Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

TÌM LŨA

Khúc gỗ mục khá đẹp 
từ ngoài bể khuân về
hy vọng là có lũa
nhưng rồi đành bỏ đi

Chơi lũa quả không dễ
kiên trì thật kiên trì
thêm một chút may mắn
và một niềm đam mê

Thổ mộc việc nặng nhọc
không phải là trò đùa
trời cho may ra được
có tiền dễ chi mua

***
Cái này cũng từ biển
vỏ hàu còn bám đầy
chắc chắn là có lũa
nhưng tạm dừng lại đây...


***
Lên núi đi tìm lũa
gặp một khúc cong cong
ồ, ra mày muốn búng
tao thêm cho chữ còng.


Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

MỘT NGÀY THỜI COVID

Chập tối đã đi ngủ
Thức- chẳng để làm gì
Vào mạng rồi cũng chán
Càng chán thằng tivi

Gà gáy sáng thức dậy 

Tập lấy vài ba bài
Rồi cúi xuống nhìn đất
Và ngước lên nhìn trời

Nhận biết mình đang sống

Chừng nớ là đủ rồi
Xin cảm ơn ba mẹ
Và cảm ơn đất trời

Rồi túc tắc làm việc

Nhẹ nhàng bằng chân tay
Thời gian không cần  biết

Mặc gió vờn mây bay

Chập tối...

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

TRỜI THƯƠNG ĐÓ CON

     Những ngày đầu Mỹ ném bom miền Bắc, mình sơ tán về quê ngoại. Có hôm đi hái dâu giúp mự. Cây dâu trồng lâu năm, phải bắc thang dài mới tới. Đang lắt lẻo trên ngọn, chưa nghe tiếng máy bay thì bom đã nổ. Miểng bom cắt cành dâu rơi lả tả. Mình vội tụt xuống, sờ quanh khắp người, còn may, không dính miểng bom nào.
   Rồi nhiều lần khác, vẫn chẳng hề hấn gì. May thế.
   Đi học đại học, hè về, nghe mẹ kể: Sáng ngày mở mắt ra nhìn lên thấy đình mùng thủng một lỗ lớn. Sờ chiếu, lại cũng một vệt thủng nữa. Lật chiếu lên, nhặt được một miểng bom bằng hai ngón tay sắc lẻm. Ơn trời, đêm ngủ không biết mẹ trở bề nào mà tránh được!
    Giờ về già. Mẹ không còn. Gặp phải con Covid, cũng như trên trời rơi xuống, lại nhớ lời mẹ:
    - Mẹ vẫn bảo: Trời thương đó con. Nó tránh mình chứ mình biết đâu mà tránh nó.

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

MẤY CON CÀO CÀO

(Bắt chước anh Cẩn ngồi viết đồng dao)

Mấy con cào cào  thích khoe áo mới
giã gạo thì dối áo đỏ áo xanh
thương con manh manh mẻ sành sứt cổ
thương con cồ cộ bay lên ngọn đa
gặp chú ắc là làm cha cà cưởng
mất ruộng cà cuống đến chết còn cay
như gậy ăn mày ủy ban sắm điếu
tranh nhau góc chiếu ngồi ngay giữa làng
có thằng làm quan thượng đội hạ đạp
có thằng cắp tráp khúm núm chua cay
có thằng đánh giày  thương thằng xách dép
lẹp cà lẹp quẹp guốc gỗ quai mây
hồn treo ngọn cây đua đòi lí tưởng
Mộng mơ sung sướng nhân loại cần lao
hết khổ chưa nào vào khoe áo mới...





Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

MÌNH THUA

    Thuở xưa, cực. Có lúc nói đùa với trò: Mình chỉ hơn con khỉ mỗi điếu thuốc lào. Sau rồi cái phổi bị hỏng. Bỏ luôn. Hết hơn!
    Chẳng biết câu đùa có vận vào không, mà giờ mình lại làm hàng xóm với khỉ. Nhưng mà lần này mình thua, thua cả hàng triệu lần cái không gian sống trong lành, thanh bình và mênh mông của khỉ. Thua luôn cả cái hòa ái, thân thiện và hồn nhiên trong veo của chúng.



     Bỗng nhiên giật mình: sao con người lại giành giật, đấu tranh. thù hận? Sao lại chia phe, sao lại bè phái... Chẳng nhẽ tiến hóa lại là vầy?.

