Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

ÔNG. NGhỊ

Cầm lá phiếu bầu ông nghị
dân muốn hiểu về ông mà không dễ
chỉ biết ông có một cái tên
ngày sinh và chức danh
biết thêm
ông có đôi lần được khen

Còn thì ông
thấp cao gầy béo ra sao
giàu nghèo sướng khổ
ông có như mình không
có thương người lam lũ
tính ông Trương phi
hay nhũn như con chi chi
sắc như lưỡi gươm
hay tròn như viên bi
dân nào có biết

Đất nước đang buổi nghiêng nghèo
con thuyền cần người chèo lái
nhìn quanh thấy chẳng còn ai
lá phiếu bầu in sẵn trên tay
thùng phiếu ngay kề chờ đợi
cử tri lắc đầu chậc lưỡi…

Bỏ phiếu rồi dân quên luôn tên ông
một nhiệm kỳ
dài tới năm năm...
                             1986

CHÙM THƠ VIẾT Ở NHÀ TRANG NGÀY ẤY


GIA BIẾN

Gặp phải lúc gia biến
Nhà cửa bán đi rồi
Tiền gửi vào tiết kiệm
Cầm bằng là đi toi

Mẹ già bỏ vào nam
Vợ con xiêu đất bắc
Giữ đạo hiếu cho tròn
Mình cũng vào nam nốt

Tưởng rồi xin được việc
Rồi có đất làm nhà
Đón vợ con vào tiếp
Rồi vuông tròn thất gia

Đầu đơn đi khắp chốn
Chẳng được một nơi nào
Đâu cũng bảo thừa bộn
Chưa có bề tính sao

Biết vậy mình đâu dám
Xin việc đúng sức mình
Nhất là khi hoạn nạn
Túi không còn một chinh

Chỉ xin dạy cấp một
Miễn là còn có trò
Đỡ phí vốn nghề nghiệp
Mà người ta không cho

Muốn làm chân gác trường
Được gần trường đỡ nhớ
Nhưng họ cũng không ưng
Vì mình còn ở độ

Tính chuyển nghề cày cuốc
Không tấc đất cắm dùi
Còn tay nề tay mộc
Người nể vì không thuê

Chỉ mong làm thường dân
Thực lòng mà không được
Hai tay đã chai rồi
Mà dễ gì nhập cuộc

Đành tính chuyện đốt vôi
Lỡ rồi không nơi bán
Đành cùng cháu mồ côi
Ngày ngày leo dốc Sạn

Chặt cây rồi xẻ gỗ
Bắn bẩy kích kéo nề
Qua dốc thẳm vực đá
Về đóng đồ bán rê

Rồi mùa mưa ập tới
Rừng sâu muỗi đặc trời
Sợ sốt rét tái phát
Đành về nhà nằm ngơi

Buồn làm thơ tiêu khiển
Biết chẳng ma nào mua
Đọc suông cùng bè bạn
Đỡ đói qua thì giờ

Còn cái vốn trong óc
Mươi phép toán gọi là
Muốn dạy cho trẻ học
Nào có ai mướn ta

Đứng gào to giữa ngã ba
Nào ai có muốn mướn ta một hào.
                                  1-11-1988



ĐÁ VÀ CƯA

Leo dốc đá chân đăm đá chân chiêu,
nằm hang đá gối đầu lên đá
Kéo tay cưa thân người cưa thân gỗ,
bắn rường cưa già néo căng cưa.




NGÓNG

Đêm vắng trăng lu lòng biển động
Nhìn sao bắc đẩu ngóng về con



BÊN ĐƯỜNG

Cô gái ngồi bên đường rừng chiều
Dáng nhòa trong bóng núi cô liêu
Như thể có gì lo lắng lắm
Như là chờ đợi thoáng đăm chiêu

Tôi chỉ là người thợ cưa thôi
Chiều về rê bước mỏi rã rời
Gắng hởi chào nhau lấy một tiếng
Mà rồi cô chẳng trả lời tôi
1987- 1990

THƯƠNG ÔI

chiều tối thủy triều kiệt
 cuối ghềnh đá san hô
 kiếm con cua con ốc
lầm lũi ai đi mò


bóng chìm vào chạng vạng
tím thẫm cơn sóng xao
biết con còng con rạm
lẫn trốn hốc hang nào


nghĩ thương cho chúng mày
biết phận hèn ẩn trốn
tận góc bể chân mây
mà cũng không yên ổn


càng nghĩ ta càng hận
thói yên hàn trong ta
nương sơn cùng thủy tận
ẩn nép vào bao la


tránh đừng làm hại ai
mong sao đừng ai hại
thế mà rồi ta lại
hại chúng mày
               thương ôi!
1989

Đi săn

nép sau tảng đá
ẩn dưới bóng cây
lắng nghe chim hót
thả hồn lên mây

TRỞ LẠI NHÀ TRANG

         Ngày đó vào nam, thấy Nha trang như một cái túi, vào đường ấy mà ra cũng đường ấy. Thầm nghĩ trong lòng: nơi đây chỉ dành cho người ẩn dật. Mình không ẩn dật được vì mình còn phải kiếm sống, phải lăn vào giữa bụi bặm cuộc đời mà kiếm miếng ăn hàng ngày, mà cùng sống với mẹ, với vợ, với con.
         Cũng hay, nhờ thế mà được trải nghiệm nhiều điều. Bây giờ tất cả trở thành kỷ niệm, rất nhiều kỷ niệm. Những kỷ niệm đó biến  một Nha trang xa lạ thành ra gần gũi thân thương, đến độ chỉ mong có dịp lại về.
        Ngày ấy Nha trang nhỏ bé hiền hòa, dồi dào sản vật, rừng còn nguyên sinh, biển còn nguyên sơ. Trên rừng, cách mấy bước chân, là bịt bùng cây, chen nhau tầng tầng lớp lớp. Những gõ, trắc, mít nài, dầu, ké… vô biên, có cây đường kính lên cả thước. Đi tới đâu cũng gặp dấu chân của lợn rừng, của sơn dương và nhiều loài thú khác. Còn trên cành thì vô vàn chim, đủ loại. Nhiều nhất là chào mào, chúc quạch, là vẹt, và cả cu xanh nữa. Đặc biệt nhất là khỉ, rất nhiều khỉ, thành từng đàn, đuổi nhau, chí chóe trên tán những cây đa chín quả tỏa khắp cả khu rừng.
      Tôi hứng thú nhất là đi nhặt ốc mặt trăng dưới những hốc san hô trên bãi sông Lô vào buổi chiều nước rút. Cũng thích được như mấy người lặng lẽ ngồi câu bên ghềnh. Cũng thích đeo kính lặn mà nằm úp mặt nổi lững lờ mặt nước để đợi bắt cua bắt sò. Một hôm gặp cặp vợ chồng trẻ che mấy lá dừa thổi than rèn đục để chẻ đá ngay bên bờ bể mà thấy cuộc sống sao thảnh thơi an lành làm vậy.
      Đã đành ngày ấy mình cơ cực lắm, nhưng cái nhớ nhất lại là sự hiền hòa dịu êm của trời của rừng của biển và cả của tấm lòng những người dân Nha trang nữa. Ấn tượng nhớ mãi là các cháu rất ngoan, chào thưa lễ phép, còn người lớn thì chân thành và thật thà quá đỗi.
       Hai mươi năm rời xa Nha trang mang theo những kỷ niệm này, để mong một ngày về lại.

