Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

THƠ TẶNG BẠN LÀM THIẾC

     * Ngược lên bù Kẽm Phăng tôi bắt kịp anh Nhuận trưởng đoàn thăm dò mỏ thiếc Tri lễ. Chúng tôi dừng chân ngồi nghỉ trên tảng đá ven đường. Hôm sau về tôi viết được mấy dòng tặng anh:

Duyên nợ một đời anh với thiếc

Niềm vui xen lẫn nỗi gian truân

Để đến một chiều trong lẻ chiếc

Trên đèo ngơ ngẩn nhớ giai nhân 


      * Lần khác, mấy năm sau tôi về Vinh vào xưởng luyện thiếc Nghệ an, gặp được chú Long. Chỉ một lần tiếp xúc ngắn ngủi mà sao thấy thân tình. Rồi tôi viết được mấy dòng tặng chú:

Một mừng con gái giống cha

Hai mừng đoạt giải nhất nhà đẹp trai

Ba mừng bố vợ tương lai

Bốn mừng cháu ngoại một mai cháu mình.

     * Kể ra mình cũng có duyên với người làm thiếc, sau rồi cũng có duyên với thiếc, nhưng mà chỉ là với phế thải của nó. Từ những thứ xỉ, tưởng như đổ bỏ của quy trình luyện thiếc, lại chắt lọc được Sn kim loại, dù không nhiều, nhưng với tôi chừng ấy cũng là đủ. 

RCYT: . ĐỐT RỪNG

 Mới đầu mùa đông gió đã thổi về khô khốc 
cỏ khô trải xám chân đồi 
suối cạn nằm buồn trơ đá 
Đầu tháng ba người người kéo nhau lên rừng phát rẫy 
tiếng rìu vang vang khắp 
cây đổ đè lên cây
 gỗ ngã đằn lên gỗ 
ầm ầm chuyển rung đất trời 
ào ào quặn thắt lòng người 
nắng thiêu thiêu mãi 
cây khô xám lại 
lửa đỏ châm mồi 
Ôi! cháy!
 cháy! 
Trời ơi! cháy! 
cháy!
lửa cháy làm đá nổ 
rừng cháy thiêu trời xanh 
nắng đục ngầu những khói 
tro lửa rơi từ trên trời 
cát bụi bay từ lưng núi 
Giọt nước từ mùa mưa năm ngoái 
trôi tuột đi lâu rồi 
con khe khô từ nguồn ruộng nẻ từ gốc lúa 
con ong sợ khói mà bay 
con chồn sợ lửa mà trốn 
con mang khát nước đi tìm rừng khác 
con người ở lại sống giữa khô cằn
Ôi ta đau lòng muốn khóc không còn nước mắt 
Ôi đâu rừng xanh trùng trùng điêp điệp 
Ôi đâu ngọt lành hỡi dòng nước mát 
Hạt gạo ăn mùa rẫy trước 
khát nước mãi mười năm sau 
Hạt gạo ăn mùa rẫy sau 
khát nước thêm mười năm nữa
Hãy ngừng vung rìu hãy dừng đốt lửa
người ơi hãy cứi lấy rừng.
1984 
những mùa buồn chủ trương tự túc lương thực tại chỗ

RCYT: RỪNG XANH

 Từ thời xa xưa 

đã có núi cao và có lũng sâu 

trên trời có gió có mây 

dưới đất có hoa có cây 

gió đưa mây về 

cho mây tụ lại 

thành hạt mưa rơi 

cây xanh ngọn vươn lên trời 

rễ khỏe cắm sâu lòng đất 

bất cứ nơi đâu cây xanh đều sống được 

cây mọc thành rừng trùng trùng điệp điệp 

con ong tha hồ hút mật

 con mang tha hồ ăn lộc 

Mưa rơi từ trời 

xuống đến cành cao 

rồi xuôi cành thấp 

hạt mưa hồi lâu mới rơi tới đất 

cỏ dày thấm dần 

lá mục thấm dần 

rễ sâu thấm nữa 

mạch nguồn từ đó thành dòng suối trong 

Con người làm ruộng bậc thang 

cấy trồng cây lúa 

hạt lúa nuôi người 

nước mát nuôi cây 

từ ngàn năm nay 

cây với người người với cây 

gặp nhau bên dòng suối mát 

người vui ca hát ong vui kết bầy 

lộc non ứ nhựa hương rừng thơm say 

Rừng là vàng của ta đây 

chung tay gìn giữ tháng ngày người ơi.

