Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Xin đăng lại: Dương Danh Di nhớ lại đêm 17/2/1979

Thứ sáu, ngày 17 tháng hai năm 2012

DƯƠNG DANH DY: NHỚ LẠI ĐÊM 17 THÁNG 2 NĂM 1979


Ông Dương Danh Dy. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện

Nhớ lại đêm 17 tháng 2 năm 1979

Dương Danh Dy    

Tháng 9 năm 1977, tôi được lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam cử sang làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, chuyên làm công tác nghiên cứu.

Quan hệ hai nước Việt Trung, từ lúc tôi ở trong nước đã xấu, lúc này càng xấu đi từng ngày.

Dòng “nạn kiều” dưới sự kích động của nhà đương cục Trung Quốc vẫn lũ lượt kéo nhau rời khỏi Việt Nam, một phần về Trung Quốc một phần đi sang các nước khác.

Lấy lý do cần có tiền để “nuôi nạn kiều”, ngày 13/5/1978 lần đầu tiên nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã ký cho Việt Nam và rút một bộ phận chuyên gia về nước.

Không lâu sau đó, ngày 3/7/1978 chính phủ Trung Quốc tuyên bố cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước.


Xung đột biên giới trên đất liền, nhất là tại điểm nối ray trên đường sắt liên vận Hà Nội-Bằng Tường ngày càng tăng (có lúc có nơi đã xảy ra đổ máu).

Chuẩn bị tình huống xấu

Tháng 7 năm 1978 chúng tôi được phổ biến Nghị Quyết TW 4, tinh thần là phải thấu suốt quan điểm nắm vững cả hai nhiệm vụ vừa xây dựng kinh tế vừa tăng cường lực lượng quốc phòng, chuẩn bị tốt và sẵn sàng chiến đấu.

Tháng 11 năm 1978 Việt Nam ký “hiệp ước hữu nghị và hợp tác” với Liên Xô.

Đến tháng 12 năm 1978 mọi việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong đại sứ quán đã làm xong. Sứ quán nhận được máy phát điện chạy xăng (và đã cho chạy thử), gạo nước, thực phẩm khô đã được tích trữ đầy đủ, đại sứ quán mấy nước anh em thân thiết cũng nhận được các đề nghị cụ thể khi bất trắc xẩy ra…

"Tôi không bao giờ có thể quên vẻ mặt lỗ mãng và lời nói “bạo đồ” đầy giọng tức tối của ông ta (Đặng Tiểu Bình)"
Tôi được đồng chí đại sứ phân công đọc và lựa chọn các tài liệu lưu trữ quan trọng, cái phải gửi về nhà, cái có thể hủy.
Tháng 12 năm 1978 trong chuyến thăm mấy nước Đông Nam Á, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Đặng Tiểu Bình vừa hùng hổ vừa tức tối nói một câu không xứng đáng với tư cách của một người lãnh đạo một nước được coi là văn minh: “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”.
Tôi không bao giờ có thể quên vẻ mặt lỗ mãng và lời nói “bạo đồ” đầy giọng tức tối của ông ta qua truyền hình trực tiếp và tiếng người phiên dịch sang tiếng Anh là “hooligan” - tức du côn, côn đồ.

Rồi ngày 22 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc đơn phương ngừng vận chuyển hành khách xe lửa liên vận tới Việt Nam, rất nhiều cán bộ, sinh viên Việt Nam từ Liên Xô Đông Âu trở về bị đọng lại trong nhà khách sứ quán chờ đường hàng không và cuối cùng đến đầu tháng 1 năm 1979 đường bay Bắc Kinh Hà Nội cũng bị cắt.

Đầu tháng 1 năm 1979 quân đội Việt Nam bất ngờ phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, chỉ trong thời gian ngắn đã đập tan sức chống cự của bè lũ Polpot, tiến vào giải phóng Phom Penh. Đây cũng là điều mà Đặng Tiểu Bình không ngờ.

Lại một quả đắng khó nuốt nữa đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc này.

'Không đánh nhau không xong'

Cuối tháng 1 năm 1979 Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, được Tổng thống Carter đón tiếp với nghi lễ rất cao, hai nước quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao, và không biết còn bàn bạc gì nữa? Trên đường về nước Đặng Tiểu Bình ghé qua Nhật Bản.

Trước những tình hình trên, một số anh em nghiên cứu chúng tôi đã khẳng định khá sớm: hai nước anh em thân thiết như răng với môi này không đánh nhau một trận không xong! 

Lý trí mách bảo như vậy, thậm chí còn mách bảo hơn nữa: Trung quốc đã từng gây cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ và nhất là với Liên Xô và cả hai lần họ đều bất ngờ ra tay trước.

Thế nhưng về mặt tình cảm (bây giờ nhìn lại thì còn có cả sự ngây thơ, cả tin nữa) vẫn hy vọng dù chỉ là chút ít thôi: quan hệ Việt Trung đã từng gắn bó, sâu nặng như vậy, họ không thể một sớm một chiều trở mặt được.

