Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

NĂM MỚI 2022

      Còn nhiều khó khăn, bộn bề lo lắng nhưng hy vong sẽ có miễn dịch cộng đồng tiến tới chấm dứt dịch bênh. Mọi việc rồi sẽ trở lại bình thường. Chỉ cần bình thường. Bình thường cho mọi người mọi nhà. Bình thường cho đất nước và cho toàn thế giới. Bình thường cho nhân loại và muôn vạn sinh linh.

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

RCYT: 38. THOÁT CHẾT

     - Về được với cha mẹ, với bà con dân bản đây rồi. Phà ơi(1) Tái, tái(2). Hòn hênh à - Nóng quá, phà ơi!

   - May mà đêm qua mưa to, không thì tôi chết mất rồi. Không chết thì cũng chưa chắc đã về được đến nhà.

    - Chiều qua thấy trời động, sắp mưa to, tôi nghĩ:- Phải đốt nại thôi. Không đốt kịp mưa xuống dẹp hết lá, đốt không cháy; mà không cháy hết thì dọn nhọc lắm.

     - Nại của tôi trên cao. Trên cao nữa cũng có người phát. Cả trên đỉnh, sang bên tê, xung quanh bốn bề đều có người phát. Rừng nứa tốt lắm, cây xếp lớp dày cả sải. Tha hồ mà lúa.

     - Tôi châm lửa đồng loạt năm bảy chỗ. Lửa cháy bùng lên. Cây khô quá rồi mà. Nứa cháy nổ như pháo. Sướng quá! Cứ gọi là cháy sạch, đỡ phải dọn. Tro dày cả gang tay, đất xốp cũng phải hơn một gang tay nữa. Lúa tha hồ mà tốt. Muộn hênh à.(3)

    - Rồi nghe tiếng nứa nổ khắp xung quanh, liên hồi như pháo tết. Nhìn lên trời không thấy nắng nữa, khói đen đặc. Rồi nóng, hòn hênh à. Rồi lửa. Rừng rực bốc lên.  Cháy vù vù.

    -Tôi tưởng chỉ mình tôi đi đốt nại. Không ngở hôm nay ai cũng đi đốt. Mà không ai nói với ai. Nại của mình thì mình đốt, việc chi nói với người khác. Ai cũng nghĩ như mình.

     - Chui vô nại rồi, còn biết chi nữa. Cây lá lút đầu. Đến lúc khói lửa bủa vây bốn phía thì còn nói chi nữa.

     - Tôi chạy liều. Đứng lại thì chết cháy, cháy thành than luôn. Phà ơi, nóng quá rồi. Tôi vọt xuống khe, may ra dưới ấy có nước. Không kịp. Dưới ấy cũng cháy hực lên rồi.

    - Nhìn thấy một lùm cây còn tươi. Nơi ấy có nhiều cây to, chặt không được, người ta mới chừa lại. Tôi bươn tới đó. Nhắm mắt mà bươn. Không mở mắt ra được, khói cay xè.

    - Nóng quá, tôi hóa cuồng. Tôi chạy như con kiến trên khúc củi cháy. Rồi tôi rơi vào một cái hố. Hố sâu, nhưng chật. Tôi ngo ngậy. Rồi không biết gì nữa.

     - May mà trời mưa. Mưa to. Đúng như người ta đoán trước khi đi đốt. May mà có cái hố đào khoai mài.

     - Trời ơi, tái, tái. Tái dù. Dà, dà hỡi. Nha, nha(4). Thôi đi đừng đốt nữa. Ôi, nóng quá. Cháy. Nha, nha, thôi đừng đốt nữa. Tái dù.

1985.

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

RCYT: 25. DẤU HIỆU MÙA XUÂN

       Mùa xuân đã đến từ lúc nào ư? Thật khó nói, phải không.
       Có thể rằng từ giữa mùa đông, vào một ngày nào, buổi sáng trời đầy mây lành lạnh, nhưng hy vọng sẽ có nắng đẹp. Sau đó vài hôm thì có mưa nhẹ và trời trở ấm dần. Trên nhánh đào khẳng khiu đen xạm bỗng nhú ra một nụ hoa. Nụ hoa ấy lớn nhanh rồi hé nở dần trong mưa ấm. Dẫu rồi gió lạnh lại về, trời hanh heo làm các cánh hoa sớm rụng, nhưng vào lúc ấy- cái lúc hoa đào hé nở những cánh đầu tiên- tôi cũng như cây đào đã ngỡ: Xuân sang.
      Qua tiết đại hàn mấy hôm trời bỗng trở nên ấm áp. Nhiệt độ tăng dần và độ ẩm cũng tăng theo. Cây đa chỗ tôi ngồi có những quả chín bói đầu tiên. Đàn sáo từ đâu bay về, chúc mào cũng bay về. Có vẻ như với đàn sáo thì không chỉ là để kiếm ăn mà còn là để gặp nhau và cùng hót vang lên. Giai điệu bài hát này loài sáo đã bỏ quên từ lâu lắm, hồi có đợt gió mùa đông bắc đầu tiên. Hôm nay chúng lại hót lên say sưa, vừa hót vừa đuổi nhau, nhảy từ cành này qua cành khác; cho đến lúc cùng bay vút lên, chúng vẫn hót say sưa và vẫn đảo cánh đuổi nhau. Vào lúc ấy, đàn sáo và tôi đều nghĩ:- Xuân sang.
     Đến tiết lập xuân hoa đào nở rộ. Hoa mận còn rộ hoa sớm hơn nữa. Tất cả đều bừng lên, rực rỡ, tràn đầy. Dẫu không xem lịch, mọi người đều nói: - Xuân sang.
       Vào những ngày đầu xuân ta ngắm đất trời cây cỏ. Trời có ấm hơn lên tí chút, mưa nhẹ bay, đàn én chao liệng trên không, cây lúa chiêm bén rễ, ấy là dấu hiệu thuận trời. Mọi người đi thăm nhau, chúc nhau mọi sự tốt lành và ai cũng nói:- Năm nay- Mùa xuân...
     Sau đó là công việc thường ngày làm tôi xao nhãng với xuân. Nhưng một mầm non thoáng gặp trên cây đa mình trồng, hay lộc cây mỡ trắng ngà, hay hương hoa bưởi ngan ngát, tất cả cùng lại nhắc: - Mùa Xuân.
      Con chim kiếm ăn theo đàn nhưng đã bay lẻ theo đôi. Chúng ríu rít bên nhau đến mức quên cả tôi. Nhưng đấy là cái cách chúng muốn nói: - Mùa Xuân. 
      Cho mãi sang tháng hai, một chiều muộn, tôi đi dưới ánh trăng, nghe mùi hoa xoan hăng hắc, gợi màu tim tím, và cũng gợi rằng: - Xuân.
     Tháng ba tu hú gọi hè, nhưng khi tôi vào rừng, đi trong bóng râm mát rượi, hoa dẻ bên đường đang tỏa ngát hương. Tôi dừng lại hít thở hương dẻ lâng lâng ngây ngấy; Ô kìa có phải thế không, những bông hoa dẻ đơn lẻ kín đáo và mộc mạc như vẫn còn muốn nói cùng tôi: - Đừng vội- Đang Xuân.
       Từ đây cái oi ả ngày hè làm tôi không còn nghĩ đến xuân. Rồi một chiều nóng bức nhắc tôi nhớ tới dòng Nâm Giai trong xanh. Tôi đi ra sông, lúa đồng đang ngậm sữa, gió khẽ thổi mơn man, trong một giây lơ đãng, tôi đã ngỡ đang Xuân ....
1985

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

RCYT: 85. THIÊN NHIÊN MÁCH BẢO.

           Sống giữa đất trời được thiên nhiên mách bảo cho nhiều thứ lắm. Sáng nay các trò hỏi tôi: - Đêm qua thầy có đi coi văn công không ạ?

   - Thầy cũng định đi- tôi nói- nhưng lại được trời nghiêng xuống bảo:- Đêm nay mưa. Thế là thầy ở nhà đọc sách.

    - Bọn em đi coi, gặp mưa chạy chí chết mà vẫn ướt như chuột. Thế đêm nay trời còn mưa nữa không ạ?

      Tôi nghĩ thầm: - Các trò lại muốn đi coi văn công rồi. Chả là không mấy khi chỗ chúng tôi có chiếu phim, càng hiếm khi có văn công. Cũng có thể là trò thăm dò, nếu tôi vui vẻ cho đi là chúng biết ngày mai sẽ không bị hỏi bài đầu giờ.

     - Đêm nay ấy à- tôi cười- thầy chưa nghe thấy trời nói gì.

1985

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

RCYT: 44. PIÊNG PANH

        Piêng tiếng Thái có nghĩa là bằng phẳng, nhưng cũng có nghĩa là truông, là đường đi men núi mà qua núi. Khác với bù (pu)- là núi, nhưng cũng có nghĩa là dốc, là đường vượt núi mà qua núi.

      Piêng Panh (Truông Bành) đi qua rừng, đi hết rừng tới bản. Đường đi khuất khúc bởi cây cối che chắn, bởi khe suối chia cắt, và bởi những khúc quanh, rẽ ngoặt đột ngột. 

