Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

TRƯỚC KHI RỜI ĐẤT QUẾ

        Đứng lại với Lê Đình Nguyên phút giây trước khi cùng cha con Phạm Thanh Năm rời đất Quế:


                                                    Hè 1991

RCYT: 49. TIẾT TIỂU MÃN

        Khi vùng ven sông Lam dưới xuôi vào mùa "trên đất nam cào dưới rào nước sóc" thì ở thượng nguồn vào tiết tiểu mãn, bắt đầu mùa mưa. Ấy là mùa mưa chung của mấy nước chịu ảnh hưởng gió mùa nóng ẩm Ấn độ dương, mà ngay kề ta là nước bạn Lào, và các huyện vùng cao lân cận của mình. Mưa mùa này kèm theo giông ào ạt. Thượng nguồn sông Hiếu, sông Lam nước dềnh lên sủi bọt.
      Gió mùa tây nam về đến Quế phong, Quỳ châu thì trút hết những giọt mưa cuối cùng, để xuôi Quỳ hợp, Nghĩa đàn thường là chỉ còn gió Lào khô nóng. Bởi thế không mấy ai ở miền xuôi biết rằng giữa lúc gió lào cồn cột thổi, thì vùng cao đang xối xả mưa.
     Tiều mãn cũng là lúc bước vào mùa thi tốt nghiệp. Hè 1970 chúng tôi coi thi ở Quỳ châu, nhà bếp cho ăn canh nấm mùa mưa, hái ngay quanh lán lớp. Nấm ngon lắm, ngọt lừ, nhưng học trò cảnh báo: dễ bị đau bụng lắm đấy thầy ạ. 
      Sang hè 1971 thì chúng tôi coi thi Nghĩa đàn. Mấy anh em cột chặt tư trang vào ni lông, trùng trục quần đùi đạp xe trong mưa. Về đến khe Đồng minh thì còn qua được, nhưng đến khe Tà lãnh thì cả tốp dừng lại, chờ có ai ở gần biết nông sâu thế nào mà hỏi. Đang loay hoay thì có cô đi xòn bước tới chào thầy. Thì ra là trò mà tôi đã coi thi năm ngoái. Trò bảo qua được đấy thầy ạ, để em đi trước cho. Mấy anh em tôi vác xe lên vai thận trọng lội theo.
      Về tới đập tràn Châu bình thì nước dâng lên cuồn cuộn. Có một búi mét rất to trôi từ thượng nguồn về mắc kẹt ngay cống tràn, ngọn lả theo dòng nước. Người hai bên bờ ứ lại không ai dám qua. Chờ một lúc thì có tốp sơn tràng ngược lên. Họ dìu nhau lội ra chặt bụi mét. Chặt được cây nào là nước cuốn phăng đi cây đó. Khi chỉ còn cái gốc mắc lại thì đã có thể đi qua. Hai ba người nắm tay nhau hàng ngang thận trọng nhích từng bước.   Anh em chúng tôi học theo, dìu nhau, người đi giữa vác xe, có hai người  kèm hai bên. Xe phải vác khung nằm ngang, để tránh cản nước. Lần lượt dìu nhau như thế đến chiếc xe cuối cùng, thì cùng đạp tiếp về xuôi.
      Qua sông Dinh thì chỉ còn mưa nhỏ nhưng đường trơn, có đoạn năm sáu cây số bết dính đất đỏ, không đạp, không dắc được thì lại phải vác. Qua được đò Tây Hiếu rồi anh em cho cả xe và người xuống tắm. Sạch sẽ tinh tươm đâu đấy mới đóng bộ vào mà xuống trường.
     Ba ngày coi thi xong, các bạn về xuôi nghỉ hè, hai bạn Danh, Ty về luôn Quảng bình, còn tôi lại đạp xe ngược lên đất Quế.

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

TINH TẾ NGƯỜI XƯA

        Ngày còn nhỏ tôi thấy cậu Cả thường nấu nước chè bằng củi tre, ở quê gọi là chánh nè- cành và ngọn tre khô. Cậu nói đun củi này nước không bị hôi khói. Còn nước, phải là nước mưa, không phải hứng ở giọt tranh mà là ở cây cau, dành riêng cho nấu nước chè.

