Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Xin tải về: Lại đọc ĐÈN CÙ

27-09-2014


Đèn cù soi tỏ u mê

Hà Văn Thịnh/Quê Choa

 Nếu như Bên thắng cuộc đã khẳng định, một lần, dứt khoát rằng hầu như tất cả các nhà sử học chuyên về Lịch sử Việt Namhiện đại chỉ là những “nhà” được phóng đại từ những cái lều theo nguyên tắc lều vẫn hoàn lều (trong đó có người viết bài này) thìĐèn cù đã đạt đến sự thăng hoa của cảm xúc, của rất nhiều những câu chuyện kể thật như đùa mà bất kỳ ai sau khi đọc cũng phải nghiến răng lại để cho mọi người biết rằng mình đang… cười ra nước mắt! 

  Cũng xin nhấn mạnh là tôi không dám đoan quyết những gì trình bày trong Đèn cù là hoàn toàn xác thực (lý do sẽ nói ở cuối bài này); do đó, cảm nhận của bài này chủ yếu dựa trên niềm tin vào sự trung thực của tác giả.

Lâu lắm rồi tôi mới được đọc một cuốn Hồi ký – tiểu thuyết giàu chất văn chương hay như thế về đời thường của các quan to, quan nhơ nhỡ, quan bé, quan dựa cột… dềnh dàng. Càng đọc thì càng phải toát mồ hôi để bụng bảo với dạ rằng thì ra mãi cho đến hôm nay mới biết mình ngu thậm ngu tệ, ngu không cho ai ngu cùng, ngu không biết đường về vì cái lẽ bị dối lừa suốt bấy nhiêu năm, đọc mòn sách mà cứ bán tin bán nghi về những điều xưng xưng hão…

            Đèn cù kể mà như vẽ, như đẽo gọt một thớ gỗ xù xì để sau mỗi lần bóc tách từng sợi, từng mảnh gỗ, hình hài của những bức tượng nửa người nửa chưa phải…, có tên gọi đích thực là sự trơ tráo tàn nhẫn của dối lừa, tiểu nông, tham lam, thiển cận ngày càng hiện rõ trước cái nhìn tinh tế, sắc sâu của người viết.

            Những sự thật từ trong bóng tối của lịch sử hiện nguyên hình là cái lẽ tít mù nó lại vòng quanh, theo sự sai khiến, độ nóng của... cố vấn TQ(!) Ôi chao là đớn đau cho số phận của cả một dân tộc được đặt vào tay của những người không thể làm gì hơn là trao vận mệnh quyền lực của họ vào… tay kẻ khác! Một câu hỏi nhức đến tận cơn đau răng trong… tim là: Tại sao Trung Quốc chỉ đi trước ta có mấy năm đánh du kích – nhưng lại đi sau ta 4 năm về mặt kinh nghiệm quản lý nhà nước, lại có quyền chỉ đạo, áp đặt tất tần tật, kể cả áp đặt cái chết, nỗi đau và vô số những sai lầm? Đến bây giờ, câu hỏi vẫn còn nguyên.

            “Đời ta thành con rối/ Cho cuộc đời giật dây” là lời tiên tri có ý nghĩa huyền bí khi ta biết cả một giống nòi, truyền thống, sơn hà xã tắc chỉ gói gọn trong cụm từ vô cảm lạnh lẽo: “Stalin đã phân công Trung Quốc (tức Mao) ‘phụ trách’ Việt Nam”(!) Quả là không đủ ê chề để nghĩ rằng người ta nhân danh Quốc tế Cộng sản (mặc dù ngay cả cái Quốc tế đó cũng đã chết tự lâu rồi) để biến cả một đất nước thành con tin, thành sân chơi quyền lực và, thật thảm hại là trên cái sân chơi đó có quá nhiều kẻ nghiệp dư. Hàng triệu người cứ nhắm mắt chạy theo cái đèn cù đau đớn và nhục nhã ấy mà chẳng biết, chẳng hay rằng 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, hàng vạn người sẽ tìm đến cái chết với những vần thơ tự sướng như là máu thịt của chính mình: “Cầm cành hoa đi giữa loài người/ Vui nào bằng em nhỉ/ Cầm ngọn súng lên đường diệt Mỹ/ Ta đi qua thời gian” (Chế Lan Viên). Chao ôi, thời còn trẻ, tôi tự hào là học sinh thuộc nhiều thơ Tố Hữu, thơ Chế lan Viên nhất… thành phố Vinh (tính so với các bạn cùng khóa gồm 3 lớp 10 năm 1973, không phải vì tôi giỏi mà vì chúng nó chẳng đứa nào học khối C bởi xác tín rằng học khá khối C là một kẻ… ngu hề).

            Cách hành văn độc đáo của Đèn cù không dễ gì học được bởi lịch sử, nỗi đau không bị biến thành gạch vỡ, ngói vụn mà như thể nó có hình hài thực sự làm cho ta nhức nhối, ta có cảm giác không phải nỗi đau ám ảnh ta mà thực ra ta đang đuổi theo nó, ta đang được sống cùng, sống thật với nó. Không ít những câu văn kể về cái chết của kẻ thù mà ta lại xót xa, xúc động đến lạ kỳ: “Xác lính Pháp nằm dài suốt hai vệ đường bốc mùi thối rữa. Cỏ lau mầu cốm non rạp xuống làm thảm đỡ mịn nhẵn đến không thể ngờ. Trên đó, trên tấm thảm ngỡ được là ủi đặc biệt công phu đó, những lồng ngực trống rỗng như đắp bằng bùn trộn trấu có những búi ruồi say sưa đánh vòng vo ve tíu tít ở bên trong”. Tác giả đã miêu tả thật độc đáo về thân phận ngu ngơ, thảm hại của những ông quan chỉ biếthoắng lên (từ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói tại Đại hội Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế năm 1992/có thể tôi nhớ sai năm vì lúc đó mới được kết nạp vào Hội/ nhưng tuyệt đối không nhớ sai từ và ngữ cảnh vì sau phát biểu ấy, bác Tạo bay một nhát ra tận… Hà Nội) với những cái ghế quyền lực: “Hạnh phúc đúng là đang rịn ra ở trên những bộ mặt chợt mềm chảy xuống vì xúc động”. Người trí thức mơ ngủ hay mê ngủ chỉ cần đọc mấy chữ thôi là đủ để biết anh ta được “tôn trọng” đến cấp độ nào trong con mắt của những lãnh đạo vừa ít học, vừa có thân phận… đèn cù: “ngọn đuốc kị lửa trí tuệ”…

            Tôi tin rằng, những gì Đèn cù muốn chuyển tải, phải một thời gian lâu nữa mới đủ thấm ít nhiều vào sự tăm tối của tôi bởi đến bây giờ tôi mới thực sự nhận ra mình u mê bền vững quá. Thật ra, tôi cũng như không ít người gọi là có học khác, luôn phải ngụp lặn trong một biển đời thực – hư lẫn lộn do sự lừa dối tinh vi  đến mức tài tình, đúng như nhận xét của bác Trần Đĩnh: “Người ta lừa bịp đại trà được là nhờ khai thác những bản năng thấp hèn trong con người: sợ và tham lam”.

Nhân đây cũng nói luôn rằng, tôi không đồng ý với GS Nguyễn Văn Tuấn - mặc dù tôi vô cùng kính trọng GS ít nhất là hơn 10 lần qua hơn 10 bài của GS mà tôi đã đọc, kính trọng ở mức không đủ chữ để khen và cảm phục) khi ông cho rằng Đèn cù là “những câu chuyện cá nhân mang tính vụn vặt” (Quechoa, 23.09.2014). Theo tôi nghĩ, những “vụn vặt” ấy có sức mạnh lột trần tất cả mọi thần tượng mà không dễ gì dùng cách khác diễn tả nổi. Ví dụ, chỉ cần đưa ra hai chi tiết rất ư là “vụn vặt” (nếu thực sự chính xác): Kể chuyện lãnh đạo cao nhất chỉ đạo Phạm Ngọc Thạch nghiên cứu xem rau muống luộc hay rau muống xào tốt hơn cho con người và chuyện về một vị tướng ‘nghiện’ sự đồng hành của bộ ba bún, thịt chó, mắm tôm lại đưa ra đề xuất –  (và thực hiện thật, tôi còn nhớ rõ) cấm người dân làm bún để tiết kiệm… gạo(?) Trí tuệ của lãnh đạo như thế, đủ để biết rõ cái lý do vì sao đất nước mãi nghèo hèn…

Đèn cù có dăm bảy chỗ sai hoặc trùng lặp. Ví dụ, có cái sai làm người đọc khó hiểu: “tết Quý Dậu, 1957”(câu cuối cùng, chương 4). Bác Trần Đĩnh là người nói tiếng Trung giỏi đến mức người TQ nhầm là… người TQ, làm sao có thể lại sai ở kiến thức tối thiểu: Năm dương lịch có số sau cùng là số 7 phải Đinh (Đinh Dậu, 1957), số 4 là Giáp (Giáp Tý, 1984/Giáp Ngọ 2014), số 8 là Mậu (Mậu Thân, 1968), số 0 là Canh (Canh Ngọ, 1990)…? Ở một chỗ khác, tác giả nói “mưu lật đổ của Đảng cộng sản ở Indonesia rồi bị Sukarno trấn áp thảm sầu” là không đúng. TQ đã đạo diễn cho đảng CS Indonesia (PKI) tiến hành cuộc đảo chính tháng 9.1965 với sự đồng thuận của TT Sukarno và chính Tổng thống Sukarrno đã bị Shuharto (Shuharto được các nhà bình luận trên thế giới gọi là “viên tướng luôn mỉm cười” – The Smiling General) trấn áp. Sukarno đã sai lầm trầm trọng khi liên minh với PKI trong đất nước có tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới(!) để chống Mỹ dưới cái vỏ “trung lập”. Sau khi bị Ngoại trưởng Mỹ J.F. Dulles thẳng thừng cảnh cáo “trung lập là vô đạo đức” (Neutralism is immoral), TT Sukarno hiểu ngay về nguy cơ bị phái hữu lật đổ nên đã manh động… Tướng Shuharto đã tàn sát hơn nửa triệu đảng viên CS và làm tổng thống Indonesia từ 1967 tới tận tháng 5.1998…

 Những chỗ thiếu chính xác trong Đèn cù  làm cho người đọc cóđôi chút băn khoăn về những chi tiết còn lại. Mặc dầu vậy, Đèn cù có lẽ, sẽ mãi là “quả hoả châu dập dềnh tròng (chòng?) ghẹo trên đầu” quan chức nước ta và… nghĩ suy của tất cả chúng ta!

