giảng hóa hư vô.


Nhân ngày khai trường.

Hình ảnh minh họa


     Ngày xưa tôi cũng đã từng dạy học ở những trường lớp đơn sơ dột nát như vầy. Hơn bốn mươi năm rồi giờ vẫn thấy những lớp học như thế hãy còn đây.