     Đi trong Piêng Panh luôn gặp sự bất ngờ: Một chú mang ngơ ngác đứng ngay bên đường cách tôi vài bước. Cả tôi và nó ngây ra nhìn nhau. Dáng nó thanh nhẹ, đôi mắt lồi, cái mõm xinh xinh chỉ hợp với việc ăn lá non và những cẳng chân thon thon chỉ chực bỏ chạy. Ôi, trông nó thật hiền...       Có đôi gà lôi trắng tha thẩn kiếm ăn dọc lối mòn. Con trống phải lớn gấp ba lần con mái. Lông nó trắng muốt nhưng có điểm những chấm màu đỏ nhạt và màu tía. Chúng chạy dọc theo lối mòn khi trông thấy tôi, rồi vụt bay lên mất hút trong thẳm xanh cây lá.

      Suốt chặng dài 10 km qua piêng Panh là đi trong rừng rậm, bạt ngàn lùng nứa, săng lẻ, vô vàn cây gỗ khác nhau và bụi rậm. Cây bụi  lấn ra hết lối đi. Có quãng thấy hơi ngột, nhất là mùa mưa, cây cối mọc nhanh giành giật nhau không gian sống.

1985

*****

          Mấy năm sau di dân Nghi lộc lên khai hoang. Rồi tan hoang rừng. Không dè con người lại là kẻ giành giật không gian sống với muôn loài. Giờ nghe nói Piêng Panh thành xã mới. Cái tên ngày xưa không còn, rừng Piêng Panh cũng không còn.


NHỮNG GIẤC MƠ

         Từ 6 tuổi tôi đã mơ thấy voi trắng, hình ảnh còn nhớ rõ đến tận bây giờ, mặc dù lúc đó chưa hề thấy voi thật. Thế rồi trong các giấc mơ tôi còn thấy những loài cá lạ, những đàn rùa lúc nhúc dưới chân cầu- mà cũng không biết là cầu nào- chưa từng qua cây cầu ấy.

      Rất nhiều lần tôi mơ thấy mình di chuyển mà không cần bước. Cứ đứng thẳng mà trượt đi trên đường như người trượt băng. Hoặc nữa là qua sông, qua các địa hình hiểm trở ngon lành như bay lượn vậy.

      Có lần mơ thấy ông lão vận bộ đồ nâu, dáng vẻ quắc thước, dắt tay tôi ra một chỗ rồi chỉ vào đám đất, khoanh một vòng. Tôi cúi xuống nhìn theo, cố tìm xem có cái gì ở chỗ đó, khi ngẩng đầu lên thì không thấy ông lão đâu nữa.

      Đêm qua mơ thấy mẹ. Mở cửa vào, nghe mẹ nói: - Con coi cái đài sao lại tịt. Tôi cúi xuống nhìn chỉ thấy dây điện, ổ cắm và cái nắn dòng, không thấy cái đài đâu cả. Rồi tỉnh.

      Nghĩ lại không biết hình ảnh trong mơ lấy từ đâu ra. Từ kiếp trước chăng. Thế lâu nay hình ảnh ấy lưu giữ ở đâu. Có thể là trong mịn? Có chủng tử mịn thật ư? Hay có thế giới song song? Có cái tôi thứ hai - cái tôi mịn? 

      Và còn có nhiều câu hỏi.

   

RCYT: 45. RỪNG QUẾ LÂM TRƯỜNG

        Tôi ngược lên. Mùa này mưa nhiều, dốc Bù Bài 2 km trơn trượt; Xe ca không lên được, nên phải cuốc bộ từ Tân lạc. Nhưng lên đến Piêng Panh thì trời lại nắng. Cái nắng oi mùa hạ.

     Sắp qua hết piêng Panh thì bắt gặp ngắt xanh rừng quế lâm trường. Dễ nhận ra hương quế nồng trong nắng đọng. Tôi thiết tha thương mến những công nhân trồng quế lâm trường. Giờ này họ đang ở trong rừng, làm thông tầm. Có người ươm cây, có người phát tuyến, người đào hố, người gánh cây con ươm trong ống nứa cần mẫn trồng từng cây một. Hố nối hố, cách nhau chừng ba mét, cây nối cây thành hàng thành dãy, mà năm tháng đủ thành một khoảnh rừng, rồi nhiều khoảnh rừng xanh ngắt. Tận sâu hút trong bản Khối, sâu nữa đến tận chỗ hợp lưu của dòng Nậm Giai với dòng nậm Quang, quế cũng đã thành rừng .

        Phía tây nam pu Hiêu đã trồng quế từ lâu, nay trồng tiếp lên cao hơn. Một lần tôi khoác súng vào rừng, ngồi im dưới gốc đa, nghe trên cao Pu Hiêu điệu hò xứ Thanh của chị em công nhân lâm trường. Điệu hò gợi nhớ lại đội quân thuyền nan theo kênh nhà Lê suốt dải miền trung những năm chống chiến tranh phá hoại. Có thể trong số công nhân đó có người đã từng là thanh niên xung phong thuở ấy. Một cô là "anh", một cô là em. Họ hò đối đáp nhau thật mùi, thật thương về tình yêu trai gái. Đang giữa nhịp điệu hò, bỗng có tiếng cô nào văng một câu rất tục. Điệu hò ngừng bặt. Có cái gì đó trong tôi nghèn nghẹn dâng lên...

1985

*****

       Rồi đến một ngày cơ chế thay đổi, công nhân không tự nuôi nổi mình. Dân tràn vào rừng ngang nhiên bóc vỏ quế, ngang nhiên chặt hạ cây mỡ, bắt tắc kè, nhím, trút... tất tật bán sang Trung quốc. Không hiểu là thế nào nữa. Lâm trường giải thể. Điệu hò xứ Thanh không biết về đâu.

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

RCYT: 101. VỊT TRỜI LẠI VỀ

          Gà gáy sáng. Trời còn tối nhưng dễ thấy đang rạng dần. Đổi lại, nền trời lại đang mờ dần làm cho các ngôi sao nhòe đi chứ không còn lấp lám như hồi đêm. Riêng sao mai thì vẫn tỏa sáng với một quầng rộng trắng mờ.

     Sương mù loang dần ra như là từ các hẻm núi, nhưng thực chất là mù buông xuống từ trên cao. Các hạt nước li ti li tỉ rơi xiên ngang như đang bay.

      Trời sáng rõ thì có gió nhẹ thổi. Mù bay thành từng đợt, từng lớp bồng bềnh. Hạt nước chừng như nặng thêm, gần giống mưa bụi. Tôi nhìn rõ bàn tay mình nhưng không thể nhìn xa quá vài chục mét. Có tiếng vịt trời đập cánh giữa hồ. Đã đến lúc chúng phải rời mặt hồ trống trải. Chúng lượn một vòng quanh hồ, ngang qua trên đầu tôi, rồi bay đi. Tối mai vịt trời lại về.

                                           1985


TĨNH LẶNG

       Cái điện thoại cục gạch của bà xã nằm im trên bàn, tưởng như vô tri, vậy mà nó vẫn tỉnh thức. Chỉ cần có sóng đúng tín hiệu mã hóa, nó sẽ đổ chuông. Tương tự, con mèo ngồi rình chuột cũng vậy, cứ tưởng nó lười biếng lim dim mơ ngủ, nhưng chỉ cần chuột đi qua, nó sẽ vồ ngay.
      Con người thì cứ mãi căng thẳng nghĩ suy, cân nhắc tính toán, thậm chí mưu mô thủ đoạn, không lúc nào ngơi. Đã thế con người còn bị tác động của ô nhiễm tiếng ồn, của ô nhiễm thông tin, của nhịp sống hối hả gấp gáp. Nên khi cần nhận biết một tín hiệu thông tin, hay cần một quyết định dứt khoát thì thường là không có được. 
        Hãy học con mèo và cái điện thoại cục gạch: - Tĩnh lặng, hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ tập trung vào một mục tiêu, một tín hiệu, tưởng như vô vi mà tỉnh thức. Hãy để cho vô vàn những con chip đã được mã hóa trong người mình tự nó nhận biết. Đừng làm rối phần mềm mà Trí tuệ vũ trụ đã cài đặt. Trong tĩnh lặng tuyệt đối, tâm thức con người sẽ nắm bắt được các tín hiệu thông tin và nhờ đó sẽ nhận thức thế giới một cách chân thực như là nó có.
      Hãy là: Tĩnh lặng- Tĩnh lặng và Tĩnh lặng. 
   Đấy là những điều vụt đến trong tôi, đêm qua. Không phải tôi nghĩ ra mà là tự dưng đến. Cảm ơn Bề Trên đã gửi thông điệp, cho dù tôi chưa đạt một điều gì.

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

RCYT: 106. VỊ NGỌT

         Trước khi ngủ tôi thường ra sân tập bài thể dục nhẹ. Mấy tháng gần đây tôi tập thêm bài vẩy tay kết hợp dập gót chân do công trình sư chế tạo máy bay TU cải biên động tác của dịch cân kinh. Tựu trung lại vẫn là tập vận động, xoa bóp, thư giãn và thở.

     Đêm nay tôi thức hơi khuya. Trời lạnh và có mưa bụi. Tôi tập thể dục trong nhà. Tôi khoan khoái hít thở. Không khí lạnh thấm vào phổi thật là dễ chịu. Ở khoang mũi và vòm họng có cảm giác có cái gì đó thấm đẫm. Tôi buột miệng: - Khoái quá!

