Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

THƠ ĐỜI VẦN TRẮC


      Năm 1965 tôi sơ tán về học lớp 10 trường Thanh chương 2 đóng tại Thanh hà. Tôi không được học với thầy Vương Đình Huấn, nhưng được nghe Thầy đọc thơ trong những dịp tập trung toàn trường. Có bài thơ ngắn bốn câu của Thầy tôi được nghe một lần ngày ấy mà thuộc đến giờ:
     Mạch nước thấm trong cây lặng thinh
Nên sắc thắm của hoa nên màu xanh của lá
Ngày tháng chín trong mùa đỏ quả
Mạch nước thấm trong cây lặng thinh.
      Bài thơ này Thầy gieo vần trắc, rất lạ so với thơ gieo vần bằng năm chữ, sáu  chữ, bảy chữ, hoặc thơ sáu tám. Thơ của Thầy nghe không êm xuôi, nhưng cái chính xác toán học mang tính triết lý thực sự gây ấn tượng và đóng đinh trong lòng người nghe.
       Những năm sau, khi tôi ở rừng, chỉ biết loáng thoáng là Thầy không dạy học nữa. Rồi đến một ngày giữa những năm tám mươi đói khổ, lại được nghe râm ran trong dân gian tiếng thơ của Thầy. Vẫn những câu thơ gieo vần trắc:
       Con ơi con trái đất thì tròn
 mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
tất cả đấy đều là sự thật
nhưng chiếc bánh đa tròn lại còn thật hơn.

      Con ơi con nàng Bạch tuyết trong mơ
không thể nào thương con thay mẹ được
có chiếc cúc áo nào của con bị đứt
hãy nói lên để mẹ khâu cho...

      Vài năm sau tôi đến thăm Thầy ở khu chung cư Quang Trung. Tôi lại được nghe thơ của Thầy, và càng xúc đông hơn khi được Thầy và các bạn của Thầy bảo tôi đọc thơ tôi. 
      Rồi tôi nghỉ hưu, lặn một hơi dài...
      Hôm nay, tưởng nhớ Thầy, nhẩm lại lời Thầy dặn: - Bây giờ, mỗi ngày không học "bốn phép toán cọng trừ" nữa, thì cũng hãy "đọc một trang thơ".
     Trang thơ đời gieo vần trắc
     Đọc lên cay cay mí mắt 
     Cao cao trên ấy Ngân Hà
     Thầy ơi nhẹ nhàng siêu thoát.
                                           11/12/2022

(*) Thầy Vương Đình Huấn - Nhà thơ Thạch Quỳ.


Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

THƠ

 Hai mươi năm em không đọc thơ anh
Và em cũng không đọc thơ ai cả
Các bạn thơ của anh em đều xem là những thằng gàn dở
Ngất ngưởng giữa đời cay đắng rót cho nhau.
                                                                         1999

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2022

MIỀN TRUNG LẠI LỤT

 Chỉ là ảnh hưởng gió mùa
mà mưa như là mưa lụt
quê tôi nhiều nơi đã ngập
hôm qua có người ra đi

Hình như trái đất nóng lên
đại dương bốc hơi dữ dội
nên mưa giờ như thác xối
miền trung lại lụt nữa rồi.
                          5/12/2022

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

THÔNG ĐIỆP CON TIM

 Buổi tối đi ngủ sớm
thực chất là nằm im
để lắng nghe thông điệp
của sâu thẳm con tim.

con tim không suy diễn
không so sánh cân đong
con tim không nói dối
không lý luận dài dòng

khi con tim ấm áp
đập khẽ và thật đều
thì giấc ngủ tự đến 
ngọt ngào tình thương yêu
                             2/12/2022
 

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

ĐỨC TIN

 Tôi tin có thượng đế 
là một bậc toàn năng
tin trí tuệ vũ trụ
bao phủ khắp không gian

Tin có vật chất mịn
chứa đủ mọi thông tin
của trí tuệ vũ trụ
kể cả của thần linh
tin rằng vật chất mịn 
chứa giá trị tinh thần 
cả tình cảm yêu ghét
và giá trị nhân văn

Tôi tin luật nhân quả
và tin có luân hồi
tôi tin cần có đạo
là con đường để đi...(*)

Nhưng tôi không tin được
có thế giới đại đồng
theo nhu cầu mà hưởng
không tin được, càng không

Tôi không tin tranh cãi
phân định được đúng sai
càng không tin bạo lực 
quyết định ai thắng ai
mà tôi tin chân lý
không cần phải luận bàn
và càng tin đại nghĩa
nhất định thắng hung tàn.
25/11/2022

(*) ĐẠO là con đường để đi
               là để đi trên mọi con đường
               là để không có đường mà vẫn đi được

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

TIÊN ĐỀ

 Thừa nhận có thượng đế
như một bậc toàn năng
và thừa nhận cả việc
trên đầu có thánh thần

Cũng như trong toán học 
thừa nhận các tiên đề
và vật lý lý thuyết
cũng thừa nhận tiên đề

Đâu đó đưa giả thuyết
thực chất giống tiên đề
để giải thích hiện tượng
và kết quả nội suy

 Tiên đề không có chuyện
 là đúng hay là sai
chỉ mô hình của nó
nằm ở đâu mà thôi

Mô hình ở miền ảo
thì hiện thực làm sao
lý thuyết tự mâu thuẫn
thì biết đúng chỗ nào

Cúi đầu trước ông phỗng
thừa nhận là thánh thần
thì quả là khốn khổ
tự rước họa vào thân.
                            24/11/2022

Thừa nhận có thiên tử
Thì mình là thảo dân
Thừa nhận nền quân chủ
Thì phải biết trung quân.
19/11/2023



Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

KHÔNG VỀ KỊP

 Trên dưới những năm mươi năm
trò xưa mời ngày gặp lại
mà tiếc mình không kịp về
lòng rời rợi buồn - buồn mãi

Các trò giờ đã già rồi
thầy cô còn già hơn nữa
nhiều người đã phải đi xa
càng thương những người còn lại

Thời gian không còn bao nhiêu
cơ hội gặp nhau càng ít
mỗi người lại một phương trời
mai mốt ai làm sao biết