    Lần này tôi đã về được, đã thỏa ước mong. Người xưa, kẻ còn người mất. Người còn, tấm lòng vẫn vậy, chan hòa đằm thắm. Người mất, gợi nỗi xót xa, sống qua năm tháng trên đời không dễ. Các cháu nhỏ bây giờ không quen chào như các cháu xưa, âu là một lẽ tất nhiên với sự giao thoa văn hóa hai miền.
     Nha trang giờ liên thông, đại lộ Nguyễn Tất Thành nối Lê Hồng Phong, Trần Phú, Phạm Văn Đồng mở tuyến xuyên tâm, thành phố trở nên năng động. Nhiều khu công nghiệp, nhiều khu đô thị mọc lên. Người tứ xứ hút về. Du khách cũng tăng theo.
      Đời sống của bà con khấm khá lên nhiều, nhà nào cũng khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Bên ngoài phố xá đông vui, tàu xe tấp nập. Bưng bát cơm đầy chạnh nhớ ngày xưa, khúc mừng khúc tủi.
      Nhìn lên dãy núi bên nhà trống trơ đá gan gà, không còn cây cao bóng cả, không còn rừng nguyên sinh, không còn chim thú gì hết, lòng lại thấy buồn. Xuống cửa biển sông Lô, người ta đã bao rào bịt lối hết rồi, không nhìn thấy sóng, không còn ngọn gió, đứng bên bờ rào bất lực, lại càng thấy buồn hơn.
     Với bấy nhiêu cảm xúc, tôi cùng vợ con, bịn rịn chia tay mọi người, nghèn nghẹn quay về.
                                                    28/4/2011
                                                                      
 


Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

HUẾ MƯA

    Sau hai mươi năm mới lại trở về với Huế. Cả hai lần về Huế, một lần trước tết và lần này cách nay mấy bữa, đều mưa. Trước tết, viếng mộ Ba, Mạ và Chị xong thì mưa. Lần này, viếng mộ trong mưa. Đi thăm bạn cũng trong mưa. Uống cà phê cùng mưa. Ăn chén cơm hến bên đường Hàn Mạc Tử chan mưa. Ngắm nhà rường và vườn cây Huế nhòe mưa. Nhìn dòng Hương lững lờ trôi dưới mưa...
    Chả trách khi xưa Nguyễn Bính từng viết "đất Huế dầm mưa mấy tháng tròn...". Và chưa xa, cũng có người viết "nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ mà mưa xối xả trắng trời Thừa thiên..."
    Tôi về Huế mưa, nhưng không phải mưa dầm, cũng không phải mưa xối xả, chỉ là mưa tí tách, mưa đủ ướt, đủ bịn rịn, đủ day dứt trong lòng, đủ để ngồi lại tĩnh tâm...

Lời hai cho quỳnh hương

      Mười mấy năm trước bạn gửi cho gốc quỳnh, rồi quỳnh nở bông. Ngắm quỳnh, nhớ quê, nhớ bạn, viết bài thơ:


          Hương quỳnh


     Gốc quỳnh một đóa nở
     Nhớ tri âm một người
     Hương quỳnh còn phảng phất
     Mà cố hương xa vời.


Từ thơ hương quỳnh, mà viết nên bản nhạc quỳnh hương. Bản ấy chỉ có một lời. Thế rồi trong đêm qua đèo ngang, chuyến đi vừa rồi, tầm ba giờ sáng bỗng nôn nao nhớ quê, thức giấc, tự nhiên lời hai của khúc ca vang lên. Nhẩm trong đầu cho nhớ, định bụng sáng ngày ghi lại, không ngờ quên sạch. Đêm sau ngủ ở Huế, lại cũng tầm ba giờ sáng thức giấc, khúc ca lại vọng về, ngồi dậy ghi vào cuốn sổ. Vậy là ca khúc quỳnh hương đã có hai lời ca:


         Quỳnh hương


     1.
     Quỳnh hương dịu êm, gợi về cố hương, gửi niềm nhớ thương một người.
     Dưới trăng mơ màng, câu thơ tiếng đàn.
     Chén vui rót mừng, chén đau uống cạn.
     Xa nhau không một lời, nhờ gió mang tiếng lòng, nhẹ bay trong sương.
     2.
     Quỳnh hương cùng ta, cùng người mến thương, vọng về cố hương xa vời.
     Gió mưa qua rồi, đắng cay ngọt bùi.
     Cung xưa tiếp lời, dây tơ nối lại.
     Xa nhau nay lại về, cùng dưới trăng sum vầy, quỳnh hương như xưa.

