Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

NGHỈ TẾT DÀI CÓ KHI LẠI HAY

         Hồi trước nghỉ tết có ba ngày, rồi ra quân đầu xuân, bắt tay vào công việc, nghe chừng hừng hực khí thế, ấy vậy  mà cũng chẳng thấy làm nên được điều gì đáng kể. Năm nay nghỉ tết những mười ngày, công sở đóng cửa, từ lãnh đạo đến công chức thường thường đều thảnh thơi du xuân, thế mà mọi việc vẫn vậy, có khi còn hay hơn. Đường sá phong quang sạch sẽ hơn, con người thơ thái, nhẹ nhàng từ tốn hơn, ít tai nạn hơn.
      Tôi đem điều này nói với anh bạn đang tại chức tận trên bộ, anh ấy bảo, sang năm nên nghỉ tết hẳn nửa tháng, có khi còn hay hơn nữa. Công sở đóng cửa càng đỡ tốn điện, tốn nước. Thực tế có đến công sở cũng chỉ tào lao ngồi chơi xơi nước chứ có làm được gì đâu. Lại còn chúc tụng rượu chè, có người còn tranh thủ tắm giặt, tranh thủ sắc thuốc ở cơ quan.
       Đã vậy thì nghỉ hẳn một tháng, có khi còn tuyệt hơn nữa, trừ ra mấy ngành sản xuất và dịch vụ. Dần dà rồi thí điểm cho cơ quan ban nghành chi đó nghỉ hẳn cả một quý, rồi cả nửa năm xem có sao không. Với cái đà này có khi còn chỉ ra được những người, những bộ phận, những tổ chức cho nghỉ hẳn cũng chẳng sao cả, ngược lại, không chừng còn tốt hơn lên.

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Đăng lại: Tư liệu mới về Hoàng sa - Trường sa