Lần này mình không về kịp
xin bạn và trò cảm thông
chúc mọi người vui gặp mặt
chúc trường ngày một thành công.
                                 19/11/2022


Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

TÁM TỈ NGƯỜI


Tám tỷ người thế giới có văn minh
thơ có hay hơn Puskin nhạc có hay hơn Bach
mà sao thấy điên cuồng gào thét
và đì đoàng bom đạn một Pudieen

Trăm triệu người vẫn khổ dân đen 
quan toàn tham lấy đâu ra người lớn 
ai chăn dắt mà dân "ngu quá lợn" (*)
sao bây giờ nước "vẫn trẻ con" (*)

Tám tỷ người trái đất có xanh hơn
có giàu có hơn - rừng vàng biển bạc
nhìn lên Trường sơn rừng già xơ xác
cá dạt trắng bờ bãi biển formosa

Trăm triệu người đất nước có bình yên
ngoài kia Hoàng sa, Trường sa nhức nhối
trong nhà biết đâu ai là trùm cuối
ăn bất kể thứ gì như cả một bầy sâu

Tám tỷ người chỉ như một đám đông
giành giật đấu tranh, khổ đau lăn lộn
không ai nghe ai, cuống cuồng hỗn độn
mãi miết tìm đường nhưng không biết về đâu.

Tám tỷ người 
       không thấy ai chúc mừng
              mà chỉ thấy lo âu...
                                           17/11/2022

***
15/11 thế giới cán mốc 8 tỷ người.
(*) ý thơ Tản Đà

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

CẦN HỌC CHI NHIỀU

 Cần học chi nhiều những triết lý xa xôi
những học thuyết duy tâm, duy vật
những chủ nghĩa nọ kia
những lý tưởng mịt mù tít tắp
những định hướng con đường không biết về đâu

Học chi nhiều giết hại  lẫn nhau
một còn một mất
huynh đệ tương tàn
nồi da nấu thịt

Học chi nhiều cái thói kiêu căng
vỗ ngực cho mình số một
và ngang ngược đặt lợi ích của một nhúm người lên trên dân tộc

Học chi nhiều những lời đường mật
những bánh vẽ, hứa suông
những ảo mộng thiên đường trên trái đất

Học chi nhiều những văn chương a dua
minh họa và nịnh hót
những bài sử viết sai sự thật
những ảo thuật ngôn từ đổi trắng thay đen

Học chi nhiều những thói bốn chen
...
7/ 12/ 2013

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

TỰ DO

 Con  chim ở trong lồng
chắc chắn là bị nhốt
con chim ở ngoài lồng
có chắc gì đã thoát

người trong vòng pháp luật 
đã chắc gì tự do
kẻ ngoài vòng pháp luật
chắc chắn sắp vào lò 

tự do không ở chỗ
ngoài lồng hay trong lồng
mà tự do ở chỗ
được bay bổng tâm hồn

là được cất tiếng hót
ríu rít và say mê
là như con dế nhỏ
rả rích suốt đêm hè

tự do là buông bỏ 
buông bỏ hết mọi điều
là từ bi hỉ xả
và nhẹ nhàng phiêu diêu...
                            12/11/2022




Thứ Tư, 9 tháng 11, 2022

GIÁ NHƯ NGÀY ẤY

      Những năm có chủ trương "tự túc lương thực tại chỗ", thầy Sầm Khắc Chính công tác tại phòng giáo dục huyện, cũng lên rừng làm rẫy. Sau mùa lúa, thầy trồng tiếp mùa sắn. Thầy Chính trồng xen trong rẫy sắn những cây xoan nhỏ. Hai năm sau, khi những cây xoan đã lớn thì có người ngang nhiên đến chặt về làm cọc rào. Thầy Chính trách, thì họ bảo: : - Cây giữa rừng ai thích chặt thì chặt, của chi ông mà giữ". Thầy Chính nản.
     Tôi đưa chuyện này nói với anh Vy Văn Kỳ vốn là giáo viên, giờ lên làm bi thư: - Anh nên có cách gì bảo hộ cho việc trồng rừng của những người như thầy Chính. Anh Kỳ cười, bảo: - Hiện thời chưa có chủ trương của cấp trên, đành phải chờ vậy.
      Cũng những năm ấy, thầy Lê Huy Nguyên trồng rừng ở Quỳnh lập cũng gặp chuyện tương tự. Thậm chí người chặt phá rừng còn vác dao đến dọa. Hồi cha con tôi ghé thăm, thầy Nguyên bảo: - Để yên cho người ta chặt thì tiếc cái công. Mà đôi co đánh nhau với họ thì hư mất cái tính của mình.
      Sau chuyện của thầy Chính một thời thì có anh Lô Minh Trung ở công an huyện trồng được quế trong vườn nhà rồi mở rộng ra thành rừng đến chân Pu Hiêu, Anh còn đào được ao thả cá ở cửa khe ông Ngãi nhưng tốn nhiều công sức lắm mà hình như cũng chẳng tới đâu...
      Giờ thì rừng tự nhiên gần như hết rồi. mới thấy những người đi tiên phong trồng rừng như thầy Chính, thầy Nguyên, hay anh Trung đáng trân quý biết bao. Giá như ngày ấy có chủ trương "giao đất giao rừng|" sớm hơn một chút. 

