Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

RCYT: 66. ĐÀN ÉN BAY VỀ

Chiều nay, ngày đầu bạch lộ, trời xanh biêng biếc, nhiệt độ đang hạ nhanh theo bóng xế. Đàn én bay từ đâu về nhiều lắm. Chúng chao liệng trên mặt hồ lăn tăn sóng. Chúng vụt nhào xuống, dấp lồng ngực nở căng vào mặt sóng, rồi lại vụt nảy lên như viên đá mỏng trẻ ném thia lia. Ánh nắng chiều làm cho các tia nước tóe ra dưới ngực én rực sáng. Hết con này đến con khác nhào xuống mặt hồ làm thành một vũ hội tưng bừng. Đàn én đang trong niềm say hoàng hôn mùa thu. Chúng vòng lượn chao liệng không ngừng, vừa mạnh mẽ lao vút vừa nhẹ nhàng bay bổng.
   Tất cả niềm vui say ấy cùng vụt đến trong tôi. Tôi say mùa thu và đàn én. So với én tôi hạnh phúc gấp hai. Vì én chỉ có mùa thu, còn tôi có cả mùa thu và đàn én.
     Soi mình trong trời nước mùa thu, như soi mình trong long lanh mắt trò mỗi khi tôi giảng cho trò hiểu một bài toán, tôi biết mình tồn tại, hơn thế còn biết mình đang được vui sống nữa. Như hôm nay, bên hồ, mùa thu, đàn én bay về.

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Những tấm hình còn giữ được về trường cấp III Quế phong

Các thầy cô giáo năm học 1972-1973Kết quả hình ảnh cho voquangluan
                  Hàng trước từ trái sang: Thầy Lương văn An, cô Nguyễn Thị Tuyết và cháu Quế Anh, Thầy Lô Văn Thái, chị Lê Thị Can, cháu Lô Văn Thường (Cà Khệch), thầy Lô Văn Thuyên, cháu Lô Xuân Bích. Hàng sau: Thầy Trương Đình Vũ, thầy Ngô Hữu Chánh, thầy Võ Quang Luân, thầy Lê Huy Hạnh, thầy Hà Thanh Tình, thầy Hồ Sĩ Đặng và thầy Nguyễn Văn Thành. ( Thiếu thầy Trần Ngọc Thanh)


Kết quả hình ảnh cho voquangluan
Nghỉ giải lao giữa buổi lao động: hàng trước: thầy Võ Quang Luân, thầy Lô Văn Thuyên, thầy Võ Công Từ, thầy Lang Viết Sinh, thầy Trần Văn Tường; hàng sau: thầy Trần Ngọc Thanh, thầy Nguyễn Văn Hoài và thầy Lô Văn Múi.



Kết quả hình ảnh cho voquangluan
Trước kỳ thi tốt nghiệp năm 1981.
Hàng trước từ trái sang: Thầy Nguyễn Quốc Lân, bác Vi Văn Ninh (chủ tịch huyện), thầy Lữ Văn Hạnh, thầy Nguyễn Văn Hoài, thầy Lô Văn Múi. Hàng sau: Thầy Lê Nam Bình, thầy Đinh Văn Thị, thầy Nguyễn Văn Thanh, thầy Lê Quốc Việt, thầy Võ Quang Luân và cháu Minh Đức.



Kết quả hình ảnh cho voquangluan
Hàng trước: thầy Lô Văn Thuyên, anh Phan Văn Đính bí thư huyện đoàn; Hàng sau: thầy Võ Quang Luân, cô Trần Thị Mùi, thầy Trần Văn Tường, và thầy Nguyễn Bá Nam. Đại hội chi đoàn giáo viên năm 1976-1977


Kết quả hình ảnh cho voquangluan
Đội bóng đá vô địch huyện nhà năm 1985: Hàng ngồi: Luân, Khuê, Hải, Thi, Nhạc; Hàng đứng: Toàn, Mai, Lân, Trung, ..., ..., Thắng, Nguyên và Thuyên.


Và học sinh các lớpKết quả hình ảnh cho voquangluan
Khoa, Thành, Bình cùng chụp ảnh với thầy Luân và thầy Đài trước khi ra trường 1974. Nay Thành và Bình không còn nữa.






Hình ảnh có bản quyền của chủ nhân Blog!

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Xin tải về bài: Thêm tư liệu lịch sử về chủ quyền Hoàng sa- Trường sa

Chính trị - Xã hội
Cỡ chữ : A- A+
 

Xin tải về bài: "Lưỡi bò" trên hộ chiếu, cơ hội hiếm có của Việt nam!