Không nói tới những khoản viện trợ to lớn có hiệu quả, những tình cảm thân thiết như anh em trước đây, mà ngay trong những giờ phút căng thẳng này, tôi vẫn không thể quên được những việc làm tốt hay tỏ ra biết điều của một số cán bộ Trung Quốc:

Năm 1977, Nhà máy dệt Vĩnh Phúc do Trung Quốc viện trợ cho ta, sau một hồi chạy thử vẫn không hiện đúng màu nhuộm cần thiết, một kỹ sư Trung Quốc đã bí mật cung cấp cho ta bí quyết. Khi các chuyên gia Trung Quốc khác thấy kết quả đó, không biết do ai chỉ đạo, họ đã “xử lý” một cách tàn bạo, anh bị đánh tới chết.

Khi đoàn chuyên gia Trung Quốc thi công cầu Thăng Long bị cấp trên của họ điều về nước, một số đồng chí đã để lại khá nhiều bản vẽ, tài liệu kỹ thuật về chiếc cầu này cho ta. Tôi biết chiếc cầu Chương Dương do ta tự thiết kế thi công sau này đã dùng một số sắt thép do phía Trung Quốc đưa sang để dựng cầu Thăng Long.

Mặc dù khi truyền hình trực tiếp , Trung Quốc không thể cắt được câu nói lỗ mãng của Đặng Tiểu Bình: Việt Nam là côn đồ, nhưng báo chí chính thức ngày hôm sau của Trung Quốc đã cắt bỏ câu này khi đưa tin ( chỉ còn đăng câu “phải dạy cho Việt Nam bài học” , nghĩa là đỡ tệ hơn).

Chúng tôi đã làm gì?

Trong bối cảnh trên, cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu ngày 17/2/1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc - mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình, phát động, về tổng thể không bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng về thời gian cụ thể và nhất là về qui mô binh lực mà Trung Quốc sử dụng thì quả là không tính tới.

Sau này những day dứt về dự báo không chính xác trên đã có phần giảm bớt, khi được biết có một số cán bộ trung cấp và một số đơn vị quân đội Trung Quốc chỉ sau khi đã tiến vào lãnh thổ nước ta rồi họ mới biết là phải đi đánh Việt Nam.

10 giờ tối ngày 17/2/79( tức 9 giờ tối Việt Nam) tôi bật đài nghe tin của đài tiếng nói Việt Nam, không thấy có tin quan trọng nào liên quan đến hai nước, tôi chuyển đài khác nghe tin.

Khoảng 10 giờ 30 phút đồng chí Trần Trung, tham tán đại biện lâm thời( thời gian này đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh về Việt Nam họp) đến đập mạnh vào cửa phòng tôi: Dy, lên phòng hạnh phúc họp ngay, Trung Quốc đánh ta rồi! 

"Về mặt tình cảm (bây giờ nhìn lại thì còn có cả sự ngây thơ, cả tin nữa) vẫn hy vọng dù chỉ là chút ít thôi: quan hệ Việt Trung đã từng gắn bó, sâu nặng như vậy, họ không thể một sớm một chiều trở mặt được".
Ít phút sau, một số đồng chí có trách nhiệm đã có mặt đông đủ. Đồng chí Trần Trung phổ biến tình hình nhà vừa thông báo: sáng sớm ngày 17/2, bọn bành trướng Trung Quốc đã tấn công trên toàn tuyến biên giới trên đất liền ( 6 tỉnh của Việt Nam lúc đó) với qui mô 20 sư đoàn bộ binh.

Hai sư đoàn chủ lực của ta cùng với bộ đội địa phương và anh chị em dân quân du kích đang anh dũng chống trả.

"Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là dịch ngay bản Tuyên Bố của chính phủ ta ra 3 tiếng Trung, Anh, Pháp để phục vụ cho cuộc họp báo quốc tế sẽ phải tổ chức và để thông bào càng rộng càng tốt cho một số nhân dân Trung Quốc biết rõ sự thực."

Bộ phận dịch tiếng Trung, dưới sự chỉ huy của anh Thái Hoàng-Bí thư thứ nhất, gồm hai đồng chí Hoàng Như Lý, bí thư thứ ba và Chu Công Phùng cán bộ phòng chính trị, đã dịch văn bản một cách “ngon lành”; đồng chí Lê Công Phụng, bí thư thứ ba phụ trách phần dịch tiếng Anh cũng không vất vả gì; riêng phần tiếng Pháp, đồng chí Minh, phiên dịch tiếng Pháp do mới ra trường không lâu, nên có đôi lúc tỏ ra luống cuống.

Guồng máy dịch, in roneo, soát, sửa lại bản in nhanh chóng chạy đều, mọi người làm việc không biết mệt với lòng căm giận bọn bành trướng.

Thi thoảng mấy câu chửi bọn chúng như kìm nén không nổi lại khe khẽ bật ra từ vài đồng chí. Không căm tức uất hận sao được?

Khi chúng tôi hoàn thành công việc thì trời đã hửng sáng (đài BBC sau đó đã đưa tin, tối ngày 17/2/1979 toàn Đại sứ quán Việt Nam để sáng đèn).

Những người ngoài 40, 50 chúng tôi sau một đêm vất vả không ngủ vẫn tỏ ra bình thường nhưng riêng hai đồng chí Phùng và Minh đang tuổi ăn tuổi ngủ, tuy được đồng chí Đặng Hữu-Bí thư thứ nhất, tiếp sâm, nhưng vẻ mặt sau một đêm căng thẳng đã lộ nét mệt mỏi. Thương cảm vô cùng.