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

ĐEO KÍNH

 Cái dằm nhỏ tí xíu
mà lại gây ra đau
đeo kính vào lại thấy
ngón tay bằng chuối cau

Trời đang chang chang nắng
đeo kính râm mát liền
lại thấy như vần vũ 
một cơn dông đang lên

 Chắc là đời đep lắm
nếu đeo kính màu hồng
đeo kính vạn hoa nữa 
lại hóa ra thằng khùng
             9/11/2022

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

MAY MÀ

 Về già mới học cầm bay
cũng là một dạng kéo cày 
thân trâu
may mà có được phép mầu
bình tâm đủng đỉnh như trâu 
kéo cày
một ngày qua lại một ngày
tường lên thẳng tắp
đường bay mịn màng
mẹ hoe không hết ngỡ ngàng
bỗng dưng vớ được anh chàng cầm bay
6/11/2022


Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

RCYT: 39. MƯỜI LĂM ĐỘ DỐC

      Những năm cả nước đói khổ, hạt gạo hẩm rồi vẫn phải cõng thêm mấy lát khoai, khoanh sắn. Con người thiếu ăn nhưng không biết do đâu. Thế rồi có ai đó bảo là do thiếu đất. Thiếu đất thì phải "khai hoang phục hóa". Nhưng không phải mảnh đất nào khai ra cũng trồng cấy được, bởi nơi thì thiếu nước, nơi lại bạc màu. Người ta nghĩ tới di dân, lập "làng kinh tế mới". Nhìn thấy đất rừng màu mỡ, mùn dày cả gang, khe suối chằng chịt, ẩm mát quanh năm, thì người ta tính đưa dân lên rừng. Cuộc di dân này thành phong trào, được tuyên truyền khuyến khích, thâm chí vào cả thơ ca: 
         "Đồng xanh ta thiếu đất cày
        Nghe rừng lắm đất lên đay với rừng".
    Đưa dân lên rừng thì phải có đất ở, đất trồng. Để có đất thì phải phát rừng làm rẫy, và dựng túp lều ở tạm. Rừng chỗ đất bằng đã hết thì chặt đốt tiếp rừng nơi đất dốc. Có một quy định thành văn cho phép làm nương rẫy nơi không phải đầu nguồn và dốc không quá 15 độ. Rừng có nơi đâu là không đầu nguồn, nhưng đã có quy định vậy thì người ta sẽ tìm ra chỗ không phải đầu nguồn. Dốc không quá 15 độ thì có nhiều nơi không quá 15 độ. Chân núi thoai thoải, dốc không đến 15 độ. Đỉnh núi khá bằng phẳng, cũng dốc không quá 15 độ. Chân núi, đỉnh núi phát đốt làm rẫy được thì lưng chừng núi cũng làm nương rẫy được.
      Vả lại người dân làm gì có máy móc trắc địa để biết ở đâu độ dốc bao nhiêu? Người này phát rẫy được thì người khác cũng phát rẫy được. Đơn giản thế thôi. Người ở đâu đâu tận dưới xuôi lên được phép làm rẫy thì bà con bản địa cũng phải được làm rẫy.
       Bởi vậy, chỉ hai năm từ khi có chủ trương "tự túc lương thực tại chỗ" và được phép phát nương làm rẫy ở nơi "dốc không quá 15 độ", rừng đã trống hoác từng mảng lớn. Ơn trời được vài mùa rẫy. Người dân no cơm ấm cật hẳn lên, nhất là những hộ "kinh tế mới". Nhưng rồi nắng hạn, xói lở, bạc màu. Nương rẫy bỏ hoang cho cỏ dại mọc.
Người dân di cư bỏ đi chạy chợ, "công ty cá trích" ra đời; Người có sức khỏe đưa hàng lên vùng cao dịch vụ tận chân cầu thang mắm muối, kim chỉ đá lửa, bất kể nắng mưa, sốt rét dịch bệnh.
     Nhìn lại, chỉ biết lạy trởi. Rằng: "15 độ dốc", "tự túc lương thực tại chỗ" chỉ là chủ trương của một thời, nóng vội một thời, dại dột một thời. Rồi qua. Để rừng còn mọc lại.
                                                Rừng chiều yên tĩnh1985

*****
     Thời ấy thầy trò trường chúng tôi cũng lo lắng phát nương. Vạt nại ấy rộng chừng 1ha, bên đường 48 ở km119. Phát xong mới nhận ra là mình phát vào nại cũ, cây cối um tùm nhưng là mới mọc lại, Nếu đốt cháy rồi thì số cây que chỉ đủ để làm một mé hàng rào. Ba mé còn lại biết rào bằng gì? Mà không rào được thì trâu bò phá hết. Đành bỏ. 
     Nhưng cũng nhờ nhà trường bỏ cuộc mà mẹ tôi mới thôi thúc dục tôi tìm chỗ làm lấy một vạt nương. Tội lắm. Biết mẹ lại lo đói. Thương mẹ nên tôi không dám nói gì.

          * Trường tôi, cũng ngày đó, có cô giáo trẻ nghỉ hè cùng người nhà lên làm rẫy trên đỉnh Pu Quai. Cô giáo bị cảm thương hàn, tới khi người nhà đưa được xuống viện thì đã quá muộn rồi. Cô không qua khỏi. Tội lắm. Càng thương hơn vì là trò cũ của tôi. Tôi tới thăm, trò chỉ kịp nói: "Em- mệt- lắm- thầy- ạ". rôi lặng lẽ nhắm mắt. 

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

CỨ THẾ MÀ DẠY

      F vừa nhắc:

      Hồi còn chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, trường ĐHSP Vinh chưa có khoa sử, khoa địa và một số khoa khác nữa nên các tỉnh miền Trung thường thiếu giáo viên mấy môn ấy. Tôi ra trường được điều đi vùng cao, đã đành, mà cô giáo địa lý, dân Hà nội gốc phố Huế cũng phải chấp nhận như vậy. Cô trở thành mì chính cánh, thành hoa hậu của trường. Sau mấy tuần làm quen và thích nghi dần với rừng rú, với anh em bạn bè cô mới kể:

- Vào tới ty (sở giáo dục) nhìn thấy mặt ông tổ chức phừng phừng với cái mũi đỏ đỏ mình đã thấy ghê ghê. Ngồi chờ, nghe ông ấy hỏi một cô mới ra trường như mình: - Học văn hả? Dạy địa nhá!  về Tân kỳ!.  Mình choáng quá.
Cô ấy chối đây đẩy: Em biết gì môn địa mà dạy?
- Ôi dào, ông ấy nói: -Khó gì, Việt nam mình phía đông giáp biển, phía tây giáp Lào ... Cứ thế mà dạyNhất trí nhá. Đi Tân kỳ. Muốn dạy văn thì đi Tương dương.
Cô ấy chấp nhận đi Tân kỳ. Đến lượt mình, mình ngoan ngoãn đi QP, không dám hé một lời. Lên đây, mới biết QP là huyện vùng cao biên giới.
Chuyện này gợi cho tôi nhớ lại ngày đi thực tập. Ông hiệu trưởng phân công cô giáo văn dạy thay thầy giáo sử bị ốm. Cô ấy cũng chối đây đẩy. Hiệu trưởng bảo: - Khó gì. Đinh Lê Lý Trần Lê, phải không nào..., Quang Trung đánh Nguyễn Huệ, phải không nào... Trên tinh thần ta thắng địch thua, phải không nào... Cứ thế mà dạy!

