Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

VÔ NGÃ

       Các nhà nghiên cứu Israel và Canada năm 1960 đã ước tính một người đàn ông 20 - 30 tuổi, cao 1,7 mét và nặng 70 kg có thể mang 3,9 x 1013 (39 nghìn tỷ) vi khuẩn và 3,0 x 1013 tế bào, ứng với tỷ lệ 1,3:1. (Đấy là chưa kể giun sán chấy rận, và các con ghẻ ký sinh).
     Mỗi vi khuẩn là một cơ thể sống hoàn chỉnh, là một sinh linh. Giun sán chấy rận cũng vậy. Tôi chỉ một, mà vi khuẩn trong tôi thì nhung nhúc. Trong máu của tôi, trong tim óc của tôi đều có vi khuẩn, có cả kí sinh trùng sốt rét. Tôi đang run rẩy hay kí sinh trùng run rẩy?, Đầu tôi đau, hay chúng nó đau? Tôi nhói trong tim, vì tôi hay vì chúng nó? Tôi ăn là ăn cho tôi, tôi thở là thở cho tôi hay cho chúng nó?
      Vây thì tôi và chúng ta, với tư cách là một sinh linh, chúng ta là người hay là vi khuẩn? Chúng ta là người hay là giun sán, hay là chấy rận?
     Ở góc độ cơ thể thế vật lý, tôi chiếm tỷ trọng lớn hơn (khoảng 97%); Xét về số lượng tế bào, tôi xêm xêm chúng nó;  Nhưng xét về sinh linh, tôi là vô cùng bé, bé đến thảm hại, đến không đáng kể. Tôi là tôi mà không phải là tôi. Tôi chỉ là một trong số hơn 5000 lần dân số thế giới, nghĩa là tôi chỉ là một trong số bốn mươi ngàn tỉ các sinh linh khác trong tôi. Nếu biểu quyết, tôi thua. Tất cả bọn chúng sẽ nhao nhao lên bảo: chúng nó đã sở hữu cái xác vật lý này hơn 3/4 thế kỉ rồi, đây là môi trường sống của chúng, không có tranh chấp, không có cầm cố, sao nay lại bảo của người khác được?
    Có lúc tôi nghĩ: Mình như một khu rừng với vô vàn cây cối, rong rêu; với bao nhiêu muông thú, chim chóc, và nhung nhúc rắn rết, giun dế, sâu bọ, kiến mối... Tôi cũng có thể là hồ là sông mà chúng là tôm cá cua lươn ốc hến...
     Nhưng, nếu vậy thì tôi là gì? - Là rừng hay là cây? Là chim hay là giun? Là sông hay là cá?
     Không là gì.
     Vô ngã!.
Chỉ còn hy vọng, mỗi khu rừng có một vi thần rừng, mỗi dòng sông có vị thần sông. Và mỗi cái tôi, ngoài cái thân sinh lý và cái xác vật lý, còn có một cái tôi không liên quan gì với giun sán vi trùng vi rút. Cái  tôi mịn ấy là tôi.
                         27/7/2022


Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

RCYT: 32. BỘ SƯU TẬP

           Tôi có một ao ước, thuần túy là ao ước thôi, về một bộ sưu tập những sản phẩm thủ công mỹ nghệ dệt thêu đan phản ánh tài năng sáng tạo và bàn tay khéo léo của đồng bào đất Quế chúng tôi.
                              

