Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

NHÂN LOẠI THƯƠNG THAY

      Ong có ong chúa, kiến có kiến chúa, mối có mối chúa. Nhờ có chúa, lại là nữ chúa hiền minh mà xã hôi loài ong, loài kiến được phân công tổ chức chặt chẽ và ôn hòa.

    Loài thú sống thành bầy đàn, phải có đầu đàn, thường là giống đực mạnh mẽ và hung dữ. Ở đây cũng có trật tự, nhưng nhất thời và cục bộ. Đầu đàn không đủ mạnh thì thay, thay không được thì tan.

     Loài người tụ thành quốc gia dân tộc, để duy trì trật tự, thêm nữa để chống lại ngoại xâm cũng phải có kẻ đứng đầu. Có thể là vua, là chúa, có khi là nữ chúa, nữ hoàng, tất cả họ đều phải có sức mạnh và mưu lược. Hơn nữa, phải có đại đức. Tiếc là xưa nay các vị đại đức không mấy ai được làm vua, càng ít người đại đức muốn làm vua. Đến cả Đức Phật cũng bỏ ngai vàng. 

    Nhân loại, thương thay!

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

TRẰN TRỌC

 Quá nửa đêm 
thức giấc 
ngoài xa kia 
vẫn xập xình tiếng nhạc 
thương người không ngủ được 
ngày mai vẫn phải kéo cày
29/5/2022

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

MƯỜI NĂM SAU ĐỌC LẠI MTĐK

      MÂU THUẪN ĐỐI KHÁNG

     Mâu thuẩn, tồn tại trong mọi sự vật. Điều này tôi được học từ hồi còn trẻ. Tôi cũng được học mệnh đề: sự tác động qua lại giữa các mặt đối lập làm cho sự vật vận động và phát triển. Đại loại là vậy. Đã hơn bốn mươi năm qua rồi, không nhớ chính xác từng câu chữ môn triết học nhà trường ấy nữa. Cái ấn tượng còn lại tới giờ không phải lả chỗ đó, mà là ở chỗ đẩy cái mâu thuẩn vốn có trong lòng mỗi sự vật lên thành mâu thuẩn đối kháng một mất một còn.

