Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

NHỚ LÀNG


Những gốc đa cổ thụ trên bốn hướng vào làng
Giờ không còn nữa
Con đường thụt hố chân trâu giờ thì đổ nhựa
Thượng nguồn rừng xanh không còn
Dòng sông chảy qua làng đã cạn
Còn tôi thì cũng đã già
Và em cũng đã lên bà…

Vui ư, buồn ư – thật không biết nữa
Nhiều khi nhớ làng
Nhớ  rú nhớ cồn
Nhớ đồng nhớ bại
Lắm lúc thèm được bơi được lặn
Bắt con tôm con cá bống chân cầu
Thèm được cưỡi lưng trâu
Nằm dưới gốc đa ngửa mặt lên trời chim hót
Thèm được ăn con dam con ốc
Vùi trong tro bếp lửa đầu truông…

Bao nhiêu năm tha phương
Nhớ làng mà không về được
Mảnh đất cha ông vào tay người khác
Anh em bà con rời làng đi hết
Thế rồi có hôm mong ước
Như xưa mà trở về làng
Rồi có một ngày về được
Đúng là làng của mình đây
Nhìn quanh cay cay mí mắt
Vườn xưa có phải nơi này…


(Mượn hình ảnh cây đa của Doãn Trần, Xin cảm ơn)

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Cùng bạn tập dưỡng sinh:P2- Đầu óc trống rỗng

Đầu óc trống rỗng theo nghĩa thông thường là không có chút tri thức gì,  cũng có thể như là đờ đẫn mệt mỏi, mất hết khả năng tư duy phán đoán, và cũng có thể là năng lực trí tuệ bị hạn chế… Ở đây chúng tôi muốn hiểu đầu óc trống rỗng theo nghĩa khác. Ấy là hình thức nghỉ ngơi tích cực, là trạng thái thư giãn tối đa của hệ thần kinh trung ương, đặc biệt ở phần vỏ não.
 Thường thì đầu óc chúng ta không hề nghỉ ngơi. Ngay cả trong giấc ngủ những cơn mơ vẫn thường xẩy ra, có khi rất rùng rợn, làm cho ta giật mình hoảng sợ. Còn khi thức thì trong đầu hết nghĩ chuyện nọ lại bắt sang chuyện kia, chưa hết điều A đã qua điều B. Cứ thế suốt phút giây này qua giờ khắc khác, hết tháng này qua năm khác, không lúc nào ngưng. Đấy cũng là điều mà nhà Phật gọi là tạp niệm. Những tạp niệm ấy làm cho ta tổn hao rất nhiều năng lượng, rất nhiều trí lực và cả thời gian nữa mà không đạt được một kết quả gì. Nhiều khi cái sự nghĩ ngợi lung tung theo kiểu “cái tâm con khỉ’  còn làm cho ta mất tập trung tư tưởng khiến công việc không thành, hoặc mắc phải những sai sót, sơ sểnh không đáng có.
      Đầu óc trống rỗng là khi ta bỏ qua những tác động bên ngoài tâm và thân, để gần như là không nghe, không thấy; cũng là khi tự mình giải thoát khỏi “tham - sân - si”, khỏi mọi “hỉ - nộ- ái - ố”, khỏi mọi lo toan tính toán, khỏi mọi oán hận thù hằn, khỏi mọi khổ đau ham muốn…
Tập dưỡng sinh với phương châm đầu óc trống rỗng là cốt để tránh những điều bất lợi trên đây. Nó giúp cho thần kinh được thư giãn, khối óc được nghỉ ngơi, kéo theo sự thư giãn của các cơ bắp, phủ tạng và ngược lại. Đầu óc trống rỗng còn để hạn chế đến mức thấp nhất sự tiêu hao năng lượng; Để cho các tế bào thần kinh được phục hồi nhằm cải thiện trạng thái tinh - thần kinh cũng như trạng thái tâm  lý; Để con người hòa đồng cùng mọi chúng sinh, cùng thiên nhiên đất trời và vũ trụ; Cũng là để xóa các thông tin xấu khỏi bộ nhớ, để làm sạch thân và tâm, tạo cơ hội cho các thông tin bổ ích được ghi nhớ tốt hơn và được tìm kiếm một cách dễ dàng hơn. Ấy cũng là cách “học quên để nhớ cho nhiều” như một thi sĩ đã viết.
Đầu óc trống rỗng còn giúp cho ta có được hơi thở điều hòa theo đúng nhịp sinh học mà không bị tác động của vỏ não và cũng chỉ như thế thì ta mới có thể để tâm một điểm trong quá trình tập luyện dưỡng sinh cũng như trong công việc hàng ngày, ngỏ hầu đạt được thành tựu tốt nhất.
      Tiếc nỗi cái tâm náo loạn và cái đầu ngổn ngang trăm mối kia đã ngự trị trong ta quá lâu, dường như là thường trực, đến mức ta không còn nhận ra, hoặc mặc nhiên xem như là một thuộc tính bất biến của con người, nên việc đưa đầu óc về trống rỗng quả là không dễ, phải kiên nhẫn lắm thì mới tập được vậy.



Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Xin được tải về: Không có gì quý hơn lòng yêu nước


Không có gì quý hơn lòng yêu nước

Nhà văn Hoàng Lại Giang *
16-05-2012
LÒNG YÊU NƯỚC LÀ BẢN CHẤT CỐT LÕI ĐỂ TỒN TẠI CỦA MỌI DÂN TỘC
LÒNG YÊU NƯỚC của nhân dân Việt Nam hôm nay là kết quả của một quá trình hình thành Đất và Nước đầy cam go, còn mất trong trường kỳ lịch sử. Và vì vậy LÒNG YÊU NƯỚC mang đậm giá trị của văn hóa người Việt, nhân hậu, vị tha, nhưng cũng rất kiên cường, bất khuất, nhất là khi Tổ quốc lâm nguy thì sự xả thân là nét đặc thù của dân tộc. Đấy cũng chính là nhân cách, là bản lĩnh của người Việt trước lịch sử hình thành dân tộc và phát triển đất nước. Vào thời điểm còn mất ấy, người Việt không có lựa chọn thứ hai, chỉ có sự đồng thuận. Ai đi ngược lại thì đấy là kẻ bán nước.
Chính văn hóa ấy, nhân cách ấy, bản lĩnh ấy đã giúp chúng ta không bị đồng hóa trước một  gã khổng lồ phương Bắc gian manh, xảo quyệt và tham lam vô độ. Và ngay thời hiện đại với học thuyết Mác-Lê, vô sản toàn thế giới liên hiệp lại, đồng chí, anh em, môi răng… nhưng thời gian đã hé lộ tâm địa gian manh của con cháu đại Hán: Dùng học thuyết Mác –Lê khống chế ta, hết mình giúp dân tộc ta lao vào đầu sóng ngọn gió của ba dòng thác cách mạng, làm anh lính tiên phong trên chiến trường chống đế quốc để chúng đi đêm với đế quốc!
Hãy nhìn lại lịch sử: Năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký, và quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Năm 1974 người Trung Hoa đã thực hiện kế hoạch chiếm Hoàng Sa của ta! Gần 70 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh dưới họng súng của người đồng chí môi răng của những người cộng sản miền Bắc! Và cuộc chiến chiếm một số đảo Trường Sa giết hại 64 chiến sĩ cách mạng… ở thời điểm chủ nghĩa xã hội chuẩn bị sụp đổ hoàn toàn – 1988.
Nguyên nhân sâu xa của sự sụp đổ này là nhận thức học thuyết Marx nặng cảm tính mà bỏ qua những bất cập, những mâu thuẫn giữa lý luận với thực tiễn! Điều đơn giản là Marx chưa bao giờ chỉ ra phương thức sản xuất của chủ nghĩa cộng sản là gì. Nhưng người Tàu thì nhanh chóng xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc! Dân thì thấy khôi hài nhưng những nhà lãnh đạo VN lúc bấy giờ thì lại coi đó là cái phao cứu mạng. Cuộc họp ở Thành Đô vẫn còn được giấu kỹ, nhưng những nhà ngoại giao thời ấy qua những hồi ký đã cho thấy những trang buồn trong lịch sử giữ nước oai hùng của dân tộc. Duy có điều  chính LÒNG YÊU NƯỚC đã giúp người Việt Nam sẵn sàng dấn thân cho nền độc lập tự chủ của dân tộc mình. Nền độc lập của ta có được hôm nay bắt đầu từ đây chứ không phải từ một lý tưởng, một học thuyết cao xa nào cả.
Nhìn về phương Bắc, hãy còn đó Nội Mông, Tây Tạng , Tân Cương… những khu tự trị của đại Hán vốn là những quốc gia từng  có cương vực, lãnh thổ, tiếng nói riêng, văn hóa khác biệt… Còn chúng ta, Giao Chỉ, Nam Việt, Đại Việt và hôm nay là Việt Nam vẫn  là một quốc gia, dù chậm nhưng vẫn  đang trên đường hội nhập. Sức mạnh thần kỳ nào giúp chúng ta không bị đồng hóa, không thành khu tự trị của đại Hán? Xin thưa: Đấy là LÒNG YÊU NƯỚC!
Một dân tộc mang trong mình dòng máu yêu nước cháy bỏng, thì đấy chính là sức mạnh mềm vô địch. Sức mạnh ấy đôi khi cô sắc lại trước sức mạnh của kẻ xâm lăng truyền thống phương Bắc, hay sức mạnh hiện đại của phương Tây, nhưng chưa bao giờ kẻ thù dập tắt được. Nó âm ỉ như lửa trong đống trấu, trong mồi rơm, chờ cơ hội là bùng lên để giành lại Đất và Nước. Có Đất và có Nước thì sẽ có Độc lập, Tự do. Suy cho cùng, LÒNG YÊU NƯỚC là cái gốc của một dân tộc. LÒNG YÊU NƯỚC của dân tộc ta là giá trị tinh thần tuyệt đối được kế thừa từ đời này qua đời khác trong trường kỳ lịch sử chống ngoại xâm.
KHÔNG ĐƯỢC ĐỒNG NHẤT YÊU NƯỚC VỚI YÊU THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ
Không ai yêu nước Sở bằng Khuất Nguyên. Nhưng cuối cùng nước Sở đã mất vào tay Tần và nhà thơ yêu nước nồng nàn ấy đã phải ôm đá nhảy xuống sông Mịch La. Nguyên nhân mất nước Sở thì có nhiều, nhưng nguyên nhân sâu xa chính là LÒNG YÊU NƯỚC Sở của Sở Hoài vương đã đặt dưới lòng yêu ngu muội đối với Trịnh Tụ.
Ở ta, hôm nay vẫn còn không ít người quy tội cho triều đình nhà Nguyễn bán nước. Đấy là sự quy chụp mang tính áp đặt chủ quan, thiếu cơ sở khoa học. Các vua triều Nguyễn từ Minh Mệnh đến Thiệu Trị, Tự Đức đều là những người yêu nước. Đất nước do tiền nhân họ gây dựng, sao họ lại không yêu, không giữ? Nhưng điều quan trọng là họ đặt ý thức hệ lên trên quyền lợi của Đất-Nước. Điều đó không cho phép họ dám có cái nhìn như Minh Trị Thiên hoàng. Sợ canh tân vì canh tân không bảo đảm sự vững chắc cho ngai vàng.