“Lưỡi bò” trên hộ chiếu, cơ hội hiếm có của Việt Nam!

Mặc Lâm
Một nữ công an Trung Quốc ở Giang Tô cầm trên tay những hộ chiếu điện tử mới hôm 08-05-2012
Bản đồ hình lưỡi bò mà Trung Quốc cho in trên hộ chiếu phổ thông của họ đang làm cho nhiều nước nổi giận không riêng gì Việt Nam.
Thực chất của vấn đề này lợi hay hại đối với Việt Nam khi Hà Nội luôn theo đuổi chính sách kềm chế đối với Bắc Kinh?
Sáng ngày 22 tháng 11 cả hai nước Việt Nam và Philippines chừng như cùng lúc lên tiếng chính thức phản đổi Trung Quốc trước ý định in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu của họ. Ông Lương Thanh Nghị người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng việc làm này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.
TS Nguyễn Duy Chiến, trưởng ban biên giới chính phủ cho biết nhận định của ông trước sự kiện này:
“Quan điểm của tôi cũng giống với quan điểm phản đối của Bộ Ngoại giao. Rõ ràng như thế chứ không có gì phải nói thêm cả.”
Sự lo xa của Philippines
 Trong khi đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines ông Raul Hernandez khẳng định Manila không thể bỏ qua hành động này của Trung Quốc cũng như cho phép nước này tiếp tục lưu hành loại hộ chiếu in hình bản đồ xâm phạm chủ quyền của Philippines.
Chưa ngừng ở đó, sáng ngày 23 tháng 11 Đài Loan phát hiện tấm bản đồ này chồng lên hai địa danh nổi tiếng của họ là Nhật Nguyệt Đàm (Sun Moon Lake) và Thanh Thủy Đoạn Nhai (Cingshui Cliff). Tổng thống Mã Anh Cửu lập tức lên tiếng chống đối mạnh mẽ sự việc này. Cũng như Việt Nam và Philippines Đài Loan cho thấy không chịu đựng nỗi sự liều lĩnh đến độ trâng tráo của một nước mà chính họ có huyết thống.
Phản ứng của Philippines được xem là mạnh mẽ nhất khi ông Hernandez tuyên bố “Hộ chiếu sẽ được sử dụng bởi các công dân Trung Quốc và nếu Phi cho phép lưu hành chúng thì chẳng khác nào đã mặc nhiên công nhận chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở toàn bộ Biển Đông”.
Sự lo âu của Philippines có vẻ vượt quá xa hiện thực vì thông lệ ngoại giao quốc tế chưa bao giờ công nhận một tấm bản đồ in trên hộ chiếu lại xác nhận được chủ quyền của nước đó. Tấm bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc chưa được ai công nhận thì lại càng vô giá trị hơn. Trong mưu toan này người ta chỉ có thể chấp nhận hình ảnh tấm bản đồ ấy như một vật trang trí không hơn không kém.
Sẽ không thể có tiền lệ
 Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một nhà ngoại giao kỳ cựu cho biết giá trị của tấm bản đồ in trên hộ chiếu là hoàn toàn không có tính pháp lý vì chưa có nước nào làm và chấp nhận như Trung Quốc đang làm:
“Cái ý đồ của họ là làm mọi cách tuyên truyền ra thế giới để chứng minh các quần đảo ấy, các vùng biển ấy là của họ. Nó chỉ cốt chứng minh như thế thôi. Từ trước tới nay hộ chiếu của các nước đều không có ai in bản đồ của mình vào đó cả. Không biết thế nào mà Trung Quốc họ lại in cái bản đồ lưỡi bò vào đó? Nó chỉ có mục đích muốn truyền bá cái đó là của nó. Nhưng nó làm thế là đơn phương, vô lý.
Mặc dầu nó làm như thế thì làm nhưng không ích gì vì các nước người ta không ai thừa nhận cả.”
Hành động tự phát của Trung Quốc chỉ có thể giải thích từ những sự kiện mà nước này từng làm và từng thất bại. Những diễn tiến liên tục trong thời gian gần đây cho thấy mỗi ngày ý đồ bành trướng của Bắc Kinh thêm lộ liễu hơn. Trung Quốc thèm khát Biển Đông đến độ bất chấp những giá trị phổ quát nhất trên trường ngoại giao quốc tế. Ít nhất hai lần Bắc Kinh mang tiền bạc làm sức ép trên bàn hội nghị ASEAN đối với nước chủ nhà Campuchia. Buộc Phnom Penh hai lần gây mất uy tín của ASEAN khi không đồng thuận được về vấn đề Biển Đông.
