Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Đi và thấy- p11: Ven biển Thừa thiên

Rời Huế, theo đường phạm Văn Đồng mà ra Cửa Thuận an. 




Ngoặt về phương nam theo đường 49B, đi dọc bờ biển Phú vang, men theo đầm Thủy tú và đầm Cầu hai cho tới cửa Tư hiền.
Đứng trên cầu Tư hiền thấy bốn bề trời nước mênh mông.















Rẽ phải mà lên đường 1. Xa xa về phía tây là ngọn Bạch mã.


Leo đèo Phước tượng


 Rồi vào Lăng cô.














Tiếc là không qua được Chân mây.

Lên đèo nhìn lại, Lăng cô vẫn đẹp mơ màng.



Đi và thấy-p10: VỀ HUẾ LẦN NÀY

Về Huế lần này không dừng được lâu. Cũng không muốn dừng lâu. 

 Có điều chi đó nao lòng khi đứng trước cổng nhà bà Điềm Phùng Thị.



    Trước tấm bình phong bên bờ sông Hương xế cổng trường quốc học.




Và cả trước mộ Ba, Mạ và chị



Rồi cha con đi tiếp về nam.

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Đi và thấy- p9: THĂM THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

Qua dòng Thạch hãn lại nhớ câu thơ:
Đò xuôi Thạch hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông đồng đội chúng tôi nằm...
  Vào thị xã, rẽ trái, tới thành cổ.

 Tám mươi mốt ngày đêm xương tan thịt nát
"máu trộn bùn non" ở chính nơi này.
Đau quá!
Không biết nói gì!
Không biết để làm gì!
Không biết phải làm gì!
Khói bay,
Hương bay...
Cay cay đôi mắt
Không phải khóc
Chỉ là không thể nào cất lời lên được.

ĐI VÀ THẤY: P8. VIẾNG NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN


   Rời cầu Hiền lương cha con tôi lại xuôi về nam. Qua Dốc Miếu thấy cây cối xanh tươi, xóm làng trù mật, thật khó hình dung Cồn tiên, dốc Miếu, khe Sanh những năm bom đạn. Thấy màu xanh trải khắp thôn làng đồng ruộng mà trong lòng nguôi ngoai phần nào nỗi xót xa khi đứng bên cầu.
      Chúng tôi ngược lên nghĩa trang Trường sơn. Đường đi trong bạt ngàn cao su đã lên xanh khép tán và ứ nhựa. Dọc đường không gặp ai ngoài mấy người trồng rừng hoặc đi lên rẫy. Nhưng tới lối rẽ vào nghĩa trang thì mới hay không chỉ có cha con tôi mà còn bao người tới đây.

Mua một nén nhang, một bó hoa, cha con tôi đi vào.

Khói hương lan tỏa khắp nơi. Những bó hoa lặng lẽ. Những người đàn ông, đàn bà, những bà mẹ, cả những em nhỏ, tất cả đều lặng lẽ. Những hàng bia mộ lặng lẽ. Những tượng đài lặng lẽ. Có vẻ như khuôn mặt các chiến sĩ trên các tượng đài đều đượm buồn. 

Hình ảnh Tượng đài Liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Chỉ có tiếng thông vi vút. Nghe tiếng thông lạ lắm. Tôi như nghe vọng về tiếng của muôn hồn linh thiêng các anh hùng liệt sĩ.
    Nhìn ra xa kia, trải rộng dài tiếp nối những quả đồi lúp xúp, tất thảy đều là hàng hàng những ngôi mộ của những anh hùng. Đau thương mất mát quá lớn đi, quá đau đi. Cái giá phải trả quá đắt. Để có độc lập tự do?. Để có gì nữa? Sao vẫn còn đâu đó những nỗi bất công, sao có kẻ dám biến những thành quả phải đánh đổi bằng xương máu này thành lợi ích của riêng mình, của phe nhóm mình, mặc cho cần lao rên xiết. Còn đau hơn nữa khi nhãn tiền kia, sau bao máu xương lại tiếp một đại họa xâm lăng từ ông "bạn vàng" phương bắc. Máu xương để đổi máu xương ư?
    Còn những nỗi đau nữa, của phía bên kia, nhưng đều là dân mình, là người Việt nam mình, không biết rải rác nơi nào. Những nỗi đau không được ghi danh, những nỗi đau vô định.

