Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

RCYT: 39. MƯỜI LĂM ĐỘ DỐC

      Những năm cả nước đói khổ, hạt gạo hẩm rồi vẫn phải cõng thêm mấy lát khoai, khoanh sắn. Con người thiếu ăn nhưng không biết do đâu. Thế rồi có ai đó bảo là do thiếu đất. Thiếu đất thì phải "khai hoang phục hóa". Nhưng không phải mảnh đất nào khai ra cũng trồng cấy được, bởi nơi thì thiếu nước, nơi lại bạc màu. Người ta nghĩ tới di dân, lập "làng kinh tế mới". Nhìn thấy đất rừng màu mỡ, mùn dày cả gang, khe suối chằng chịt, ẩm mát quanh năm, thì người ta tính đưa dân lên rừng. Cuộc di dân này thành phong trào, được tuyên truyền khuyến khích, thâm chí vào cả thơ ca: 
         "Đồng xanh ta thiếu đất cày
        Nghe rừng lắm đất lên đay với rừng".
    Đưa dân lên rừng thì phải có đất ở, đất trồng. Để có đất thì phải phát rừng làm rẫy, và dựng túp lều ở tạm. Rừng chỗ đất bằng đã hết thì chặt đốt tiếp rừng nơi đất dốc. Có một quy định thành văn cho phép làm nương rẫy nơi không phải đầu nguồn và dốc không quá 15 độ. Rừng có nơi đâu là không đầu nguồn, nhưng đã có quy định vậy thì người ta sẽ tìm ra chỗ không phải đầu nguồn. Dốc không quá 15 độ thì có nhiều nơi không quá 15 độ. Chân núi thoai thoải, dốc không đến 15 độ. Đỉnh núi khá bằng phẳng, cũng dốc không quá 15 độ. Chân núi, đỉnh núi phát đốt làm rẫy được thì lưng chừng núi cũng làm nương rẫy được.
      Vả lại người dân làm gì có máy móc trắc địa để biết ở đâu độ dốc bao nhiêu? Người này phát rẫy được thì người khác cũng phát rẫy được. Đơn giản thế thôi. Người ở đâu đâu tận dưới xuôi lên được phép làm rẫy thì bà con bản địa cũng phải được làm rẫy.
       Bởi vậy, chỉ hai năm từ khi có chủ trương "tự túc lương thực tại chỗ" và được phép phát nương làm rẫy ở nơi "dốc không quá 15 độ", rừng đã trống hoác từng mảng lớn. Ơn trời được vài mùa rẫy. Người dân no cơm ấm cật hẳn lên, nhất là những hộ "kinh tế mới". Nhưng rồi nắng hạn, xói lở, bạc màu. Nương rẫy bỏ hoang cho cỏ dại mọc.
Người dân di cư bỏ đi chạy chợ, "công ty cá trích" ra đời; Người có sức khỏe đưa hàng lên vùng cao dịch vụ tận chân cầu thang mắm muối, kim chỉ đá lửa, bất kể nắng mưa, sốt rét dịch bệnh.
     Nhìn lại, chỉ biết lạy trởi. Rằng: "15 độ dốc", "tự túc lương thực tại chỗ" chỉ là chủ trương của một thời, nóng vội một thời, dại dột một thời. Rồi qua. Để rừng còn mọc lại.
                                                Rừng chiều yên tĩnh1985

*****
     Thời ấy thầy trò trường chúng tôi cũng lo lắng phát nương. Vạt nại ấy rộng chừng 1ha, bên đường 48 ở km119. Phát xong mới nhận ra là mình phát vào nại cũ, cây cối um tùm nhưng là mới mọc lại, Nếu đốt cháy rồi thì số cây que chỉ đủ để làm một mé hàng rào. Ba mé còn lại biết rào bằng gì? Mà không rào được thì trâu bò phá hết. Đành bỏ. 
     Nhưng cũng nhờ nhà trường bỏ cuộc mà mẹ tôi mới thôi thúc dục tôi tìm chỗ làm lấy một vạt nương. Tội lắm. Biết mẹ lại lo đói. Thương mẹ nên tôi không dám nói gì.

          * Trường tôi, cũng ngày đó, có cô giáo trẻ nghỉ hè cùng người nhà lên làm rẫy trên đỉnh Pu Quai. Cô giáo bị cảm thương hàn, tới khi người nhà đưa được xuống viện thì đã quá muộn rồi. Cô không qua khỏi. Tội lắm. Càng thương hơn vì là trò cũ của tôi. Tôi tới thăm, trò chỉ kịp nói: "Em- mệt- lắm- thầy- ạ". rôi lặng lẽ nhắm mắt. 

