Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

MỘT ĐỘNG LỰC CHO CÁI THIỆN TRÊN CÕI ĐỜI NÀY

Sắp 49 ngày bác Giáp ra đi, xin tải về từ trang mạng bài:

Về cái chết của Tướng Võ Nguyên Giáp

Tháng 11 6, 2013
Thomas A. Bass
Bùi Xuân Bách dịch
Giờ đây viên tướng đã qua đời, nhưng có lẽ con người này còn có thể hồi sinh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất hôm mồng 4 tháng 10-2013 ở tuổi 102. Những cáo phó, sơ lược tiểu sử về ông, nhiều bản trong số đó được viết từ nhiều năm trước, chỉ cung cấp một sự diễn dịch chính thức về một cuộc đời mà chỉ gần đây các nhà sử học mới khai thác, một cuộc đời – bất chấp sự trường thọ của nó – chưa hề được xem xét chi tiết.
Những bản cáo phó về Tướng Giáp, cùng một lúc đã gán cho ông quá nhiều và quá ít công trạng. Ông quả thực là kiến trúc sư của chiến thắng huy hoàng tại Điện Biên Phủ năm 1954 chống người Pháp, chấm dứt cuộc chiến Đông Dương thứ nhất, và Graham Greene đã đúng khi gọi đó là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới.Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của chủ nghĩa thực dân phương Tây, một đạo quân châu Á đã đánh bại một đạo quân châu Âu trong một trận đánh chính quy. Thông điệp đã vang vọng tới Algeria và các thuộc địa khác, trong khi họ noi theo tấm gương thành công của Việt Nam. “Việc những thanh niên Mỹ vẫn tiếp tục chết ở Việt Nam chỉ nói lên rằng, cần phải có thời gian để tiếng vọng, thậm chí, của một thất bại hoàn toàn có thể đi hết một vòng quả đất”, Greene viết.
Phần lớn những cáo phó về Tướng Giáp đều gắn cho ông công lao đã chiến thắng cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai, cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó đều nói rằng ông đã dàn dựng kế hoạch cho cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 và chiến dịch cuối cùng, chiến dịch kết thúc cuộc chiến với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn năm 1975. Những phát biểu này hoàn toàn tảng lờ các thông tin được biết trong những năm gần đây, các tài liệu lưu trữ và những nét tiểu sử chỉ giờ đây mới phát lộ. Ngay từ năm 1963, sau khi phản đối Nghị quyết 9 về việc tiến hành chiến tranh trực tiếp chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Giáp đã bị gạt sang một bên trong cuộc tranh giành quyền lực của Lê Duẩn cùng các nhà lý luận khác trong Đảng.Sau đó, ông Hồ tự cách ly mình ra bằng cách đi Trung Quốc chữa bệnh. Ông Giáp thì đi Hungary. Tướng Giáp đã ở lại Hungary năm tháng, khi cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân được lên kế hoạch. Mãi hai ngày trước khi chiến dịch bắt đầu, một chiếc chuyên cơ của Trung Quốc mới chở ông về lại ViệtNam. Giáp – người mà danh chính ngôn thuận vẫn là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang và Bộ trưởng Quốc phòng – đã bàng hoàng khi được biết những chi tiết về cuộc tiến công biển người vào các đô thị Nam Việt Nam và các mục tiêu quân sự khác. Ông biết rằng các lực lượng vũ trang giải phóng trong Nam quá thua kém về mặt hỏa lực và không một cuộc đồng khởi nào có thể cứu họ khỏi bị tàn sát. Điều mà ông nhận được chỉ vì ông đúng – là một dạng lưu đày mới, ngay trong nội bộ. Ba chục tướng tá và những người cộng sự gần gũi của ông đã bị bắt và bỏ tù vì họ đã không nhiệt tình đầy đủ trong việc ủng hộ đường lối của Đảng.
Là người lính có kỷ luật, suốt năm mươi năm Tướng Giáp đã giữ kín miệng về cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng. Những đồng sự cộng sản đã hạ tầng công tác của ông, từ Phó Thủ tướng xuống Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có Kế hoạch, nhưng sống càng lâu, ông càng trở thành biểu tượng của sự thông minh và trung thực, lòng dũng cảm và sự nhìn xa trông rộng của dân Việt.Ông đã phát biểu chống lại sự tham nhũng và nhà nước công an khắc nghiệt của Việt Nam. Ông đã chống lại việc Chính phủ cho phép Trung Quốc khai thác mỏ bauxite ở Tây Nguyên.
Trong khi tin tức về việc ông qua đời lan truyền trên mạng internet – không có một thông báo chính thức nào được công bố cho tới ngày hôm sau – hàng trăm nghìn người Việt Nam đã đổ ra các đường phố mang theo những bó hoa vàng và ảnh của con người đã từng tham gia tạo nên nước Việt Nam hiện đại và cũng là người đại diện tiêu biểu nhất cho những hy vọng và giá trị của đất nước. Mọi người đã khóc vì tất cả những gì họ đã phải chịu đựng trong suốt ba mươi năm chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Họ khóc vì những lời hứa cuội của những con người tầm vóc nhỏ hơn ông, nhưng đã gạt ra rìa một viên tướng vĩ đại.
Tôi đã đến thăm nhà báo Sài Gòn kiêm điệp viên Phạm Xuân Ẩn chỉ ít lâu trước khi ông mất năm 2006. Lúc đó ông bước tới cái ngăn kéo trong phòng khách của mình và lôi ra một tập giấy. “Đây là bức thư mười bảy trang của Tướng Giáp”, ông nói. Đó là một trong những bức thư tướng Giáp gửi cho Bộ Chính trị vào cuối đời, phê phán ảnh hưởng của Trung Quốc trong công việc nội bộ của Việt Nam, nạn tham nhũng, hối lộ, việc theo dõi của công an, sự tàn phá môi sinh, và những căn bệnh xã hội khác. Ẩn kể với tôi rằng, ba mươi tướng lĩnh đã ký thỉnh nguyện thư ủng hộ Tướng Giáp. “Thật nguy hiểm nếu anh đứng về một phía nào đó”, Ẩn nói. “Nguyên nhân khiến chúng tôi không có sách lịch sử Việt Nam do người Việt Nam viết, là do anh không thể nói thật. Đó là tại sao tất cả sách trên giá của tôi đều do người ngoại quốc viết.”
Thượng nghị sĩ John McCain và những nhà bình luận khác đã từng phê phán ông Giáp về việc phí phạm sinh mạng những người lính của mình. Sự nhẫn tâm của ông không thể nào so sánh được với các viên chỉ huy người Anh trong Đại chiến Thế giới thứ nhất, và ông đã phản đối ý kiến của các cố vấn Trung Quốc, muốn dùng chiến thuật biển người để đánh Pháp tại Điện Biên Phủ. Thay vào đó, Tướng Giáp đã lựa chọn chiến thuật bao vây và kiên trì sử dụng pháo binh. Những lời khuyên còn tồi tệ hơn của Trung Quốc đã góp phần tạo ra cuộc Tổng tấn công Mậu Thân. Tướng Giáp không phải người để đổ lỗi về thất bại quân sự nặng nề này, với cái giá phải trả là một nửa số quân của cộng sản ở miền Nam và việc xóa sổ các đơn vị Việt cộng như những lực lượng chiến đấu. Sự phê phán cuối cùng của McCain , rằng Tướng Giáp đã liều lĩnh đẩy đất nước của ông tới chỗ “bị tàn phá gần như hoàn toàn”, để “đánh bại bất cứ địch thủ nào, dù họ có mạnh tới đâu chăng nữa” cũng có thể áp dụng cho những nhà cách mạng thành công khác – như George Washington chẳng hạn.
Trong số các cán bộ cách mạng Việt Nam, Tướng Giáp là người được giáo dục theo phương pháp cổ điển, với bằng cấp về triết học, lịch sử, luật pháp và chính trị, một người vượt trội hơn hẳn trong cái ban lãnh đạo tập thể không rõ mặt của đất nước ông, một người yêu phong lan và văn chương Pháp – thậm chí cả sau khi người Pháp đã tra tấn vợ ông tới chết – người đã dám đương đầu với mạng lưới kiểm duyệt của Việt Nam để nói lên sự thật. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có hàng trăm nghìn người Việt Nam đã dự đám tang và tiễn đưa quan tài của ông tới nơi chôn cất, trên một sườn núi trông ra biển.Ông đã mở ra một thế giới hiện đại, hậu thực dân. Ông là biểu tượng của độc lập và quyền tự quyết. Những gì ông đã nói là một động lực cho cái Thiện trên đời này, và những gì ông chưa nói ra thì lại thuộc về chúng ta để khám phá. Giờ đây viên tướng đã đi xa, ta hãy nhìn lại con người này.
20-10-2013
Thomas A. Bass , GS Anh ngữ và Báo chí tại Viện Đại học Tiểu bang New York (SUNY), Albany, là tác giả của hai cuốn sách về Việt Nam, The Spy Who Loved Us: The Vietnam War and Pham Xuan An's Dangerous Game)  Vietnamerica: The War Comes Home . Ý kiến của ông đã được đăng (có lược chút ít) trên tờ Washington Post ngày 2-11-2013, nhan đề “ The man who was Vietnam's master of war ” .Bản dịch này được thực hiện theo nguyên bản do tác giả cung cấp, nhan đề “On the Death of General Vo Nguyen Giap”.
Bản tiếng Việt © 2013 Bùi Xuân Bách & pro&contra
Cảm ơn tác giả và trang mạng. Đầu đề đã được đặt lại.
ShareSHARE

