Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Ngày 14/3/2013 nhớ về ngày 14/3/1988

Xin tải về bài thơ của TS Đặng Huy Văn:


THƯ GỬI BA

NHÂN NGÀY 14/3

(Viết tặng Trần Thị Thủy)[1]
.Trường Sa đảo chìm, đảo nổi
Nhấp nhô biển sóng mê hồn
Gạc Ma là đâu mẹ hỡi?
Mà nghe ba mãi gọi con
Từ thuở nằm trong bụng mẹ
Khi con chưa biết khóc cười
Đã hay ba không về nữa
Con thương ba lắm, ba ơi!
Lớn lên con nghe mẹ kể
Ba cầm cờ giữ Gạc Ma
Giặc Tàu nhằm ba xả đạn
Máu loang thắm đỏ Trường Sa
Được phong anh hùng ngày đó
Chào đời con chẳng còn ba!
Tim con hoài thương thao thức
Trong niềm đau nhớ xót xa
Chín hai “ba về” Quảng Phúc[2]
Lúc con mới bốn tuổi đời
Dắt ra nghĩa trang mẹ chỉ
“Ba Phương nằm đó, con ơi!”
Cách nhà chỉ hơn trăm mét
Nên con thường trốn ra đây
Khóc thầm mỗi khi hờn tủi
Đặt hoa trên mộ mỗi ngày
Cách đây bốn năm có chuyện
Tấm Bia mất chữ anh hùng
Trên Bia chỉ ghi liệt sĩ
Biết tin ba có buồn không?
Dần dà không người lai vãng
Viếng thăm bên mộ của ba
Buồn đau nhiều đêm mẹ khóc
Con thương ôm mẹ xót xa
Hóa ra “chống Tàu” là tội?
Nên ba bị tước anh hùng!
Con hỏi mẹ buồn không nói
Nơi xa, ba có đau không?
Hỏi tỉnh, tỉnh hỏi trung ương
Trung ương bặt vô âm tín
Ba năm trời nơi xó xỉnh
Không cấp nào đoái thương ba!
Ba xưa hi sinh vì nước
Mà sao đảng lại ghét ba
Hay chống Tàu là chống đảng
Chống đồng chí, chống ruột rà?
Học xong con xin ra đảo
Thả hoa quanh biển Gạc Ma
Nhìn lá cờ Tàu vấy máu
Mà thương đồng đội của ba!
Con vào Khánh Hòa làm việc
Từ năm hai ngàn lẻ mười
Nơi xưa ba từng thân thiết
Chồng con cũng lính, ba ơi!
Ba nay đã thành ông ngoại
Navy con gái chúng con
Đặt tên “Hải Quân” yêu đảo
Để mong trung với nước non
Tam Sa giặc Tàu đã lập
Nối Hoàng Sa với Trường Sa
Nay con thuộc Tàu hay Việt?
Trời cao có biết không ba?
Lẽ nào chính quyền của đảng
Ngày xưa đã tặng Hoàng Sa
Nay định Trường Sa trao nốt
Còn đâu biển đảo quê nhà!
Phải chi thời nay đã khác
Đảng ta vì bạc, vì quyền
Mà đã cam tâm theo giặc
Bán dần Đất Mẹ bình yên?
Hà Nộih, 12/3/2013
Ts. Đặng Huy Văn
[1]- Trần Thị Thủy là con gái duy nhất của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương. Khi anh hi sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 thì vợ anh, chị Mai Thị Hoa mới có thai Thủy được hơn một tháng, nên anh chưa được biết. Nay Thủy đã tốt nghiệp ngành Việt Nam Học tại đại học Quảng Bình, nhưng cô nhất quyết xin vào Khánh Hòa làm việc tại đơn vị cũ của cha mình, Lữ Đoàn 146 Vùng 4 Hải Quân để thường xuyên được ra đảo thăm nơi năm xưa cha cô và 63 đồng đội đã hi sinh trong Hải Chiến Trường Sa tại các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Đảo Gạc Ma đã bị giặc Tàu cưỡng chiếm kể từ ngày 14/3/1988 đó.
[2]- Sau Hải Chiến Trường Sa 14/3/1988, liệt sĩ Trần Văn Phương và hai đồng đội của anh đã được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND vào ngày 6/1/1989 có khắc lên bia mộ khi anh nằm ở nghĩa trang Trường Sa. Tháng 5/1992, khi mộ anh được chuyển về nghĩa trang xã Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình thì trên bia mộ vẫn còn khắc danh hiệu anh hùng. Nhưng đến năm 2009 khi xã Quảng Phúc tôn tạo lại nhĩa trang thì có “lệnh từ trên”, do danh hiệu anh hùng chống Tàu của anh quá nhạy cảm nên đã bị đục bỏ. Đồng đội, bạn bè, bà con, gia đình và nhiều nhà văn nhà báo đã thắc mắc lên các cấp chính quyền thì bị trả lời loanh quanh gần 4 năm trời mà không được giải quyết, thậm chí họ còn “chỉ đạo” ngăn cản không cho bà con địa phương đến dâng hương vào ngày 14/3 hàng năm. Trước sự đấu tranh kiên trì của mọi người, thì năm ngoái vào ngày 19/4/ 2012, bia mộ anh Trần Văn Phương mới được khắc lại dòng chữ “anh hùng LLVTND”.