   Ngày ấy tôi đã tự hỏi, tự hỏi thôi chứ không dám hỏi thầy:- nếu mất âm đi thì còn gì trong cái mâu thuẩn âm dương? Còn mỗi mình dương chăng? Một mình dương thì dương với ai? Tôi hỏi bạn, bạn chẳng trả lời. Tôi im lặng nốt, vì tôi đã thấm thía cái hậu quả của sự hỏi ngược. Nếu không còn đêm thì chỉ có ngày, như là đêm trắng ở bắc cực, nhưng mà có là đêm trắng mãi không? Không còn đen mà  chỉ có đỏ, thế giới này chỉ có một màu, có còn là thế giới nữa không?
   Mèo và chuột có đối kháng không? - Lại là một câu hỏi khác. Có một mất một còn không?. Nếu mất hết chuột rồi thì mèo ăn gì mà sống? Mà chắc gì chuột diệt vong, có khi ngược lại, mèo lại ra đi trước, như hổ báo và sư tử vào thời điểm đang đến dần này vậy. Nhưng, nếu hổ báo diệt vong rồi, loài người lại cũng văn minh lên mà không săn bắt hươu nai nữa thì liệu có đến một khi hươu nai sẽ chiếm hết cả rừng cây đồng cỏ ruộng lúa của con người như từng xẩy ra với thỏ ở Úc châu xưa?
   Lo xa, chứ loài người còn lâu mới văn minh cỡ đó. Nhưng cứ giả sử theo cái lý "một mất một còn" tới cùng đi, xem thử tới đâu. Lại mở ra câu hỏi: có thực mèo chuột là một cặp mâu thuẩn đối kháng không? Có thực chúng mâu thuẩn với nhau không hay thuần túy chỉ là mèo cần tới chuột như là một thứ thức ăn khoái khẩu? Mèo ăn no rồi nằm lim dim ngủ, chuột có đi qua cũng mặc, vậy ra không phải là mèo căm thù chuột. Căm thù, thì dù có no cũng diệt, diệt cho bỏ tức, đằng này lại không. Còn chuột có căm thù mèo không? Chắc là chúng nó không có phạm trù đó. Có chăng là chuột sợ mèo theo bản năng thôi.
   Ngược lại, ngay trong nội bộ loài người thì lại có triết lý về "mâu thuẩn đối kháng, một mất một còn". Và có lẽ nó- mâu thuẫn đối kháng- ra đời chưa lâu.  Nhưng dẫu chưa lâu thì triết lý này cũng đã đủ để dẫn tới cuộc chiến "ai thắng ai" kéo dài cả thế kỷ. Xương máu cỡ nào thì mọi người đều biết. Cái giá phải trả cho triết lý ấy là quá đắt. Cái giá đau xót vô cùng này buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi:
   _Vậy thực chất có mâu thuẩn đối kháng không? Có thực sự cần một mất một còn không? Có thể có một còn một mất không?
    _Trong thế giới tự nhiên thì không! Chắc chắn không!
   Trước khi có triết học duy vật biện chứng ở châu Âu, văn hóa phương đông đã bàn đến thái cực và lưỡng nghi, đã đưa ra thái cực đồ. Giữa nền trắng thì thái cực đồ có hai màu đen đỏ quện bên nhau, và thêm nữa, trong đen có một chút đỏ, trong đỏ có một chút đen. Còn giữa nền đỏ thì thái cực đồ lại là hai màu đen trắng. Chưa bao giờ mất hẳn đen chỉ còn lại trắng, cũng chưa bao giờ mất hẳn trắng chỉ còn đen. Lưỡng nghi có thể vận ở âm và dương, đàn ông và đàn bà, ngày và đêm, cứng và mềm, nóng và lạnh,v.v... Lưỡng nghi có khắc mà không diệt. Đặc biệt khi phát triển âm dương đi cùng ngũ hành thì quan hệ sinh khắc trong ngũ hành vượt trội hẳn lên so với thuyết mâu thuẩn với hàm ý chỉ có khắc. Sinh khắc trong ngũ hành tiếp diễn tuần hoàn thành chuỗi không giới hạn chính là động lực cho sự vận hành trong sinh giới nói riêng và trong vũ trụ nói chung. Và cũng chính sinh khắc tuần hoàn này đảm bảo cho sự bình đẳng tồn tại đa dạng trong sinh giới cũng như sự tồn tại của mọi hình thái vật chất khác.
    Văn hóa phương đông thì vậy, còn triết học phương tây thì có bàn tới mâu thuẩn đối kháng một mất một còn không? Điều này thì tôi không biết, mong các cao nhân chỉ giáo. Điều tôi biết chắc chắn là chúng tôi có được học những thứ đó trong trường mà không rõ lắm gốc gác từ đâu. Để giải quyết rốt ráo mâu thuẩn đối kháng thì phải đấu tranh vũ trang, phải dùng bạo lực này để đánh bại bạo lực nọ. Đánh bại rồi nhưng mần mống chưa hết thì vẫn phải tiếp tục dùng chuyên chính cho đến thắng lợi cuối cùng. Điều này không chỉ dừng ở cái sự được học trong trường mà còn được kiểm chứng trong thực tế cuộc sống, thậm chí tất cả chúng ta đều là người trong cuộc, là nhân chứng, là người anh dũng hy sinh, là kẻ vô tình bị hại... Tôi xin không dẫn thêm gì nữa.
   Rõ ràng là chúng ta đã vận cái thuyết mâu thuẩn đối kháng này vào chính cuộc sống của mình, của gia đình mình, của dân tộc mình. Chúng ta có người đã thắng, có kẻ đã thua, nhưng đều là con Lạc cháu Hồng, nên nỗi đau không của riêng ai. Đứng trước nỗi đau này chúng ta một lần nữa lại phải hỏi; có thật sự tồn tại hay không cái gọi là mâu thuẩn đối kháng một mất một còn.