      Cháu tôi cuộn tròn trong chăn, thò đầu ra hỏi: - Gì thế chú?

      - Khoái quá, tôi nói, cháu thử hít căng lồng ngực mà xem. Hít từ từ thôi, khoan hẵng thở ra, nín hơi một tí và nhấm nháp.  Cháu sẽ thấy ngọt.

     Cháu tôi thử và thừa nhận điều đó. Cháu còn xác nhận thêm: đầu lưỡi và môi cũng thấy hơi ngòn ngọt. 

     Thế đấy các bạn ạ. Không khí lạnh và hơi ẩm có vị ngọt.  

1985

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

RCYT: 09. TRƯỚC CÁI ĐẸP

      Lẽ nào trước cái đẹp mà lại hỏi: - Đẹp như thế nào? Vì sao?...

      Không cần và không kịp lí giải, không thể nói gì nhiều, chỉ biết mình đang đang xúc động, đang mê li, đang ngất ngây thì đấy là đẹp. 

     Nhận biết cái đẹp là một cảm xúc thẩm mỹ thông qua thị giác, khó diễn tả, khó nói nên lời, nhất là khi đang choáng váng ngất ngây.  Thị giác nhận biết màu sắc, hình dáng, đường nét, bố cục, nhưng để thấy là đẹp thì không phải chỉ có vậy.  Cần thêm tâm trạng, một chút hưng phấn, một chút đam mê, một chút tinh tế.

        Có khi chỉ cần một cầu vồng bảy sắc mà thấy đẹp. Có khi, chỉ giản đơn là một nét nhấp nhô uốn lượn dãy núi phía chân trời mà đẹp. Lại có lúc trông gốc lũa gân guốc xù xì mà đẹp. Còn như "mùa thu vàng" thì say mê lâng lâng...





RCYT: 79 NHỮNG CHIẾC BẨY

          Những chiếc bẩy tình cờ gặp trong rừng luôn gây cho tôi cảm giác bực bội vì sự căng thẳng lì lợm của nó. Những cánh cung hoặc những thân cây bị vít cong dự trử một thế năng hoang dại, háu háu chực bật ra hết sức, tức khắc, bất cứ lúc nào. Đồng thời chính nó- những chiếc bẩy- cũng bất lực một cách ngu xuẩn. Nó cứ uốn cong thế mãi mà không hề biết phải chờ đến lúc nào, hoặc chẳng bao giờ được bật lên cả.

          Sự căng thẳng ngu ngốc và nguy hiểm này làm tôi liên tưởng đến hạng người có chút thế lực mà luôn lăm le chực hại người khác, chí ít cũng làm người khác phải e dè; Hoặc là hạng người luôn bận bịu nghĩ suy cân nhắc, luôn căng thẳng tự đày đọa mình, để mà không biết đến lúc nào hoặc chẳng bao giờ làm xong một việc gì trong trong cái bổn phận nặng nhọc của mình. 

BÃO KHÔ

         Đêm qua cơn bão số 9 với sức giật cấp 15 quét dọc trung trung bộ. Lạ là cơn bão hầu như không kèm theo mưa. Suốt đêm qua chỗ tôi vẫn khô ráo dù cho gió giật điên cuồng.

     Có thể là bão số 9 đã gặp đợt gió lạnh mạnh làm cho hơi nước ngưng tụ và trút hết xuống biển trước khi vào gần bờ. Khi đã trút hết nước, tỷ trọng không khí sẽ giảm đáng kể, kéo theo giảm khối lượng và tất nhiên động năng của cơn bão cũng sẽ giảm xuống. Đồng nghĩa sức tàn phá của bão cũng giảm theo. Đã vậy, bão lại chuyển hướng, không những không lao thẳng vào đất liền mà còn quay ra biển.

    Ơn trời, miền trung đỡ bị thiệt hại bởi trận bão khủng khiếp này.

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

RCYT: 94. NHỮNG LỐI ĐƯỜNG MÒN

        Lộ trình của chúng tôi lần này là một cuốc qua 3 xã vùng cao. Dự kiến đi hết bốn ngày. Ngày đi đêm nghỉ. Chỉ có khoảng 6km là đường lớn, còn nữa là lối mòn.

       Tôi luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ: - con đường mình đang đi sắp bị cụt lối mất rồi. Nhìn ra phía trước thì rừng già bịt bùng, cách chừng mươi mét đã hết thấy lối mòn. Ngước mắt nhìn lên thì thấy bốn phía núi cao xây thành sừng sững. Vậy mà cứ đi là rừng lại mở ra, vẫn còn mãi một lối mòn. Đến một quãng trống, nhìn lên thấy dãy núi trước mặt ban nãy giờ đang ở phía bên phải mình; Rồi nữa, hồi lâu ở phía sau mình.

      Bất chợt sau khúc ngoặt, hay sau một lùm cây, bỗng rộng rãi  một khoảng không, với bầu trời thoáng đãng, có mấy thửa ruộng bậc thang, một đám lầy; Rồi dăm bảy, vài mươi nóc nhà, là một làng, một bản.

      Nhiều bản làng lấy tên của ruộng. Bản Na Phí (ruộng lửa), bản Na Nga (ruộng ngà), Na Chàng (ruộng voi), Na Cày (ruộng gà)... Có lẽ là do ngày xưa người đi tìm đất có thể khai khẩn làm lúa nước, rồi dần dà định cư mà nên làng nên bản. Dựa vào đặc điểm vùng đất mà bà con đặt tên cho ruộng, rồi theo tên ruộng mà thành tên bản tên làng. Đất nước nông nghiệp, gắn bó đời đời với ruộng, yêu quý ruộng như yêu chính quê mình. Người ta đặt tên cho ruộng, ít thấy ai đặt tên cho rẫy cho nương.

      Lộ trình của chúng tôi có khi sau vài giờ lại gặp một bản, có khi nửa ngày mới thấy mấy nóc nhà. Những người đi trước có lẽ cũng đã đi như thế mà len lách tìm đến nơi có thể làm lúa nước, rồi dần thành một nơi ở mới. Cũng nhờ thế mà các lối mòn hình thành rồi kéo dài ra mãi, nối liền các làng bản, cho con người đi đến với nhau, qua mọi địa hình, thậm chí qua mọi biên giới quốc gia. 

     Như là nước tự tìm ra dòng chảy, loài người tìm ra những con đường.

1985

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

RCYT: 68. NIỀM VUI

            Niềm vui của tôi khi vào rừng là được dịch chuyển, ngắm nhìn, hít thở, và chiêm ngưỡng với độ tinh nhạy nhất một hương rừng lạ thơm thơm hăng hắc, một chút gió khẽ rì rào trên chót ngọn cây, một ánh lửa bập bùng bông hoa chuối, tiếng lích tích con chim nhỏ, tiếng rùng mình đồng loạt của đàn mối dưới đám lá mục... Cũng có khi đơn giản hơn, chẳng gì cả, chỉ cần tĩnh lặng. Tĩnh lặng... 
       Sau những cái đó là đời thường, cái đời thường ngay cả khi mình còn ở trong rừng. Nhưng nếu chỉ tính trong đời thường thì tôi chẳng có gì. Cái mà tôi có thể có, cái mà tôi nhận được phần nhiều là của thiên nhiên hào phóng ban tặng, là của trời cho, không phải của dành dật mà có được.
       Như lúc này đây, tôi vui cùng đôi sóc nâu, trong rừng, tĩnh lặng...
                                                                                  1985

RCYT: 69. HẠNH PHÚC

           Niềm vui, đơn cử của người thầy giáo là ánh mắt long lanh của trò khi nghe bài giảng; Của người nông dân là tiếng sấm đầu mùa vọng bên Pu Quai; Của người công nhân trồng rừng là mần quế vườn ươm vừa nhú; Hay của người kỹ sư địa chất là bầu trời sao tím biếc trong ống kính tử ngoại nhìn vào mẩu quặng vonfram.

         Phải chăng, khi tổng của những niềm vui ấy lớn hơn tổng nỗi buồn thì đấy là hạnh phúc.

        Cũng có thể không cần chờ lấy tổng, không cần so sánh, ngay lúc này- ở đây, ta biết rằng mình hạnh phúc.

1985

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

ĐƠN GIẢN NHƯ CỤC GẠCH

      Chú Khánh(*) - bạn tôi hay nói câu:  "Đơn giản như cục gạch", nhằm coi nhẹ mọi vấn đề, sự việc. Nhân chuyện ngày ấy tôi được phân công nghỉ dạy để chuyên trách lò gạch, thích câu này của Khánh, tôi có viết mấy dòng:

Cục gạch từ đất nặn ra 

thì đơn giản quá như là trò chơi 

nhẹ nhàng cuốc đất cho tơi 

rồi nhào với nước thế thôi chứ gì 

đóng khuôn cũng chẳng khó chi 

gỡ ra đã thấy phẳng lì sáu bên ... 

nung xong đem bán lấy tiền

nhẩm sơ cũng có mấy nghìn(**) ngon ơ

...

Chỉ là từ đất nặn ra

thì đơn giản quá như là trò chơi.

1989

(*) Chú Khánh dạy lý, cùng cầm tinh con trâu, thân nhau ngay khi gặp mặt. Thương chú sớm rời cõi tạm. Nhẹ nhàng siêu thoát nghe em.