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

ĐẤT NƯỚC CAN QUA

“Một người lo bằng kho người làm”
Đơn giản vậy
Ông cha mình đã nói
Nhưng đâu đó những con người "vĩ đại"
Đã khinh khi không hề nghĩ như vầy
Họ viện dẫn nọ kia chữ nghĩa tót vời
Xây nên học thuyết
Rồi nhanh chóng lan truyền
Rồi rợp trời giáo mác
Rồi dùng búa dùng liềm dùng cuốc
Nhằm vào đầu hàng vạn kẻ biết lo
Lạnh lùng
Giết sạch
Chỉ còn lại kẻ điên cuồng bạo lực
Và những kẻ tham tàn ác độc
Cùng nhúm dân đen đói rách lầm than
Đất nước can qua muôn nỗi cơ hàn...
10/11/2013

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Xin tải về: Cuộc thao dượt ôn hòa vĩ đại và giấc mơ Việt của tôi của Bùi Minh Quốc

CUỘC THAO DƯỢT ÔN HOÀ VĨ ĐẠI VÀ GIẤC MƠ VIỆT CỦA TÔI

Lại một lần rưng rưng đọc:

BÙI MINH QUỐC

CUỘC THAO DƯỢT ÔN HOÀ VĨ ĐẠI VÀ GIẤC MƠ VIỆT CỦA TÔI

.
Bạn đọc gọi tôi là nhà thơ.Về phần tôi, sau 60 năm cầm bút, nay đã 73 tuổi, ngẫm kỹ, vẫn xin tự xác định mình thực chất chỉ là một đứa con chiến sĩ của Nhân Dân làm thơ chiến đấu cho Tổ Quốc và Quyền Dân. Đây không phải sự khiêm tốn hay giả vờ khiêm tốn, vì tôi luôn coi việc được Nhân Dân thừa nhận làm đứa con chiến sĩ chiến đấu cho Tổ Quốc và Quyền Dân là vinh hạnh hơn rất nhiều danh hiệu “nhà thơ”.Tập thơ đầu của tôi với bút danh Dương Hương Ly xuất bản năm 1970  mang tên “Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ”.Bài viết này bày tỏ một số điều tâm sự của tôi trân trọng gửi đến bạn đọc, trước hết là những bạn đọc thuộc các gia đình Việt Nam đã lên đường chiến đấu cho Tổ Quốc và Quyền Dân từ Cách mạng Tháng Tám 1945.
A
Đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp được dư luận trong và ngoài nước nhìn nhận là một cuộc tập hợp vĩ đại hiếm thấy.
Vâng, rất hiếm thấy, thậm chí là duy nhất, kể từ ngày đất nước thống nhất, đặc biệt hơn nữa, dưới chế độ toàn trị cực kỳ hà khắc, đây lại là cuộc tự tập hợp để tôn vinh một bậc trí tuệ, tài năng, nhân cách, công lao hàng đầu mà suốt bao năm ròng bị nhóm cầm quyền chóp bu (= Vua tập thể) cố dùng mọi thủ đoạn vừa trắng trợn vừa tinh vi huy động hết cỡ guồng máy bạo quyền nhằm hãm hại, cô lập, xúc phạm, dập vùi.Một cách tự nhiên, đám tang Đại tướng trở thành một cuộc tập hợp tự nguyện, tự phát, tự giác, ôn hoà, trật tự mà thế lực nội xâm (trong đó có bọn tay sai bành trướng) hầu như không thể cài được một phần tử khiêu khích nào để kích động gây rối.Bình tĩnh tỉnh táo mà xét, cứ trừ đi (nói cho chắc) khoảng 70% số người tham dự là do bị cuốn vào trạng thái “lên đồng tập thể”, thì vẫn có 30% được thôi thúc bởi mệnh lệnh của lương tri, hay nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “đây là mệnh lệnh của tình yêu, lòng khâm phục và sự tôn kính tự trong tâm khảm mỗi người ( báo An ninh Thủ đô trước ngày quốc tang 11 tháng 10/2013).Nghĩa là, hãy tính toán một cách thận trọng, có khoảng 300 ngàn công dân – cử tri với đầy đủ lương tri con người và ý thức công dân đã lên đường tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.Và, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, có một lượng công dân – cử tri gấp mười thậm chí có thể gấp trăm thế (trong đó có công dân – cử tri Bùi Minh Quốc), tuy không có điều kiện lên đường hôm ấy thì vẫn gửi gắm lương tri mình theo chân những người bước sau linh cữu vị anh hùng dân tộc.Đối với tôi, chỉ chừng đó công dân – cử tri cũng đã là một cuộc tự tập hợp vĩ đại.Cuộc tự tập hợp này chứa đựng và truyền toả những thông điệp gi  cho mỗi công dân – cử tri hôm nay và các thế hệ  kế tiếp ? Theo sự lĩnh hội của riêng tôi, đó là các thông điệp sau :
1/- Cho thấy một khối lớn công dân tự tập hợp một cách công khai hợp pháp quyết nắm lấy quyền của mình để đặt lại các giá trị cho đúng chỗ (Đổi mới ở Việt Nam bấy lâu nay, nói cho cùng là một cuộc đấu tranh để trước hết đặt lại các giá trị cho đúng chỗ; cái tinh hoa phải được đặt vào vị trí xứng đáng của tinh hoa, mà bao thập kỷ qua, cái cặn bã đã kết thành thế lực dùng bạo quyền của Vua tập thể chiếm chỗ và gây nhiễu loạn trắng đen thật giả lẫn lộn khiến đất nước lâm vào một tình trạng kinh tế chính trị xã hội văn hoá rối bời như một mớ bòng bong khổng lồ ).
2/- Cho thấy, trong cuộc chiến đấu tuyệt đối không cân sức giữa bạo quyền và lẽ phải dưới chế độ toàn trị, bạo quyền đã phải lùi một bước quan trọng (tất nhiên, mỗi bước buộc phải lùi của nó, thế lực bạo quyền bao giờ cũng ranh mãnh cố tìm cách níu gỡ lại phần lợi cho nó).Vua tập thể, mặc dù có thể không ít thành viên của nó thực bụng không muốn, vào phút 89 cũng phải quyết định cử hành quốc tang với lời điếu của Tổng bí thư tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp  là “VỊ TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN”. Cuộc tập hợp vĩ đại của các công dân – cử tri hiển nhiên trở thành một cuộc biểu thị thái độ chính trị, công khai hợp pháp hiên ngang đối mặt với bạo quyền, cái bạo quyền hết sức độc ác và dối trá đã toan tiêu diệt sinh mệnh chính trị (và có thể cả mạng sống) của Đại tướng bằng cách dựng ra và gán ghép (nhưng rồi bất thành) cho Đại tướng một vụ án chính trị tối nguy hiểm (xin mời đọc “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức với những thông tin về vụ án giả ghê tởm đó, cho đến nay chưa có một phản hồi nào dám chối cãi).Cuộc biểu thị thái độ chính trị này tự nó hàm chứa giữa thanh thiên bạch nhật một phán quyết của Nhân Dân, trước hết là các công dân – cử tri, kết tội phản dân hại nước của những kẻ chủ mưu vụ án giả nói trên đối với vị anh hùng dân tộc.Tôi tin rằng phán quyết này nhất định sẽ tạo sức đột phá lớn cho một quá trình đấu tranh chính trị công khai hợp pháp ôn hoà trật tự của hàng triệu hàng chục triệu công dân – cử tri quyết đòi lại món nợ Quyền Dân mà Vua tập thể đã trắng trợn vỗ nợ.