   Lý luận ở nhà trường chỉ ra đó là mâu thuẩn giữa nông dân và địa chủ, giữa công nhân và tư sản...Không ai phủ nhận nông dân và địa chủ mâu thuẩn nhau về lợi ích. Nhưng có đối kháng không? Theo tôi thì không! Vì sao vậy? Vì địa chủ cần có nông dân, là người trực tiếp lao động làm ra của cải cho mình. Vì nông dân cũng cần địa chủ, là người cung cấp cho mình tư liệu sản xuất để làm ra sản phẩm không chỉ cho địa chủ mà còn một phần cho mình, đấy là chưa kể địa chủ còn là người đưa ra kế hoạch sản xuất, lên lịch mùa vụ, là người quản lý và điều hành toàn bộ quy trình sản xuất, nghĩa là địa chủ cũng đã bỏ tâm sức vào quá trình làm ra sản phẩm. Có mâu thuẩn trong phân phối sản phẩm không? Chắc chắn là có nếu nhìn vào tỷ lệ ăn chia, hay tổng sản phẩm bình quân đầu người. Nhưng có đối kháng lợi ích không? Thì không! Vì ngoài tư liệu sản xuất ra thì địa chủ còn có chất lượng lao động khá hơn, hàm lượng chất xám cao hơn. Ngoài ra cũng phải xét đến một khía cạnh nữa là tỷ lệ giữa địa chủ và nông dân. Tỷ lệ này càng nhỏ thì càng chứng tỏ không dễ gì thành địa chủ. Việc không dễ mà làm được thì cái giá phải cao, đó là lẽ đương nhiên vậy.
    Cũng là không đối kháng bởi địa chủ cũng xuất thân từ nông dân. Nhờ chăm chỉ làm ăn, nhờ thông minh lanh lợi, nhờ dành dụm chắt chiu mà nông dân có thể thành địa chủ. Thành địa chủ rồi, có kẻ tham lam trở lại bóc lột ức hiếp người nghèo, nhưng không phải ai cũng như vậy. Vẫn có tấm gương những địa chủ có nghĩa có tình với người ăn kẻ ở, vẫn yêu nước thương nòi, vẫn sẵn sàng cống hiến tiền của, thậm chí cả sinh mạng mình cho dân tộc. Ở thành phần nào cũng có người thế này kẻ thế khác. Quy chụp cho cả vào một rọ là không công bằng, không biện chứng.
   Cũng là không đối kháng bởi vì không phải người nông dân nào cũng nghĩ là mình bị bóc lột. Cũng có người đã từng có ruộng đất, nhưng vì ốm đau bệnh tật hoặc tai nạn hiểm nghèo nào mà phải bán ruộng đất đi, cuối cùng phải làm thuê cho địa chủ. Họ tình nguyện làm thuê đã đành, mà có khi còn hàm ơn vì còn có chốn sinh nhai. Có kẻ cờ bạc, có người tứ chiếng vô thân, có một chỗ làm đã là quý hóa. Nói vậy cũng không loại trừ những kẻ nhẫn tâm bóc lột người nghèo.
    Có thể tôi không nên dài dòng kể lể theo kiểu này nữa, nhưng với chừng ấy cũng đủ thấy nông dân và địa chủ dù có mâu thuẩn, thậm chí mâu thuẩn này có lúc căng thẳng nhưng đẩy lên đến mức đối kháng một còn một mất thì không hẳn đã là đúng.
    Bằng lập luận tương tự với các mâu thuẩn khác như công nhân và tư sản, bình dân và quý tộc, chính quốc và thuộc địa...chúng ta cũng sẽ thấy cái lý lẽ của cuộc đấu một mất một còn không hẳn là đã rạch ròi như là một tất yếu, không thể khác được.
   Cái cách chúng ta đã tiến hành để giải quyết các mâu thuẩn bằng bạo lực "ai thắng ai", cho dù đã thắng, cũng sẽ dẫn tới một mâu thuẩn khác ngay trong lòng đội quân chiến thắng. Trong bài CHÍNH TRỊ VÀ QUYỀN LỢI tôi đã đề cập, xin không nhắc lại.
    Ngày nay chúng ta đang trải thảm đỏ mời tư bản nước ngoài vào và chúng ta đang hình thành đội ngũ công nhân làm thuê hàng triệu người trong các khu công nghiệp, khu chế suất, thì mâu thuẩn đối kháng ở đâu? Một mất một còn ra sao? Có dùng bạo lực để ai thắng ai không? Chắc là không rồi.Vậy thì phải giải quyết thế nào các mâu thuẩn xã hội? Đấy chính là việc của nhà nước với các thể chế và chế tài của mình nhằm điều hòa các lợi ích. Việc ấy cần, dễ và tốt hơn rất nhiều so với việc phát động một cuộc đấu ai thắng ai.
   Đến lúc này rồi, thấm thía cái giá phải trả cho quá khứ và cả cho hiện tại, có thể còn cho mai sau, ta hãy ngẫm lại triết thuyết âm dương ngũ hành sinh khắc tuần hoàn của cổ nhân. Cũng có thể chưa cần đến triết thuyết ấy mà chỉ cần cái ngụ ngôn chuột sợ mèo, mèo sợ mẹ Đốp..., là có thể hiểu thế giới vận hành trong đa dạng và cân bằng bền vững thế nào.
   Ôi! Lý thuyết! Lý thuyết là màu xám. Lý thuyết có thể là cả máu nữa!
                                             12/4/2011