1984

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

RCYT: 33. VỈA QUẶNG

      Cuối giờ học Lô văn Thoàn đưa cho tôi một hòn đá. Hòn đá nặng, màu gan gà, đôi chỗ màu tím biếc, nơi bị vỡ ra có chút lấp lánh. Hòn đá to bằng quả cam có 12 mặt hình thoi bằng nhau tạo thành khối đa diện đều. Các mặt hình thoi có góc nhọn khoảng 75 độ còn góc tù khoảng 105 độ. Toàn khối có 6 đỉnh tứ diện và 8 đỉnh tam diện. Dễ dàng tính ra số cạnh theo công thức Ơ-le:
   12+6+8-2 = 24
  Kiểm tra lại bằng lập luận:  12 mặt, mỗi mặt 4 cạnh, mỗi cạnh lại chung cho hai mặt, vậy số cạnh là: 12x4 :2= 24.



   Đấy là tất cả những gì tôi nói được với Thoàn, theo hiểu biết của người học toán. Còn Thoàn thì cho tôi hay rằng em đã nhặt được hòn đá này trên đường đi làm rẫy. Có rẩt nhiều những hòn đá như thế, to nhỏ khác nhau nhưng cùng có hình dạng giống nhau cả. Em còn thắc mắc không biết họ đẽo những hòn đá này để làm gì, đẽo bằng cách nào mà giống nhau thế? Rồi sao họ lại chôn xuống đất?
    - Thoàn ơi, thầy cũng như em thôi, thầy chưa trả lời được, nhưng thầy đoán rằng đây là một loại quặng ở dạng tinh thể. Có lẽ ta nên đến đó một lần nữa?
     Một chiều đẹp trời tôi cùng Thoàn và Khánh lên đường. Chúng tôi đi dọc theo đường lâm trường mới mở tới bờ Nậm Giai. Ở một khuỷu sông nổi lên doi các trắng mịn màng, hạt đều như rây. Tôi nghĩ ngay: trường mình sắp xây dựng, nhanh lên kẽo mùa mưa tới nước lại cuốn chỗ cát này đi nơi khác.
     Chúng tôi đi dọc bờ sông xuôi dần. Có quãng dài Nậm Giai chảy giữa hai vách đá dựng đứng trơ khấc. Cuối quãng hẹp ấy là một cái vực khá rộng và sâu thăm thẳm.
     Tới đây con đường mới mở rẽ trái men theo sườn đồi và hơi dốc lên. Qua đỉnh dốc sang mé bên kia nơi mới mở bằng máy ủi chúng tôi thấy giữa đường và cả trên vách ta-luy có vô số nhưng tinh thể quặng 12 mặt. Hạt nhỏ bằng quả xoan, cục to bằng nắm đấm, tất cả đều đồng dạng, đồng màu. Chúng tôi nhặt lên xem rồi thả ra, rồi lại nhặt lên một khối khác. Tất cả đều như nhau. 
      Chúng tôi còn thấy một vệt các khối tinh thể xếp sát bên nhau thành một lớp chừng hai gang tay chạy dài suốt dọc vách ta- luy cách mặt đất chừng một mét. Không biết lớp quặng này còn mở ra dài rộng tới đâu, nhưng chỉ ngần này thôi cũng đã có thể xem là có mỏ. Còn nó là mỏ gì thì tôi không biết được, đành nợ Thoàn một câu trả lời. Tôi chọn nhặt mười mẩu quặng có hình dáng điển hình làm kỷ niêm chuyến đi, cũng là để tôi ghi mốc 10 năm ở miền đất này dạy học.
       Tôi đã nhờ anh Sầm Bá Tuyên vốn là chuyên gia ở viện địa lý địa cầu thuộc viện khoa học Việt nam xem mẩu quặng này và anh cho hay đây là đá granat kết tinh. Anh còn lấy làm tiếc là ngày học đại học các thầy còn phải gọt bằng gỗ các mẫu tinh thể quặng để mà minh họa. Vậy ra trường đại học cũng chưa có mẩu quặng này. Thế đấy. 
      Loại đá quặng này thường dùng chế tạo đá mài công nghiệp- anh Tuyên nói. Tất cả sự sắc bén của các công cụ cắt gọt cơ khí đều tùy thuộc vào nó. Có cả một mỏ quặng sẽ có biết bao nhiêu  đá mài, là có biết bấy nhiêu sự sắc bén. Mà sự sắc bén lại quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm cơ khí chế tạo. 
     Và còn là gì nữa trong các mẫu quặng này...
     Nhưng thôi, chỉ với ngần ấy điều biết được, mấy thầy trò chúng tôi đã thấy vui vui với phát hiện của mình.
                       1984.

*** Tìm trên google, theo phân loại đá granat thì mẫu của chúng tôi thuộc loại Almandin Fe3Al2(SiO4)3;  có độ cứng từ 7 đến 7,5 xếp sau kim cương nhưng rắn hơn hầu hết các kim loại.