Trung quân ái quốc, Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội… Mọi sự đồng nhất những giá trị khác nhau đều mang lợi ích nhóm hoặc phe phái đều để lại hệ lụy!
Đấy chính là bài học vô giá cho hôm nay. Thể chế chính trị trong lịch sử chưa bao giờ trường tồn cùng Đất Nước và Dân Tộc. Thể chế chính trị mang giá trị nhất thời trong từng giai đoạn cụ thể, nó phát triển cùng với thời gian mà tư duy con người đạt tới. Chế độ nô lệ cuối cùng rồi cũng đi vào dĩ vãng đầy tối tăm của nó. Thay thế nó là chế độ phong kiến. Khi chế độ phong kiến đang cực  thịnh cũng là lúc chế độ tư bản lộ diện.
Lịch sử phát triển loài người đơn giản là vậy. Không có thể chế chính trị nào là vĩnh cửu. Chỉ có Đất và Nước mà linh hồn của nó là LÒNG YÊU NƯỚC là trường tồn cùng năm tháng.
Học tập Hồ Chí Minh không thể không thấy sức mạnh về LÒNG YÊU NƯỚC của nhân dân, càng không thể chà đạp lên LÒNG YÊU NƯỚC khi nhân dân thấy vận nước chênh vênh, thấy biển đảo đã bị con cháu nhà đại Hán dùng vũ lực đánh chiếm, thấy nhân dân mình bị kẻ thù dân tộc bắt bớ đánh đập tra tấn, giam cầm, thu giữ tàu thuyền, đòi tiền chuộ, chỉ vì họ đánh cá trên vùng biển đảo của cha ông họ để lại.
Tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy cụ Nguyễn Đình Đầu, suốt đời cặm cuội trong các tàng thư để cho công trình về bản đồ ViệtNamchính xác nhất ở từng hòn đảo nhỏ như những gì tiền nhân để lại. Ở tuổi ngoài 90 vẫn gắng gượng từng bước chân trong đoàn biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, và cạnh cụ là nhà thơ suốt đời gầy gò, khắc khổ: Đỗ Trung Quân, rồi nữa, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học: Tương Lai. Ông đang bị bạo bệnh! Nhìn mái tóc ông sau lần xạ trị, nhìn gương mặt hốc hác nặng ưu tư của ông xuất hiện trong đoàn biểu tình đả đảo Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam! Tự nhiên tôi thấy mắt mình nóng ran và lệ đã trào…
Ôi LÒNG YÊU NƯỚC của những trí thức chân chính đẹp quá, như một tấm gương cho những thế hệ nối tiếp. Và cạnh ông lại một tấm gương nữa: nhà thơ bách bệnh Nguyễn Duy. Không ngày nào ông không đến bệnh viện… để kéo dài cuộc sống có trách nhiệm của mình. Rồi hình ảnh nhà văn tuổi ngoài 80 bên cạnh một GS tuổi ngoài thất thập mắc chứng rối loạn tiền đình cả chục năm nay, đầu vẫn ngẩng cao, mắt vẫn long lanh sáng. Sau các ông là những thế hệ nối tiếp…                         
Chính LÒNG YÊU NƯỚC đã quy tụ ngay cả những con người như thế vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù chiếm biển  đảo của mình! Có một cái gì đó lâng lâng trong tôi. Và tôi kịp nhận ra đó chính là niềm tự hào về dân tộc tôi…
Nhưng, niềm tự hào ấy chưa kịp ngấm trong tôi thì… tôi phải cúi đầu xuống nuốt nỗi đau, nỗi nhục đến tận cùng xương tủy! Những đoàn biểu tình đã bị chặn lại! Vì ai? Lịch sử rồi sẽ hỏi tội !!!
Thú thật ở tuổi cổ lai hi này tôi chưa bao giờ thấy một chính quyền nào mượn tên Nhân Dân mà lại dùng 5 thanh niên, kẻ nắm tay, kẻ nắm chân, còn tên thứ năm thì giơ chân đạp vào mặt người biểu tình đòi lại biển đảo đã bị kẻ thù mang danh đồng chí chiếm giữ và tự cho đó là của mình, “không thể tranh cãi”!
Rồi vụ cưỡng bắt chị Minh Hằng vào trại phục hồi nhân phẩm chỉ vì tội yêu nước, phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa,Trường Sa Việt Nam! Tôi chỉ nghe bà Trưng cỡi voi đánh Tô Định, tôi chưa thấy bà Định cầm quân đánh Mỹ, nên không tưởng tượng được vẻ căm giận của họ như thế nào, hôm nay tôi thấy được nét căm hận trên gương mặt phừng phừng của chị Bùi Hằng trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ngang nhiên chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của ta, bất chấp sự đe dọa của cường quyền. Đẹp quá hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Tôi hy vọng mai kia sách giáo khoa sẽ có những bài văn, bài thơ hay về hình ảnh người phụ nữ này cho các thế hệ con em ta học.
Và đây nữa, một vị tướng mượn danh Nhân dân VN lại đi hứa với kẻ thù sẽ không để những cuộc  biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tiếp diễn? Nếu đúng vậy thì tôi xin hỏi ông là tướng của Việt Nam hay tướng của Trung quốc vậy? Là tướng, ông phải nung nấu trong tim mình nỗi nhục mất Hoàng Sa năm 1974, một số đảo Trường Sa năm 1988… từ vũ lực của người đồng chí môi răng của ông chứ! Thấy nhục để giành lại cho bằng được, đấy chính là trách nhiệm của ông và quân đội dưới quyền ông. Chừng nào Tổ quốc chưa toàn vẹn, chừng ấy ông và quân đội mang tên Nhân Dân sẽ còn mang nợ với Nhân Dân, còn mang tội với Nhân Dân. Lẽ nào ông không nhận ra điều đơn giản ấy, mà lại hứa với kẻ thù sẽ trấn áp những cuộc biểu tình thể hiện LÒNG YÊU NƯỚC của Nhân Dân mình?!