Còn những hy sinh ngoài Hoàng sa của những người lính VNCH, hay ngoài Trường sa, hay biên giới tây nam, biên giới phía bắc. Những nỗi đau không tính hết.   Nhặt một trái thông rụng trên đồi nghĩa trang Trường sơn, chắp tay lên vái các anh hùng liệt sỹ, tự dưng tôi thấy ngậm ngùi, thấy xót xa. Không, tôi không định khóc, tôi không nghĩ là mình sẽ khóc. Nhưng mà nước mắt rưng rưng.

(Máy ảnh của tôi không giữ lại được, xin cóp ảnh từ google. Cảm ơn)

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

ĐI VÀ THẤY: P7. QUA CẦU HIỀN LƯƠNG.

 Cha con tôi cố về tới Hồ xá thì nghỉ lại. Chặng này đi trong mưa, suốt chiều dài từ Phong nha, Đồng hới, tới đây. Dự định sáng sớm mai qua cầu Hiền lương rồi lên nghĩa trang Trường sơn.
   Sáng ngày tới Hiền lương. Có một chiếc cổng phía tay phải bên bờ bắc, vào chào anh gác cổng, nói muốm thăm cầu. Anh bảo phải mua vé. Thì ra muốn thăm một di tích lịch sử cũng không đơn giản tí nào. Mặt anh ta lạnh tanh, chẳng có chút gì thân thiện. Chắc là anh ta nghĩ: dịch vụ cho hai cha con nhà này chẳng được bao nhiêu, chỉ thêm rách việc. Tự dưng liên tưởng tới những điểm 0 lịch sử mà rùng mình.
   Nghoảnh sang bên trái, có cái nhà lưu niệm hay bảo tàng chi đó, mà trước mặt nhà, ấn tượng nhất là hai cái loa khủng, giống như hai cái loa ở trụ sở đài tiếng nói VN nơi phố Quán sứ- Hà nội. Thì ra đây là biểu tượng của miền bắc XHCN những năm chiến tranh chống Mỹ, và cũng là biểu tượng của “tiếng nói VN”.
   Bên trái chiếc cầu mới qua sông Bến hải, trước mặt cha con tôi là cầu Hiền lương. Chiếc cầu nối hai bờ nam bắc là đây. Chiếc cầu giới tuyến phân chia hai miền nam bắc cũng là đây. Chiếc cầu mà khi xưa sơn hai màu khác nhau là đây. Chiếc cầu là biểu tượng của nỗi đau chia cắt, cũng là biểu tượng của niềm ước mong thống nhất, là đây.
     Đứng bên ni cầu ngó bên tê cầu, tự nhiên tôi thấy xót xa. Biết bao máu xương đã phải đổ xuống hai bờ sông này, hai phía sông này, hai miền sông này, cho hôm nay cha con tôi được đến đây, để được chụp lén một bức ảnh thằng con đứng trên cầu...


 
(Bức ảnh ấy không giữ được, đành cóp một hình tương tự lên đây cho đỡ nhớ)
alt

Chúng tôi chờ một lời của tổng bí thư


- Vụ Tiên lãng liên quan tới bao nhiêu là đảng viên có biểu hiện làm sai pháp luật, sao không có đồng chí bí thư nào lên tiếng.
- Vụ Văn giang náo loạn cả một vùng ngay kề Thủ đô, sao đồng chí tổng bí thư không nói một lời nào, sai đúng ra sao, để còn định hướng dư luận.
- Trung quốc kéo tàu ra Trường sa, tuyên bố lập thành phố Tam sa trên quần đảo Hoàng Sa, Trường sa của Việt nam, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta, mà sao đồng chí tổng bí thư cũng lại chẳng nói gì. Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện cơ mà, chẳng lẽ những việc này không phải của đồng chí, không phải của đảng.