(**) Tiền nghìn thời đó to lắm

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

HÀM SỐ CUỘC ĐỜI

        Đời người như một hàm số theo biến thời gian. Thời gian thay đổi, đời người cũng đổi thay theo. Đời người có khoảng xác định: không mấy ai vượt quá trăm năm; cũng có miền giá trị: giàu nghèo, sang hèn, quân tử tiểu nhân, đủ cả. Hàm có khi thăng (đồng biến), có lúc giáng (nghịch biến); có khi đạt cực đại, có khi chạm cực tiểu. 
      Hàm số cuộc đời còn tùy thuộc nhiều tham số khác: mẹ cha, quê quán, ngày sinh...Còn tùy vào duyên vào nghiệp. Có cái đã lập trình, có thứ nhờ tu tập.
     Chỉ cần thay một chữ, một số, một dấu, thì hàm số đã khác. Thay một chút góc nhìn, một hơi thở, một niệm, đời người cũng sẽ khác. 
      Thầy trò tôi đã học và đã giải các bài toán khảo sát hàm số, nhưng có bao giờ nghĩ hãy khảo sát chính mình: đâu tập xác định, đâu miền giá trị? Đâu là không gian sống, là công việc phù hợp của mình? Đâu sở trường, sở đoản?... 
        Lại nữa, ngày giờ sinh không thể thay, nhưng có thể đổi giờ thức dậy mỗi ngày? Quê hương không thể đổi, nhưng có thể đổi chốn dung thân? Thầy cô không thể chọn nhưng có thể chọn sách để đọc... 
       Những điều này tôi chưa kịp nhận ra để nói với trò hồi còn trẻ. Chỉ sau ngày nghỉ hưu, tôi mới có cơ may thấu hiểu. Và tôi đã lồng nó vào các bài giảng với những trò lớn tuổi ở trung tâm GDTX, nơi tôi dạy hợp đồng, cũng như với trò ở các trường khác, cùng thời. Lúc ấy tôi thấy trong mắt các trò có chút ánh sáng long lanh hứng thú. Những tin các trò soi lại ít nhiều.    
15/12/2021

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

RCYT: . NỖI bUỒN KHÔNG NÓI NÊN LỜI

       Hôm nay tôi khoác súng vào rừng với một nỗi buồn không nói nên lời. Tôi không có ý định săn bắt gì, khoác súng chỉ là cái cớ để vào rừng. Vậy thôi.

    Mùa này chim non đã ra ràng, chúng đã cứng cáp, có thể tách mẹ mà bay nhập theo đàn. Đàn chim nhờ thế mà đông thêm lên gấp bội. Những chú chim non ngây thơ ấy thường thích thú kiếm mồi và mải mê ăn. Chúng xòe đôi cánh mỏng manh với màu lông nhàn nhạt mà liệng từ mấy cây cao xung quanh để đáp xuống cây đa chỗ tôi ngồi. Cây đa này chắc là đã nhiều tuổi, trái chín trĩu cành, nhưng vì mọc trên tảng đá lớn nên nó chỉ tầm tầm, xòe chiếc ô xinh xinh che mát.

      Tôi ngồi duỗi mình trên tảng đá, tựa lưng vào gốc đa mà ngắm những chú chim nhảy nhót trên cành. Phần đông trong đàn là chúc mào và chúc quạch. Chúc mào thì đầu có mào, thân thon, đuôi dài, và đít có thêm túm lông màu đỏ. Chúc quạch thì toàn thân chỉ một màu lông xám, mà cái dáng lại thô. Đã thế, chúc quạch lại chỉ biết kêu lên quạch quạch như thể hai que nứa gõ vào nhau, trong khi chúc mào thì có giọng hót đa thanh  líu la líu lô. Cùng là một loài, gần như nhau, kiếm ăn bên nhau, sao Thượng đế lại sinh ra chúng so le làm vậy?

      Tôi ngồi gần như bất động. Nòng súng khẽ gác lên đùi. Có khi tôi không nghĩ gì. Cũng có khi nghĩ thương những con chim nhỏ. Lại thấy mấy con sóc trên cành. Chúng tinh ranh láu lĩnh và ra chiều cảnh giác. Tôi thầm nhủ: - Ta chẳng làm gì chúng mày đâu, cho ta ngồi nhờ bóng đa của chúng mày một lúc nữa thôi. Ở đây ta thấy yên tĩnh, lắng dịu và dễ chịu hơn nhiều.

      Khi tôi ra về thì trời đã ngả chiều. Chào mào chúc quạch đã tản đi thưa vắng. Mấy ngọn cây cao xung quanh thấy có cu xanh ngồi thiu thiu ngủ. Không biết chúng đã về ăn quả từ hồi nào.

      Thấy tôi đi lâu thế mà về không, mẹ biết tôi buồn. Còn tôi thì nói với mẹ: - Lúc này con đã thấy đỡ hơn rồi. Con đói lắm.

                                                   1985


Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

RCYT: 29. MƯA ĐÁ

      Sáng sớm mặt trời lên chói lói. Nước bốc hơi mạnh, độ ẩm không khí tăng dần. Mặt trời càng lên càng nóng bức. Đầu óc như mụ dần đi, nặng nề, ngái ngủ. Đến trưa càng ngột ngạt trì trệ.  Chim chóc cũng thôi không hót nữa, không biết chúng trốn đi đâu. Những con bò nấp vào bóng râm uể oải nằm nhai lại. Cây cối đứng im như muốn rũ xuống. Còn ai đã ngủ trưa thì như chìm đi, ly bì, khó khăn lắm mới tỉnh dậy được. Cố mà dậy thì thấy chân tay rã rời, đầu óc mung lung đờ đẫn. 
       Những ngày như thế, nếu đến quá trưa mà vẫn nóng rát thì về chiều dễ có gió lốc và mưa đá.
      Thung lũng chỗ tôi dù khá rộng thì vẫn là có hình lòng chảo như gương lõm parabol. Nó nhận bức xạ mặt trời mạnh và hội tụ vào đâu đó trên cao. Ở đó không khí nóng lên nhanh và bốc lên cao, cuốn theo lớp khí nóng gần mặt đất. Tôi tưởng tượng trong không gian lòng chảo hình thành một cột khí đối lưu hút lên. Đồng thời không khí lạnh ẩm trên cao nguyên nhấp nhô Hạnh dịch, Nậm giải, và điệp trùng rừng xanh nguyên sinh  nơi có khí áp cao sẽ ào ạt tràn xuống thung lũng từ mọi hướng tạo nên xoáy lốc. 
      Cột khí xoáy lốc bốc lên cao, càng cao càng lạnh, sẽ làm cho hơi nước ngưng tụ thành giọt mưa. Cuốn lên cao nữa thì những hạt mưa sẽ đông kết thành tinh thể , khi đủ lớn thì rơi xuống, để tiếp liền theo lốc xoáy là mưa đá.  
         Gió giật từng cơn mãnh liệt. Hạt mưa rơi nghiêng, hạt đá cũng rơi nghiêng cùng với gió rít lên ràn rạt, ràn rạt... Các cây con ngã oằn, những cành cây lớn hua lên trời chới với. Lá chuối bị xé tướp, còn vườn rau thì dập nát tan tành. Nước chảy thành dòng cuốn theo các tinh thể đá, rồi dồn đọng lại dưới các rãnh sâu và các giao thông hào.  Trời đột ngột trở lạnh, đang 36 xuống còn 20 dộ.
       Các cơn lốc kèm theo mưa đá thường nhanh chóng qua đi sau chừng mươi lăm phút, dài lắm cũng chỉ nửa giờ. Sau cơn mưa trời lại xanh trong, còn hoe chút nắng.  Nhưng về đêm thì lạnh, phải đắp chăn dù đang giữa mùa hè.    

                                      1984        

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

RCYT: DÀNH CHO CON

    Ngày xưa (1984- 1985) viết Rừng chiều yên tĩnh ( RCYT) là để dành cho con sau này lớn lên sẽ đọc để biết có một thời...




           Ngày đó con còn nhỏ, ba mua cho con cuốn truyện ngụ ngôn  "Kiến và chim bồ câu", có hình vẽ in màu minh họa. Ba đọc cho con nghe, rồi con thuộc lòng lúc nào không hay. Thỉnh thoảng con lại mở sách ra, nhìn hình mà đọc không sai một từ, y như là đã biết chữ. Rồi ba nghĩ: - Mình sẽ viết một cái gì để lớn lên cho con đọc...

      Con lớn lên không biết ba có viết những dòng này. Còn ba thì lặn lội dòng đời quên không nói với con. Mãi sau này ba mới thong thả gõ lên blog, chừng10 năm trước, nhưng vì blog bị gián đoạn nhiều lần nên mất hứng. Bây chừ ba lại tiếp đưa lên.

   

RCYT: 26. GIÓ LẠNH CÒN VỀ

      Trước tiết Kinh trập mấy ngày tôi lắng được tiếng sấm đầu tiên lúc gần sáng ở phía Pu Kẹp. Tiếng sấm còn bé lắm, chưa có dư âm. Gần trưa thì có cơn mưa rào đầu tiên. Hạt mưa chưa đủ lớn, được một lát thì tạnh, rồi chuyển sang mưa phùn kiểu mùa xuân. Gió lạnh phía bắc tiếp tục tràn về, rét nhưng có mưa.  Nhìn lá cây và búp non đang nhú tôi có cảm giác hạt mưa ấm hơn không khí, ngoài trời ấm hơn trong nhà. Cây lúa lên mượt lắm, nghe nói dưới xuôi cũng vậy. Tôi thấy mừng mừng.