Tuy vậy, chúng tôi đã nhanh chóng bước vào ngày làm việc mới với tất cả sức mạnh tinh thần và lòng căm thù bọn bành trướng bá quyền, nước lớn.

Quá khứ 30 năm

Cuộc chiến tranh do nhà cầm quyền Bắc Kinh mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình gây ra, kết thúc đã 30 năm.

Sau khi bình thường hóa, quan hệ hai nước nhìn chung phát triển khá tốt.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh một điều, vì nghĩa lớn, chúng ta đã thực hiện đúng lời cam kết: không nhắc lại chuyện cũ. Nhưng ở phía bên kia, một số kẻ không biết điều, vẫn thường xuyên, xuyên tạc sự thật lịch sử, rêu rao, tự cho là đã “giành thắng lợi”, là “chính nghĩa”, là “Việt Nam bài Hoa, Việt Nam chống Hoa, Việt Nam “xua đuổi nạn kiều”, Việt Nam xâm lược Cămpuchia” v.v..

Cho đến hôm nay, một số cuốn sách lịch sử, sách nghiên cứu, không ít bài thơ, truyện, ký…vẫn nhai lại những luận điệu trên dù hai nước đã bình thường hóa quan hệ được gần hai chục năm. 
clip_image006

"Vết thương chung phải do cả hai bên cùng đồng tâm, thành ý chữa trị thì mới có thể lành hẳn". 
.
Tôi nghỉ hưu đã được hơn mười năm nhưng do vẫn tiếp tục nghiên cứu về Trung Quốc, nên thỉnh thoảng vẫn có dịp gặp các bạn cũ công tác tại Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước đây cũng như nhiều học giả Trung Quốc.

Không dưới một lần tôi đã thân tình và nghiêm túc nhắc họ: nếu các bạn chỉ nhận phần đúng trong những việc xảy ra trong thời gian trước đây, đổ hết lỗi cho cho người khác thì quan hệ Việt Trung dù ai đó có dùng những chữ vàng để tô vẽ cũng không thể nào xóa bỏ được những vết hằn lịch sử do người lãnh đạo của các bạn gây ra, quan hệ hai nước không thể nào thực sự phát triển tốt đẹp được, vì những hoài nghi lớn của nhân dân hai bên chưa được giải tỏa?

Mong rằng một số nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay nên nhớ chuyện sau: nếu không biết lời dặn của Chủ tịch Mao với đoàn cố vấn Trung Quốc khi sang giúp Việt nam thời kỳ chống Pháp: ‘Tổ tiên chúng ta trước đây đã làm một số việc không phải với nhân dân Việt Nam, các anh sang giúp nước bạn lần này là để trả nợ cho cha ông’; và nếu không thấy trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Thủ tướng Chu đã tới dâng hương tại đền thờ Hai Bà, thì chắc chắn những người Việt Nam thời đó không dễ quên được chuyện cũ để nhanh chóng hòa hiếu với Trung Quốc như sau đó đâu?

Vết thương chung phải do cả hai bên cùng đồng tâm, thành ý chữa trị thì mới có thể lành hẳn.

Chúng ta không nói lại chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải vì chúng ta không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên.
   
D. D. D.
Nguồn: bbc.co.uk


Nhớ ngày xuân này 33 năm trước

Xin được đăng lại một bài báo được ông  Dương Danh Di - cựu cán bộ đại sứ quán ta tại TQ- Giới thiệu trên NXD blog:


DƯƠNG DANH DY GIỚI THIỆU MỘT BÀI BÁO TRUNG QUỐC VIẾT VỀ 2.1979


Trong cuộc “đánh trả tự vệ” Việt Nam năm 1979:
Vì sao không chia cắt Việt Nam, thương vong khi rút về lớn hơn khi tấn công?
Lời dẫn của Dương Danh Dy: Nhân dịp 33 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung do nhà cầm quyền Trung Quốc lúc đó phát động, xin giới thiệu một bài viết được đăng trên một mạng chính thức của Trung Quốc.

Hy vọng đọc bài viết này bà con trong nước và kiều bào ở nước ngoài sẽ thấy rõ thêm “bụng dạ thật” của ngưòi láng giềng bốn tốt. Mong những ai còn mơ hồ, ảo tưởng hãy tỉnh ngộ.
                                                                                    Dương Danh Dy

Năm 1979, trong trận đánh trả tự vệ Việt Nam, quân đội Trung Quốc với thế  nhanh chóng tấn công, quân Việt từng bước tan rã, quân đội Trung Quốc nhắm thẳng Hà Nội. Sau đó Trung Quốc tuyên bố trận đánh đã đạt mục đích, tự rút quân về nước.

Lâu nay chúng ta luôn tuyên truyền và miêu tả rằng chúng ta đã thắng lợi  và Việt Nam đã thất bại, nhưng cùng với thời gian những văn kiện của chính quyền và tư liêụ của Việt Nam cho thấy, cuộc chiến này không lạc quan như tuyên truyền trước đây, trong đó có nhiều bài học nặng nề đau đớn khiến chúng ta không thể không phản tỉnh một cách sâu sắc.

