Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

TỪ ĐỊNH LÝ BẤT TOÀN NGHĨ VỀ MỊN

    Hình học không thể chứng minh được định đề song song, để rồi Ơ-clit đúng mà phi Ơ-clit cũng đúng. Trong vật lí Niu- tơn đúng mà Anh-stanh cũng đúng. Mọi khoa học thực nghiệm đều phải dựa vào một giả thuyết nào đó để giải thích các hiện tượng. Mọi lí thuyết suy diễn đều phải dựa vào các tiên đề (mặc nhiên thừa nhận mà không thể chứng minh). Mọi sinh linh đều chấp nhận sinh tử mà hầu như không hiểu gì sinh tử. Con gà có trước hay quả trứng có trước vẫn là câu đố hoàn toàn không có lời giải. 
    Tự nhiên và bản năng là những thứ được sắp đặt và lập trình sẵn. Nhưng ai sắp đặt, ai lập trình là những câu hỏi loài người cố tình lãng tránh.
    Không một hệ kín nào tự chứng minh được mình. Vũ trụ thô cũng vậy. Lời giải là ở thông tin. Và thông tin ở trong mịn.

P/S. Vận tốc ánh sáng trong chân không là hằng số c.  Anh-stanh đã xem điều này như là một tiên đề. Vận tốc c  phụ thuộc vào hai độ đo: khoảng cách và thời gian. Nhưng trong chân không thì đo bằng cách gì? Điều đó ông không đề cập đến. Trong khi toán học đã xét đến độ đo trong không gian liên tục trù mật metric.  Nghĩa là phải đo trong không gian mịn. Và như thế các tiên đề có thể là đã đến từ mịn.
Năm 1931, nhà toán học trẻ Kurt Gödel có một khám phá mang tính bước ngoặt, gây ra những chấn động lớn như những gì Albert Einstein đã làm.
Nhưng trớ trêu thay, không mấy ai biết về nó...


M.TRITHUCVN.NET
“Định lý Bất toàn của Gödel: Khám phá Toán học số 1 trong thế kỷ 20” là một bài giảng của Perry Marshall. Nhưng trớ trêu thay, không mấy ai biết về nó.

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

TRÍ NHỚ CẢM XÚC

       Đến tuổi này, điểm lại cái nhớ cái quên mới hay là đã quên hầu hết. Quên công thức, định lí, đã đành, dẫu xưa vanh vách. Quên cả những bài thơ đã học thuộc lòng thuở nhỏ. Quên đến mức không còn biết hồi cấp 1, cấp 2 đã được học những bài nào. Quên cả những người từng làm việc với mình một dạo...
      Thế mà có những câu thơ chỉ tình cờ được nghe mà nhớ mãi. Còn bài Màu tím hoa sim chỉ nghe một lần mà nhớ như in đến tận bây giờ. Có người chỉ gặp một lần rồi xa mà mãi không quên. Và như gốc khế hai thân trong khe ông Ngãi, chẳng là gì mà cứ ở hoài trong tâm trí...
     Thì ra trí nhớ hầu hết thuộc về cảm xúc. Điều gì gây ấn tượng, xúc động, rung cảm.. thì nhớ mãi, không cần nhắc đi nhắc lại, không cần phải học thuộc lòng. Ngược lại, dẫu có thuộc lòng, mà không rung động thì trả bài xong, là quên.
     Lập lối mòn vỏ não chỉ là nhớ tạm, đại não cũng chỉ là bộ nhớ thô, dẫu có tinh vi nhường nào. Tư duy cũng vậy, kể cả là tư duy logic, lập trình, thuật toán, chỉ là tư duy thô. Chớp lóe sáng tạo như Ác- si- mét khi hô "tìm ra rồi", như Niu- tơn thấy quả táo rơi, như Anh- stanh  với tiên đề vận tốc ánh sáng, hoặc như Phật khi đốn ngộ, ấy là tư duy mịn.
     Nghiệm ra được điều này thì đã già quá rồi. Ước gì trở lại ngày xưa, khi còn đứng lớp, để dạy cho trò tất cả mọi điều thông qua cảm xúc. Chỉ có cảm xúc là sống mãi trong lòng. Người xưa nói: "Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời", là vậy. Cũng nhờ vậy, giờ mới thấm một câu đã học thời sư phạm: 
    "Sự nghiệp giáo dục bắt đầu bằng tình cảm và cũng kết thúc bằng tình cảm".
     Cuộc sống, đời người, suy cho cùng là một chuỗi cảm xúc được lưu trong mịn. Còn nữa chẳng  là gì,  chỉ là cát bụi hư vô.