Chiếc khung cửu đơn sơ tạo bởi mấy khúc gỗ đẽo bằng dao, vài ba ống mét, dăm bảy lóng nứa mà có thể dệt nên những chiếc khăn đội đầu, những tấm ga trải nệm bông lau, những chiếc bọc chăn, chân màn, chân váy… đủ muôn hình sắc. Có thể cải vào mặt vải những đường nét tao nhã, biến hóa mang nét đặc thù văn hoa trang trí của dân tộc Thái miền Tây Nghệ an. Cách tân hơn, có thể cải vào mặt vải tên mình, hay một dòng kỷ niệm. Đặc sắc nhất là dệt nên hình chim phượng, chim công, hươu nai, voi hổ, rồng bướm… với bố cục cân đối, hình ảnh sống động, màu sắc hài hòa, vừa thực vừa cách điệu, vừa gần gũi núi rừng, vừa bay bổng truyền cảm.
Vậy mà chỉ cần một khung cửi đơn sơ, các bà các chị khéo léo điều khiển hai chiếc go dệt và một chiếc go cải mà tạo nên tất cả. Muốn có hình trên vải ta cải hình trên go. Đến khi lần ngược lại, gỡ dần hình trên go ta lại dệt nên tấm hình thứ hai hoàn toàn đối xứng. Cái cân đối hài hòa vốn đã có từ trong thao tác mà lần lượt tạo nên.
Cũng với những bàn tay ấy, các bà các chị trồng bông, nuôi tằm kéo sợi ươm tơ. Màu xanh màu đỏ màu vàng đều có thể lấy từ cây lá trong rừng mà tẩm nhuộm, bền mãi không phai. Có thể pha thêm màu hóa chất, thêm cả sợi kim tuyến nữa thì càng đa dạng sắc màu và rực rỡ hơn lên.
Rẫy bông nở bung trắng sợi tháng tư, con tằm nhả kén bốn mùa vàng óng. Mưa dầm rét ngọt là khi kéo sợi, nắng ráo là ngày nhuộm tơ. Khung go lên sẵn, rảnh rỗi giờ nào là ngồi vào mà dệt. Ngày giờ không đếm hết. Mặt vải thẳng căng, hoa văn nổi rõ lên dần cho tới khi cấu thành sống động.

Trong khi thêu dệt là tài hoa của các bà các chị thì đan lát lại là cái khéo của quý ông. Từ bức vách tấm phên đến nong nia thúng mủng dần sàng, rồi cái gùi trên lưng, cái giỏ bên hông, tới cái ép đựng xôi trong bữa cơm hàng ngày… nơi đâu cũng có hoa văn, cũng có dấu ấn của những bàn tay vàng dân dã. Điều đặc biệt là nghệ nhân không hề tính toán thời gian, cốt yếu là làm cho được sản phẩm với chất lượng cao nhất, tốt nhất, bền nhất và đẹp nhất.
Vậy nên vùng cao có biết bao nhiêu cái đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người, trong mỗi mái nhà, trong làng trong bản. Bộ sưu tập, vì thế nếu có thì thật là phong phú và với tôi cũng vì thế mà mãi mãi vẫn chỉ là ước muốn. Tôi không sao có được bộ sưu tập ấy, nhưng mảnh đất này, vùng quê thân thương này nên có và hãy cố giữ gìn mãi mãi trọn vẹn bộ sưu tập đó.
                                       Rừng chiều yên tĩnh 1984


RCYT: 27. CƠN MƯA RÀO ĐẦU TIÊN

        Trong cơn mưa rào đầu tiên, những con chào mào vẫn ríu rít trên cành. Chúng rất vui, thỉnh thoảng có con bay vút lên rồi đột ngọt nhào xuống giữa đám bạn bè làm cho chúng nhảy tóe ra và kêu to lên.
      Trong cơn mưa chim sáo vẫn bay từng đàn và hót lên lảnh lót, vang lừng.
      Ấy là mùa xuân và cũng chỉ mùa xuân mới có.
                                                           Rừng chiều yên tĩnh 1984

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

RỪNG SƠN TRÀ

     Đêm qua tôi nghe tiếng mang toác trên rừng Sơn trà. Vui như gặp lại người thân. Rồi miên man trong đêm nhớ lại mình đã gặp ở Sơn trà nhiều loài chim loài thú khác. Đặc biệt nhất là khỉ và voọc. Voọc là nữ hoàng linh trưởng, chỉ có duy nhất ở Sơn trà. Rồi khỉ, rất nhiều khỉ, từng đàn. Và các loài chim, đủ hết từ cu xanh, cu kì, sáo, cu rúc, gõ kiến, bã trầu, chìa vôi,... có cả cò cói và còn có cả gà rừng nữa.


      Khi tôi đưa hình khỉ vào vườn nhà, có bạn đã còm trên phây: - Ô, giá như ở chỗ khác thì chúng đã bị nấu cao rồi(!). 