Đồng chí đã từng bay nửa vòng trái đất để nói với dân với đồng chí Cu ba, mà sao trước những sự kiện nóng bỏng Tiên lãng, Văn giang, Vi- na- sin, Vi- na- lai, biển đông, Hoàng sa, Trường sa, ngay trên đất nước mình, đồng chí không nói với đồng bào mình, đồng chí mình một lời nào.      Lúc tổ quốc nghiêng nghèo này, là một người dân, và là một đảng viên, tôi chờ một lời của đồng chí tổng bí thư để biết mình nên nghĩ gì, nên tin ai và cần phải làm gì. Chúng tôi chờ một lời của đồng chí phát trên đài, hay in trên báo. Thậm chí chúng tôi chờ một lời của bí thư thành ủy, hay bí thư huyện ủy, hay bí thư chi bộ cũng được. Mong thay!
Đồng chí hãy nói đi. Chúng tôi chờ.  

Xin được tải về: Bản đồ Trung quốc không có Hoàng sa và Trường sa


Tiến sĩ Mai Hồng chỉ vào tấm toàn đồ Trung Quốc, dừng lại ở cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam. Không hề có Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) trong tấm bản đồ quý và chính thống này – Ảnh: Việt Dũng.
 Cảm ơn blog HNC và TS Mai Hồng

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Đi và thấy p6: Những bãi tắm dọc miền trung

 Suốt dọc miền trung có nhiều bãi tắm đẹp: nước trong xanh, cát vàng, bãi thoải, hàng dương vi vu chạy dài tít tắp: bãi Quỳnh lập, bãi Diễn thành, bãi Lữ, Cửa lò, qua Nghi xuân có đến mấy bãi liền, rồi Thiên cầm, Thạch kim, Thạch bằng, rồi vào Quảng bình với Đá nhảy, Nhật lệ, và Quảng trị, Thừa thiên, bao nhiêu là bãi tắm. Nhưng mà, trừ Cửa lò và Thiên cầm ra, thì hầu như đều bỏ hoang,chỉ thấy lơ thơ mấy cái chòi, cái quán xác xơ cùng nắng gió.
    Hình như chẳng có du khách nào, kể cả bãi Thuận an, rất gần Huế, mà đường đi cũng đẹp, có cả cầu qua phá thênh thang.
   Vào nữa thì bãi Lăng cô đẹp tuyệt vời, có cả núi cao rừng sâu, có đèo có đầm, có thôn làng, phố xá, có cả nhà nghỉ, rì sọt, nhưng mà lại cũng vắng tanh.
 Đà nẵng khá hơn, có người ra bãi tắm khá đông và dịch vụ khá là thân thiện. Nhưng mà vào nữa thì lại thưa vắng dần, cho tới Quy nhơn cũng vậy. Có vẻ như bãi Quy nhơn không được sạch, không được an toàn. Còn Tuy hòa thì có ai ra biển đâu, cho dù bãi biển Tuy hòa đẹp lắm.
    Dân Nha trang thì vào tận bãi Dài trong Cam lâm để tắm. Còn bãi sông Lô thì  đã bị bao kín rồi, không mấy ai vào được. 
    Phan rang , Phan rí, như cái chảo rang khổng lồ. Nóng và khô. Cây cối cằn cỗi không lớn lên được, quằn quại trước gió mà thành vặn vẹo, méo mó. Dân chơi bon sai cây cảnh mò về đây tìm đào những cây phôi dáng thế.
     Trời cho một vùng đất đỏ lạ kỳ từ Phan rí , ra Tân phong, xuôi Cà ná, rồi Phan thiết. Bao nhiêu là nhà hàng và rì-sọt đua nhau mọc lên giăng kín bãi bờ. Có nguy cơ biển bị ô nhiễm. Lại thiếu bãi thoải, nên không thích hợp để tắm, để bơi. 
      Vũng tàu đẹp quy củ, nhưng bãi tắm đã bị nhiễm bẩn ít nhiều. Có vẻ như người đến vũng tàu ngày một ít đi. Nhiều nhà nghỉ treo giá rẻ mà vẫn vắng khách. 
    Thích nhất ở đây, cũng như ở Hà tiên là có những rừng cây trong phố. Còn phản cảm nhất ở đây là bức tường chạy dài bưng bít hết dọc bờ phía đông của thành phố biển, nơi mà đáng ra là chỗ hấp dẫn nhất của nơi này.