RCYT: 22. LỚP HỌC NHỎ

      Cách chỗ hợp lưu của hai dòng nậm Quang và nậm Giai xuôi về tầm tiếng súng săn có một bản nhỏ. Gần tối chúng tôi về đến bản. Đường vào bản là lối mòn đi giữa những cây bụi lúp xúp, cỏ mọc cao quá gối. Phân trâu bò đầy ứ trên các lối đi. Trâu bò rất nhiều, sức người không dọn xuể.

     Cả bản chỉ có năm nóc nhà ở heo hút giữa rừng, kề bên dòng sông bốn mùa ầm ào nước chảy. Xung quanh bản là bạt ngàn rừng lùng rừng nứa. Chúng mọc ken vào nhau, dày đặc, vươn thẳng, kéo dài tỏa ra không biết đâu là chỗ tận cùng. Các nhà đều có hàng rào nứa bao quanh, cột chéo cánh sẻ, cao tầm ba mét, đầu vát nhọn nguyên cây sắc ngọt.

       Chúng tôi về thăm nhà Bình. Đây là một trò ngoan, chăm chỉ và tiến bộ rất nhanh. Trò có họ Lê nhưng lại là người dân tộc Thái. Bình kể: ngày xưa ông nội của trò đói khổ xiêu bạt lên vùng cao, rồi nhờ bà con trên này cưu mang mà sống được nên người. Bà nội của Bình là người Thái. Bây giờ ông bà không còn nhưng năn người con của ông bà thì vẫn ở bên nhau, lập thành bản nhỏ. 

     Bố của Bình mở vò rượu cần, cả bản đến dự, cùng là anh em, thành một hội vui. Chúng tôi chào hỏi nhau bằng tiếng Thái. Nào hay trong nhóm các chị em được ngồi ghế mây có hai cô giáo. Qua bà con chúng tôi được biết các cô giáo miền xuôi lên đây đã được ba năm. Hai cô dạy ba lớp 1, 2, 3 với chỉ hơn chục trò. Mọi người khen các cô hiền, chịu khó chịu khổ. Ai ai cũng thương các cô.

     Hôm sau trước lúc về chúng tôi ghé qua thăm trường. Cái lán nhỏ bằng tre nứa lá. Một gian là phòng ở của hai cô, còn một gian nữa là phòng học chung cho ba lớp. Hai lớp buổi sáng, một lớp buổi chiều. Bảng đen là vài tấm ván ghép tạm, bàn của trò là tấm ván bắc qua hai nạng gỗ, còn ghế là súc gỗ được đẽo bẹp một bề và cũng được bắc qua hai cái nạng. Cô giáo không có bàn, cũng không có ghế.

      Trong phòng các cô chỉ có cái sạp nứa, chắc là hai cô ngủ chung. Trên cái giá nhỏ treo ở bức vách là mấy quyển sách giáo khoa, tập giáo án, một lọ mực và một hộp phấn. Điều khác biệt duy nhất là bốn bức vách được dán kín bằng đủ các loại nhật báo và họa báo. Các cô thường nhường cho cho chúng tôi được nói, vì các cô muốn được nghe tiếng phổ thông, tiếng của miền quê dưới xuôi xa xăm. Trong khi trò chuyện, tôi tình cờ lật trang giáo án của các cô, và ngạc nhiên thấy chữ của các cô thật đẹp, bài soạn chu dáo, tên bài đóng khung, hết buổi ngang dài, hết bài ngang ngắn...