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Văn tế chiến sĩ Gạc ma

Xin tải về bài của Trang Hạnh:

VĂN TẾ CHIẾN SĨ GẠC MA (TRƯỜNG SA)
Than ôi!
Biển bốn hướng sóng dậy hờn căm,
Trời tám phương mây giăng u uất.
Chẳng sao ngăn niềm đau đớn tột cùng,
Khó xóa hết nỗi hờn căm chất ngất!
Nhớ linh xưa,
Lớn lên bằng củ sắn củ khoai;
Trưởng thành trong lời ca lời hát.
Thấm nhuần đạo đức, ươm ước mơ cố gắng tôi rèn,
Chẳng ngại gian truân, nuôi hoài bảo chuyên cần học tập.
Giữ gìn đất nước, biết quê hương từ tiếng mẹ ru,
Yêu mến non sông, thương tổ quốc từ câu cha hát.
Bóng trăng đáy nước, quan họ ơi tình nặng mạn thuyền,
Lưng ngựa câu then, khăn piêu vẫy rừng vang tiếng nhạc.
Đờn ca tài tử bồi hồi,
Câu hát xẩm xoang ngây ngất.
Rộn rã tiếng cồng chiêng tây nguyên,
Réo rắc điệu khèn môi tây bắc.
Ngẩn ngơ điệu múa chiếu chèo,
Bằng hoàng câu hò phường vải.
Thế mà,
Rung rinh đá đảo, tự dưng bị trận cuồng phong
Bình lặng dòng sâu, bỗng nhiên nổi cơn bão táp!
Quân bành trướng, ỷ binh nhiều tướng mạnh, ngang nhiên cướp đất bắt người,
Lũ ma vương, cậy súng lớn đạn to, vô cớ hiếp tàu cắt cáp.
Cậy quân đông lấy thịt đè người,
Ỷ thế mạnh xua quân chiếm đất.
Uốn miệng lưỡi, cứ ngỡ bạn hiền,
Nhe nanh vuốt dè đâu quỷ dữ!
Thò tay quỷ mà vẽ lưỡi bò,
Lòi mặt nạ té ra kẻ cướp!
Tàu cá khoang không tấc sắt, để chúng tự tiện cầm tù,
Ngư dân phơi tấm lưng trần, mặc chúng thẳng tay đánh đập.
Làm vợ khóc chồng ruột héo gan bầm, Để con nhớ cha lòng đau dạ thắt.
Nhưng chúng đã lầm! bởi nhân dân ta:
Thừa dũng cảm, nữ nhi là Bà Triệu, bà Trưng,
Đủ trí mưu, trai tráng là Quang Trung, Thường Kiệt.
Yêu hòa bình, nhưng gươm Lê Lợi lưỡi vẫn sáng ngời,
Chuộng tự do, nhưng cọc Bạch Đằng đầu luôn nhọn hoắt!
Bừng khí thế, trăm thiếu niên trương cờ sáu chữ: “… báo hoàng ân” *
Sục hờn căm, ngàn dũng sĩ thích tay một lời thề sát thát!
Gươm so gươm, gươm lóe ngợp trời,
Súng đọ súng, súng vang dậy đất!
Bạch Đằng xác địch nổi lênh bênh,
Đống Đa thây thù cao chất ngất!
Nay Chiến sĩ Gạc Ma,
Ăn chung mâm, ngủ chung chiếu, chuyện riêng tư cũng cùng kể nhau nghe,
Trùm chung chăn, mơ chung giấc, thư thầm kín đều chuyền tay nhau đọc!
Khác cha mẹ mà giống hệt ruột rà,
Không họ hàng mà y như máu thịt!
Khen thay!
Vì nhân dân, quản chi gối đất màn sương,
Vì đất nước nào sá gì mưa nam gió bắc.
Giống kiên cường, lại tiếp kiên cường,
Máu bất khuất, vẫn luôn bất khuất!
Hẹn với lòng một nhục một vinh,
Thề với giặc một còn một mất!
Thương ôi!
Cũng vì nước mạnh dân no,
Nào kể xương tan thịt nát!
Nguyễn Văn Lanh, bụng trúng lê tay vẫn giương thẳng tay cờ,
Trần Văn Phương, tay ôm ngực còn thét : “ Không cho mất đảo!” **
Máu ai loang cả mạn tàu!
Máu ai hòa theo nước biển!
Bởi dòng máu Đại Việt đỏ mãi ngàn năm,
Nên non nước Lạc Hồng nối liền một dải.
Dù giọt nước Biển Đông, con cháu cũng phải giữ gìn,
Dù hòn sỏi Gạc Ma, chiến sĩ quyết không để mất!
Xót thay!
Nam nhi hề, vai khoác chiến y,
Chiến sĩ hề, ai về đầu bạc?
Chuyện nhục vinh thì cứ luận bàn,
Đường sinh tử có ai không thác?
Luận anh hùng ai kể bại thành,
Xét chí khí nên coi cao thấp.
Hôm nay,
Thắp nén tâm hương ,
Tưởng người tiết liệt.
Gương hiếu trung mãi mãi chẳng phai mờ,
Máu hào kiệt ngàn đời không đổi sắc.
Hiếu với dân chẳng quản máu xương rơi,
Trung với nước đâu chờ bia đá tạc!
Ô hô! Có linh xin hưởng!
TRANG HẠNH (Khoa tim mạch BV Đa Khoa Bắc Ninh)
____________
Chú thích:
* Trần Quốc Toản thêu lên cờ 6 chữ “ Phá cường địch, báo hoàng ân”
** Trần Văn Phương trước khi hy sinh đã thét lớn: “ Thà hy sinh, không để mất đảo!”