Thứ nhất, kỷ luật quân sự nghiêm túc đã làm quân ta phải trả giá trầm trọng.

“Ba kỷ luật lớn, tám điều chú ý” mà quân đội ta giữ nghiêm đã phát huy tác dụng lớn trong cuộc nội chiến Quốc, Cộng là vì qua đó đã thể hiện được chính nghĩa, công bằng của quân đội ta, thế nhưng khi chúng ta vào Việt Nam đánh quân đội và chính quyền Việt Nam mà vẫn thực hiện “ba kỷ luật lớn tám điều chú ý” là tự trói chân chói tay mình lại, hy vọng dùng những cái đó để tranh thủ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân Việt nam thì chẳng khác gì đàn gẩy tai trâu, tự chuốc lấy nhục. Nhân dân Việt Nam không phải là công dân Trung Quốc, làm sao họ có thể gần gũi quân đội nước ngoài đánh vào đất nước họ? Khi quân đội chúng ta gần gũi và yêu mến dân chúng Việt Nam, dân chúng Việt Nam thù địch Trung Quốc và quân đội Việt Nam ở lẫn trong đó  sẽ tìm cớ hạ độc thủ quân đội Trung Quốc, và số quân dội Trung Quốc bị hy sinh bởi phưong thức này không thể đếm được, có đau thưong không?

Chiến tranh là chiến tranh, nhất là chiến tranh giữa các quốc gia, anh không thể hy vọng nhân dân nước khác đánh trống khua chiêng hoan nghênh anh xâm chiếm người ta, đó chẳng qua chỉ là trò bịt tai đi ăn cắp chuông, tự lừa dối mình và lừa dối người.

Thứ hai, không quân phát triển trì trệ, lạc hậu không có sức công kích.

Đánh trả tự vệ Việt Nam cực kỳ ác liệt, khi bộ đội mặt đất khó tiến công về phia trước, lục quân mong mỏi nhất là có sự chi viện mạnh mẽ của không quân, thế nhưng trong lúc mỏi mắt mong chờ, không quân Trung Quốc vấn im lặng. Trong khi đó không quân Việt Nam đã khiêu chiến trước nhưng trước số lưọng máy bay Trung Quốc đông gấp nhiều lần chúng dã bỏ chạy, ta bắn tên lửa đuổi theo nhưng không trúng. Có bắn rơi máy bay địch nhưng là công của bộ đội mặt đất.

Vì sao không quân Trung Quốc lại quẫn bách như thế? Một mặt không quân chúng ta thiếu thiết bị định vị, không có nó tên lửa không thể bắn trúng mục tiêu. Một mặt là do ảnh hưỏng của cách mạng văn hoá lâu dài, không quân không bay đủ  giờ bay huấn luyện, khi huấn luyện lại giảm các tiết  mục bay khó… cho nên không có phi công giỏi

Thứ ba, hải quân Biển Đông lúc đó còn chưa phát triển. Cuộc chiến hoàn toàn diễn ra trên lục địa Việt Nam. Đánh Việt Nam vừa để dạy bài học, vừa thu hồi lãnh thổ bị chiếm, vùng gần biên giói trên bộ bị Việt Nam chiếm giữ đã thu hồi hết cớ làm sao không thu hồi các đảo, bãi trên Biển Đông bị Việt Nam chiếm giữ? Chẳng lẽ lo rằng chiến sự sẽ leo thang vô hạn ư? Chẳng phải là hai nước đã đánh nhau toàn diện rồi ư? Chẳng lẽ đó không phải là đảo, bãi của ta? Thế mà chẳng phải là chúng ta vẫn luôn kêu gào rằng đó là lãnh thổ thần thánh không thể xâm phạm của mình?

Điều giải thích duy nhất là hải quân của chúng ta chưa đủ, không chỉ chưa đủ để đánh lùi hải quân Việt Nam chiếm giữ đảo bãi của ta mà còn khó có thể đóng giữ ở đó, đánh lùi được kẻ địch tới xâm phạm. Điều khiến người ta lấy làm tiếc là các đảo bãi trên Biển Đông dưòng như đã bị các nước láng giềng xung quanh chia nhau chiếm hết rồi. Cho đến nay hải quân của chúng ta vẫn chưa dùng tới sức đã có của mình để giải phòng và bảo vệ các đảo, bãi thiêng liêng đó.

Thứ tư, sức ép bên ngoài thúc giục rút quân, tổn thất trầm trọng.

Khi quân đội ta đã tiến gần Hà Nội, dưói sức ép của thế lực quốc tế đứng đầu là Liên Xô, chúng ta không chỉ tuyên bố đình chỉ tấn công, mà còn công khai tuyên bố lập tức rút quân. Nhà đưong cục Việt Nam đang lúc kinh hồn hoảng sợ đã lập tức tuyên bố phản công toàn tuyến, quân đội Trung Quốc đang ở thế vừa công vừa thủ  nên so với lúc tấn công đã bị thưong vong nặng nề.

Đó là một sai lầm chính trị và quân sự to lớn, trước khi rút quân đã tuyên bố rút sẽ khiến kẻ thù dễ dàng có thời gian và không gian chuẩn bị phản kích, địch có chuẩn bị còn ta thì không, địch thong dong mà chúng ta vội vã, không bị thương vong lớn mới là chuyện lạ.