Tư liệu mới về Hoàng Sa – Trường Sa 

Thứ năm, 26/01/2012, 02:30 (GMT+7)
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Tình cờ, trong thời điểm dư luận đang rất quan tâm đến lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chủ quyền không thể tranh cãi được của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tôi tìm thấy trong tủ sách cũ của anh tôi cuốn sách Les archipels de Hoàng – Sa et de Trường – Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d’ histoire et de géographie” (Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam về lịch sử và địa lý – ảnh) của học giả Võ Long Tê được xuất bản tại Sài Gòn năm 1974.
Bạn đọc hôm nay có thể ít biết về tác giả Võ Long Tê nhưng từ trước năm 1975, ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu công phu về văn học – văn hóa có giá trị. Trên một trang mạng, ông Hồ Bạch Thảo đã gọi Võ Long Tê là một “cây đại thụ về văn hóa Á Âu”. Khi tôi sắp viết những dòng này, trong cuộc vui nhân gặp nhau ngày Noel, nghe tôi nhắc tên “Võ Long Tê”, dịch giả – nhà văn Bửu Ý và nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cùng tỏ thái độ thích thú.
Với một tác giả như vậy, cuốn sách có độ tin cậy cao. Quả là Võ Long Tê đã rất công phu sưu tầm tư liệu cổ và giới thiệu cho bạn đọc một cách có hệ thống, khoa học những tư liệu đó trong cuốn sách khổ lớn dày gần 400 trang với bản chữ Hán, phiên âm tiếng Việt và dịch ra tiếng Pháp. Phần phụ lục gồm 40 bản đồ và bản chụp những tư liệu gốc. Tư liệu cổ nhất trong sách là “Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư” của Đỗ Bá Công có lẽ được soạn từ thời Chúa Trịnh; tiếp đó là trích từ “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, rồi “Lịch triều Hiến Chương Loại chí” của Phan Huy Chú (Dư địa chí, quyển 5), “Hoàng Việt địa dư chí” (bản khắc in lần đầu năm Minh Mạng thứ 14 – 1833), “Đại Nam thực lục chính biên”, “Khâm định đại nam hội điển sử lệ”, “Đại Nam nhất thống chí” và tư liệu cuối cùng là “Quốc triều sử toát yếu” (được soạn dưới thời vua Thành Thái – 1889 và Duy Tân – 1908).
Xin trích một đoạn trong “Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư” do ông Hồ Bạch Thảo dịch: “…Hai bên bờ con sông thuộc địa phận xã Kim Hộ có hai ngọn núi, tại mỗi núi có mỏ vàng. Từ đó đi ra biển gặp một dãy trường sa tên là Bãi Cát Vàng, dài khoảng 400 dặm, bề ngang 20 dặm nhô lên từ biển; vị trí ở ngoài cửa biển Đại Chiêm cho đến cửa biển Sa Vinh. Mùa gió Tây Nam, các thương thuyền qua lại phía trong thường phiêu dạt tại đây; mùa gió Đông Bắc thuyền đi bên ngoài cũng phiêu dạt tại đây; người đều bị đói, chết, hàng hóa để lại. Nhà Nguyễn (Nguyễn thị) mỗi năm vào tháng chạp, đưa 18 chiếc thuyền đến đó lấy hóa vật; thu được nhiều vàng, bạc, tiền tệ, súng, đạn. Từ cửa Đại Chiêm đến đó mất một ngày rưỡi, từ Sa Kỳ đến mất nửa ngày. Ngoài ra tại đảo Trường Sa cũng có đồi mồi…”.
Một đoạn trong “Hoàng Việt địa dư chí” cũng đã được ông Hồ Bạch Thảo dịch như sau: “Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ở gần biển. Ngoài biển phía Đông Bắc có nhiều đảo núi lớn nhỏ linh tinh có đến hơn 110. Các núi đảo tương cách nhau bởi biển; hoặc một ngày đường, hoặc một vài canh. Trên có khe nước ngọt, giữa đảo có bãi cát vàng dài khoảng hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong nhìn đến đáy, trên đảo tổ yến nhiều vô số; chim có đến hàng ngàn, hàng vạn quây quần xung quanh không tránh người… Họ Nguyễn lập đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy người xã An Vĩnh luân phiên sung vào. Mỗi năm từ tháng giêng nhận lệnh đi, mang 6 tháng lương thực, dùng 5 chiếc thuyền đánh cá vượt biển 3 ngày 3 đêm thì tới nơi. Đến tháng 8 trở về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân (Huế) nạp. Sau khi cân và xét nghiệm phân loại xong, hứa cho riêng bán các vật như ốc hoa văn, hải ba, hải sâm, lãnh bằng trở về…”.
Đánh giá cao cuốn sách, trong lời tựa, GS Nguyễn Thế Anh, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Huế, đã viết: “Trong tập nghiên cứu này, ông Võ Long Tê tập trung thuật lại cho chúng ta sự cải thiện dần dần trong kiến thức của chúng ta về quần đảo Hoàng Sa trong quá khứ, dựa trên các bản văn cổ mà ông xem xét với một sự chặt chẽ khoa học hiếm có, như một nhà sử học lão luyện… Và nơi đây tôi tỏ lòng kính trọng đến ông như một sử gia”.
Ông Hồ Bạch Thảo trước khi công bố một số đoạn dịch từ cuốn sách cũng đã có nhận xét: “…quần đảo Hoàng Sa mất mấy chục năm về trước vẫn là niềm đau nóng hổi trong tim mọi người Việt; cuốn sách của học giả Võ Long Tê trở thành bất hủ, trong đó chụp hình nhiều tư liệu quý giá bằng chữ Hán và phần lớn được dịch ra Pháp văn. Tuy nhiên, công trình của tác giả chỉ có người ngoại quốc và một số ít người Việt Nam biết chữ Pháp mới sử dụng được; nay cần phải giới thiệu ra lời Việt để số đông đồng bào ta thưởng ngoạn…”.
Xin được nói thêm: Cuốn sách cũng cần thiết được dịch ra tiếng Anh để có thể phổ biến rộng trên thế giới, tranh thủ sự đồng tình của các tổ chức quốc tế. Rất mong, Đà Nẵng – TP “chủ quản” của Hoàng Sa và các nhà xuất bản quan tâm để có thể thực hiện sớm điều này, một động thái có ý nghĩa thể hiện chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa – Trường Sa và đáp ứng lòng mong đợi của đông đảo công chúng.
N.K.P.

TÌM CỐT CÁCH CỦA CÂY TRONG LŨA

Cây rừng nguyên sinh bị khai thác cạn kiệt.
Bài 2: Giữ rừng săng lẻ - niềm tự hào của xứ Nghệ -0










Giờ này chỉ có thể tìm lại hồn vía cốt cách của cây trong lũa.