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

RCYT: 77. ĐÊM THU

         Đêm qua trời đầy sao, xanh trong vời vợi, và đàng tây treo thêm chút trăng non. Chúng tôi định đi đâu đó nhưng lại thôi. Trong dịu mát tuyệt vời của một đêm thu, chúng tôi đã đọc cho nhau nghe thơ Hàn Mạc Tử. 

      ..."Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu 

        đợi gió đông về để lả lơi..."

       Chúng tôi vẫn thường gặp nhau vào những đêm đẹp trời để hòa cái nhớ người yêu, quê nhà, vợ con vào trong cái ngọt ngào của  trăng và cái tĩnh lặng của đêm. Có thể đọc thơ, có thể đàn, có thể chỉ lặng im nhìn ánh trăng và lắng nghe tiếng suối vọng về từ phía Pu Mai. 

     Chừng đó, với chiếc điếu cày chuyền tay nhau, là đủ.

     1984

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

RCYT: 17. ĐÀN BƯỚM BAY NGANG SÂN TRƯỜNG

 

      Tôi không sao yêu được loài bướm. Bỏ qua cái lý trí không phải lúc nào cũng thường trực, rằng: sâu nở ra bướm, bướm đẻ ra sâu, thì vẫn không sao yêu được. Người ta nói cánh bướm dập dờn, nhưng tôi chỉ thấy cánh bướm vật vờ. Những cánh bướm to rộng mỏng thé bám đầy lông bụi cố vẩy vẩy để đưa cái thân đốt dịch chuyển sang trái sang phải, lúc lên lúc xuống yếu ớt vụng về gần như vô định.

      Những cánh bướm đơn lẻ trong rừng ấy luôn gợi cho tôi liên tưởng đến những người đàn bà lưởng khưởng, đôi tay loắt ngoắt vụng về, đôi chân bước vật vờ và cái lưng thưỡn thẹo...

      Duy có một lần, một lần thôi, tôi đã không nghĩ thế, không liên tưởng thế. Quả là khó có khi nào gặp lại.

     Vừa sáng tinh mơ tôi trở dậy đã thấy một đàn bướm với những đôi cánh mỏng mảnh xen lẫn vàng và trắng, nối nhau dập dờn bay thành một dòng sống động từ đâu đó ở phương bắc, để tới đâu đó ở phương nam. Đàm bướm bay thẳng tắp theo chiều ngang và uốn lượn nhấp nhô rồng rắn theo chiều đứng để giữ một cự li không đổi tầm hơn mét so với mặt đất bụi bờ rừng núi. Tôi nhận ra một sự cố gắng đồng đều của cả đàn bướm để giữ một vận tốc, một cự li, một đội hình hàng ngang và hàng dọc. Nhìn về phương bắc tôi như thấy một dòng suối chảy tới, nhìn hút về phương nam như có một dải lụa cuộn đi, qua rừng, qua đồi cây, qua hồ rộng, qua vườn nhà tôi, ngang qua giữa sân trường, rồi lên Pu Hiêu và ...

     Rất tiếc tôi không có thời gian để đi đến nơi xuất phát của đàn bướm. Không biết chúng từ đâu, nhóm họp ra sao mà bay nhập nên dòng. Nhưng giá như tôi có thời gian thì chắc gì tôi đã kịp đi tới tận cùng. Đi ngược chiều, rất có thể tôi chỉ thấy hậu quân đang bươn tới mà không tìm được bản doanh.  Còn như đi cùng chiều thì tôi đi chậm hơn đàn bướm, biét tới bao giờ tôi gặp tiền quân.  

      Tôi còn phải lên lớp. Đàn bướm vẫn bay như thế, trật tự, sống động, mãnh liệt theo một con đường như thể đã định sẵn trong không gian theo hướng bắc nam. Các bạn thử hình dung xem có bao nhiêu là bướm. Cho đến xế trưa thì những con bướm cuối cùng bay qua sân trường với những cố gắng phi thường, và cần cố thêm bao nhiêu nữa để hội tụ cùng đồng loại.

     Tôi xúc đông đến sững sờ nhìn hút theo đàn bướm đang bay lên cao, vượt qua Pu Hiêu trước mắt.

                                               1984     

RCYT: 62. LẠC RỪNG

        Ngày ấy phải phân công học sinh trực trường cùng thầy những dịp nghỉ hè và tết. Một chiều hè 1972, tôi cùng Lô thanh Chương (K4), nghe tiếng mang toác trên  Pu Hiêu, liền xách súng dò lên. Theo lối mòn đi được mấy chục bước thì rừng cây đã vây kín bịt bùng. Tiếng mang vẫn toác trên cao. Chúng tôi len lách đi dần lên, rồi chui qua một triền cây lịm (cùng họ với giang), đến khi đứng thẳng lên được thì Chương  bỗng la lớn: - Ổ lợn rừng!