Hành động này không những bị báo chí Tây phương bình luận mà còn tác dụng ngược khi gián tiếp làm nảy sinh cuộc gặp gỡ giữa Philippines, Việt Nam, Malaysia, và Brunei vào ngày 12 thág 12 sắp tới trong khuôn khổ bàn thảo và tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Đây là một nỗi chua chát đối với Trung Quốc khi rõ ràng sự vận động của Bắc Kinh đối với Campuchia là vô ích.
Bốn nước ASEAN đang tự tìm cho mình hướng đi bất chấp sự chòng chành của các thành viên còn lại. Hội nghị bốn nước sắp tới tại Manila nói lên sự thật rằng Trung Quốc đã sai lầm khi đem binh thư của thời Chiến quốc ra áp dụng vào thế kỷ của vệ tinh và hàng không mẫu hạm.
Việc cho in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu của người dân Trung Quốc là một canh bạc thấu cáy nguy hiểm. Sau những nỗ lực hù dọa, mua chuộc hay áp lực để chiếm bằng được biển Đông không thành công đã khiến Trung Quốc liều lĩnh làm một việc ngoài khả năng tiên liệu.
Phản ứng bất lợi thứ nhất đối với Trung Quốc là tạo nên tiếng nói chung của những nước bị đường lưỡi bò chồng lấn. Trước đây khi Trung Quốc có những hành động riêng rẽ ức hiếp các nước trong khu vực thì phản ứng của từng nước không giống nhau. Khi ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt bớ, tấn công hầu như không một nước nào lên tiếng cho dù chỉ là loan tin. Khi vụ bãi cạn Scaborough nổ ra giữa Philippines và Trung Quốc thì Việt Nam tỏ ra vô can không một lời bình luận, xem như việc tranh chấp là chuyện nhà của người khác.
Việt Nam hưởng lợi như thế nào?
Trước đây vấn đề Biển Đông được các tờ báo nổi tiếng Tây phương xem như chuyện địa phương thì ngay sau khi tin tức cho in tấm bản đồ lên hộ chiếu đã làm nhiều tờ báo nổi tiếng giật mình và đánh hơi thấy đây chính là đề tài nóng và hấp dẫn chỉ sau vấn đề Do Thái và Palestine.
Khi báo chí Tây phương nhập cuộc thì trái banh khó lòng còn nằm trong chân Trung Quốc.
Đối phó với tấm hộ chíếu bất thường của những du khách Trung Quốc khi họ vào Việt Nam là điều quá dễ dàng đối với chính quyền Hà Nội. Ngay trước bàn hải quan nơi du khách trình hộ chiếu, một tấm bảng lớn được viết với bốn thứ tiếng Việt, Anh, Pháp và Trung có nội dung: “Chào mừng các bạn đến với Việt Nam! Bạn có biết Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hay không?”
Hai cách chứng minh chủ quyền nhưng khác nhau về trình độ. Tấm hộ chiếu chỉ tuyên truyền trong dân chúng của họ, còn cái bảng tuyên ngôn kia đang nói cho cả thế giới biết sự thật bất kể họ thuộc quốc tịch nào.
Còn một điều nữa quan trọng hơn rất nhiều, ngay cả khi Việt Nam không cần làm gì cả!
Đó là khi Trung Quốc đưa con bài hộ chiếu ra thì chính là lúc họ tự mình đánh thức giấc ngủ của nhân dân nhiều nước trong đó có Việt Nam.
Từ ngày mai trở đi khi du khách Trung Quốc đến Việt Nam trình hộ chiếu nhập cảnh, không biết người cán bộ hải quan ngồi xét hộ chiếu nghĩ gì khi đất nước của mình nằm trong tay người du khách xa lạ kia, và anh ta có cảm thấy mặc cảm tội lỗi đối với dân tộc, với tổ tiên của mình hay không khi tự tay anh đóng con dấu cho phép họ nhập cảnh?
Rồi khách sạn, nơi bán vé máy bay… những dịch vụ phải trình hộ chiếu… biết bao người Việt Nam nữa sẽ kể cho nhau nghe sự nhục nhã của họ khi sống trên một đất nước mà chủ quyền bị kẻ khác công khai tuyên bố. Thái độ thờ ơ lâu nay của người dân được đánh thức không lẽ là một thất bại đối với Việt Nam hay sao?
Phản ứng dây chuyền này sẽ làm chính phủ Việt Nam thức tỉnh trước một sự thật khó che đậy: lòng dân là sức mạnh của dân tộc. Nó lớn lao và thiêng liêng hơn bất cứ tình hữu nghị nào. Những kềm chế từ bấy lâu nay như chiếc bong bóng đầy hơi sẽ bị lòng dân đâm thủng khi tấm hộ chiếu mang hình lưỡi bò xuất hiện tại Việt Nam. Điều đó là chắc chắn.
Việt Nam có nên lấy làm làm mừng hay không khi cờ đang đến tay mình?