       Thế rồi trời đột ngột trở nắng khô. Đã có gió lào thổi. Bà con dân bản rậm rịch đi phát nại. Ở đâu đó đã có đốt rẫy sớm, tàn lửa bay về tận chỗ chúng tôi. Tôi lại lo cây lúa chiêm cấy muộn gặp gió lào sớm thế này thì hỏng ăn mất. Thất thu vụ này nữa thì gay, ngoài chợ giá gạo lại tăng vùn vụt. Nghe gió lào về  mà thắt ruột. Con chim tu hú thê thiết gọi hoài, còn con chim khó khăn khắc phục thì chỉ động viên suông. Ve sầu cũng đã bắt đầu rền rỉ với cái bụng rỗng toàn hơi bạc phếch. Lại nghe có ai vừa đọc: " Năm tám mươi gạo cũng tám mươi; dân xứ Nghệ mắt vàng như nghệ".

     May sao chỉ có mấy ngày như thế rồi sấm chuyển Pu Quái và trời trở mùa. Những trận mưa giông xối xả, chớp rạch trời, sét chói tai, sấm rền vang trong mây. Những cơn lốc cũng đến sớm hơn thường lệ. Chim tu hú ngừng kêu từ cuối tiết thanh minh.

     Bước sang cốc vũ được hai ngày thì trời lại mưa. Lần này mưa êm hơn, không có lốc sét, chỉ có sấm nhẹ ì ùng đâu rất xa, rất cao. Thỉnh thoảng vài đợt tạnh và vài giờ nắng, còn nữa là mưa. Những cơn mưa nhẹ hơn nhưng kéo dài mãi cho đến lập hạ. 

     Thế là năm nay rét kéo dài hơn so mọi năm chừng một tháng, còn mưa cũng đến sớm hơn chừng một tháng. Cái khoảng khô nóng rút ngắn rất nhiều. Người ngược lên cho hay dưới xuôi lúa đã bắt đầu trổ. Trời dưới ấy cũng mưa như trên này. Quý hóa quá. Được ăn rồi. 

      1984

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

RCYT: 112. PHÉP TẮC

           Ngày trước ở quê tôi những người đi lấy mây giang. bẹ móc, lá nón, những người sơn tràng khai thác gỗ nứa, mỗi khi vào rừng đều mang theo lễ vật. Vào đến cửa rừng thì thịt con gà trống mới tập gáy mà làm cỗ tế thần núi ma rừng, mà van vái Ngài chúa sơn lâm phù hộ, mà rồi xin ống giang bẹ móc. Khất đồng tiền âm dương có nghiệm thì đi tiếp, yên tâm mà tìm kiếm, thu hái và khai thác. Bằng không thì quay về, dịp kác hẵng hay.

      Thời ấy, bao anh ngỗ ngược không theo phép tắc gì, cậy sức đốn chặt đại đi, đều bị ma vật cho ốm liệt giường liệt chiếu, đến rụng hết cả tóc, nặng nữa thì gục luôn. Nhiều anh gửi xác lại, hồn bơ vơ bất định trong đại ngàn trùng điệp, không sao ra thoát cửa rừng.

      Thời ấy chưa nghe nói gì tới kiểm lâm. Thường chỉ nghe nói rừng là chốn ma thiêng nước độc, khỉ ho cò gáy, chim kêu vượn hót, thâm u mù mịt, vô cùng giàu có của nả trời đất mà chớ tham nghĩ của riêng mình. Thành ra không có ai đứng ra canh giữ mà rừng nguyên sinh xanh tươi tồn trong hệ sinh thái cân bằng.

    Mươi, mười lăm năm lại nay người ta không sợ thần núi ma rừng nữa. Người ta bớt duy tâm đi, người ta duy vật hơn, biết quý cái của mà ít sợ cái phép. Con người ta trở nên mạnh mẽ đến mức dám thay trời đổi đất, chinh phục thiên nhiên, chinh phục vũ trụ, thì ma rừng thần núi nào có ra gì. Người ta chặt phát đốt. Người ta ca ngợi " cây đổ rền vang như tiếng súng...".

      Đến lúc chừng như thấy có nguy cơ phá rừng thì bắt đầu nghe nhắc đến Kiểm lâm, gọi cho đầy đủ là kiểm lâm nhân dân. Có kiểm lâm nhân dân thì nhân dân cũng có sợ kiểm lâm tí chút. Nhưng rồi...

     Giờ thì chúng ta đã cơ bản phá xong rừng. Lâm chẳng còn bao lăm mà kiểm. Cái duy vật thực dụng đã đến lúc chẳng còn vật gì ra hồn mà thờ nữa. Lại thấy cái tâm nhói lên nỗi đau. Có cái đau tỉnh ra. Chợt nghĩ: Giá như con người đừng quá tự tin, đừng quá ngạo mạn, đừng quá tham lam mà biết khiêm nhường giữ gìn phép tắc thì đâu nên nỗi sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ nghiêm trọng như vầy. 

                                                    1985

RCYT: 21. GIỮA HOANG VU

        Một lần, giữa hoang vu tôi nghe tiếng giảng bài. Sao? lại vẫn công thức ấy, những phương trình bậc hai? Ai? như tôi mà không phải là tôi đang giảng về điều ấy ở nơi này?

         Tâm trạng của tôi lúc ấy chẳng khác gì hồi bắt gặp tiếng hót của chú chim chào mào bay xéo qua trên đoàn tàu đang lao đi giữa đồng bằng bắc bộ. Tôi như thể gặp lại một mảnh nhỏ của chính mình mà vào một lúc nào đó không biết nữa đã văng ra, bay xa trong vô biên hoang sơ, bây giờ mới quay về . Một mảnh nhỏ lích tích, tròn vo nhẹ rơi từng giọt. Tôi muốn bắt giữ mảnh nhỏ ấy của mình nhưng chắc là không thể. Con chào mào đã bay về phía xóm nhỏ có mấy khóm tre lưa thưa. Còn tiếng giảng bài lích tích như con chim nhỏ, không hiểu sao có lúc tôi cứ ngỡ của mình, thì vẫn tiếp tục nhẹ nhàng hành trình bậc hai tít tắp. Tất cả đều lướt qua không để ý gì đến tôi, còn tôi thì nhớ.

    Hay là..., có lẽ thế này đúng hơn: Chính tôi, chính bản thân tôi mới là mảnh nhỏ của cuộc đời này, không biết từ lúc nào đã lạc xa vào cõi dung tục mịt mù nào, nay mới tìm được lối quay về.

1985

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

TÌM GẶP CHÍNH MÌNH

     Một đời lặn lội đi tìm
trăm năm gặp được chính mình là may
     Sáu mươi lăm năm trước hắn gặp thằng nhỏ một mình tha thẩn bên bờ bể Quỳnh lập nhặt vỏ sò vỏ ốc. Khi nào nắng khét tóc thì thằng nhỏ nhảy ùm xuống biển, vùng vẫy một lúc lại lên chạy theo những con còng...
     Mấy năm sau thì hắn gặp thằng nhỏ chăn bò trên rú Mấc. Bò thả theo đàn, còn thằng nhỏ thì mải tìm sim hái móc. Nó ăn bất cứ thứ quả gì tìm được: sim, móc, chạnh châu, cụm cang, chua ngút, ngấy, mây, gôm, dới, sắn thuyền... 
     Rồi hắn rời quê mẹ. Lối nhỏ mờ dần gập ghềnh đá sỏi...
     Về già nhìn lại, hắn vẫn thấy rằng: - May!