3/- Cho thấy sức mạnh của lương tri là một sức mạnh trường cửu thiêng liêng, không một thế lực bạo quyền nào dù hung hãn tàn bạo xảo quyệt đến đâu có thể hủy hoại nổi.Trong cuộc đương đầu tuyệt đối không cân sức giữa lưong tri và bạo quyền, ngay tại bộ máy quyền lực chóp bu, lương tri của một chiến sĩ cách mạng chân chính đơn độc đã thắng mọi đe doạ và cám dỗ của bè lũ nhân danh cách mạng để làm vua quan cách mạng. Người chiến sĩ cách mạng chân chính ấy là trung tướng an ninh cựu ủy viên trung ương đảng Võ Viết Thanh.Bản lĩnh khí phách của người chiến sĩ cách mạng Võ Viết Thanh đã làm thất bại âm mưu đen tối, đê tiện của bạo quyền. Nhân dịp bày tỏ tâm sự này, tôi xin trân trọng gửi đến anh Võ Viết Thanh niềm quý trọng và khâm phục của tôi.Tôi tin rằng bản lĩnh khí phách chiến sĩ cách mạng chân chính như Võ Viết Thanh vẫn còn trong các “đảng viên nhưng mà tốt”, như Nhân Dân thường gọi.Thậm chí tôi cũng tin rằng bản lĩnh khí phách ấy vẫn còn ngay cả trong một số, có thể là vô cùng ít ỏi, cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu và đương nhiệm.Hoạt động của những chiến sĩ cách mạng chân chính ấy, trong một thiết chế ngặt nghèo mà địch ta xen kẽ đan cài rất phức tạp, thường là phải đơn độc thầm lặng , phải rất dũng cảm và rất khôn khéo đã, đang, và sẽ tiếp tục tạo ra ở tầm vĩ mô những chuyển biến chính trị theo hướng dân chủ hoá Đảng và dân chủ hoá toàn xã hội, dù chỉ nhích lên từng chút một trong thế giằng co hết sức gian nan trầy trật, cũng là rất đáng mong mỏi .
4/- Cho thấy cuộc tập hợp ôn hoà vĩ đại này, một cách tự nhiên, hàm chứa tố chất một cuộc thao dượt để tự thăm dò khả năng hiện thực của những cuộc tự tập hợp công khai hợp pháp kế tiếp, một cuộc ôn tập và phát huy truyền thống đấu tranh chính trị công khai hợp pháp trong quá khứ để vận dụng cho giai đoạn mới của CÁCH MẠNG LẬP QUYỀN DÂN hiện nay.Xin nhắc lại ý kiến của cố lão thành cách mạng Võ Văn Đặng, nguyên Khu ủy viên, trưởng Ban thành phố và đấu tranh chính trị Khu 5 : “Đấu tranh chính trị chứa đựng bí ẩn của sức mạnh Việt Nam”.
B
Ý  kiến của cố lão thành cách mạng Võ Văn Đặng nuôi lớn GIẤC MƠ VIỆT của tôi :
Cả dân tộc Việt Nam, từng con người Việt Nam, trước hết là các công dân Việt Nam thuộc mọi lứa tuổi, tự phát hiện, tự khôi phục trong chính bản thân mình cái sức mạnh tiềm ẩn ấy, đứng dậy tự rũ sạch khỏi mình bao lớp bùn nô lệ nhớp nhúa của chế độ toàn trị.
Đứng dậy với ý thức dứt khoát kiên định lập trường chính trị và bản lĩnh văn hoá TỔ QUỐC TRÊN HẾT QUYỀN DÂN TRÊN HẾT, bước tới từng bước vững vàng ung dung trên con đường lớn của cách mạng mà toàn dân ta đã khải thị qua lời ca hùng tráng của thiên tài âm nhạc Văn Cao từ Cách mạng Tháng Tám 1945
LẬP QUYỀN DÂN, TIẾN LÊN, VIỆT NAM !
Đứng dậy với khí thế
“Đứng đều lên, gông xích ta đập tan !” (Quốc ca – Văn Cao)
“Diệt phát-xít, diệt loài chó đê hèn của chúng, tiến lên nền Dân chủ Cộng hòa! ” (Diệt phát-xít – Nguyễn Đình Thi), “Dậy mà đi ! Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!” (Dậy mà đi –Nguyễn Xuân Tân), “Tổ Quốc ơi, ta đã nghe lời sông núi! ” (La Hữu Vang).
Đứng dậy không chỉ trong những khoảnh khắc đặc biệt khi cần thiết, mà đứng dậy như là một nếp sống, một tư thế sống thường xuyên, bình thường của từng người, từng gia đình, cùng nhau tích cực chủ động tiến hành cuộc vận động xây dựng và tự xây dựng ý thức, ý chí, năng lực, kỹ năng, bản lĩnh người công dân Việt Nam hiện đại : Người công dân  – người lao động – người đóng thuế – người đi lính – người cử tri – người ứng cử – bầu cử.Khi ta nói dân chủ = dân là chủ, dân làm chủ, thì trước hết đó là sự làm chủ của các công dân.Khi ta nói quyền công dân thì trước hết đó là quyền của người lao động – người đóng thuế – người đi lính (xin mở ngoặc ghi chú rõ thêm : người lao động bao gồm tất cả những người lao động chân tay trí óc trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh lưu thông phân phối, giáo dục – đào tạo, chủ thể tạo ra và thúc đẩy sự phát triển các giá trị vật chất và tinh thần ngày càng dồi dào của xã hội).
Đứng dậy với
TIẾNG NÓI LÀ VŨ KHÍ,
LÁ PHIẾU LÀ VŨ KHÍ,  
CÔNG DÂN – CỬ TRI LÀ CHIẾN SĨ,
đòi lại cho bằng được món nợ Quyền Dân, trước hết là  quyền Tự do biểu tình của công dân mà chính phủ đã hứa sớm trình Quốc Hội khoá 13 thông qua; trong khi chưa có luật thì công dân làm theo Hiến pháp và đòi chính phủ phải có ngay quy định thực hiện sắc lệnh về biểu tình mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký tháng 10.1945 hiện vẫn còn hiệu lực.
Tôi mơ, khoảng ba bốn năm tới, tất cả các “đảng viên nhưng mà tốt” cùng với toàn dân sẽ xây dựng được chừng 30 – 40 triệu công dân – cử tri – chiến sĩ.Đấy là một thực lực chính trị hùng hậu công khai hợp pháp, đủ sức mạnh tạo được chuyển biến cục diện chính trị mang tính bước ngoặt. 30 – 40 triệu công dân – cử tri – chiến sĩ, bằng tiếng nói trung thực thẳng thắn, bằng lá phiếu được cân nhắc kỹ của mình, sẽ chọn ra những tinh hoa của dân tộc thực sự đại diện cho quyền lợi của Tổ Quốc và Nhân Dân, xoá bỏ một cách êm thuận Quốc Hội cây cảnh bù nhìn tồn tại chây ì bao năm qua, lập nên Quốc Hội thực quyền, 100% chuyên nghiệp, 100% là nghị sĩ – chiến sĩ, nghiêm túc thực hiện cam kết với cử tri khi tranh cử : trả ngay món nợ Quyền Dân, cụ thể là thông qua ngay “Luật về quyền Tự do biểu tình của công dân”, “Luật về quyền Tự do báo chí của công dân”, “Luật về quyền Tự do hội họp, lập hội, lập nghiệp đoàn của công dân”“Luật về quyền Tự do ứng cử bầu cử của công dân”, chính thức thiết lập thể chế chính trị đa đảng, lưỡng viện, tam quyền phân lập, toàn bộ thể chế chính trị làm chức năng đầy tớ của nhân dân.
          Mong được trao đổi ý kiến rộng rãi xem GIẤC MƠ VIỆT của tôi có được bao nhiêu khả năng trở thành hiện thực ?
          Đà Lạt 04.11.2013
          BMQ
Tác giả gửi cho NTT blog  