Học tập Hồ Chí Minh sao không biết trân trọng, gìn giữ, nuôi dưỡng LÒNG YÊU NƯỚC trong nhân dân lại đang tâm chà đạp nó theo cách man rợ của thời trung cổ? Ai đã nói câu này:  “…mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy (tinh thần yêu nước) lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn… nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Chính Hồ Chí Minh đã nói như thế. Có phải ông đang cảnh cáo những ai nhẫn tâm dùng quyền lực chà xát, dập cho tắt hẳn LÒNG YÊU NƯỚC của nhân dân đã được nuôi dưỡng qua nghìn năm đô hộ giặc Tàu?
Mai đây, dù kẻ đạp vào mặt người thanh niên yêu nước biểu tình kia có ra tòa lãnh án chung thân đi nữa,
Mai kia chị Minh Hằng dù có được minh oan sau khi phải thả ra vô điều kiện đi chăng nữa,
Mai kia vị tướng nọ dù có uốn lưỡi hàng trăm lần đi nữa,
Thì cái nhục hôm nay cũng không có cách gì rửa sạch được! Những hành động man rợ, vô học này, những nhành động của kẻ bán nước này sẽ là một vết nhơ, một vết nhục của một thời mà hai từ Nhân Dân được lợi dụng triệt để nhất.
Sự đánh tráo khái niệm: Yêu nước và Bán nước có phải bắt đầu từ đây?
Lẽ nào! Lẽ nào một dân tộc từng có nghìn năm văn hiến đang biến dạng từ thể chế chính trị mang học thuyết Mác – Lê  để trở thành tội đồ của lịch sử?
Lẽ nào một chính quyền coi những người yêu nước là kẻ thù, là đối trọng cần phải dùng bạo lực trấn áp bằng mọi giá? Và trước kẻ thù cướp biển đảo, Tổ quốc lại khom lưng cúi đầu vâng dạ như những tên nô lệ?
QUỐC HỘI PHẢI RA LUẬT TRỪNG TRỊ NHỮNG KẺ CHÀ ĐẠP LÒNG YÊU NƯỚC!
Không gì quí hơn LÒNG YÊU NƯỚC, nó phải được trân trọng như những thứ của quý. Bổn phận những nhà cầm quyền chân chính là phải tìm cách trưng nó ra chứ không phải dìm nó trong bạo lực! Bổn phận những nhà cầm quyền chân chính là đưa những kẻ đang tâm đạp vào mặt người biểu tình yêu nước kia ra tòa, đưa những kẻ bắt nhốt chị Bùi Hằng vào trại phục hồi nhân phẩm ra trước vành móng ngựa, đưa vị tướng nọ ra hỏi tội vì sao lại đồng mưu với kẻ thù cướp biển đảo của Tổ quốc ta! Chính quyền Nhân Dân không thể dung tha hay cho chìm xuồng những kẻ đã ngang nhiên chà đạp LÒNG YÊU NƯỚC truyền thống của Nhân Dân như vậy được!
Ai cũng hiểu cuộc tranh chấp ở Biển Đông đang lộ diện một chân tướng mà người Việt Nam nào cũng nhận ra từ năm 1972, từ việc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, từ  cuộc chiến với Pon Pot, Yengxari, từ bài học Đặng Tiểu Bình “dạy” cho Việt Nam năm 1979. Chính những cuộc chiến nối dài ấy đã tiếp thêm hồng cầu cho trái tim tưởng nguội lạnh của người ViệtNamsau 30 năm khói lửa.
Và cũng chính từ đây người Việt Namdễ dàng nhận ra người yêu nước và kẻ bán nước! Lão Tử nói: trong họa có phúc. Phúc vì chúng ta sớm nhận ra sự lừa dối, gian manh của kẻ thù truyền kiếp, sớm nhận ra đám tay chân của kẻ thù của chúng ta đang tâm chà đạp LÒNG YÊU NƯỚC của nhân dân theo kiểu thời trung cổ!
Một chính quyền nhân dân phải đồng hành cùng nhân dân trong cuộc chiến giữ nước này, chứ không bao giờ xúc phạm đến nhân dân, thậm chí coi nhân dân là tội đồ để dùng xã hội đen trừng trị!
Đất nước đang đứng trước những thử thách còn mất. Chính quyền của nhân dân mau chóng trở về với nhân dân, lấy nhân dân làm điểm tựa, cương quyết xử lý nghiêm minh những tên đồ tể hãm hại những người yêu nước nếu không muốn đứng chung trận tuyến với kẻ thù của nhân dân!
Trong tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh viết : “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi , và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Trong mọi thứ tự do, thì  tự do yêu nước là cao đẹp nhất. Một chính quyền của dân không thể dung tha những bọn chà đạp nhân dân yêu nước như thế mà không bị pháp luật trừng trị.
Cũng chính Hồ Chí Minh viết trong “Chính phủ là công bộc của dân”: “Ủy ban nhân dân là ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”(HCM Toàn tập – Tập 4).
Xin những nhà lãnh đạo thuộc lớp con cháu cụ đừng lấy  những lời dạy chân tình của cụ làm thứ  trang sức cho chiếc ghế quyền lực của mình, càng không được tếu táo, đùa cợt trước những lời dạy ấy.
H.L.G.
Cảm ơn tác giả nhà văn Hoàng Lại Giang và basamblog