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

RCYT: 31. MẶT TRỜI LÊN

      Sáng nay lạnh, nhưng nghe mẹ nói: - Hôm nay trời nắng đó con. 
      Tôi khoác súng vào rừng. Trong rừng càng lạnh hơn. Lá cây ướt đẫm sương đêm làm cho khẩu súng và cả áo của tôi cũng bị ướt. Rất may muỗi và sên sợ lạnh còn nằm co đâu đó dưới đám lá mục.
    Cu xanh đã về ăn trên ngọn cây đa. Chúng chuyền cành nặng nề làm xao động cả tán lá. Chúng còn gù gù như thể tấm tắc khen: - Ngon quá, chà, ngon quá!
     Tôi leo lên dốc. Dốc quá 45 độ. Đất đỏ, tơi, trơn trượt dưới giày. Tôi níu vào các cây con để leo lên dần. Đến vừa tầm bắn tôi phải ngồi lại nghỉ. Phổi thở mạnh, tim đập dồn dập. Tôi chờ cho chim ăn xong bữa điểm tâm, đồng thời cũng là chờ cho trái tim nguội bớt. Tôi thở sâu, dựa vào gốc cây khoan khoái thư giãn, và lơ đãng ngắm mặt trời lên.
     Ấy là khi tôi bỗng thấy những ngọn cây cao trên mái núi đối diện hừng sáng, còn phía dưới vẫn là rừng cây tím thẫm. Xuống dưới nữa là những bóng cây đen nhòa trong sương mỏng. Xa tít là những dãy Pu Quai, Pu Kẹp nhô cao lườn núi xanh đen trên nền trời lơ nhạt mà uốn lượn mềm mại như thể thả trôi trên biển mây trắng đục. Biển mấy ấy, cũng có thể là sương mù lan tỏa từ lưng núi xuôi xuống tận bờ nậm Giải.
     Rồi ánh sáng lan dần đến những tán cây thấp hơn, rồi lan tới lưng chừng mái núi trước mặt. Pu Quai, Pu Kẹp cũng sáng dần lên, rồi tới những cánh đồng, tới dòng Nậm giai và tỏa ra toàn thung lũng Kim sơn. Trong khi đó mái núi chỗ tôi ngồi vẫn còn chìm trong bóng râm và sương mù bảng lảng. Với hướng núi và độ dốc này, phải tới 9 giờ sáng ánh nắng mới rọi tới chỗ tôi. Đương nhiên những ngọn cây cao gần đỉnh núi thì được đón nắng sớm hơn. Tán đa trên chỗ tôi ngồi cũng đã bắt đầu hừng sáng.
      Có một con cu xanh đã ăn xong bữa điểm tâm đậu im như mơ ngủ. Khi nó chấp chới giữa các tán lá và rồi vụt rơi thẳng xuống thì cả đàn bay tung lên. Tôi đứng dậy nhìn theo chúng. Nền trời đã trở nên xanh lam, còn khắp nơi nắng đã rực vàng. Tôi thấy mình lâng lâng, say mê, tràn trề và hạnh phúc. Tôi muốn hét to lên, nhưng lại thôi.
     Tôi lần xuống núi. Dưới lòng khe vẫn đầy bóng râm và se se lạnh. Ra đến bìa rừng thì thấy ấm dần và đã cảm nhận được ánh nắng chiếu lên da.
1985
     

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

RCYT: 42. CÔ GÁI HÁI MĂNG

         Tôi đi bắn chim trong rừng nhưng không được gì. Các cô gái hái măng đã bật cười khi thấy tôi vác súng về không. Còn các cô gái thì đào măng mới nhú: măng củ, không được nhiều đâu, nhưng cũng đủ. Mùa này măng đắng đã lên. Cây măng đắng (mạy khốm) là một loại vầu, thân thẳng vọt lên chắc khỏe, luôn đứng riêng lẻ lẫn trong các loại cây gỗ khác chứ không mọc thành búi như tre nứa. Măng đắng giòn, mềm, kích thích tiêu hóa, và đặc biệt nữa là rất lành, dù rằng có đắng, vị đắng thanh thanh mau tan. Bà con vùng cao vẫn thường nói rằng những năm đói khổ, thiếu cơm, thì chỉ có ăn rau má và măng đắng là không xót ruột.

       Các cô đựng măng trong phắc bạ (giỏ rau) đan bằng nan đeo ở bên mình. Tôi và các cô gặp nhau ở một phương thức sản xuất xưa cũ là săn bắt hái lượm. Ngày nay nó vẫn còn tồn tại vì đâu đó nó vẫn là lao động làm ra sản phẩm, đâu đó nữa là niềm vui, là trò chơi, nghỉ ngơi thư giãn. Thiên nhiên luôn có một chút dư thừa, con người đang còn một thói quen và niềm vui sót lại...

     Tôi chào các cô: - Dến xây bò noọng, bằng một ngữ điệu cố tập cho đúng, phát âm cho êm như là không có dấu thanh. Anh  Đào Nguyên Kỷ đã dịch thoát nghĩa lời hỏi chào tuyệt vời này: _- Yên lòng không em?.

     Các cô cười vui rúc rích và đã chào lại tôi.  Các cô đi ngang qua, những chiếc phắc bạ dịp nhẹ bên hông theo nhịp bước. Trong tôi dư vị mặn mà tinh tế của lời hỏi chào còn đọng mãi cùng tiếng cười vui của các cô gái hái măng rừng.

1985

RCYT: 41. ONG RỪNG

       Những tổ ong rừng thường đóng ở nách hoặc giữa cành xiên ngang của những cây gỗ lớn trong rừng. Đi lên bù Chông cha, và đâu đó rải rác trong rừng,  tôi đã thấy những một tổ ong như thế. Cũng có thể bắt gặp những tổ ong rừng ở các vách đá nhô ra trên lèn đá vôi. Ai qua phà Châu tiến đều thấy những tổ ong rừng trên vách đá lèn trước mắt. Ong rừng chỉ đóng một tầng, có khi to như cả tấm chiếu. Vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa, năm thuận trời được mùa hoa, có tổ cho đến vài mươi lít mật, còn thì chục lít là thường.
     Cây gỗ lớn, dang tay không ôm được nửa vòng. Người lấy ong phải chuẩn bị những cuộn dây rừng và các cây lùng hoặc nứa. Dựng cây lùng vào thân cây gỗ, cột vòng dây thứ nhất ép cây lùng áp sát vào thân cây gỗ. Đứng lên vòng dây thứ nhất, vịn vào cây lùng mà cột vòng dây thứ hai. Lần lượt các vòng dây tiếp theo cho hết cây lùng thứ nhất thì nối tiếp cây lùng thứ hai ... cho đến khi lên tới tổ ong rừng tít trên cao.
     Lên đến tổ, người lấy ong thổi bùi nhùi hun khói cho đàn ong bay đi. Những con ong rừng to đen chớp cánh lia lịa làm cho cả tổ dợn lên như sóng. Việc cuối cùng là thòng dưới tổ ong một cái sọt đã lót kín, người lấy ong sát một nhát dao cho tầng ong rơi vào sọt. Dòng mật óng vàng đặc sánh nhễu ra theo lưỡi dao tỏa hương ngọt ngào thơm lựng. Còn từ các vết ong đốt vừa có mùi của mật vừa có mùi chua hắc của nọc. Người lấy ong chịu đau nhẹ nhàng thòng sọt mật xuống trước, rồi lần theo cây lùng mà tụt xuống dần qua từng bậc dây  buộc.
    *****
     Lấy mật ong ở các lèn đá vôi thường là khó nhăn hơn, nhiều khi nguy hiểm. Thận trọng không hề thừa, nhưng rủi ro luôn rình rập. Câu chuyện sau đây tôi ghi lại từ ngày đi thực tập ở Yên thành:
      Hai người cùng thôn rủ nhau đi lấy mật ong. Họ là những tay kì cựu. Tổ ong trên lèn đá. Các ông nối hai cây tre với nhau, rồi cùng dựng lên cho đầu ngọn dựa vào vách đá uôm uôm. 
   Một ông trèo lên. Một ông đứng giữ. Phía trên tổ ong có một mấu đá dô ra. Ông Bài, tên ông là Bài, đã trèo lên đến chỗ với tới mấu đá. Bám một tay thì chưa chắc,nhưng để bám được cả hai tay thì phải nhón chân lên. Chỉ còn hai ngón chân cái trên chót vót ngọn tre thứ hai. Đáng ra phải bỏ mà xuống, đằng này ông lại cố bám.
    Thế là trật. Ngọn tre trên cùng trật khỏi ngón chân ông Bài. Không xa, chỉ tí ti, vài gang tay...
     Ông Bài quờ quờ hai bàn chân, không với tới. Người ông treo đu lơ trên hai cánh tay thõng xuôi, chỉ còn hai bàn chân còn cử động được. Nó quờ quờ bên vách lèn đá.
     Dưới đó là khoảng không ngút mắt, thụt hẫng, là những mỏn đá lô nhô rắn cấc sắc lạnh.
     Ông bạn đứng dưới cố dựng cho ngay ngọn tre nhưng một mình ông không khiến nổi. Hai người dựng còn vất vả, huống chi...
     Ngọn tre cứ lệch sang trái, rồi lại sang phải, tí ti... Có lúc khẽ chạm vào chân ông Bài rồi lại lệch...
     Ông Bài hoảng lên, kêu trời...
     Ông bạn đứng dưới càng cuống. Sửa cho ngay không được mà ngọn tre lại xa thêm...
      Ông Bài ôm lấy mấu đá mà van trời. Tiếng van tuyệt vọng vang dài theo vách núi vọng đi vọng lại: Trời ơi..., vơ..i... trờ...i...
    Cánh tay ôm ngược mỏi dần...
    Mấu đá thì trơn...
    Ong bay túa ra...
    Ngọn tre rung lên trong tay người giữ...
    Gân cốt lỏng dần...
    Một tiếng thét rú lên...
    Lèn đá âm âm truyền đi.
1985
       

RCYT: 40. ĐI RỪNG

      Tôi và Lô Thanh Chương (K4) cùng đi vào rừng. Gọi là đi săn nhưng chúng tôi không hề bắn một phát súng nào. Chúng tôi đi theo đường mòn kéo gỗ, nhưng tới gốc cây vừa bị chặt hạ thì hết lối mòn. Chúng tôi phải luồn qua bụi rậm và gặp một lối mòn  khác. Rồi lại hết lối và gặp bụi rậm, cho tới khi chúng tôi lần xuống một con khe.