Huế, 27.9.2014

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

cleardot

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Xin tải về: Đọc ĐÈN CÙ



ĐỌC ĐÈN CÙ


dec cuMời đọc tác phẩm  
Click here  DEN_CU.-_Tran_Dinh
Tác phẩm ĐÈN CÙ của cụ Trần Đĩnh là một nhân chứng trong giai đoạn của lịch sử  VIỆT NAM bị khép kín. Tác phẩm nầy được in và phát hành ở hải ngoại, BBC London phỏng vấn tác giả và nhà văn Vũ Thư Hiên, Đọc ĐÈN CÙ để hiểu được sự thật của những người lãnh đạo đảng CSVN. Chúng tôi nhận mail của Bác sĩ Dương Anh Dũng Hamburg cho biết, với sự đồng ý của tác giả Trần Đĩnh, cho phép phổ biến rộng rãi tác phẩm ” Đèn Cù “. Rất cảm ơn tác giả.
„Trần Đĩnh cầm bút viết như một chứng nhân của cách mạng, viết như một nạn nhân của vụ án xét lại, viết như một nhà văn trôi nổi với lịch sử dân tộc, và trong tận cùng là viết như một người con rất mực yêu thương đất mẹ.“
Nhà văn Vũ Thư Hiên nói về cuốn Đèn Cù
‘Đèn Cù là tiếng kêu đau của tôi’ của nhà văn lão thành Trần Đĩnh
Quý vị phải lắng nghe bài Đèn Cù. Tự mình hát lên, hát cho thấm thía vào lòng, cho những câu dân ca văng vẳng trong đầu trong khi đọc Đèn Cù của Trần Đĩnh. Khen ai khéo vẽ (ối a) đèn cù. Voi giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù nó chạy vòng quanh… Voi giấy (ối a) ngựa giấy, vòng quanh nó chạy tít mù. Đèn Cù, cũng gọi là đèn kéo quân, là một trong số đèn Trung Thu, đồ chơi cho trẻ em và cho cả người lớn. Quý vị sẽ dần dần nhìn thấy hoạt cảnh xã hội Việt Nam những hình nhân voi giấy, ngựa giấy tít mù nó chạy vòng quanh trên màn ảnh đèn cù trong hơn nửa thế kỷ. Trong đó có tác giả. Một nhân chứng, một người tham dự trong đám Voi giấy (ối a) ngựa giấy lần lần hồi tưởng lại những cảnh cùng nhau chạyvòng quanh (ối a) nó tít mù. Nhiều tác giả đã viết về xã hội miền Bắc Việt Nam dưới chế độ cộng sản, dưới dạng hồi ký, tiểu thuyết, biện thuyết và lý luận, vân vân. Đèn Cù nổi bật lên trong tủ sách đó. Nếu chưa phải là một kho chứng liệu quan trọng và đầy đủ nhất thì đây là cuốn sách đọc lý thú nhất. Rất nhiều chuyện mới nghe lần đầu. Rất nhiều chuyện cũ được nhìn dưới con mắt khác, thấy những khía cạnh chưa ai từng thấy. Quý vị sẽ cười, sẽ khóc, sẽ thắc mắc, sẽ dằn vặt, thao thức, kinh tởm, giận dữ, sót thương, khi bị cuốn theo những Voi giấy (ối a) ngựa giấy chạy quanh trong cái đèn cù.
Dưới cái tựa Đèn Cù Trần Đĩnh gọi cuốn sách này là “truyện tôi.” Đọc xong thì hiểu tại sao tác giả không gọi nó là một “hồi ký” hay “tự truyện,” những loại văn quen thuộc khi người ta kể chuyện cuộc đời mình đã sống. Cuốn sách không viết theo phong cách hồi ký hay tự truyện, khi người viết có sẵn một bản đồ để viết theo, với một mục tiêu muốn đạt tới. Đây cũng không phải là tiểu thuyết, tác giả không kể những chuyện mình tưởng tượng ra. “Truyện tôi”  là một thể loại văn suôi mới, Trần Đĩnh tạo ra. Mai mốt có thể sẽ không còn ai viết “truyện tôi” nữa. Mà có ai viết thì chăc chắn cũng không viết giống như Trần Đĩnh. Đèn Cù là một cuốn sách độc đáo.
Ở văn phòng mới dọn đến của Tổng bí thư mùa thu 1949. Hàng đầu toàn ngồi xổm, từ trái qua, vợ Hà Xuân Trường, Lê Ðạt, Hồ Chí Minh. Ngoài cùng bên phải là Trường Chinh, áo blu dông Mỹ trắng. Hàng sau đứng đầu bên trái là Hà Xuân Trường, thư ký tòa soạn báo – (hình do tác giả Trần Đĩnh cung cấp)
Trần Đĩnh vốn là một thi sĩ, loại người thích sáng tạo ngôn ngữ, bầy đặt, đùa rỡn, vui chơi với ngôn ngữ. Đẽo gọt, mài rũa, “như thiết như tha, như trác như ma,” rùng mình sảng khoái hay quằn quại đau khổ với ngôn ngữ. Trước khi gia nhập tòa soạn báo Sự Thật, ở chiến khu Việt Bắc vào năm 1949, tuổi 19, ông đã viết báo rồi. Nhưng cuốn sách này tuyệt nhiên không dùng lối văn viết báo. Nhà báo không ai mở đầu một bài bằng mấy chữ: “Viết này vất vả,” rồi chấm câu. “Lười là rõ,” lại chấm câu. Cái khí văn đó tràn suốt tác phẩm. Có thể gọi đó là Khí văn Trần Đĩnh. Cũng như chúng ta có thể nhận ra Khí văn Phùng Quán, Khí văn Thanh Tâm Tuyền, vân vân, các thi sĩ có lúc viết văn suôi. Nó riêng biệt, văn đó đúng là người, mỗi người một vẻ.
Nhưng Trần Đĩnh vẫn giữ nguyên cái đức của người viết báo, là nói sự thật, kể những chuyện thật. Đọc tới đâu người ta cũng cảm thấy: Đây là những chuyện thật, sự thật được bày ra, sự thật ròng, như thịt xương còn sống, tàu lá còn xanh, như gỗ mộc không sơn phết. Những suy tư, thao thức của tác giả được trình bày riêng, bên ngoài lời kể các sự kiện. Người viết không thêm thắt tình cảm, suy tư, phê phán, như thêm mắm muối, tiêu, hành, vào cho món ăn thêm mùi vị. Như khi ông thuật lời nhà báo Tiêu Lang đã chứng kiến cảnh mấy anh du kích đặt cái xác bà Nguyễn Thị Năm vào áo quan, áo quan nhỏ quá không vừa. Mấy anh bèn đứng lên trên xác bà đẩy cho lọt xuống. “Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ.” Hay khi ông kể chuyện về họa sĩ Phan Kế An, một trong bốn năm người cùng phụ trách báo Sự Thật lúc đầu. “Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: À, cái Z. tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy Z. đến nữa. Chắc ‘máy’ cụ yếu, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến sở thích, ‘gu’ của cụ.” Trần Đĩnh cũng nhớ trong lớp học “chuẩn bị cải cách ruộng đất” tháng Bảy năm 1953, “Cụ Hồ đến giảng cách nhật, có lúc cụ đùa hô lên trong hội trường Hồ Chí Minh Muốn Nằm!” “Rồi tay chỉ vào đầu [nói]: Từ đây thì Bác già, nhưng từ đây (tay chỉ vào bụng) thì Bác trẻ.”
Trần Đĩnh kể chuyện vợ nhà thơ Lê Đạt, ông bị đưa đi lao động “cải tạo” vì tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Người đàn bà mang tội là “vợ Nhân Văn” … bị “cơ quan, tập thể liên tục ép bỏ chồng” nhưng bà không bỏ.   “… [N]hững đêm giá buốt Thúy diễn kịch ở Hải Phòng, Đạt từ chỗ lao động cải tạo xuống tìm vợ. Không có giấy chứng minh nhân dân, Đạt không thuê được nhà trọ, hai đứa ngồi ghế vườn hoa suốt đêm nghe còi tàu thủy hú thi với gió biển.” Một câu văn ngắn cho chúng ta sống cả một đêm dài nghe tiếng tầu thủy vang vọng trong tiếng gió hú. Tác giả đóng vai một nhân chứng, một người quan sát, chỉ thuật lại những gì mình nghe, mình thấy. Thời sau chiến tranh, báo Nhân Dân có cuộc họp năm sáu chục người “ôn lại thành tích tuyên truyền chiến tranh chống Mỹ. “Nguyễn Sinh, xưa phóng viên thường trú Vĩnh Linh, Vĩnh Mốc lên nói. Lại tố cáo những chiến công giả người ta gán cho Mẹ Suốt, Trần Thị Lý sông Lấp Quảng Bình. Sông đã lấp thành tên [tên Sông Lấp] mà nhà báo cứ ca ngợi cô Lý oằn lưng chèo lái… Hầu hết nghe đều cười. Tự giễu và rộng lượng. Nhưng khi Sinh nói ở Vĩnh Linh, anh đã chứng kiến nnngngg bên kia bị ta bắt sang chôn sống kêu rất lâu dưới huyệt, tôi lại thấy mọi người mặt lạnh tanh.” Thêm một chuyện ngôi nhà của bà Lợi Quyền, một nhà tư sản đã nổi tiếng đóng góp nhiều vàng cùng với nhà cửa trong “Tuần Lễ Vàng” thời trước kháng chiến. Sau chiến tranh bà Lợi Quyền vẫn còn một ngôi nhà tại Hà Nội. Đầu thập niên 1980 “được ban Tuyên Huấn Trung ương đến hỏi. Chê đắt [không mua]. Đùng một hôm xe tuyên huấn chở mấy bao tải tiền đến mua, đắt cũng được. Ba ngày sau đổi tiền.” Tác giả ghi thêm: “Tố Hữu [phó thủ tướng đổi tiền], nguyên trưởng ban tuyên huấn đã hạ thời cơ tuyệt hảo …” Và ông nhắc lại bài Quốc Tế Ca hát rằng: “Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình!” Phê: “Quá giỏi!”
hoỞ văn phòng mới dọn đến của Tổng bí thư mùa thu 1949. Hàng đầu toàn ngồi xổm, từ trái qua, vợ Hà Xuân Trường, Lê Ðạt, Hồ Chí Minh. Ngoài cùng bên phải là Trường Chinh, áo blu dông Mỹ trắng. Hàng sau đứng đầu bên trái là Hà Xuân Trường, thư ký tòa soạn báo – (hình do tác giả Trần Đĩnh cung cấp)
Đèn Cù đầy rẫy những “đoạn phim” ngắn như vậy. Rất nhiều “clip” chợt hiện trên màn ảnh trong nửa phút, rồi chuyển ngay sang cảnh khác, liên tiếp chạy nhanh qua não bộ. Đoạn phim lưu đọng trong óc mình mãi mãi, trộn lẫn cùng những đoạn phim ngắn khác, không theo thứ tự thời gian, cũng không theo một dòng lý luận nào. Tất cả cho người đọc một toàn cảnh sống động về xã hội nước Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ, trước và sau khi tác giả đặt bút viết cuốn sách để đời này. Tất cả là “truyện tôi.” Nếu không có cái tôi sống, tôi quan sát, tôi rung động, tôi ghi nhớ, tôi suy nghĩ, thì không có “truyện tôi.” Trong trí não con người đời sống vốn không có trật tự, nó chợt hiện, chợt tắt, ngổn ngang, chắp nối, không xếp đặt theo không gian cũng không theo dòng thời gian đơn tuyến và trực tuyến. Đời sống thật vẫn như vậy. Đó là cảnh Voi giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù nó chạy vòng quanh. Cho nên phải đoc Đèn Cù như một tác phẩm nghệ thuật. Đây là một sáng tác văn nghệ. Thử tưởng tượng có một người trước khi đọc không hề biết gì về bối cảnh lịch sử ở nước Việt Nam, chưa bao giờ nghe tên những nhân vật như Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao, Lê Đức Thọ, Hồng Linh, Thép Mới, Lê Trọng Nghĩa, Hồ Chí Minh, LêĐạt, Tô Hoài, Hồng Hà, vân vân; khi đọc Đèn Cù người đó cứ nghĩ đây là những nhân vật hoàn toàn do tác giả bịa ra.  Giả thiết Trần Đĩnh sáng tác một cuốn truyện, sẽ thấy Đèn Cù là một thể loại tiểu thuyết mới, rất mới.
Tại tòa soạn báo Sự Thật: (từ trái) Diên Hồng, Nguyễn Địch Dũng, Kỳ Vân, Lê Quang Đạo, Trần Đĩnh, Trường Chinh, Lê Xuân Kỳ, Thép Mới, ho 2Hồng Vũ (sau này tự tử ở bệnh viện Nam Ninh, Trung Quốc)- (hình do tác giả Trần Đĩnh cung cấp)
Suốt cuộc đời cầm bút (ông mới tập dùng máy vi tính khi đã về già), Trần Đĩnh nói, “Tôi vẫn mong rồi có một quyển sách thật sự của tôi, của chính tôi.” Bởi vì, gần suốt cuộc đời viết, lách “tôi đã tự nguyện làm thủ phạm tàn phá trước hết vào chính ngay mình. Tôi vốn yêu viết. Nhưng đã không viết nổi. Đứa thủ phạm là tôi bắt tôi viết dưới bóng tối của Thù Hằn và Dối Trá …”
Trần Đĩnh biết rất nhiều chuyện. Anh coi Trường Chinh là thầy trong nghề báo, được ông tổng biên tập báo Sự Thật dậy từng chữ khi anh nhà văn 19 tuổi mới vào trong A Tê Ka (An Toàn Khu). Anh ngủ chung lều với Lê Quang Đạo, nhiều lần phải hất tay Lê Quang Đạo ra, và nghe lời xin lỗi, “Chúng tớ ở tù lâu ngày sinh hư.” Anh ngồi sau lưng Hồ Chí Minh trong buổi lễ truy điệu Stalin chết; nhìn cảnh Tố Hữu diễn vai đau khổ ôm bức hình Stalin đặt lên ban thờ, sau nay nghĩ có lẽ ông ta khóc Stalin là khóc thật. Rồi nhìn thấy hộp thuốc lá Trung Hoa Bài Hồ Chí Minh bỏ quên trên ghế bên cạnh, anh cầm lấy mang đến tận phòng, “Dạ, thưa bác, Bác để quên ạ!” Và nhìn thấy “Mặt cụ xưng lên, đầm đìa nước mắt, hai mắt húp lại … Cụ ngơ ngẩn nhìn tôi, nhìn hộp thuốc lá như không hiểu tôi vào làm gì …” Trong lớp chỉnh huấn chuẩn bị cải cách ruộng đất năm 1953, một hôm “Cụ Hồ nói: Các chú các cô không sợ người ta kêu mình kém trí thức, ít lý luận. Họ kêu thì bảo họ rằng tôi lú nhưng chú tôi khôn. Chú tôi là Stalin, Mao Trạch Đông…”