      Cái đóm để hút thuốc lào của cậu cũng phải là tre ngâm nước trong, chứ không phải ngâm bùn, đủ lâu cho tan hết chất tre, rồi phơi khô, chẻ mỏng, khi cháy không có khói, hút mới không lạc mùi thuốc. Ngày ấy đói khổ, cơm hấp khoai, ăn với cà với nhút còn không đủ no, nhưng cái gì thận trọng được thì thì thận trọng, cái gì cầu kì được thì vẫn cầu kì, cái gì tinh tế được thì vẫn giữ cho tinh tế.

      Ruộng đất bị tịch thu rồi thì cậu kiếm sống bằng đan lát thúng mủng dần sàng. Cậu tỉ mẩn vót từng nan óng chuốt, đều tắp, không vội vàng, cậu cài từng nan, từng nan. Hàng cậu làm ra đẹp lắm, cho thỏa cái chí của cậu chứ không phải chạy theo đồng bạc. Cậu có hoa tay. Chữ viết cũng đep, lại còn bay bướm nữa, mẹ tôi nói:- Chữ của cậu không ai bằng. 

      Trở lại nhà mình. Nhà mình cũng khổ, chẳng mấy khi biết mùi cá thịt. Nhưng dù khổ thế, chẳng thà dưa cà chứ mẹ tôi không bao giờ ăn cá da trơn;  Dân làng tôi cũng khổ, nhưng chỉ ăn dam mùa đông xuân, không ăn dam muà hè thu; chỉ ăn con nhộm nhộm, không ăn cào cào châu chấu; chỉ ăn dế sa, không ăn dế dụi; ngày đói đi đào rau má cũng phải tìm nơi xa dân cho sạch. Hồi ấy bà con đã nhận biết rau dưa, hay quả cà, nếu có bón đạm dù tí chút thôi, thì cũng chẳng ra gì...Ngày xưa những điều như thế không kể hết được. Đừng nghĩ đói nghèo mà không tinh tế.

      Sau này đỡ cực khổ, mẹ tôi vẫn chăm chút vườn tược rau dưa theo cách hữu cơ. Món dưa mùng của mẹ ngọt ngọt chua chua, vừa giòn, vừa thơm, mở thúng dưa ra thơm lừng cả chợ. Mẹ không bao giờ ăn đồ công nghiệp. Hàng quà mà mẹ có thể dùng chỉ là bánh chưng, bánh gai, hay kẹo lac... còn bánh quy, nước ngọt có ga và đồ công nghiệp thì mẹ không dùng.

     Đến tôi,...thật xấu hổ, không theo được người xưa. Dù hồi nhỏ tôi chỉ thích ăn cơm với mật, hay là vài hạt lạc dầm tương, không chịu ăn thịt cá, thế mà lớn lên lại không giữ được mình. Đói khát mà thèm cũng có, xô bồ theo bầy cũng có, đôi lúc cũng a dua: "Một rừng rau thơm, một núi thịt chó...".

      Còn như cái bọn "ăn không chừa một thứ gì", thì khỏi nói.

      Xót xa, lại nhớ. Còn đâu tinh tế người xưa.

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

RCYT:81. MÙA RẪY SỚM

         Trung thu, lúa rẫy sớm của vùng cao đã bắt đầu chín. Trước cửa phòng tôi nhìn lên Pu Mai đã thấy lốm đốm vàng. Chim cu bay qua nhà tôi từng đàn, và bay xa, bay cao lên rẫy. Còn chèo bẻo thì bay lượn trên ruộng lúa ngoài đồng đang hồi ngậm sữa. Và én thì bay theo mồi không vội vã.

      Lúa vụ thu ở dưới xuôi cũng đã bắt đầu gặt. Cơn bão cấp 11 sắp vào đồng bằng bắc bộ, tôi xót xa nghĩ đến những cánh đồng bị ngập úng, lúa bổ rạp không kịp gặt lên mộng thối rữa. Ôi miền xuôi thân thương, bát ngát những cánh đồng mà không dễ gì no đủ. Bông lúa đỏ đuôi rồi mà đã chắc gì đã được.

      Riêng vùng cao chúng tôi thì "Phà ê phổn cổn ê khầu", như bà con thường nói.