      Nước khe trong vắt, đá dưới lòng khe trơn chuội. Rừng cây im ắng lạ thường, chỉ có tiếng chân bước và tiếng nước chảy re rách qua các kẽ đá. Cây cơm nếp bốc hương thơm lựng như thể vừa mở vung chõ xôi mới đồ. Tôi hái một lá cơm nếp đưa lên ngửi, chẳng có mùi gì. Vò nát ra thì chỉ thấy hăng hắc. Chợt nhận ra: hương rừng cứ phải để tự nhiên thơm. 

        Ra hết hẽm núi chúng tôi gặp một quãng lầy. Khe nước chảy giữa quãng lầy ấy. Đất dưới chân chúng tôi bùng nhùng đến lạ. Mỗi bước chân đi đều làm cho cả quãng lầy xao đông dập dờn lan truyền như sóng biển.

     Đám lầy có bùn nhảo, rất nhảo ở bên dưới, còn bề mặt thì khá dẻo và mỏng, được đan kết thêm bằng cỏ dại tạo nên sức căng bề mặt đủ để cho chúng tôi đi qua, nhưng lại rất mong manh bùng nhùng dễ sợ.

      Hết quãng lầy, hẻm núi lại co hẹp lại. Ở đây bùn nông hơn, không có lớp căng bề mặt. Sâu qua lớp bùn là cát. Bên khe mọc rất nhiều cây dâu da. Mùa này quả còn non, từng chùm, từng chùm treo dày từ thân lên cành, ra tít các nhành con. Các cành dâu da uôm uôm vươn ra sà xuống chạm vào vai chúng tôi, nhưng tôi không nghĩ là nó chào mời dễ dãi, tôi không hái một quả dâu da nào.

     Ở quãng này chúng tôi còn gặp cả hoa phong lan. Rất nhiều loại phong lan. Có những chuỗi phong lan sà xuống gần tới đất, cánh hoa phớt tím còn đài hoa tím biếc. Có những chùm phong lan ôm trọn vòng thân cây sáng vàng rực rỡ như cả một bồn hoa. Cũng có những nhánh phong lan nhỏ xíu vừa mới bám xanh trên kẽ nứt vỏ cây. Tôi định hái một giò lan, nhưng lại thôi, để chúng lại đây đẹp hơn vạn lần treo bên cửa sổ.

       Sắp ra tới quãng đường mòn lớn phía Piêng Panh, bỗng Chương reo lên: - Cha em vừa đi qua đây! Tôi ngạc nhiên: - Sao em biết?  Chương chỉ vào dấu chân trong bùn còn đục nước bảo: - Chỉ có cha em mới có bàn chân to như này.  Tôi ướm thử, quả là bàn chân to hiếm thấy. Tự nhiên tôi nghĩ: không đâu như ở trong rừng, con người rất dễ nhận ra nhau. Và, hình như có sự sắp đặt nào đó cho thầy trò tôi cùng đi vào rừng đúng buổi chiều này.  Và nữa, luôn có sự dõi theo đùm bọc chở che của ai đó, của cha mẹ, của bà con và của làng bản. Và, hình như có cả sự cưu mang che chở của rừng.

                                                1984

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

RCYT: 95b. CỐI NƯỚC

      Sắp tới chân bù Chông cha, rẽ phải, lội qua khúc cạn dòng nậm Giai, bên đường vào bản Hữu văn ta bắt gặp những cối giã gạo bằng nước. Cấu tạo như là cối đạp để giã gạo dưới xuôi, nhưng lại dùng sức nặng của nước để nâng đầu chày, thay vì đạp bằng chân. Nước từ suối đầu nguồn được dẫn về bằng ống mét thông mắt, cho chảy vào máng ở đuôi cần. Máng nước đầy dần đủ nặng sẽ tự nhấc đầu chày lên, đồng thời nước tràn ra khỏi máng, đầu cần lại nặng hơn, tự nó rơi xuống cho mỏ chày nện vào lòng cối đã có thóc. Lặp lại từ đầu, thêm một chày nện xuống... Cứ thế, cối giã tự động, không tính phút giây, mẻ gạo trắng dần. Bà con dựng cái lán nhỏ che cho cối gạo những lúc gió mưa. Sáng ra đổ thóc vào, chiều lấy gạo về sàng sảy, lại tiếp đổ thóc vào cho cối tự giã qua đêm. Cối tự giã quanh năm, chị em yên tâm ruộng rẫy, và cũng đỡ phần nặng nhọc.

     Tôi đứng tần ngần mãi bên cối nước, lòng thầm cảm ơn trí sáng tạo của bà con vùng cao. Hơn nữa còn cảm phục tập quán và tấm lòng chân thật tin cậy lẫn nhau của cả bản làng.

     Ngày mùa bà con gặt lúa bó thành từng nắm nhỏ phơi ngay trên cụm rạ. Lúa ngoài đồng, lúa trên rẫy đều phơi như vậy cả, chờ khô thuận tiên mới mang về. Lúc cần hạt gạo thì mang thóc ra cối nước đầu bản mà giã tự động, không cần trông coi canh giữ.

    Ôi, sao có một vùng quê, thanh bình yên ả và thân thương nhân hậu đến thế. Tôi đã sống nhiều năm với miền quê ấy, mãi không hết ngạc nhiên và yêu mến. Xin cảm ơn người.  

1985

Hình ảnh minh họa chụp lại từ trên mạng:



Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

RCYT: 14. RỪNG XANH HOA CHUỐI ĐỎ TƯƠI

       Chiều thứ 7 tôi vào rừng tìm đá mài. Tôi rủ Thị, Công và Khánh cùng đi. 

     Đợt gió mùa rét mướt cuối cùng, có lẽ thế, vừa qua được mấy hôm. Trong rừng còn hơi ẩm ướt, vì thế dẫu rét, vẫn thấy có đôi chú vắt. Tôi đã thấy chim bạc đầu trong rừng sâu. Trước đây tôi cứ tưởng chúng đã bay đi hết. Bây giờ tôi hiểu chúng vẫn còn ở lại kiếm ăn trong rừng, và có thể chúng còn chờ đến mùa quả quế chín. 

     Công đã bắn và đã được, lòng đầy phấn khích. Còn Thị thì đã nhận ra " rừng xanh hoa chuối đỏ tươi". Những bông hoa chuối rừng, phải gọi là thế, mọc ngược, vươn thẳng như bó đuốc, trông thấp thoáng còn ngỡ như bập bùng ngọn lửa. Các cánh hoa đỏ tươi cứ lần lượt nở xòe mà không hề tàn úa. Trong mỗi cánh hoa có một quả chuối con màu vàng nhạt. Bông chuối cứ nở dần, nở dần đỏ tươi, tươi mãi.

Ảnh chụp lại từ trên mạng

      Chú Thị bảo: - Thế này thì mới vào thơ chứ...(*) Còn như cái bắp chuối  thâm xì ở đầu cổ hạc thì làm sao mà "tươi" được. 

      Chú Khánh đế theo: -Thế còn "dao cài thắt lưng" thì làm sao "nắng ánh" được bác?

    - "Đèo cao", có. " Thắt lưng", cũng có, các chú đi qua thấy rồi. Nhưng làm sao mà thấy "nắng ánh dao cài...".  Thì là... con dao phải mới mài sắc ngọt và sáng loáng, được cài vào cái bao dao làm bằng một nửa ống mét mà các cô gái hay đeo bên hông sao cho con dao quay ra ngoài, thế mới có thể bắt sáng. Chứ con dao của đàn ông cũng đeo bên hông nhưng kẹp giữa cái bao dao bằng hai mặt gỗ thì làm sao "nắng ánh" được. Dao của người Hmông nhọn hoắt, dắt trong bao, cài trước bụng thì cũng làm sao mà "ánh" được. Vậy thì, chỉ có thể là: - Bạn đang đi trên "đèo", ngước nhìn lên cao "cao" phía trước, mới thấy "nắng ánh dao cài" ở "thắt lưng" những cô gái Thái đang"ánh" lên lấp lánh theo nhịp bước chân...

     Nhưng hôm nay chúng tôi không có may mắn được gặp "nắng ánh" trong rừng. Chỉ có đá mài, chim bạc đầu và hoa chuối.  Mỗi đứa đã hái một bông chuối rừng về cắm ống nứa để trên bàn cho "ánh" lên ngọn lửa bập bùng bên cửa sổ.

                                     1984

(*)Thơ của cụ ... có hai câu này được.

RCYT: 01. NHỮNG NGƯỜI TÂM ĐẮC

       Năm ấy động rừng. Có con hổ lớn thường về bản bắt chó, lợn, còn bắt cả trâu bò nữa. Dân làng tìm cách bắn con hổ dữ nhưng mãi mà chưa được. Như người ta nói: nó đã thành tinh. 

      Đêm ấy nó lại về bản bắt trâu.

      Sáng ra hai anh em nhà nọ quyết đi tìm bắn hổ. Họ đều có súng, lắp đạn sẵn. Họ thận trọng đi theo vết hổ kéo trâu, cảnh giác nhìn trước nhìn sau, nhìn trái nhìn phải. Họ đã thấy xác con trâu bị bỏ lại. Thận trong, từng bước, từng bước. Quan sát, từng bước...Rừng sâu lặng ngắt. Không khí đặc quánh trong các bụi rậm. Nắng đọng lại trên các tán lá không rơi xuống đất.