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

NHỚ QUÊ THÌ TÔI LẠI VỀ

Nhớ quê mà răng không về
thì về mà ở nơi nao
vườn xưa vào tay người khác
nhà xưa tan nát còn đâu

Nhớ quê mà răng chưa về
thì về biết sống với ai
anh em bà con đi hết
chăn bò bạn cũ phôi phai

Dù răng thì tui cụng về
về mà lòng buồn tái tê
con sông qua làng đã cạn
chiếc cò lả cánh bay đi

Một mai rồi tôi lại về
về rồi ngậm ngùi ra đi
xa xa ngoái đầu nhìn lại
rưng rưng lại muốn quay về.

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Đi và thấy- p5: Nắng và gió

Nắng, đã đành. Giữa mùa hè mà, lại xuôi về phương nam. 

Cũng có chặng đi trong mưa như từ Đông hà về Hồ xá, hay từ Cà mâu về Rạch giá. Đặc biệt mưa Phú quốc. Mưa suốt đêm cho tới trưa hôm sau. Lượng mưa quá lớn tới mức người dân ở đó nói ba mươi năm nay chưa có trận nào mưa lớn thế.

    Còn gió thì thuần một hướng tây -nam, nên chúng tôi toàn phải đi ngược gió. Có lúc gió thổi tức ngực như đoạn từ Hoàng mai vào Cửa lò. Có lúc gió thổi xiêu cả người và xe như đoạn qua Tuy hòa.


    Gió Lào bắc miền trung cho tới Thừa thiên Huế rát bỏng, qua Hải vân vẫn có gió Lào tuy đỡ hơn nhưng vẫn còn khô nóng. Vào Khánh hòa thì dịu dần, tới Nha trang thì mát, nhưng mà vẫn gió tây nam. Từ Cà mâu lên Hà tiên thì gió thổi ngang. Chỉ tới khi chạy từ Hà tiên trở lên An giang- Cần thơ- Sài gòn thì mới được xuôi theo chiều gió.

Nắng chiều Cà ná
Điện gió Tân phong

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Đi và thấy-p4: Rì- sọt

Dọc đường đi thấy nhiều rì- sọt. Đầu tiên là Bãi Lữ, sau nữa thì vô thiên lủng suốt dọc miền trung, biết bao nhiêu là rì- sọt khác.
Có chỗ cha con tôi vô tới cổng, ngồi buôn dưa lê với mấy ông bảo vệ. Có chỗ quá ư kín cổng cao tường thì không cho vô, chỉ biết đứng ngoài nhìn cái bảng hiệu rồi lui.

   Rì- sọt không phải là thứ dành cho mình, cho lớp người bình dân như mình. Không được vào đã đành, cũng chẳng được hưởng chút hơi hướng từ xa gì của nó. Có vẻ như cái gì ở đó cũng khép kín, kể cả ngoài bờ biển, cho ra mãi ngoài xa nữa, cũng đừng có mơ mà lảng vảng đến gần. Đành thôi, thì lui.