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

RCYT: 63. MÙA THU TỚI

       Tiết đại thử đã qua rồi. Thế là chẳng hiểu sao tôi lại mong mùa thu tới. Như ngày xưa, cuối buổi chợ, tôi ngóng mẹ về.
      Mẹ đi thật nhẹ. Đôi quang mẹ quảy về cũng nhẹ. Tôi chẳng thấy gì, chẳng nghe thấy gì. Tôi đứng một mình ở cổng, cố hình dung và đợi. Rồi mẹ hiện ra sau khúc ngoặt con đường. Tôi nhào về phía mẹ. Mẹ giành cho tôi tất cả tình thương. Tôi sung sướng chìm trong tình thương của mẹ. Trên tay tôi một chiếc bánh đa tròn, nhưng cũng có khi chỉ là một củ khoai, hay một củ sắn còn dính đất....
      Mùa thu tới cũng nhẹ êm như thế. Tôi cứ chờ và không dễ nhận ra. Rồi một đêm, tôi làm việc tới khuya, bốn bề vắng lặng, tôi quên không để ý, nhưng chắc là mát mẻ; Trước khi đi ngủ, tôi ra sân, không khí mát dịu lạ thường; tôi cảm như có chất ngọt của thạch rau câu, của đường phèn, hay của mạch nha chi đó. Cái dịu ngọt mát êm của đêm vùng cao vẫn thường có vậy, nhưng đêm nay có cái gì khác hơn, thấm đậm hơn, như uống một ngụm đầy, như bơi ngợp.
     Bầu trời đen mờ, không trăng, không một ánh sao, như đang đầy mây vần vụ một cơn giông. Nhưng không phải vậy; cơn giông thì phải nồng đặc hơi ẩm oi rít, còn như lúc này thì rời rợi mát. Tôi hít căng lồng ngực, không khí tràn vào như nước mát. Tôi xoa mặt, xoa cánh tay, thấy mát rượi như đang tắm. Trước khi vào nhà, tôi bật đèn pin kiểm tra chung quanh, thì...     Ôi! mù đã giăng trắng xóa, dày đặc cả nền trời. Ánh đèn dọi sáng các giọt nước li ti li ti. Chúng như nhảy múa trong dòng ánh sáng. Còn tôi thì thốt lên: - Ôi mùa thu. Mùa thu đã tới.
       Bây giờ tôi hiểu rằng mình đang sống giữa mùa thu. Chính xác hơn là đang ngập tràn thấm đẫm tan hòa trong mùa thu. Còn mùa thu thì ôn choàng lấy tôi tròn gọn trong lòng. Tôi sống trong mùa thu như trong tình thương của mẹ.
      Ngày xưa tôi đợi mẹ về, trong lòng mường tượng mẹ đang qua cầu lăt lẻo tre vịn, mẹ đang đi trên bờ ruộng, mẹ đã về tới đầu dốc, mẹ đã tới khúc ngặt ...
      Giờ thì mùa thu đã tới trọn vẹn rồi, tôi mới hình dung lại: Có lẽ mùa thu đã tới từ cơn mưa không có tiếng sấm buổi nào, như mưa đám mây; từ hôm thấy con cu xanh đi ăn lẻ một mình; từ một buổi chiều cảm thấy hanh hanh...
     Có thể mùa thu đã tới từ ngày đó, nhưng tôi không nhận ra. Có thể vì vẫn còn đó những ngày oi nóng, những cơn giông bất chợt, những cơn bão đang vào...
    Nhưng hôm nay thì mùa thu tới thật rồi. Mẹ cũng đi chợ về rồi. Trên tay tôi chiếc bánh đa tròn. Và chỉ còn vài hôm nữa các em thơ sẽ ón trăng rằm.
1984.
       

        

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

KHÁCH ĐẦU NĂM

     - Dừng ở cổng thôi nha, đang mùa covid
 



Y THUẬT

          Chừng ba chục năm trước, bạn tôi mắc chứng sưng đau các khớp ngón chân, cổ chân, đầu gối. Thời ấy chưa mấy ai nói là gout. Bạn có chút chức danh nên được các bệnh viện lớn thăm khám kỹ lưỡng. Bệnh viện nào cũng khuyên tháo khớp. Bạn tôi sợ quá, về dùng thuốc lá, ăn uống kiêng khem nhẹ nhàng, rồi đỡ dần, rồi khỏi.