Cảm ơn tác giả và trang QC

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

RCYT: 74 RƯỢU CẦN

Khách đến thăm chủ nhà mở vò rượu tiếp đón. Khách đông hơn, mở một ché. Khách đông nữa mở hẳn một chum. Mừng lợp nhà mở dăm ba chum. Mừng nhà mới mở nhiều  hơn nữa. Xàng khán- hội của các mo, cũng là hội của làng, các chum rượu được xếp thành dãy, uống nhạt dãy này mở thêm dãy khác, không đếm biết là bao nhiêu nữa.
     Chủ nhà kê vò rượu ở nơi trang trọng nhất rồi nhẹ nhàng thận trọng mở ra, cắn cần và chế nước. Trong khi chờ ngấm, chủ nhà mời khách ngồi lại chung quanh. Những người cao tuổi ngồi trên, nam giới ngồi xuống chiếu, sang nữa thì có đệm bông lau, phụ nữ được ngồi ghế mây. Từ cửa đi vào thì phụ nữ ngồi trong, nam giới ngồi ngoài.
    Trong không khí đầm ấm và trang trọng, chủ nhà có lời với trời đất, thần linh rằng gia đình hôm nay có khách quý tới thăm, xin phép được mở vò rượu, trước là mời chư vị thần linh chứng giám và thụ hưởng, sau là dành gia chủ tiếp đón người thân.
    Rượu đã ngấm, nước đã đầy, phong và gáo đong đã đủ. người phục vụ, cũng là người cầm trịch, còn gọi là cham, đã sẵn sàng. Cham thay mặt gia chủ và xin phép khách quý bắt đầu điều hành cuộc rượu.
    Hai tay vít nhẹ chiếc cần trúc, cham hướng về phía khách, mời vào cuộc. Khách cảm ơn và đón lấy cần. Rồi cham mời đại diện gia chủ, từ người cao niên, sao cho chủ khách thật là ứng đối. Khi mọi chiếc cần đã có người đón đủ, cham mới ghép cặp để uống với nhau. Mỗi cặp có chủ có khách, có yếu có mạnh để uống đỡ cho nhau. Cặp uống đầu tiên là người được tôn quý nhất, thường là vị khách cao niên và một cụ bà. Khi cặp đầu tiên xin phép mọi người được uống theo hiệu lệnh của cham thì những người còn lại tạm thời được buông cần và cham đã đỡ cần cho từng người buông thật nhẹ.
    Lấy gáo múc đầy nước vào phong, cham thả ngón tay cho nước tự chảy để tính thời gian đúng vào lúc mọi người hô” cham mơi’ và bắt đầu uống. Phong nước chảy hết thì thời gian cho cặp uống cũng dừng. Tay vẫn giữ cần, cặp uống và mọi người chờ cham đong lượng rượu đã uống nhiều ít tới đâu. Uống được nhiều là mừng vì khách và chủ đều khỏe và cùng uống thực lòng. Tiếp theo là cặp thứ hai, thứ ba cho tới hết một vòng.
     Sang vòng hai thì các cặp được sắp xếp lại cho sự giao lưu được mở rộng hơn và cũng từ đây luật uống có khác. Cham đưa ra đề nghị về mức tối thiểu mà mỗi cặp phải uống. Khi mọi người nhất trí với mức ấy, thì hết thời gian, mỗi cặp phải uống hết dung lượng đã định. Hết thời gian mà vẫn chưa uống hết thì phải uống tiếp cho đủ định lượng, sau đó phải uống thêm hai gáo nữa, gọi là uống phạt. Người bị phạt cũng thấy vui, mà người cổ vũ càng vui.
    Sang vòng ba thì các đôi thi với nhau. Vòng này mới thực là thi đấu cật lực vì trong khoảng thời gian như nhau, đôi nào uống được nhiều nhất sẽ thắng, đương nhiên rồi, nhưng thú vị nhất là các đôi thua sẽ bị phạt. Mà mức phạt sẽ cao hơn vòng hai, ấy là phải uống thêm cho bằng đôi thắng cọng với hai gáo cho từng người một. Mỗi khi hô “cham mơi” là không khí nóng hẳn lên. Mọi người hò reo cổ vũ. Người trong cuộc hạ thấp trọng tâm, vít cần, lấy hơi, nín thở, vòm họng tạo nên sức mút liên tục, nuốt xuống liên tục, không để cho hơi men kịp bốc.
     Được khách tới thăm, lại cùng uống rượu với nhau thật lòng, chủ nhà vui lắm. Ngồi với nhau bên vò rượu đã là cái tình hội ngộ, uống với nhau thật lòng là cái tình tri ân, ngấm hơi men là thấm cái cái sâu nặng tình người mà say. Cho khách say được, cho bạn bè bà con xóm giềng say được là niềm vui, niềm tự hào của chủ nhà. Có đối đãi nhau hết lòng, có quý trọng nhau hết mình thì mới uống với nhau, mới say với nhau được thế.
    Vậy nên rượu cần không chỉ là tinh chất được cất lên của bao công sức từ ngày phát nương cho đến khi thành hạt gạo, mà còn là nghĩa tình ủ trong men lá, là tấm lòng quý mến, kính trọng đối đãi với nhau.
Rượu cần là thức uống đặc sản vùng cao,  bình dân mà không đại trà, không là hàng chợ. Rượu cần chỉ có một, không trùng lặp, không giống nhau, tùy theo người, tùy theo nhà, tùy vào nắng mưa, tùy vào khách. Rượu cần không chỉ là rượu, mà còn là tinh túy đất trời, là ân nghĩa lòng người, là thuốc bổ dưỡng sau bao công việc nặng nề, là thuốc tẩy trừ lam sơn chướng khí. Rượu cần còn là văn hóa vùng cao đậm đà bản sắc, là sinh hoạt cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, là đời sống tinh thần, tín ngưỡng lễ hội.
1985