   Đã có chụp mấy tấm hình, nhưng rồi thôi không chụp thêm nữa. Chỉ tiếc cho không gian đất trời ở nơi mà mấy cái đó đang ngự trị một cách biệt lập cô quạnh và có vẻ gì thâm u bí ẩn bên trong.

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Đi và thấy- p3: TÂM SỰ CỦA NGƯỜI TRỒNG HÀNG NGÀN HA RỪNG

      Đêm trước ngủ lại ở Khoa trường nên sáng hôm sau cha con tôi đã vào tới Quỳnh lập. Tuổi thơ của tôi ở đây với biết bao kỷ niệm nên tôi muốn quay về và cũng muốn con mình được biết.
   Bon bon trên con đường mới mở thênh thang chúng tôi vào Đồng mí, Đồng minh, Đồng thanh rồi Đông hồi và … tịt. Trước mặt là vách đá dựng đứng sừng sững chắn lối. Thì ra bên Nghệ sốt sắng mở đường chứ bên Thanh chưa động. Quay lại, ngoặt ra mép biển, tìm hỏi để được thăm người trồng rừng Lê Duy Nguyên. 

Thì ra ông đứng kia, trước mắt chúng tôi, đứng tuổi, cao gầy, đang vung tay nói lớn với những người cộng sự về việc bảo vệ rừng. Ông nhanh chóng lấy lại bình tĩnh rồi nói với tôi:
     - Rứa đó ông ạ. Phức tạp lắm. Chưa biết là được cái gì nhưng mà mất mất cái tính của mình. Mình đâu có phải là cái thằng cộc cằn rứa mà thành cộc cằn. - Với chất giọng rè rè khê khê rất đặc trưng của vùng đất địa đầu xứ Nghệ, ông nói: - Mình sinh ra lớn lên ở đây, chính cái làng này. Rồi mình đi dạy học nơi xa, rồi mình lại quay về quê để trồng rừng. Thấy cơ man đồi trọc mà tiếc, mà trồng chứ mình có biết tính toán, có biết làm kinh tế chi mô. Mới đầu ai cũng ủng hộ, ai cũng khuyến khích, nhưng đến một khi thì có người ghanh ghét, có kẻ đố kị, có đứa xúc xiểm sau lưng.
- Có đứa ngang nhiên chặt cây của mình. Lúc đầu hắn chặt một đôi cây, mình không nói gì. Đến khi hắn chặt cả vạt thì mình phải nói. Hắn cãi: cây trên rú, đếch của thằng nào. Cái lí dân gian mình rứa đó. Chẳng lẽ mình đưa giấy tờ ra. Có đưa hắn cũng đếch thèm đọc. Nói lắm thì hắn khùng lên, vác dao ra, gọi anh em bà con ra. Mình cũng phải khùng lên. Mình cũng có anh em bà con. May mà không có xung đột gì. Hắn cũng nhát. Mình cũng nhát, lại được cho là thắng. Nhưng mà hư mất cái tính. Đau nhất đấy ông ạ. Hư mất cái tính!
   - Trồng mãi, đến dừ là được bốn nghìn ha. Từ chỗ giáp với bệnh viện phung ra Đồng minh, Đồng thanh rồi ra ngoài này, tính từ đỉnh, hắt về bên ni là rừng của tui. Bên tê là Quỳnh lộc, bên tê nựa là Thanh hóa.
  - Nghe nói bác có trồng cả lim?
  - Có bốn trăm hát. Nhưng mà phải năm sáu chục năm nữa mới cho thu hoạch. Khi đó mình mục xương rồi. Ông cười lục khục trong cổ. Ờ này, tí nựa tôi cho người chở ông đi coi trại hươu. Mình đếch có tiền, khi đắt năm sáu chục triệu một con hươu cái mình đâu dám mua. Nhưng rồi tự dưng mất giá, chỉ còn hai, ba trăm ngàn một con, người ta đưa giết thịt, mình xót quá, mới mua về thả trong rừng. Rồi mình thả cả rùa cả trăn. Nhưng mà không cho thu nhập chi cả.
  - Thích thì làm thôi, như là chơi, cũng là cái thú của mình. Buồn nhất là hư mất cái tính. - Ông nhắc lại lần nữa. Chắc là ông trăn trở về điều này nhiều lắm. Nhưng ông nói lên được như rứa thì ông vẫn là ông. Làm sao mà ông mất đi được cái cốt cách nhân văn của mình. Tôi tin là như thế. 