      Một bạn khác của tôi không hề đau ốm bao giờ, đang khỏe mạnh bỗng dưng sụt mấy cân, tôi cho là sốc hồi hưu. Nhưng các giáo sư bác sĩ lại bảo ung thư. Sao có ung thư đột xuất thế ? Đè ra mổ, cắt xong dạ dày lại bảo phải cắt tiếp một đoạn ruột non, cắt luôn cả lá lách. Sau mấy tháng, dù được chuyền bao nhiêu là máu và tiểu cầu, bạn tôi vẫn phải ra đi.

     13 năm trước nhà tôi bị viêm túi mật, có sỏi bùn. Bênh viện bảo hiểm khuyên cắt túi mật. Nhà tôi sợ, liền đi khám dịch vụ ở các bệnh viện lớn khác. Tới đâu cũng phải chiếu chụp, xét nghiệm lại từ đầu. Hồ sơ cả xấp, ở đâu cũng bảo phải cắt. Nhà tôi sợ đau, về uống chanh, hết mùa chanh thì ăn bưởi. Ơn trời, nước chảy đá mòn sỏi tiêu đi, mà giờ này túi mật vẫn còn.

     Có vẻ như bác sĩ ngày càng tinh thông công nghệ, và thiên về y thuật. Y thuật càng tinh vi, càng cao siêu càng được tin dùng. Chiếu chụp các loại, xét nghiệm các loại, cắt mổ cấy ghép các loại...Động tí là chiếu chup, đụng tí là xét nghiệm, là cắt mổ. Bác sĩ trở thành như một phần của cỗ máy y thuật. Khi cái độ tin dùng công nghệ lên tuyệt cao thì người ta tìm cách nâng giá các máy móc thiết bị đồng thời nâng giá dịch vụ. 

      Hơn hai chục năm trước, một trò của tôi làm trong nghành y có nói: - Lương y giờ như như hổ báo rồi thầy ạ. Tôi nghe mà buồn, vì ông ngoại tôi, rồi ba mẹ tôi cũng làm nghề y, một đời tận tụy. Tôi bị sốt rét, rồi bị hỏng phổi, được cứu chữa cũng là nhờ y bác sĩ. Tôi không dám nghĩ xấu về nghề y. Nhưng mà sao bây giờ các vị đáng kính như giám đốc BV Bạch mai- anh hùng lao động vẫn phải vào lò? Kinh quá.

     Lại tiếp cái thời covid Vũ hán, bao kẻ đầu tư công nghệ ăn theo trục lợi: từ cái khẩu trang, đến que ngoáy mũi, rồi bình oxy, máy thở...kể cả vaccine và cả một hệ thống chính trị mù mờ dịch tễ học  vào hùa. Rồi còn nhiều vị vào lò nữa.

    Có vẻ như y thuật càng cao thì y đức càng thấp, nhất là khi cái y thuật đó lại lệ thuộc vào những thứ quỷ quái gì nằm ngoài y học. Buồn thay.

      

RCYT: 65. QUẠ KHOANG

       Lâu lắm rồi, đã nhiều năm, nay mới thấy một bóng quạ bay qua. Chỉ bay qua thôi, có cất tiếng kêu nhưng không đậu lại.  Không biết giống quạ bỏ đi đâu, mà từ hồi Mỹ ném bom tới giờ hầu như không còn thấy một chú quạ nào. Chẳng bù cho ngày xưa...

      Làng tôi ở bên sông. Mỗi khi bà con đem chó hay lợn ra sông làm lòng làm thủ là y như rằng quạ đen kéo về cả đàn. Sao mà chúng đánh hơi mùi tanh tài thế. Chúng chầu hẩu ngồi chực trên trên những ngọn cây quanh bến. Hễ người ta nẻm ra cái gì là chúng lao xuống đớp, tranh giành nhau, kêu vang lên quà... quà... Tiếng kêu khô, rợn, chấn động cả một vùng bến nước.

      Quạ thường sà xuống đồng đất, nhảy dích dắc ngay sau đường cày, chực mổ những con giun con dế bật lên. Đôi chân quạ đen thui, cứng, khô, không có hệ giảm xóc nên bước nhảy của quạ quá vụng về. Mỗi bước nhảy nó lại đổi một hướng, sang đông, sang đoài, chắc là để mở tầm quan sát. Cái mỏ đen to, dài, thẳng chực mổ vào bất cứ thứ mồi gì nó thấy: cào cào, châu chấu, giun, dế..., một con sùng phân hay là một củ lạc sót lại sau thu hoạch. Những khi ấy con quạ dạn lắm, không sợ người hay trâu bò, mặc cho thường ngày chúng là loại tinh ranh.