Một chuyến đi

Hai mươi năm rồi mới có một chuyến đi dài qua Huế, Đà nẵng, Hội an, Nha trang. Cảnh vật nhiều đổi thay, tình người vẫn vậy.
     Đường sá tốt hơn nhiều, tàu xe tấp nập. Thành phố nào cũng đông dân thêm, mở rộng dài ra mãi.
     Huế vẫn trầm mặc, vẫn u hoài. Có thể năng động một chút về phía đông nam, nhưng không làm mờ sắc Huế.
     Đà nẵng mạnh mẽ hơn nhiều. Có vẻ như hối thúc, nhưng mà vẫn nề nếp, sạch sẽ. Bàn tay điều hành của nhà nước tỏ ra hiệu quả.
     Hội an mơ màng ngủ giấc ngủ mấy trăm năm. Không cần đổi mới gì ghê gớm, cổ xưa nhưng không có vẻ bảo thủ. Toàn dân phố Hội biết nói tiếng Anh. Du khách tây nhiều hơn ta. Thế mới hay biết giữ mình không chạy theo số đông cũng là một cách tự nâng mình lên vậy.
     Nha trang có nhiều dịch vụ du lịch và tấp nập du khách. Các nhóm lợi ích đã chia nhau cát cứ những lô đất vàng. Bắt đầu có cảm giác không còn chỗ cho bình dân thụ hưởng biển trời đây nữa.
     Rời Nha trang lại quay về Đà nẵng, tắm biển tự do, hóng gió tự do, chụp ảnh thoải mái, rồi về Hà nội.
    Giấc ngủ bình yên sau một chuyến đi dài.

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

KHI NÀO NGƯỜI TA VĂNG TỤC

     Ngày tôi còn nhỏ, ở làng chẳng thấy ai văng tục. Ngày ấy đói khổ lắm, cả làng đi chân đất, áo quần vá chằng vá đụp, không mấy người đọc thông viết thạo, mà tình người thì đằm thắm biết bao. Ra đường gặp nhau là chào hỏi thân tình như thể cả làng có họ hàng với nhau vậy.
   -Chào ông ạ. – Bà đi chợ về? – O gánh nước? – Mự đi bến?
 Lời chào phần lớn là các câu hỏi nhưng không phải để mà hỏi: Cháu ăn cơm chưa? Chú đi mô vội rứa? Hỏi là để chào, câu hỏi để tỏ sự quan tâm, để thể hiện sự tôn trọng ngôi thứ trong họ, ngoài làng.
      Ngày ấy hầu như không mấy ai chửi nhau, cũng không có cái kiểu chửi thề. Cả làng chỉ có một bà hay chửi, bà chửi có vần có vè, nghe không có vẻ gì bực tức ghê gớm, thành ra trẻ con cứ xúm lại nghe.
      Lớn lên một chút, tôi được ra thị xã. Ở đây tôi không thấy ai chào ai, có giáp mặt nhau cũng không chào. Cũng ở đây lần đầu tiên tôi nghe người ta văng tục, người ta chửi thề. Về nhà hỏi mẹ, thì mẹ bảo: ngoài phố không ai biết ai thì làm sao mà chào, văng tục cũng không ngượng vì có ai biết ai đâu. Thì ra là vậy
     Lớn lên chút nữa, thì được học ở trong sách, cái anh Chí Phèo chửi mới ghê. Hắn chửi cả làng Vũ đại, hắn chửi trời, chửi người sinh ra hắn, hắn chửi người nào không chửi nhau với hắn. Thầy giáo dạy văn phân tích ấy là cái chửi chế độ thối tha áp bức bất công làm tha hóa nhân cách con người, khiến cho người ta có muốn làm người lương thiện cũng không được.
     Đấy là điển hình của sự chửi, nhưng là chửi ở trong sách, là anh Chí chửi.
Còn ở ngoài đời, thời ấy tất cả tập trung cho đánh Mỹ, chẳng thấy mấy ai chửi bới lẫn nhau.
     Sau 75, thì thấy rộ lên cái sự văng tục. Cả hai miền đều có văng tục, thậm chí miền nam tập văng tục theo kiểu miền bắc, miền bắc tập văng tục theo kiểu miền nam. Dần dần rồi cũng lắng, nhưng đâu đó vẫn còn.
     Có thể bực tức mà văng tục, mà chửi. Cũng có khi chỉ như là một thói quen, hễ mở mồm là văng tục, chẳng vì bực tức hay hận thù gì cả. Người nghe ban đầu thấy khó chịu, về sau nghe mãi cũng nhàm, có khó chịu tí chút thì cũng xí xóa bỏ qua, hơi đâu mà để tâm, mà đâu lời.
     Tôi có nghe nói bên Nhật, các vị giám đốc cho làm tượng của mình bên cạnh để cái roi, công nhân ai có điều gì bực bội, ấm ức thì tới lấy roi quất cho giám đốc tượng một trận hả hê, hết xì- trét rồi thì về vui vẻ làm việc. Làm được thế thì có thể đỡ chửi bới lung tung dẫu cho bất công, ấm ức có bao giờ hết được.
     Dân mình có một cách xả xì tret từ xưa, cũng rất hay là nói trạng, tiếu lâm, tếu táo cho vui. Người kể thì cứ lạnh te mà người nghe thì cười lăn cười bò, cười nôn cả ruột. Ngoài cách kể trực tiếp còn có thơ ca, còn có hò vè, đủ cả.
     Chửi bới, văng tục cũng là cái cách xả xì- trét. Xì-tret càng nhiều thì càng văng tục. Người có khả năng kìm nén, kiểm soát được mình thì đỡ văng tục hơn, chứ không phải là không có xì-tret. Nếu ai ai cũng kìm nén cả thì chưa hẳn đã hay, biết đâu tích tụ lâu ngày trở thành ung nhọt, đến lúc vỡ bung ra thì còn gớm hơn, không chừng còn đại họa.
     Lâu nay trên mạng ồn ào quá, ra chừng người ta muốn chính trị hóa mấy thứ này. Bên nọ đổ lỗi bên kia. Không nên làm thế.
     Tới độ này, tự nhiên lại thấy muốn trở lại ngày xưa! Ra đường gặp nhau chào hỏi thân tình, không ai văng tục, chỉ tiếu lâm tếu táo cho vui.
     18/4/2011
     

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Dịu dàng

có một hành tinh tự tách làm hai
một nửa là trăng một nửa là trái đất
luôn quay bên nhau giữa muôn trùng xa cách
để dịu dàng tỏa sáng sang nhau