Không những khỉ, mà voọc cũng có thể bị nấu cao. Và chim chóc, chồn sóc... tất tất sẽ bị giết. Rồi rừng cây nữa, sẽ bị chặt hạ để lấy gỗ, để đốt than, để làm củi... như ở đâu đó khắp nơi. Nếu thế, làm gì còn rừng Sơn trà, làm gì còn những con suối trong lành cấp đủ nước cho toàn dân trong quận.
     Nhưng không! Người dân Sơn trà không làm thế. Bán đáo Sơn trà vẫn còn gần 4000 ha rừng xanh mướt và 20 dòng suối có nước chảy quanh năm với bao nhiêu loài cây và bao nhiêu loài chim thú. Thế mới biết trân quý Sơn trà, và càng trân trọng hơn người dân Đà nẵng.
      Dễ chừng đã hơn 40 năm tôi không còn nghe tiếng mang toác nữa, kể từ ngày rừng mỡ trên núi thiêng Pu Hiêu và cả rừng quế của lâm trường Quế phong bị tàn phá. Khi Pu Mai bị cạo trọc để làm nương rẫy thì cũng không còn nghe tiếng coong còi. Cũng từ những năm ấy thưa vắng những cánh chim.


      May sao, trời cho tôi được gặp lại nơi này những voọc, những khỉ và vô vàn chim chóc. May sao đêm nay nghe thấy tiếng mang toác.  Và mong sao Sơn trà mãi xanh. Mong sao nữa: Pu Mai, Pu Quai, Pu Hiêu và cả đại ngàn Trường sơn lại trở nên xanh.

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2022

CHUỖI CẢM XÚC

        Trí nhớ máy móc, vẹt, vô cảm được tạo bởi những liên kết đường mòn thần kinh, là bộ nhớ ngoài, nhớ tạm, sau một thời gian nhất định sẽ phai, sẽ mất. Còn trí nhớ cảm xúc được ghi nhận lâu bền trong mịn, đến tận cuối đời có khi vẫn không quên. 
     Cảm xúc phần đa đến từ bên ngoài từ thiên nhiên, từ môi trường, từ xã hội nhưng cũng có những cảm xúc bên trong, từ tự thân rèn luyện và tu tập. 
      Tùy tạng của từng người mà có những cảm xúc khác nhau trước một bông hoa, một làn hương, một ngọn gió, một tiếng chim, hay một món ăn, một thức uống... Cùng một thời vận như nhau mà tâm trạng khác nhau, xử thế khác nhau thì cũng là do cảm xúc bên trong.
     Đón nhận cảm xúc, hay kiểm soát cảm xúc cũng là cách sống của mỗi một người. Tích cực hay tiêu cực, lạc quan hay bi quan, buồn hay vui, sướng hay khổ thì cũng chỉ là tâm trạng biểu lộ cảm xúc mà thôi.
     Đời người suy cho cùng chỉ là một chuỗi cảm xúc. Mục đích cuộc đời là ở chỗ truy cầu, tìm kiếm cảm xúc an vui, sung sướng thỏa mãn. Truy cầu không có giới hạn, không có điểm dừng, mặc cho tính hữu hạn của cuộc đời đếm được, đó chính là mâu thuẫn lớn của con người. 
      Điều chỉnh một chút, thay vì nghe hòa nhạc ta lắng tiếng suối tiếng chim, thay vì pháo hoa ta ngắm trăng sao, thay vì nhanh ta thong thả... thay vì mặn ta dùng chay... biết đâu tổng cảm xúc sung sướng không hề thay đổi, mà tâm tính đổi thay. Điều chỉnh thêm chút nữa để biết đủ, để nhận biết cái vô hạn trong cái hữu hạn mà tự hài lòng. Được thế thì chuỗi cảm xúc của mình dù có dài ngắn thế nào trong thô, vẫn vô biên lâu bền trong mịn.

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

RCYT: 24. CHIM GÁY.