      Tôi không kịp hiểu. Chương cầm tay tôi kéo lùi lại. Tôi thấy mặt Chương xám  nghoét. Như một luồng điện chạy qua người, tôi  thoáng nhận ra: nguy rồi.

     Trước mắt tôi là một đống cành lá còn tươi nguyên chất vun lên cao tầm đến đầu người, tỏa rộng chừng ba  mét. Ổ lợn rừng. Bấy giờ tôi mới hiểu. Chúng tôi đã đứng sát bên. Con lơn mạ mà xông ra? Thôi xong. Chỉ một phần trăm giây thầy trò tôi đã bị húc lòi ruột.

     Theo một bản năng tự nhiên hai thầy trò nhẹ nhàng lùi ra sau một gốc cây to. Dưới gốc cây là một vạt đất vừa bị ủi lên còn hăng mùi nến. Thân cây nến chảy ướt dính nhựa. Đây là cây trám trắng, còn gọi là cây nến, lợn rừng thích cọ vào cho nhưa dính lên da.(*)   

      ...Đống lá im phắc. Rừng già pu Hiêu im phắc. Chúng tôi cùng cảm thấy một sự chẳng lành. Chúng tôi tìm  một cây vừa ôm để trèo lên. Đến khi yên yên chúng tôi mới bẻ cành ném xuống. Vẫn yên ắng. Chúng tôi ném nữa. Vẫn lặng tờ. Chúng tôi xuỵt, hù, uậy.  Không thấy gì cả. Tôi hú lên. Tiếng hú bản năng hoang dại vang xa trong rừng rồi vọng lại: h.u.ú...u...

     Một lúc sau chúng tôi quyết định phải nhanh chóng rời đi. Trời đã ngả chiều. Phải về thôi. Rừng mờ mờ tối. Sương mù bắt đầu loang trong khe núi. Chúng tôi tụt xuống, nhìn trước nhìn sau nhẹ nhàng luồn rừng để đi.  Đi mãi, một lúc sau ngẫng đầu lên  lại thấy cây nến đất bết nhựa.

      Lạc rồi. Sau này tôi mới hiểu ra: -mỏm núi như bát úp, còn chúng tôi thì đi quanh trôn bát, tròn một vòng về lại chỗ cũ. Còn lúc bấy giờ thì chúng tôi hoảng. Chương biết nhiều hơn tôi các huyền thoại về Pu Hiêu, Chương càng hoảng hơn. Như người ta nói:- gặp phải ma lạc.

     Tôi nắm tay Chương kéo tụt xuống dốc. Dốc khoảng 60 độ. Đi xuống rất khó, thậm chí không thể đi được. Chúng tôi phải toài người ra cho chân xuống trước, người tuột dần theo. Có một triền cây lịm giăng giăng đan kết  bịt bùng. Chỉ có thể toài người dưới cái lưới bùng nhùng ấy mà tụt dần. Ánh sáng yếu ớt lúc hoàng hôn không len đến chỗ chúng tôi. Chúng tôi tụt dần, nằm toài ra mà tụt. Rất may dưới rừng lịm không có gai.

     Qua khỏi triền lịm chúng tôi gặp con khe cạn. Chúng tôi đi theo lòng khe xuôi xuống dần. Đã có lối mòn. Mọi con khe đều chảy về chỗ thấp, về thung lũng, về sông lớn. Mọi con đường xuôi xuống đều về bản. Tối mịt chúng tôi về đến nhà. Mẹ tôi đang bồn chồn lo lắng.  Mâm cơm đã dọn rồi để lạnh.

    Đêm ấy Chương rủ rỉ kể cho mẹ con tôi các huyền thoại về Pu Hiêu, vì sao lại gọi là Pu Hiêu (núi cao) mặc dù núi không cao, vì sao dân làng giữ nguyên Pu Hiêu mà không dám phát đốt làm nương nại...

  1984

(*) Nhựa cây chảy xuống đất kết thành từng mảng, người ta lấy về gọi là nến đất, vẫn có bán ở chợ dưới xuôi, cho người xông bếp than.  

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

RCYT: 105. NÔỘC XỨA

      Suốt ngày nắng hanh. Từ trên cao ánh sáng xuyên qua màn mây mỏng như là đang rây nắng xuống. 17 h đã se lạnh 20 độ. 20 h xuống 14 độ. 22h, 12 độ và còn xuống nữa. Không khi hơi khô, hanh hanh nơi đầu mũi. 

     Mùa này với thời tiết như này, có trăng hay không thì cũng nên đi săn dơi. Đây là loài dơi ăn quả tai vểnh đầu dô mõm dài, chứ không phải loài ăn muỗi trán tẹt mặt nhăn mõm ngắn.