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Xin tải về bài: Báo cáo chính trị và giấc mộng bá quyền


1381. Báo cáo chính trị và giấc mộng bá quyền

Posted by basamvietnam on 14/11/2012
… cái gọi là ‘chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc’ chỉ là ‘chủ nghĩa tư bản kiểu Trung Quốc’ và cái gọi là ‘Đảng Cộng sản Trung Quốc’ thực chất chỉ là một ‘đảng sặc mùi dân tộc bá quyền nước lớn’.
Rất mong những ai còn mù quáng hãy nhìn thấy sự thực đó để mau mau tỉnh ngộ. 
Và tôi cũng xin cảnh cáo những người cũng biết rõ thực chất đó nhưng làm ngơ như không biết nhằm lợi dụng để mưu cầu lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân.
Nhưng bất hạnh thay cho Dân tộc Việt Nam là dường như những người “biết rõ” và “làm ngơ” đó đều đang đi tiên phong cả trong đám “lợi ích nhóm” lẫn đám vẫn cao giọng chống “lợi ích nhóm”.

Báo cáo chính trị và giấc mộng bá quyền

Phỏng vấn ông Dương Danh Dy
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 đang vào hồi nước rút trước khi công bố thành phần lãnh đạo mới.
Trong phiên khai mạc hôm 8/11, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đọc báo cáo chính trị, trong đó có đưa ra nhiều chi tiết quan trọng về đường hướng của Đảng CSTQ.
BBC đã hỏi chuyện nhà nghiên cứu Dương Danh Dy về báo cáo chính trị của ông Hồ Cẩm Đào.
Ông Dương Danh Dy: Trưa ngày 8/11/2012, tôi lấy được bản “trích yếu” Báo cáo chính trị tại Đại Hội 18 của ĐCS Trung Quốc từ trên mạng chính thức của Trung Quốc, sáng ngày 9/11/2012 tôi lấy được toàn văn, nhưng không rõ vì sao bản đầu tiên không viết rõ “ba đại diện” mà chỉ đề đồng chí ** , và phải đến cuối ngày hôm ấy, mới lấy được bản “toàn văn” mà tôi cho là hoàn hảo.
Qua mấy ngày đọc và suy ngẫm, bước đầu có mấy nhận xét sau:
Đối với chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông: Khi tổng kết công tác 5 năm và 10 năm qua báo cáo chính trị đã viết: “… tổng kết quá trình 10 năm phấn đấu, thấy điều quan trọng nhất là chúng ta đã kiên trì lấy chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưỏng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại diện” làm chỉ đạo…”
Thế nhưng khi nói về nhiệm vụ “đi con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” báo cáo này viết: “Hệ thống lý luận xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc bao gồm hệ thống lý luận khoa học là lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại diện”, quan niệm phát triển khoa học.”
Có nghĩa là ở đây đã không hề nhắc tới chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông.
Lần này ĐCS Trung Quốc đã từ bỏ cái chủ nghĩa và tư tưởng mà họ từng tôn thờ hoặc có lúc “khoác áo tôn thờ” một cách dứt khoát không luyến tiếc nhưng rất “lịch sự” chứ không “báng bổ” như thường làm, vì vẫn khẳng định công lao của Mao Trạch Đông dù nói ông ta mắc sai lầm nghiêm trọng.
BBC: Thưa ông vậy có thể khẳng định sự chuyển hướng về tư tưởng hay không?
Ông Dương Danh Dy: Qua những điều trình bày trên có thể khẳng định: Đại hội 18 khởi đầu cho sự từ bỏ chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông với tư cách là tư tưởng chỉ đạo cho mọi đường lối chính sách của ĐCS Trung Quốc từ nay trở đi.
Chưa biết trong Điều lệ Đảng sửa đổi họ có duy trì tinh thần này hay không, nhưng nếu có viết tới thì có lẽ cũng chỉ là hình thức.
Từ đó thấy, cái gọi là “chủ nghĩa xã hội”, “đảng cộng sản”… của họ chỉ là những “mỹ từ” dùng để che đậy một thực chất: cái gọi là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” chỉ là “chủ nghĩa tư bản kiểu Trung Quốc” và cái gọi là “Đảng Cộng sản Trung Quốc” thực chất chỉ là một “đảng sặc mùi dân tộc bá quyền nước lớn”.