Trần Đĩnh chắc là người thứ nhất tiết lộ Hồ Chí Minh đã tới quan sát cuộc đấu tố đầu tiên ở Đồng Bẩm, hóa trang che bộ râu để không ai nhận ra. Và Trường Chinh thì đeo kính đen tới dự, để rút kinh nghiệm mà rèn luyện các đội cải cách đấu cho đúng tiêu chuẩn thù ghét. Xưa nay nhiều người vẫn kể rằng Hồ Chí Minh không muốn giết bà Nguyễn Thị Năm, nhưng bị cố vấn Trung Cộng ép buộc nên phải giết. Trần Đĩnh đưa ra một bài báo ngắn do Hồ Chí Minh viết kết tội đích danh bà đồng thời đả kích cả giai cấp địa chủ. Bài báo này, được dẫn chứng đầy đủ, dùng một bút hiệu, ký tắt, cho nên chỉ người bên trong tòa báo mới biết người viết là Hồ Chí Minh. Trần Đĩnh cũng là tác giả đầu tiên đã gặp cô Xuân (nhân vật đã được Vũ Thư Hiên kể trong Đêm Giữa Ban Ngày) ở trên chiến khu từ năm 1953, cô là “Con nuôi Bác.” Có lúc Trần Đĩnh đã nắm tay cô Xuân, khoe đã lấy tên cô ghép làm bút hiệu trên báo của mình, khiến cô cảm động. Ông cũng kể chuyện năm 1960 theo Hồ Chí Minh đi Móng Cái, dự mít tinh rồi “đi lượn phố, thăm trường học”. Hồ viết lên bảng một chữ Hán “nhân,” rồi hỏi: “Trây sấn mà chề” nghĩa là “Đây là chữ gì?” Ông nói bằng tiếng Khách Gia, Hakka, miền Nam gọi là tiếng Hẹ; là thổ ngữ của người gốc Hoa ở địa phương này. Tác giả thắc mắc, “tại sao đến đây Cụ đi chơi phố nhiều như thế? Khéo [cụ] đã ở đây thật?” Và có lúc đi trong phố “Cụ chỉ vào một ngôi nhà phía bên kia đường nói với tôi, đi bên cạnh: Ở nhà này ngày xưa có một chị bí thư chi bộ. Tôi ngợ ngay. Có quan hệ tình cảm gì [giữa cô đó] với Bác?”
Trần Đĩnh là nhân chứng đầu tiên cho biết đã nghe Hồ Chí Minh nói thông thạo tiếng Hẹ, và đoán rằng ông đã hoạt động cùng các đảng viên  cộng sản ở Móng Cái từ thời trước. Chưa có một tác giả hay một người nghiên cứu lịch sử nào biết đến chi tiết này. Độc giả sẽ không ngạc nhiên khi đọc những tình cảm thân mến của tác giả với nhân vật Hồ Chí Minh; vì đã sống rất gần gũi trong nhiều năm. Trong lần đi thăm khu gang thép Thái Nguyên, “Sau bữa cơm trưa, thấy Cụ quần áo cánh nâu đi vòng ra sau dẫy nhà tranh đến rặng chuối thay hàng rào, tôi đi theo. … Thấy tôi gần như ở ngay bên, cụ quay ngoắt lại hỏi, điếu thuốc khẽ lật bật ở môi: ‘Người ta đái cũng theo à?’ ‘Không ạ, cháu …!’ ‘Thế đứng sát vào người ta nhòm gì?’” Rồi Trần Đĩnh kể tiếp, “Chiều ấy, khoảng bốn giờ về tới chủ tịch phủ, tha thẩn ở sân chờ lấy xe đạp … bất thần chợt nhớ đến Xuân, cô con gái nuôi của Bác. Hỏi mấy người đứng tuổi nom có vẻ quen từ trên rừng. A, cô Xuân ấy hả? Lấy chồng rồi. Chồng lái xe. Nhưng chết rồi. … bị ô tô đè …”
Trong chương chót, Trần Đĩnh nêu một nhận định chung về Hồ Chí Minh: Lòng trung của Hồ Chí Minh đối với Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông là vô bờ. Cho nên lòng trung với nước Việt, dân Việt vơi đi.
Người thứ hai mà Trần Đĩnh có lòng cảm mến là Trường Chinh. Năm 1962 Trường Chinh đã nhờ Trần Đĩnh viết hồi ký, nhắc lại từ những ngày đi họp ở Pắc Bó năm 1941, với ý định dùng quá khứ vinh quang “phất một ngọn cờ tập hợp” phe mình. Nhưng sau tập hồi ký không dùng đến vì Trường Chinh biết mình đã thua phe cánh Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh rồi. Nhiều người cũng muốn nhờ viết, vì Trần Đĩnh nổi tiếng khi viết hồi ký cho nhiều người khác. Anh kể chuyện những người tù Côn Đảo, văn sống và khích động, như chính anh đã trải qua các gian khổ đó. Cuốn Bất Khuất (viết năm 1965) kể chuyện Nguyễn Đức Thuận, một người tù Côn Đảo tranh đấu trong tù, được đưa từ Nam ra ngoài Bắc. Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Hoàng Tùng chủ trương dùng câu chuyện Nguyễn Đức Thuận để tuyên truyền khích động cho người dân miền Bắc ủng hộ cuộc tấn công vào miền Nam. Viết Bất Khuất, cái tên do Tố Hữu đặt, Trần Đĩnh không ký tên, tiền nhuận bút cũng nhường cho Thuận. “Vì không thích nói dối.” Nhưng khi được nghe một độc giả như Trần Dần khen thì vẫn thích: “Mày viết cái Bất Khuất ấy, tao thích cái grammaire.” Nguyên Hồng thì bậm môi, vuốt râu nói: “Mày, Trần Đĩnh à, mày có tâm hồn, mày có nghệ thuật nên mày viết cái ấy cho Thuận hay.”
Một lần năm 1960 Trần Đĩnh gặp Vũ Kỳ (thư ký riêng của Hồ Chí Minh): “Vũ Kỳ bảo tôi sẽ cộng tác với anh viết hồi ký về Bác ‘khi Bác hai năm mươi.’ Viết xong bản tiểu sử chính thức, tôi (Trần Đĩnh) gửi lên cho Cụ một bản để duyệt. Cụ chữa từng trang. Có những đoạn viết ra ngoài lề: Xem lại? Hỏi lại? Bản thảo này tôi giữ.” Sau đó sách in ra, “Mừng tiểu sử chính thức đầu tiên của Hồ chủ tịch ra đời, Tố Hữu khao một bữa thịt chó thịnh soạn tại nhà” (Tố Hữu được lãnh nhuận bút 200 đồng vì có công đọc và kiểm duyệt, người viết chỉ được 400 đồng; còn “Huy Tưởng, Hoài Thanh chả [được] tẹo nào).
Trần Đĩnh cũng viết hồi ký cho Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm (một trong vài ba đảng viên cộng sản Việt Nam đầu tiên). Lê Đức Thọ cũng có lúc muốn nhờ. “Cậu viết giỏi lắm, tớ rất thích. Không ở tù mà viết ý như thằng đã ở tù… Tớ sẽ nhờ cậu viết hồi ký cái đoạn tớ chuẩn bị tổng khởi nghĩa rất hay.” Và Thọ hứa hẹn sẽ đem Trần Đĩnh theo phái đoàn sang Paris đàm phán. Sau Trần Đĩnh không phải viết, “Hú vía!” Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh cũng nhờ viết hồi ký, đều từ chối. Trần Đĩnh làm việc gần với các lãnh tụ cộng sản Việt Nam từ năm 19 tuổi, cho nên biết nhiều chuyện. Như khi đến nhà Sáu Thọ, ngồi ngoài sân bên cạnh cái hầm tránh bom, thì nhận ra cái hầm này sâu 10 mét, trong khi cái hầm nhà Lê Thanh Nghị (anh đã nhiều lần xuống ẩn trong hầm này), chỉ sâu có tám mét, dù cả hai đều trong Bộ Chính Trị (vai vế mang ngau). Gần gũi họ, cho nên mới biết một cảnh trong nhà Lê Đức Thọ: Một ông tướng chào Sáu Thọ xong, bước ra về mà cứ thế đi giật lùi, đến nửa cái sân mới dám quay lưng rồi ra cổng. Nhìn mặt, thì ra Lê Đức Anh.
Trần Đĩnh sống trong cái đèn cù đó, trong lòng không yên. Anh bắt đầu nẩy mối bất nhẫn trong lòng khi chứng kiến những tội ác trong cuộc cải cách ruộng đất. Nhưng anh vẫn tin tưởng vào đảng, tin vào những động cơ tốt của các lãnh tụ. Chuyển biến tâm lý mạnh nhất phát sinh trong năm năm du học ở Bắc Kinh, sống qua thời kỳ các phong trào bước nhảy vọt, đánh hữu phái, công xã nhân dân, vân vân, từ 1955 đến 1959. Trong thư viện Đại học Bắc Kinh, một góc bày các sách cũ tiếng ngoại quốc, anh được đọc cuốn “Từ số không đến vô định” của Arthur Koestler; câu chuyện một người bị Stalin bỏ tù. Anh cũng được đọc báo Le Monde trong thư viện đại học, và biết chuyện tố cáo tội ác của Stalin trong đại hội thứ 20 đảng Cộng sản Liên xô. Nhưng ảnh hưởng quan trọng nhất là do anh sống bên người Trung Hoa, anh trực tiếp gặp nhiều sinh viên cùng tuổi, được nghe, được thấy, để biết chế độ Mao Trạch Đông giả dối, tàn bạo và coi khinh mạng sống dân chúng như thế nào. Khi Mao Trạch Đông cho phép “trăm hoa đua nở” báo Nhân Dân (Bắc Kinh) cũng đăng những bài phê phán đích đáng. Những trang bào này mở mắt anh du học sinh người Việt “được thấy trí thức Trung Quốc sôi sục chống đảng.” Quan sát thực tế, lại thấy “dân Trung Quốc khốn khổ vì đảng.” Cho nên, “Tôi bắt đầu ‘hư hỏng’ (nghi ngờ đảng) vì đã nhận ra chân tướng đại bịp. Người ta lừa bịp đại trà được là nhờ khai thác những bản năng thấp kém của con người: Sợ và tham.” Từ đó, Trần Đĩnh chống Mao, kinh tởm Mao, sau khi học xong về nước vẫn tiếp tục. Vì thế anh là đối tượng đấu tranh, của đám các đồng nghiệp thần phục Mao trong báo Nhân Dân, mà anh gọi là bọn “Mao nhều.” Kiểu như Hồng Hà, người từng nghẹn ngào nói như mếu: “Tôi xin cảm ơn Mao Chủ tịch vĩ đại đã mở mắt ra cho tôi thấy Liên xô, Kroutchev là phản bội, đầu hàng, xét lại…”
Trần Đĩnh ghê sợ âm mưu lợi dụng của Mao Trạch Đông, nhắc lại nhiều lần câu ông ta nói: “Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ.” Chủ trương này dẫn đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Mao chấp nhận chiến tranh nguyên tử. Tại Bắc Kinh, Trần Đĩnh được hai người bạn Trung Hoa làm cho Văn Nghệ Báotiết lộ về cuộc họp chi bộ để nghe một chỉ thị tối quan trọng. Hai anh kể, chỉ thị được ban xuống cho dân Trung Quốc thấu triệt là họ không cần phải sợ bom nguyên tử. “Vì dù Mỹ có ném xuống một nghìn quả bom nguyên tử, dẫu trái đất có bị tàn hoang đi nữa thì ít nhất cũng còn sót lại một huyện dân Trung Quốc, huyện ấy sẽ ương lại giống người trên trái đất này.” Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ. Cho nên Mao muốn phát động chiến tranh, “đánh Mỹ tới người Việt cuối cùng.” Mao cũng muốn đứng đầu phong trào cộng sản thế giới, sau khi thần tượng Stalin bị đàn em lật đổ. Lê Duẩn ngả theo chủ trương Mao; từng ca ngợi Mao Trạch Đông là “Lê Nin của thời đại ba dòng thác cách mạng châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh.”
Bên trong, Lê Duẩn tạo ra vụ án “xét lại, chống đảng;” đánh vào những người bị coi là thân Liên Xô. Lần đầu chỉ đánh giằn mặt bằng phê bình, kiểm thảo. Năm sau Chu Ân Lai sang Hà Nội phổ biến tin tức Mao đánh các đồng chí lãnh tụ trong đảng của ông ta rồi, Duẩn mở chiến dịch thứ hai, tống giam hết cả đám. Giống như đem họ ra làm vật “thế chấp” để đi vay súng đạn, gạo, vải, quân trang của Mao Trạch Đông. Trần Đĩnh bị nghi ngờ, hạ tầng công tác, bị bắt giam và hỏi cung. Có lúc anh hãnh diện kéo chiếc xe hai bánh “diễu hành giữa thanh thiên bạch nhật, ở trung tâm Hà Nội, tươi tỉnh đi trình đường phố, nhận minh bạch đường hoàng mình chống đảng.” Lê Đức Thọ gọi Trần Dĩnh tới, ngồi kể tội đám xét lại cho nghe: “Vừa ở Paris về nghe an ninh nó nói cậu dính vào vụ chúng nó tớ … tiếc lắm. … Tớ đã nói là tớ mến cậu vì cậu trẻ, cậu có tài …”