Cảm ơn tác giả và trang mạng

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

NHÂN BÀI BÁO ĐẶT LẠI TÊN NƯỚC, XINNHAWSC LẠI HAI ĐIỀU KIẾN NGHỊ

Xin tải về bài:

ĐỀ NGHỊ ĐẶT LẠI TÊN NƯỚC LÀ “VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA”


8 Votes

NTT: 5 năm trước, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển kể cho tôi chuyện này: “Một lần đi họp ở nước ngoài với Thủ tướng Phan Văn Khải, khi cùng đi toilet, ông Tuyển nói với ông Khải: Nhiều người muốn lấy lại tên nước thời Bác Hồ là Việt Nam dân chủ cộng hòa, ý anh thế nào? Ông Khải nói: Tớ cũng nghĩ thế, nhưng họp hành có ai đưa chuyện này ra đâu”. Hôm nay báo Tuổi trẻ đã chính thức đưa chuyện này như sau:
Báo Tuổi Trẻ ngày 3/3/2013
Báo Tuổi Trẻ ngày 3/3/2013
Cảm ơn báo Tuổi trẻ. 

Nhân đây tôi xin nhắc lại hai điều kiến nghị đã gửi tới quốc hội:

Thứ hai, ngày 25 tháng bảy năm 2011


Quốc hội khóa XIII đang họp kỳ I, tôi xin kiến nghị hai điều




                          Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam
                                   Độc lập tự do hạnh phúc

Kính gửi quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam

Tên tôi là Võ quang Luân – Hộ khẩu thường trú: Tập thể xưởng phim Cổ loa Đông anh Hà nội - Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam, xin kiến nghị hai điều sau đây:

I. Một trong những biểu hiện của “chủ quan nóng vội duy ý chí” vào những ngày đầu sau khi chúng ta thống nhất đất nước là: Đổi chính thể Việt nam dân chủ cộng hòa sang chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam.  Thực chất chỉ là thay đổi định danh thôi, chứ chính thể thì vẫn vậy. Lúc ấy ta kiêu hãnh lắm, tự tin lắm thành ra mới có sự thay đổi đó.
Thực tế những năm tiếp theo là những năm cực kỳ gian khó, phải nói là đói khổ, cơ cực. Chúng ta bị bao vây cấm vận, bạn bè thưa dần, sự ủng hộ giảm sút hẳn đi, chiến tranh biên giới nổ ra…Bên trong thì từ sức sản xuất đến quan hệ sản xuất không có gì thay đổi, thậm chí còn yếu kém trì trệ, trước chỉ ở một miền, nay cả nước đều thế.
Định danh chỉ là một dòng chữ, còn chính thể thì phải đồng bộ từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. Điều đó không thể áp đặt chủ quan mà có được. Nhưng ta vẫn tin và vẫn chờ có được điều ta mong đợi đó. Từ bấy đến nay đã hơn ba chục năm rồi, chúng ta có nhiều thành tựu nhưng cũng không ít sai lầm. Nhiều sai lầm do chủ quan nóng vội tỏ ra ngày càng chủ quan thêm. Duy ý chí, thì ý chí ngày một đuối đi, thay vào đó là thoái hóa biến chất. Còn điều ta mong đợi cứ lùi xa dần. Tới khi phe XHCN thực sự tan rã thì chúng ta trở nên lạc lõng.
Bởi vậy, chúng tôi kiến nghị: Để phù hợp hơn với sức sản xuất cũng như quan hệ sản xuất hiện nay và còn dài lâu về sau; để hòa nhập cộng đồng quốc tế và khu vực; để thêm bạn bớt thù; để tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế; và cuối cùng để yên dân, để phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, để nhà nước thực sự của dân do dân vì dân,tôi xin đề nghị thay đổi định danh, trở lại chính thể:
                 Việt nam dân chủ cộng hòa
                     Độc lập tự do hạnh phúc

Kiến nghị này tôi từng đề xuất từ năm 1988 trong bài gửi lên T.Ư. thông qua ban biên tập báo Nhân dân, và tôi cũng đã nhắc lại vài lần khác trong những bài tương tự. Nay sắp họp kỳ I quốc hội XIII, tôi xin đề xuất một lần nữa.

II. Trước lúc đi xa Bác Hồ đã căn dặn bao điều về “chỉnh đốn lại đảng”,  về những “công việc đối với con người”, “đối với các liệt sĩ”, “đối với cha mẹ, vợ con” của thương binh và liệt sĩ, đối với “những chiến sĩ trẻ tuổi… và thanh niên xung phong”,…, “đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ”,… Và Bác viết:
Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”…(Trong ngoặc kép trích di chúc của Bác)
Về việc riêng Bác chỉ viết có mấy dòng. Trong đó Bác ghi rõ:
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ có nhiều điện, thì sẽ “điện táng” càng tốt hơn.”
Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam đảo và Ba vì hình như có nhiều đồi tốt. Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.”
“Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và ích cho nông nghiệp.”
Ý của Bác đã rõ, tôi xin không bàn thêm.
Tiếc là ngày đó hai miền còn chia cắt, đồng bào miền Nam chưa được gặp Bác, Bác chưa thực hiện được “ ý định đến ngày đó,( ngày hòa bình thống nhất) tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Hoặc là:
“Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em…các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”.
Vì thế, trung ương đảng , quốc hội và chính phủ đã có chủ trương xây lăng bảo quản thi hài Bác.
Đến nay đã ba mươi sáu năm thống nhất nước nhà, non sông liền một dải, đồng bào hai miền Nam Bắc, kiều bào ở nước ngoài và bè bạn năm châu đã được viếng Bác. Bác cũng đã gặp đồng bào hai miền Nam Bắc, kiều bào ta ở nước ngoài và bè bạn năm châu. Lòng Bác chắc đã thỏa, lòng dân cũng thỏa phần nhiều, dù còn thương nhớ Bác khôn nguôi.
Bởi thế, giờ đây, tôi xin kiến nghị trung ương đảng, quốc hội, chính phủ và toàn thể đồng bào thực hiện yêu cầu của Bác. Một đời người, Bác đã hy sinh tất cả, một lòng vì dân vì nước, Bác không đòi hỏi chút nhỏ nào cho riêng mình. Chỉ trong di chúc, Bác mới nêu một yêu cầu duy nhất này thôi, chẳng nhẽ chúng ta từ chối Bác.
Tôi xin kiến nghị thêm: Nên đúc tượng Bác bằng vàng, đúng kích thước thật khi Người khỏe mạnh nhất. Thay vì Bác nằm trong lăng, là tượng của Bác đứng trong lăng, dưới cờ tổ quốc.
Đến ngày đó, đồng bào về thủ đô vào lăng viếng Bác; khách thập phương lên Tam đảo hoặc Ba vì thì đến mộ viếng Bác. Chỉ còn một điều là phải chọn địa điểm để trồng cây trước, cho có bóng mát, để rước Bác lên.
Tôi thành thực có hai điều kiến nghị. Kính mong quốc hội xem xét.
Võ quang Luân cung kính gửi lên.
                                                             Hà nội ngày 25-6-2011.
                                                                        

                            *****


Bản kiến nghị này dưới dạng viết tay 4 trang A4, tôi đã gửi văn phòng quốc hội 37 Hùng Vương, Ba đình,  Hà nội, ngày 2-7-2011, theo dấu bưu điện. Tôi tin tưởng rằng việc làm này cũng là một chút nhỏ thiết thực hưởng ứng cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bởi vậy mà tôi mạnh dạn lên trang, nhất là khi nghe quốc hội có chủ trương sửa đổi hiến pháp.
             24-7-2011