Lũa đẹp đã hiếm. 
Lũa có hồn càng hiếm hơn.













































Ngày xuân mời bà con ghé qua xem những hình lũa đẹp. Xin cảm ơn bạn bè đã cho đăng những bức ảnh này.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

CẢM NHẬN ĐẦU NĂM

         Ngày 29 tết gió mùa đông bắc tăng cường, trời trở rét đậm, kèm theo mưa phùn nhớp nháp. Sáng 30 trời hanh khô, rét ngọt. Đêm 30 trời trong veo, rét như cắt, thương người vật lộn mưu sinh, người đang chịu vòng lao lý. Sau giao thừa nền trời sáng, và muôn vàn các vì sao run lên trong gió  rét.
     Sáng mồng một tết, trời tạnh ráo. Đã cảm thấy có chút hơi ấm. Mặt trời đang ở đâu đó khá gần. Hy vọng một năm tình người ấm áp hơn lên.
     Trên tivi không có chi vui, mục Táo quân dỡn mấy vị thượng thư trông lại càng buồn, hay đấy mà không cười được.

    Tôi đi vãn cảnh chùa. 

    Rồi ra đồng tìm xem hoa dại.



  












Ghé thăm vườn đào không bán hết

Cây cải đang hoa
Ngọn mùng tơi mới nụ

    












Và ong đã đi lấy mật đầu xuân.

    

     

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

TẠM BIỆT MÙA ĐÔNG

 
                            

                                             Hàng bằng lăng đổi màu















                                               Gốc bàng trụi lá

















Cụ già gần tám mươi tuổi bán hạt hướng dương và lạc kẹ trên vỉa hè bên cung thiếu nhi HN

Người bán đào chiều 30 tết

Đêm 30 biết bao người còn vật lộn mưu sinh.










Chị bán mía đêm giao thừa

Nhóm lên ngọn lửa bên lan can cầu Đen - Hà đông chờ giao thừa để bán mía cho người đi xem bắn pháo hoa.

Năm hết tết đến rồi. Hy vọng một năm mới an lành mà mừng xuân sang...

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

MỘT NĂM QUA ĐI

      Một năm qua đi, cái năm con mèo, với tôi có nhiều kỷ niệm. Ấy là năm tôi được xê dịch khá nhiều suốt dọc miền Trung qua Huế, Đà nẵng, Hội an, Nha trang. Tôi cũng về quê nội - xứ Huế được ba lần. Lại cũng ba lần về xứ Nghệ- quê ngoại của tôi. Nhiều chuyến đi về phía biển, lại cũng có chuyến đi ngược lên rừng. Có chuyến trở về nơi đã xa gần nửa thế kỷ, cũng có chuyến về nơi mới đó mà đã là dằng dặc hai chục  năm trời.
      Cũng trong năm này tôi có được chút thời gian cho riêng mình, dựng lên túp lều cỏ  bên đường. Trong lòng rất vui vì có bè bạn ghé thăm, và càng vui hơn khi được vào nhiều trang mạng khác. Đương nhiên cũng có nhiều khi đọc được tin buồn, tin đau, tin gợi căm hờn.
      Đặc biệt nhất trong năm là tin Trung quốc gây hấn biển Đông. Điều này còn gợi nhớ về nỗi đau Hoàng sa, Trường sa; còn động chạm tới chủ quyền của dân tộc, về sự thống nhất và toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia. Người Việt đã đứng lên, đã xuống đường biểu tình phản đối Trung quốc xâm lược ở hai thành phố lớn Hà nội và Sài gòn. Dù có bị đàn áp, sách nhiễu, đe dọa thì Hà nội cũng đã có 11 cuộc xuống đường. Hạnh phúc cho tôi là đã được đi trong dòng người đó.
      Trải nghiệm cuối cùng là nửa ngày như ở trong tù. Cũng lính canh, dùi cui, cũng hàng rào sắt, cũng lăn dấu vân trọn hai bàn tay, cũng chụp ảnh ba chiều, và bao thứ khác . Ừ, chỉ là trò  làm phép thôi, biết thế. Nhưng, nếu tính như người xưa, mình cũng có thêm được một nửa nghìn thu để cọng vào cái cuộc đời này. Vậy thì cũng đáng để mà ghi nhớ.
      Còn bao trùm lên hết thảy mọi lúc mọi nơi trong suốt cả năm này là trạng thái cô đơn của đứa con xa mẹ. Mẹ đã về trời, về với tổ tiên, về với ba, mẹ về cõi xa xăm. Một năm rồi con không còn có mẹ, nhiều khi thảng thốt như mẹ đang còn, như là đến bữa, nhưng lại giật mình biết mẹ đã đi xa. Dẫu sao thì cõi nhân gian này con còn nặng nợ, ở trên cao xanh xin mẹ hãy tin rằng con vẫn hằng gắng nên người.
      

