Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

LẠI BÀN VỀ HỌC TOÁN ĐỂ LÀM GÌ.


Vòng ngoài một chút. Đá bóng để làm gì? Để vui là chính, hầu hết là như thế. Để cho khỏe, một số ít hơn có nghĩ như thế. Một số ít hơn nữa, đá bóng để vừa vui, vừa khỏe, vừa nâng cao kỹ thuật, chiến thuật. Có người xem bóng đá như một thú đam mê. Còn xem đá bóng như là một nghề thì thực sự không nhiều. Trong số không nhiều đó, những người xem bóng đá như là một cơ hội làm giàu, một cách vinh thân thì lại càng hiếm.
Trở lại học toán. Có mấy ai để vui là chính mà lao vào học toán. Có mấy ai để giỏi toán mà học toán. Càng có mấy ai vừa để vui, vừa để giỏi mà học toán. Lại càng có mấy ai đam mê, mấy ai chọn toán là một nghề mà đến với toán. Và cuối cùng, thực sự chẳng có ai học toán vì giàu sang, vì vinh quang cả.
Vậy thì số đông, đến đa số, học toán từ lớp 1, thậm chí từ mẫu giáo đến lớp 12 thì để làm gì? Có người nói với tôi là để tính quỹ đạo các hành tinh, để lập trình máy tính… Đúng quá, nhưng mà có mấy phần trăm, hay mấy phần triệu người trên hành tinh này học toán để làm điều đó. Thế thì tuyệt đại đa số những người còn lại, đến cả giáo sư tiến sĩ, hầu hết không dùng sin, cos, log... vào đâu cả thì học toán để làm gì. Thế mà trò phải học toán, ít nhất một tuần 5 tiết, đều đặn trong suốt 12 năm trời đằng đẵng. Đấy là chưa kể học thêm học nếm, học phụ đạo, học nâng cao, học luyện thi, học cấp tốc. Là chưa tính đến học tiếp lên đại học, rồi sau đại học, rồi lên lên nữa.
Trong khi đó hầu hết học trò đâu có thấy vui, đâu thấy hay gì môn toán. Nhiều trò còn thấy sợ, thấy ngán cái môn này. Chỉ vì không sao tránh được, đành phải cố mà học nó thôi. Ấy là phần trò.
Còn thầy dạy toán. Có bao nhiêu phần trăm, hay bao nhiêu phần nghìn, thầy dạy toán có được đam mê môn toán. Có được kỹ năng giải toán? Có được kỹ năng dạy toán? Không kể có thầy chỉ là thợ toán, cặm cụi giải xong nói hết là về. Lại cũng có thầy chỉ là làm xiếc, làm trò ảo thuật toán cho vui, cho mê để lấy đồng tiền một cách dịu êm chứ nào có hướng dẫn, nào có dạy cho trò tự giải một bài toán trong sách, càng không dạy cho trò tự giải một bài toán giữa đời.
Vậy, nên xét lại cái sự dạy và học toán. Dạy cái mà người học cần. Cần tới đâu, học tới đó. Đừng học cái gì xa xôi, phù phiếm, vô bổ. Đừng gây lãng phí thời gian, công sức, tiền của của học sinh, phụ huynh. Đừng bắt ai cũng phải học như ai, càng không thể bắt ai cũng phải giỏi toán. Mỗi người giỏi một thứ khác nhau, đã là tốt lắm rồi. Đương nhiên cũng không hạn chế những ai muốn học, đồng thời cũng nên khuyến khích, bồi dưỡng cho những trò thực sự có năng khiếu toán. 
Về phía nhà quản lý và biên soạn chương trình, không nên xem toán như thể là thứ cho có để lấp đầy thời khóa biểu, để bắt thầy phải dạy và trò phải học. Không nên cố tình nhồi nhét thêm ngoài chương trình những thứ mà suốt cuộc đời còn lại sau khi rời ghế nhà trường, người ta quên ngay tắp lự và thực sự không dùng tới nó một lần nào. Không nên coi dạy toán là một phương cách để tạo công ăn việc làm. Càng không thể xem dạy toán như là một phương tiện, một cơ hội để kiếm tiền.  
      Đây là lời bàn cuối cùng của tôi về đề tài này. Thành thực lòng mình. Có gì không phải xin bà con lượng thứ.