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

CỨ THẾ MÀ DẠY

      F vừa nhắc:

      Hồi còn chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, trường ĐHSP Vinh chưa có khoa sử, khoa địa và một số khoa khác nữa nên các tỉnh miền Trung thường thiếu giáo viên mấy môn ấy. Tôi ra trường được điều đi vùng cao, đã đành, mà cô giáo địa lý, dân Hà nội gốc phố Huế cũng phải chấp nhận như vậy. Cô trở thành mì chính cánh, thành hoa hậu của trường. Sau mấy tuần làm quen và thích nghi dần với rừng rú, với anh em bạn bè cô mới kể:

- Vào tới ty (sở giáo dục) nhìn thấy mặt ông tổ chức phừng phừng với cái mũi đỏ đỏ mình đã thấy ghê ghê. Ngồi chờ, nghe ông ấy hỏi một cô mới ra trường như mình: - Học văn hả? Dạy địa nhá!  về Tân kỳ!.  Mình choáng quá.
Cô ấy chối đây đẩy: Em biết gì môn địa mà dạy?
- Ôi dào, ông ấy nói: -Khó gì, Việt nam mình phía đông giáp biển, phía tây giáp Lào ... Cứ thế mà dạyNhất trí nhá. Đi Tân kỳ. Muốn dạy văn thì đi Tương dương.
Cô ấy chấp nhận đi Tân kỳ. Đến lượt mình, mình ngoan ngoãn đi QP, không dám hé một lời. Lên đây, mới biết QP là huyện vùng cao biên giới.
Chuyện này gợi cho tôi nhớ lại ngày đi thực tập. Ông hiệu trưởng phân công cô giáo văn dạy thay thầy giáo sử bị ốm. Cô ấy cũng chối đây đẩy. Hiệu trưởng bảo: - Khó gì. Đinh Lê Lý Trần Lê, phải không nào..., Quang Trung đánh Nguyễn Huệ, phải không nào... Trên tinh thần ta thắng địch thua, phải không nào... Cứ thế mà dạy!

 Hơn bốn mươi năm qua rồi, cái món "cứ thế mà dạy" cùng với nhiều thứ nữa cứ ngấm dần, ngấm dần mà không mấy ai để ý. Chỉ đến khi hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 môn sử thì người ta mới ớ ra.
 Giờ thì thật là quân ta đánh quân mình rồi, còn nói chi nữa.
                                                             30/9/2011



Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

LỀU

 Ngày xưa ở trong lều cỏ
nay ở lều container
cái lều này làm bằng săt
khỏi lo sớm nắng chiều mưa

với mình thế là tạm ổn
chỉ thương cây cối trong vườn
càng thương bà con rốn lũ
bão chồng bão lại càng thương.
16/10/2022


Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

CỎ DẠI 2


Cỏ dại rất háo sáng
nhưng thân lại không cao
bộ rễ cũng nông cạn
nên sẽ sống thế nào
nếu bị cạnh tranh mạnh
về ánh sáng nước nôi
với bao loài cây khác
cao sừng sững giữa trời?

Rừng sâu không cỏ dại
cây gai nhọn cũng không
thiên nhiên là bài học
cho sự sống cộng đồng.



Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

CỎ DẠI

 Mảnh đất đầy cỏ dại
cuốc trước chúng mọc sau
gom lại phơi rồi đốt
chúng lại mọc càng mau

Có một cách đơn giản
trồng xen nhiều loại cây
thấp cao đủ các loại
cỏ dại sẽ lụi ngay

Vườn của tôi cũng vậy
trồng chuối và trồng bầu
trồng nho và trồng sả
có dại hết từ lâu.




Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

MỘT MIỀN NHO NHỎ

    (Viết tiếp câu thơ cũ)

Con ếch kêu bên bờ ao
Con chim hót trên trời cao
Ta ngâm thơ trong lều cỏ
Mỗi đứa có một miền nho nhỏ

Đơn sơ thế mà hạnh phúc
Khi ta được nói nên lời
Nhưng rồi cuộc đời có lúc
Như sông khi lở khi bồi

Ao xưa giờ đây đã lấp
Trời cao rừng xanh không còn
Lều cỏ từ lâu đã mất
Đã mất một miền con con

Bỗng nhiên thèm nghe tiếng ếch
Như xưa nghe tiếng gọi đò
Thèm nghe trên cành chim hót
Ta về lều cỏ ngâm thơ.
                          11/10/2022


Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

NÉM CHUỘT SỢ VỠ BÌNH

     Nhắc đến chống tham nhũng, cụ Tổng mượn câu thành ngữ: "ném chuột sợ vỡ bình", để lưu ý cần "thận trọng... tỉnh táo". Đồng thời ý cụ Tổng cho thấy chuột ở rất gần bình, hoặc nấp sau bình, thậm chí đang rúc rích kiếm ăn hay làm tổ trong bình. Cụ Tổng cũng ngầm nói lên rằng cái bình kia đang để vào góc khuất, chỗ tối, hoặc là nơi không có ai trông coi nhòm ngó. Không chừng cụ Tổng còn có ý rằng cái bình kia đang che chắn, đang làm bình phong cho lũ chuột. Còn như nếu không phải thế thì sao lại sợ vỡ bình?