      Mùa ngô ngoài bãi, quạ kéo về từng đàn. Nó rỉa bẹ ngô một chỗ nhỏ và khéo léo luồn mỏ vào rỉa hết mọi hạt ngô, chỉ chừa lại mỗi cái cùi. Bà con dựng bù nhìn giữ ngô nhưng không lừa chúng được lâu. Chĩa cái đòn gánh ra giả làm nỏ, chúng cũng không sợ, nhưng nếu là nỏ thật, chúng sẽ bay ngay. 

      Giêng hai mùa gieo đỗ lạc, quạ cũng kéo về, tìm moi hạt giống lên ăn. Có thể là vì thế mà dân gian không ưa gì quạ. Ngoại hình đã xấu, lại đen kịt toàn thân, tiếng kêu thì thô, nết ăn thì tạp không chừa thức gì dù hôi tanh thối rữa. Không ưa nhưng người ta cũng không săn bắt quạ. Nghe nói thịt quạ vừa dai vừa tanh, cho chó, chó cũng không thèm . 

      Thế mà lũ trẻ chăn bò chúng tôi lại vẫn nhớ đến chúng. Nhưng là nhớ quạ khoang chứ không phải quạ đen. Quạ khoang là những con có một vòng lông trắng quanh cổ, rất nổi bật trên nền lông đen mượt. Quạ khoang không nhiều, thi thoảng mới gặp. Mùa thu trên sườn núi làng tôi có những chú quạ khoang dùng mỏ lấy phân bò kết lại thành những quả cầu rỗng, to bằng quả bóng bàn, có chừa một lỗ thủng. Chúng nghiêm trang đứng bên quả cầu rỗng ấy mà gật gù khấn: quà...quà... quà...

       Chúng tôi lấy làm lạ với việc khấn vái này của quạ khoang mà tìm đến tận nơi khi chúng đã bay đi. Chúng tôi tìm chung quanh quả cầu phân bò xem có gì nữa không. Và chúng tôi tìm ra dưới gốc một bụi niệt (*) mọc lẫn với mua gần đó, trong lớp rêu và địa y dày đặc, có một hốc nhỏ chứa những củ lạc đã khô giòn.  Chúng tôi moi ra, được một vốc đầy. Đây có thể là kho dự trử thức ăn mùa đông của quạ khoang, mà lũ trẻ thó mất.

      Khi đã xa mùa lạc, lại giữa lúc hanh heo, se lạnh, mấy đứa trẻ chăn bò gặp may chia nhau ăn những củ lạc béo bùi, mới thấy ngon làm sao, mới quý làm sao.  Vừa ăn vừa xuýt xoa và... Nhớ mãi.

     Bọn tôi sau này có dịp gặp lại nhau, thường nhắc những chuyện này và lại hỏi: - Sao quạ không về?.

                                            1985 

(*) Niệt là loài cây bụi thấp nhiều cành nhánh nhỏ nhưng rất dai dẻo, lá cũng nhỏ, trơn bóng, sống lâu năm nên dưới gốc thường có lớp rêu và địa y khá dày.

                                              

*****  Còn đó những câu hỏi:  

       *Vì sao chiến tranh bom đạn đã qua lâu rồi mà loài quạ vẫn không quay trở về đất Việt?. 

      * Vì sao hồi Pháp cũng có ném bom mà quạ vẫn ở lại?, nhưng đến cuộc ném bom miền bắc của Mỹ thì quạ phải bay đi? 

      *Vì chất độc da cam ư? - Thì sao những nơi không có chất độc da cam như ngoài miền bắc, quạ vẫn không về?. Hay là có chất phóng xạ hoặc thứ gì độc hại khác?

      *Vì mất rừng chăng? - Thì mãi tới khoảng 10 năm sau 75 rừng mới thật sự bị tàn phá, sao trước đó quạ vẫn không về?. 

      *Vì ô nhiễm chăng? - Thì phải sau những năm 90 mới bắt đầu ô nhiễm nặng bởi khói bụi, phân bón hóa học, hóa chất trừ sâu, rác thải..., sao trước đó quạ vẫn không về?.