     Tôi mặc thêm áo ấm, đội mũ bông bịt tai, quàng khăn cổ, xỏ thêm dày. Cần phải có bạn, tôi rủ Khánh- một chàng trai mới lớn vui tính ham hiểu biết và vui chuyện- cùng đi. Chúng tôi đến khu vực đã định, bên lối vào nhà bà An. Ở đó có những cây xoan trụi lá, trơ những chùm quả chín héo vàng. Cách đấy không xa là mấy cây mít xum xuê um tùm cành lá. Hàng chục con dơi chao mình trên không. Chúng đảo cánh rất nhanh, sà vào chùm xoan đớp một quả rồi rời ngay, bay về phía các cây mít. Ở đấy yên tĩnh, rậm rạp kín gió, các chú dơi móc chân vào cành mít chúc đầu xuống dưới, thong thả gậm nhấm dần lớp bột mịn màng dưới làn vỏ mỏng. Còn dưới gốc mít ngày một dày thêm lớp hột và vỏ quả xoan vàng ruộm. Đấy chính là sơ suất loài dơi không ngờ tới. Ban chiều tôi đã thấy mấy gốc mít này.

      Tôi lia đèn, tinh dơi sáng lên trong tán lá như một khoảng trời sao. Tôi chọn cặp tinh sáng rõ nhất, súng rê nhanh, giữa cặp tinh,  bóp cò. Thao tác phải nhanh vì dơi sợ ánh sáng.

      Đúng là phải như thế, nhưng tôi không kịp bóp cò. Cặp tinh đã biến mất. Sợ đàn dơi bay đi, tôi tắt đèn ngồi chờ.  Rồi tôi lại hướng đèn lên, nháy sáng, Cặp tinh cách xa nhau, con này bự. Vẫn không kịp bóp cò. Cặp tinh biến mất.

       Lần thứ ba hướng đèn lên, cặp tinh đã rời sang chỗ khác, gần đó. Nó quay mặt đi, cặp tinh lại biến mất, tôi đoán vậy. Khánh gợi ý: - Hay là tại đèn sáng quá. - Đúng rồi. Tôi tìm cách giảm ánh sáng đèn. Quờ trong túi quần gặp bao thuốc lào, đổ ngay ra, bịt cả hai lớp polime lên kính đèn. Đèn mờ hẳn đi nhưng vẫn dọt. 

       Tôi lia đèn lên. Hai tinh mắt màu đỏ sáng rực. Không chớp mắt. Nín thở. Phịch. Con vật rơi xuống đất, nặng, âm âm. Không phải dơi. Màu vàng, có vằn, đuôi rất dài. Ôi, cáo!  Không phải, nôộc xứa- hổ chim. Họ nhà hổ, y như hổ nhưng chỉ nhỉnh hơn con mèo, chuyên kiếm ăn trên cây, có thể chính nó đang rình bắt đàn dơi.

       Đàn dơi vẫn bay liệng chấp chới trên mấy ngọn xoan. Nhưng thôi, dừng ở đây. Chúng tôi về. Đêm khuya yên tĩnh lạ. Sương đọng giọt trên lá. Những giọt lớn rơi xuống đất lột rột. Khánh sờ  lên mũ tôi, mũ ướt. Chúng tôi không gặp ai trên đường. Mấy con chó sủa hờ trong xóm. Ánh đèn khua trong sương mù như một chiếc gậy.

                                   1985

RCYT: 07 GIEO RỪNG


    Lần này qua bù Chông cha, ở sườn phía tây, trong một hẽm núi kín gió tôi thấy vàng ửng lên cả một lùm xoan khá lớn. Hẻm núi hứng nắng chiều như chiếc gương lõm ấm hẳn lên. Có vô số chim chóc quần tụ về ở đó.

   Những cây xoan chừng độ 4- 5 tuổi với những chùm quả vàng ruộm đầu cành. Lạ là khoảng chục km quanh đây không hề có xoan nhiều tuổi hơn, vậy thì ai đã đưa xoan gieo trồng ở chốn hoang vu này?.

       Những con chim bạc đầu kết thành đàn chao liệng trên lùm xoan. Chúng hối hả ăn những quả xoan chín. Chắc là chúng đói lắm sau chặng dài di cư từ phương bắc. Chúng nuốt chửng cả quả, đọng nghẹn ở cổ. May là mề của chim rất khỏe.

      Và những con chim bạc đầu đã trả lời câu hỏi của tôi...

     Mười sáu năm trước đây tôi chỉ thấy duy nhất một cây xoan ở km119. Giờ thì xoan đã rải đầy thung lũng Kim sơn. Còn hôm nay tôi đã gặp một khoảng rừng xoan phía tây Pu Kẹp.