Ông đi khòng khòng, tiễn cha con tôi ra cổng. Hẹn ông một ngày gặp lại. Con người như ông, tôi thực sự thán phục. Không dám bày tỏ gì hơn, trước khi chia tay chỉ biết chúc ông sức khỏe.

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Đi và thấy-p2: THÀNH NHÀ HỒ

     Ngày đầu tiên của chặng hành trình chúng tôi đi dọc theo đường HCM qua vườn quốc gia Cúc phương, tới suối cá thần Cẩm lương, rồi rẽ về thành nhà Hồ. Tiếc là không vào được cổng chính. Người ta đang trang hoàng chuẩn bị cho lễ đón bằng di sản thế giới. Chúng tôi chỉ còn biết đứng từ xa chụp vài bức ảnh. Rồi chiếc máy ảnh ấy cũng đã bị mất ở thị trấn Vĩnh lộc. Giờ thì tôi nhớ về thành nhà Hồ theo như mình biết từ năm 1968 khi có dịp đi từ Thạch bình - Thạch thành mà qua đó để về Kiểu rồi xuôi Yên định, rồi theo đường 15 mà đi về Nghệ...
   Thành nhà Hồ ngày ấy còn khá nguyên vẹn, có đủ bốn cổng và có đủ các mặt thành bao quanh. Tất cả đều bằng đá. Những khối đá khổng lồ được chồng khít lên nhau mà thành cổng thành thành. Vòm cổng thì đẽo đá hình múi bưởi mà ghép với nhau. Cổng chính có ba vòm cao to lồng lộng. Không biết người xưa đẽo đá bằng gì, chở đá cách nào, và xếp đá ra sao. Quả là không tài nào tưởng tượng được. Thế mà đời nhà Hồ chỉ tồn tại có mấy năm ngắn ngủi. Mới hay sức dân là đến mức nào. Và phải có điều gì linh thiêng kỳ bí nữa thì nhà Hồ mới dựng được nên thành.
    Giờ thì chỉ còn cổng, các mặt thành gần như đã bị xâm hại, có thể đã bị gỡ đi hoặc bị phá. Bên trong thành giờ thì người ta làm ruộng. Các dấu tích xưa chẳng biết ở đâu. Chúng tôi phải đi vòng một thôi dài phía ngoài thành mới ra đến thị trấn Vĩnh lộc. Thị trấn Vĩnh lộc thì ngày ấy chưa thấy nhưng mà nay khang trang bề thế lắm. Có di sản thế giới có khác. May thật.