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

MÂU THUẪN ĐỐI KHÁNG

     Mâu thuẩn, tồn tại trong mọi sự vật. Điều này tôi được học từ hồi còn trẻ. Tôi cũng được học mệnh đề: sự tác động qua lại giữa các mặt đối lập làm cho sự vật vận động và phát triển. Đại loại là vậy. Đã hơn bốn mươi năm qua rồi, không nhớ chính xác từng câu chữ môn triết học nhà trường ấy nữa. Cái ấn tượng còn lại tới giờ không phải lả chỗ đó, mà là ở chỗ đẩy cái mâu thuẩn vốn có trong lòng mỗi sự vật lên thành mâu thuẩn đối kháng một mất một còn.
   Ngày ấy tôi đã tự hỏi, tự hỏi thôi chứ không dám hỏi thầy:- nếu mất âm đi thì còn gì trong cái mâu thuẩn âm dương? Còn mỗi mình dương chăng? Một mình dương thì dương với ai? Tôi hỏi bạn, bạn chẳng trả lời. Tôi im lặng nốt, vì tôi đã thấm thía cái hậu quả của sự hỏi ngược. Nếu không còn đêm thì chỉ có ngày, như là đêm trắng ở bắc cực, nhưng mà có là đêm trắng mãi không? Không còn đen mà  chỉ có đỏ, thế giới này chỉ có một màu, có còn là thế giới nữa không?
   Mèo và chuột có đối kháng không? - Lại là một câu hỏi khác. Có một mất một còn không?. Nếu mất hết chuột rồi thì mèo ăn gì mà sống? Mà chắc gì chuột diệt vong, có khi ngược lại, mèo lại ra đi trước, như hổ báo và sư tử vào thời điểm đang đến dần này vậy. Nhưng, nếu hổ báo diệt vong rồi, loài người lại cũng văn minh lên mà không săn bắt hươu nai nữa thì liệu có đến một khi hươu nai sẽ chiếm hết cả rừng cây đồng cỏ ruộng lúa của con người như từng xẩy ra với thỏ ở Úc châu xưa?
   Lo xa, chứ loài người còn lâu mới văn minh cỡ đó. Nhưng cứ giả sử theo cái lý "một mất một còn" tới cùng đi, xem thử tới đâu. Lại mở ra câu hỏi: có thực mèo chuột là một cặp mâu thuẩn đối kháng không? Có thực chúng mâu thuẩn với nhau không hay thuần túy chỉ là mèo cần tới chuột như là một thứ thức ăn khoái khẩu? Mèo ăn no rồi nằm lim dim ngủ, chuột có đi qua cũng mặc, vậy ra không phải là mèo căm thù chuột. Căm thù, thì dù có no cũng diệt, diệt cho bỏ tức, đằng này lại không. Còn chuột có căm thù mèo không? Chắc là chúng nó không có phạm trù đó. Có chăng là chuột sợ mèo theo bản năng thôi.
   Ngược lại, ngay trong nội bộ loài người thì có triết lý về "mâu thuẩn đối kháng, một mất một còn". Và có lẽ nó ra đời chưa lâu.  Nhưng dẫu chưa lâu thì triết lý này cũng đã đủ để dẫn tới cuộc chiến "ai thắng ai" kéo dài cả thế kỷ. Xương máu cỡ nào thì mọi người đều biết. Cái giá phải trả cho triết lý ấy là quá đắt. Cái giá đau xót vô cùng này buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi:
   _Vậy thực chất có mâu thuẩn đối kháng không? Có thực sự cần một mất một còn không? Có thể có một còn một mất không?
    _Trong thế giới tự nhiên thì không! Chắc chắn không!
   Trước khi có triết học duy vật biện chứng ở châu Âu, văn hóa phương đông đã bàn đến thái cực và lưỡng nghi, đã đưa ra thái cực đồ. Giữa nền trắng thì thái cực đồ có hai màu đen đỏ quện bên nhau, và thêm nữa, trong đen có một chút đỏ, trong đỏ có một chút đen. Còn giữa nền đỏ thì thái cực đồ lại là hai màu đen trắng. Chưa bao giờ mất hẳn đen chỉ còn lại trắng, cũng chưa bao giờ mất hẳn trắng chỉ còn đen. Lưỡng nghi có thể vận ở âm và dương, đàn ông và đàn bà, ngày và đêm, cứng và mềm, nóng và lạnh,v.v... Lưỡng nghi có khắc mà không diệt. Đặc biệt khi phát triển âm dương đi cùng ngũ hành thì quan hệ sinh khắc trong ngũ hành vượt trội hẳn lên so với thuyết mâu thuẩn với hàm ý chỉ có khắc. Sinh khắc trong ngũ hành tiếp diễn tuần hoàn thành chuỗi không giới hạn chính là động lực cho sự vận hành trong sinh giới nói riêng và trong vũ trụ nói chung. Và cũng chính sinh khắc tuần hoàn này đảm bảo cho sự bình đẳng tồn tại đa dạng trong sinh giới cũng như sự tồn tại của mọi hình thái vật chất khác.
    Văn hóa phương đông thì vậy, còn triết học phương tây thì có bàn tới mâu thuẩn đối kháng một mất một còn không? Điều này thì tôi không biết, mong các cao nhân chỉ giáo. Điều tôi biết chắc chắn là chúng tôi có được học những thứ đó trong trường mà không rõ lắm gốc gác từ đâu. Để giải quyết rốt ráo mâu thuẩn đối kháng thì phải đấu tranh vũ trang, phải dùng bạo lực này để đánh bại bạo lực nọ. Đánh bại rồi nhưng mần mống chưa hết thì vẫn phải tiếp tục dùng chuyên chính cho đến thắng lợi cuối cùng. Điều này không chỉ dừng ở cái sự được học trong trường mà còn được kiểm chứng trong thực tế cuộc sống, thậm chí tất cả chúng ta đều là người trong cuộc, là nhân chứng, là người anh dũng hy sinh, là kẻ vô tình bị hại... Tôi xin không dẫn thêm gì nữa.