     Trong rừng tôi từng gặp những cây quế rai. Đặc biệt có những khoảng rừng cọ mọc lên giữa bạt ngàn cây lấy gỗ. Trên khoảng rừng cọ đó có những cây gỗ lớn vượt cao lên nổi trội. Có lần tôi đã gặp một đàn phượng hoàng đất (nôộc cùm) bay lên từ trên những ngọn cây cao đó. Chúng ăn quả cọ từ đâu đó rồi bay về đây, yên tĩnh chậm rãi tiêu hóa và thải ra... Những hạt cọ đã nẩy mầm. Ai đó bỏ công phát dọn những cây con quanh gốc cọ, cho cây cọ mọc khỏe. Và họ trở thành chủ nhân của cả khu rừng cọ đó.

      Nếu quanh những cây quế, cây lát hoa, cây lim, hay vàng tâm, hay dổi, người ta cũng làm như thế, hoặc chẳng làm gì cả, cứ để yên cho chúng mọc lên, đừng phát đốt hết đi, thì chim chóc cũng đã gieo cho ta biết bao nhiêu là cây quý. Con người trồng được một cây, chim sẽ nhân lên thành trăm cây nữa. Còn khi đã có vạn cây thì sẽ nhân lên nhiều biết bao nhiêu.

                                        1984

RCYT: 71 THÁC HỬU VĂN

       Tây bắc thung lũng lớn  phì nhiêu Kim sơn là dãy Pu Quai. Pu quai nối tiếp Pu Mai, Pu Loong với điệp trùng núi xếp cao nguyên rộng dài trải từ Hạnh dịch, Mương đán sang tới Nâm Giai, rồi ngược lên, lên mãi cho đến tận đỉnh Phà cà tún cao ngất hơn 2400m. Trên cao nguyên đó xuất phát hai dòng Nậm Giai và Nậm Việc.

        Nậm Giai chảy vòng Pu Tạ chang ( bến nước của voi) đổ xuống thung lũng lớn qua thác Hữu văn khuất khúc, mạnh mẽ và duyên dáng. Từ thác Hữu văn ta nghĩ tới điện, trước hết là điện vì Hữu văn gần trung tâm thung lũng lớn. Thác Hữu văn có độ chênh thế năng lớn, có thể cho công suất tính bằng cả chục MW (mê- ga- oát). Anh bạn khảo sát nói với tôi: chỉ sợ không tiêu thụ hết. Quả là lúc này, -tôi nói- cả huyện chưa có một thiết bị gì tiêu thụ điện, nhưng các bạn cứ khởi công đi, cho tới lúc làm xong thì ai ai cũng muốn dùng: điện cho sinh hoạt, điện cho sản xuất chế biến nông lâm sản và điện cho tuyển quặng. Chỉ sợ lúc ấy, chỉ ngần này là chưa đủ. 

      Sau điện  là nước sinh hoạt và thủy lợi. Giá mà, phải không các bạn, ta kéo một tuyến ống từ đầu nguồn Hữu văn, không cần bơm, không cần lọc nước trong ngần tự chảy về Kim khê, qua đập tràn đến bệnh viện, rồi xuống các cơ quan huyện. Rồi ta kéo điện qua bù đến trung tâm của vàng và thiếc...

        Đi trên bù nghe tiếng suối dưới chân, trông mây vờn trước mặt, xa xa ầm ào tiếng thác Hữu văn, tôi mơ một ngày tua bin điện xoay chiều.

                                    1985  

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

VOI CON

Gốc này cũng từ bể 
vỏ sò còn bám đầy
tin  chắc là có lũa 
                                         nên đưa về để đây:


Năm sau đem mài đục 

cũng phải dăm ba ngày

vốn bề trên tạo tác

mà được voi con này:




 

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

RCYT: 90. NANG ĐỌN - NÀNG TRẮNG

      Ghi theo lời kể của trò Vi văn Xanh Cọ noong – cháu thầy Vi kim Tuyền.

  Trên ta ngày xưa có nhiều cô gái đẹp, nhưng nổi tiếng nhất là Nang Đọn.  Nàng có nụ cười xinh, đôi mắt trong veo, mái tóc đen dài óng ả và đặc biệt có nước da như ngọc như ngà. Dù mới lớn nhưng nàng đã giỏi chăn tằm ươm tơ thêu dệt thổ cẩm. Nàng có người thầm yêu nhưng chưa nói ra...

      Rồi một ngày, không biết từ đâu có ba chàng trai tuấn tú tìm đến bản chơi. Họ thường đến vào những đêm trăng sáng. Họ ghé thăm nhà nàng và thường ở lại trò chuyện rất lâu...