Rất mong những ai còn mù quáng hãy nhìn thấy sự thực đó để mau mau tỉnh ngộ.
Và tôi cũng xin cảnh cáo những người cũng biết rõ thực chất đó nhưng làm ngơ như không biết nhằm lợi dụng để mưu cầu lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân.
Đúng là Trung Quốc đang xây dựng và phát triển chủ nghĩa tư bản đấy, nhưng đó là chủ nghĩa tư bản độc đảng, dân tộc bá quyền không có sự tranh luận, kiềm chế… lẫn nhau của chủ nghĩa tư bản đa đảng, nên sự nguy hiểm tăng lên nhiều lần.
BBC: Về chính sách đối ngoại, ông có bình luận gì ạ?
Ông Dương Danh Dy: Ngoài những lời “hoa mỹ” nói về đường lối “yêu chuộng hòa bình”, muốn “chung sống tốt với các nước xung quanh, và các nước đang phát triển” như vẫn thường nói ra, Báo cáo đã thẳng thừng nêu: “…thúc đẩy xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới…” chứ không còn nêu: “thế giới đa cực” hoặc “một siêu đa cường” như truớc đây vẫn nói.
Điều này cho thấy về đại thể Trung Quốc sẽ không “né tránh” Mỹ nữa mà trong tương lai những ma sát thậm chí xung đột Trung-Mỹ sẽ gia tăng và gay gắt hơn.
Tôi cũng xin nói ngay ở đây: qua phương châm “quán triệt… sự chỉ đạo của chiến lược tăng cường quân sự tiến cùng thời đại, quan tâm chú trọng cao độ tới an toàn biển…”, ta có thể dự báo rằng biển đảo, mà trước hết là Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ là nơi Trung Quốc tiếp tục dòm ngó và rất có thể là nơi họ “kiếm cớ lấn chiếm” với quy mô lớn.
Câu nói ‘hòa thuận với các nước xung quanh’ sẽ chỉ là những lừa bịp.
BBC: Một điểm chính yếu là xây dựng quân đội, Báo cáo chính trị đề cập thế nào, thưa ông?
Ông Dương Danh Dy: Chủ trương “ Xây dựng và củng cố quốc phòng và quân đội lớn mạnh xứng đáng với vị thế của nước ta và thích ứng với lợi ích an ninh và phát triển quốc gia”, “..” không ngừng phát triển và đi sâu chuẩn bị đấu tranh quân sự”, “nâng cao năng lực đánh thắng chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hoá..” v.v. cho thấy lòng hiếu chiến của nhà cầm quyền Bắc kinh thế hệ mới đã bộc lộ rõ ràng.
Cần nhấn mạnh điều này nữa, người Việt Nam và ngay cả người Trung Quốc vẫn thường nói “dân giàu nước mạnh” nhưng bây giờ giới lãnh đạo Trung Quốc không nói thế nữa, trong Báo cáo này họ đã viết rõ ràng “nước giàu quân mạnh”.
Cùng với việc tập trung sức xây dựng quân đội, họ không coi nhẹ “tăng cường thực lực và sức cạnh tranh tổng thể của văn hoá” , “xây dựng cường quốc văn hoá” …
Xin trăm ngàn lần cảnh giác trước những ý đồ đen tối đó.
Mười năm qua là những năm mà Trung Quốc thấm thía bài học: để tăng trưởng nhanh đã bất chấp ô nhiễm môi trường, tàn phá tài nguyên… cũng như để cho khoảng chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, giữa thành phố và nông thôn, giữa các vùng ngày càng thêm lớn.
Tuy chưa để xảy ra sự kiện Thiên An Môn lần nữa, nhưng những hành động bất mãn của quần chúng bị đàn áp vẫn ngày một tăng, nguy cơ các vùng dân tộc đòi độc lập, đòi tách ra vẫn ngày càng gay gắt.
Báo cáo tuy có coi trọng và đề xuất một số chính sách, biện pháp để khắc phục, hạn chế, nhưng xem ra rất ít hiệu quả.
Tuy vậy cũng cần chỉ ra rằng, ban lãnh đạo Trung Quốc cũng đã học được một số điều trong khi hội nhập với thế giới.
Họ bắt đầu biết coi trọng văn minh sinh thái, và chấp nhận một số cái (có thể đối với một số cái chỉ là ngoài miệng) như “trò chơi cùng thắng”, “dân chủ”… trong luật chơi quốc tế mới.
Thế nhưng những “phục thiện” đó chỉ có hiệu quả thực khi họ từ bỏ giấc mộng bá quyền.
Nhưng điều này chắc chắn là không thể đối với ban lãnh đạo mới Bắc Kinh.
———