*****
    Lâu lâu đọc lại, thấy mình còn thua nhiều thứ nữa:
    *1.Khả năng vận động của con người nói chung là kém thua muôn loài. Đã thua lại còn lười, không mấy ai chịu rèn luyện. Đã thế lại còn ỷ vào phương tiện. Đơn cử, chỉ thấy loài người đuối nước, chứ mấy khi thấy ở loài vật.
    *2. Lại nhớ tới bài BẢN NĂNG NHẬN BIẾT. Thì ra con người thua hẳn muôn loài về khả năng tìm kiếm thức ăn, khả năng phân biết độc hại, khả năng nhận biết biến đổi môi trường: nắng mưa, giông bão, động đất sóng thần...
    *3. Voọc ăn lá sung, ăn quả sung, nhưng không hề bẻ một cành sung nào. Các loài vật khác cũng thế. Không như con người, ăn quả rồi bẻ cả cành, chặt cả gốc, và phá cả rừng. Chỉ từ 1980 đến giờ mà đại ngàn Trường sơn gần như không còn. Nghe nói sẽ giải tán kiểm lâm. Lâm còn đâu mà kiểm.
  *4.  Mắc dịch covid, đã một năm nay tôi không ra hiệu cắt tóc. Thỉnh thoảng thấy dài quá thì tự cắt cho mình. Cứ nhúm tóc lôi ra, chỗ nào dài thì cắt. Thế mà ổn phết. Bởi thấy ổn nên không nghĩ tiếp. Nay đọc lại bài này, mới thấy mình thua voọc. Thua luôn muôn loài. Chúng nó có cần cắt tóc cạo râu gì đâu, mà râu tóc lúc nào cũng đẹp. Độ dài vừa phải, độ dày cũng vừa phải, màu tóc màu râu lại hài hòa, không sâu không bạc.
      Lại thêm móng tay móng chân nữa. Mình phải cắt, phải tỉa, còn như muôn loài khác móng vuốt luôn vừa đủ, đủ sắc, đủ khỏe, đủ dài, nhưng không bao giờ dài quá, không bao giờ phải cắt.
   *5. Loài người mắc dịch, nhất là cái dịch covid vừa rồi. Nhưng không thấy voọc mắc dịch. Những loài khác sống giữa thiên nhiên cũng không mấy khi nghe nói đến dịch. Chí mấy thứ vật nuôi thành đàn nhung nhúc gà vịt lợn mới có dịch. 
    Tệ hơn, loài người còn ăn theo, còn trục lợi bởi dịch. Riêng chuyện này bọn nó không đáng cùng nhìn mặt trời với muôn loại chứ không riêng gì với voọc.
   *6. Không có loài vật nào tự tàn phá, đầu độc và hủy diệt môi trường sống của minh. Chỉ có loài người đang làm việc đó. Và loài người đang hứng chịu hậu quả. Đã thế, con người lại muốn trường tồn vạn tuế. Ngay cả khi đã chết rồi vẫn muốn muôn năm, vẫn muốn mồ to mả lớn. Muôn loài không có loài nào như thế. Chúng sinh ra từ cát bụi thì nhẹ nhàng trở về cát bụi, trong hệ sinh thái đa dạng cân bằng.
   Nghĩ tới nghĩ lui, kiểu gì mình cũng thua. 
   Thua xa...
  .
18/6/2022
     











Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

HỌC TRÒ BÙI BÍNH

     Tiên đề cơ bản của học thuyết Bùi Bính là: Ở đời ai cũng thích sướng.  
     Phan Long- học trò xuất sắc của Bùi Bính, đưa ra tam đoạn luận: Ở đời ai cũng thích sướng, được khen thì sướng, vậy thì mất chi của cụ mà không khen cho hắn sướng.
    Mất chi của cụ là câu mà Phan Long thường nói theo cách của người Yên Thành. Câu này được nghe từ chính Phan long mới thật ấn tượng. Nhưng không chỉ vậy, Phan Long còn nâng lên một mức cao hơn với nhận xét: làm sướng chỉ như là tiêm B12, giúp cho người ta hồng hào phổng phao nhưng thực sự thì chưa khỏi bệnh. Muốn khỏi bệnh phải biết đau ở đâu rồi tiêm kháng sinh, cho đau thêm
     Cả B12 và kháng sinh phải đúng và đủ liều. Nhẹ quá thì bệnh lai rai, có khi nhờn thuốc. Nặng quá có khi toi. Cái tài của thầy thuốc là ở chỗ đó. Cái tài của các môn đồ học thuyết Bùi Bính cũng là ở chỗ đó. Khen quá cũng dở mà chê quá cũng dở. 
     Đã 50 năm lùi xa nhưng vẫn như đang thấy Phan Long ha hả cười, hồn nhiên như không có gì dính mắc vào mình: - Mất chi của cụ.
17/7/2020

