Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

MƠ VỀ MỘT MAI QUÊ NGOẠI


     Hói Trừng chảy từ Thanh An sang Thanh Chi. Riêng đoạn qua làng ta ước chừng gần 2 km, tính từ điểm giữa đội 10 và đội 9b, cho tới cửa hói. Nếu đắp con đập ở cửa hói để tích nước, làng ta nói riêng và Thanh Chi nói chung sẽ có một cái hồ chứa nước tự nhiên kéo dài từ cửa hói lên tới tận cầu Chi Nê với bề rộng mặt nước lên tới gần chục héc ta và có sức chứa nửa triệu khối nước.
    Khi hói Trừng biến thành hồ Trừng thì không chỉ làng ta mà các xóm thượng nguồn cũng có thêm nguồn nước tưới chủ động; Mặt hồ có thể cho đấu thầu thả cá hoặc cho các gia đình nuôi cá lồng bè. Còn trên bờ trồng rau màu; Có thể lập thêm trang trại chăn nuôi ở nơi xa dân cư, v.v... 
     Khi ấy bên bờ không còn là những bụi gây na sắc nhọn cùng những loài cây dại rậm rạp mà là một cảnh quan tuyệt đẹp với những gốc mưng và những vườn cây trái bên đường dạo quanh hồ.
    Giải pháp kĩ thuật không quá phức tạp. Chỉ cần ba khâu:
 -1. Đắp đập
 -2. Xây cống xả tràn hoặc đập tràn.
 -3. Có thể đào thêm mương xả tràn ở đoạn giữa đội 9 b và đội 10, nơi gần sông Lam nhất (chỉ khoảng 50 mét, được chấm đỏ trên bản đồ)
     Điều này các chuyên gia thủy lợi rành rọt hơn, cần sự tham vấn  của họ.
     Có thể là tôi đang mơ, một giấc mơ hão huyền. Cũng có thể là hiện thực một ngày mai tươi đẹp của làng quê tôi: Sẽ quy hoạch mở rộng một thị tứ Cầu Quan, tôn tạo chỉnh trang một làng cổ  Chi Phú, lấy rú Mấc làm điểm tựa, nhìn ra sông Cả  mênh mang và sông Con hiền hòa cùng với một hồ Trừng uốn quanh thơ mộng.
      30/1/2024

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

ĐỒNG LÀNG

    Làng tôi xưa chỉ có độ dăm chục nóc nhà, mà nay, sau hơn nửa thế kỷ thì hình như vẫn thế. Số nóc nhà không tăng thêm, có thể nhân khẩu cũng vậy. Có lẽ vì nhiều người ra đi. Cũng có thể vì ruộng nương không nhiều. 
      Làng tôi có Rọong Vạy, Rọong Dung, Rọong Ao, Hoà Lang, Cơn Thủng, Cựa Đình, Cơn Gôm, Cơn Rác, bại Cả Chài, và mảnh Rọong Hà nho nhỏ.
       Có những đám mang tên Cơn Dung, có thể vì ngày xưa nơi ấy có cơn dung- một loài cây lấy gỗ thân thẳng màu gỗ trắng mịn. Dám có tên Cơn Thủng, chắc là ngày xưa ở đám đất cao ấy có cây gì không rõ  nhưng lâu năm rỗng ruột mà gọi là cơn thủng. Còn cơn gôm là một loại cây cho quả ăn được, ngon, thơm, đặc biệt là bùi. Tôi nhớ chỉ còn duy nhất một cây gôm ở đình, mọc lẫn trong đám thị rừng và những cây dại khác... Còn đồng đất cuối làng được gọi là cơn rác, thì tôi chịu không luận ra được là cây gì?