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

CÙNG BẠN TẬP DƯỠNG SINH (CBTDS) P I.

        Tôi xin nhắc lại lời thầy- cụ Sầm Văn Phú - dạy tôi hồi 1972. Cụ chỉ nói có ba câu:
    "1. Sinh khí, trong đó có dưỡng khí là vô biên trong trời đất .  2. Trong lục phủ ngũ tạng của con người duy nhất chỉ có tạng phế là có thể điều khiển được.  3. Vậy thì hãy dùng ý thức của mình mà điều khiển hơi thở sao cho có thể thu nhận tối đa dưỡng khí và hơn nữa là sinh khí trong trời đất."
     Sau ngày được gặp thầy tôi đã thường xuyên để tâm đến "khí công" như thầy đã nói, nhưng tôi chưa có may mắn được tập khí công cùng ai cả. Tôi lần mò theo các sách của  Nguyễn Khắc Viện, của Nguyễn Văn Hưởng, rồi sách dịch của Nga, rồi sách nói về thiền, về đạo Phật, về yoga v.v... Rồi tôi lần mò tự tập. Nhiều cái tôi tập một thời gian rồi mới biết mình tập như thế là sai, lại bỏ, lại phải tập lại theo cách khác. Cứ như vậy cho tới giờ, kể ra cũng đã được 40 năm.
       Chục năm lại nay tôi đúc rút ra được 4 phương châm chỉ đạo, hay là yếu lĩnh nhất thiết phải có của sự tập dưỡng sinh, ấy là:
        -. Đầu óc trống rỗng. -. Thư giãn tối đa.  -. Hơi thở điều hòa.  -. Để tâm một điểm.
     Đầu óc trống rỗng là không nghĩ ngợi, không suy luận, không cố ý ghi nhớ cái gì, và cũng không quan tâm tới một điều gì ngoài một điểm nào đó của chính mình.
    Thư giãn tối đa là thả lỏng cơ bắp, gân xương và cả thần kinh ở mức cao nhất, nhiều nhất có thể ở mọi tư thế khác nhau trong suốt thời gian tập cũng như trong suốt thời gian sống và làm việc của mình.
     Hơi thở điều hòa là thở bằng cơ hoành và bằng cơ bụng một cách chậm, đều, êm và sâu tới chừng mực có thể trong mọi hoàn cảnh, mọi tư thế kể cả những tư thể ngặt nghèo nhất hoặc bị chèn ép  gò bó nhất.
     Để tâm một điểm, có thể là một nhóm gân cơ, một ổ khớp, một huyệt đạo, hay chỉ là một điểm nào đó trên cơ thể, hay là chính hơi thở của mình... Thường là để tâm cảm nhận cái chỗ khó nhất ở mỗi tư thế, mà ở đó góc quay của khớp xương và sự giãn cơ gân diễn ra nhiều nhất. Chỉ cảm nhận chứ không suy luận, không biện giải, cũng không cần ghi nhớ. Để tâm chứ không phải là để trí vào điểm đó.
      Thời gian tập tốt nhất là buổi sáng, khi vừa tỉnh dậy. Cũng có thể vào thời điểm khác nhưng phải xa bữa ăn ít nhất 3 giờ.
Bài tập vào buổi sáng khi vừa thức dậy(lưu ý đi tiểu xong) gồm có ba phần:
     Phần 1: Đánh thức giác quan. Tôi dùng bài xoa bóp Cốc Đại Phong, chủ yếu ở đầu, cổ và răng miệng cho phần này. Xoa ấm hai bàn tay- xoa mặt - xoa mũi - gãi đầu- chải tóc- xoa tai - đánh mắt- gõ răng- đánh lưỡi- súc miệng- xoa cổ và xoa gáy. Lưu ý bốn yêu cầu trong khi tập.
     Phần 2: Tập các tư thế của yoga lần lượt từ nằm đến ngồi bán già, đến ngồi trên gót chân (ngồi kiểu Nhật), đến ngồi trên đầu ngón chân và tới đứng thẳng.
    Vì yoga có rất nhiều các tư thế khác nhau, người có tuổi không thể tập hết các thế đó được, chỉ nên chọn lựa những tư thế phù hợp với mình. Khi vào cũng như khi thoát ra khỏi mỗi tư thế đều phải nhẹ nhàng chậm rãi, kết hợp hơi thở và thư giãn, để tâm cảm nhận những thay đổi mà tự động điều chỉnh gân xương. Mỗi tư thế nên đạt đến biên độ tối đa có thể, dừng lại ở biên độ đó từ ba đến năm nhịp thở, rồi từ từ trở về tư thế ban đầu trước khi tập sang tư thế mới. Lưu ý tốc độ vào ra mỗi tư thế ở mỗi người một khác, và cả biên độ cũng vậy, vì thế những người cao tuổi không nên tập theo nhịp độ của người khác.
