Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

TÔN GIÁO MỚI VỚI QUYỀN LỰC VÀ QUYỀN LỢI

1. Kiếp nhân sinh chìm đắm trong khổ đau và từ ngàn xưa loài người đã ước mong làm sao tránh được khổ đau, vượt qua khổ đau. Nhưng không tránh được, không vượt qua được, khổ đau vẫn đeo bám con người, đeo bám mọi chúng sinh. Bởi vậy mà con người đã phải trông chờ nhờ cậy đến thần linh, đến trời đất, đến ông bà, tổ tiên phù hộ độ trì. Để lời thỉnh cầu của mình đến được chốn linh thiêng con người phải thành tâm lễ bái. Từ đấy mà thành ra tín ngưỡng, hơn nữa dần dà thành ra tôn giáo.
   Tôn giáo ra đời nhằm chở che và cứu vớt chúng sinh khỏi kiếp trầm luân, khổ đau tội lỗi. Để tạo được niềm tin này, mỗi tôn giáo phải có ba ngôi tam bảo, ấy là giáo chủ, giáo lí và giáo sĩ, giáo dân. Như với Thiên chúa giáo là Đức chúa Giê su, kinh thánh và các giới chức từ các thánh tông đồ đến đức giáo hoàng, tới các cha và giáo dân. Còn như với phật giáo thì có đức phật Thích ca, các pháp và Bồ tát, La hán đến đại đức, thượng tọa cho tới tăng ni phật tử. Người theo đạo Thiên chúa thì tin tưởng và trông cậy vào đức Chúa trời và các lời dạy của Người thông qua các cha và các giáo sĩ mà giốc lòng cầu nguyện và sám hối. Người theo đạo Phật thì noi theo tấm gương của đức Thích ca, vịn vào phật pháp qua sự truyền đạt của các vị đại đức mà trì kiến tu tập nhằm tự giải thoát cho mình khỏi mọi khổ đau. Thậm chí các tín chủ còn phải chấp nhận rời bỏ gia đình, nhất tâm trì giới, tinh tấn định tuệ, phổ độ chúng sinh. Nếu nói là hy sinh thì quả thực không thể nào kể xiết. Các tôn giáo khác như đạo nho, đạo Lão, đạo Hồi ...tôi tin cũng đều như vậy.
     Thế nhưng, sau hơn hai ngàn năm có đạo loài người vẫn chìm đắm trong khổ đau và tội lỗi. Con người vẫn thấy bế tắc. Con người sinh hoài nghi. Không ít người đã không còn tin vào trời đất, thần linh, không còn tin vào Đức Chúa trời và kinh thánh càng không tin ở các cha, hoặc không còn tin vào Đức Phật và phật pháp, vào các tăng ni, và nhất là không tin vào chính bản thân mình.
     Đến một lúc nào đó có người cho rằng tất cả những tôn giáo tín ngưỡng ấy chỉ là duy tâm, siêu hình. Rồi người ta tìm ra cái thuyết ngược lại, ấy là duy vật, và hơn nữa là duy vật biện chứng. Cái “vật chất” ở đây là vật chất sờ mó nhìn ngó... được (nó là vật chất thô chứ không phải là vật chất mịn). Có lẽ là trong đói khổ thèm khát, xen lẫn với thói tham lam ích kỉ và vô minh của hầu hết chúng sinh, cái “vật chất” ấy đã được tôn sùng đẩy lên đến mức “quyết định ý thức”. Cái ý thức bị vật chất quyết định ấy kết hợp với suy diễn ngôn từ đã nhanh chóng trở thành học thuyết. Những người tin theo học thuyết đó đã tôn những người sáng tạo ra nó như là giáo chủ, còn họ mặc nhiên trở thành những tín đồ. Những tín đồ nhạy bén tiếp thu và tích cực quảng bá nhất đã trở thành giáo sĩ. Và một tôn giáo mới (TGM) đã xuất hiện với đầy đủ ba ngôi tam bảo.
  2. Tôn giáo này, với pháp “duy vật biện chứng” đã lấy sự tích lũy và sở hữu của cải vật chất trong đó có TLSX làm thước đo để phân biệt giàu nghèo, phân biệt giai cấp. Một giai cấp mới xuất hiện, có tên là giai cấp vô sản, được hiểu là tập hợp những người không có TLSX. Các thành phần giai cấp khác lần cũng lượt được đặt tên: tư sản, tiểu tư sản, tiểu nông, tiểu chủ, địa chủ, đại địa chủ…
    Cũng vì duy vật mà người ta đề cao của cải vật chất, ngầm hiểu giàu có về vật chất thì sung sướng và ngược lại.  Rồi họ lý giải sự giàu có là từ bóc lột và sự nghèo khó là vì bị bóc lột. Rồi sinh áp bức giai cấp và mâu thuẫn giai cấp. Mâu thẫn ấy được đẩy đến mức đối kháng. Cuối cùng là phải giải quyết mâu thuẫn đối kháng bằng đấu tranh một mất một còn. Đã là một mất một còn thì chỉ có cách sử dụng bạo lực - đấu tranh vũ trang.
     TGM không chỉ đã được số đông những người nghèo khổ hưởng ứng mà những kẻ không phải nghèo khó nhưng đã nhạy bén thực sự giác ngộ về vật chất còn nhận ra từ đây - ở cái giáo lý này- sự phân chia không đồng đều về tài nguyên thiên nhiên, về nguồn nhân công rẻ mạt, và về các xứ thuộc địa. Các thế lực mới nổi và các đế quốc hùng mạnh đã xung đột khốc liệt bởi cái thứ sở hữu đó. Thế kỷ 20 với hai cuộc đại thế chiến cùng với những cuộc chiến triền miên khác  là hệ quả tất yếu của TGM mà môn đồ có thể ở cả hai phía giàu nghèo, bóc lột và bị bóc lột, với các cách nhận thức hoặc suy diễn vận dụng khác nhau. Cho dù là vì bên nào, hay vì cả hai thì với cái kết cục bi thảm của nó, chỉ có  thể nói rằng thế kỷ 20 là một trong những thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.