 Hơn bốn mươi năm qua rồi, cái món "cứ thế mà dạy" cùng với nhiều thứ nữa cứ ngấm dần, ngấm dần mà không mấy ai để ý. Chỉ đến khi hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 môn sử thì người ta mới ớ ra.
 Giờ thì thật là quân ta đánh quân mình rồi, còn nói chi nữa.
                                                             30/9/2011



Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

LỀU

 Ngày xưa ở trong lều cỏ
nay ở lều container
cái lều này làm bằng săt
khỏi lo sớm nắng chiều mưa

với mình thế là tạm ổn
chỉ thương cây cối trong vườn
càng thương bà con rốn lũ
bão chồng bão lại càng thương.
16/10/2022


Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

CỎ DẠI 2


Cỏ dại rất háo sáng
nhưng thân lại không cao
bộ rễ cũng nông cạn
nên sẽ sống thế nào
nếu bị cạnh tranh mạnh
về ánh sáng nước nôi
với bao loài cây khác
cao sừng sững giữa trời?

Rừng sâu không cỏ dại
cây gai nhọn cũng không
thiên nhiên là bài học
cho sự sống cộng đồng.



Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

CỎ DẠI

 Mảnh đất đầy cỏ dại
cuốc trước chúng mọc sau
gom lại phơi rồi đốt
chúng lại mọc càng mau

Có một cách đơn giản
trồng xen nhiều loại cây
thấp cao đủ các loại
cỏ dại sẽ lụi ngay

Vườn của tôi cũng vậy
trồng chuối và trồng bầu
trồng nho và trồng sả
có dại hết từ lâu.




Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

MỘT MIỀN NHO NHỎ

    (Viết tiếp câu thơ cũ)

Con ếch kêu bên bờ ao
Con chim hót trên trời cao
Ta ngâm thơ trong lều cỏ
Mỗi đứa có một miền nho nhỏ

Đơn sơ thế mà hạnh phúc
Khi ta được nói nên lời
Nhưng rồi cuộc đời có lúc
Như sông khi lở khi bồi

Ao xưa giờ đây đã lấp
Trời cao rừng xanh không còn
Lều cỏ từ lâu đã mất
Đã mất một miền con con

Bỗng nhiên thèm nghe tiếng ếch
Như xưa nghe tiếng gọi đò
Thèm nghe trên cành chim hót
Ta về lều cỏ ngâm thơ.
                          11/10/2022


Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

NÉM CHUỘT SỢ VỠ BÌNH

     Nhắc đến chống tham nhũng, cụ Tổng mượn câu thành ngữ: "ném chuột sợ vỡ bình", để lưu ý cần "thận trọng... tỉnh táo". Đồng thời ý cụ Tổng cho thấy chuột ở rất gần bình, hoặc nấp sau bình, thậm chí đang rúc rích kiếm ăn hay làm tổ trong bình. Cụ Tổng cũng ngầm nói lên rằng cái bình kia đang để vào góc khuất, chỗ tối, hoặc là nơi không có ai trông coi nhòm ngó. Không chừng cụ Tổng còn có ý rằng cái bình kia đang che chắn, đang làm bình phong cho lũ chuột. Còn như nếu không phải thế thì sao lại sợ vỡ bình?

      Vậy: *Nếu là bình quý thì nên trông coi, cất đặt cẩn thận, hơn nữa cần trưng ra nơi sáng sủa cho mọi người cùng được ngắm nhìn từ mọi hướng. Được thế thì lũ chuột còn chỗ đâu mà ẩn nấp. 
     *Nếu là cái bình không có giá trị thì bỏ đi, giữ làm gì, nhất là lại nhét vào xó tối cho chuột nó rúc rích. 
     *Còn nếu như cam tâm làm bình phong che chắn cho chuột thì ném cho tan xác luôn cùng với lũ chuột chứ tiếc nỗi gì.
     Cái sự nó rõ ra vậy, đã nghĩ được đến thế, đã ngầm chỉ ra bao điều, thế mà cụ Tổng vẫn còn nhắn nhe "thận trọng... tỉnh táo", không hiểu để nhằm ý gì. Chẳng lẽ cụ lại bênh cho mấy chú chuột. Hay là cụ không nghĩ ra cách gì ngoài cách ném vỡ bình. Hay là cụ không muốn kê bình ra chỗ sáng.
   9/10/2014  (F vừa nhắc lại 8 năm trước)

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

NHỚ LẠI MỘT Ý TƯỞNG

        Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011.