     Chúng tôi còn phải đi, lịch trình đã định. Các cô tiễn chúng tôi ra cổng. Nhìn hàng rào nứa cao vút, vát nhọn chung quanh lán nhỏ, chúng tôi bất chợt nhớ tới chuyện hổ về làng năm nào, mà đêm qua bố Bình đã kể. Chúng tôi không dám nói lên ý nghĩ của mình. Chúng tôi chúc hai cô mạnh khỏe, bình yên. Hai cô đứng lặng nhìn theo chúng tôi, còn chúng tôi thì dừng lại vấy tay chào trước khi rẽ ngoặt vào lối mòn nhỏ hun hút giữa rừng. Tít tắp bên đường là lùng và nứa ken nhau trải dài như không có chỗ tận cùng.

                                                                Rừng chiều yên tĩnh 1984





Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

RCYT: 20. XIN NHƯỜNG

         Pu Hiêu có nhiều cây đa cổ thụ. Lâm trường đã trồng mỡ nhưng vẫn giữ lại những gốc đa làm tán che cho các cây con. Mỗi cây đa thường chín quả vào một kỳ nào đó. Suốt từ đầu xuân cho đến cuối thu, lúc nào Pu Hiêu cũng có đa chín.

      Cu xanh, sáo, sáo sậu, chào mào, yểng, vẹt... là những loài chim ăn quả. chúng mê quả đa chín mà hội tụ về, nhiều khi đông không đếm xuể. Tôi không bao giờ bắn sáo, cả sáo sậu và yểng cũng vậy. Có người lấy làm la, nhưng tôi giải thích vắn tắt rằng: Kiêng!.

      Tôi ngồi dưới tán rừng mỡ để chờ cu xanh. Mùa mưa thì đừng ngồi chờ như thế, muỗi sẽ ăn thịt đấy. còn mùa khô thì tuyệt. Cu xanh chưa về. Chúng còn đậu ở những cây cao đâu đó chung quanh. Tôi tin chắc thế. Còn sáo thì đã về rất đông và đang ríu rít chuyền cành. Chúng vừa ăn vừa xuýt xoa: ngon quá! ôi ngon quá. Và đây, một quả mọng hơn!

       Đẹt! Tiếng súng thể thao vang lên sau lưng tôi, cách chừng chục mét. Đàn sáo bay lên. Đàn cu xanh chung quanh cũng tung cao, chúng bay nhanh ràn rạt, đường bay như kẻ chỉ. Còn tôi cũng phải thét lên để báo hiệu có người.

       Súng hơi gặp súng thể thao thì nên khiêm tốn nhún nhường. Tôi nhổm dậy, định ra về, thì ngay lúc ấy có chú gà rừng bay từ đâu đến đâu lên ngay cành đa trước mặt. Nó ngơ ngác nhìn, cái đầu nghiêng nghiêng ngó ngó. Tôi kịp bóp cò. Với tôi thế là đủ. Thầm cảm ơn anh bạn có khẩu thể thao, tôi lẳng lăng ra về.

                                                 Rừng chiều yên tĩnh 1984.








Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

RCYT: 19. MỘT CÁNH CHIM

     Tầu đang chạy giữa đồng bằng bắc bộ. Đã qua cả trăm cây số mà  không thấy có gì ấn tượng khi nhìn qua cửa sổ. Ngoài kia lặng phắc, đơn điệu và tẻ nhạt. Tôi thầm mong có một cái gì sinh động, một làn gió, hay một cánh chim...
     Bỗng một đường bay xéo qua, mà cái điệu bay quen quá: vỗ cánh nhặt mạnh mấy nhịp liền để vọt lên, rồi lại nhẹ nhàng là là thả liệng một chặng dài... Rồi lại vỗ mạnh mấy nhịp liền để vọt lên... Tôi nhận ra là chú chào mào. Tôi thương như gặp lại người thân nhỏ bé của mình lạc xa giữa chốn tẻ nhạt này. Chú chào mào cố bay về phía một làng nhỏ có mấy búi tre lưa thưa phía bên trái đoàn tàu. Hình như chú chào mào đã hót lên. Tôi nghe rõ mà không dám tin vào chính tai mình.
    Mãi sau, hút bóng chim lâu rồi, tôi mới sực nghĩ: Giữa tiếng ồn của đoàn tàu mà sao mình lại nghe được tiếng con chim nhỏ? Câu trả lời không dễ có ngay. Dẫu sao tôi cũng thấy vui vui và ấm áp trong lòng.
    Tôi quay vào toa. Trên băng ghế đối diện đôi nam nữ đang nói với nhau điều gì nhỏ lắm, thế mà họ vẫn nghe được và cười lên rất tươi. Còn cạnh tôi là cụ già ngủ say như đang đêm ở ngôi nhà yên tĩnh của mình. Ồ, thì ra là vậy! Chẳng phải riêng gì tôi, mà mọi người đều có thể nghe thấy những gì cần nghe dù là rất nhỏ, và cũng sẽ có thể hoàn toàn không nghe thấy gì kể cả tiếng ồn tàu hỏa.
    Với tiếng chim nhỏ ngoài kia và điều tư lí giải này, tôi lại thấy vui vui.