     3. Trong các cuộc chiến đó thì cuộc đấu tranh giai cấp một mất một còn thường mang màu sắc thánh chiến nhiều hơn là một cuộc cách mạng như người ta thường gọi. Ở đây không rõ tính tất yếu của một SSXTT buộc phải dẫn tới sự thay đổi một PTSX , cũng không rõ một cuộc đại biến đổi (CM) ở các nước sản xuất phát triển như giáo lý đã nêu. Mà ta thấy ở đây, (dù danh nghĩa là duy vật )- hoàn toàn là một sự trông cậy vào sức mạnh tinh thần, một ý chí kiên cường để tiến hành cuộc thánh chiến một mất một còn. Các điểm tựa tinh thần đã được vận dụng gồm:
- Tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc.
- Giác ngộ sự bần cùng là vì bị áp bức bóc lột, khoét sâu mâu thuẫn và lòng căm thù đế quốc phong kiến.
- Hứa hẹn một tương lai tốt đẹp, gây dựng một sự kỳ vọng, thậm chí một đức tin mới vào TGM và vào tương lai.
- Và nữa là lòng tin ở tính chính nghĩa của “cuộc chiến thần thánh”cùng với sự khéo léo kích động của chủ nghĩa anh hùng CM.
     Thực tế cho thấy những người theo TGM đã thắng trong cuộc thánh chiến này. Điều đó chứng tỏ sức mạnh tinh thần, đặc biệt là tinh thần yêu nước to lớn biết nhường nào, dù cho chủ thuyết của TGM thiên về duy vật, thiên về sức mạnh vật chất.

     4. Từ giữa thế kỷ 20 nhân loại đã nhận ra kết cục tàn khốc của những cuộc chiến này nhưng phải tới cuối thế kỷ phần đông nhân loại mới nhận ra những điều bất ổn, những mâu thuẫn sâu sắc của thời hậu chiến. Giờ thì người ta đã nhận thấy giáo lý của tôn giáo này phiến diện, quá nghiêng về cái sự phân chia giàu nghèo qua tích lũy vật chất thô theo lối thực dụng tầm thường. Có thể đây là phát kiến mới, cũng có thể đây là cái tâm lý thực dụng thuần túy châu Âu khi chưa có sự giao thoa rộng rãi với các nền văn hóa khác, nhất là văn hóa phương Đông. Phương Đông không phải không coi trọng vật chất nhưng phương Đông không đẩy nó lên tới mức “quyết định ý thức”, nhất là với vật chất thô. Phương Đông, đặc biệt qua giáo lý nhà Phật quan niệm khổ đau không chỉ vì thiếu thốn vật chất mà cơ bản là vì tham sân si. Phương Đông quan niệm “Giàu có ba hạng khác nhau về của- qua kiến giải của Tản Đà- Một thứ của là của ở trên đời.... Một thứ của là của ở trong sách... Một thứ của là của ở trong mình...”. Vậy thì giàu có đâu có phải chỉ nhờ bóc lột, ngược lại nghèo khó tối tăm thù hận đâu chỉ vì bị bóc lột. Chưa nói người giàu có về vật chất đâu phải đã là sung sướng.
     Thứ nữa là cái cách con người ta tiếp nhận một giáo lý, một học thuyết. Bởi vì vô minh, bởi vì tham lam và sân hận, dù cấp độ có khác nhau, mà con người chỉ có thể nhận thức được cái phần thô, cái chỗ thực dụng nhất của các giáo lý, trong đó có giáo lý về “vật chất quyết định ý thức” của TGM.
     Vậy nên cái thuyết duy vật cũng đã được hiểu ở phần thô nhất, thực dụng nhất của nó, ấy là cái chỗ của cải vật chất sờ mó nhìn ngó được, chiếm đoạt được, sở hữu được. Và mọi cố gắng, mọi toan tính, mọi thủ đoạn, kể cả bạo lực cũng chỉ để nhằm tới cái chỗ đó.     
5. Dẫu vậy cũng phải thừa nhận rằng tôn giáo mới đã thu hút được số đông những người lao khổ tin theo. Nhiều người khác không ở ngưỡng đói nghèo nhưng vì đồng cảm với  số đông lao khổ cũng đã tin như vậy. Họ làm phép tính số học giản đơn: nếu chia đều của cải nhân loại thì không còn ai nghèo đói nữa. Nhưng làm sao chia đều được. Sau vô vàn những lý luận, những triết thuyết đã dẫn tới kết cục là phải tiến hành cuộc chiến một mất một còn. Rồi sau bao máu xương của chiến cuộc, phép chia số học lại vẫn không đều. Kẻ thua cuộc đã đành, kẻ thắng cuộc cũng vậy. Không đều không phải do lý thuyết toán học mà không đều do tham sân si ẩn chứa trong mọi đối tượng, kể cả bên thắng cuộc. Không đều cũng vì do quyền lực không thể chia đều. Mà điều này thì người ta lại không tính đến khi làm phép chia số học. Và đây lại là một một lỗ hổng của thượng tầng tam bảo, là điều mà các pháp duy vật không để ý tới cho dù đã nỗ lực biện chứng.


Còn nữa