CBTDS-P4: Hơi thở điều hòa

    Tài liệu đầu tiên mà tôi được đọc về hô hấp là cuốn "Thở đúng thở tốt" của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Sau đó tôi được đọc thêm nhiều cuốn nữa. Có nơi hướng dẫn thở 4 thì: hít vào- nín- thở ra- nín -rồi lại hít vào. Có nơi bảo không nên nín thở khi đã hít vào căng hết lồng ngực. Có người bảo hít vào thật sâu, càng sâu càng tốt. Tôi cũng đã nghe theo và đã tập theo như thế cho tới một khi ngẫm ra không phải vậy.
     Tập nín thở cho lâu là dùng cho người còn sung sức đang làm nghề thợ lặn, chẳng hạn thế, chứ mình cao tuổi rồi tập vậy là sai. Hít vào cho thật sâu, cho căng hết lồng ngực, cũng chưa hẳn đã tốt, vì rất mệt. Thiếu oxy không tốt mà thưa oxy cũng chẳng hay gì, ngược lại còn gây nên rối loạn công thức máu.
    Chi bằng cần tới đâu thở tới đó, sao cho êm nhẹ sâu đều, nghĩa là thở điều hòa vậy. Thở bằng mũi, sao cho thông đều cả hai; thở bằng cơ hoành cho không khí lưu thông tới tận đáy phổi. Dành không gian cho trái tim, luyện cho cơ bụng chắc khỏe, cho hệ tiêu hóa và các nội tạng khác được xoa bóp thường xuyên để lưu thông được tốt.
    Thở bằng bụng cũng là cách để có thể thở tốt trong mọi tư thế. Tập yoga cũng là để rèn luyện điếu đó. Khi đã tập tốt rồi thì có thể thở tốt trong mọi hoàn cảnh dù cho là ngặt nghèo nhất.
    Sau hết, thở điều hòa là cách tiết kiệm năng lượng nhất, là cách để có thể thư giãn tối đa, và là để đầu óc trống rỗng, và cuối cùng là tới một khi nào đó ta có thể định tâm ở một điểm.

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Đi và thấy. p1: Đất nước mình tươi đẹp

    Cảm nhận đầu tiên là một màu xanh từ bắc tới nam. Ở đâu cây cối cũng xanh tươi,

 kể cả vùng gió Lào cát trắng trung trung bộ hay vùng nắng hạn miền nam trung bộ. Ở đâu cũng có sự sống, ở đâu cũng có những con người cần cù lao động, và chỉ cần thế thôi là có thể tồn tại, có thể vươn lên, có thể khẳng định mình, hơn thế- có thể sống đàng hoàng, thậm chí có thể làm giàu. Những nơi trước đây chỉ có hố bom, rào dây thép gai như Quảng trị,  Cồn tiên, dốc Miếu giờ cũng xanh ngút ngàn cao su, cà phê và bao nhiêu cây trái khác.


 Một màu xanh bao la nữa là biển cả. Chúng tôi đã đi qua 2000 km bờ biển trong xanh hiền hòa cùng biết bao bãi cát vàng và rừng phi lao rừng dừa rì rào gió thổi.



  Biết bao vụng vịnh đẹp và những hải cảng tấp nập tàu ghe. Biết bao cá tôm, cua ghẹ, mực hàu...
     Ngước lên Trường sơn cũng một màu xanh trùng điệp. Dẫu biết rừng nguyên sinh không còn nhưng sự sống vẫn tươi xanh. Rồi thì người ta đã và đang trồng lại rừng, cho bạch đàn, keo tai tượng, và cao su, cà phê cùng bao nhiêu loài cây khác phủ kín núi cao lũng thấp. Nhiều khoảng rừng đã khép tán, giữ nước và che chở cho đất đai ngày thêm màu mỡ, và cho những con sông vẫn dào dạt phù sa đưa nước về tưới mát mọi cánh đồng.

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

SAU CHUYẾN ĐI DÀI

Cha con tôi vừa thực hiện một chuyến đi dài từ Hà nội theo đường HCM vào Cẩm lương, thành nhà Hồ, rồi dọc theo bờ biển miền trung  từ Thanh hóa cho tới  Mũi né- Phan thiết, vào Vũng tàu Bà rịa, rồi lên Biên hòa Đồng nai, lại xuôi Bến tre, Trà vinh, Sóc trăng, Bạc liêu, xuôi nữa là Cà mâu- Năm căn; lại ngược hướng bắc- tây bắc mà lên Rạch giá, Hà tiên rồi qua Phú quốc; trở về đồng bằng sông Cửu long qua Kiên giang, An giang, Cần thơ, qua Mỹ tho, Vĩnh long rồi về Sài gòn. Chuyến đi trọn một tháng. Có nhiều cảm nhận, có nhiều kỷ niệm, có cả những điều trăn trở. Tôi xin trở lại vào những trang sau trong mục Đi và thấy.