    Bỗng, soạt một cái. Tiếng người thét lên. Người anh quay lại đã thấy em bị hổ vồ. Tức khắc, như một bản năng người anh gương súng lên căng mắt chĩa về phía con hổ. Con hổ chừng như bị thôi miên bởi ánh mắt và nòng súng của người anh. Nó cũng đăm đăm nhìn lại và ôm ghì người em bất động. Nó không dám chạy và cũng không dám cúi xuống để cắn ngưới em. Lúc này thực sự là cuộc đối đầu giữa tình cảm, ý chí và sức mạnh của con người với sức mạnh hoang dã của thú dữ. Ai sẽ thắng để khẳng định sự tồn tại của mình?

     Giữa lúc ấy thì người em trở lại tỉnh táo nhanh hơn cả. Em nói: - Anh hãy bắn đi!

     Súng giương lên, kề vai áp má, chĩa thẳng. Con hổ càng bị thôi miên. Nó sợ nòng súng và ánh mắt người anh. Chắc là nó còn sợ một sức mạnh gì ghê gớm ẩn sâu trong tiếng nói, mà chỉ loài người mới có, đã giúp cho hai anh em trở thành một khối thống nhất. Nó quay dựng người em lên phía trước làm lá chắn. Nó nấp mình sau đó. Nó ghé mắt sang trái sau đầu người em để nhìn vào nòng súng. Nòng thép đen ngòm sắt lạnh. Nó né tránh, rồi lại ghé mắt sang bên phải.

     Người em nói: - Anh cứ bình tĩnh. Hết sức bình tĩnh. Coi như không có em. Anh phải bắn. Chính giữa đầu nó.

     Người anh nghe rõ hết nhưng không thể bắn. Đầu con hổ ở ngay sau đầu em mình.

    Người em nói: - Anh áp súng vào thân cây.

                             - Ngắm vào giữa đầu em.

    -Em thử né sang trái. Con hổ cũng né sang trái.

    - Thử né sang phải. Con hổ cũng né sang phải.

    - Anh phải bắn thôi. Chính giữa đầu nó. Một phát. Chỉ một phát. Em sẽ cúi đầu xuống, gập cả người xuống nữa. Anh bắn!

   Nòng súng chĩa thẳng, viên đạn nằm chờ. Người em thấy rõ hướng súng rất chuẩn, vào đúng đầu mình, vào cái đầu sau đầu mình.

    Nòng súng im phắc, không nhúc nhích. Hai anh em tránh nhìn vào mắt nhau dù họ vẫn thấy nhau. Một phút bất động. Bỗng người em choài người ra, gập đầu xuống. Con hổ không kịp hiểu. Súng nổ. Đúng! Cùng lúc ấy súng đã nổ. Tiếng súng rất đanh, rất gần và chính xác lạ kì.

     Con hổ nhảy dựng về phía tiếng súng. Nó dùng người em làm điểm tựa cho bước nhảy cuối cùng. Nó đổ xuống giãy dụa. Viên đạn xuyên thẳng giữa đầu.

      Người anh sau một giây bất định đã rời gốc cây, đến bên em, cúi xuống đỡ em lên lưng. Người em có bị thương vì hổ nhưng vẫn còn sống. Sống là chiến thắng. Là khẳng định sức mạnh của những người như hai mà một, như muôn vàn mà một.

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

RCYT: 57. BÒ TÓT VÀ TRĂN RÚT

     - Bò tót trên ta vẫn có đấy nhưng rất hiếm gặp. Nó to lắm, không biết nói thế nào, bản ta có 98 hộ, có  lần chia thịt bò tót, mỗi nhà được gần một yến đấy. - Tôi đã từng nghe người dân bản Tà, Quang phong kể lại. 

    - Còn cặp sừng của nó? - anh đã uống rượu cần ở nhà pọ Thần chưa, cái phong rượu của Pọ làm bằng sừng bò tót đấy. Uống chết mệt vẫn chưa hết một còi.

     - Bò tót nó thế, nhưng mà có lần chúng tôi đã bắt gặp một con bò tót nằm sóng soài bên bờ suối - Anh Trần Thức Liên kể.- Ai cũng kinh ngạc và thoáng sợ. Từ khoảng hơn 30 mét chúng tôi đã nom rõ một khối chềnh ềnh như tảng đá nâu đen. Nó chết rồi à? Dễ gì thế! Chúng tôi tản ra tìm vật che chắn. Chúng tôi bắn vào nó. Không động đậy gì. Nó đã chết.

     Chúng tôi tiến lại gần, càng kinh ngạc hợn. Phà ơi! Một con trăn lớn đang quấn quanh cổ nó. Chúng tôi lại lùi ra và bắn vào con trăn. Hai phát, chính xác, trông rõ cả vế đạn nhưng không động đậy gì. Con trăn cũng đã chết.

     Con trăn, thực ra chỉ còn một nửa phần đầu con trăn đang quấn quanh cổ con bò. Chắc là vì thế mà con bò bị chết. Ôi những con vật kinh khủng và cái chết của chúng cũng thật kinh khủng. Con bò tót nằm chềnh ềnh một khối lù lù, còn con trăn thì bị đứt làm hai, đứt xơ ra như bị xé...

     Có thể là:  ... Anh bò tót đi trong rừng, kiêu hãnh về sức mạnh của mình.    ... Như một sợi dây leo mốc xì từ trên cành cây to buông thõng xuống. - Mày có đáng gì,  con bò nghĩ thế và thong thả đi ngang qua. ...    Bỗng sợi dây leo gớm ghiếc thoắt cái đã quấn chặt vào cổ nó. Con bò không kịp hiểu là trò đùa gì, nó dừng lại phán đoán.    ...Sợi dây càng thít chặt hơn và như muốn nhấc nó lên. Không được, nặng lắm. ... Con bò thấy đau nhói ở cổ. Một chất gì tê buốt lan vào cơ thể nó. Nó hiểu ra. Cái đầu kiêu hãnh và ngu ngốc của nó đã hiểu ra: - kẻ thù nguy hiểm!

      Nó vùng chạy. Không dễ. Nó vùng nữa, không được. Nhưng nó khỏe. Bằng một cú dứt đột ngột nó đã bứt đứt sợi dây. Một nửa sợi dây quấn chặt cổ nó đã cùng nó đi đến bên bờ suối, nằm lại đó chờ chúng tôi. Còn nửa kia vẫn quấn trên cành cây lớn, theo dấu máu chúng tôi đã tìm ra.

    Nếu không phải là con bò tót mà là một con mang hay một con nai thì con trăn rút kia đã nhấc bỗng lên rồi...

RCYT: 08. CHUYẾN ĐI THĂM RỪNG QUẾ MUỘN MÀNG

        Biết là quả quế đã chín nhưng vì quá bận tôi đành bỏ lỡ dịp may mỗi năm mới có một lần.

     Khi tôi dành được thời gian vào rừng thì quả quế đã chín rụng hết rồi. Lâm trường cuốc dọn sạch cỏ dưới mỗi gốc quế để thu nhặt hạt quế rụng. Đó là dấu hiệu đáng mừng. Nghĩa là mai kia ta sẽ có nhiều quế hơn, nhiều lô, nhiều khoảnh rừng quế hơn nữa. Nghĩa là ta sẽ giàu có hơn lên...

     Tôi đi trong rừng quế để mà mơ tưởng nhiều hơn là để săn bắn. Có khoảnh bốn năm chục héc ta quế đang độ tròn đầy, đường kính thân chừng hai tấc và lớp vỏ đang dày thêm tích tụ tinh dầu vào nhục. Cả khu rừng khép tán tầng tầng lá biếc. Tôi ngợp trong hương thơm, trong tinh dầu, trong của cải thầm lặng, trong sự giàu có một mai của mảnh đất tôi hằng yêu mến. Tôi như thấm một chất men siêu khiết chưa từng thấy. Tôi muốn hát lên, nhưng mà lại muốn lặng thinh tôn trọng chất nhựa chuyển dịch dần trong thớ gỗ, tôn trọng đôi cu xanh đất đang bên nhau tìm nhặt những quả quế cuối cùng, và tôn trọng cả những con chim bạc đầu lẻ loi sót lại quên đường về xứ sở.

      Cả một đàn cu kỳ béo núc lẹ bay trong tán lá. Chúng sà xuống tìm những quả quế hiếm hoi còn lại. Chúng cảnh giác với tôi và có vẻ như  đã có nhiều người bắn chúng. Tôi đứng tựa mình vào gốc quế thầm nhủ: - chúng mày cứ kiêm ăn đi, hôm nay ta giàu có lắm rồi...

     Một chiếc lá vàng từ trên đầu tôi rơi nghiêng nghiêng xuống. Tôi nhìn theo lơ đãng như mọi người lơ đãng nhìn chiếc lá vàng rơi. Nó rơi vào thân một cây quế khác, bám vào đó. Và, lạ lùng biết bao, nó thu nhỏ lại rồi bò ngược lên trên ngọn. Tôi nhận ra một con thằn lằn bay. Nó bò lên cao rồi từ đó nó lại buông mình bay là là sang một cây quế khác.

      Sóc bay, chồn bay thì tôi đã từng gặp nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy thằn lằn bay. Và chỉ cần chừng ấy đã là quá đủ cho tôi trong chuyến đi thăm rừng quế muộn màng.

1984