Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

MẦN CHI CÓ

        Thủa đi học, nghe câu "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" quả thực không sao hiểu nổi. Không dám nói với thầy, chỉ nói trong đám bạn: - mần chi có. Rồi cãi nhau. Chúng nó đông. Mình thua.
      Cái sự thua này ấm ức mãi. Sao phi lý như thế mà người ta vẫn tin?
     Thế rồi một hôm chợt ngộ: Ồ, thì ra câu ấy không có chủ ngữ. Ai làm, ai hưởng còn chưa biết thì bàn đúng sai sao được?. Không đúng với anh, với tôi, với nhiều người, nhưng biết đâu lại đúng cho ai đó. 
       Ví như, cái ăn là nhu cầu tối thiểu. Miếng ăn có lúc còn được coi là miếng nhục. Thế mà có một thời, theo kiểu tàu xì, tồn tại chế độ đại táo, trung táo, tiểu táo và cả đặc táo nữa. Khi đã phân biệt đối xử, khi mà "máu ở chiến trường, (nhưng) hoa ở đây" thì gì mà những kẻ đang hưởng đặc ân chẳng tin rằng "hưởng theo nhu cầu" là có thật.
      Hết chiến tranh, ra thủ đô nghe được mấy câu:
"Tông đản là của vua quan
Nhà thờ là của trung gian nịnh thần
Đồng xuân là của thương nhân.
Vỉa hè là của nhân dân anh hùng."
     Ô! thì ra đăc quyền đặc lợi là có thật. Cho nên người được hưởng họ lại càng tin.
    Rồi tới sau này, ngồi đáy giếng, nghe nói các quan chức phần đông là thái tử đảng, toàn CCCCC. Thế thì người ta tin tưởng "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" là đúng rồi. Quá đúng!.
    Thế, mình thua là phải. Nhưng mình chỉ thua chứ không sai. Không sai bởi mình cứ tưởng câu "kinh thánh" ấy là dành cho tất cả mọi người, nên mình mới nói: 
   -Mần chi có.

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022


Không biết chữ - mù chữ.
Không biết bơi - mù bơi
Chưa biết toán - mù toán.
Chưa sạch cản -  đừng chơi.

Không biết gì mù nấy
Bao nhiêu thứ trên đời
Mở mắt mà không thấy
Cũng như mù vậy thôi

Bởi thế mà phải học
Không ngừng học mỗi ngày
Để xóa mù nếu được
Xóa càng nhiều càng hay

Đến một ngày chợt ngộ
Không thể suy tận cùng
Càng học càng thấy dốt
Càng mịt mù sắc không

Mình chỉ là hạt bụi 
Mà tri thức vô biên
Xóa mù mãi không hết 
Thì thuận theo tự nhiên

Theo tự nhiên mà sống
Vạn vật đều như vầy
Có biết như không biết
Mặc gió vờn mây bay
           6/2022
 

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

NIỀM VUI NHO NHỎ

       Các số đo chiều cao, cân nặng, tuổi đời... của tôi và bạn là hữu hạn. Số sách đọc được, số môn, số bài học được là hữu hạn. Trí nhớ cũng hữu hạn. Những cái tôi và bạn đo đếm được chẳng có gì nhiều, chẳng có gì vô hạn.

      Nhưng trong cái hữu hạn đó, có những điều vô hạn. Đó là những điều không đo đếm được, dù chỉ trong một khoảng nhỏ của không- thời gian, như là niềm vui hay là nỗi buồn. Những cái thuộc về cảm xúc, thuộc về mịn thì mãi là vô hạn. Chỉ một câu thơ " Tím chiều hoang biền biệt"  mà gieo trong tôi bao nhiêu cảm xúc, để rồi nhớ mãi, rung động mãi, dù cho câu chữ nào có bao nhiêu. Chỉ một củ khoai bạn đưa cho sáng ngày đi đắp đê 42 mà mãi nhớ, mãi thơm ngon đến tận bây giờ.

      Ngày ra trường đi dạy, mình chỉ hơn trò có mấy cái công thức, mấy cái định lý và một nhúm những bài toán vặt. So với cái trò biết được về rừng, về cây, về cách sinh tồn bền vững với thiên nhiên, thì cái mình biết, nào có đáng chi. Cái mình quý, trò cũng quý và nhớ mãi đến chừ, là ở cái tình, ở cái cảm xúc, chứ mấy con chữ, quên hết cả rồi.

     Cảm nhận được cái mịn trong cái thô, biết được cái vô cùng trong cái hữu hạn, âu cũng là một niềm vui. Một niềm vui nho nhỏ, như là cái khoảng (0;1) trong trục số dài vô tận vậy. 

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

BẢN NĂNG NHẬN BIẾT

            Hôm qua ra ngoài tôi thấy bà con phơi moi ngay dưới lòng đường. Lạ là không thấy con ruồi con nhặng nào bâu. Sáng nay ra còn thấy vụn moi và những cái đầu tôm rụng ra được gom lại còn y nguyên ở mặt đường. Càng lạ là không thấy một con kiến nào, và chắc đêm qua cũng chẳng có con chuột nào ăn. Với moi khô mà còn như thế thì tôm, cá, mực khô còn tẩm hóa chất chống chuột bọ ruồi nhặng kiến gián tới mức nào.

      Điều này làm tôi nhớ lại hơn hai mươi năm trước, xóm nhỏ chúng tôi tổ chức trung thu cho các cháu ở khoảng sân chung. Sáng ra quét sân thấy vẫn còn nguyên những mẩu bánh quy các cháu làm rơi đêm qua. Thì ra chuột không ăn bánh quy, chứ chuột ở chỗ tôi đâu có ít.

     Ngược lên, hồi nhà tôi mở quán nước mía có bán theo cả thuốc lá, côca, nước ngọt. Hôm ấy vị khách uống dở cốc côca thì bắt được xe nên vội đi luôn. Tôi mang cốc côca thừa đổ vào tổ kiến lửa dưới gốc cây nơi thường gom bã mía. Hôm sau coi lại không còn bóng dáng một chú kiến nào. Biết vậy, nhà tôi dẹp luôn quán nước.

     Nghĩ miên man ra thì đâu đâu cũng thấy thuốc trừ sâu trong mọi loại rau quả. Lại thêm cả thuốc diệt cỏ. Lại thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng, tạo nac tồn dư trong thịt các loại vật nuôi, thuốc bảo quản, thuốc kích thích hormone trong sữa ... Ôi! Càng nghĩ càng kinh. 

     Chuột bọ, sâu kiến, ruồi nhặng biết độc thì tránh. Còn con người không đủ tinh tế để nhận biết chất độc, nên khuất mắt vẫn dùng; Những người trong cuộc dù biết thì vẫn phun vẫn tẩm vào cái ăn cái uống của đồng loại và của chính mình. Vậy, để rõ bản năng nhận biết và tính năng đạo đức của con người ở cấp độ nào?

       Một khi đã như thế, thì dẫu có trăm gờ (G), ngàn chấm (.) cũng chẳng có ích gì.