   Rõ ràng là chúng ta đã vận cái thuyết mâu thuẩn đối kháng này vào chính cuộc sống của mình, của gia đình mình, của dân tộc mình. Chúng ta có người đã thắng, có kẻ đã thua, nhưng đều là con Lạc cháu Hồng, nên nỗi đau không của riêng ai. Đứng trước nỗi đau này chúng ta một lần nữa lại phải hỏi; có thật sự tồn tại hay không cái gọi là mâu thuẩn đối kháng một mất một còn.
   Lý luận ở nhà trường chỉ ra đó là mâu thuẩn giữa nông dân và địa chủ, giữa công nhân và tư sản...Không ai phủ nhận nông dân và địa chủ mâu thuẩn nhau về lợi ích. Nhưng có đối kháng không? Theo tôi thì không! Vì sao vậy? Vì địa chủ cần có nông dân, là người trực tiếp lao động làm ra của cải cho mình. Vì nông dân cũng cần địa chủ, là người cung cấp cho mình tư liệu sản xuất để làm ra sản phẩm không chỉ cho địa chủ mà còn một phần cho mình, đấy là chưa kể địa chủ còn là người đưa ra kế hoạch sản xuất, lên lịch mùa vụ, là người quản lý và điều hành toàn bộ quy trình sản xuất, nghĩa là địa chủ cũng đã bỏ tâm sức vào quá trình làm ra sản phẩm. Có mâu thuẩn trong phân phối sản phẩm không? Chắc chắn là có nếu nhìn vào tỷ lệ ăn chia, hay tổng sản phẩm bình quân đầu người. Nhưng có đối kháng lợi ích không? Thì không! Vì ngoài tư liệu sản xuất ra thì địa chủ còn có chất lượng lao động khá hơn, hàm lượng chất xám cao hơn. Ngoài ra cũng phải xét đến một khía cạnh nữa là tỷ lệ giữa địa chủ và nông dân. Tỷ lệ này càng nhỏ thì càng chứng tỏ không dễ gì thành địa chủ. Việc không dễ mà làm được thì cái giá phải cao, đó là lẽ đương nhiên vậy.
    Cũng là không đối kháng bởi địa chủ cũng xuất thân từ nông dân. Nhờ chăm chỉ làm ăn, nhờ thông minh lanh lợi, nhờ dành dụm chắt chiu mà nông dân có thể thành địa chủ. Thành địa chủ rồi, có kẻ tham lam trở lại bóc lột ức hiếp người nghèo, nhưng không phải ai cũng như vậy. Vẫn có tấm gương những địa chủ có nghĩa có tình với người ăn kẻ ở, vẫn yêu nước thương nòi, vẫn sẵn sàng cống hiến tiền của, thậm chí cả sinh mạng mình cho dân tộc. Ở thành phần nào cũng có người thế này kẻ thế khác. Quy chụp cho cả vào một rọ là không công bằng, không biện chứng.
   Cũng là không đối kháng bởi vì không phải người nông dân nào cũng nghĩ là mình bị bóc lột. Cũng có người đã từng có ruộng đất, nhưng vì ốm đau bệnh tật hoặc tai nạn hiểm nghèo nào mà phải bán ruộng đất đi, cuối cùng phải làm thuê cho địa chủ. Họ tình nguyện làm thuê đã đành, mà có khi còn hàm ơn vì còn có chốn sinh nhai. Có kẻ cờ bạc, có người tứ chiếng vô thân, có một chỗ làm đã là quý hóa. Nói vậy cũng không loại trừ những kẻ nhẫn tâm bóc lột người nghèo.
    Có thể tôi không nên dài dòng kể lể theo kiểu này nữa, nhưng với chừng ấy cũng đủ thấy nông dân và địa chủ dù có mâu thuẩn, thậm chí mâu thuẩn này có lúc căng thẳng nhưng đẩy lên đến mức đối kháng một còn một mất thì không hẳn đã là đúng.
    Bằng lập luận tương tự với các mâu thuẩn khác như công nhân và tư sản, bình dân và quý tộc, chính quốc và thuộc địa...chúng ta cũng sẽ thấy cái lý lẽ của cuộc đấu một mất một còn không hẳn là đã rạch ròi như là một tất yếu, không thể khác được.
   Cái cách chúng ta đã tiến hành để giải quyết các mâu thuẩn bằng bạo lực "ai thắng ai", cho dù đã thắng, cũng sẽ dẫn tới một mâu thuẩn khác ngay trong lòng đội quân chiến thắng. Trong bài CHÍNH TRỊ VÀ QUYỀN LỢI tôi đã đề cập, xin không nhắc lại.
    Ngày nay chúng ta đang trải thảm đỏ mời tư bản nước ngoài vào và chúng ta đang hình thành đội ngũ công nhân làm thuê hàng triệu người trong các khu công nghiệp, khu chế suất, thì mâu thuẩn đối kháng ở đâu? Một mất một còn ra sao? Có dùng bạo lực để ai thắng ai không? Chắc là không rồi.Vậy thì phải giải quyết thế nào các mâu thuẩn xã hội? Đấy chính là việc của nhà nước với các thể chế và chế tài của mình nhằm điều hòa các lợi ích. Việc ấy cần, dễ và tốt hơn rất nhiều so với việc phát động một cuộc đấu ai thắng ai.
   Đến lúc này rồi, thấm thía cái giá phải trả cho quá khứ và cả cho hiện tại, có thể còn cho mai sau, ta hãy ngẫm lại triết thuyết âm dương ngũ hành sinh khắc tuần hoàn của cổ nhân. Cũng có thể chưa cần đến triết thuyết ấy mà chỉ cần cái ngụ ngôn chuột sợ mèo, mèo sợ mẹ Đốp..., là có thể hiểu thế giới vận hành trong đa dạng và cân bằng bền vững thế nào.
   Ôi! Lý thuyết! Lý thuyết là màu xám. Lý thuyết có thể là cả máu nữa!