Thứ năm, chia cắt Việt Nam để mất thòi cơ tốt.

Đánh Việt Nam chúng ta chỉ muốn dạy cho nhà đưong cục Việt Nam một chút, nên quân gần đến Hà Nội đã vội vàng rút quân. Cho dù chúng ta đã đánh vào vùng đất hiểm của Việt nam, đã là xâm lựoc rồi sao còn cố sống cố chết giữ lấy cái mặt nạ chính nghĩa, tự cho mình là những đấu sĩ chính nghĩa. Quân đội đã tới gần Hà Nội, một nửa Việt Nam đã ở trong tay chúng ta, giả sử chúng ta không muốn tiếp tục tiến nữa để hoàn toàn tiêu diệt nhà đương cục Việt Nam, thì cũng nên gây dựng một chính quyền Việt Nam thân Trung Quốc. Sau khi dựng nên một chính quyền Việt Nam thân Trung Quốc rồi sẽ vũ trang, viện trợ và ủng hộ nó giải phóng toàn Việt Nam, hoặc nhân đó chia ra nam bắc để trị, chia cắt Việt Nam thành hai nuớc.

Một khi điều đó xảy ra, một chính quyền Việt Nam thân Trung Quốc, hoặc một chính quyền Bắc Việt Nam thân Trung Quốc sẽ trở thành láng giềng hữu hảo của Trung Quốc, không chỉ một lần ra tay, có thể giải quyết xong vấn đề lãnh thổ và chủ quyền của Việt Nam mà còn có thể từ một cú đánh, đập tan hành vi bá quyền của Việt Nam tại Đông Nam Á. Đáng tiếc là chúng ta đã không có tính toán đó, không có chiến lược đó,  nói làm gì đến chuyện có sự chuẩn bị trước.

Đánh trả tự vệ đã hơn ba mưoi năm rồi, cục diện quốc tế đã mấy lần bãi biển nưong dâu, bộ mặt Trung Quốc cũng mấy lần đổi mới , Trung Quốc không còn là Trung Quốc ngày xưa nữa.

Thế nhưng cần tổng kết quá khứ, để nghênh đón tưong lai. Từ trong sai lầm lịch sử chúng ta phải tìm ra trí tuệ mới…, xây dựng quốc phòng hùng mạnh, xây dựng một nước Trung Hoa quật khởi và hưng thịnh
                                                                 Dương Danh Dy(gt)

Nguồn China.com ngày 20/2/2011( Võng thưọngđàm binh: đối Việt phản kích chi cảm: vi hà bất chi giải Việt Nam, tán thoái tỷ tấn công thương vong đa).
*Bài giới thiệu do Ông Dương Danh Dy gửi trực tiếp cho NXD-Blog.


Xin cảm ơn bác Dương Danh Di và NXD blog

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Ngày xuân đọc lại Hương Quỳnh (PIII)

AI VỀ PHÚ THỌ
        Lê Xuân Hường CN CLB Hương Quỳnh


Mải miết công lênh chốn viễn phương
Xuân về lòng lại nhớ quê hương
Đền Hùng mộ tổ bao xao xuyến
Chùa cổ Thiên quang những vấn vương
Mạo phổ tưng bừng mừng lễ hội
Sông Thao lấp lánh ánh trăng sương
Ai về Phú thọ cho tôi gửi
Một chút tâm tình tới cố hương
                      Xuân Kỷ mão




CHIỀU MƯA
        Tuyết Vinh


Em đi bên anh chiều mưa
Trận mưa chiều ấy bất ngờ làm sao
Mưa xối xả, mưa ào ào
Nghiêng đầu em đứng nép vào bên anh


Hiên nhà không chủ vắng tanh
Chỉ hai đứa mình đứng nép bên nhau
Hơi thở anh ấm mái đầu
Hạt mưa nhòm trộm rủ nhau xối hoài


Thạch sùng tấm tắc bên tai
Ngó ngiêng ngơ ngác, hiên ngoài vẫn mưa
Chim sẻ vụt đến bất ngờ
Rủ nhau về tổ kẻo mưa còn dài


Chiều mưa chẳng hẹn cùng ai
Chỉ tình yêu muốn có hoài chiều mưa




HỎI LÒNG
       Đặng Thế Tê


Hay chăng một tứ thơ nghèo
Đủ làm ấm lại sắc chiều cuối đông
Hỏi lòng lòng có lạnh không
Hỏi người người có còn trông hỡi người


Hay là mấy độ đầy vơi
Hay là vật đổi sao dời dễ thay
Truân chuyên chung đúc tình này
Dẫu qua năm tháng dám lay chuyển lòng




NẬM NGỪM
      Nguyễn Thanh Trà


Thôi đành bỏ lại Viên chăn
Bữa cơm trưa, bãi cỏ xanh nước Lào
Váy xòe dáng mới đẹp sao
Hững hờ mảnh vải quấn vào như không


Rượu mới nhấp đã nao lòng
Trời xanh cứ ngỡ như không phải trời
Rừng trưa dậy tiếng ve sôi
Chỉ thấy em, chẳng biết trời đất đâu


Mắt em chẳng dám nhìn lâu
Sợ chết đuối giữa hồ sâu Nậm Ngừm

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

RCYT: 02. CON CHIM CHÍCH CHÒE

      Con chim chích chòe bay vút lên chót ngọn xoan. Trên tít cao nó ưỡn ngực quay nhìn bốn phía. Nó nổi rõ giữa trời bởi những cành xoan còn trụi lá. Không hề sợ hãi, nó kiêu hãnh ngước nhìn trời xanh và cất tiếng hót líu lo.
     Bỗng nhiên tôi thèm, trong đời, có một lần được đứng ở đỉnh cao như thế, ung dung kiêu hãnh, không phải để làm gì, mà chỉ để say sưa hát lên một bài ca.