Ủa, Trung Quốc bỏ Mác- Lê thật a?

Hu hu hổng biết đồng chí Un có tư tưởng gì không để mà theo
Mấy hôm trước dân mạng bàn tán ĐCS TQ bỏ chủ nghĩa Mác- Lê, chỉ theo thuyết “Ba đại diện” của Đặng Tiểu Bình nhưng mình chưa tin. Không thể căn cứ vào cái thông báo đại hội 18 ĐCS TQ không nhắc tới Chủ nghĩa Mac- Lê, tư tưởng ông Mao rồi bảo họ đã bỏ. Phải chờ nghe cái báo cáo chính trị của ông Hồ Cẩm Đào đọc tại đại hội, sau đó phải xem điều lệ Đảng của họ lấy cái chi làm kim chỉ nam mới biết chắc họ có bỏ hay không.
Nhưng bữa nay nghe bác Dương Danh Dy nói thì mình tin. Chính bác đã đọc báo cáo chính trị bằng tiếng Tàu trên mạng chính thức của TQ ( tại đây). Bác Dương Danh Dy tóm lại trong báo cáo chính trị thế này:”Đối với chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông: Khi tổng kết công tác 5 năm và 10 năm qua báo cáo chính trị đã viết: “… tổng kết quá trình 10 năm phấn đấu, thấy điều quan trọng nhất là chúng ta đã kiên trì lấy chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưỏng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại diện” làm chỉ đạo…”
 Thế nhưng khi nói về nhiệm vụ “đi con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” báo cáo này viết: “Hệ thống lý luận xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc bao gồm hệ thống lý luận khoa học là lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại diện”, quan niệm phát triển khoa học.”
 Có nghĩa là ở đây đã không hề nhắc tới chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông.”
 Tất nhiên phải chờ đọc điều lệ Đảng TQ nữa, nhưng  rứa cũng đã rõ rồi. Họ không xổ toẹt chủ nghĩa Mac- Lê và tư tưởng ông Mao, vẫn ghi nhận chủ nghĩa đó tư tưởng đó nhưng họ không dùng nữa. Để xây dựng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ, họ chọn tư tưởng Đặng Tiểu Bình, nói thế cho nó nhanh.
Hu hu bây giờ chỉ còn ba nước lấy chủ nghĩa Mác- Lê làm kim chỉ nam nữa thôi, đó  là Cu Ba, Việt Nam và Bắc Triều. Cu Ba thì nghe nói đaị hội đảng vừa rồi họ không trưng ảnh Mác- Lê ra nữa, trước sau gì họ cũng bỏ. Rốt cuộc chỉ còn lại Việt Nam với Bắc Triều.
Chủ nghĩa xã hội đặc sắc của Việt Nam là thế nào đây? Làm bạn với đồng chí Kim Jong Un ( còn ai nữa mà không làm bạn), không lẽ lấy tưởng  đồng chí Un làm kim chỉ nam? Đồng chí Un mới chỉ vĩ đại trong trò chơi điện tử chứ có tư tưởng gì đâu. Hay là theo tư tưởng đồng chí Đặng Tiểu Bình, người đã từng đòi dạy cho Việt Nam một bài học?
Theo ai đây ối cụ Tổng ôi!
Nguyễn Quang Lập