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

NHỮNG CON SỐ 0

    Con số 0 chẳng nói lên điều gì. Nhìn con số 0 chẳng thấy cảm xúc gì. Xòe hai bàn tay ra, trống không, chẳng có gì. Nắm chặt bàn tay lại, trong ấy cũng chẳng có gì.
   Con số 0 đứng sau con số 1 thành 10. Chẳng biết là 10 gì, nhưng cũng đã có chút ấn tượng. Chín con số 0 sau con số 1 là một tỉ, dù là tỉ gì thì cũng kinh thật.
   Cái mình có, cầm nắm được thì bảo rằng có. Nhưng cũng có cái chỉ nhìn được, nghe được, thậm chí đọc được, nhớ được, nghĩ được...thì có đấy mà cũng như không. Cái có ấy như là con số 0 vậy.
  Giữ được sự tồn tại của mình làm con số 1. Lấy sự đi, nhìn, nghe, đọc, nhớ, nghĩ suy và mơ mộng...làm những con số 0 tiếp theo. Dẫu trên hai bàn tay vẫn chẳng có gì, thì cũng không đến nỗi nào vô nghĩa.
   Một mai con số một trở về cát bụi. Khi đó tất cả chỉ là không, nhẹ nhàng lãng đãng đâu đó phiêu du trong cõi mịn.

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

CÁI GÌ CŨNG KHÔNG BIẾT

    Tôi vào phòng lương thực để đổi sổ gạo. Tôi ngồi chờ theo thứ tự. Ở bàn giấy có anh gì đó nói rất to:
    -Bù giá là thế nào? Tôi đi công tác, không kịp mua lương thực, có chứng nhận của cơ quan hẳn hoi đây. Phải bán cho tôi chứ!
    -Nhưng đã quá tháng rồi. Không bán.
   - Có quá tháng thì tôi mới phải làm giấy, mới phải đi xin, chứ không quá tôi đến đây làm gì?
   - Xin cũng không được, anh phải nhận bù giá.
   - Thế thì tôi ăn cái gì? Làm sao mà sống?
   - Không biết. Anh vẫn sống đấy thôi.
   - Thế phải chết mới được mua lương thực à?
   - Không biết. Quá tháng không mua thì chỉ bù giá bằng tiền. 
Có chủ trương hẳn hoi vậy rồi. Bù giá không có nghĩa là cắt tiêu chuẩn của anh, mà là trả tiền cho anh để anh tự túc lương thực.
   - Thế cầm tiền tôi mua ở đâu? Ở chợ à? ở chợ bấy nhiêu tiền chỉ mua được một phần ba tiêu chuẩn. Chẳng lẽ anh không biết?
   - Đã bảo là có chủ trương của cấp trên vậy rồi. Còn anh mua ở đâu tôi không biết. Có thắc mắc anh đi mà gặp lãnh đạo.
   - Cái gì cũng không biết. Không biết. Không biết mà ngồi đấy. Ăn tốn cơm nhân dân.
   - Anh ăn nói thế đấy à? Thế mà cũng là cán bộ thông tin tuyên truyền. Xì!
   - Tôi nói thế đấy. Tôi còn nói nữa, nói ở khắp mọi nơi. Các anh phải biết rằng tôi chỉ cần nói một lời trên loa là cả huyện này nghe. Các anh tưởng mình là vua là quan hay sao. Các anh phải biết rằng đài báo mà đã nhắc đến là cái danh tiên tiến hão của các anh sẽ đi toi. Các anh đừng có quyền thế, đừng có làm xằng. Số lương thực không bán cho tôi các anh lại nhập vào khoản thu mua được chứ gì? Thế là các anh thu mua được nhiều hơn chứ gì, vượt chỉ tiêu chứ gì? Phần độn không có, các anh lại bù giá; lại xem như thu mua lại nếu ai đó không nhận độn. Có quái đâu mà nhận. 20%, 30% định lượng lương thực mua lại được. Chà, vượt mức kế hoạch qua nhỉ. Chẳng phải đổ tí mồ hôi công sức gì, mà thu mua được nhiều thế. Thành tích ghê gớm thật. Các anh được thưởng phải không? Đấy, tôi biết tỏng các anh. Không dài dòng, anh có bán lương thực cho tôi không thì bảo.
   Cái anh gì ở thông tin càng nói thì cái anh gì lương thực càng đớ người ra, ngây như phỗng.
   Bỗng có ông gì đấy, chắc là trưởng phòng lương thực hối hả đi vào:  - Các đồng chí thông cảm, đồng chí thông cảm. Ông nói nhỏ nhẹ, hai tay nắm lấy nhau trước bụng. - Có gì chưa thông ta cùng nhau giải quyết, đừng to tiếng thế. Còn đồng chí, vâng, vâng đồng chí thông tin, vâng, thế này không phải, mời đồng chí sang phòng tôi. À, giấy tờ của đồng chí này đâu, đưa đây cho tôi. Vâng, mời đồng chí sang phòng tôi, tôi sẽ nghiên cứu và trả lời đồng chí. Vâng, ngay bây giờ. Quả thực công việc cũng có lúc rất phức tạp, mong các đồng chí thông cảm.
   Ông xoa xoa hai bàn tay vào nhau. Còn tôi, ngồi sần cả người, xuýt nữa thì quên không biết mình đến đây để làm gì. Vừa lúc ấy tôi nghe nhắc đến tên mình. Tôi giật thót cả người, lạy trời, đừng bắt con phải đến chốn này.