Đối với bên ngoài, lúc đó Nga chủ trương chung sống hòa bình với Mỹ. Lê Duẩn bám sát chủ trương của Mao, gây chiến tranh chiếm miền Nam. Theo Trần Đỉnh thì Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp không đồng ý, nhưng không chiếm được đa số nên chịu phục tùng. Cuộc Cách mạng Văn hóa điên đảo khiến cho Lê Duẩn lo Trung Quốc sẽ loạn lớn, sẽ tan vỡ. Duẩn quyết định phải đánh ngay, lo không còn chỗ dựa khi Mao đổ. Cho nên chuẩn bị cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Sau năm 1975, Lê Duẩn theo Nga, chống Trung Cộng, thì lại hết lời mạt sát từ Mao Trạch Đông tới Đặng Tiểu Bình.
Đèn Cù đưa chúng ta vào một xã hội điên đảo, “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng.” Voi giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù nó chạy vòng quanh…. Nhưng tác giả sống với người dân ngoài phố, với giới văn nghệ, báo chí nhiều hơn là với các lãnh tụ đảng. Những đoạn phim thú vị nhất chụp cuộc sống hàng ngày; của những con người bình thường, các nhà văn, nhà báo, các cán bộ thấp, những người qua đường.
Nhà báo Minh Tường từ Hà Nội, theo đoàn quân chiến thắng vào Sài Gòn. Anh tìm được đến nhà mẹ mình, bấm chuông. Bà mẹ mở cửa ra, chấp hai tay vái lạy: “Thôi, tôi xin anh, anh đi với các đồng chí của anh đi cho mẹ con tôi yên.” Có cảnh Trần Đĩnh đứng với Tô Hoài trên lề đường nhìn toán tù binh Mỹ bị đưa diễn trên đường phố Hà Nội cho dân chửi rủa, ném đá. Khi người phi công cuối cùng qua trước mặt, bỗng Tô Hoài chạy ra với tay đấm vào mặt (đấm hụt). Tô Hoài giải thích rằng mình phải bày tỏ lập trường; nếu không có đứa nào nó báo cáo mình đứng ngoài coi trong lúc “nhân dân căm thù” thì nguy.
Chúng ta thấm thía nỗi thèm khát được sống với sự thật, khi nghe lời Trần Độ tâm sự, sau cuốn Nhật Ký Rồng Rắn: “Này, nói thật chứ bây giờ … hễ nghe thấy cái gì là sự thật thì trong người sướng ghê lắm ấy!” Có ai được nghe một nữ nhân viên báo Nhân Dân đã về hưu bày tỏ nỗi oán hận: “Ông cha đổ bao xương máu giành được độc lập nhưng nô lệ vẫn hoàn nô lệ!” Trần Đĩnh rất gần Lê Đạt. “Một hôm Lê Đạt bảo tôi: Nhà thơ có lẽ là người yêu nước nhất. Họ chăm lo nhất đến tiếng mẹ đẻ…. Đạt nhiều lần giục tôi viết: Tiểu thuyết về mày, gia đình mày – Tôi im lặng. Biết viết là cực kỳ cô đơn. Và quả tình tôi đã thật sự cô đơn – đúng ta là bí mật – trong bao nhiêu năm với cuốn sách này.”
Sống hầu hết cuộc đời trong một xã hội mà Đảng và lãnh tụ chiếm “đặc quyền viết, đặc quyền nói;” chỉ dùng các nhà văn làm đầy tớ, “Ôi đã làm đầy tớ thì có đời thuở nào còn dám sáng tạo?” Bây giờ Trần Đĩnh đã viết. Lúc đầu, ông chỉ định viết để “tố cáo tội gây nội chiến Nam Bắc là sai lầm;” trong khi đang viết thì đổi ra “phê phán toàn diện.”
“Vâng, tôi xin đối mặt với công luận đây. Tôi ăn gian nói dối thì các ông cứ việc vạch ra.” Đó là lời Trần Đĩnh, tác giả Đèn Cù. Xin mời quý vị bước vào, cùng sống với những Voi giấy (ối a) ngựa giấy, vòng quanh (ối a) nó tít mù. Đèn Cù là Đèn Cù hỡi! Ới ơi ơi ời, Đèn Ơi!
Trần Đĩnh không phải là một tác giả quen tên đối với người đọc sách Miền Nam Việt Nam, và cũng khá lạ với độc giả hải ngoại.
Nhưng ông là người đã từng cầm bút viết lên những trang sách nhiều triệu người đọc, ở Miền Bắc.
Trần Đĩnh là người chấp bút Tiểu sử chính thức đầu tiên của Hồ Chí Minh, năm 1960; và chấp bút các cuốn tự truyện, hồi ký cho Phạm Hùng, Lê Văn Lương… trong đó, nổi tiếng với dân Miền Bắc là cuốn “Bất Khuất” (hồi ký tù Côn Đảo của Nguyễn Đức Thuận, 1967). Trần Đĩnh cũng là dịch giả nhiều tác phẩm văn học…
Bích chương quảng cáo Tác phẩm Đèn Cù. Hình do tác giả cung cấp
Tại sao dân Miền Nam và hải ngoại ít biết tới Trần Đĩnh? Câu trả lời đơn giản: ông bị bắt, bị cải tạo lao động (trong một xưởng in), bị quản chế nhiều năm vì liên hệ trong “vụ án xét lại” — một vụ án được nhiều người gọi đơn giản là vụ án Hoàng Minh Chính, hay vụ án “tay sai Liên Sô”.
Tại sao ông dính vào “xét lai”?
Nơi trang 561 của “Đèn Cù,” tác giả Trần Đĩnh giải thích:
“Nhiều người không biết gốc tội chúng tôi là muốn đối thoại với bà con trong Nam chứ không xin máu họ. Cộng sản tồn tại nhờ chuyên chính bạo lực nhưng chúng tôi đòi giải vũ trang đảng, đòi đảng phải chụp bạo lực đi hay từ bỏ vai trò “bà đỡ của cách mạng” hay thôi con đường “chính quyền ra từ nòng súng.” Thực chất đòi dân chủ cho muôn người… chúng tôi đã xung phong làm nghịch tử. Không thích đổ máu người nữa. Thích quyền người.”
Cuốn tự truyện của Trần Đĩnh dày 600 trang, đầy những chi tiết về bản thân ông, một chàng trai theo lý tưởng chống Pháp, tham dự tổng khởi nghĩa do Cộng sản lãnh đạo ngày 19-8-1945 khi mới 15 tuổi, và năm 19 tuổi được đưa vào An Toàn Khu để làm báo Sự Thật bên cạnh các lãnh tụ như Hồ Chí Minh, Trường Chinh…
Tuy là tự truyện, nhưng trước hết đây là một lối viết rất văn học, chú ý tới nhiều chi tiết dễ dàng làm độc giả hình dung ra người và cảnh một cách sinh động.
cai cachThí dụ, nơi trang 84, Trần Đĩnh kể rằng ông Hồ và Trường Chinh tham dự buổi đấu tố cụ bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long): “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt.”
Cũng như chi tiết áo quan rẻ tiền, không chứa nổi xác bà cụ Nguyễn Thị Năm, nên “Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô…” (trang 86)
Bịt râu và đeo kính râm suốt… Nhảy lên xác cụ bà, vừa giẫm vừa hô…
Đó là những chi tiết văn học, làm đôc giả thấy cảnh hiện ra rõ ràng.
Trần Đĩnh vào nghề làm báo và dược Trường Chinh (Tổng Bí Thư Đảng và là Chủ nhiệm bao Sự Thật) hướng dẫn.
Trần Đĩnh cũng kể về “mối tình” của ông Hồ với cô Phương Mai… Cách kể chuyện của Trần Đĩnh rất văn học, với những chữ như: tự nhiên, mang ba lô, chăn chiếu, tớ được xua về sớm, về muộn, máy Cụ…
Trích trang 30:
“Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: À, cái P.M. (Phương Mai) tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy P.M. (Phương Mai) đến nữa. Chắc máy cụ yếu, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến sở thích, gu của cụ”. (hết trích)
Đó là văn học, kiệm lời nhưng đưa sâu vào trí nhớ độc giả.
Phương Mai là ai?
Không rõ có phải Phương Mai đươc Nguyễn Minh Cần (Cựu Phó Chủ Tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội) kể trong bài “Vài mẩu chuyện về cuộc đời HCM”, trích:
“…Xin nói rõ chuyện như thế này: hồi đó, có ý kiến là ông Hồ cần có vợ để việc “giải quyết sinh lý” được điều hòa thì tốt cho sức khỏe. Và sau Hiệp định Genève 1954, người ta chọn một người “kháu” nhất trong số nữ cán bộ trẻ, đó là chị Nguyễn Thị Phương Mai, tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thanh Hóa và đưa chị từ Khu Bốn ra Hà Nội để tiến cử lên ông Hồ. Và như ta đã biết qua cuộc “loạn đàm,” chị đặt vấn đề phải có hôn nhân đàng hoàng. Thế là… việc không thành. Rồi chị được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ thương binh và ở luôn tại Hà Nội.”(hết trích)
Chị Phương Mai đặt vấn đề? Hay là ông Hồ thấy dan díu đã đủ rồi? Dĩ nhiên, không ai có câu trả lời chỗ này…
Trần Đĩnh cũng kể về cô X. người đứng bên cạnh ông Hồ và đươc ông Hồ xem là “con nuôi.” Cô X. Những cảm xúc của Trần Đĩnh với cô X. đươc kể nơi trang 97-98 và:
“Tôi quả đang vút lên chín tầng mây… Mới hôm qua ở suối lên, dốc trơn, tôi giơ tay ra đỡ X. Bàn tay con gái tôi lần đầu nắm lâu trong đời. Và cảm giác rạo rực theo tôi mãi…”
Cô X. lúng túng, rơi chiếc thìa trên cỏ… Cô X. cũng là người làm Trần Đĩnh mơ mộng, có lúc ký tên với bút hiệu Hoàng X. là vì cô.
Nơi trang 375, Trần Đĩnh kể tiếp:
“…rồi cô cho tôi cái thìa, món kỷ niệm tôi đặt lên trên bụi lạc tiên đầy bụi ở giữa Na Sầm và Đồng Đăng, chờ vượt sang Trung Quốc. Tóm lại tình trong như đã, mặt ngoài còn e…”
Nhưng rồi Trần Đĩnh tiêt lộ, cô X. chính là cô Xuân, chết ở Hà Nội vì bị ô tô đè… (trang 183) Nhiều năm sau, người ta mới biết cô Xuân cũng là một phần giường chiếu của ông Hồ.
Đọc “Đèn Cù” của Trần Đĩnh, chúng ta nhìn rõ hơn về cach công an đàn áp những người “xét lại,” và thấy một sự thật nữa: mỗi lần chuyển biến chính sách đối ngoại, sẽ có một thành phần trong Đảng bị thanh trừng.
Bản “Đèn Cù” tôi đọc tuy có vài trang in nhầm, nhưng 600 trang sách đầy những chi tiết lịch sử đã lôi tôi vào một thế giới hiếm người Miền Nam biết tới: từ nơi An Toàn Khu, Trần Đĩnh làm báo với Trường Chinh, rồi đi Bắc Kinh nhiều năm để học, những cảm xúc của anh với cô diễn viên múa Hồng Linh có cha bị giết oan vì nghi là Tàu Tưởng (phe Tưởng Giới Thạch), rồi về nước làm báo tiếp, bị thanh trừng, đẩy vào một góc xưởng in để “lao động cải tạo” nhưng tất cả các thợ in đều thương cảm…
Nhiều chi tiết lịch sử đươc ghi lại mà chính sử sẽ bỏ qua, trong đó có chuyện Lê Duẩn “trình bày về đề cương về vấn đề con người” riêng cho triết gia Trần Đức Thảo nghe (trang 435-441) và khi xin Giaó sư Thảo có ý kiến… thì:
“Ngơ ngác một lát, Thảo nói: – Tôi không hiểu gì cả.”
Thế là, Lê Duẩn vòng ra sau GS Thảo, vòng tay ôm GS Thảo nhấc lên, giộng xuống đất mấy cái cho hả giận… rồi bỏ vào trong nhà.
Sau đó, GS Trần Đức Thảo kể lại với Trần Đĩnh, Duẩn chẳng hiểu gì về chủ nghĩa Mác… Rồi Trần Đức Thảo thì thầm vào tai Trần Đĩnh: “Làm sao Duẩn lại Mác-xít được?”
Có một chi tiết cũng đã bị chính sử Hà Nội xóa đi: nhà báo Bùi Tín vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Bây giờ, Hà Nội không muốn nhắc tới tên của nhà báo Bùi Tín, người đã vào Dinh Độc Lập và đã tò mò mở cửa một tủ lạnh nơi này…
Đọc cuốn Đèn Cù, sẽ có một số người không hài lòng, vì một số nghi vấn lịch sử không đươc Trần Đĩnh chú ý nhiều.
Người đọc có cảm giác không nghi vấn gì về tập thơ trong tù ký tên ông Hô mà một số học giả nói là của một bạn tù khác, và độc giả cũng không nghi vấn gì về một ông Hồ sau này được nói là gián điệp Hoa Nam giả mạo để càì vào VN.
Ông Hồ trong “Đèn Cù” là một nhà hoạt động với những tham sân si đời thường, và cũng tội nghiệp khi bị Lê Duẩn lấn ép.
Nhưng Trần Đĩnh viết theo trí nhớ, theo những gì ông thấy, ông nghe. Và khi ông viết (thập niên 1990s) lại chưa có Internet để tra cứu tài liệu. Và cũng có thể nêu nghi vấn rằng ông nhớ không chính xác một số chi tiết.
Dù vậy, chúng ta không thể đòi như một tác phẩm nghiên cứu. Đây là một hồi ký, một tự truyện và tận cùng là một tác phẩm văn học; “Đèn Cù” đã ngay lập tức có một vị trí đôc đáo trong dòng văn học Việt Nam.
Trần Đĩnh đã cầm bút lên để viết như một chứng nhân của cách mạng, viết như một nạn nhân của vụ án xét lại, viết như một nhà văn trôi nổi với lịch sử dân tộc, và trong tận cùng là viết như một người con rất mực yêu thương đất mẹ.
Sách đề giá 25 Mỹ Kim, xuất bản bởi Người Việt Books. Có thể vào Amazon.com để mua.
Cải cách ruộng đất