     Phần 3: Niệm và vẩy tay theo Dịch cân kinh:
       - Cúi chào đất mẹ. (Từ bắt đầu tập cho tới đây, hai mắt đều nhắm, không nhìn ra ngoài mà "nhìn" vào trong).
       - Ngước nhìn trời xanh (đến đây thì mở mắt).
       - Chắp tay trước ngực (lại nhắm mắt) và niệm: Xin cản ơn trời phật... Xin cảm ơn đất mẹ...
       - Một ngày mới bắt đầu. Mở mắt. Buông tay xuống, và vẩy về phía sau theo Dịch cân kinh và niệm: Hãy nhẹ nhàng - tự tin - bước đi - trên cõi - đời này. Tiếp tục vẩy tay và niệm tới chừng nào có thể, nhưng không gắng sức. Lưu ý kết hợp vẩy tay với dập gót chân xuống đất và vỗ tay. 
     Tôi thấy bài tập này có ích cho việc giữ gìn sức khỏe, gân cốt dẻo dai, chống chịu bệnh tật và ngừa được những sang chấn bất thường cả về thể chất lẫn tâm lý. Có lẽ nhờ thế mà từ khi nghỉ hưu tới giờ, đã hai mươi năm tôi chưa phải dùng đến bảo hiểm y tế. Tôi đã trao đổi và cùng với bạn bè tập bài dưỡng sinh này. Có nhiều người bỏ giữa chừng nhưng cũng có nhiều người kiên trì tập được và đã kiểm chứng những lợi ích rõ rệt. Bởi thế, với sự động viên của bè bạn, tôi lên trang bài viết này, mở đầu cho loạt bài tiếp theo về dưỡng sinh được viết cặn kẽ hơn.

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Trở về

Có món bên Tây là ngon
Với mình không hợp
Có thời bên Tàu đại ngôn
Mình nghe không lọt
Trở về lều rơm
Thổi nồi ngô luộc
Nghe diều chở gió sang sông

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

RCYT: 28. PHÀ HOÒNG PU QUÁI

      Những "năm tám mươi gạo cũng tám mươi..." thời tiết sao mà khắc nghiệt. Đầu vụ chiêm rét đậm kéo dài, mạ gieo mấy lần đều hỏng, đến hết cả giống. Khi cây mạ cắm được xuống đồng thì trời lại hạn. Bà con mong mưa, mong tiếng sấm đầu mùa. Nhưng năm nay sấm lại ra Pu Kẹp. "Phà hoòng Pu Kẹp xẹp toóng đà tái" nghĩa là sấm ta Pu Kẹp thì đói đến chết. Tiếng sấm ấy yếu quá, cơn mưa cũng nhẹ quá, không làm dịu được cơn khát. Trong khi đó gió Lào lại về sớm. Ngoài chợ giá gạo lại tăng. Nhà nước phải nhập bo bo về làm lương thực cho công nhân viên chức.
       Nhưng rồi trời có mắt, đoái thương đến dân, chuyển sấm ra Pu Quái. Trời vẫn nắng nhưng đã có nhiều mưa. Mưa cho hết hạn, mưa cho mầu mỡ đất đai, mưa mát lòng mát dạ. Thì ra sấm động Pu Kẹp hồi nọ chỉ là sấm giả, sấm động Pu Quái lần này mới là sấm thật. Sấm thật cho mưa thật. Cây lúa chiêm  nghe tiếng sấm mà phất cờ, người dân cũng phất cờ trong bụng. "Phà hoòng Pu Quái hái khâu". Đúng như dân gian thường nói: sấm ra Pu Quái thóc thừa đem bán, mới khoái làm sao!
                                                                             1984

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Xin được tải về: Động Thiên Đường- bước tiếp 7000m


Động Thiên Đường: Bước tiếp 7.000m tráng lệ

Hang động Thiên Đường thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có chiều dài 31,4km. Trước nay, du khách đến động mới chỉ tham quan 1,5km đầu tiên trên hệ thống cầu thang gỗ dài. Ít ai biết rằng từ điểm dừng chân cuối cùng, động Thiên Đường còn vào sâu được 7km nữa với cảnh sắc vô cùng lộng lẫy, tráng lệ, xứng danh là một trong những hang động đẹp nhất thế giới.