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

NHỮNG DÒNG NGƯỜI

Hai dòng người đi ngược chiều nhau
trong không - thời gian chật hẹp
sẽ là cuộc xéo dày dẫm đạp
tang thương.

Cả triệu người cùng đi một đường
thì dòng người sẽ là thác lũ
cuốn phăng theo tất cả
đổ nhào ra đại dương.

Giao cắt qua nhau ba bảy con đường
sẽ gây nên ùn tắc
nếu không ai nhường ai
có thể còn thảm khốc.

Còn như mọi người tỏa ra muôn phương
càng đi càng rộng mở
mỗi lần trên đường gặp gỡ
mừng như trở về quê hương.

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

BẠN ƠI

bạn ơi đừng ghen với thời gian của tôi
dù có lúc tôi ngồi tĩnh lặng
còn bạn thì luôn luôn căng thẳng
kiếm tìm đo đếm suy tư


bạn ơi đừng ghen với trò chơi của tôi
cùng con kiến, ván cờ, quả bóng
còn bạn thì luôn luôn làm lụng
gieo trồng gặt hái cất che


bạn ơi đừng ghen với tình yêu của tôi
phần nào đó dành đất trời cây cỏ
còn tất cả dành mọi người- trong đó
có bạn và cả cơn ghen của bạn đấy thôi


bạn ơi đừng ghen, xin đừng ghen cùng tôi
bởi tôi biết mình sức hèn tài mọn
nên trong bể lượng trời to rộng
tôi chỉ xin phần chút xíu cỏn con thôi


một thoáng trầm tư, một phút trò chơi
một chút tình yêu cỏ cây hoa lá
còn có gì hơn xin hiến đời tất cả
tôi có ham gì giữ lại riêng đâu


bạn ơi đừng ghen đừng ghét chi nhau
                            5-87

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

CHÍNH TRỊ VÀ QUYỀN LỢI

       Chính trị suy cho cùng là quyền lợi. Quyền lợi thuộc về toàn dân thì dân ủng hộ chính trị. Quyền lợi thuộc về phe nhóm thì dân không tin vào chính trị ấy nữa, đừng nói là ủng hộ. Mất hay được lòng tin phụ thuộc vào chính trị ấy đưa lại quyền lợi cho ai.
      Cũng có khi chính trị dùng thủ đoạn. Nói vậy nhưng không phải vậy. Ban đầu có thể mỵ dân nhưng lâu dài thì không thể. Để có chính trị dài lâu thì cần có chiến lược từng bước cải thiện lợi ích của toàn dân mà cốt lõi là của nhân dân lao động. Lợi ích ấy không chỉ ở cơm ăn áo mặc, mà còn ở học hành, ở tự do, ở mưu cầu hạnh phúc. Trong tự do thì trước hết là tự do tư tưởng. Tư tưởng không thông bình tông cũng nặng, đã thế thì lấy đâu ra sức lực, trí lực thực thi những sự nghiệp lớn.
      Chính trị, thực ra là không phải để trị ai cả, mà là để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.  Cái chỗ để trị, nếu có vào một lúc, một nơi nào đó, không phải là cái công việc cơ bản của chính trị. Còn nếu ở đâu cũng nghĩ tới trị cả, hoặc vì nhóm lợi ích mà trị  thì không còn là chính trị nữa. Khi đó chính trị biến thành tà trị.
      Cũng có khi ta cho rằng hễ trị hết kẻ xấu ắt là còn toàn người tốt. Cuộc đấu  một mất một còn giữa đỏ và đen kết thúc, thắng lợi thuộc về bên đỏ, thì đen sẽ không còn. Thực ra không phải vậy. Trong lòng anh đỏ có một chút đen và trong lòng anh đen có một chút đỏ, như là thái cực đồ. Một khi phần đen không còn thì phần đỏ nở ra, loảng đi, chỉ đỏ lờ nhờ. Khi đó cái chút đen trong lòng anh đỏ cũng nở theo ra, có thể còn nguy hơn anh đen đã mất, vì nó là cái đen tận sâu thẳm trong lòng cái đỏ.  Vì nó ở sâu trong lòng nên xóa đi không được, khi đó nó lại bành trướng dần thành mảng đen mới trong thái cực đồ.
       Chính trị, suy cho cùng là quyền lợi. Hài hòa các lợi ích thì chính trị sẽ bền. Chính trị cũng là khoa học, cũng là triết học. Cái lõi triết học của chính trị không phải là mâu thuẩn đối kháng một mất một còn mà là sự cân bằng giữa các lực lượng, sự hài hòa giữa các lợi ích song song tồn tại của mọi giai tầng, mọi người dân, như vạn vật trong vũ trụ, như mọi sinh linh trong trời đất. Thuận theo đạo trời mà định ra đạo người. Người làm chính trị vận đạo người thành luật lệ. Người sống theo luật là đi theo con đường dễ thấy của đạo. Đạo có âm dương, có ngày đêm, có nam nữ, có đỏ đen.... Khắc mà không diệt. Nếu khéo kết hợp thì còn nẩy nở sinh sôi, phong phú muôn màu.
                                                                       7/4/2011

Chúng ta đang đánh mất dần một phần ngôn ngữ

 
     Cùng với tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta đang đánh mất dần đi một phần ngôn từ của ngàn đời nay gắn liền với văn hóa nông thôn, nông nghiệp. Quả là các cháu bây giờ không thể nào hình dung được cái cày chìa vôi, cái cào tre, cái hái. Thử điểm một số từ quen thuộc cũ để chỉ các công cụ làm nông như bừa dựng, bừa đạp, trang, phạng, dụi, gàu,…;  đến vật dụng hàng ngày cối xay cối đạp, nia mẹt dần sàng, mủng cạu, nồi bù niêu mốt, trách, sanh, chum trịnh…Các cháu làm sao hình dung nổi những từ đòn xóc, đòn triêng, trốc gióng, giành, trác là để chỉ cái gì. Càng khó hình dung từ khu đị...
    Những nhà nghiên cứu ngôn ngữ có thể thống kê những từ nào đã mất hẳn, những từ ít người còn nhớ, những từ ít khi dùng, những từ có khả năng mai một không lâu sau nữa…
Tôi không làm được điều này, nhưng tôi xót xa khi thấy chúng đang mất dần đi cùng với những bờ xôi ruộng mật, cùng cây đa bến nước sân đình, cùng những dòng sông, những ao làng bị bức tử, cùng với đại ngàn Trường sơn chỉ còn trong huyền thoại.
     Khi con cháu ta không còn hiểu ông cha nói gì, cảm xúc ra sao thì làm sao chúng có thể phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mà tổ tiên để lại. Khi ngôn ngữ mất đi một phần là thông tin là hồn cốt của văn chương, của ca từ điệu hát, của lời ăn tiếng nói, của câu chào hỏi, và của văn hóa nói chung bị mất đi, bị mai một đôi phần.
     Đứng trước cái mất và cái được đang diễn ra chóng mặt hằng ngày, có khi ta không kịp cân nhắc đo đếm xem bên nào nhiều bên nào ít. Cái được thì nhoang nhoáng trước mắt, cái mất thì lặng lẽ sau lưng, đến khi chợt tỉnh, quay đầu nhìn lại, biết đâu một khoảng trống kinh người.  











Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Chiều nay

quanh năm cày bừa tất bật
nào hay ý nghĩa cuộc đời
chiều nay thả mình trên cỏ
ta làm chú nghé rong chơi


đồng xanh mơ màng ru cuội
chiếc cò lẻ cánh chân mây
giật mình đằng đông sấm dậy
lằn lưng tia chớp chạc cày
                           1998
                         *****


            Hai ngày qua về Nghệ, được ghé thăm vài chốn cũ. Trông trời đất cỏ cây mà nhớ tuổi thơ ở đó. Được nghe những ngữ âm thuần Nghệ mà thương mà vương vấn con người. Lại chợt nghĩ, biết đâu một mai các phương ngữ Nghệ mất dần, cái đằm sâu tiếng Nghệ phôi phai. Biết đâu một mai con cháu không còn nhắc đến đìa hói rú ri nống nia đọi vẹm, không còn chi mô răng rứa nữa thì phương ngữ Nghệ thành ra di sản có nguy cơ mai một.
           Về quê nao nao cõi lòng, buồn vui xen lẫn, như có gì vương vất níu giữ, lại như có gì hờ hững xua đi, chân bước rồi vẫn muốn quay đầu lại, quay lại rồi đành nuốt nghẹn ra đi...

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

Biết đâu

ra đời học thuyết nhân mãn
trăm năm trước HIV
loài người không tin Thượng đế
biết đâu một cõi mà về

Tính

giống muỗi hút máu người thì vẫn sinh sôi
cá Ông cứu người mỗi ngày một hiếm
kẻ thù bị diệt đã đành, loài người còn diệt cả bạn bè quý mến
mà tính cho cùng bạn còn chết nhiều hơn
                                                     3-98

ĐẢNG LÀ TỔ CHỨC TỰ NGUYỆN

   Đảng là tổ chức tự nguyện, là tập hợp của những người tự nguyện đi theo một mục đích lý tưởng. Ngày nay mục đích lý tưởng đó được thể hiện bằng mục tiêu: "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh", tiến tới xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Đảng viên là người thấm nhuần mục tiêu lý tưởng của đảng, và nguyện suốt đời tận tụy phấn đấu hy sinh cho mục tiêu cao cả đó; tự nguyện trung thành với lợi ích của đảng, mà lợi ích của đảng không gì khác hơn là lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, và lợi ích của toàn dân tộc. Ngoài ra đảng không có lợi ích nào khác.
   Đảng là tổ chức tự nguyện, không ai áp đặt, không ai bắt buộc. Đảng viên vào đảng cũng là tự nguyện, không ai bắt buộc, chỉ có đảng viên tự giác chấp hành điều lệ đảng, tự giác tuân thủ sự phân công của đảng. Đảng viên cũng không có quyền lợi gì riêng ngoài quyền được sinh hoạt đảng. Nhưng đảng viên có nghĩa vụ phục vụ đảng phục vụ nhân dân vô điều kiện, đảng viên có nghĩa vụ sinh hoạt và đóng đảng phí đầy đủ.
   Là tổ chức tự nguyện, đảng không yêu cầu ai nuôi mình, bảo vệ mình. Nhưng từ những ngày đầu thành lập, khi đảng phải hoạt đông bí mật, không có tài chính riêng, đảng viên lại phải chịu bắt bớ tù đày, thì chính dân đã tự nguyện nuôi đảng, bảo vệ đảng. Nay đảng đã cầm quyền, tất cả đảng viên đều có lao động,(không bóc lột), đều có thu nhập chính đáng từ lao động, đảng viên đều đóng đảng phí, thì đấy chính là nguồn tài chính của đảng. Đảng hoạt động bằng nguồn tài chính ấy, và bộ máy các cấp của đảng cũng vậy. Bộ máy này vốn dĩ không phải là cơ quan hành chính nhà nước. Đảng viên trong bộ máy này không phải là công chức nhà nước, mà là cán bộ của đảng. Cho nên những cán bộ này hưởng lương của đảng chứ không phải hưởng lương công chức.
   Ngoài nguồn đảng phí ra, đảng nên có phần thu từ những đảng viên mà nhờ có sự giới thiệu hoặc đảm bảo từ đảng mới có được vị trí trong bộ máy công quyền, trong cơ quan dân cử, trong các tổ chức đoàn thể, trong các tập đoàn công ty nhà nước... và được hưởng lương nhờ đó. Những người này phải trích nộp cho đảng ít nhất 10% lương chức vụ mà nhờ là đảng viên người ấy mới có được chức vụ đó. Đảng cũng có thể có nguồn tài chính từ các xuất bản phẩm như sách báo, tài liệu. Đảng cũng có thể có thu từ những hợp đồng nghiên cứu, tổng kết, tư vấn... cho các tổ chức, các tập đoàn...Có thể đảng còn những nguồn thu chính đáng khác nữa mà tôi không thể hình dung hết.
    Khi đảng đã có nguồn thu chính đáng của mình, với tư cách là một tổ chức tình nguyện, đảng không cần và cũng không nên dựa vào một nguồn kinh phí nào khác, kể cả nguồn tài chính quốc gia.
   Một khi đảng làm được như vậy, đảng đúng là người suốt đời tận tụy hy sinh vì dân vì nước. Một khi đảng quy định như vậy thì bọn lạm dụng chức quyền, bọn tham nhũng biến chất không còn chỗ dung thân và đảng trở nên trong sạch và vững mạnh. Khi đó thì dân càng tin đảng và nguyện theo đảng tới cùng. Khi đó dù đảng không muốn độc quyền chính trị thì dân vẫn tin tưởng chọn đảng là đảng cầm quyền.

vtc14 đã phát chương trình nhà mát...

Chiều qua VTC 14 đã phát chương trình nhà mát về chủ đề bố trí đưa thiên nhiên vào không gian nhà liền kề trong khu đô thị và lấy nhà mình làm ví dụ minh họa. Cả nhà tự nhiên thấy mình lên hình. Thôi thì tự nhủ: góp một chút con con vào việc giữ gìn bản sắc xưa với mọi người và lưu dấu hồn cốt thiên nhiên trong chừng mực mà mình có thể. Và cũng là để nhắc mình: lũa của cây là đây, lũa của mình ở đâu?