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

NHỚ LÊ ĐÌNH MÙI

Năm hai ngàn lẻ tư
Mặt đất vắng một bóng người đi như bổ củi
Đời như thể càng thêm hối hả

Bạn bè vắng một tiếng thơ
Vắng một tiếng cười tở mở
Đời như thể càng ầm ào thêm nữa

Nơi đâu dấu lặng tâm tình
Nhớ Mùi
Ngước nhìn cao xanh

Hình như có giọt nước mắt
Bốc hơi lên trời
Làm mây ngũ sắc


NGÀY XUÂN ĐỌC LẠI HƯƠNG QUỲNH (PII)

XEM HOA QUỲNH NỞ
               Nguyễn Văn Hòa


Bác mời xem quỳnh nở
Tam bôi tửu ngà ngà
Hương quỳnh đưa thoang thoảng
Lại thành tên hội thơ


Dẫu biết tài mình đoản
Vẫn mạnh dạn mở đầu
Âu cũng là cảm xúc
Hương quỳnh trong lắng sâu


Đêm ngắm hoa quỳnh nở
Như thực lại như mơ
Góp một làn cảm tác
Mừng bác - Mừng hội thơ
                         1997




TÌNH NGHĨA
            Lê Đình Mùi


Uống với nhau vài móng
Rượu nghĩa rượu tình sâu
Nhắm với nhau vài cuộng
Muống luộc chấm xì dầu


Có vị gừng vị tỏi
Quyện vị rượu nồng cay
Mặt soi mặt tở mở
Vị đời dâng no đầy


Uống với nhau vài móng
Rượu nồng ghi ơn nhau
Lúc no nhớ lúc đói
Khi giàu không quên nghèo


Nhắm với nhau vài cuộng
Húp với nhau thìa canh
Cấy trong nhau sâu nặng
Của yêu thương ngọt lành






TÔI SAY
            Nguyễn Tiến Nội


Bồng bềnh rồi lại bồng bềnh
Có ai say?
      Chỉ một mình tôi say?


Trước em - Hương cứ ngất ngây
Xin em đừng tới...
               thân này chịu thôi!


Chẳng đừng say nữa là tôi
Hương Quỳnh...
                   Em
                         Và cả đất trời...
                                          Ai say?




LÚNG LIẾNG CÁI NHÌN
                      Đào Sính


Xuân đi lúng liếng cái nhìn
Đánh rơi con mắt trong tim một người
Tình bằng ai hát lưng đồi
Thương ai con mắt nói lời con tim.






LẮNG NGHE
              Hà Tân


Lắng nghe 
         ngọn gió mơ màng
Thổi hanh hao nắng nhuốm vàng 
                                                trời thu
Lăng nghe
         xa tiếng chim gù
Buồn ai khắc khoải lời ru 
                                ngọt mềm...
Lắng nghe 
           quỳnh nở hương đêm
Ngoài kia mưa, nước hiên thềm 
                                              giọt rơi
Lắng nghe
            động bước chân người
Xạc xào vườn gió, buồn rơi 
                                       canh tà...



Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

NGÀY XUÂN ĐỌC LẠI GƯƠNG QUỲNH

       LỜI TỰA  HƯƠNG QUỲNH I 
            Nhà văn - anh hùng lao động Sơn Tùng:


    Thơ là tiếng nói tri âm. Nên chi kẻ thù của thơ là sự phàm tục, bạo quyền, là dối trá, xu phụ kiếm chác. "Cỗ quan tài của thi nhân rải đầy hoa hồng thắm. Nấm mồ của tên bạo chúa đầy những máu tanh". (Le cercuil du poẻtea ertait jonchi de róe. La tombe du despote ertait pleiue de sang.)
     Đọc Hương Quỳnh tôi nhận được những tiếng tri âm "Ai tri âm đó mặm mà với ai". Mỗi bài thơ của mỗi tác giả trong một vườn Quỳnh đều tỏa ra cái hương Thương, hương Nhớ, hương Đau, hương Buồn, hương Vui và Khát vọng, và một mối tình Thanh khiết đầy chân thật.
     Cổ nhân đã từng ghi tạc: "Thi hữu khả giải, bất khả giải, nhược kính hoa thủy nguyệt, vật nệ kỳ tích khả dã"(*)  
                            Ngõ Văn - Xuân Mậu dần.
              (*)Thơ có câu giải được, có chỗ không giải được như hoa trong gương, chớ câu nệ ở hình thức cầu kỳ.