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

SAO VẪN CÒN MÊ LÚ ĐẾN GIỜ

   Ông LHA  sang Tàu, ở nhà xử BH 3 năm tù vỉ tội gây rối. Có vẻ như đây là món quà dâng lên Tàu cộng. 
   Nhớ lại những chuyện xưa, bởi sự tác động hoặc ảnh hưởng của TC mà:
  1. Cuộc CCRĐ ở miền Bắc đã cơ bản xóa sổ những người có kiến thức, kinh nghiệm và khả năng quản trị nông nghiệp mà vào thời đó là nguồn sống của toàn miền.
  2. Cuộc cải tạo CTN cũng đã cơ bản xóa sổ những người có khả năng quản trị một nền công thương nghiệp vừa mới manh nha.
  3. Cuộc thanh trừng NVGP đã vô hiệu hóa hầu hết những bộ óc có tư duy độc lập và sáng tạo nhất vào thời điểm đó và cả mãi về sau.
  4. Hiệp định Giơ ne vơ chia cắt đất nước làm hai và cuộc chiến "đánh Mỹ đến người Việt nam cuối cùng" đã hy sinh hàng triệu người con ưu tú nhất, khỏe mạnh nhất và dũng cảm nhất của cả hai miền Nam Bắc.
   Rồi những cuộc cải tạo ở miền Nam sau 1975.
   Rồi hàng triệu người rời tổ quốc ra đi... 

   Địa chủ chính là hiền tài trong nông nghiệp. Các nhà tư sản là hiền tài trong công thương nghiệp. Các nhân sĩ trí thức là hiền tài trong tư tưởng, trong khoa học kĩ thuật và công nghệ. Các anh hùng liệt sĩ là hiền tài trong chiến tranh vệ quốc. Nghe theo TC, diệt hết hiền tài bằng cách này hay cách khác, đều là nhằm làm suy yếu nguyên khí quốc gia.
     Vậy thì sao mà đất nước không nghèo? 
     Vậy thì sao mà đất nước không hèn?

   Rồi cuộc đánh chiếm Hoàng sa 1974, cuộc chiến Tây nam, cuộc xâm lăng biên giới phía Bắc 1979, cuộc cưỡng chiếm Gạc ma 1988... đều là âm mưu thủ đoạn và tội ác của TC.
   Rồi thác Bản Giốc, ải Nam quan...
   Rồi móng trâu, lá điều...
   Rồi vòng kim cô Thành đô...
Mới hay  TC thâm độc đến nhường nào.
Vậy thì TC tốt cái gì mà những 4 tốt, hữu nghị cái gì mà 16 chữ vàng. Phải chăng đây lại là một thủ đoạn lừa mỵ mới trước một âm mưu mới.

    Việt nam ơi sao vẫn còn mê lú đến giờ?
              26/8/2014

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

CHỈ TIẾC MỘT ĐIỀU

Tôi và anh
và rất nhiều người
có thể đã bị lừa
bởi chúa lừa siêu bợm

Hay có thể là
chẳng ai lừa ai
chẳng qua bởi khát vọng đổi đời
mà ngộ nhận tập thể

Cũng có thể giản đơn hơn
tâm lý đám đông
dại đàn hơn khôn độc

Cũng có thể "gia bần trí đoản"
tầm nhìn không qua khỏi bát cơm
mấy chục triệu dân đen chấp nhận tủi buồn

Có thể có ngu dân?
có thể giáo điều?
có thể cả mị dân?
có thể là bạo lực?

Chỉ tiếc một điều sao không hòa hợp.

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

ÁM ẢNH

Ám ảnh đói
manh áo xác xơ
chân đất.

Ám ảnh những câu thơ
tình cờ được nghe
mà không được học.

Ám ảnh những con chữ
thẩm tra
ghi trong lí lịch.

Ám ảnh những cơn sốt rét rừng
hôn mê
chìm vào cõi sương mù trắng đục.

Ám ảnh những đoàn quân
vào chiến trường 
bất tận.

Ám ảnh những dòng người
rời bỏ làng quê
mịt mù bất định.

Ám ảnh đổi tiền
cơn bão giá
mồ hôi đổ xuống sông xuống biển...

Ám ảnh
mình bị lừa.

Ám ảnh
mình là tội đồ.

Và hôm nay
đúng lúc này
đang bị trăm năm sau 
không biết về đâu
ám ảnh...

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

NHẦN LẪN TÍNH TỪ


Nhân loại đau thương nhầm lẫn các tính từ

Hoài nghi quá và tin tưởng quá

Hội đủ chín tầng trời một không gian ấy cả

Thiên đường đây địa ngục cũng nơi này.

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Xin tải về: NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN BỊ BẮN TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT


Bà Nguyễn Thị Năm
Bà Nguyễn Thị Năm
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Hôm dự ra mắt cuốn sách “Tạ Đình Đề – những góc khuất cuộc đời”, nhà báo Xuân Ba nói với tôi là anh vừa có bài viết về bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) bị bắn oan trong CCRĐ nhưng khi in báo bị cắt mấy đoạn. Tôi còn nhớ vụ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có được báo cáo trước khi xử tử hình, và Cụ đã nói đại ý: Sao lại bắt đầu bằng một sinh mạng phụ nữ; Không nên đánh phụ nữ dù chỉ đánh bằng một cành hoa. Nhưng cuối cùng bà Năm vẫn bị luận tội trên báo Nhân Dân, và bà đã bị tử hình… Xin giới thiệu cùng bạn dưới đây, bài viết đầy đủ của nhà báo Xuân Ba.

Chuyện về người phụ nữ đầu tiên bị bắn oan trong Cải cách ruộng đất

XUÂN BA
Tôi ngập ngừng ngừng gõ lên cánh cửa một ngôi nhà ở đường Láng.
Ngập ngừng như động thái của người có lỗi.
Lỗi vì mình đã quá muộn? Lỗi vì sự lừng khừng chần chừ, dùng dắng?
Thực ra nhiều năm trước, có lần tôi đã tìm đến ngôi nhà 117 Hàng Bạc. Nhưng người chủ ngôi nhà cho biết người tôi cần tìm không có ở đây. Và không biết đã chuyển đi chỗ nào?
Những ngài ngại lẫn sờ sợ. Nỗi sợ vô cớ và bầy đàn ấy đã khiến dài mãi thêm những lừng khừng cùng dùng dắng…
Người tôi cần tìm là ông Nguyễn Hanh.
Ông là thành viên trong cụm danh từ Cát Hanh Long. Cụm từ ấy từng ám vào tâm trí không ít người của một thời một thuở?
Ông Nguyễn Hanh là con trai trưởng của bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long, người đàn bà đầu tiên bị bắn oan trong Cải cách ruộng đất (CCRĐ)
Nhưng lần này sau khi gặp được một người, tôi đã quyết dẹp đi sự dùng dắng đó. Người ấy là ông Lưu Văn Lợi thư ký riêng của ông Lê Đức Thọ
Kỳ 1:Dấu chấm dứt thành dấu chấm lửng?