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Một tin vui nữa -Chuyến đi Tiên lãng ấm áp tình người

Xin phép và thành thực cảm ơn TS Nguyễn Xuân Diện và nhà giáo Hiền Giang cho tôi được đăng lại tin này.


HIỀN GIANG: TƯỜNG THUẬT CHUYẾN ĐI TIÊN LÃNG



Sáng sớm vừa mới tập thể dục, làm vệ sinh cá nhân xong định đi chợ thì nghe chuông điện thoại reo, mở máy thì thấy luôn là của Nguyễn Xuân Diện gọi:

-   Chị Hiền Giang ơi, 8 giờ đến Viện Hán – Nôm rồi cùng với chị Hoa đi mua quà tết cho các chiến sĩ công an, bộ đội bị thương và gia đình anh Vươn nhé!
-    Diện gọi cả Phương Bích đi, Phương Bích quen với việc này lắm mà.
-    Không được rồi chị ơi, chị Phương Bích hôm nay mắc bận không thể đi được, hai chị cố gắng nhé!
-     Ok!

Thế là mình vội vã chợ búa, làm đồ ăn sáng cho mấy bố con rồi thông báo với mấy bố con chương trình đi Hải Phòng của mình và bảo thằng con trên đường đi làm chở mẹ qua cơ quan chú Diện.

Đúng 8 giờ có mặt ở trước cổng Viện Hán – Nôm, nhìn quanh đã thấy Hoa cũng vừa kịp đến, hai chị em được bác bảo vệ mời vào phòng chờ để gặp Nguyễn Xuân Diện, mấy phút sau Diện đến và nói: Hai chị chờ em và Lã Dũng ra ngân hàng rút tiền đã. Vừa lúc đó chị Trần Thanh Vân gọi phone cho Xuân Diện trao đổi về kế hoạch của chuyến đi, dặn dò mình mua những quà gì cho có ý nghĩa thiết thực mang đúng tinh thần cứu trợ người bị nạn vào những ngày tết cổ truyền.  Khiếp, chị Thanh Vân bận bao nhiêu việc mà chu đáo thế, dặn dò mình tỉ mỉ từng li từng tí một.

Trong lúc chờ đợi Xuân Diện và Lã Dũng đi rút tiền mình và Hoa lập các danh mục hàng (quà) cần mua rồi hai chị em đi BigC mua sắm. Chao ôi! Có hai chị em mà bao nhiêu là hàng hóa, nào là măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương…rồi cả dầu ăn, nước mắm, mì chính…rồi cả bánh, mứt, kẹo… nghĩa là đầy đủ các thứ thường dùng  ngày tết cho cả mấy gia đình anh em nhà anh Vươn là những người bị hại. Trả tiền ở quầy thu ngân xong phải nhờ nhân viên BigC chở hàng ra cửa. Ngoài đó chị Trần Thanh Vân đã cho xe và lái xe của chị (chú Tuấn) chờ sẵn, mình cũng quen chú Tuấn rồi. Tuấn  bảo chị để em rồi giành khuân hết hàng lên cốp xe, cũng còn một vài thứ không mua được trong BigC đành mua bên ngoài vậy. Mình lên xe còn Hoa Hoa chỉ đi mua sắm chứ không tham gia đi xuống Hải Phòng được vì công việc lút đầu.

Xong việc mua sắm Tuấn cho xe về Viện Hán – Nôm đón bác Quang, Nguyễn Xuân Diện và  Lân Thắng đã đang chờ sẵn. Như vậy theo kế hoạch của “cơ quan đầu não” đã bàn và thống nhất thì chuyến đi này tất nhiên là bác Quang làm trưởng đoàn, thành viên gồm: Nguyễn Xuân Diện, Lân Thắng, Tuấn và mình. Đoàn bắt đầu khởi hành lúc 11giờ, mình định gọi Cường NO – U cùng đi nhưng lại thương em ý vừa đi lên miền núi Tây Bắc trao quà cho học sinh nghèo về vẫn còn đang mệt…