Cảm ơn các tác giả và trang BS

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Họp quốc hội, sao các cụ chẳng nói gì

     Các cụ là đại biểu quốc hội, là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, sao các cụ dự họp quốc hội mà chẳng thấy nói gì. Tiếp xúc cử tri các cụ vẫn lắng nghe, có cụ còn ghi chép, rồi các cụ hứa hẹn, sao vào họp các cụ không đưa ra, không trình bày, không phát biểu.
     Các cụ còn là lãnh đạo cấp cao của đảng, mà đảng thì lãnh đạo toàn diện tuyệt đối triệt để, thì vào họp quốc hội các cụ phải phát biểu ý kiến để mà định hướng, hướng dẫn, dẫn dắt quốc hội chứ. Sao ở đấy các cụ chẳng nói gì.
    Ở cái diễn đàn của các đại biểu của dân, là cuộc họp thì phải có luận bàn, góp ý, xây dựng, kiện toàn luật lệ thể chế... Ở đây các cụ là lãnh tụ của dân, do dân, vì dân, các cụ cũng là lãnh tụ của các đại biểu, các cụ phải đóng góp ý kiến vào đấy chứ. Không chỉ là những ý kiến như các đại biểu quốc hội khác, mà là ý kiến của tầm lãnh tụ. Sao các cụ chẳng nói gì.
    Các cụ có nhận lương mà. Lương các cụ là từ tiền thuế của dân, đều là mồ hôi công sức của dân cả. Thế thì các cụ phải nói lời gì ích nước lợi dân chứ. Sao các cụ chẳng nói gì.
    Mà không phải chỉ có quốc hội họp lần này, mới thế. Các lần trước cũng vậy. 
   Thật sự là không hiểu nổi, họp quốc hội, sao các cụ chẳng nói gì.

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

TRỞ LẠI NGÀY XƯA

     Chưa khi nào tôi có cảm giác hẫng hụt như lúc này. Đó là sự khủng hoảng lòng tin, không, chính xác hơn là sự sụp đổ hoàn toàn về một đức tin.
     Tôi đã tìm kiếm điểm tựa, một điểm tựa tinh thần, tìm một cái phao để bấu víu, tìm một lý do để nuôi hy vọng... Tìm khắp đầu phố cuối chợ, khó mà thấy được điều gì. Tìm trên báo, trên TV, trên đài, trên mạng... cũng chỉ có trộm cướp hiếp giết, cũng chỉ có tham nhũng, lãng phí, xuống cấp, biến chất... và cả bạo lực nữa, thứ bạo lực chuyên chính không đúng chỗ.
     Tôi mệt mỏi, thú thực như vậy, không chỉ bởi tuổi tác. Lúc này, tôi chỉ muốn trở lại ngày xưa, thuở không có mạng, không có TV, không đài, không báo chí, nhưng mà có một đức tin. Thuở ấy tôi ở giữa rừng, dạy các trò nhỏ giải những bài toán con con. Hết giờ thì về làm vườn, trồng rau, nuôi gà. Rảnh thì vào rừng với khẩu súng hơi và con đốm, để mà:
      Nép sau tảng đá/ Ẩn dưới bóng cây/ Lắng nghe chim hót/ Thả hồn lên mây. 
    Bây giờ có trở về thì rừng cũng không còn, và dẫu cho có một nơi mịt mù nào đó còn rừng thì chắc gì nơi ấy còn có đức tin. Thôi thì đành trở về với chính mình, tin ở chính mình. Hình như có một nhà thơ Nga cũng đã từng viết: 
     "Và nếu quả không tin trời đất nữa
Thì giản dị tin mình, ta tự nghĩ cho ta".