     SAY
       Nguyễn Trọng Bảo


Bạn bảo rằng say! đâu đã say!
Say mà chưa bỏ những điều hay
Tâm tình em hẹn... Chân không mỏi
Xướng họa thơ mời... Bút múa ngay
Đèo dốc đôi khi còn muốn vượt
Mây trời lắm lúc vẫn mơ bay
Người đời ví thử đều say thế
Quỷ ác ma tà hẳn bó tay!




        MỘT NỬA
             Nguyễn Lâm Cẩn


Sông xanh một nửa 
đục ngầu
Bắc qua một nửa chiếc cầu
mong manh
Mòn đời một nửa
không anh
Hạt gieo một nửa
đâu thành chồi non
Trái tim một nửa 
héo hon
Bàn tay nửa sấp
chỉ còn số âm
Miệng còn nửa nói
nửa câm
Lỗ tai nửa điếc
nói thầm chi nghe
Mắt nhìn một nửa
mây che
Cái tâm nửa cụt nửa què
hố sâu
Niềm tin một nửa
về đâu
Nửa con cá gỗ
tình câu phận nghèo.
             HN 2006


         UỐNG RƯỢU Ở QUÊ
                          Nguyễn Lâm Diệm


Nhấp chén rượu lên môi
Mắt mình trôi dưới đáy
Đặt chén rượu xuống rồi
Thấy mình lơ lửng cháy
                        2003


          THƯƠNG THẰNG BẠN
                          Lê Ngàn


Mấy thằng bên ấm trà ngon
Bữa cơm thanh đạm vợ con cùng ngồi
Bỗng dưng nhớ quá Tiện ơi!
Quên làm sao được một thời thân thương

Hai thằng mỗi đứa một phương
Cùng ngày nhập ngũ, cùng đường hành quân
Chặng đường bao nỗi gian truân
Băng qua, xốc tới, xả thân sá gì

Tiện này: Trước lúc ra đi
Vợ con em út có gì hay chưa
Tiện cười răng trắng mà thưa:
-Đánh xong giặc đã vẫn chưa muộn gì

Xông vào trận đánh cùng đi
Giặc ta, lại chẳng được về cùng nhau
Môi tao hằn nốt răng sâu
Mày nằm tao để hướng đầu về quê

Giờ đây tao đã trở về
Thương mày - thằng Tiện lập quê chiến trường.


            LẶNG THẦM 
                          Ngô Minh Hằng


Thế là ngày đã cạn
Thôi đành ... em qua sông
Đành rời xa bến mộng
Dẫu sông kia chưa tường

Từ nay chia đôi nẻo
Anh ở lại bình yên
Em về nơi sóng gió
Chênh vênh
          Một thân thuyền

Khuya! bến bờ lạnh vắng
Biết anh còn dỗi trông
Bao lời không thể ngỏ
Nén, dồn, cuộn bão giông.

                                       
 

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

NGÀY THƠ NHỚ BẠN Ở HƯƠNG QUỲNH

     Ngày thơ, ngồi nhà, nhớ bạn ở CLB Hương Quỳnh, nhớ cái ngày đầu ngắm quỳnh và đọc thơ cho nhau nghe mà nghĩ đến một nhóm thơ, một hội thơ, rồi đặt tên HƯƠNG QUỲNH. Hôm ấy có mấy anh em. Giờ nhìn lại thì Nguyễn Kim Hùng và Lê Đình Mùi đã rời cõi tạm.
    Xin lên trang vài bài thơ của hai anh cho thêm niềm nhớ:

                 MỘT THOÁNG NHÌN
                                Nguyễn Kim Hùng


          Cô gái trăng tròn nửa tỉnh quê
          Thướt thơ trong nắng bước đi về
          Nghiêng nghiêng vành nón chờ ai đó
          Một thoáng nhìn nhau chẳng muốn đi


         Đánh bạo gần hơn: em về đâu
         Mắt cười e thẹn chẳng nhìn lâu
         Mà sao như thể quen nhau lắm
        Thổn thức con tim cũng bắt đầu.




          BỜ MÔI EM
                         Lê Đình Mùi


       Chín mọng bờ môi em, khô khát cả biển đời
       Mặn nồng quá dạt dào ngây ngất quá
       Như bốc lửa tự bờ môi bốc lửa
       Có nổ tung anh hỡi lửa đắm hồn đời


      Chín mọng bờ môi em xô nghiêng ngả vách trời
      Cụ thiên lôi cũng ngẩn ngơ tầm sét
      Đấng cao xanh thoáng nhìn đã mây mưa mắt
      Bầy tiên lén xem soi lại ngọc ngà


      Chín mọng bờ môi em cõi tuyệt dạt dào hoa
      Ngây ngất gió ngát đượm nồng hơi ấm
     Tự xấu hổ lũ mây chì mây xám
     Thiên hạ quang quẻ vén màn nồng
                  đón điệu thức mọng bờ môi em.