Xe ra khỏi thành phố bác Quang mới bình tĩnh trao đổi và bàn bạc với mọi người chương trình, đường đi nước bước của chuyến đi này. Điều mà mọi người lo lắng nhất là làm thế nào để đưa được quà đến cho các đối tượng đã được tất cả mọi người tin tưởng gửi gắm, bây giờ động tý là người ta nói đến hai từ “nhạy cảm”, ngay cả việc mang quà trao cho 6  người vừa lãnh đạo vừa là chiến sĩ CA và bộ đội của huyện Tiên Lãng cũng không phải là việc dễ dàng cứ muốn là được, rồi  còn khó khăn là đến với gia đình anh Vươn nữa chứ, được biết là ở đó người ta không hoan nghênh, còn đe dọa nhà báo  và những chuyện “can thiệp nội bộ” của địa phương, liệu rồi trên đường dẫn tới gia đình người thân đang cho vợ con anh Vươn và anh Quý tá túc có bị cản trở gây khó dễ gì không…Lo lắng bộn bề! Đúng như những băn khoăn của một bạn đọc trên blog Nguyễn Xuân Diện: Nghĩ mãi xem "phái đoàn" sẽ đến thăm các chiến sĩ CA và quân đội bị thương bằng cách nào? như thế nào? Làm sao để có thể gặp nhau thân tình vui vẻ? Làm sao để có thể vượt qua mọi nghi ngại cách trở để nói với nhau tình đồng bào ruột thịt chân tình ấm cúng? Làm sao để bày tỏ rằng đã cùng là người Việt, đã là con cùng một Mẹ Việt Nam thì luôn có thể hòa giải, thương yêu, đùm bọc nhau…Mấy bác cháu, chị em bàn bạc, đưa ra các tình huống có thể gặp và phương án xử lý.

Tôi có người quen làm ở UBND Tp Hải Phòng và Sở CA Hải Phòng nên biết các chiến sĩ CA và bộ đội bị thương nằm ở bện viện đã được ra viện cả rồi, nhưng 6 người này chỗ ở khác nhau. Bác Quang và mọi người thống nhất đối với 6 CA và bộ đội: Phương án 1 là đến Trụ sở CA huyện và Huyện đội Tiên Lãng để gặp lãnh đạo trao quà. Phương án 2, nếu phương án 1 vì khó khăn nào đó mà không thực hiện được thì phải tìm cách đến gia đình trao tận tay (ôi, thế này thì mệt lắm, mới nghĩ đến đó đã mường tượng được những khó khăn nối tiếp khó khăn…). Tôi có người quen một người làm to to ở UBND Tp Hải Phòng, tôi đã đặt vấn đề giúp chúng tôi trong việc trao quà  cho 6 CA và bộ đội bị thương, tối hôm trước đã nhận lời vui vẻ là sẽ đưa “phái đoàn” đến gặp lãnh đạo CA huyện và Huyện đội Tiên Lãng, sáng ra lại báo tin là bận công tác không đi giúp được (chả biết có phải bận không hay là tại vì hai chữ “nhạy cảm”), tôi đành phải gọi điện cho một thượng tá công an Sở CA Hải Phòng là người quen nhờ anh ta, bác Quang trao đổi tình hình qua điện thoại với anh thượng tá CA đó  (tất nhiên là không đả động gì đến việc “phái đoàn” còn có chương trình trao quà cho gia đình anh Vươn rồi, chả dại, nói chuyện đó ra là “tèo” ngay), anh vui vẻ nhận lời, được đà tôi nói luôn:

-   Anh ơi, em có chút việc riêng nhờ anh, anh sai lính của anh mua giùm em 4 cây(kg) giò lụa và 8 chiếc bánh chưng thật ngon nha! (Anh Ok liền)

Bác Quang và mọi người nghe tôi nói vậy tất cả cùng cười ồ, khen sao mà khéo thế, chả là khi mua sắm ở BigC theo danh mục đã kê thì còn thiếu giò lụa và bánh chưng cho các gia đình anh em nhà anh Vươn là chưa mua được (tuy biết là còn sớm nhưng hai thứ đó lại là hai thứ đặc trưng của hương vị ngày tết). Nguyễn Xuân Diện cười bảo “Thế này thì thật đúng là CA mua quà tết cho gia đình anh Vươn đấy nhé”.

Bàn đến việc gặp trở ngại khi đến với gia đình anh Vươn thì mọi người thống nhất nhanh chóng: Chẳng…khó khăn nào ngăn nổi bước ta đi.