      * Hay là quạ quá nhạy cảm với oán khí, không dám trở lại nơi chiến tranh khốc liệt, tang tóc đau thương, ám khí nặng nề, hận thù chồng chất?.

      * Cuối cùng, phải chăng quạ là loại thuốc thử tự nhiên tốt nhất và nhạy nhất về môi trường theo nghĩa rộng, vừa vật chất vừa tâm linh, vừa thô vừa mịn?


      

    

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

RCYT: 54. BÈ XUÔI THÁC ĐŨA

        Bến sông kẻ Bọn chiều hè nào cũng nhộn nhịp. Người ra sông tắm, xe chờ qua phà, người vội sang đò, người quăng chài, người thả lưới. Và, các chú choai choai thì kiêu hãnh cho bè cập bến.

     Sáng sớm các chú thong dong đi bộ dọc theo đường 48 ngược lên Bù Bài. Qua hết dốc là tạt vào rừng ngay bên bờ sông Hiếu. Các chú khẩn trương tìm chọn những bụi nứa đẹp, thân thẳng cây già, đều tắp mà chặt hạ gần như hết trọn từng bụi nứa. Rồi róc cành, phứt ngọn, xếp cây nứa cho gốc trở xuống, gộp 20 cây lại thành một bó. Đủ 5 bó thì kéo hết xuống dốc. Nghỉ ngơi, nhảy xuống sông tắm. Trở lên, khoan khoái quây quần ăn cơm nắm mang theo.

     Quá trưa các chú bắt đầu cánh bè. Xếp bốn vác lại thành đáy bè. Vác nứa thứ năm đặt lên trên vào chính giữa. Bè nứa thật gọn gàng, xinh xinh và chắc chắn. Chặt thêm gốc nứa tầm sải tay, tách đôi một đầu, cài vào vài liếp nứa như quyển vở học trò rồi buộc chặt lại để làm bai chèo. Chuẩn bị thế là xong.

        Dắt chặt dao vào bao. Quần áo vo tròn trái bưởi. Mỗi đứa một bè. Cả bọn cùng nhảy lên, chễm chệ ngồi trên bó nứa ở giữa, chân choãi rộng sang hai bên vững chãi. Bè rời bờ, lặng lẽ trôi một quãng thì đến thác.

    Thác Đũa chảy dài hơn 2km nghiêng xuôi, quanh co mấp mô ghềnh đá. Thác có nhiều bậc, mà bậc dốc dài, gian nan nguy hiểm nhất là đoạn qua ngã ba nậm Pông. Bè vào đúng lạch, lao đi vùn vụt. Bọt tung trắng xóa, cuộn xoáy, nhấn xuống, dềnh lên. Những khối đá nổi lên giữa thác trơ lì ngạo mạn thách thức mọi thứ trôi xuôi, coi thường những chiếc bè tí xíu. Nhưng dòng nước luôn có cách của chúng để nhẹ nhàng lách qua hoặc chồm lên. Bè nứa của các chú bé cũng vậy. Chỉ cần quạt mạnh bai chèo đúng lúc, mũi bè sẽ lách vào đúng lạch, nghiêng đi lượn một đường cua. Có khi chống vào đá mà khiến mũi bè, có khi khoan thai chèo nhẹ, các chú bé đã cho bè vượt qua thác Đũa an toàn.

       Từ đây về bến Kẻ Bọn bè nhẹ êm trôi. Các chú bé cười vui trêu đùa nhau, và hét vang lên khi thấy người đi qua trên đường 48.

                           1985

     *****

       Cụ Sầm Tiến thân sinh anh Sầm Nga Dy có nói với tôi rằng: Thuở trước người vùng cao đã từng cánh những chiếc bè lớn, chờ mùa nước lũ dâng cao mà vượt qua thác Đũa, chở thóc thuế về xuôi.

    

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

ĐẦU NĂM TÂY ĐI VỀ PHÍA TÂY

    Ngày đầu năm 2019:

Đầu năm tây đi về phía tây

nghe trong hơi núi gió sương đầy

*****
     Đầu năm 2022. 
Ngồi yên một chỗ mùa covid
nhìn gió bấc về đợi nắng lên.
.