      Vậy: *Nếu là bình quý thì nên trông coi, cất đặt cẩn thận, hơn nữa cần trưng ra nơi sáng sủa cho mọi người cùng được ngắm nhìn từ mọi hướng. Được thế thì lũ chuột còn chỗ đâu mà ẩn nấp. 
     *Nếu là cái bình không có giá trị thì bỏ đi, giữ làm gì, nhất là lại nhét vào xó tối cho chuột nó rúc rích. 
     *Còn nếu như cam tâm làm bình phong che chắn cho chuột thì ném cho tan xác luôn cùng với lũ chuột chứ tiếc nỗi gì.
     Cái sự nó rõ ra vậy, đã nghĩ được đến thế, đã ngầm chỉ ra bao điều, thế mà cụ Tổng vẫn còn nhắn nhe "thận trọng... tỉnh táo", không hiểu để nhằm ý gì. Chẳng lẽ cụ lại bênh cho mấy chú chuột. Hay là cụ không nghĩ ra cách gì ngoài cách ném vỡ bình. Hay là cụ không muốn kê bình ra chỗ sáng.
   9/10/2014  (F vừa nhắc lại 8 năm trước)

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

NHỚ LẠI MỘT Ý TƯỞNG

        Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011.

      Nay tôi nhắc lại ý tưởng này vì là thấy có cái gì tương tự thế đã được triển khai rồi và thực lòng muốn thấy hay hơn. Đấy là ý tưởng dùng bè trồng cây thủy sinh để lọc nước và trang trí cảnh quan trên dòng sông Tô lịch.
   Hiện trạng dòng sông Tô đã bị ô nhiễm nặng, bốc mùi khó chịu ngay cả trong mùa mưa, mùa rét. Mực nước dòng Tô xuống thấp, lưu lượng chảy không nhiều. Giữa mùa mưa mực nước vẫn ở mức thấp so với các cống nhỏ đổ vào và cũng rất thấp so với hai bờ. Hai điều này cho ta thấy cần và có thể triển khai ý tưởng nói trên.
    Triển khai ý tưởng có các bước:
   - Làm bè, thậm chí chỉ cần làm các khung định hình bằng chất liệu nhẹ, tự nổi trên mặt nước. Bè hoặc khung định hình có thể làm thành các mảng có hình dạng khác nhau, có thể liên kết với nhau thành khối, mảng, thậm chí thành hoa văn, hình ảnh trang trí đa dạng và sinh động.
  -  Chọn lựa các loài cây thủy sinh có màu sắc hoa lá thấp cao hình thái khác nhau mà trồng lên các bè hoặc thả vào các khung đã chuẩn bị sẵn.
  -  Thiết kế hình khối hoa văn, rồi lắp đặt sắp xếp các bè hoặc khung theo từng chủ đề ý tưởng.
  -  Cuối cùng là neo các bè hoặc khung lại để định hình.
    Tôi hình dung dòng Tô sẽ thành một vườn hoa nổi kỳ thú giữa lòng thủ đô. Vườn hoa ấy không cần tưới, không cần bón phân, và cũng không tốn nhiều công chăm tỉa. Đã thế nó lại là cái máy lọc nước để dòng Tô sạch hơn, và còn có thể cản được phần lớn khí ga hôi hám bốc lên. Những nhà kinh doanh còn có thể kết bè hoa thành logo, thành tên hiệu, thành quảng cáo...
    Các bè cây có thể cản trở chút ít dòng chảy nhưng nhờ có bờ cao nên nước có dâng lên một chút cũng không sao. Cẩn thận hơn thì ta trồng thí điểm từng đoạn từng mảng, ví dụ như đoạn từ  Bưởi đến Cầu giấy, sau đó từ Cầu giấy đến Ngã tư sở.
     Cách đây khoảng chừng 5 năm (2006) tôi đã gửi bằng thư ý tưởng này đến một vị GS đáng kính. Ngày ấy thực lòng tôi không biết cách nào khác để trao đổi thông tin. Ngày nay tôi nhờ mạng blog mà đăng tin này, những mong đến được những người có năng lực biến nó thành hiện thực. 


Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

NGÀY MAI

 

Ngày mai
có thể ngày mai

các nhà thơ sẽ viết hay hơn
nhưng với hôm nay
thơ Nguyễn Tiên Điền vẫn là cái đích

Ngày mai
có thể chế hợp kim rắn nhất
nhưng để có pho tượng đồng đen đền Quán Thánh
thì với hôm nay vẫn thấy xa vời

Ngày mai ta bay khắp bầu trời
khám phá các tinh vân xa lạ
với hôm nay một Kê- ôp, một Ăng- co
đã là kỳ diệu quá

Ngày mai rồi thế giới đại đồng?
rồi sẽ hết đói nghèo áp bức?
đời Nghiêu Thuấn vẫn là cái đích
đêm ngủ cửa không cài
người ra đường không thèm nhặt của rơi

Ngày mai
có thể ngày mai
sẽ có hết
nhưng mà hạnh phúc của con người
thì vẫn là cái đích
còn xa...
             1999

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

BÃO

 Bão thổi qua rừng nguyên sinh
gió chỉ lướt đi trên ngọn
Bão tràn qua đồng cỏ lớn
như thể cỏ càng  thêm tươi 
Bão cuốn ở ngoài biển khơi 
cá tôm tung tăng như hội
Hình như chỉ con người
là buồn lo khi bão nổi.
2/10/2022