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

RCYT: 04. XUÂN TÌNH RẠO RỰC TRONG RỪNG

      Ngọn gió ban mai rời rợi mát như vòng tay của cô bé Thiên Nhiên ùa đến đón tôi. Và tôi còn nhận ra trong không gian hương thơm thoang thoảng của Nàng.
     Tôi đi sâu vào rừng theo hẻm núi, còn gió mát và hương thơm của Nàng thì lại từ phía ấy mà đến với tôi. Cho tới một lúc gió lặng và cả không gian thơm nồng lên. Tôi cảm như mình đang chìm ngập trong hương thơm đọng mật. Tôi bỗng nghĩ hương thơm sánh vàng mật ong, còn tôi thì đang uống, không còn là hít thở nữa, mà là đang uống, uống say, mê mê.
     Vừa lúc ấy thì con mang cái toác lên rất to. Tiếp liền là tiếng con mang đực toác bé hơn và hơi khùng khục. Chúng đuổi nhau trong rừng. Chúng đang say trong niềm vui của bản năng tái tạo vĩnh hằng. Có lẽ chúng quên trời đã rạng lắm rồi. Bỗng nhiên con đực toác lên mấy tiếng rồi chạy biến đi. Con cái vẫn thong thả bước. Nó vừa đi vừa toác lên thật to như thể gọi với. Nó đi đến gần tôi. Tôi ngồi im và nó đi ngang qua. Tôi trông rõ lắm, nhưng tôi vẫn ngồi im.
     Khi chúng nó đi hết cả rồi, tôi ngước nhìn lên, thì... Ôi! cả một rừng hoa dẻ nở vàng. Cành dẻ là là thấp. Hoa dẻ cuống dài lỏng buông xuống dưới. Phải ngồi thấp xuống mà ngước nhìn lên mới thấy. Lạ nữa là màu vàng thường sặc sỡ, nhưng màu vàng hoa dẻ thật nền, thật dịu, pha một chút sắc xanh lẫn vào với lá. Ngược lại hương hoa dẻ thật thơm, thơm đến nồng nàn. Có phải thế chăng mà sáng nay tôi hơi mê mê trong cái dịu mát đầu xuân được ướp hương thơm nồng mà vụt quên không kịp nhận ra hoa dẻ.
    Rừng đã sáng bừng lên. Cả hẻm núi cũng đã sáng bừng lên. Gà rừng gáy vang trên đỉnh. Một đôi sóc đang đuổi nhau trên cây và luôn kêu lên: cọoc cọoc... 
    Thiên nhiên hôm nay rạo rực quá. Không một con vật, không một bông hoa nào nhận ra sự hiện diện của tôi. Có lẽ chúng cũng quên luôn chính mình. Trong tôi vụt lóe lên một ý nghĩ nào đó, nhưng không sao nắm bắt được, nó cứ tuột đi. Tôi cố gắng tìm lại ý nghĩ đó, nhưng không sao tìm lại được. Và một ý nghĩ khác lại vụt đến. Hình như tôi có loáng thoáng nghĩ là: Nếu như có ai đó đích thực nhòm thấy tôi sáng nay ngồi im, lâu, rất lâu, mà không bắn một phát súng nào, thì họ sẽ cho tôi là loại người gì. Có thể nhờ thế mà họ không bao giờ tống cho tôi một quả, hay ngược lại, họ sẽ xem tôi như một con mồi...
       Đến lúc có người đi chọi gà rừng ngang qua, chào tôi, thì tôi mới sực tỉnh. Ta phải về thôi, tôi tự nhủ. Thiên nhiên hôm nay phải là của chính thiên nhiên. Rừng là của rừng. Còn tôi thì, hoặc là thoát ra rồi, thiên nhiên không thừa nhận, hoặc là hòa rồi, tan ra rồi, không nhận ra mình giữa thiên nhiên nữa. Dẫu sao thì trong cái say mê rạo rực của sáng xuân này, tôi cũng xin Nàng Xuân một nhành hoa dẻ. Và chắc chắn trong lớp của tôi, sáng nay thể nào cũng có trò mang hoa dẻ đến.
                                                           1984

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

NHỮNG NGƯỜI VÔ SẢN NHẤT

Hàng triệu công nhân trên các đại công trường
Và trong các khu công nghiệp
Rời xa quê hương
Sống không gia đình họ tộc
Không tấc đất cắm dùi
Không nhà ở, không bệnh viện và không trường học
Càng không có tư liệu sản xuất
HỌ LÀ NHỮNG NGƯÒI VÔ SẢN NHẤT
Họ đang bị tư bản nước ngoài bóc lột
Ngay trên đất nước mình
Mà không biết kêu ai
Họ không được đình công, không được biểu tình
Không có quyền tự bảo vệ
Họ cũng không có người đại diện
Không có tổ chức công đoàn
Không đoàn thanh niên
Không hội phụ nữ
Không biết họ có không chi bộ?
-  Rằng không!
Vậy có còn không đảng tiền phong của giai cấp công nhân
Đảng của những người vô sản
Vậy có còn không đảng của chúng mình
Đảng cộng sản

    *****                                    
       Bài này tôi viết từ hồi mới rộ lên những khu chế suất, những khu công nghiệp, nhưng tôi chưa đọc cho ai nghe. Duy nhất, chỉ có Tổng bí thư là người có thể đã đọc bài này, nếu ông có xem bức thư tôi gửi cho ông ngày 4 tháng 8 năm 2011.
     Nay nhân ngày thành lập đảng tôi lên trang riêng bài này, như một lời từ đáy lòng của một đảng viên già.