Xong việc bàn bạc đề xuất các phương án và biện pháp xử lý mình thấy ruột gan đói cồn cào (lúc sáng nào đã kịp ăn gì đâu, dọn đồ ăn ra rồi chỉ mấy bố con ăn, mình sợ nếu ăn sẽ trễ giờ Diện hẹn) nhưng không dám kêu (“con gái” mà, ý tứ chút chút), vừa may lúc bây giờ không biết ai la: Đói lắm rồi, kiếm chỗ nào ăn đi. Thế là mọi người chăm chăm để ý hai bên đường đi xem có nhà hàng ăn uống nào không, chả thấy hàng ăn nào đã thế lại gặp ngay một tai nạn giao thông ở đâu đó mãi tít ở phía trước, tắc đường tới mấy km, nóng ruột quá, lại càng đói… Thế rồi mãi cũng qua, chả ai có lòng dạ nào để theo dõi sự cố tắc đường mất bao lâu.


Cũng phải đi tới đầu Tp Hải Dương mới có quán ăn, lúc bấy giờ cũng gần 2 giờ chiều rồi, tắc đường chết tiệt mất toi mấy tiếng đồng hồ mới về tới Hải Dương. Có chị Thanh Vân chi tiền ăn nên mình để Tuấn lái xe của chị “đi chợ” còn mình nhờ chủ quán đưa đi mua bao bì để đóng quà cho từng đối tượng vì bao nhiêu hàng mua xong Tuấn chỉ kịp chuyển tất cả lên cốp xe, đã đóng gói gì đâu! Mấy bác cháu, chị em ăn ngốn ngấu, như chưa bao giờ bị đói như vậy. Ăn xong mọi người vội vàng tập trung vào phân loại và đóng gói quà cho từng đối tượng, cả chị chủ quán và mấy người phụ việc cũng ra giúp một tay, vừa làm mọi người vừa nói cho chị chủ quán biết quà này chuyển tới tay những ai, chị cứ tấm tắc khen tấm lòng vàng của tất cả mọi người đã hảo tâm giúp đỡ người bị hại, chị cứ nhắc đi nhắc lại: Quí hóa quá, quí hóa quá! Chị bảo mọi người chu đáo cẩn thận thế, tôi sắm tết cũng không được hàng ngon như vậy.

Xong xuôi, lại tiếp tục hành trình. Qua cầu Phú Lương lại gặp tai nạn giao thông, thấy chiếc xe máy nằm đó tan nát cả, chả biết rằng người thì có ai bị chết không. Qua được đận này thư thả Ts Nguyễn Xuân Diện mới kế chuyện đi rút tiền buổi sáng gặp trục trặc chứ không được xuôi sẻ vì CMND của TS cũ bị hết hạn nên nhân viên ngân hàng nhất định không cho rút, đi tới mấy nơi mà không rút được mãi sau mới tìm được cách giải quyết.

Xuống tới Tp Hải Phòng, theo chương trình xe vào sở CA Tp Hải Phòng  trước để anh chàng thượng tá CA người quen đưa xuống Tiên Lãng. Gặp anh, anh nói: Anh có việc đột xuất không đưa cô và mọi người đi được. Chết tiệt, lại thế nữa, lại “nhạy cảm” hay cái gì đây? Nhưng rồi nghe anh nói: Anh sẽ cho một chiến sĩ CA dẫn đường, anh đã gọi điện xuống huyện CA báo trước rồi, mọi người cứ xuống sẽ có người đón tiếp, anh Mải Trưởng CA huyện bị thương cũng ra viện rồi, hiện đang ở cơ quan.

Xe lại tiếp tục đi, xe máy của cháu CA trẻ đi trước dẫn đường (Lân Thắng có chụp kiểu ảnh này),  tôi bảo Ts Nguyễn Xuân Diện gọi điện báo tin cho nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Vinh nhưng mọi người nói để qua cửa ải CA này đã, bây giờ đang căng thẳng nói chuyện không được bình tĩnh.