Chùm thơ ngắn hồi ở Quế phong cuối những năm 80

chỗ

con ếch kêu bên bờ ao
con chim hót trên trời cao
ta ngâm thơ trong lều cỏ
nếu đổi chỗ e không còn gì nữa



bên này

quanh năm rau đậu tương cà
quẩn quanh thanh đạm vào ra bên này
bên tê không cấy không cày
muốn sang mà chắc gì quay được về



ta về

ta về đậu lại vườn hoang
nghe con chim hót ngỡ ngàng nhận ra
rằng ta không cửa không nhà
như con chim mãi hót ca giữa đời



ngỡ

ngày ra bận bịu với đời
đêm về ngâm vịnh thảnh thơi một mình
ngọn đèn con mái lều tranh
gặp câu hay ngỡ đã thành bồng lai



mùa thu

tôi còn trọn một mùa thu
trĩu nặng cây đời ươm mật
trái chín là điều chân thật
tôi để dành dâng cho em

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

VỀ QUÊ NGOẠI

     Vợ chồng tôi cùng về quê với vợ chồng chú Hùng. Xe đi từ Hà Đông qua Bình Đà, Chuông Vác, Vân Đình, Tế Tiêu, ngoặt ra chợ Bến, nhập vào đường Hồ Chí Minh. Xuôi nữa đã là vườn quốc gia Cúc phương, rồi Thạch thành, nơi xưa tôi học đại học, rồi Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lăng Chánh, qua tiếp vườn quốc gia Bến En mà vào đất Nghệ. Đường đi quanh co đèo dốc mà xanh mướt một màu xanh đồng, xanh bãi, xanh sông , xanh rừng. Mướt mát xanh thế mà nhà cửa lèo tèo bên sườn núi, mà chen chúc nhếch nhác nơi thị tứ. Thỉnh thoảng có vài biệt thự nổi lên chẳng mấy hòa hợp với cảnh quan núi rừng đồng bãi.
    Về đến Nghệ tôi thực sự ấn tượng với cảnh quan và con người nơi đây. Dòng sông Lam chưa phải đầu mùa nước nhưng đã dềnh lên nhờ đợt mưa kéo dài cả tuần vì gió mùa đông bắc.


Chúng tôi đi đò dọc ngược dòng Lam để về quê chú Hùng, vì đường bộ lầy thụt đến mức không có xe nào chạy được. Lên đò là tiếp một cuốc xe trâu. Trông con trâu gù lưng kéo xe qua những hố sâu đặc quánh bùn mà thương. Chẳng gì thì mình cũng cầm tinh con trâu.
                                                                    
Con trâu trâu còn non kéo con trâu người đã già. 
     Bà con ai cũng xuýt xoa vì chuyện chúng tôi về quê trong mùa lầy lội như vầy, nhưng với tôi thì đây là một kỷ niệm khó quên về quê, về cảnh, về người.


  






      Lại ngược bờ sông Lam theo quốc lộ 7, để lên Con Cuông, vào vườn quốc gia Pu mát, chập chiều về ngồi quán Liên Châu bên bờ sông mà ngắm hoàng hôn. 
Gió lạnh từ sông thổi lên, nước chảy qua ghềnh dợn sóng, những cây sung bên bờ lộc nõn, cơm chiều có món cá lăng...
   Ngày sau về Thanh Chương quê mẹ. Cũng theo đường HCM mà đi, chẳng mấy chốc đã về tới Rộ.
   Ngoặt một tí là đến cầu Bến quan, gặp lại người thân, bà con họ hàng. Đi quãng ngắn vào làng là gặp xe đưa bà Oanh, bà Huệ, bà Hà từ Pháp về từ Sài gòn ra. Mừng quá, ngẩng nhìn lên cao xanh thấy như tổ tiên ông bà phù hộ độ trì sắp đặt mà có.


Thắp hương đền Nam Nhi bên bờ vực rồi cùng chụp ảnh với các dì. Chỉ biết chúc các dì sức khỏe, chúng cháu không ở lại được, mong các dì lượng thứ.








    Lên thắp hương nghĩa trang họ Phan trên lưng chừng ngọn thung Lều, nhìn về hướng đông, hướng nam phong quang sáng sủa mà thấy thanh thản trong lòng. 


     Ghé thăm ả Thu, dượng Lới, anh ả đều khỏe cả, thế là mừng. Rời quê với bao nhiêu kỷ niệm một thời chăn bò, bắt dam, hái sim, hái móc, một thời hồn nhiên trong veo như những thiên thần...
   Trở ra, lại cũng theo đường HCM. Tạt vào suối cá thần. Dù đã có nghe, dù đã xem qua màn hình mà vẫn không hết ngạc nhiên. Dòng suối cạn đầy cá, dày đặc, chen nhau mà bơi, len lách qua nhau, vọt lên mà đớp mồi do du khách thả xuống. Lạ là chỉ có một loại cá, to nhỏ khác nhau, có nhiều con ước chừng năm sáu ký và không hề lẫn với cá tự nhiên nào khác. Lạ nữa là chúng không đi đâu xa, chỉ quanh bên miệng hang, và tối đến thì vào hết trong hang không còn một cá thể nào ở lại bên ngoài. Nhưng lạ hơn hết là còn một nơi con người ta biết trân trọng thiên nhiên, biết giữ gìn những giá trị thiêng liêng và biết chế ngự lòng tham vô hạn của mình.

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Trí thức

có người tài trí và tỉnh thức
có tâm, có tầm lo đất nước
chắc còn cân nhắc xem thế thời
lúc này nên xử hay nên xuất.


nhiều người tài trí và cũng thức
có chuyên môn sâu trong quãng hẹp
cho dù việc lớn muốn chung vai
cũng chẳng thể nào làm gì được


có người đủ trí và cũng thức
nhưng chỉ nhăm nhăm cái nhãn mác
sao cho thật nhoáng và thật kêu
thây kệ non sông cùng đất nước


có người cũng trí và rất thức
thậm chí năm canh không nhắm mắt
tính xem cái ghế kê vào đâu
lo sao cho bền và cho chắc


nhiều người cũng trí mà không thức
suốt ngày lim dim không mở mắt
tưởng như cao sâu trong tham thiền
thực tình mơ màng trong cõi gật


còn thì chẳng trí cũng chẳng thức
chỉ bỏ tí tiền mua bằng cấp
làm bùa phù phép leo lên dần
trong cuộc đua thăng quan tiến chức.