      Còn chàng trai thầm yêu nàng thì buồn, chàng lặng lẽ tha thẩn nhìn bóng trăng trôi dần. Rồi một đêm, đang tha thẩn một mình thì chàng thấy ba người kia ra về. Chàng trai liên nẩy ra ý định xem thử họ về đâu. Chàng bí mật đi theo. Họ ra tới bờ sông. Mặt nước phản chiếu ánh trăng ngần tỏ lắm. Chàng thấy họ dừng lại một lúc trên bờ ra chiều lắng nghe quan sát. Rồi họ nhẹ nhàng bước xuống nước. Họ bước tới đâu nước rẽ ra tới đấy. Đến chỗ sâu thì cả ba người khuất hẳn. Mặt nước trở về phẳng lặng và lung linh phản chiếu ánh trăng.

       Chàng kinh hãi chạy về nhà. Chàng nghĩ mãi về ba người lạ ấy. Họ không thể là người thường, hay họ là con trai thủy tề như người già thường kể?. Không đừng được, hôm sau chàng kể cho Nang Đọn điều bí ẩn ấy. Nàng rất lo. Từ đó Nàng  không còn bụng dạ nào tiếp đón ba chàng trai lạ một cách niềm nở như trước. Họ càng đến chơi, càng ở lại khuya thì nàng càng lo sợ. Dần dần Nàng tìm cách lẩn trốn không tiếp họ nữa. Lần ấy họ ra về, bực bội vô cùng. Rồi họ bàn nhau tìm cách bắt cho bằng được Nàng .

      Mấy hôm sau trời tối sầm, mưa xối xả. Nước từ các con khe ùng ục đổ về. Lũ dềnh lên ngập hết ruộng nương và đang tràn vào bản. Bản của Nàng ở giữa cánh đồng phì nhiêu tươi tốt (có lẽ là bản Đỏn cớn) . Lúc ấy Nàng đang đứng trên sàn, tay còn cầm cái niếng chuẩn bị đồ xôi thì người yêu của Nàng phi ngựa tới đón.

      Chàng thúc ngựa chạy băng qua cánh đồng hướng về vùng đất cao. Ngựa phi nhanh, nhạc ngựa lảnh lót, nước ùng ục đuổi theo. Chàng liền tháo nhạc ngựa ném xuống. Tiếng nhạc im, thần sông mất hướng, cuộn xoáy tại chỗ. Nơi ấy hõm xuống thành vực, về sau dân bản gọi là Noọng Hành.

    Hai người chạy được một quãng thì thần sông lại đuổi theo. Lần này Nàng ném cái niếng xuống. Thần sông lại cuộn xoáy sục tìm. Nơi ấy giờ là Noọng Niêng. (Noọng Hành, noọng Niêng ngày nay là dãy hồ ao nối dài từ bản Tám, qua khu cơ quan huyện, kéo xuống bản Cọ noong cũ).

      Thần sông vẫn quyết đuổi theo. Chàng liền ném con dao có cán bằng ngà voi xuống. Đất chỗ ấy bỗng nhiên nâng cao lên, chặn dòng nước cuốn. Ngày nay nơi ấy là bản Na Nga.

     Nhưng rồi nước vẫn dâng lên, tràn qua. Hai người lại chạy tiếp. Cuối cùng, Nàng ném tiếp chiếc khăn đội đầu. Thần sông lại sục. Nơi đó đất đá bị xới tung lên, cuốn đi, sau thành Noọng Phai hùa.

    Không còn gì ném xuống để đánh lừa thần sông nữa, hai người phải liều chạy lên một quả đồi. Thần sông vẫn dâng nước lên. Đến một lúc nguy nan Nàng liền nói với Chàng: _ Hãy để em ở lại đây với bản làng. Rồi nàng đột ngột toài xuống ngựa. Vừa chạm đất, nàng đã hóa thành đá trắng và khi chàng ôm lấy xác nàng thì hình hài Nang Đọn vụt tan ra trăm mảnh. Những mảnh đá trắng ấy vẫn còn rải khắp bản Đỏn chám cho tới ngày nay.

    Nang Đọn không còn thì thần sông rút nước về. Trời lại quang, mưa lại tạnh, nhưng cả làng cả bản và đặc biệt Chàng trai thì rất buồn. Chàng đi mãi vào rừng, đi mãi, tìm cái cây cái lá mà ăn. Rồi chàng lấy một ống nứa nhỏ làm thành chiếc pì, bây giờ người ta gọi thế. Chàng thổi lên điệu pì buồn. Điệu pì rung mãi, rung mãi, rủ rỉ một niềm đau.