      Nay tôi nhắc lại ý tưởng này vì là thấy có cái gì tương tự thế đã được triển khai rồi và thực lòng muốn thấy hay hơn. Đấy là ý tưởng dùng bè trồng cây thủy sinh để lọc nước và trang trí cảnh quan trên dòng sông Tô lịch.
   Hiện trạng dòng sông Tô đã bị ô nhiễm nặng, bốc mùi khó chịu ngay cả trong mùa mưa, mùa rét. Mực nước dòng Tô xuống thấp, lưu lượng chảy không nhiều. Giữa mùa mưa mực nước vẫn ở mức thấp so với các cống nhỏ đổ vào và cũng rất thấp so với hai bờ. Hai điều này cho ta thấy cần và có thể triển khai ý tưởng nói trên.
    Triển khai ý tưởng có các bước:
   - Làm bè, thậm chí chỉ cần làm các khung định hình bằng chất liệu nhẹ, tự nổi trên mặt nước. Bè hoặc khung định hình có thể làm thành các mảng có hình dạng khác nhau, có thể liên kết với nhau thành khối, mảng, thậm chí thành hoa văn, hình ảnh trang trí đa dạng và sinh động.
  -  Chọn lựa các loài cây thủy sinh có màu sắc hoa lá thấp cao hình thái khác nhau mà trồng lên các bè hoặc thả vào các khung đã chuẩn bị sẵn.
  -  Thiết kế hình khối hoa văn, rồi lắp đặt sắp xếp các bè hoặc khung theo từng chủ đề ý tưởng.
  -  Cuối cùng là neo các bè hoặc khung lại để định hình.
    Tôi hình dung dòng Tô sẽ thành một vườn hoa nổi kỳ thú giữa lòng thủ đô. Vườn hoa ấy không cần tưới, không cần bón phân, và cũng không tốn nhiều công chăm tỉa. Đã thế nó lại là cái máy lọc nước để dòng Tô sạch hơn, và còn có thể cản được phần lớn khí ga hôi hám bốc lên. Những nhà kinh doanh còn có thể kết bè hoa thành logo, thành tên hiệu, thành quảng cáo...
    Các bè cây có thể cản trở chút ít dòng chảy nhưng nhờ có bờ cao nên nước có dâng lên một chút cũng không sao. Cẩn thận hơn thì ta trồng thí điểm từng đoạn từng mảng, ví dụ như đoạn từ  Bưởi đến Cầu giấy, sau đó từ Cầu giấy đến Ngã tư sở.
     Cách đây khoảng chừng 5 năm (2006) tôi đã gửi bằng thư ý tưởng này đến một vị GS đáng kính. Ngày ấy thực lòng tôi không biết cách nào khác để trao đổi thông tin. Ngày nay tôi nhờ mạng blog mà đăng tin này, những mong đến được những người có năng lực biến nó thành hiện thực. 


Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

NGÀY MAI

 

Ngày mai
có thể ngày mai

các nhà thơ sẽ viết hay hơn
nhưng với hôm nay
thơ Nguyễn Tiên Điền vẫn là cái đích

Ngày mai
có thể chế hợp kim rắn nhất
nhưng để có pho tượng đồng đen đền Quán Thánh
thì với hôm nay vẫn thấy xa vời

Ngày mai ta bay khắp bầu trời
khám phá các tinh vân xa lạ
với hôm nay một Kê- ôp, một Ăng- co
đã là kỳ diệu quá

Ngày mai rồi thế giới đại đồng?
rồi sẽ hết đói nghèo áp bức?
đời Nghiêu Thuấn vẫn là cái đích
đêm ngủ cửa không cài
người ra đường không thèm nhặt của rơi

Ngày mai
có thể ngày mai
sẽ có hết
nhưng mà hạnh phúc của con người
thì vẫn là cái đích
còn xa...
             1999

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

BÃO

 Bão thổi qua rừng nguyên sinh
gió chỉ lướt đi trên ngọn
Bão tràn qua đồng cỏ lớn
như thể cỏ càng  thêm tươi 
Bão cuốn ở ngoài biển khơi 
cá tôm tung tăng như hội
Hình như chỉ con người
là buồn lo khi bão nổi.
2/10/2022




Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

LỨA CHÚNG TÔI VỚI VĂN HÓA NGA

     Lứa chúng tôi sinh ra và lớn lên trong hai cuộc chiến trường kỳ. Khó khăn gian khổ ác liệt là điều không tránh khỏi. Nhưng, có thể vì hoàn cảnh ấy mà chúng tôi biết đến nước Nga và văn hóa Nga. 
     Lứa chúng tôi biết đến văn hóa Nga bởi những bài hát hồi đầu như "Thắm thiết tình Việt Trung Xô..." và ảnh Lê -nin, Stalin bên cạnh ảnh Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông. Là Liên xô qua các trang báo ảnh in màu rực rỡ, được phát không ở miền Bắc hồi ấy.
    Văn hóa Nga đến với chúng tôi qua hình ảnh Liên xô phóng tàu Xputnhics, tàu vũ trụ Phương Đông, và hình ảnh các anh hùng phi công vũ trụ I. Gagarin, G. Titop, V. Gorbatco...
     Các bài hát Nga mà chúng tôi đã thuộc: Đôi bờ, Cachiusa, Chiều Mascova, Tình ca du mục, Tình nguyện, Triệu triệu bông hồng...
      Ở phổ thông chúng tôi học bảng tuần hoàn hóa học của D. I. Mendeleev, học về thuốc trừ sâu DDT và 666 (mà không hề biết rằng chúng đã bị thế giới khuyến cáo tác hại môi trường). Chúng tôi còn học sinh vật với các lão nông Mitsurin và Lưxenco cùng lúc chỉ trích G. Mendel. và T. H. Morgan.
    Về văn thơ Nga chúng tôi đã đọc các tác giả: A.S. Puskin, N. Gogon,  C. G. Pautopxki, L. Tonxtoi, A. Tonxtoi, M. Solokhov, N. A. Oxtropxki, M. Prisvin...Và nhiều nữa không ghi hết.
     Tôi học sư phạm, nên đã đọc cả A. X. Macarenco, và V. Xukhomlinxki.
     Và vì học toán nên cũng đã học hình học N. I. Lobasepxki, giải tích A. Khinchin và xác suất A. N. Kanmogorov. 
     Chúng tôi cũng đã học tiếng Nga  ba năm cấp 3, ba năm đại học, và còn tự học thêm vài ba năm nữa, (dù là sau đó chẳng để làm gì).
     Thế hệ chúng tôi, dù chưa qua Nga, chưa thấy rừng taiga hay rừng bạch dương, vẫn say mùa thu vàng I. I. Levitan, vẫn thích vũ điệu Hồ thiên nga P. I. Tchaicovxky, vẫn thấm đẫm văn hóa Nga và yêu quý nước Nga. Ngoài ra chúng tôi còn biết đến nước Nga Xô viết qua quạt tai voi, nồi áp suất... qua các nhãn hàng CCCP: xe zil khơ, u oát; máy bay Mig; súng AK...
   Nhưng rồi Đông Âu, bức tường Béclin sụp đổ, Liên xô tan rã. Chúng tôi sốc. Rồi dần dà cũng tỉnh ra, thấy rằng đấy là điều không tránh khỏi. Và rồi các thần tượng xưa Lênin, Sitalin.., cũng dần biến mất.       
     Ba mươi năm nguôi ngoai, tưởng như mọi chuyện đã an bài. Ngờ đâu Rux kéo quân sang đánh người anh em Urk. Chúng tôi ngã ngửa vì một Putin dở điên dở khùng. Đến nước này, thì dẫu vẫn yêu quý văn hóa Nga nhưng chúng tôi không thể ủng hộ Rux, càng không thể ủng hộ Pudien.