          Cháu của tôi sinh ra ở thủ đô, đến tuổi thiếu niên thì về rừng với tôi. Ở rừng có quá nhiều điều lạ lẫm đối với cháu. Điều đó làm cháu thích thú nhưng cũng không ít ngại ngần. Nhiều khi thấy cháu buồn, cái buồn của sự vắng lặng tịch mịch, không xe, không đài, không điện, rất khác biệt với thị thành. 
       Mà tôi cũng có khi buồn. Tôi lắng tìm nghe trong vắng lặng một chút âm thanh, một chút rì rào, róc rách... Rồi đôi tai  trở nên thính nhạy hơn, tôi nhận ra nhiều âm thanh hơn, nhiều dấu hiệu của sự sống hơn, và vui với chúng. 
     Với thời gian, cháu tôi cũng thế. thiên nhiên dần trả lại cho cháu đôi tai như vốn có. Bằng chứng là sáng nay, gần như cùng một lúc với tôi, cháu đã nghe tiếng chim cu gáy. Chỉ tiếc là cháu chưa biết đấy là tiếng chim gì.
    - Chim cu đang gáy đấy cháu. Cởi áo may ô ra, đi với chú.
  Chú cháu tôi băng qua hai khoảng vườn, hai khoảng sân, tới mé bên kia, nơi tiếp giáp với đồi cây; ở đấy có một cây xoan đứng khuất sau bờ hóp. Tiếng cu gáy vọng ra từ đó. Chúng tôi lén nhìn qua kẽ lá. Con chim đậu một mình trên cành xoan đang phát ra chuỗi âm Cúc... cù... cu... bằng một nỗ lực tự thân mê mải. Nó vươn cổ, ưỡn ngực ra mà lấy hơi, rồi từ từ cúi xuống ép hơi cho chuỗi âm phát ra tròn trịa, trầm ấm lan tỏa nối dài...cúc... cù... cu...cù...
     Cháu tôi ngồi nghe trong sự tập trung cao độ. Rồi từ khu vườn bên kia có tiếng gáy đáp lại. Tiếng chim cu tròn ấm, mộc mạc thân thương, gần gụi.  Tôi biết cháu đã thẩm được tiếng chim. Cháu nói: _Con gà trống cũng gáy như thế phải không chú?
   - Đúng vậy. đây là tiếng gáy, còn tiếng hót sẽ khác, nó đa thanh ríu ran hơn, líu lo hồn nhiên hơn. Cũng say mê nhưng tươi vui hơn.
     Cứ thế, dần dần cháu tôi nhận ra tiếng cục, tiếng gù, tiếng gáy, tiếng hót, tiếng kêu, tiếng hú... giữa bao la trùng điệp núi rừng. Rồi nhận ra tiếng vi vu rì rào róc rách... Cháu nhạy cảm hơn và cũng điềm tĩnh tự tin hơn. 
                         Rừng chiều yên tĩnh 1985. (Viết tặng cháu Tùng)

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

ĂN NHẸ


      Hai mươi năm nay tôi tập ăn nhẹ. Không hẳn là chay, nhưng là ít đạm động vật, càng ít càng tốt. Nhẹ nữa là không để no, chỉ gần no; là ít gia vị, ít muối đường dầu mỡ, ít cay nóng. Nhẹ còn là thứ gì có thể ăn được mà không cần nấu thì đừng nấu.
    Ăn nhẹ thấy người cũng nhẹ, đầu cũng nhẹ, mặc dầu cân nặng không đổi. Nhẹ nhưng không yếu, không đuối, các chỉ số vẫn bình thường. Đo tuổi sinh học thấy trẻ hơn tuổi thực tròn một giáp.
      Ăn nhẹ quen rồi thấy ăn gì cũng ngon miễn là lành. Có gì ăn nấy, tùy mùa, không thèm, không đòi hỏi. 
      Ăn nhẹ thấy mùi người cũng nhẹ. Rồi thấy không còn con ruồi nào. Rồi thấy muỗi cũng ít dần đi. Rồi thấy chim chóc về quanh vườn... 
     Rồi vui, và chia sẻ.