 1985 

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

ĐỨC TIN

         Việc Ơ-clit đưa ra tiên đề đường thẳng song song là dựa vào đức tin. Ông tin điều mình đưa ra là đúng nhưng không thể chứng minh được bằng lí thuyết. Chỉ có thể tin và công nhận. Và rồi nó được xem là tiên đề để suy luận và chứng minh các định lý khác. Khi đức tin này thay đổi, nghĩa là khi thay đổi hệ tiên đề, sẽ có hình học Ri-ơ-man, hình học Lô-ba-sep-xki và rồi các lí thuyết khác... Điều đó không phải là đã có gì sai, mà là có các chân lí khác nhau trong các mô hình khác nhau, nếu các hệ tiên đề không tự mâu thuẫn.

Trong khi toán học và vật lý lý thuyết dựa vào hệ tiên đề , nghĩa là dựa vào đức tin thì các khoa học thực chứng chỉ tin vào kết quả thí nghiệm. Nhưng, để giải thích các kết quả thí nghiệm, người ta lại phải đưa ra giả thuyết- Mà giả thuyết thực chất cũng lại là một đức tin- Rồi dựa vào giả thuyết đó người ta suy ra trên lý thuyết các kết quả khác, mà sau này nếu thí nghiệm có thể thực chứng được, thì càng củng cố thêm niềm tin vào giả thuyết ấy.

Vậy là mọi khoa học tự nhiên, kể cả lý thuyết lẫn thực nghiệm đều cần đến đức tin.

Không những thế, khoa học quản trị xã hội, quản trị quốc gia từ thời thần trị, đến nhân trị, cho đến thời pháp trị cũng đều phải dựa vào đức tin: tin ở thánh thần, tin ở trời, tin ở vua (con trời), tin vào pháp luật mà cơ sở là hiến pháp- hệ tiên đề gốc - được mọi người thừa nhận.

Và nữa, con người cần tin vào sự linh thiêng phù hộ của tổ tiên ông bà. Con người còn phải tin rằng có ngày mai để mà hôm nay thức dậy. Nếu không tin ở ngày mai thì tin hôm nay, tin ngay lúc này, tin ở chính mình vẫn đang tư duy và tồn tại.

Đức tin hiện diện khắp mọi nơi mọi lúc. Dù ở không gian địa khác nhau, vào các thời khắc khác nhau, trong những mô hình hay những cảnh giới khác nhau thì đức tin như trụ cột chân lý ban đầu vẫn là điểm tựa cho mọi sinh linh, mọi quốc gia và mọi nền khoa học. Nhưng điều đó cũng nói lên rằng: Nếu trụ cột lung lay, nếu hệ tiên đề tự mâu thuẫn thì toàn bộ hệ thống lý thuyết cùng lòng tin sẽ sụp đổ hoàn toàn.


*****
Đọc thêm: Những người có đức tin thường có ý chí, trí tuệ và lối sống tốt hơn: 13 tháng 11 lúc 19:20 
Từ 1901 cho đến năm 2021 có 975 người & tổ chức nhận giải Nobel:
88,4 % THUỘC VỀ NHỮNG NGƯỜI CÓ NIỀM TIN TÔN GIÁO
11,6% LÀ "KHÔNG TÔN GIÁO"
/1/ Cái "lý luận" được tuyên truyền rằng "khoa học không tương thích với tôn giáo" (?), kỳ thực, là một ảo giác tự gây mê và tìm cách gây mụ mị tâm trí người khác.... Trong thực tế về giải Nobel (Vật lý, Hóa học, Sinh-Y học, Kinh tế, Văn chương, Hòa bình), minh chứng cho sức sáng tạo phục vụ nhân sinh, té ra số người không tôn giáo (non-religious) chỉ chiếm 11,6% mà thôi!
* CHRISTIANITY (Công giáo, Tin Lành, Chính thống giáo...), diễn nôm là ĐẠO CHÚA: chiếm đến 65,7 % số người nhận giải Nobel.
* JUDAISIM, tức DO THÁI GIÁO: 20% số người nhận giải Nobel.
* MUSLIM (ở VN quen gọi là "Hồi giáo"): có 13 người nhận giải Nobel, chiếm 1,4%.
* BUDDHISM, tức Đạo Phật: có 7 người nhận giải Nobel, chiếm 1,3%.
=> Tổng cộng các tôn giáo chiếm đến 88,4%.
/2/ Những người xác định thuộc về ĐẠO CHÚA (tín niệm vào Chúa Jesus Christ) chiếm 78.3% giải Nobel Hòa bình, 72.5% giải Nobel Hóa học, 65.3% Nobel Vật lý, 62% Nobel Y học, 54% Nobel Kinh tế, 49.5% giải Nobel Văn chương.

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

TA VỀ

 Ta về đậu lại vườn hoang

nghe con chim hót ngỡ ngàng nhận ra

rằng ta không cửa không nhà 

như con chim mãi hót ca giữa trời.

1987