Bút tích của ông Lê Đức Thọ
Tôi đã quấy quả ông nhiều lần dịp mới đây, 40 năm Hiệp định Paris.
Ông như một phần, một mảng miếng của sử. Là thư ký riêng cho Cố vấn Lê Đức Thọ nhiều năm, không chỉ 4 năm 8 tháng 16 ngày, thời gian diễn ra cuộc hòa đàm Ba Lê.
            May mắn nhà ngoại giao tuổi cao sức yếu ấy còn rất mẫn tiệp. Lần này trên bàn làm việc của ông là một tờ A4 Photocopy. Chữ của ông cố vấn Lê Đức Thọ
Thân mến tặng Công và Hanh để đánh dấu chấm dứt sự đau buồn kéo dài lâu năm của gia đình và cũng là của chung. Hà Nội ngày 28-1-1987
Chuyện của nhà ngoại giao kiêm thư ký của ông Lê Đức Thọ thoáng đưa tôi về những năm xa. Những Võ Nguyên Giáp Trường Chinh, Lê Đức Thọ Hoàng Quốc Việt cùng nhiều yếu nhân của Đáng của Mặt trận Việt Minh từng qua lại được chở che ở ngôi biệt thự bề thế ở ven hồ Thiền Quang. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, lại cũng những đáng bậc ấy cùng nhiều yếu nhân của Đảng của Chính phủ cũng nhiều dịp tá túc qua lại sinh hoạt ở khu đồn điền Đồng Bẩm vùng Thái Nguyên. Chủ những cơ ngơi những biệt thự cùng khu đồn điền ở Đồng Bẩm ấy là bà Nguyễn Thị Năm thường gọi là Cát Hanh Long, tên một hiệu buôn nổi tiếng ở Hà Thành, Hải Phòng.
Chuyện bà cùng chồng thuở hàn vi ăn chắt nhịn thèm lao tâm khổ tứ với khiếu kinh doanh cùng năng lực thương mại vượt trội đã gây dựng nên cả một cơ ngơi đồ sộ là cả một câu chuyện dài. Nội việc bà kinh doanh hai thứ hàng nặng nhất và nhẹ nhất khi ấy là tơ và sắt thép nổi tiếng ở Hà Thành và Hải Phòng cũng đã có lắm chuyện như là giai thoại? Người nữ nhi giàu tiền bộn bạc ấy lại sẵn tấm lòng son với đất nước. Thời gian trước năm 1945, những căn biệt thự của bà ở Hà Nội và Hải phòng là nơi đi về liên lạc của Việt Minh. Hai người con trai của bà Năm đã được giác ngộ được bí mật lên chiến khu.
Khó kể hết những đóng góp của nhà tư sản ấy cho cách mạng. Từng ủng hộ Việt Minh trước CM tháng Tám 20.000 đồng bạc Đông Dương (tương đương bẩy trăm lạng vàng) rồi sau này là thóc gạo, vải vóc, nhà cửa. Bà là một trong những người đóng góp tiêu biểu nhất của “Tuần Lễ Vàng” ở Hải Phòng vơi hơn một trăm lạng vàng.
Một sự kiện vô tiền khoáng hậu khi ấy đối với một nữ nhi thường tình là bà đã ngồi trên chiếc xe ô tô của nhà  treo cờ đỏ sao vàng từ Hải Phòng lên thẳng chiến khu qua thành phố Thái Nguyên, nơi quân Nhật còn chiếm đóng đến Đồng Bẩm, Đình Cả, Võ Nhai để báo cho con trai và các đồng chí của mình tin Hà Nội đã giành được chính quyền! Sau thời điểm kháng chiến toàn quốc, bà trao chiếc búa cho đội tự vệ phá hoại để làm cái việc san bằng địa khu biệt thự Đồng Bẩm thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Sau đó bà là chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Thái Nguyên và khu đồn điền Đồng Bẩm từng nuôi ăn cho một trung đoàn vệ quốc quân trong một thời gian dài.
Tiếc thay, phát súng đầu tiên của CCRĐ lại nhằm vào một phụ nữ. Người đó là bà Nguyễn Thị Năm.
Bà bị bắt bị đấu tố với tội danh tư sản địa chủ cường hào gian ác
Rồi bị lôi ra pháp trường.
Sự kiện bi thảm ấy diễn ra vào lúc 8 giờ tối ngày 29 tháng Năm Âm lịch năm 1953. Khi bà vừa tuổi 47.
Một ngày mùa đông năm 1986, ông Lê Đức Thọ cho gọi Lưu Văn Lợi và dặn như thế như thế…
Như thế là việc ông cử người thơ ký của mình đến số nhà 117 Hàng Bạc. Con trai bà Cát Hanh Long ở đó.
Không phải một mình ông Nguyễn Hanh, con trai bà Năm. Cả gia đình 6 nhân khẩu chen chúc trong một diện tích chỉ hơn 20 mét vuông. Tận mắt chứng kiến bao thứ gian nan về nơi ở của thời bao cấp khốn khó, nhưng khi đến 117 Hàng Bạc ông Lợi vẫn không khỏi xót xa.
Ông có trách nhiệm báo cáo lại với vị Trưởng Ban Tổ chức TW những gì mắt thấy tai nghe về gia cảnh hiện thời của nhà Cát Hanh Long.
Ông Lê Đức Thọ nghe ông báo cáo rồi ngồi lặng đi hồi lâu. Bằng chất giọng rời rạc khẽ khàng, ông Thọ như đang chắp nối lại ký ức đã quá vãng. Ông Lợi biết động thái hơi hiếm hoi của  thủ trưởng khi chia xẻ với người thư ký… Rằng chính Bác Hồ thời điểm đó đã thẳng thắn với các đồng chí cố vấn rằng người ta nói không nên đánh phụ nữ dù bằng một cành hoa huống hồ phát súng đầu tiên của cuộc CCRĐ lại nhằm vào một phụ nữ mà người ấy lại rất có công với cách mạng.
( nghe đến đây tôi chợt nhớ ngay cái câu nhất đội nhì giời. Nhưng có lẽ thời điểm ấy  có thứ còn trên cả đội, trên cả cán bộ cải cách nữa?)
Ông Lê Đức Thọ lại thở dài với người thơ ký của mình rằng thời điểm CCRĐ đang hồi cao trào  ngoài đó, ông đang ở miền Tây Nam Bộ. Một hôm ông được nối điện thoại với ngoài Bắc. Phải có việc chi hệ trọng lắm thì mới có sự liên lạc đặc biệt này? Đầu dây bên kia là ông Hồ Viết Thắng, một yếu nhân của CCRĐ. Hóa ra ông Thắng chỉ hỏi ông một câu. Mà câu ấy chả ăn nhập gì với hoàn cảnh hoạt động bí mật gian khó hiểm nguy ở căn cứ địa miền Nam khi ấy khiến ông Thọ rất bực. Câu ấy là bà Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long có cho đồng chí cái gì khi đồng chí ở nhà bà ấy không?
Qua câu ấy cùng khẩu khí của người hỏi, ông cũng mường tượng ra phần nào không khí và tình thế của một phong trào như CCRĐ! Nhưng không ngờ đến những hậu họa? Có phải vì thế mà ông Lợi có lúc thoáng nghĩ, ông Lê Đức Thọ, một trong những yếu nhân của cách mạng miền Nam đã không tiến hành CCRĐ đối với nông thôn miền Nam?
( Nghe chuyện ông Lợi, tôi chợt nhớ đến một văn bản. Đó là lời chứng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 10-11-2001: “Bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long là một địa chủ có tinh thần yêu nước, trong kháng chiến đã từng giúp đỡ bộ đội. Bản thân tôi và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có lúc đã ở lại nhà bà. Trong những buổi họp sửa sai, chính Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Lê Văn Lương đều cho rằng xử trí bà Nguyễn Thị Năm là một sai lầm”.
Lu bu với công việc hết trong Nam rồi ngoài Bắc, quên thì không hẳn nhưng chưa có lúc nào rảnh để đụng đến việc oan sai này. Ông Lợi nhớ lời thủ trưởng mình đã phàn nàn như thế…
Ông Lê Đức Thọ viết một lá thư dán kín rồi đưa ông Lợi chuyển cho đồng chí Trường Chinh.  Một lúc sau, thấy người thư ký của mình đưa lại thư với lý do là thư ký đồng chí Trường Chinh khi biết được nội dung thư đã từ chối việc đưa thẳng cho thủ trưởng của mình!
Ông Lê Đức Thọ cười… Rồi sau đó là động thái hơi bị hiếm, ông Thọ đi bộ sang chỗ đồng chí Trường Chinh…
Khoảng 30 phút sau, ông trở lại cười với người thư ký xong rồi…
Một ngày áp Tết Đinh Mão năm 1987, ông Lợi tháp tùng thủ trưởng của mình đến 117 Hàng Bạc. Giữa những người thân của gia đình bà Cát Hanh Long, ông Lê Đức Thọ tặng quà Tết và tập thơ mới xuất bản của mình với lời đề tặng như bản photo trên đây…
Trong tay tôi là một văn bản của Ban tổ chức TW do Phó trưởng Ban Lê Huy Bảo ký thay Trưởng Ban Tổ chức. Văn bản số 213/TCTW. Hà Nội ngày 4-4-1987
Kính gửi Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Thái. Trước đây bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long bị quy thành phần “Tư sản địa chủ cường hào gian ác” bị xử tử ở Thái Nguyên. Nay con bà Năm là 2 ông Nguyễn Hanh và Nguyễn Công ở số nhà 117 Hàng Bạc hà Nội gửi thư lên các đồng chí Trường Chinh Lê Đức Thọ đề nghị sửa lại thành phần giai cấp và thực hiện đúng chính sách của Đảng Nhà nước đối với gia đình bà Nguyễn Thị Năm.
Sau khi xem xét thư khiếu nại và các tài liệu xác nhận đồng chí Trường Chinh và Lê Đức Thọ thấy việc sửa lại quy định thành phần giai cấp cho bà Nguyễn Thị Năm là tư sản, địa chủ kháng chiến” là đúng với thực tế đúng với chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ban Tổ chức TW Đảng đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí có trách nhiệm thực hiện ý kiến trên của đồng chí Trường Chinh và Lê Đức Thọ.
Rất nhanh, UBND tỉnh Bắc Thái ngày 11-6-1987 có một Quyết định mang số 123/UBQĐ do ông Chủ tịch Đặng Quốc Tiến ký. QĐ ghi rõ Bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long trước bị quy thành phần “ Tư sản, địa chủ cường hào, gian ác” nay sửa lại Thành phần giai cấp cho bà Nguyễn thị Năm  là “ Tư sản, địa chủ kháng chiến”
Việc sửa lại thành phần giai cấp có giá trị từ ngày có quyết định này.
Như vậy việc sửa lại thành phần giai cấp và thực hiện đúng chính sách của Đảng Nhà nước đối với gia đình bà Nguyễn Thị Năm theo chỉ đạo của ông Trường Chinh và Lê Đức Thọ cùng Ban Tổ chức TW mới được thực hiện một nửa!
Còn việc thực hiện đúng chính sách của đảng và Nhà nước đối với gia đình bà Nguyễn Thị năm, 26 năm đã qua vẫn còn để đó?
Dấu chấm hết vô tình thành dấu chấm… lửng?
Kỳ 2:Tan tác một mái ấm
Ông Lưu Văn Lợi
Ông Lưu Văn Lợi
Cánh cửa căn hộ ở đường Láng mở ra…
Trước khi đến đây trĩu trong tay là một tập giấy tờ. Tờ đầu tiên có những dòng:
            Hà Nội ngày 27-4-1998. Kính gửi ông Chủ tịch Quốc hội. Chúng tôi là con trai, con dâu của bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long tên là Nguyễn Hanh và Nguyễn Cát tức Hoàng Công, (Ông Hoàng Công đã mất do tai nạn năm 1989) và vợ ông Công là Đỗ Ngọc Diệp  xin gửi đến ông Chủ tịch QH một việc khẩn. Trong nhiều năm qua gia đình chúng tôi đã có nhiều đơn thư gửi đến các cơ quan có trách nhiệm các cấp chính quyền từ xã trở lên đến Trung ương cùng Tổng Bí thư xin xem xét việc khen thưởng cho mẹ chúng tôi theo Nghị quyết 28 CP ngày 29-4-1995 (Nghị quyết về…) Nhưng cho đến nay chưa được cấp nào trả lời…
Và bây giờ là 8-2013, ngoài lá đơn gửi ông chủ tịch QH là Nông Đức Mạnh năm 1998 ấy còn hơn 20 lá đơn khác gửi cùng nội dung đến các đời Thủ tướng, TBT, Chủ tịch QH từ năm 1995 đến nay vẫn chưa được cấp nào trả lời!
Tiếp tôi là chủ nhà, ông Nguyễn Hanh năm nay tròn 90 và vợ Phạm thị Cúc  86 tuổi. Bà Cúc ngó còn minh mẫn. Ông Hanh đi lại đã phải có người dìu. Sự tháo vát hiếu thảo của 3 người con của ông bà đã vượt thoát cho cả nhà bà cùng bố mẹ ra khỏi căn hộ chật chội tù túng ẩm ướt kế ngay nhà vệ sinh công cộng ở 117 Hàng Bạc.
Tôi xin phép được lên gác thắp hương cho cụ Nguyễn Thị Năm.
Nghiêm ngắn trên bàn thờ là bức chân dung hiếm hoi của cụ bà Nguyễn Thị Năm còn sót lại. Khắn vấn.  Tóc đen nhưng nhức chải  ngôi giữa. Nét mày và miệng thanh tú. Ảnh cụ bà chụp khi hơn 40 tuổi. Tướng những người phụ nữ có cung mệnh ích phu vượng tử. Cụ ông không may bạo bệnh mất sớm trước năm 1945. Một mình cụ bà những đảm lược thông minh tháo vát chèo chống đưa con thuyền cát Hanh Long qua bão tố thác gềnh. Qua bao tao loạn đổi thay của thời cuộc, trân trang thờ kia bà vẫn mãi mãi trẻ trung vẫn mãi mãi tỏa cái ánh nhìn sắc sảo bao dung xuống hậu thế!
Bên phải là tấm hình cụ ông ngó trẻ trung. Ban nãy đến nhà tôi mới rõ hết cái thương hiệu Cát Hanh Long nổi tiếng ở Bắc Kỳ. Cát, tên người con trai thứ hai, thời gian hoạt động bí mật có tên là Hoàng Công, từng là Trung đoàn trưởng thuộc Sư 308. Hanh, người con trai cả. Long là tên cụ ông quê gốc ở làng Đại Kim Thanh Trì Hà Nội.
Tuổi tác tật bệnh, có thể một lúc nào đó hơi lẫn như cụ bà phàn nàn nhưng khi nhắc đến những ngày tháng Tám năm 1945 là trí nhớ cụ ông thoắt như được ánh sáng diệu kỳ nào đó của quá khứ rọi soi? Cụ cứ vanh vách từng chi tiết buổi sáng ngày 25 tháng Tám năm 1945 đoàn xe của ông Trần Huy Liệu thay mặt cho Chính phủ lâm thời cùng đoàn xe của ông Nguyễn Lương Bằng đại diện cho Mặt trận Việt Minh cùng xuất phát từ Hà Nội có sứ mệnh vào Huế tiếp nhận sự đầu hàng của Bảo Đại. Chả là chàng trai Nguyễn Hanh khi đó mới 22 tuổi, được chọn trong đội hình Thanh niên thành Hoàng Diệu có vinh dự được tháp tùng Đoàn.
Ngày 30-8 Đoàn mới vào đến Huế. Đành một nhẽ đường xá thời đó xấu nhưng làm chi mất đến 5 ngày mới vô được Huế? Hóa ra cả phái đoàn phải liên tục dừng lại dọc đường ngày cũng như đêm để gặp gỡ nói chuyện với đồng bào chặn đón ủy lạo đoàn ở các địa phương dọc đường. Người ta khênh cả kiệu bát cống kiệu long đình bày hương án giăng cờ đại, cờ đuôi nheo chỉ dùng trong các dịp lễ trọng để chào mừng đại diện của Việt Minh.
Trong suốt cuộc gặp, tôi để ý có 2 việc mà cụ Hanh thường nhắc đi nhắc lại? Đó là chi tiết khi đưa tay đỡ cái ấn Hoàng đế chi bảo bằng vàng đúc do ông Trần Huy liệu đưa cho, anh tự vệ thành Hoàng Diệu Nguyễn Hanh cứ tưởng nó nhẹ nên đón lấy bằng động thái nhẹ nhàng làm suýt rơi ấn. Một vật nữa tượng trưng cho quyền lực Nam Triều là chiếc kiếm. Cũng tưởng nó nặng hóa ra nhẹ hều, bao kiếm đã rỗ rỉ nhiều chỗ!
Chi tiết thứ hai là cái túi đựng kim cương của mẹ mình, bà Nguyễn Thị Năm.
Cái túi ấy trước khi đám tự vệ cùng đội cải cách súng ống hùng hổ xông vào nhà điệu bà đi với tội danh tư sản địa chủ cường hào gian ác,  bà Năm dường như đã tiên liệu được điều gì? Bà nhanh tay quẳng cho cô con dâu cái túi đựng những kim cương hột xoàn gì đó mà con dâu mà không rành chỉ biết nó khá nặng, trĩu cả tay!
            Sau gần 3 tháng, ngày cũng như đêm liên miên đấu tố bà năm luôn bị cách lý vói gia đình nên không kịp biết chỉ mấy ngày sau khi bà bị bắt, trong một đợt khám xét săm soi hang cùng ngỏ hẽm khắp nhà cửa sân vườn, đội cải cách đã phát hiện ra cái túi kim cương ấy và ra lệnh tịch thu! Tịch thu nhưng không hề có biên bản, giấy biên nhận mà là thu trắng tài sản của nọn tư sản địa chủ cường hào gian ác. Cô con dâu điếng người.  Bà con dâu khi ấy còn trẻ nhưng cũng đủ biết những vật trong cái túi gấm kia còn giá trị hơn cả vàng! Nhưng hình như cái thời ấy, cái đau mất người cùng những tan đàn xẻ nghé nó đau nó khủng khiếp hơn cái mất mát tài sản?
Thời điểm ấy,  Nguyễn Hanh đang ở Nam Ninh Trung Quốc. Liên miên những tháng ngày hăng say tiếp thụ kiến thức rèn cán chỉnh quân để sau này về truyền thụ lại cho đơn vị bộ đội của mình.
            Tin tức về một cuộc cải cách trời long đất lở cũng sang được bên đó nhưng tuyền một thông tin dân phấn khởi đang vùng lên đánh đổ địa chủ ác bá người cày có ruộng. Nguyễn Hanh không một chút mơ hồ nghi ngại… Một ngày tháng 6 năm 1953, Nguyễn Hanh được chỉ thị về nước có lệnh gấp. Chẳng cần phải khi cánh cổng trại cải tạo Tuyên Quang doang rộng và mình được điệu cổ vào, Nguyễn Hanh mới biết mình đang lâm nạn mà thái độ thù địch của những người dẫn anh đi khi qua biên giới đã báo trước cho Nguyễn Hanh những sự dữ.  Những ánh mắt như tóe lửa khi hướng về phía anh. Cả những lời phũ phàng bật ra ở địa điểm đón đầu tiên Con cái bọn bóc lột cường hào ác bá…
            Cái điều Nguyễn Hanh không ngờ không biết khi đó mẹ mình đã bị bắn. Cho mãi sau này, trong một đợt tiếp tế thăm nuôi, vợ anh mới hé cho tin ấy.
Cho mãi mùa đông năm 1956, trong căn lều tuềnh toàng giành cho con cái cường hào ác bá ở Đồng Bẩm, cách cái nền khu biệt thự từng dập vụn thời điểm tiêu thổ kháng chiến không xa. Và ngoài kia là ràn ràn tứ bề gió lạnh,  Nguyễn Hanh thân hình còm nhom tật bệnh, qua câu chuyện ngập trong nước mắt của vợ, ông dần dà tường hết mọi việc xảy ra trong những ngày khốn khổ ấy. Chi tiết cái túi vợ ông có kể nhưng Nguyễn Hanh đã quên bẵng ngay sau đó.
Tinh mơ hôm sau, ông lựa lúc vắng người, theo hướng chỉ của vợ ông ra gục khóc trên mộ mẹ lúc này cỏ dại đã mọc dày nhưng không dám xới xáo gì.
Những năm cuối 50, khi những cuồng phong của những đợt CCRĐ đã bớt thôi gào thét, cả nhà ông, con trai con dâu và cháu nội của bà Cát Hanh Long mang cái án con cháu của kẻ tư sản cường hào gian ác bị cách mạng xử tử tìm đường về Hà Nội.
Nói về cũng chẳng phải… hay đi tiếp?  Hà Nội hay Hải Phòng? Quê đâu? Nhà cửa đâu? May mà sau những ngày ra trại gặp đợt sửa sai, ông Hanh được bạn bè người quen giúp cho xin được một chân trong văn phòng Ty kiến trúc Thái Nguyên. Khi dạt về Hà Nội lại cũng được người quen xin vào làm ở một xí nghiệp dược phẩm. Bà vợ cũng may cũng xin được một chỗ làm dạy ở một trường tiểu học.
Cái đoạn khốn khó nhất là phải tìm lấy một chỗ ở. Trong lúc hoạn nạ nhiều bạn bè đã giang tay ra. Nhưng ở nhờ mãi sao tiện? Mất hơn 3 năm lúc ở nhờ lúc thuê cả nhà ông Hanh mới dạt vào một góc ở 117 Hàng Bạc.
Bên tôi là chị Phương con gái cả ông Hanh. Bà mẹ chị Phương dõi ánh mắt xót xa về phía con gái khi chị kể cái đoạn đói không sợ nhưng ngại nhất là những ánh mắt lúc khinh khi lúc soi mói của hàng xóm của bạn bè ngay trong lớp đôi lúc xì xào con nhà địa chủ ác bá…
Học phổ thông lên đến đại học Bách khoa cũng dần bớt đi sự tò mò thiếu thiện cảm. Tuổi trẻ mà. Nhưng khi tốt nghiệp, Phương mới thấy giật mình. Điều lo sợ mơ hồ của cô đã thành sự thực khi cô được phân về Tổng cục Thống kê. Ông cán bộ tổ chức ân cần trả lại hồ sơ cho cô và nói thẳng bên náy hơi ngại cái lý lịch cháu ạ.
Chờ đợi mãi, cô xin về Bộ vật tư theo lời giới thiệu của người quen. Đợi mãi không thấy gọi. Cô đánh liều đến thì thông tin mà cô nhận được cũng na ná như bên Thống kê.
Người quen của gia đình Phương lại thân với ông Bộ trưởng.
Thời điểm ấy, chưa có sự kiện cải thành phần từ gian ác cường hào xuống địa chủ kháng chiến. Nhưng ông Bộ trưởng hình như có kênh để liên lạc với một trong những yếu nhân từng qua lại gia đình bà Cát Hanh Long thời đen tối. Rồi cuối cùng, Phương cũng được nhận vào làm ở Bộ vật tư.
Chuyện của Nguyễn Tấn, em trai cô Phương cũng gian nan. Anh Tấn thi vào Đại học Quân sự nhưng không được gọi.  Năm 1968 anh Tấn xung phong đi bộ đội. Rồi thỏa mãn cái chí học của mình bằng con đường tại chức Bách khoa. Tích cực phấn đấu mãi cũng không được kết nạp Đảng vì thành phần gia đình. Và phấn đấu mãi cũng không trở thành sĩ quan chuyên nghiệp. Nguyễn Tấn xin về hưu ở tuổi 50.
Một cụ già với những bước lẫm chẫm, thường phải có người dìu, trong câu chuyện nhiều lúc ông Nguyễn Hanh phải vỗ vỗ lên đầu chừng như để nhớ ra một điều gì đó mà với thời gian với những tao loạn cùng tật bệnh có khoảng khắc nào đó chìm khuất? Thuở mạnh bạo trẻ trung rồi trung niên, người ấy đã quên bẵng đi chuyện cái túi. Cái túi chứa những ngọc ngà châu báu . Cái túi của nhiều gia tài. Thế mà buổi xế chiều hoàng hôn, cái túi thốt trở nên rành rẽ trở nên băn khoăn lẫn đau đáu?