RCYT: 23. BẤT NGỜ

      Độ rày chèo bẻo về làm tổ trên vắt vẻo ngọn đa và trên ngọn những cây cao khác trong rừng. Tổ chèo bẻo sơ sài và quá bé. Chim mẹ nằm ấp trứng thò cả đầu và đuôi ra ngoài. Cái đầu nó đảo đều cảnh giác.
     Có diều hâu hay quạ bay qua là chèo bẻo lao lên đuổi đánh. Chèo bẻo bay nhanh, đường bay lắt léo, linh hoạt. Nó bổ nhào vào diều hâu từ mọi hướng. Còn diều hâu với đôi cánh to bè chỉ biết bay thẳng, đường bay nhẹ nhàng chậm rãi, ra điều không thèm chấp, nhưng thật ra là không làm gì được. Đến hết tầm nguy hiểm, đôi chèo bẻo trở về với bổn phận của mình: tìm mồi và ấp trứng.
     Loài chim cu thì lại khác. Nó không có vuốt sắc mỏ nhon nên thường làm tổ nơi kín đáo trong lùm cây bụi rậm rạp. Tổ của chúng cũng sơ sài và quá bé. Một khi bị phát hiện, nó bỏ đi làm tổ khác nếu còn mùa sinh sản. Chúng tự vệ bằng cách bay thật nhanh, ít có con nào đuổi kịp. Thế nhưng...
       Có một lần, tôi đang ngồi dưới tán đa đầy quả chín. Hàng đàn các loại chim về ăn quả đa ríu rít trên cành. Những con cu xanh nặng nề chuyền từ cành này sang cành khác. Chúng ít chuyền bằng chân, mà là bằng cánh. tiếng đập cánh phần phật làm cành lá rung lên xao động cả một vùng. 
      Tít trển trời xanh là một con diều hâu lượn lờ hờ hững và lười biếng. Đôi cánh của nó xòe rộng ra để hứng gió, lâu lâu mới khẽ vỗ nhẹ, uể oải và lơ đãng.
      Vút một cái, nó cụp cánh lao như tia chớp xuống ngọn đa. Tôi không kịp hiểu điều gì. Trong đầu tôi trống rỗng, ngơ ngác. Khi con diều hâu nặng nề bay lên thì dưới chân nó đã có con cu xanh bị quặp chặt. Hình như con cu đang giãy dụa, lông của nó rơi ra lả tả, bị gió thổi bay lơ lửng mãi trên không.
      Tai họa đến với đàn cu xanh thật bất ngờ, khi trời trong xanh, quả chín đầy cành và rừng cây yên tĩnh. 
                                                                            Rừng chiều yên tĩnh 1985
     

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

RCYT: 15. DƯỚI BÓNG ĐẠI THỤ

         Dưới bóng đại thụ chỉ có rêu, địa y, cây bụi và dây leo sống được. Chúng cần sự che chở và chỗ dưa. Các cây cần sáng phải né sang chỗ khác và cố sức vươn lên. Trên kia là trời xanh và ánh nắng.
     Những người đi săn tìm đến các gốc đại thụ. Nơi đây những con vật yếu đuối tìm đến để dựa dẫm, những con vật mạnh mễ tìm đến để đón đợi. Con người đủ mạnh để tấn công và cũng đủ khôn để tìm điểm tựa.
                                                           Rừng chiều yên tĩnh 1985


  

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2022

TRONG CÕI HỮU HẠN

     Trong cõi hữu hạn thì 10 so với 1 đã gọi là nhiều; 100 so với 1 đã là rất nhiều. Để gấp 10 lần, từ 1 lên 10 phải thêm 9 nữa; và cũng để gấp 10 lần thì từ 10 triệu phải thêm 90 triệu nữa - một con số kinh khủng. Nhưng10 triệu đem so với vô cùng đếm được (trong toán học) thì cũng chẳng là gì, cũng chỉ là chút nhỏ, rất nhỏ. Vô cùng đếm được đem so với vô cùng không đếm được thì lại cũng chẳng là gì, thậm chí còn vào hạng không đo được.
     Ngoài đời, học dăm ba buổi là có thể biết đọc biết viết, tạm gọi xóa mù chữ. Nhưng để đọc thông viết thạo thì phải học cả đời. Để tinh thông, để biết nghĩa, biết lý thì học cả đời cũng còn chưa đủ. Học đến mấy cũng không trả lời được câu hỏi về con gà và quả trứng. Cho nên giữa tự nhiên, so với vô biên, hiểu biết của con người chỉ là chút nhỏ.  
      Sống trong chốn hữu hạn, trong vùng chút nhỏ, mà sao để không bị bó hẹp, không bị vụn vặt thì phải mở lòng ra với cõi vô biên. Mượn cái rời rạc, cái đếm được như là những nấc thang, để mà đến với cái trù mật, cái không đếm được. Cũng tựa như dùng con chữ để chuyển tải ý nghĩa, là mượn cái thô để gửi cái mịn,Chữ có hạn mà ý mênh mang. Lời có hạn mà tình chứa chan.