Xin giới thiệu bộ ảnh “nhan sắc” Thiên Đường ở 7.000m mới được khám phá, nơi mà hầu như rất ít người được nhìn thấy ngoài đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh.

Những bức tường thạch nhũ như những bức phù điêu khổng lồ

Chúng tôi đi trong lòng hang rộng thoáng và trải nghiệm sự diễm lệ kỳ thú của thạch nhũ non và già

Không gian ở 7.000m tiếp theo có nơi là những rừng thạch nhũ kỳ ảo

Ngỡ ngàng trước một Thiên Đường ở cây số tiếp theo

Máy quay, máy chụp hình thỏa sức làm việc trước "nhan sắc" Thiên Đường

Huyền ảo vẻ đẹp của bóng đêm hang động

Một buồng hang rộng như nhà hát

Thạch nhũ non đang lớn theo năm tháng

Trong bóng tối kín bưng, xuất hiện một loài giáp xác có râu dài hơn nhiều lần thân, rất kỳ lạ

Diễm lệ và thiết tha mái thạch nhũ óng ánh

Đi đến 4.000m sẽ gặp một con suối trong vắt

Vượt qua con suối sẽ gặp sự mềm mại của đá bên hồ nước...
...vẻ trầm mặc của đá hàng trăm triệu năm

Phải mất hàng triệu năm thì thạch nhũ từ dưới mọc lên và từ trên buông xuống mới "gặp" nhau

Đi qua một hành lang vàng huyền thoại

Canxi non tuôn chảy lạ lẫm

Thạch nhũ soi bóng gương hồ

Thạch nhũ mềm tuôn chảy như thác đổ

Trong 7.000m chúng tôi đi, có hàng trăm hồ nước nhỏ được kiến tạo rất tinh vi từ dòng chảy của triệu năm trước. Nay những hồ nước độc lập theo bậc thang

Nước đã tạo ra hình dạng kết tủa đá vôi như thảo nguyên bát ngát


Thạch nhũ và canxi đang trưởng thành mọc đều tăm tắp ở phía dưới

Con suối trong lòng hang, mặt nước cách trần hang chỉ 0,5m

Cột thạch nhũ trắng tinh kỳ lạ

Đây là cột thạch nhũ khổng lồ, rộng hơn 7m, cao đến 25m

Trầm tích dưới đáy hang Thiên Đường

Trầm tích của bùn và đất sét được dòng chảy lũ mỗi năm đào khoét nhọn như chông

Một hồ nước nhỏ do nước khoét vào đá tạo thành. Nước đẩy sỏi và cuội làm xoáy sâu, bào mòn, lõi đá phía trong được tạo ra từ sự mài dũa của sỏi và nước, sắc như dao cạo

Đoạn cuối của 7.000m là một không gian tráng lệ

Đây là một hố sụt ngoạn mục, cao hơn 100m

Tại hố sụt này có dòng suối chảy mạnh như thác đổ

Những người dẫn đường và đoàn thám sát ngồi nghỉ dưới ánh nắng xuyên qua hố sụt

Từ đây theo một dòng suối sẽ vào một nhánh mới của Thiên Đường để thông đến đoạn cuối của hang động dài 31,4km