Xin cảm ơn tác giả và trang NTT blog

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

LẠI BÀN VỀ HỌC TOÁN ĐỂ LÀM GÌ.


Vòng ngoài một chút. Đá bóng để làm gì? Để vui là chính, hầu hết là như thế. Để cho khỏe, một số ít hơn có nghĩ như thế. Một số ít hơn nữa, đá bóng để vừa vui, vừa khỏe, vừa nâng cao kỹ thuật, chiến thuật. Có người xem bóng đá như một thú đam mê. Còn xem đá bóng như là một nghề thì thực sự không nhiều. Trong số không nhiều đó, những người xem bóng đá như là một cơ hội làm giàu, một cách vinh thân thì lại càng hiếm.
Trở lại học toán. Có mấy ai để vui là chính mà lao vào học toán. Có mấy ai để giỏi toán mà học toán. Càng có mấy ai vừa để vui, vừa để giỏi mà học toán. Lại càng có mấy ai đam mê, mấy ai chọn toán là một nghề mà đến với toán. Và cuối cùng, thực sự chẳng có ai học toán vì giàu sang, vì vinh quang cả.
Vậy thì số đông, đến đa số, học toán từ lớp 1, thậm chí từ mẫu giáo đến lớp 12 thì để làm gì? Có người nói với tôi là để tính quỹ đạo các hành tinh, để lập trình máy tính… Đúng quá, nhưng mà có mấy phần trăm, hay mấy phần triệu người trên hành tinh này học toán để làm điều đó. Thế thì tuyệt đại đa số những người còn lại, đến cả giáo sư tiến sĩ, hầu hết không dùng sin, cos, log... vào đâu cả thì học toán để làm gì. Thế mà trò phải học toán, ít nhất một tuần 5 tiết, đều đặn trong suốt 12 năm trời đằng đẵng. Đấy là chưa kể học thêm học nếm, học phụ đạo, học nâng cao, học luyện thi, học cấp tốc. Là chưa tính đến học tiếp lên đại học, rồi sau đại học, rồi lên lên nữa.
Trong khi đó hầu hết học trò đâu có thấy vui, đâu thấy hay gì môn toán. Nhiều trò còn thấy sợ, thấy ngán cái môn này. Chỉ vì không sao tránh được, đành phải cố mà học nó thôi. Ấy là phần trò.
Còn thầy dạy toán. Có bao nhiêu phần trăm, hay bao nhiêu phần nghìn, thầy dạy toán có được đam mê môn toán. Có được kỹ năng giải toán? Có được kỹ năng dạy toán? Không kể có thầy chỉ là thợ toán, cặm cụi giải xong nói hết là về. Lại cũng có thầy chỉ là làm xiếc, làm trò ảo thuật toán cho vui, cho mê để lấy đồng tiền một cách dịu êm chứ nào có hướng dẫn, nào có dạy cho trò tự giải một bài toán trong sách, càng không dạy cho trò tự giải một bài toán giữa đời.
Vậy, nên xét lại cái sự dạy và học toán. Dạy cái mà người học cần. Cần tới đâu, học tới đó. Đừng học cái gì xa xôi, phù phiếm, vô bổ. Đừng gây lãng phí thời gian, công sức, tiền của của học sinh, phụ huynh. Đừng bắt ai cũng phải học như ai, càng không thể bắt ai cũng phải giỏi toán. Mỗi người giỏi một thứ khác nhau, đã là tốt lắm rồi. Đương nhiên cũng không hạn chế những ai muốn học, đồng thời cũng nên khuyến khích, bồi dưỡng cho những trò thực sự có năng khiếu toán. 
Về phía nhà quản lý và biên soạn chương trình, không nên xem toán như thể là thứ cho có để lấp đầy thời khóa biểu, để bắt thầy phải dạy và trò phải học. Không nên cố tình nhồi nhét thêm ngoài chương trình những thứ mà suốt cuộc đời còn lại sau khi rời ghế nhà trường, người ta quên ngay tắp lự và thực sự không dùng tới nó một lần nào. Không nên coi dạy toán là một phương cách để tạo công ăn việc làm. Càng không thể xem dạy toán như là một phương tiện, một cơ hội để kiếm tiền.  
      Đây là lời bàn cuối cùng của tôi về đề tài này. Thành thực lòng mình. Có gì không phải xin bà con lượng thứ.


Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

TÔN GIÁO MỚI VỚI QUỀN LỰC VÀ QUYỀN LỢI. (phần cuối)



     11. Một điều dễ thấy là chủ thuyết duy vật thực dụng đã vô tình hạ thấp các giá trị văn hóa tinh thần. Nhiều giá trị văn hóa cả vật thể lẫn phi vật thể đã bị  đánh đổ hoặc bị tàn phá.
Đặc biệt khi người theo chủ thuyết đó lại có thế lực trong tay thì sự tàn phá càng nhanh chóng và khốc liệt. Nhiều giá trị văn hóa bị khép vào tội duy tâm, phản động. Các tôn giáo khác bị bài xích. Nhiều đức tin bị phá bỏ. Đa số dân chúng đã không còn theo tôn giáo nào, không có đạo. Mà đạo là con đường để đi. Không có con đường để đi dẫn tới mò mẫm, bế tắc. Ngay cả tôn giáo mới cũng đang dò dẫm, đang mày mò để tìm một lối đi. Trong khi chiếc cầu trở lại bến xưa đã bị đánh sập thì con đường phía trước vẫn chưa biết về đâu.
     Thời gian chưa nhiều từ khi TGM với chính quyền của nó lên ngôi nhưng cũng đủ để thấy đạo đức xã hội đã xuống cấp nghiêm trọng thế nào. Truyền thống nhân nghĩa, đạo lý, tình cảm, nếp sống bị đảo lộn. Triết lý duy vật thực dụng kích thích nhu cầu vật chất và các dục vọng tầm thường. Thói giả dối, tham lam, háo danh, ích kỷ, vô cảm, cùng các tệ nạn xã hội … hiện diện ở mọi nơi mọi lúc, từ chốn công đường, đến học viện, nhà trường, bệnh viện, từ thành thị đến nông thôn vùng sâu vùng xa.
     12. Môi trường tự nhiên bị xuống cấp, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nặng nề và bị khai thác cạn kiệt. Chỉ với vài chục năm mà rừng tự nhiên gần như không còn. Động vật hoang dã và những cây thuốc, những cây gỗ quý gần như tuyệt chủng. Đa dạng sinh học bị giảm sút nghiêm trọng. Đất, nước kể cả đại dương và không khí đều bị ô nhiễm...
   Những điều trên không chỉ là hậu quả của hệ thống quản lý và điều hành kém hiệu lực mà còn do sự thúc đẩy của một hệ ý thức duy vật thô thiển và thực dụng. Có thể những người sáng tạo ra hệ ý thức này không nghĩ như thế, nhưng số đông tăm tối khổ đau thì không thể nghĩ khác hơn. Mọi lý thuyết cao siêu chỉ dành cho một thiểu số tinh hoa, còn đại đa số dân chúng, nếu có được học cũng  chỉ hiểu phần thực dụng nhất. Ngay như toán học, là môn được học nhiều nhất từ phổ thông tới đại học, cả trên đại học và cũng là môn được dùng tới nhiều nhất, vậy mà có mấy ai hiểu được gì và áp dụng được gì ngoài bốn phép tính cọng trừ nhân chia. Hoặc giả là cách mạng, cái vừa là tính từ vừa là danh từ lại vừa là động từ này mấy ai đã hiểu được khác hơn cách hiểu của AQ: “cách mẹ cái mạng của nó đi”!
    Khi người ta sùng bái vật chất, người ta duy vật thì không còn sợ ma quỷ, không còn thành kính thần linh, người ta phá bỏ các giới luật, không tin vào nghiệp chướng, thì người ta cảm thấy tự do hơn, mạnh hơn, và người ta tàn bạo hơn, tham lam hơn. Người ta đã hành xử với nhau và hành xử với thiên nhiên theo lối đó. Và kết cục đã tới rất nhanh. Chỉ mấy chục năm thôi sức tàn phá đã bằng cả mấy thế kỷ.
      13. Vào thời điểm rực rỡ nhất, vinh quang nhất của TGM, người ta đã say sưa với chiến thắng. Ấy là lúc đánh đổ được kẻ thù một mất một còn, là lúc nắm lấy quyền lực và thâu tóm các lợi ích, là lúc người ta tuyên bố làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, là lúc lớn tiếng đòi chinh phục cái này cái kia kể cả chinh phục vũ trụ. Ấy là lúc mà TGM tỏ ra kiêu căng ngạo mạn nhất. Chưa có một tôn giáo nào như vậy. Có thể gọi đó là thói ngạo mạn CM.
    Thói ngạo mạn này làm cho người ta không dễ gì nhận ra những sai lầm, những lỗ hổng lý luận, hoặc những nghịch lý, những mâu thuẫn nội tại trong lòng một pháp, một học thuyết. Nhân loại đã phải cố gắng rất nhiều để khẳng định nhân cách, nhân phẩm, để nâng tầm Người lên trên cái dung tục tầm thường. Nhân loại cũng đã tìm cách để giải thoát mọi chúng sinh khỏi bể khổ trầm luân bởi tham sân si. Nhưng TGM lại đưa con người trở về với cội nguồn của khổ đau. Đấy là sự chế ngự của của cải vật chất, của tham lam thù hận, và tàn bạo hơn là của sự đối kháng không cùng bất chấp thủ đoạn và bạo lực.
    Ngạo mạn và thủ đoạn là điều mà giáo chủ của TGM có thể đã không nghĩ tới. TGM và quyền lực cũng là điều mà các giáo chủ có thể cũng đã không nghĩ tới. Miếng bánh quyền lực và quyền lợi sẽ được chia không đều có thể cũng là điều mà  giáo lý cũng đã không tính tới. Các thánh tông đồ và các giáo dân của TGM đã vấp phải cái kết cục đó. Cùng với sự tha hóa bởi chiếm hữu thì ngạo mạn và thủ đoạn sẽ là nghiệp chướng của TGM, của mọi tín đồ và của cả nhân loại lầm than. Một kết cục tất yếu sẽ đến, đó là sự phát động một cuộc thánh chiến mới của những người lao khổ với tầng lớp địa chủ tư sản mới (TB đỏ) theo cái kiểu TGM đã tiến hành. Hoặc là, khôn ngoan hơn, đó là sự rút lui lặng lẽ của TGM.
    Một tôn giáo khác đã manh nha, không gắn với một học thuyết một giáo lý nào, cũng không có giáo chủ. Đấy là đồng tiền. Đồng tiền là tiên là Phật, là … Có vẻ như tôn giáo này ôn hòa hơn, không có tuyên chiến bạo lực. Nhưng đồng tiền cuối cùng cũng chỉ là chỉ số của lợi ích. Mà vì lợi ích thì bất chấp thủ đoạn. Vậy thì,  ĐỒNG TIỀN xem ra cũng chỉ là biến tướng của TGM, của chủ thuyết “vật chất quyết định ý thức” mà thôi. Một vòng xoáy khác, một chu kỳ mới lại tiếp diễn. Nhân loại sẽ còn lầm than biết bao nếu không đoạn tuyệt được nó.
       14. Như một phép thử, một bộ phận không nhỏ nhân loại đã chọn TGM, và dần dà đã nhận ra mình nhầm giữa một tôn giáo và một thể chế, giữa giáo hội và quyền lực, giữa giáo lý và quyền lợi. Đồng thời nhân loại cũng đã tìm ra một giải pháp cho trật tự và công bằng xã hội, đó là xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự và thể chế dân chủ. Trong đó “mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Những giá trị phổ quát nhất của nhân loại đang dần hình thành và từng bước được phổ cập. Những mô hình của nó đang rõ nét dần và phần đông nhân loại đang hướng tới. Phần đời có như vậy, tạm coi là được, dẫu cho còn lắm chông gai.
     Dẫu sao thì kiếp nhân sinh vẫn không tránh khỏi khổ đau. Có những khổ đau mà cái gốc ở ngay trong tâm mình. Vì vậy cần có phần đạo nhằm trì kiến tu tập để tự giải thoát, cũng là một cứu cánh. Và thành tâm cầu nguyện nhằm tới sự cứu rỗi cũng là một cứu cánh không tồi.
    Đạo và đời cùng song hành. Nhưng tôn giáo và quyền lực đừng để song hành. Tôn giáo giảỉ thoát nhân sinh, cứu vớt chúng sinh. Tôn giáo không nên dùng quyền lực để áp chế chúng sinh, càng không thể dùng quyền lực để giành dật lợi ích cho riêng mình. Tôn giáo không nên để tha hóa cùng quyền lực.
     Nếu lại có một TGM, hãy xem xem nó có gắn với quyền lực hay không, và quyền lợi nếu có thì sẽ thuộc về ai.
    



Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

TÔN GIÁO MỚI VỚI QUYỀN LỰC VÀ QUYỀN LỢI -(Tiếp theo)


     6. Các vị giáo chủ của TGM đã nhầm khi cho rằng diệt được đối thủ một mất một còn rồi thì mình sẽ thánh thiện hơn, sung sướng hơn. Nào hay nghiệp chướng lại ập đến. Trước hết là phép chia số học thực hiện không đều. Những kẻ ranh mãnh và những kẻ quyền thế đã nhận về mình miếng bánh to hơn. Không những thế chúng còn toan tính bao mưu mô thủ đoạn, kể cả việc tận dụng TGM để giành miếng bánh ngày một to thêm nữa. Những kẻ cả tin, ngây ngô chân thật, hoặc quá chậm chân, ít thế lực đành âm thầm chấp nhận thua thiệt, chưa kể những người đã hy sinh trong cuộc chiến. Mâu thuẫn xã hội lại nẩy sinh và ngày thêm sâu sắc, nhất là khi những kẻ giàu có mới nổi và những kẻ cầm quyền trở nên tha hóa sa đọa biến chất. Nạn tham nhũng trỗi dậy và ngày càng trắng trợn. Những người bị thua thiệt cũng phải tìm cách oằn lên. Dần dà mọi người đều có tâm lý sẵn sàng chặt chém lẫn nhau khi có thể ngõ hầu tìm một chút cân bằng tối thiểu nào đó. Từ những người nông dân chân chất, đến những người trong nghề y, nghề giáo, đến các công chức công quyền, đến các dịch vụ văn hóa du lịch... không ở đâu là không nghĩ tới chém chặt. Văn minh phong bì, tham nhũng và tâm lý chém chặt là sản phẩm tất yếu của TGM và hậu chiến một mất một còn.

     7. Mấy chục năm sau chiến tranh, sau khi chính quyền đã về tay những người vô sản, chính xác hơn là vào tay những người đại diện của họ, thì người vô sản thực sự vẫn trắng tay. Nhân loại cần lao vẫn lao khổ, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần. Họ thấy rõ bất công, thấy bị lừa gạt, thấy những hy sinh mất mát và cả đức tin của họ đã bị kẻ khác lợi dụng. Máu của họ chưa khô mà kẻ thù trực tiếp của họ, bây giờ lại được đồng đội ngôi cao của họ cho là bạn, thậm chí là bạn tốt, nhiều lần tốt, là đối tác chiến lược. Họ thì mất hết, còn đồng đội ngôi cao thì cho con tới cái chỗ vốn là kẻ thù, để học. Và tất nhiên số đông,- không chỉ trong chốn cần lao- bị rơi vào khủng hoảng lòng tin. 
Khi đó họ lại phải tìm về những tôn giáo truyền thống, về với Đức chúa trời, về với Phật, với thần linh, với tổ tiên ông bà. Có người còn tin theo và nhờ cậy đến cả những trò mê tín dị đoan vớ vẩn.

      Chưa bao giờ như mấy chục năm lại đây, các trò mê tín dị đoan trỗi dậy như nấm sau mưa. Cũng chưa bao giờ thấy nhà thờ, chùa chiền đền miếu sau khi bị đập phá tan tành thời duy vật ấu trĩ- cái thời “một mo cơm, một quả cà, một tấm lòng cộng sản; thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn”- đã lại được tu sửa nâng cấp và xây mới nhiều như lâu nay. Đến cả lăng mộ cũng đua nhau nâng cấp, xây mới ngày một to cao, cầu kỳ tô vẽ, bất chấp suy thoái kinh tế và suy thoái đạo đức ngày càng trầm trọng.
8. Cái pháp, hay giáo lý bạo lực của TGM, có thể vô tình nhưng đã tròng một cái vòng kim cô lên giáo phái mình, lên dân tộc mình, nhân dân mình. Ấy là món nợ viện trợ vũ khí và các trang thiết bị chiến tranh.
     Đã dấn sâu vào mâu thuẫn đối kháng, đã một mất một còn, đã chọn giải pháp đấu tranh vũ trang thì những người theo TGM phải có vũ khí khí tài. Muốn có thì phải mua, vì mình lạc hậu không làm ra được. Vì nghèo, không đủ tiền mua thì phải xin, phải vay. Vay thì phải trả, kể cả xin không thì vẫn phải có cái giá của nó. Và đấy là cái vòng kim cô tròng lên đầu chúng ta.
     Cái vòng kim cô ấy mỗi lần siết vào là một lần đau. Đau trong CCRĐ, đau trong NVGP, đau trong CTCTN, đau trong chia cắt hai miền, ở Mậu thân, ở thành cổ Quảng trị...Rồi đau ở biên giới tây nam, biên giới phía bắc, ở Hoàng sa, Trường sa, ở thác Bản Giốc…
    Chiến tranh qua rồi, mà vòng kim cô vẫn không tháo ra được. Không những thế, bạo lực vẫn được xem như là cứu cánh của TGM. Nó đồng hành cùng TGM. Thế mới hay cái họa khôn cùng của giáo lý bạo lực CM ngoại lai này.
      9. Ngược lại, theo một hướng khác, các pháp của TGM cho rằng KHKT phát triển, năng xuất lao động ngày một tăng, sản phẩm xã hội ngày một nhiều rồi thì là nhu cầu của mọi người dân sẽ không ngừng được cải thiện, để đến một khi hoàn toàn thỏa mãn, đảm bảo “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”. Khi đó không còn tranh chấp, không còn áp bức, không còn khổ đau và thế giới sẽ đại đồng. Màu hồng đã được tô lên, một tương lai xán lạn được vẽ ra hết sức hấp dẫn.  
     Số đông tin là như vậy, dù cho đã có cảnh báo ngược lại trong thuyết nhân mãn. Nhưng số đông đói khổ nào có biết cái thuyết đó. Họ chỉ biết mình đang đói khổ, đang cần cơm ăn áo mặc. Hơn nữa, họ cần sung sướng, cần một tương lai tươi sáng. Các pháp vật chất đã đánh trúng tâm lý của họ. Tiếc thay, khi thắng cuộc rồi họ mới biết của cải vật chất rất có giới hạn mà lòng tham thì không cùng. Thỏa mãn nhu cầu vật chất và hoàn toàn bình đẳng về sở hữu, nhất là sở hữu quyền lực và quyền lợi là điều không tưởng. Nhận ra thì máu đã đổ. Thực tế tàn khốc của thế kỷ qua một lần nữa cho hay cái giá phải trả cho các pháp thiên về vật chất thực dụng này. Cũng là cái giá quá đắt cho một đức tin mù quáng, hoặc một cái vô minh đã bị lợi dụng.
      10. Tôn giáo mới có một đặc điểm khác với các tôn giáo khác là nó rất thực dụng. Không chỉ vì nó trung thành với pháp duy vật mà nó còn hiểu sâu sắc và biện chứng về quyền lợi và quyền lực. Những chức sắc của tôn giáo này không bỏ lỡ cơ hội khi có thể nắm lấy những cái đó. Họ tận dụng uy thế trong giáo hội để nắm lấy quyền lực  và dùng quyền lực để thâu tóm các lợi ích. Và vì lợi ích họ đã bất chấp thủ đoạn.
      Một thuật ngữ mới được đưa ra, có vẻ không dính dáng gì tới vật chất, ấy là chính trị. Mà chính trị là gì, chính trị suy cho cùng là quyền lợi. Ban đầu là quyền lợi của cộng đồng, của đại đa số đồng bào theo lý thuyết, rồi biến tướng thành lợi ích nhóm, lợi ích đảng phái, lợi ích cá nhân khi khả dụng.
     Tha hóa của quyền lực là chuyện muôn thuở. Nhưng nếu quyền lực lại được khuyến khích bởi duy vật thực dụng  và lợi ích vật chất thì sự tha hóa càng trở nên trầm trọng, nhất là khi nó được hậu thuẫn bởi một tôn giáo, đặc biệt là một tôn giáo độc tôn. TGM dùng mọi lý lẽ, mọi hình thái tổ chức của giáo hội, thậm chí cả sức mạnh của quyền lực để che chắn, để bảo vệ lợi ích của chính mình và bảo vệ lẫn nhau.
     Ở đây, trong cái TGM này không có pháp về giới, không có các quy tắc để chế ngự các thói hư tật xấu vốn có trong mọi thành viên. Họ không phải hy sinh một điều gì cả, càng không phải xuất gia hành đạo. Ngược lại họ có quyền lực, có sự hậu thuẫn của giáo hội cầm quyền, và họ thực chất có đặc quyền. Chính vì thế mà sự tha hóa càng trở nên nhanh chóng và trầm trọng.

Còn nữa

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

TÔN GIÁO MỚI VỚI QUYỀN LỰC VÀ QUYỀN LỢI

1. Kiếp nhân sinh chìm đắm trong khổ đau và từ ngàn xưa loài người đã ước mong làm sao tránh được khổ đau, vượt qua khổ đau. Nhưng không tránh được, không vượt qua được, khổ đau vẫn đeo bám con người, đeo bám mọi chúng sinh. Bởi vậy mà con người đã phải trông chờ nhờ cậy đến thần linh, đến trời đất, đến ông bà, tổ tiên phù hộ độ trì. Để lời thỉnh cầu của mình đến được chốn linh thiêng con người phải thành tâm lễ bái. Từ đấy mà thành ra tín ngưỡng, hơn nữa dần dà thành ra tôn giáo.
   Tôn giáo ra đời nhằm chở che và cứu vớt chúng sinh khỏi kiếp trầm luân, khổ đau tội lỗi. Để tạo được niềm tin này, mỗi tôn giáo phải có ba ngôi tam bảo, ấy là giáo chủ, giáo lí và giáo sĩ, giáo dân. Như với Thiên chúa giáo là Đức chúa Giê su, kinh thánh và các giới chức từ các thánh tông đồ đến đức giáo hoàng, tới các cha và giáo dân. Còn như với phật giáo thì có đức phật Thích ca, các pháp và Bồ tát, La hán đến đại đức, thượng tọa cho tới tăng ni phật tử. Người theo đạo Thiên chúa thì tin tưởng và trông cậy vào đức Chúa trời và các lời dạy của Người thông qua các cha và các giáo sĩ mà giốc lòng cầu nguyện và sám hối. Người theo đạo Phật thì noi theo tấm gương của đức Thích ca, vịn vào phật pháp qua sự truyền đạt của các vị đại đức mà trì kiến tu tập nhằm tự giải thoát cho mình khỏi mọi khổ đau. Thậm chí các tín chủ còn phải chấp nhận rời bỏ gia đình, nhất tâm trì giới, tinh tấn định tuệ, phổ độ chúng sinh. Nếu nói là hy sinh thì quả thực không thể nào kể xiết. Các tôn giáo khác như đạo nho, đạo Lão, đạo Hồi ...tôi tin cũng đều như vậy.
     Thế nhưng, sau hơn hai ngàn năm có đạo loài người vẫn chìm đắm trong khổ đau và tội lỗi. Con người vẫn thấy bế tắc. Con người sinh hoài nghi. Không ít người đã không còn tin vào trời đất, thần linh, không còn tin vào Đức Chúa trời và kinh thánh càng không tin ở các cha, hoặc không còn tin vào Đức Phật và phật pháp, vào các tăng ni, và nhất là không tin vào chính bản thân mình.
     Đến một lúc nào đó có người cho rằng tất cả những tôn giáo tín ngưỡng ấy chỉ là duy tâm, siêu hình. Rồi người ta tìm ra cái thuyết ngược lại, ấy là duy vật, và hơn nữa là duy vật biện chứng. Cái “vật chất” ở đây là vật chất sờ mó nhìn ngó... được (nó là vật chất thô chứ không phải là vật chất mịn). Có lẽ là trong đói khổ thèm khát, xen lẫn với thói tham lam ích kỉ và vô minh của hầu hết chúng sinh, cái “vật chất” ấy đã được tôn sùng đẩy lên đến mức “quyết định ý thức”. Cái ý thức bị vật chất quyết định ấy kết hợp với suy diễn ngôn từ đã nhanh chóng trở thành học thuyết. Những người tin theo học thuyết đó đã tôn những người sáng tạo ra nó như là giáo chủ, còn họ mặc nhiên trở thành những tín đồ. Những tín đồ nhạy bén tiếp thu và tích cực quảng bá nhất đã trở thành giáo sĩ. Và một tôn giáo mới (TGM) đã xuất hiện với đầy đủ ba ngôi tam bảo.
  2. Tôn giáo này, với pháp “duy vật biện chứng” đã lấy sự tích lũy và sở hữu của cải vật chất trong đó có TLSX làm thước đo để phân biệt giàu nghèo, phân biệt giai cấp. Một giai cấp mới xuất hiện, có tên là giai cấp vô sản, được hiểu là tập hợp những người không có TLSX. Các thành phần giai cấp khác lần cũng lượt được đặt tên: tư sản, tiểu tư sản, tiểu nông, tiểu chủ, địa chủ, đại địa chủ…
    Cũng vì duy vật mà người ta đề cao của cải vật chất, ngầm hiểu giàu có về vật chất thì sung sướng và ngược lại.  Rồi họ lý giải sự giàu có là từ bóc lột và sự nghèo khó là vì bị bóc lột. Rồi sinh áp bức giai cấp và mâu thuẫn giai cấp. Mâu thẫn ấy được đẩy đến mức đối kháng. Cuối cùng là phải giải quyết mâu thuẫn đối kháng bằng đấu tranh một mất một còn. Đã là một mất một còn thì chỉ có cách sử dụng bạo lực - đấu tranh vũ trang.
     TGM không chỉ đã được số đông những người nghèo khổ hưởng ứng mà những kẻ không phải nghèo khó nhưng đã nhạy bén thực sự giác ngộ về vật chất còn nhận ra từ đây - ở cái giáo lý này- sự phân chia không đồng đều về tài nguyên thiên nhiên, về nguồn nhân công rẻ mạt, và về các xứ thuộc địa. Các thế lực mới nổi và các đế quốc hùng mạnh đã xung đột khốc liệt bởi cái thứ sở hữu đó. Thế kỷ 20 với hai cuộc đại thế chiến cùng với những cuộc chiến triền miên khác  là hệ quả tất yếu của TGM mà môn đồ có thể ở cả hai phía giàu nghèo, bóc lột và bị bóc lột, với các cách nhận thức hoặc suy diễn vận dụng khác nhau. Cho dù là vì bên nào, hay vì cả hai thì với cái kết cục bi thảm của nó, chỉ có  thể nói rằng thế kỷ 20 là một trong những thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.

     3. Trong các cuộc chiến đó thì cuộc đấu tranh giai cấp một mất một còn thường mang màu sắc thánh chiến nhiều hơn là một cuộc cách mạng như người ta thường gọi. Ở đây không rõ tính tất yếu của một SSXTT buộc phải dẫn tới sự thay đổi một PTSX , cũng không rõ một cuộc đại biến đổi (CM) ở các nước sản xuất phát triển như giáo lý đã nêu. Mà ta thấy ở đây, (dù danh nghĩa là duy vật )- hoàn toàn là một sự trông cậy vào sức mạnh tinh thần, một ý chí kiên cường để tiến hành cuộc thánh chiến một mất một còn. Các điểm tựa tinh thần đã được vận dụng gồm:
- Tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc.
- Giác ngộ sự bần cùng là vì bị áp bức bóc lột, khoét sâu mâu thuẫn và lòng căm thù đế quốc phong kiến.
- Hứa hẹn một tương lai tốt đẹp, gây dựng một sự kỳ vọng, thậm chí một đức tin mới vào TGM và vào tương lai.
- Và nữa là lòng tin ở tính chính nghĩa của “cuộc chiến thần thánh”cùng với sự khéo léo kích động của chủ nghĩa anh hùng CM.
     Thực tế cho thấy những người theo TGM đã thắng trong cuộc thánh chiến này. Điều đó chứng tỏ sức mạnh tinh thần, đặc biệt là tinh thần yêu nước to lớn biết nhường nào, dù cho chủ thuyết của TGM thiên về duy vật, thiên về sức mạnh vật chất.

     4. Từ giữa thế kỷ 20 nhân loại đã nhận ra kết cục tàn khốc của những cuộc chiến này nhưng phải tới cuối thế kỷ phần đông nhân loại mới nhận ra những điều bất ổn, những mâu thuẫn sâu sắc của thời hậu chiến. Giờ thì người ta đã nhận thấy giáo lý của tôn giáo này phiến diện, quá nghiêng về cái sự phân chia giàu nghèo qua tích lũy vật chất thô theo lối thực dụng tầm thường. Có thể đây là phát kiến mới, cũng có thể đây là cái tâm lý thực dụng thuần túy châu Âu khi chưa có sự giao thoa rộng rãi với các nền văn hóa khác, nhất là văn hóa phương Đông. Phương Đông không phải không coi trọng vật chất nhưng phương Đông không đẩy nó lên tới mức “quyết định ý thức”, nhất là với vật chất thô. Phương Đông, đặc biệt qua giáo lý nhà Phật quan niệm khổ đau không chỉ vì thiếu thốn vật chất mà cơ bản là vì tham sân si. Phương Đông quan niệm “Giàu có ba hạng khác nhau về của- qua kiến giải của Tản Đà- Một thứ của là của ở trên đời.... Một thứ của là của ở trong sách... Một thứ của là của ở trong mình...”. Vậy thì giàu có đâu có phải chỉ nhờ bóc lột, ngược lại nghèo khó tối tăm thù hận đâu chỉ vì bị bóc lột. Chưa nói người giàu có về vật chất đâu phải đã là sung sướng.
     Thứ nữa là cái cách con người ta tiếp nhận một giáo lý, một học thuyết. Bởi vì vô minh, bởi vì tham lam và sân hận, dù cấp độ có khác nhau, mà con người chỉ có thể nhận thức được cái phần thô, cái chỗ thực dụng nhất của các giáo lý, trong đó có giáo lý về “vật chất quyết định ý thức” của TGM.
     Vậy nên cái thuyết duy vật cũng đã được hiểu ở phần thô nhất, thực dụng nhất của nó, ấy là cái chỗ của cải vật chất sờ mó nhìn ngó được, chiếm đoạt được, sở hữu được. Và mọi cố gắng, mọi toan tính, mọi thủ đoạn, kể cả bạo lực cũng chỉ để nhằm tới cái chỗ đó.     
5. Dẫu vậy cũng phải thừa nhận rằng tôn giáo mới đã thu hút được số đông những người lao khổ tin theo. Nhiều người khác không ở ngưỡng đói nghèo nhưng vì đồng cảm với  số đông lao khổ cũng đã tin như vậy. Họ làm phép tính số học giản đơn: nếu chia đều của cải nhân loại thì không còn ai nghèo đói nữa. Nhưng làm sao chia đều được. Sau vô vàn những lý luận, những triết thuyết đã dẫn tới kết cục là phải tiến hành cuộc chiến một mất một còn. Rồi sau bao máu xương của chiến cuộc, phép chia số học lại vẫn không đều. Kẻ thua cuộc đã đành, kẻ thắng cuộc cũng vậy. Không đều không phải do lý thuyết toán học mà không đều do tham sân si ẩn chứa trong mọi đối tượng, kể cả bên thắng cuộc. Không đều cũng vì do quyền lực không thể chia đều. Mà điều này thì người ta lại không tính đến khi làm phép chia số học. Và đây lại là một một lỗ hổng của thượng tầng tam bảo, là điều mà các pháp duy vật không để ý tới cho dù đã nỗ lực biện chứng.


Còn nữa

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

SAU MÙA XUÂN 75 -(phần cuối)

Sau mùa xuân 75
cho tới bây giờ đã mấy mươi năm
một nửa nỗi đau chìm vào quên lãng
một nửa nỗi đau nhấc lên đặt xuống
mà đau thương lại càng đau
có hay gì da thịt xáo nhau
nhắc đi nhắc lại
có vinh quang gì huynh đệ tương tàn
ngợi ca mãi mãi
vui ai mà xót lòng ai
đã mấy mươi năm cuộc chiến qua rồi
đất bằng im tiếng súng
đây đó đã an bài số phận
đã thôi chia cắt hai miền
sao còn chia cắt hai bên

                                                               7/2013