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

HỨNG ÁNH NẮNG VÀO BÌNH

         Các trò ôn thi cùng tôi. Ban ngày thì không sao, nhưng ban đêm, đèn dầu tù mù thật tội. Hôm ôn đến phần quang học, Thành nẩy ra ý tưởng: Giá mà hứng được ánh nắng mặt trời như hứng nước mưa thầy nhỉ. 
      - Hay quá! Dùng thấu kính lồi hứng ánh sáng mặt trời cho tụ về một điểm, ghé miệng bình vào điểm ấy, Hứng cho đầy rồi nút lại. --Khoa và Bình cùng bàn thêm. --Khi cần, như tối hôm nay thầy trò ta chỉ cần hé nút là ánh sáng tuôn ra chan hòa tha hồ mà học. 
      - Nhưng phải chuyển ánh sáng sang dạng hạt mới đựng được vào bình. Tôi góp ý.
      - Thì thêm cái van chuyển đối từ sóng sang hạt chiều vào và từ hạt sang sóng chiều ra.
     - Cái bình làm bằng chất liệu gì thì chứa được hạt ánh sáng?
     - Ừ nhỉ, hơi khó. 
  Thầy trò tôi tạm dừng ở đó. Rồi Bình đi bộ đội, ngày ấy còn chiến tranh. Khoa và Thành được đi học đại học.
     Bốn mươi tám năm rồi, Thành và Bình đã rời cõi tạm. Khoa không biết ở đâu. Nhìn ảnh thầy trò ngày xưa, bỗng nhớ.


25/9/2022

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

BẠN TÔI XƯA

      Năm 1970 Nguyễn Văn Ty lên Quế phong. Năm 1971 bạn về Quảng bình khói lửa. Hơn nửa thế kỷ mới gặp lại nhau qua mạng:


     Nhớ lại thuở ấy, một hôm Ty cùng các bạn đi theo lối mòn trâu kéo gỗ, đã phát hiện ra những tâm bìa bắp bị bỏ lại trong rừng. Có những thanh bìa thẳng băng, dày dặn. Ty và các bạn đã vác về hai thanh bìa như vậy. Thế là nẩy ra ý tưởng dùng hai thanh bìa này làm văng cho hai vì kèo giữa của lớp học ba gian cột gỗ chôn chân cùng tre nứa lá đang làm dở.
     Căn lớp ấy khang trang hẳn lên, mặc dù chung quanh vẫn phải đắp lũy, chỉ trổ hai cửa ra vào và một nghách xuống giao thông hào. Ngoài các buổi học thì căn lớp ấy còn là nơi để họp hội đồng giáo viên, là nơi tổ chức liên hoan cuối năm, và một lần là hôn trường đám cưới thầy Kỷ với cô Tuyết. Lại thêm, mùa đông năm 1972, thầy Chánh đã kê súng lên bờ lũy của lớp học ấy để bắn phát súng thứ hai vào con hổ, và nó gục xuống ngay trên mép hào giao thông phía sau lớp.
       Trở lại Nguyễn Văn Ty, bạn được tin cậy giao cho quản lý chiếc đài Orinton của trường. Bạn đã chép nhạc và lời rồi cùng tập hát bằng cái đài đó và phổ biến ra cho tất cả các thầy cô cùng học sinh các lớp. Bạn còn giữ cả chiếc đàn guita của trường và tập bập bùng. Hồi ấy anh em chưa ai biết chơi hợp âm, phải chờ hai năm nữa, anh Vũ Đài lên thay cô Tuyết chúng tôi mới được học điều này.
     Kết thúc năm học 1970- 1971 chúng tôi túm hết tư trang vào ni lông, cởi trần đội mưa đạp xe xuống Nghĩa đàn coi thi. Rồi từ đây bạn tôi về Quảng bình. 
     Biền biệt...

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

VỀ TỚI KHÔNG

     Ở đời ai cũng mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc là khi tổng niềm vui lớn hơn tri tuyệt đối của tổng nỗi buồn trong chuỗi cảm xúc của đời người. Nhưng mà đời là bể khổ, thành ra tổng của hai thứ ấy chẳng mấy khi dương, mà ngược lại, hết thảy là âm.
    Biết là âm, nên người tỉnh thức không truy cầu mà ngược lai, phải tiết chế cảm xúc, trì kiến tu tập để cho cái tổng cảm xúc- nếu có- về không. Về được tới không đã là hạnh phúc tột cùng rồi. Là tới Niết Bàn. 
     A Di Đà Phật.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

ĐỌC THƠ THÁI BÁ TÂN

Hay thì quả hay thật
nhưng càng đọc càng buồn
và đúng cũng rất đúng
càng đúng càng buồn hơn

Có vẻ như đất nước 
mắc phải một lời nguyền
hay mắc bẩy địa lý
hoặc như là kém duyên

Mà có thể cũng đúng 
mắc nghiệp chướng mình gieo
cháu con phải trả nợ
đau khổ và đói nghèo 

Bao giờ trả hết nghiệp
sám hối thực thành tâm
và hòa giải hòa hợp
mới mong khá lên dần.


Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

NẾU

 Nếu có đức vua sáng
Thì quân chủ cũng tốt
Nếu vững mạnh trong sạch
Thì độc đảng cũng tốt
Nếu không được như thế
Thì dân chủ là nhất
Và dẫu được như thế
Dân chủ nữa - càng nhất.
20/8/2013

Nếu gặp phải vua lú
lại tại vị dài dài
thì thật là tai hại
cho dân tộc giống nòi.