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

NHỊN

 Đã đến lúc nghe vợ
Bảo đi - ừ thì đi
Bảo đứng - ừ thì đứng
Không bảo thì tùy nghi

Vợ cho gì ăn nấy
Dù ngon hay không ngon
Vợ bảo gì làm nấy
Dù là vuông hay tròn

Tuyệt đối không tranh luận
Làm bà ấy tăng xông
Bà mà ngã ra đấy
Nhọc cả bà lẫn ông

Chấp nhận bà luôn đúng
Tranh luận có ích gì
Thôi thì lùi một bước
Cho yên ấm mọi bề

Cứ để bà ấy quyết
Tất tần tật mọi điều
Mình lặng lẽ thực hiện
Không cần phải nói nhiều

May bà không ngu lắm
Dù cũng có khi sai
Mà thế là hay đấy
Để bà đỡ ra oai

Ngoài đời thì cũng vậy
Có đảng nhà nước lo
Cho nói thì được nói
Cho ho thì được ho

Muốn dân chủ khó lắm
Khi thằng lú còn nhiều
Mà hắn lại có súng
Và có cả máu liều

Nên lắm lúc phải nhịn
Để yên ấm trong nhà
Và giữa thời bĩ cực
Cũng phải nhịn cho qua.
       15/1/2023


Thứ Ba, 9 tháng 1, 2024

THƠ CỦA ÔNG PHAN THÚC NGÔ

SỰ ĐỜI

Trăm sự trên đời lợi dụng nhau.

Quanh đi,quẩn lại có gì đâu.

Nếu bồ không thóc,câu nào đến.

Kìa mật đầy chai,kiến đã vào.

Thừa gió bẻ măng, từ bữa trước. 

Qua cầu, cất nhịp giã hôm sau.

Đố ai thắp đuốc tìm cho được. 

Đạo đức ngày xưa có chốn nào.

  (Bài thơ này là do ông Phan Thúc Ngô sáng tác cách đây gần 100 năm, vẫn thấy nguyên giá trị. Ông Phan thúc Ngô là quan lại triều đình Huế, nhưng rất yêu nước, không phải như ông Đặng Thanh viết trong truyện X 30 phá lưới . Do sự nhầm lẫn của cách mạng, ông đã chết trong tức tưởi. Mong ông được siêu thoát)


         CÔNG LÝ

Có lý gì mà được gọi công.

Thử giương đôi mắt đứng mà trông.

Hùm khoe tổ nghiệp trong rừng rậm.

Mập choán gia tài giữa biển đông.

Trâu ngã bên khe còn mổ thịt. 

Rồng nằm trên kiệu lại dâng bông (hoa).

Nhớ câu ngạn ngữ thường hay nói.

Mạnh được hèn thua, thế phải không. 

     Phan Thúc Ngô 1884_1945

Cảm ơn cháu Nguyễn Sĩ An đã cho thông tin.

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2024

SUY NGHĩ ĐẦU NĂM 2024

  Nước ta nói riêng và thế giới nói chung đang tiến tới trạng thái bão hòa tiêu dùng. Năng xuất lao động tăng, tốc độ ra hàng nhanh khiến cho các loại hàng hóa tiêu dùng tràn ngập thị trường. Xe cộ các loại, diện máy các loại, quần áo, giày dép, chăn mền... tất tần tật đều ê hề. Kể cả bất động sản.

      Kéo theo:
* Sẽ phải giảm bớt công suất và sản lượng của các dây chuyền sản xuất.
* Sẽ ứ  đọng dòng vốn, trì trệ tín dụng.
* Sẽ dư thừa nhân công dẫu tới nguy cơ thất nghiệp.
* Sẽ giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
* Sẽ giảm thu nhập và phải cắt giảm chi tiêu...

     Giải pháp:
* Giảm thời gian lao động trong ngày hoặc trong tuần.
* Tạo nên việc làm mới, công nghệ mới.
* Đầu tư cho học tập và rèn luyện sức khỏe thể chất, tinh thần.
* Đầu tư cho môi trường đất, nước, không khí,và môi trường lao động.
* Trồng rừng, tái tạo rạn san hô... tái tạo hệ sinh thái cân bằng tự nhiên, tái tạo lại rừng vàng biển bạc vì lợi ích lâu dài của con cháu mai sau.
* Giải phóng tư duy, khuyến khích sáng tạo.
* Thay vì chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hãy chú trọng tăng trưởng đạo đức và hạnh phúc, không chỉ với quốc gia mà là với mỗi người mỗi nhà. Thay vì chỉ nghĩ đến chỉ số thống kê thô, hãy quan tâm hơn đến chất lượng mịn.
    Mong lắm thay.
                     2/2/2024