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

HẠT BỤI TỈNH THỨC

               Dù hiểu biết tới đâu, con người cũng không thể trả lời được câu hỏi "quả trứng có trước hay con gà có trước?"; Có suy luận đến mấy cũng không thoát khỏi việc phải mặc nhiên thừa nhận các tiên đề. Suy nghĩ, lập luận chỉ làm rối rắm thêm chứ không giải quyết rốt ráo được điều gì. Không có hình học Euclid bánh đa vẫn tròn, không có cơ học Newton trái đất vẫn quay.  
      Nhưng con người vốn tham lam, kiêu căng và hiếu kì. Con người muốn khám phá và chinh phục. Nhưng oái oăm thay, những phát minh của con người, phần lớn lại được vận dụng trước hết vào vũ khí, khí tài quân sự- là vào chỗ giết chóc. Những ứng dụng khác như máy móc công cụ, điện, quang, hóa chất, hạt nhân, khai thác chế biến...kể cả tin học... ban đầu tưởng rằng sẽ đem lại lợi ích và hạnh phúc, nhưng rồi cuối cùng, hóa ra lại vẫn là làm hại con người và muôn loại chúng sinh. Hơn thế, còn đe dọa nguy cơ tuyệt chủng và hủy diệt.
       Con người đã nhận ra điều này nhưng chưa dừng lại được bới quán tinh của N lần CM khoa học kĩ thuật quá lớn. Lạy trời cho nhân loại kịp dừng lại hoặc kịp chuyển hướng khi còn có thể. 
      Chúng ta chỉ là hạt bụi, hãy thuận theo tự nhiên, sống an hòa cùng muôn loại chúng sinh, cùng đất trời và vũ trụ. Có khác chăng, may ra chúng ta những là hạt bụi tỉnh thức: nhận biết và thấu cảm. 
       

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

NHÌN DÒNG NGƯỜI, ĐỌC LẠI TỬ HUYỆT THỨ BA


 TỬ HUYỆT THỨ BA
 
          Trong bức thư gửi ông Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 6 năm 2011, phần 3, đoạn cuối tôi có ghi bài thơ:
    Những người vô sản nhất

Hàng triệu công nhân trên các đại công trường
Và trong các khu công nghiệp
Rời xa quê hương
Sống không gia đình họ tộc
Không tấc đất cắm dùi
Không nhà ở, không bệnh viện và không trường học
Càng không có tư liệu sản xuất
HỌ LÀ NHỮNG NGƯÒI VÔ SẢN NHẤT
Họ đang bị tư bản nước ngoài bóc lột
Ngay trên đất nước mình
Mà không biết kêu ai
Họ không được đình công, không được biểu tình
Không có quyền tự bảo vệ
Họ cũng không có người đại diện
Không có tổ chức công đoàn
Không đoàn thanh niên
Không hội phụ nữ
Không biết họ có không chi bộ?
-  Rằng không!
Vậy có còn không đảng tiền phong của giai cấp công nhân
Đảng của những người vô sản?
Vậy có còn không đảng của chính mình
Đảng cộng sản?

Và tôi viết tiếp:

"Bài thơ này tôi viết đã lâu, hồi mới rộ lên các khu công nghiệp, tôi chưa đọc ở chỗ nào và ông là người đầu tiên tôi gửi đến. Đây là hình ảnh tập trung nhất về thực trạng người lao động, không chỉ trong các khu công nghiệp, các công trường, mà ở cả nông thôn, thành thị, nơi những người cần lao đang đối mặt với cuộc sống, cuộc mưu sinh khắc nghiệt.
Xin nói thực với ông, đảng chỉ hiện diện đậm đặc nhất ở các cơ quan ban nghành của đảng, ở các cơ quan công quyền, ở chóp bu các công ty, tập đoàn nhà nước…Nói chung ở nơi nào có nhiều quyền lợi và nhiều quyền lực nhất. Còn càng xa quyền lợi và quyền lực thì mật độ đảng càng giảm... Ở đấy dân tự lo, tự bươn chải, ơn trời là họ đã tự vượt qua được để tồn tại, dù không ít những khi bị nhũng nhiễu bởi chính những “đầy tớ” ở trong các cơ quan “hành là chính” của mình."

     Lúc ấy- Khi viết bức thư này- tôi đã nghĩ đây là khiếm khuyết chết người của đảng, bởi vì đảng đã đi ngược lại lợi ích của giai cấp, đã phản bội công nhân, nông dân, trí thức và người lao động, đặc biệt là công nhân và nông dân. Thậm chí người nông dân còn bị lừa gạt bởi khẩu hiệu "người cày có ruộng" để dốc lòng theo đảng làm cách mạng. Đến khi giành được chính quyền thì nông dân bị đẩy đến chỗ không còn quyền sở hữu ruộng đất, đã đang và sẽ mất dần quyền sử dụng đất bất cứ lúc nào khi các nhóm lợi ích nấp dưới bóng công quyền nhòm ngó đến. Hàng triệu công nhân trong các khu công nghiệp chính là nông dân bị bần cùng hóa, họ trở thành vô sản và đang bị tư bản bóc lột. Điều trớ trêu nhất, một nghịch lý, mâu thuẫn lớn nhất là đảng của giai cấp công nhân lại không hề hiện diện ở đó, họ ở đâu "trên cao" và tàn nhẫn bỏ rơi giai cấp cần lao đã khai sinh ra mình.
Một lý thuyết không thể tự mâu thuẫn. Một học thuyết, một thể chế cũng vậy. Một khi đã tự mâu thuẫn, một khi xuất hiện nghịch lý là lý khi thuyết mất hết giá trị, và nếu là thể chế, thì thể chế ấy sẽ phải tan rã.
Nghịch lý này do đảng tạo ra và chính nó là tử huyệt thứ ba của đảng, sau hai tử huyệt mà giáo sư Hoàng Xuân Phú đã nêu.

        VQL blog 17/1/2013

Công nhân đến đường cùng thì phải về quê!

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2022

TẤM NỆM BÔNG LAU

       Mẹ con tôi lên QP năm 1969. Sau vài tháng là tới mùa đông. Cái rét vùng cao tê tái lắm. Tôi phải cắt rạ ở cánh đồng bản Bon về kết thành tranh rải xuống dưới chiếu để nằm cho ấm. 
      Năm sau thì vợ của trò Lô Văn Xanh làm cho mẹ tôi cái nệm bông lau, bắt chồng cõng từ Quang phong ra. Nệm dày, chần kỹ, nhồi chặt, nổi rõ hình hoa thị. Mẹ tôi rất thích cái nệm này nên giữ gìn cẩn thận và sạch sẽ. Mẹ dùng suốt 40 năm cho tới khi qua đời.
     Ngày mẹ về trời, tôi hóa luôn chiếc nệm gửi lên cho mẹ ở cõi cao xanh.
     Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi viết mấy dòng này để ghi nhớ một tấm lòng. 

GIÓ MƯA

 Gió mưa
con thú hoang
về hang
cuộn tròn thiu thiu ngủ.
Ngoài kia 
con người 
kiếm miếng ăn qua ngày
lam lủ.
               3/5/2022

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2022

RCYT: 16. KHÓ KHĂN KHẮC PHỤC

         Trong rừng sâu, từ đầu tiết thanh minh, chim  "bắt cô trói cột" đã bắt đầu lên tiếng. Tiếng chim khi như dai dẳng thở than, khi như bền bỉ thúc dục. Có vẻ như tùy vào thời tiết và tâm trạng người nghe.

    Tôi được nghe tiếng chim ấy lần đầu trong năm nay là vào lúc sắp bình mịnh. Tiếng chim nghe như rất xa, đâu đó phía trước trong rừng sâu hay trên đồi cao. Tôi có cảm giác không bao giờ có thể đi đến, không thể bắt gặp. Ta càng tiến tới, tiếng chim càng lùi xa, lên cao...