Đến Huyện CA Tiên Lãng, Tuấn lái xe thẳng vào cơ quan, thấy một số người đang đứng ở sân, theo kế hoạch thì tình hình dù có dở mình vẫn phải niềm nở, phải đạt được mục đích là trao được quà. Đề phòng tình huống xấu Lân Thắng  giấu máy ảnh mini của Diện trong người (không dám dùng máy khủng của Lân Thắng), Tuấn dùng điện thoại để chớp thời cơ chụp hình và quay phim, những người khác hãy cứ ngồi trên xe, tôi và bác Quang xuống trước trình bầy lí do chúng tôi tới, rất vui vẻ chúng tôi  được “chủ nhà”  mời vào phòng làm việc của  Huyện phó CA ( Huyện trưởng Mải đang bận họp ở đâu đó). Quá may là có hai chiến sĩ CA bị thương đang có mặt tại đó. Bác Quang phát biểu mục đích ý, nghĩa… hai bên chủ, khách trò chuyện vui vẻ, mọi người trong “phái đoàn” hỏi han trò chuyện với hai chiến sĩ CA  bị thương. Đến tiết mục bác Quang trao quà, mình nhanh nhảu đề nghị cho chụp ảnh kỷ niệm, không thấy ai nói gì thế là Lân Thắng và Tuấn nháy luôn (mà theo kế hoạch nếu có ai “nói gì” thì bọn hắn cũng vẫn cứ nháy luôn, hì hì…). Xong việc, bác Quang xin phép cho “quan họ trở ra về”, mọi người vui vẻ, nói như nhà văn Nguyễn Quang Vinh là cười như Liên Xô được mùa cá khô (he he).


Thừa thắng xốc tới  “phái đoàn” tiếp tục sang Huyện đội, cũng lại được tiếp đón niềm nở, lại  bày tỏ, lại cảm ơn, lại chụp ảnh (chỉ tiếc là không cơ hội được bố cục khi chụp ảnh). Xong việc, lại “cười như Liên Xô  được mùa vệ tinh”.

Ra khỏi Huyện đội, ngồi yên vị trên xe mọi người thở phào như cất được gánh nặng, tinh thần phấn chấn nói cười như xiếc, Lân Thắng và Tuấn kiểm tra các kiểu ảnh và phim đã chụp được, mọi người reo: Tuyệt vời! Còn việc đến nhà anh Vươn thì khỏi bàn rồi, mọi người đồng thanh hát “chẳng cản trở nào ngăn nổi bước ta đi, khí thế ta như sức mạnh thần kỳ…”, tuy thế mọi người vẫn nhắc nhở chú ý xem có bị ai bám đuôi không, Tuấn nói hình như không, với lại lúc bấy giờ trời cũng tối rồi chắc việc rắc rối cũng có thể ít hơn. Bác Quang gọi điện cho chị Thương vợ anh Vươn, được chị chỉ lối đến nhà người thân ở xã Tiên Hưng, cũng gần xã Quang Vinh. Tới xã Tiên Hưng thì trời tối hẳn, không thấy bị cản trở gì, có lẽ do chúng tôi đến đúng vào thời điểm là lúc nhá nhem tối nên không ai để ý, đi qua trước khu UBND xã Tiên Hưng thấy vắng tanh, chính quyền xã cũng không biết chúng tôi đến.

Đến nơi, vào trong nhà, tiếp chúng tôi là toàn đàn bà gồm mẹ anh Vươn , 5 cô con dâu và  trẻ con, thương lắm. Có lẽ phần vì cảm động trước nghĩa cử của mọi người, phần vì đang phải sống trong hoàn cảnh khốn khổ có lẽ ở nước ta từ trước tới giờ chưa ai từng nếm trải trừ anh em nhà người nông dân gì đó trong vụ Nọc Nạn năm 1928. Nhìn cảnh khốn khổ của mấy người đàn bà và trẻ con chúng tôi không ai cầm lòng được. Bác Quang, Ts NXD phát biểu những câu ân tình cảm động, nói đây là tấm lòng của những người quan tâm và cảm thương đến hoàn cảnh của gia đình, động viên mọi người bình tâm, toàn xã hội rất quan tâm, dư luận trong và ngoài nước đang lên tiếng mạnh mẽ hy vọng lẽ phải và sự công bằng sẽ đến với gia đình các chị. Bằng kinh nghiệm sống của mình bác Quang và Ts Nguyễn Xuân Diện ân cần dặn dò mọi người trong gia đình đủ mọi điều, bà mẹ 83 tuổi và các chị thỉnh thoảng lại nấc lên những tiếng nghẹn ngào, có lúc làm cho mọi người trong đoàn cũng không cầm được nước mắt…Gặp gỡ hồi lâu, nói chuyện hỏi han từng người, cả các cháu nhỏ, rất thương cháu Quỳnh con trai lớn của anh chị Vươn đang học lớp 11, tội nghiệp khi nhìn gương mặt cháu buồn lặng lẽ, cháu nói chuyện rất từ tốn và lễ phép… Mọi người trong đoàn cũng vẫn còn muốn lấn ná ở lại hỏi han, trò chuyện nhiều nữa nhưng nghĩ tới đoạn đường về còn xa và còn phải giữ gìn sức khỏe cho bác Quang và Ts Diện thì công việc còn bề bộn, thế là đành chia tay. Ra đến ngoài cửa tôi thấy thấp thoáng bóng người đàn ông lạ đứng ở cổng bên cạnh xe của chúng tôi, tôi hỏi chị Vươn, chị Quí các chị bảo không biết ai, ừ mà sao các chị biết được vì các chị đang ở nhờ người thân khác xã mà, tôi hỏi một cô em dâu là người ở xã đó thì bảo đó là em của CA xã, Lân Thắng có chụp được ảnh người đó.

