Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

NHẬN BIẾT CÁC CHIỀU KHÔNG GIAN

      Không gian chúng ta đang sống thường gọi là không gian ba chiều. Nhưng nếu như ta mãi cắm cúi đi trên một con đường mà không để ý gì đến chung quanh, thì không gian của ta thực ra chỉ có một chiều. Nếu chỉ bò trên mặt đất, không ngẩng đầu nhìn lên, thì không gian tồn tại chỉ có hai chiều. Và trong một, hai hoặc ba chiều không gian ấy, miền tồn tại của mỗi cá thể cũng chỉ là một khoảnh. Khoảnh ấy rông hẹp bao nhiêu là tùy thuộc năng lực của từng cá thể, đôi khi không quá bát cơm, không ra khỏi lũy tre làng.
        Ngoài những chiều không gian ấy, nếu ta cảm nhận được từng hơi thở, ghi nhớ được từng khoảnh khắc đã qua, thì không gian của ta sẽ có thêm chiều thứ tư, chiều của thời gian. Thì ra, chiều của không gian thực chất là chiều cảm nhận. Cảm nhận được dài là biết một chiều, cảm nhận được rộng nữa là có hai chiều. Cứ thế rồi ba, bốn chiều không gian được xác nhận.
       Với mạch tư duy này, thì: nếu nhận biết được âm thanh, sẽ là chiều thứ năm. Nếu thấy được màu sắc sẽ là chiều thứ sáu. Biết được mùi và vị sẽ là chiều thứ bảy, thứ tám. Nhận biết được nóng lạnh mềm cứng là có thêm chiều không gian thứ chín. Và khi nhận biết được tình yêu thương, hiểu được ý nghĩa của lời nói,  biết giá trị của thông tin, của tinh thần, ý chí tình cảm... thì sẽ có thêm chiều số mười của không gian sống - chiều của mịn. 
       Còn có chiều không gian nào nữa không? thực không dám chắc. Trong các chiều không gian này, mỗi sinh linh chỉ có  một khoảnh nhỏ ở mỗi chiều . Tất cả các khoảnh này tập hợp lại thành miền (hay tập) xác định của mỗi sinh linh. Rủ bỏ mọi định kiến, mở lòng cảm nhận chân như, thì không gian xác định càng thêm rộng mở, dần dà hướng tới vô biên. 
                                                                             24/1/2023 

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

DÂN GIÀU

         Từ đầu thế kỷ trước cụ Tản Đà đã viết: "Giàu có ba hạng khác nhau về của. Một thứ của là của ở trên đời, ai có được nhiều thì giàu. Một thứ của là của trong sách, ai học được nhiều thì giàu. Một thứ của là của trong mình, ai luyện đươc nhiều thì giàu".
      Nay ta có khẩu hiệu "dân giàu nước mạnh công bằng dân chủ văn minh". Trong câu này cũng có chữ giàu, nhưng vì súc tích quá nên người đọc không hiểu được dân giàu là giàu ở hạng nào. Giàu của giữa đời, giàu của học được, hay giàu của trong mình?.
       Giàu của học được, giàu của trong mình, thì khó đo đếm. Thời nay chỉ có của giữa đời là được ghi chép tính toán tỉ mỉ bằng thông số GDP. Cho nên có thể rằng chữ giàu trong câu trên là nhằm chỉ loại giàu này.
       Loại giàu này dễ thấy, nhưng nếu dễ đạt, thì cũng dễ mất. Chỉ là thứ phù vân. Không những vậy, chạy đua mục tiêu này dễ mà kéo theo khai thác tài nguyên quá mức, tàn phá thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, thoái hóa biến chất, gia tăng xung đột, xuống cấp đạo đức...
       Khi ấy thì dân có thể giàu, nhưng giàu không bền và cũng không đều, thì làm sao mà công bằng dân chủ văn minh được? Đã thế, làm sao cho nước mạnh được?.
       Nhớ lại thuở xưa, cụ Phan Châu Trinh từng chủ trương:" Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Dân trí dân khí phải có trước, rồi mới tới dân sinh, mới có cơm no áo ấm, mới có tích lũy chính đáng mà giàu. Giàu thế mới đều, mới bền. Giàu cả của giữa đời lẫn của trong sách và cả của trong mình. Giàu được như thế thì mới có công bằng dân chủ văn minh, và nhờ thế nước mới mạnh.
                                                                              13/1/2023

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

NHẦM

Đã chui vào trong ống
Không lươn rồi cũng dài
Không muốn ăn bã mía
Việc gì phải theo voi.
Chọn nhầm tập xác định
Của hàm số cuộc đời
Là sai ngay bước một
Bài toán khảo sát rồi.
Thôi, sai thì sửa lại
Biết quay đầu là bờ
Buông bỏ mọi chấp trước
Tập nhìn đời chân như.