Nếu tham nhũng bè phái
lại độc đảng trị vì
thì thật là thảm họa
làm đất nước suy vi.
17/9/2022

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

ĐI TÌM VÔ HẠN

      Truy cầu cái hữu hạn, thì dù có được nhiều bao nhiêu, vẫn chỉ là hữu hạn.
    Tìm kiếm cái vô hạn, thì chỉ trong một giọt sương cũng có cái vô hạn.





Ý NGHĨA CỦA NGÔN TỪ

       Giấy mực là thô, con chữ cũng thô, nhưng ý nghĩa của câu chữ là mịn. Tương tự, miệng lưỡi là thô, âm thanh phát ra cũng thô, nhưng ý nghĩa của lời nói là mịn. Là mịn nên ý nghĩa của ngôn ngữ (viết và nói) liên thông tức thì trong toàn vũ trụ. 
    Nhờ thế mà người với người hiểu nhau. Rồi cả muông thú, cả cỏ cây nữa cũng hiểu nhau và hiểu cả ý người. Người yêu thương nó, nó vui vẻ tốt tươi; Người chửi mắng nó, nó buồn rầu héo rũ. Điều này cũng đúng cho những hạt cơm trong thẩu, đúng cả khi không dùng lời nói mà chỉ dán dòng chữ bên ngoài. Lạ thay điều này còn đúng cho cả những giọt nước. Người vui với nó, nó kết tinh hài hòa đẹp đẽ; người tức tối nó, nó kết tinh xấu xí dị hình. Rồi nhỏ bé hơn, đến chỗ tưởng như không còn chút gì linh, như cặp rối lượng tử vẫn tức thì liên thông trong mịn.
     Cây cỏ, hạt cơm, giọt nước... không tai không mắt, không nghe không đọc, không cần phiên dịch mà sao chúng hiểu, bất kể đấy là thứ ngôn ngữ nào trên trái đất? Có lẽ rằng đấy là chúng hiểu tất cả những điều đó từ mịn, nghĩa là hiểu từ ý nghĩa chứ không phải từ cái vỏ hình thức của ngôn từ. 
      Một niệm lay động càn khôn, cũng chính là vậy.
                                                                                     16/9/2022

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

CÓ MỘT TẦNG DI SẢN

 Có một tầng di sản
Bị bóc đi một phần
Bởi những đạo quân xâm lược

Bị bán đi một phần
Đổi lấy áo cơm những ngày cơ cực

Một phần mang theo dòng người di cư
Khi những cuộc chiến tranh kết thúc

Một phần lưu giữ nơi đất khách

Có cái bị đốt đi
Bị lãng quên
Đào sâu chôn chặt

Có cái chỉ còn trong trí nhớ nằm lòng
Chỉ còn trong ký ức

Và có cả những tâm hồn thuần Việt
Đã trở thành hóa thạch
Một miền xa xôi nào


19/3/2011
                 

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

CHÚ VOI CON

 Hai năm trước:
Cái này cũng từ biển
vỏ hàu còn bám đầy
chắc chắn là có lũa
nhưng tạm dừng lại đây...

Và nay. Sau khi loại bỏ hết phần giác mục.
Chú voi con:






Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

ƠN TRỜI

         Bà con vùng cao chào nhau bằng câu: Còi dù bò- có khỏe không? bởi sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu. Mỗi khi được chào hỏi thế, tôi thường trả lời: - Cảm ơn..., nhờ trời... nhăng còi dù- còn khỏe. Và, mỗi khi qua được một biến cố cuộc đời, tôi cũng lại thầm cảm ơn trời. 
      Ngày còn có trò, thấy tôi thường nói nhờ trời, trò tò mò hỏi: -Trời là gì vậy thầy? Tôi bảo: - Theo cách định nghĩa của toán học thì, trời là tập hợp tất cả những gì không thuộc về mình mà lại trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến mình, còn mình thì gần như không thể tác động ngược lại. 
     Bởi thế, con người chỉ còn biết nhờ trời. Khi có điều chi ước muốn ngoài sức của mình thì phải cẩu trời. Khi oan ức quá, khi đau không chịu thấu thì chỉ còn biết van trời. Hoặc nữa, là lạy trời thương tình tha cho khi mình lầm lỗi. Thăm thẳm cao xanh, lưới trời lồng lộng. 
    Còn khi nói được: Ơn trời, thì đấy là lúc mình đã gặp được một điều may mắn ở đời.

CÁI BÓNG

 Xưa, cụ Tản Đà có lúc cô đơn quá, đã phải ngồi “nói chuyện với bóng” của mình. Tôi không dám bắt chước cụ, nhưng cũng xin được nói về bóng, cái bóng quang học.
      Vật sinh ra bóng. Nhưng bóng không phải là vật, mặc dù bóng cũng chuyển động, cũng khua chân múa tay như là vật vậy. Lại phải có phông màn mới in được bóng. Cái phông mà lồi lõm méo mó thì bóng cũng méo mó theo.
Bóng còn tuỳ nguồn sáng. Nguồn sáng càng bé mà lại càng gần thì bóng càng to, không chừng vĩ đại . Ngược lại, nguồn sáng lùi ra càng xa thì bóng càng nhỏ. 
Và khi nguồn sáng chan hoà rực rỡ ở khắp muôn phương thì không còn bóng nữa. Khi ấy vật mới thật là nó với tất cả những gì nó có.
                      Thứ 6 ngày 19/8/2011