Theo HÀN THƯ/Doanh Nhân Sài Gòn

Quân đông dân nhiều có phải là điều đáng sợ

     Cũng mấy tuần trước, có lẽ là trong tháng tư, tôi không nhớ rõ lắm, vốn tôi lờ mờ về thời gian; Đang cày, dừng tay dòm ra ngoài thấy có thằng cha nào đeo kính, đeo cả khẩu trang ngồi vắt trên xe máy như thể đang chờ đồng bọn. Sinh nghi, tôi tiến lại gần, định quát thì thấy hắn bỏ kính ra, bỏ cả khẩu trang, rồi cười. Tôi nhận ra cháu Đức bên an ninh. Tôi bảo: - Có chuyện chi mà cháu phải theo bác qua đây?
         - Trên mạng có thông báo biểu tình bác ạ.
         - Thế mà bác không biết, lâu nay bác không vào mạng.
  Rồi tôi bảo Đức vào nhà, bác cháu trò chuyện. (Sở dĩ xưng hô bác cháu vì bố cháu Đức còn kém tôi 10 tuổi). Trong câu chuyện Đức lộ ra cái ý sợ nước lớn, chúng nó quân đông dân nhiều, có tiềm lực hơn, mình đánh không lại với nó. Tôi bảo:
     - Không biết là cháu nói theo ý cháu hay là cháu nói theo ý cấp trên của cháu, nhưng như vậy là hèn. Nước ta tuy nhỏ nhưng không yếu, lại càng không hèn. Lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh điều đó. Từ xưa tới giờ có lúc nào mà kẻ thù phương bắc, là nước lớn đấy, đã thắng chúng ta, hay chỉ toàn thua nhục nhã. Hai đế quốc to cũng đã thua ê chề, cay đắng. Sao vào lúc này cháu lại nói thế, hay là sao người ta lại dạy cháu nói thế?
      - Hay là cháu chưa biết địch biết ta. Cháu chưa biết thằng Tàu? Nó có nền văn hóa lâu đời đấy, văn chương nó viết rất hay đấy, mưu lược nó nghĩ ra đủ thứ đấy, võ thuật nó giỏi đấy, nhưng đánh giặc để giữ nước thì nó hèn, đem quân đi đánh nước khác nó lại càng hèn. Chính người Tàu thừa nhận chúng nó chỉ có gia tộc mà không có quốc tộc. Một người của nó có thể mạnh nhưng ngàn người của nó thì yếu. Nó thua Nguyên Mông, đất hẹp, dân ít hơn nó rất nhiều. Cả cái Đại Hán lại thua một nhúm nhỏ Mãn Thanh. Cả cái Trung hoa rộng lớn thua một dúm quân  Anh đến phải nhượng Hồng công cho chúng. Rồi Tàu đầu hàng Nhật. Ngay cả quân GPND Trung quốc cũng chỉ dám tọa sơn quan hổ đấu chờ khi Tưởng Giới Thạch kiệt quệ mới dám dụng binh mà chiếm đại lục.
     - Cháu xem Tam quốc chưa? Rồi à. Thế cháu có thấy khi tướng thua thì quân bỏ chạy không? Vậy thì quân đông có tích sự gì? Còn tướng của nó , có tướng nào ở trong tốp những vị tướng giỏi nhất thế giới không? Cái đội quân Tàu Tưởng tràn sang ta năm 45 là gì vậy, toàn một lũ ô hợp. Cái lũ bành trướng trên dọc biên giới phía bắc năm 79 cũng thế, chẳng hơn gì.
     - Văn hóa của thằng Tàu, trong đó có phong thủy, nhiều cái hay lắm, nhưng có cái dở là làm cho người Hoa chọn nơi cư trú co cụm, rồi dần đến cát cứ, anh hùng nhất khoảnh. Thành ra tư tưởng bó hẹp, cục bộ địa phương, năm bè bảy mảng, thiếu sự thống nhất. Đó là cái gót chân Asin của thằng Tàu vậy.
    - Thứ nữa là người Tàu giờ chỉ cho sinh một con. Mà cái đầu óc gia tộc phong kiến người Tàu thì nặng lắm. Thằng Tàu tìm đâu ra người hy sinh nơi sa trường để cho kẻ khác ở nhà thụ hưởng?
    - Thêm ý nữa là thế giới ngày nay đâu dễ để thàng Tàu muốn làm gì thì làm, đánh ai thì đánh. Ngày xưa chỉ có mình với nó tay bo, thế giới có biết đấy là đâu, mà nó còn không làm gì được, huống gì ngày nay thế giới phẳng, có ai ủng hộ nó đâu.


     Bây giờ thì cháu nêu lập luận của cháu đi, vì sao lại sợ nó, bác đang nghe đây. Thật buồn, cháu Đức chỉ biết cười trừ.
    - Nói thế cháu ạ, không phải là để gây chiến với Tàu, mà là để ta có thái độ rõ ràng về chủ quyền của mình, đặc biệt là chủ quyền biên giới và biển đảo. Ta phải công khai khẳng định chủ quyền, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong nước và cả trên toàn thế giới các chứng tích lịch sử về chủ quyền không thể phủ nhận của chúng ta đối với biển đảo, đối với Hoàng sa, Trường sa. Và chúng ta cũng phải tỏ rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy. Các bác có đi biểu tình cũng chỉ là để góp một chút nhỏ cùng toàn dân tỏ rõ quyết tâm đó mà thôi.
       Vấn đề còn lại là dũng khí của chủ tướng cầm quân. Dũng khí không lệ thuộc vào chuyện to hay nhỏ, ít hay nhiều. Cháu ở trong lực lượng vũ trang, cháu đã được học võ thuật, cháu biết rõ điều này? Quả là bác không biết từ đâu nảy nòi ra cái tâm lý sợ thằng Tàu quân đông dân nhiều như cháu vừa nói, sợ đến mức phải nín thít không dám hé răng khi chúng xâm phạm lãnh hải của mình, bắt bớ ngư dân mình, cắt cáp tàu thăm dò của mình? Bác nghi ngờ cái tâm lý này lắm, nghi ngờ luôn cái lý do được đưa ra để mà sợ sệt này nữa. Có lẽ đây là một đề tài mà cháu cần tìm hiểu, điều đó có ích cho cháu và cả cấp trên của cháu hơn là đi theo rồi ngồi nhìn bác từ xa như vừa nãy. 
    Mười hai giờ trưa, như thông lệ, cháu hết ca phải bám theo tôi. Chia tay, hy vọng có dịp gặp lại, hai bác cháu cùng nhau trao đổi tiếp về vấn đề này.