Chi tiết thứ hai mà ông hanh thi thoảng nhắc đến chỉ sợ khách quên. Ấy là khi ông Hanh, nói mà như nhắc rằng không biết cái túi của cụ nhà tôi mà đội cải cách tịch thu ngày ấy có mang sung vào công quỹ hay là mang đi làm của riêng? 
Bàn thờ bà Nguyễn Thị Năm
Bàn thờ bà Nguyễn Thị Năm
Kỳ 3:Tìm mộ bà Nguyễn Thị Năm
Ông bà Nguyễn Hanh
Ông bà Nguyễn Hanh
Còn Nguyễn Cát, người con trai thứ thời điểm bà Năm bị thụ hình, đang ở đâu?
Cũng như ông anh, ông cát khi đó đang được học tập chỉnh huấn chỉnh cán bên Trung Quốc có điều không cùng nơi. Cũng phải, ông em hình như có chí tiến hơn người anh. Năm  1953 ấy đã là Trung đoàn trưởng của sư 308.
Hoàng Công là tên hồi Nguyễn Cát hoạt động bí mật.
Trong tay tôi có nhiều bản chứng của nhiều cán bộ cao cấp. Trong đó có ông Đào An Thái, nguyên Cục trưởng Cục Lưu trữ. Ông Hoàng Thế Thiện, nguyên Bí thư Đảng ủy chuyên gia giúp bạn K trực thuộc Trung ương. Ông Nhi Quý nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Xin biên ra ra một đoạn.
Anh Nguyễn Cát (tức Công) đã được chúng tôi tổ chức vào một trong những nhóm Thanh niên cứu quốc hoạt động bí mật ở thị xã Thái Nguyên trước Tổng khởi nghĩa.
Tháng 5 năm 145 anh Cát đưa lên chiến khu 20 ngàn bạc Đông Dương ( thời giá khi đó tương đương 700 lạng vàng) tiền của gia đình anh ủng hộ đoàn thể. Tôi đã nhận tiền và giao lại cho Ban cán sự Võ Nhai.
Anh Cát thường xuyên cung cấp cho chiến khu thuốc chữa bệnh máy đánh chữ, giấy mực, và nhiều thứ khác khi chiến khu yêu cầu. Anh cát tích cực thực hiện những chỉ thị của Ban cán sự. Sau CM anh Cát được giao công tác ở Ty Tuyên truyền tỉnh. Sau đó được rèn luyện thử thách trong bộ đội. Tham gia nhiều trận đánh và đã bị thương. Qua nhiều gian khó thử thách vẫn trung thành tận tụy với cách mạng.
Cũng như ông anh, từ Trung Quốc, Trung đoàn trưởng Nguyễn Cát bị dẫn ngay về nước và vào thẳng trại một trại cải tạo Thái Nguyên.
Mãi cuối năm 1956, ông mới được tha. Sau sửa sai, ông được chuyển ngành sang Ty Thương nghiệp rồi sau đó gia đình ông về Hà Nội.
Trong thời gian Nguyễn Cát bị giam, vợ ông Cát, bà Đỗ Ngọc Diệp vốn là cán bộ bí mật hoạt động từ năm 1944 khi ấy may mà đang hoạt động trong vòng địch hậu Bắc Ninh nên vô tình bà thoát không bị bắt và đấu tố. Nhưng không thoát được sự động viên của tổ chức rằng cô còn trẻ đang có tương lai nên cắt đứt với con cái địa chủ cường hào ác bá.
Cán bộ địch hậu Đỗ Ngọc Diệp không chịu. Lần hồi cũng đến thời điểm sửa sai. Hai vợ chồng lại đoàn tụ. Họ cưới nhau năm 1952. Mãi năm 1958 mới sinh con gái đầu lòng. mẹ Ngọc Diệp con là Kim Chi. Cành vàng lá ngọc.
Năm 1989, ông Nguyễn Cát đương khỏe mạnh ở tuổi 64 đi xe máy, bất đồ bị một thằng vô lại quành xe trước mũi xe ông Cát. Ông bị ngã đập đầu xuống và qua đời luôn tại bệnh viện.
Trước đó, ông Cát cùng vợ, gia đình ông anh đã lao tâm khổ tứ trong việc tìm mộ bà Năm.
Thời gian cùng thiên nhiên nhiệt đới như cũng hợp sức với sự vô tình vô tâm của con người trong việc làm nên sự quên lãng? Những bấn bíu nhọc nhằn trong sinh kế cùng bao thứ vụn vặt lo toan nhoáng cái đã nhiều năm qua đi. Cả nhà ông Hanh ông Cát lần ấy lên Đồng Bẩm thăm mộ mẹ đã hoảng hốt nhận ra khu vực ngày trước nơi chôn cất bà Nam địa hình địa vật đã thay đổi không còn nhận ra. Cây cối mọc đầy um tùm…
            Không bó tay, ông Cát cùng người nhà ra sức cày nát đám đất hoang nhưng vẫn không thấy dấu hiệu gì.
Không nản, lần khác họ lại lên Đồng Bẩm. Tha thẩn dọc khu vực rìa sân bay Đồng Bẩm ( trước CM Pháp cho xây dựng một sân bay dã chiến bị bỏ hoang nhiều năm) nơi được xác định chôn cất bà Năm. Lần này lòng tin của đám người tìm mộ dường như được củng cố thêm vì có một ông tự vệ hồi 1953 đã tham gia chôn cất bà Năm trong đêm. Nhưng lại nhiều lần đào xới mà vẫn không có kết quả.
Gần đó có một đơn vị bộ đội đóng quân. Thấy người nhà ông Hanh xuất hiện ở đây mấy lần, một chú bộ đội chuyện nhỏ với các bà các cô rằng, nếu đi tìm mộ thì chắc cũng quanh đây thôi. Ngày trước đơn vị của chú đã dựng ở khu vực này một căn nhà ở. Nhưng kỳ lạ là tiểu đội nào đến ở một thời gian cũng tìm cách thoái thác. Họ viện cớ khó ngủ cứ sờ sợ thế nào? Có người còn quả quyết đương đêm giường cứ như bị dựng dậy?!
Rồi căn nhà dựng tranh tre nứa lá ấy cũng được tháo ra, dựng ở một nơi khác! Sự lạ ấy đã không xảy ra nữa.
Nghe vậy thì biết vậy, trên nền nhà cũ nhìn vầng khói hương vút thẳng, ông Hanh thầm khấn nếu mẹ có linh thiêng xin chỉ chỗ cho chúng con. Nhược bằng chúng con xin lấy một nắm đất ở khu Đồng Bẩm này đem về quê bố dựng tạm một ngôi mộ vậy…
            Chiều người anh. Nhưng vợ chồng ông Cát vẫn quyết tìm mộ mẹ. Ông bà đã đến tìm gặp một số nhà ngoại cảm.
Một điều ngạc nhiên đã xảy ra. Khi ông bà dứt khoát khẳng định với một số nhà ngoại cảm được coi là nổi tiếng khi ấy rằng đặc điểm dễ nhận ra là bà Năm có đeo một chiếc vòng cẩm thạch và một cái răng bịt vàng thì họ đều từ chối là không thể tìm được?!
Chắc họ ngại nhỡ đào lên mà không tìm thấy hai thứ ấy thì…
Nghiên cứu sơ đồ của một nhà ngoại cảm L.  vẽ, ông Cát thấy rất đúng cứ như nhà ngoại cảm ấy đang đứng ở chính ở khu vực này mà họa lại. Nhưng tìm vẫn không thấy?
Rồi đột ngột tai nạn thương tâm với ông Cát diễn ra.
Một thời gian sau nguôi ngoai, bà Diệp lại cùng gia đình người anh chồng tiếp tục việc tìm mộ.
Lần này nhà ngoại cảm ở một thành phố phía Nam có một sơ đồ trùng khít với nhà ngoại cảm L. dạo nọ. Còn nói thêm nên tiếp tục cộng tác với ông L.
Thêm một chi tiết nữa, trong khu vực ấy nên để ý đến một loại cây lá nhỏ nhất…
Mùa đông năm 1990, bà Diệp các con và gia đình ông Hanh lại lên Đồng Bẩm theo hướng dẫn bằng điện thoại của nhà ngoại cảm.
Quan sát thật kỹ, tốp người tìm mộ thấy thứ cây lá nhỏ cả khu vực này chỉ có một cây phượng?  Lại nữa, vị trí cây phượng lại rất gần cái nhà ở của đơn vị bộ đội đã tháo dỡ.
Đêm xuống, những lát cuốc xẻng lại cần mẫn hối hả trong ánh sáng điện câu nhờ được dong từ xa…
            Thời gian đã âm thầm bồi lắng lên lớp đất cũ nhiều lớp đất màu. Hết lớp đất mượn ấy, bất đồ một cậu giúp việc đang đào chân bỗng như hút xuống. Câu kêu lên thảng thốt Cụ ơi cụ đừng rút chân cháu …
Một cảnh tượng cảm động lộ dần trong âm thanh thút thít nức nở của con cháu bà Năm….
Từng ấy năm rồi còn gì. Không còn ván chỉ còn lại mấy cái đinh đóng quan tài.
Xương cốt hao đi nhiều quá. May mà hoa cái ( đầu) vẫn còn. Và chiếc vòng ngọc thạch vẫn còn kia. Sau gần nửa thế kỷ chôn vùi vẫn ánh lên lấp lánh.
Bà Cúc vợ ông Hanh cho hay sở dĩ chiếc vòng ấy còn vì bà Năm đeo từ hồi trẻ nó thít chặt vào cườm tay. Khi đấu tố có người đã cố rút ra nhưng không được!
Cả chiếc răng bịt vàng.
Và ngạc nhiên có cả hai đầu đạn!
Sau thủ tục lễ tạ và cảm ơn chính quyền địa phương cùng mấy nhà quanh đó, chiếc xe chở bà Cát Hanh Long quay về Hà Nội khi trời chưa sáng tỏ.
Cụ bà được nằm bên cạnh mộ cụ ông ở quê chồng là làng Đại Kim Thanh Trì. Sau hơn nửa thế kỷ, hai người mới được gần nhau sau bao nhiêu tao loạn.
Tôi theo người cháu gái bà Năm tiếp thêm tuần hương. Ngước lên làn khói hương trên bàn thờ Người Mẹ chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn Ân nhân của Cách mạng, ánh mắt bà Năm vẫn ánh lên cái nhìn ấm áp bao dung…
Không biết anh linh của bà phù hộ hay chỉ thị của ông Trường Chinh Lê Đức Thọ linh mà sau 6 năm, năm 1998 ông Nguyễn Hanh và ông Nguyễn Cát hai con trai của bà Năm đã được công nhận là cán bộ  hoạt đông lâu năm, cán bộ tiền khởi nghĩa. Còn người  con dâu Đỗ Thị Diệp, sớm hơn năm 1980 đã được xác nhận danh hiệu cán bộ hoạt động lâu năm.
Riêng Cụ Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long thì vẫn… đợi ?
Trên cao xanh kia, cụ bà đã mỉm cười nơi chín suối được chưa khi mới có động thái duy nhất của chính thể là hạ thành phần cho cụ từ tư sản địa chủ cường hào gian ác xuống tư sản địa chủ kháng chiến!
Chính vì thế hằng bao năm nay, ông Nguyễn Hanh cùng bà Diệp vẫn đứng đơn đề nghị các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm thực hiện cho trọn vẹn Nghị định số 28/CP của Chính phủ ban hành ngày 29-4-1995. Đó là một nghị định nhân văn như tên gọi của nó
 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng
Mà vận dụng cụ thể vào trường hợp cụ cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm theo đề nghị của gia đình ông Hanh nhiều năm nay là nên xét thưởngHuân chương kháng chiến chống Pháp và truy tặng danh hiệu Liệt sĩ!
Người con trai còn lại duy nhất của bà Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long năm nay tròn 90 có lẽ vẫn tiếp tục đợi?
.
Sắp Tiết Thanh minh năm Ngọ
X.B

Xin Cảm ơn tác giả và trang Nguyễn trọng Tạo