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

VÔ NGÃ

       Các nhà nghiên cứu Israel và Canada năm 1960 đã ước tính một người đàn ông 20 - 30 tuổi, cao 1,7 mét và nặng 70 kg có thể mang 3,9 x 1013 (39 nghìn tỷ) vi khuẩn và 3,0 x 1013 tế bào, ứng với tỷ lệ 1,3:1. (Đấy là chưa kể giun sán chấy rận, và các con ghẻ ký sinh).
     Mỗi vi khuẩn là một cơ thể sống hoàn chỉnh, là một sinh linh. Giun sán chấy rận cũng vậy. Tôi chỉ một, mà vi khuẩn trong tôi thì nhung nhúc. Trong máu của tôi, trong tim óc của tôi đều có vi khuẩn, có cả kí sinh trùng sốt rét. Tôi đang run rẩy hay kí sinh trùng run rẩy?, Đầu tôi đau, hay chúng nó đau? Tôi nhói trong tim, vì tôi hay vì chúng nó? Tôi ăn là ăn cho tôi, tôi thở là thở cho tôi hay cho chúng nó?
      Vây thì tôi và chúng ta, với tư cách là một sinh linh, chúng ta là người hay là vi khuẩn? Chúng ta là người hay là giun sán, hay là chấy rận?
     Ở góc độ cơ thể thế vật lý, tôi chiếm tỷ trọng lớn hơn (khoảng 97%); Xét về số lượng tế bào, tôi xêm xêm chúng nó;  Nhưng xét về sinh linh, tôi là vô cùng bé, bé đến thảm hại, đến không đáng kể. Tôi là tôi mà không phải là tôi. Tôi chỉ là một trong số hơn 5000 lần dân số thế giới, nghĩa là tôi chỉ là một trong số bốn mươi ngàn tỉ các sinh linh khác trong tôi. Nếu biểu quyết, tôi thua. Tất cả bọn chúng sẽ nhao nhao lên bảo: chúng nó đã sở hữu cái xác vật lý này hơn 3/4 thế kỉ rồi, đây là môi trường sống của chúng, không có tranh chấp, không có cầm cố, sao nay lại bảo của người khác được?
    Có lúc tôi nghĩ: Mình như một khu rừng với vô vàn cây cối, rong rêu; với bao nhiêu muông thú, chim chóc, và nhung nhúc rắn rết, giun dế, sâu bọ, kiến mối... Tôi cũng có thể là hồ là sông mà chúng là tôm cá cua lươn ốc hến...
     Nhưng, nếu vậy thì tôi là gì? - Là rừng hay là cây? Là chim hay là giun? Là sông hay là cá?
     Không là gì.
     Vô ngã!.
Chỉ còn hy vọng, mỗi khu rừng có một vi thần rừng, mỗi dòng sông có vị thần sông. Và mỗi cái tôi, ngoài cái thân sinh lý và cái xác vật lý, còn có một cái tôi không liên quan gì với giun sán vi trùng vi rút. Cái  tôi mịn ấy là tôi.
                         27/7/2022


Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

RCYT: 32. BỘ SƯU TẬP

           Tôi có một ao ước, thuần túy là ao ước thôi, về một bộ sưu tập những sản phẩm thủ công mỹ nghệ dệt thêu đan phản ánh tài năng sáng tạo và bàn tay khéo léo của đồng bào đất Quế chúng tôi.
                              

Chiếc khung cửu đơn sơ tạo bởi mấy khúc gỗ đẽo bằng dao, vài ba ống mét, dăm bảy lóng nứa mà có thể dệt nên những chiếc khăn đội đầu, những tấm ga trải nệm bông lau, những chiếc bọc chăn, chân màn, chân váy… đủ muôn hình sắc. Có thể cải vào mặt vải những đường nét tao nhã, biến hóa mang nét đặc thù văn hoa trang trí của dân tộc Thái miền Tây Nghệ an. Cách tân hơn, có thể cải vào mặt vải tên mình, hay một dòng kỷ niệm. Đặc sắc nhất là dệt nên hình chim phượng, chim công, hươu nai, voi hổ, rồng bướm… với bố cục cân đối, hình ảnh sống động, màu sắc hài hòa, vừa thực vừa cách điệu, vừa gần gũi núi rừng, vừa bay bổng truyền cảm.
Vậy mà chỉ cần một khung cửi đơn sơ, các bà các chị khéo léo điều khiển hai chiếc go dệt và một chiếc go cải mà tạo nên tất cả. Muốn có hình trên vải ta cải hình trên go. Đến khi lần ngược lại, gỡ dần hình trên go ta lại dệt nên tấm hình thứ hai hoàn toàn đối xứng. Cái cân đối hài hòa vốn đã có từ trong thao tác mà lần lượt tạo nên.
Cũng với những bàn tay ấy, các bà các chị trồng bông, nuôi tằm kéo sợi ươm tơ. Màu xanh màu đỏ màu vàng đều có thể lấy từ cây lá trong rừng mà tẩm nhuộm, bền mãi không phai. Có thể pha thêm màu hóa chất, thêm cả sợi kim tuyến nữa thì càng đa dạng sắc màu và rực rỡ hơn lên.
Rẫy bông nở bung trắng sợi tháng tư, con tằm nhả kén bốn mùa vàng óng. Mưa dầm rét ngọt là khi kéo sợi, nắng ráo là ngày nhuộm tơ. Khung go lên sẵn, rảnh rỗi giờ nào là ngồi vào mà dệt. Ngày giờ không đếm hết. Mặt vải thẳng căng, hoa văn nổi rõ lên dần cho tới khi cấu thành sống động.

Trong khi thêu dệt là tài hoa của các bà các chị thì đan lát lại là cái khéo của quý ông. Từ bức vách tấm phên đến nong nia thúng mủng dần sàng, rồi cái gùi trên lưng, cái giỏ bên hông, tới cái ép đựng xôi trong bữa cơm hàng ngày… nơi đâu cũng có hoa văn, cũng có dấu ấn của những bàn tay vàng dân dã. Điều đặc biệt là nghệ nhân không hề tính toán thời gian, cốt yếu là làm cho được sản phẩm với chất lượng cao nhất, tốt nhất, bền nhất và đẹp nhất.
Vậy nên vùng cao có biết bao nhiêu cái đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người, trong mỗi mái nhà, trong làng trong bản. Bộ sưu tập, vì thế nếu có thì thật là phong phú và với tôi cũng vì thế mà mãi mãi vẫn chỉ là ước muốn. Tôi không sao có được bộ sưu tập ấy, nhưng mảnh đất này, vùng quê thân thương này nên có và hãy cố giữ gìn mãi mãi trọn vẹn bộ sưu tập đó.
                                       Rừng chiều yên tĩnh 1984