     Loài chim này nhỏ thôi, tầm như chim cu nhưng có sải cánh rộng hơn, và đặc biệt có tiếng kêu bền bỉ dai dẳng và vang vọng lạ kì. Vì là vang vọng vậy nên ta thường không gọi là chúng đang hót, hay đang gáy như các loài chim khác mà là chúng đang kêu, hay chúng rên rỉ: "khó khăn khắc phục", "năm trâu sáu cọc", hay "vô trèo ra trụt"...

      Có một lần, tôi đạp xe đi trên cao nguyên đất đỏ Phủ quỳ vào một trưa hè nóng bức. Tiếng chim "khó khăn khắc phục" làm bạn cùng tôi. Chim ơi, mày ở đâu mà thấy ta trên đường? Tôi nhìn quanh, rất khó định hướng. Gió Lào thổi ngược vù vù qua vành mũ. Trong khi đó thì chú chim đang bay tít trên trời cao, cao lắm, lẫn trong xanh biếc nền trời, để mà từ đó dõi theo tôi và gửi tới tôi lời động viên thúc dục. Tôi vừa đạp xe vừa dõi theo bóng chim đang nhỏ dần nhưng tiếng kêu thì vang vọng mãi.

    Hôm nay tinh mơ đã nghe "năm trâu sáu cọc" trên khu rừng sau trường chúng tôi. Đến sáng rõ thì ngừng. Trời bỗng nhiên đổ cơn mưa rào đầu tiên rồi nhanh chóng chuyển sang mưa dầm nhẹ hạt, như thể còn muốn nuối thêm một chút gió mùa đông bắc.

      Hết mưa, chim " khó khăn khắc phục" lại cất tiếng gọi bạn ngày xuân.

      

     

     

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2022

RCYT: 12. TÚI CƠM

          Hai anh em tôi lển rẫy.  Anh tôi đi trước, tôi bước theo sau. Trong rừng còn mờ mờ, lại có sương mù dày đặc. Bỗng dưng tôi thấy dau bụng, tôi rẽ vào rừng, xin lỗi, rồi ngồi xuống. Tôi quên khuấy, mà cũng không cần, tôi không bảo anh ấy chờ. Đành là sau đó phải chạy theo cho kịp anh tôi.

     Đến trưa nghỉ tay, anh tôi mới bảo tôi đưa cơm ra ăn. Tôi hỏi: - Anh để đâu?

   _ Sao lại để đâu? Tôi đã đưa cho chú rồi mà!

   _ Anh đưa lúc nảo?

   _Lúc sáng chớ lúc nào. Khi đang đi ấy. Anh bị tụt dép nên đưa cho chú để sửa. Chẳng phải chú nhận rồi còn gì. Anh nhớ đã quàng một cái qua vai cho chú. Thì quàng cái thống đựng cơm chứ cái gì nữa.

     Tôi cứ trố mắt ra nhìn anh. Chẳng nhẽ làm việc mệt quá mà anh lẫn ra như vậy? Chứ anh ấy có trao cái thống cho tôi bao giờ. Lại còn bảo quang một cái qua vai nữa chứ. Thế là mất gói cơm. Đành phải về thôi, còn làm gì được nữa. Đói lắm rồi.

    Về đến nhà thì đã gần chiều. Bỗng dân bản rậm rịch cả lên. Mấy người khiêng về một con gấu to, vừa bắn được. Nó to mới ghê chứ. Giá mà nó đứng lên, dễ mà cao bằng tôi.

    Ông thợ săn vừa đi về vừa giơ cao cái thống, nói bô bô: - Bà con coi có lạ không? Trong cổ con gấu có cái thống này đấy. Mang tréo qua vai hẳn hoi nhá. Nói rồi, ông mang vào người, tréo qua vai cho mọi người xem.

    Tôi giật mình chạy đến. Thôi chết, đúng cái thống của anh em tôi rồi. Tôi đỡ lấy nó. Mở ra.  Ô, gói cơm còn nguyên. Hú hồn cho anh em tôi.

      Mời các anh về bản tôi đi. Dân bản tôi không ít đâu, họ sẽ làm chứng. Rất có thể là khi tôi đau bụng rẽ vào rừng thì con gấu đã đi cùng anh tôi. Vừa lúc nó đứng dựng lên thì anh quàng cho nó cái thống(*). Rồi nó rẽ luôn vào rừng. Khi tôi chạy gằn lên cho kịp anh thì đã không còn thấy nó nữa. 

1985

(*) Thống là cái túi vải, thường đeo bên người để đựng đồ.