Trên đường về mọi người vui vẻ quá, chuyến đi lúc đầu gặp nhiều trắc trở nhưng rốt lại là thành công mỹ mãn, tôi và Lân Thắng hát vang bài “Tiên Lãng ca” do Anh Chí chế dựa theo nhạc bài hát “Lên đàng” vừa post lên mạng, mọi người vỗ … chân đồm độp (hì hì). Sợ sẽ có trở ngại nên Nguyễn Xuân Diện không thông tin rộng rãi, Anh Ba Sàm biết ý nên cũng không “nói năng” gì. Chị Trần Thanh Vân theo sát từng bước đi, cũng có một số người được biết chuyến đi này nên thỉnh thoảng lại phone hỏi thăm tình hình trong đó có cả các luật sư, cả người nước ngoài cũng quan tâm gọi phone cho chúng tôi hỏi thăm xem có gặp trở ngại gì không? Ts Nguyễn Xuân Diện và Lân Thắng cũng muốn lên bài ngay, nhưng mệt quá  vừa vào mạng vừa ngủ gật nên chẳng thể có bài ngay được, cuối cùng Ts NXD đành phải mắt nhắm mắt mở (viết hoa lung tung, tôi có nhắc lỗi chính tả nhưng Ts bảo thôi kệ …) lên một bài ngắn để thỏa lòng mọi người đang mong đến đỏ mắt.

Chúng tôi về tới Hà Nội lúc nửa đêm, khoảng 12 rưỡi, bác Quang đi xe máy về nhà, Nguyễn Xuân Diện đưa Lân Thắng về rồi mới về nhà minh, tôi thì được em Tuấn lái xe đưa nhà, tôi về đến nhà là gần 1 giờ đêm, kết thúc chuyến đi thứ nhất đến với gia đình anh Vươn, sẽ còn những chuyến tiếp theo…

Sáng nay bận việc không vào internet, mấy người quan tâm biết số điện thoại của tôi cứ hỏi sao chờ mãi không thấy Nguyễn Xuân Diện lên bài tường thuật chuyến đi, tôi gọi cho Xuân Diện thì biết đêm qua về nhà em mệt quá, mấy đêm rồi em mất ngủ, cả sáng nay lại bận họp cơ quan, hay là chị viết giúp em đi. Tôi giãy nảy chị viết sao được, em quên chị là giáo viên dạy toán à, chị làm gì có chữ mà viết? Chị cứ viết đi – Ts Diện động viên. Nể quá, ừ thì chị viết em đọc thấy dở thì bỏ đi nhé! Ts NXD nói : Ok!

PS: Í, còn chuyện này quên chưa nói, mọi người trong đoàn thống nhất là sau khi xong việc với 6 chiến sĩ CA và bộ đội sẽ gọi điện báo tin cho nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Vinh nhưng rồi Ts NXD và chúng tôi có mấy cuộc điện thoại hỏi han tình hình không có thời gian để gọi cho nhà văn, đến gia đình người nhà anh Vươn tôi mới giục NXD gọi. Diện bấm máy rồi đưa cho tôi: Này, chị Hiền Giang nói chuyện với anh Vinh đi. Tôi cầm máy đúng lúc nhà văn bắt máy thì mẹ anh Vươn khóc ngất ngả vào người tôi nên tôi vội đưa máy cho Ts Diện, lúc đó Ts Diện cũng không nói được nhiều với nhà văn, nhà văn Nguyễn Quang Vinh có nhắn tin dặn dò…chúng tôi chỉ kịp đọc chớ không trả lời tin nhắn được.
H.G


25 nhận xét: