Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

TÔN GIÁO MỚI VỚI QUỀN LỰC VÀ QUYỀN LỢI. (phần cuối)



     11. Một điều dễ thấy là chủ thuyết duy vật thực dụng đã vô tình hạ thấp các giá trị văn hóa tinh thần. Nhiều giá trị văn hóa cả vật thể lẫn phi vật thể đã bị  đánh đổ hoặc bị tàn phá.
Đặc biệt khi người theo chủ thuyết đó lại có thế lực trong tay thì sự tàn phá càng nhanh chóng và khốc liệt. Nhiều giá trị văn hóa bị khép vào tội duy tâm, phản động. Các tôn giáo khác bị bài xích. Nhiều đức tin bị phá bỏ. Đa số dân chúng đã không còn theo tôn giáo nào, không có đạo. Mà đạo là con đường để đi. Không có con đường để đi dẫn tới mò mẫm, bế tắc. Ngay cả tôn giáo mới cũng đang dò dẫm, đang mày mò để tìm một lối đi. Trong khi chiếc cầu trở lại bến xưa đã bị đánh sập thì con đường phía trước vẫn chưa biết về đâu.
     Thời gian chưa nhiều từ khi TGM với chính quyền của nó lên ngôi nhưng cũng đủ để thấy đạo đức xã hội đã xuống cấp nghiêm trọng thế nào. Truyền thống nhân nghĩa, đạo lý, tình cảm, nếp sống bị đảo lộn. Triết lý duy vật thực dụng kích thích nhu cầu vật chất và các dục vọng tầm thường. Thói giả dối, tham lam, háo danh, ích kỷ, vô cảm, cùng các tệ nạn xã hội … hiện diện ở mọi nơi mọi lúc, từ chốn công đường, đến học viện, nhà trường, bệnh viện, từ thành thị đến nông thôn vùng sâu vùng xa.
     12. Môi trường tự nhiên bị xuống cấp, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nặng nề và bị khai thác cạn kiệt. Chỉ với vài chục năm mà rừng tự nhiên gần như không còn. Động vật hoang dã và những cây thuốc, những cây gỗ quý gần như tuyệt chủng. Đa dạng sinh học bị giảm sút nghiêm trọng. Đất, nước kể cả đại dương và không khí đều bị ô nhiễm...
   Những điều trên không chỉ là hậu quả của hệ thống quản lý và điều hành kém hiệu lực mà còn do sự thúc đẩy của một hệ ý thức duy vật thô thiển và thực dụng. Có thể những người sáng tạo ra hệ ý thức này không nghĩ như thế, nhưng số đông tăm tối khổ đau thì không thể nghĩ khác hơn. Mọi lý thuyết cao siêu chỉ dành cho một thiểu số tinh hoa, còn đại đa số dân chúng, nếu có được học cũng  chỉ hiểu phần thực dụng nhất. Ngay như toán học, là môn được học nhiều nhất từ phổ thông tới đại học, cả trên đại học và cũng là môn được dùng tới nhiều nhất, vậy mà có mấy ai hiểu được gì và áp dụng được gì ngoài bốn phép tính cọng trừ nhân chia. Hoặc giả là cách mạng, cái vừa là tính từ vừa là danh từ lại vừa là động từ này mấy ai đã hiểu được khác hơn cách hiểu của AQ: “cách mẹ cái mạng của nó đi”!
    Khi người ta sùng bái vật chất, người ta duy vật thì không còn sợ ma quỷ, không còn thành kính thần linh, người ta phá bỏ các giới luật, không tin vào nghiệp chướng, thì người ta cảm thấy tự do hơn, mạnh hơn, và người ta tàn bạo hơn, tham lam hơn. Người ta đã hành xử với nhau và hành xử với thiên nhiên theo lối đó. Và kết cục đã tới rất nhanh. Chỉ mấy chục năm thôi sức tàn phá đã bằng cả mấy thế kỷ.
      13. Vào thời điểm rực rỡ nhất, vinh quang nhất của TGM, người ta đã say sưa với chiến thắng. Ấy là lúc đánh đổ được kẻ thù một mất một còn, là lúc nắm lấy quyền lực và thâu tóm các lợi ích, là lúc người ta tuyên bố làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, là lúc lớn tiếng đòi chinh phục cái này cái kia kể cả chinh phục vũ trụ. Ấy là lúc mà TGM tỏ ra kiêu căng ngạo mạn nhất. Chưa có một tôn giáo nào như vậy. Có thể gọi đó là thói ngạo mạn CM.
    Thói ngạo mạn này làm cho người ta không dễ gì nhận ra những sai lầm, những lỗ hổng lý luận, hoặc những nghịch lý, những mâu thuẫn nội tại trong lòng một pháp, một học thuyết. Nhân loại đã phải cố gắng rất nhiều để khẳng định nhân cách, nhân phẩm, để nâng tầm Người lên trên cái dung tục tầm thường. Nhân loại cũng đã tìm cách để giải thoát mọi chúng sinh khỏi bể khổ trầm luân bởi tham sân si. Nhưng TGM lại đưa con người trở về với cội nguồn của khổ đau. Đấy là sự chế ngự của của cải vật chất, của tham lam thù hận, và tàn bạo hơn là của sự đối kháng không cùng bất chấp thủ đoạn và bạo lực.
    Ngạo mạn và thủ đoạn là điều mà giáo chủ của TGM có thể đã không nghĩ tới. TGM và quyền lực cũng là điều mà các giáo chủ có thể cũng đã không nghĩ tới. Miếng bánh quyền lực và quyền lợi sẽ được chia không đều có thể cũng là điều mà  giáo lý cũng đã không tính tới. Các thánh tông đồ và các giáo dân của TGM đã vấp phải cái kết cục đó. Cùng với sự tha hóa bởi chiếm hữu thì ngạo mạn và thủ đoạn sẽ là nghiệp chướng của TGM, của mọi tín đồ và của cả nhân loại lầm than. Một kết cục tất yếu sẽ đến, đó là sự phát động một cuộc thánh chiến mới của những người lao khổ với tầng lớp địa chủ tư sản mới (TB đỏ) theo cái kiểu TGM đã tiến hành. Hoặc là, khôn ngoan hơn, đó là sự rút lui lặng lẽ của TGM.
    Một tôn giáo khác đã manh nha, không gắn với một học thuyết một giáo lý nào, cũng không có giáo chủ. Đấy là đồng tiền. Đồng tiền là tiên là Phật, là … Có vẻ như tôn giáo này ôn hòa hơn, không có tuyên chiến bạo lực. Nhưng đồng tiền cuối cùng cũng chỉ là chỉ số của lợi ích. Mà vì lợi ích thì bất chấp thủ đoạn. Vậy thì,  ĐỒNG TIỀN xem ra cũng chỉ là biến tướng của TGM, của chủ thuyết “vật chất quyết định ý thức” mà thôi. Một vòng xoáy khác, một chu kỳ mới lại tiếp diễn. Nhân loại sẽ còn lầm than biết bao nếu không đoạn tuyệt được nó.
       14. Như một phép thử, một bộ phận không nhỏ nhân loại đã chọn TGM, và dần dà đã nhận ra mình nhầm giữa một tôn giáo và một thể chế, giữa giáo hội và quyền lực, giữa giáo lý và quyền lợi. Đồng thời nhân loại cũng đã tìm ra một giải pháp cho trật tự và công bằng xã hội, đó là xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự và thể chế dân chủ. Trong đó “mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Những giá trị phổ quát nhất của nhân loại đang dần hình thành và từng bước được phổ cập. Những mô hình của nó đang rõ nét dần và phần đông nhân loại đang hướng tới. Phần đời có như vậy, tạm coi là được, dẫu cho còn lắm chông gai.
     Dẫu sao thì kiếp nhân sinh vẫn không tránh khỏi khổ đau. Có những khổ đau mà cái gốc ở ngay trong tâm mình. Vì vậy cần có phần đạo nhằm trì kiến tu tập để tự giải thoát, cũng là một cứu cánh. Và thành tâm cầu nguyện nhằm tới sự cứu rỗi cũng là một cứu cánh không tồi.
    Đạo và đời cùng song hành. Nhưng tôn giáo và quyền lực đừng để song hành. Tôn giáo giảỉ thoát nhân sinh, cứu vớt chúng sinh. Tôn giáo không nên dùng quyền lực để áp chế chúng sinh, càng không thể dùng quyền lực để giành dật lợi ích cho riêng mình. Tôn giáo không nên để tha hóa cùng quyền lực.
     Nếu lại có một TGM, hãy xem xem nó có gắn với quyền lực hay không, và quyền lợi nếu có thì sẽ thuộc về ai.
    



Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

TÔN GIÁO MỚI VỚI QUYỀN LỰC VÀ QUYỀN LỢI -(Tiếp theo)


     6. Các vị giáo chủ của TGM đã nhầm khi cho rằng diệt được đối thủ một mất một còn rồi thì mình sẽ thánh thiện hơn, sung sướng hơn. Nào hay nghiệp chướng lại ập đến. Trước hết là phép chia số học thực hiện không đều. Những kẻ ranh mãnh và những kẻ quyền thế đã nhận về mình miếng bánh to hơn. Không những thế chúng còn toan tính bao mưu mô thủ đoạn, kể cả việc tận dụng TGM để giành miếng bánh ngày một to thêm nữa. Những kẻ cả tin, ngây ngô chân thật, hoặc quá chậm chân, ít thế lực đành âm thầm chấp nhận thua thiệt, chưa kể những người đã hy sinh trong cuộc chiến. Mâu thuẫn xã hội lại nẩy sinh và ngày thêm sâu sắc, nhất là khi những kẻ giàu có mới nổi và những kẻ cầm quyền trở nên tha hóa sa đọa biến chất. Nạn tham nhũng trỗi dậy và ngày càng trắng trợn. Những người bị thua thiệt cũng phải tìm cách oằn lên. Dần dà mọi người đều có tâm lý sẵn sàng chặt chém lẫn nhau khi có thể ngõ hầu tìm một chút cân bằng tối thiểu nào đó. Từ những người nông dân chân chất, đến những người trong nghề y, nghề giáo, đến các công chức công quyền, đến các dịch vụ văn hóa du lịch... không ở đâu là không nghĩ tới chém chặt. Văn minh phong bì, tham nhũng và tâm lý chém chặt là sản phẩm tất yếu của TGM và hậu chiến một mất một còn.

     7. Mấy chục năm sau chiến tranh, sau khi chính quyền đã về tay những người vô sản, chính xác hơn là vào tay những người đại diện của họ, thì người vô sản thực sự vẫn trắng tay. Nhân loại cần lao vẫn lao khổ, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần. Họ thấy rõ bất công, thấy bị lừa gạt, thấy những hy sinh mất mát và cả đức tin của họ đã bị kẻ khác lợi dụng. Máu của họ chưa khô mà kẻ thù trực tiếp của họ, bây giờ lại được đồng đội ngôi cao của họ cho là bạn, thậm chí là bạn tốt, nhiều lần tốt, là đối tác chiến lược. Họ thì mất hết, còn đồng đội ngôi cao thì cho con tới cái chỗ vốn là kẻ thù, để học. Và tất nhiên số đông,- không chỉ trong chốn cần lao- bị rơi vào khủng hoảng lòng tin. 
Khi đó họ lại phải tìm về những tôn giáo truyền thống, về với Đức chúa trời, về với Phật, với thần linh, với tổ tiên ông bà. Có người còn tin theo và nhờ cậy đến cả những trò mê tín dị đoan vớ vẩn.

      Chưa bao giờ như mấy chục năm lại đây, các trò mê tín dị đoan trỗi dậy như nấm sau mưa. Cũng chưa bao giờ thấy nhà thờ, chùa chiền đền miếu sau khi bị đập phá tan tành thời duy vật ấu trĩ- cái thời “một mo cơm, một quả cà, một tấm lòng cộng sản; thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn”- đã lại được tu sửa nâng cấp và xây mới nhiều như lâu nay. Đến cả lăng mộ cũng đua nhau nâng cấp, xây mới ngày một to cao, cầu kỳ tô vẽ, bất chấp suy thoái kinh tế và suy thoái đạo đức ngày càng trầm trọng.
8. Cái pháp, hay giáo lý bạo lực của TGM, có thể vô tình nhưng đã tròng một cái vòng kim cô lên giáo phái mình, lên dân tộc mình, nhân dân mình. Ấy là món nợ viện trợ vũ khí và các trang thiết bị chiến tranh.
     Đã dấn sâu vào mâu thuẫn đối kháng, đã một mất một còn, đã chọn giải pháp đấu tranh vũ trang thì những người theo TGM phải có vũ khí khí tài. Muốn có thì phải mua, vì mình lạc hậu không làm ra được. Vì nghèo, không đủ tiền mua thì phải xin, phải vay. Vay thì phải trả, kể cả xin không thì vẫn phải có cái giá của nó. Và đấy là cái vòng kim cô tròng lên đầu chúng ta.
     Cái vòng kim cô ấy mỗi lần siết vào là một lần đau. Đau trong CCRĐ, đau trong NVGP, đau trong CTCTN, đau trong chia cắt hai miền, ở Mậu thân, ở thành cổ Quảng trị...Rồi đau ở biên giới tây nam, biên giới phía bắc, ở Hoàng sa, Trường sa, ở thác Bản Giốc…
    Chiến tranh qua rồi, mà vòng kim cô vẫn không tháo ra được. Không những thế, bạo lực vẫn được xem như là cứu cánh của TGM. Nó đồng hành cùng TGM. Thế mới hay cái họa khôn cùng của giáo lý bạo lực CM ngoại lai này.
      9. Ngược lại, theo một hướng khác, các pháp của TGM cho rằng KHKT phát triển, năng xuất lao động ngày một tăng, sản phẩm xã hội ngày một nhiều rồi thì là nhu cầu của mọi người dân sẽ không ngừng được cải thiện, để đến một khi hoàn toàn thỏa mãn, đảm bảo “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”. Khi đó không còn tranh chấp, không còn áp bức, không còn khổ đau và thế giới sẽ đại đồng. Màu hồng đã được tô lên, một tương lai xán lạn được vẽ ra hết sức hấp dẫn.  
     Số đông tin là như vậy, dù cho đã có cảnh báo ngược lại trong thuyết nhân mãn. Nhưng số đông đói khổ nào có biết cái thuyết đó. Họ chỉ biết mình đang đói khổ, đang cần cơm ăn áo mặc. Hơn nữa, họ cần sung sướng, cần một tương lai tươi sáng. Các pháp vật chất đã đánh trúng tâm lý của họ. Tiếc thay, khi thắng cuộc rồi họ mới biết của cải vật chất rất có giới hạn mà lòng tham thì không cùng. Thỏa mãn nhu cầu vật chất và hoàn toàn bình đẳng về sở hữu, nhất là sở hữu quyền lực và quyền lợi là điều không tưởng. Nhận ra thì máu đã đổ. Thực tế tàn khốc của thế kỷ qua một lần nữa cho hay cái giá phải trả cho các pháp thiên về vật chất thực dụng này. Cũng là cái giá quá đắt cho một đức tin mù quáng, hoặc một cái vô minh đã bị lợi dụng.
      10. Tôn giáo mới có một đặc điểm khác với các tôn giáo khác là nó rất thực dụng. Không chỉ vì nó trung thành với pháp duy vật mà nó còn hiểu sâu sắc và biện chứng về quyền lợi và quyền lực. Những chức sắc của tôn giáo này không bỏ lỡ cơ hội khi có thể nắm lấy những cái đó. Họ tận dụng uy thế trong giáo hội để nắm lấy quyền lực  và dùng quyền lực để thâu tóm các lợi ích. Và vì lợi ích họ đã bất chấp thủ đoạn.
      Một thuật ngữ mới được đưa ra, có vẻ không dính dáng gì tới vật chất, ấy là chính trị. Mà chính trị là gì, chính trị suy cho cùng là quyền lợi. Ban đầu là quyền lợi của cộng đồng, của đại đa số đồng bào theo lý thuyết, rồi biến tướng thành lợi ích nhóm, lợi ích đảng phái, lợi ích cá nhân khi khả dụng.
     Tha hóa của quyền lực là chuyện muôn thuở. Nhưng nếu quyền lực lại được khuyến khích bởi duy vật thực dụng  và lợi ích vật chất thì sự tha hóa càng trở nên trầm trọng, nhất là khi nó được hậu thuẫn bởi một tôn giáo, đặc biệt là một tôn giáo độc tôn. TGM dùng mọi lý lẽ, mọi hình thái tổ chức của giáo hội, thậm chí cả sức mạnh của quyền lực để che chắn, để bảo vệ lợi ích của chính mình và bảo vệ lẫn nhau.
     Ở đây, trong cái TGM này không có pháp về giới, không có các quy tắc để chế ngự các thói hư tật xấu vốn có trong mọi thành viên. Họ không phải hy sinh một điều gì cả, càng không phải xuất gia hành đạo. Ngược lại họ có quyền lực, có sự hậu thuẫn của giáo hội cầm quyền, và họ thực chất có đặc quyền. Chính vì thế mà sự tha hóa càng trở nên nhanh chóng và trầm trọng.

Còn nữa