Tìm trong vở nháp QP 1984-1985
 

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

ĐỜI CHƯA ĐẾN NỖI NÀO

   Dân mình có thói quen, hễ đi qua cửa hàng bách hóa là ghé vào xem cho đỡ thèm và cho vui mắt, tiện có gì bán thì mua. Tôi cũng vậy và hôm nay thấy có bày bán đèn chai. Bệnh nghiện thuốc lào nhắc tôi mua một chiếc về thay cho cái đèn làm bằng lọ mực cửu long, rồi vặn nhỏ leo heo cho đỡ tốn dầu.
   -Chị ơi làm ơn bán cho tôi chiếc đèn.
   -Đèn bể hết rồi, không bán.
   -Thế thì bán cho tôi cái cổ đèn vậy.
   Tôi tính mua cái cổ về lắp vào lọ mực là lại thành đèn.
   -Cổ lại bán theo đèn.     - Cô mậu dịch viên bẻ lý. Tôi đành tưng hửng. Thôi được, tôi hỏi mua diêm.
   -Diêm phân phối cơ quan.  Cô trả lời gọn lỏn.
   Biết làm sao được. Tôi ra chợ mua một bao diêm với giá gấp sáu.
Về nhà bật diêm lên, hút điếu thuốc lào tụt nõ, phà khói lên rồng rắn. Khoái thật. Đời chưa đến nỗi nào, vẫn còn có cái gì đáng sống.

Tìm trong bản nháp QP 1985.


Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

BUỔI LIÊN HOAN

      Người ta đã chuẩn bị cho buổi liên hoan này từ hơn một tuần, vậy mà đến giờ này vẫn chưa đâu vào đâu. Hai giờ chiều, trời nắng oi ả. không ai muốn đâm đầu vào bếp. Vào đấy thì mồ hô mồ kê, nước mắt nước mũi cứ tuôn ra như suối. Đến bữa, xong đâu vào đấy còn ăn uống thế nào được nữa. Chỉ có mấy anh đi ra đi vô, mấy ông tiếp khách và mấy ông khách đến muộn là ngon miệng hơn cả. Ai cũng biết vậy, nên ai cũng muốn đi ra đi vào, uống chén nước, hút điếu thuốc và chào xã giao đôi lời với khách.
     Hai con chó được trói kỹ nằm ở góc bếp rướn cặp mắt đau khổ nhìn ông đi qua, nhìn bà đi lại như vàn nài: có giết thì giết nhanh đi, chứ nỡ đâu trói hoài như vậy. Hồi sáng nó còn kêu còn sủa. Giờ thì nó nằm rên ư ử. Chắc là nó muốn nói một điều gì. Khi sủa là nó đang ức, đang chửi cái giống người tàn bạo. Khi kêu ăng ẳng là nó muốn cho trời đất biết nỗi oan ức khôn cùng của nó. Một đời nó trung thành với chủ: khi chủ đi nó lưu luyến tiễn chân, lúc chủ về nó mừng rỡ vẫy đuôi chào đón, đêm hôm khuya khoắt nó thức canh cho chủ yên lòng... Giờ nó rên ư ử là nó xót xa cho thân phận của mình. Kể cũng tội, cặp mắt của nó hết nhìn theo người này sang người khác mỗi khi có ai đó ngang qua. Nhưng mà có ai hiểu ngôn ngữ của nó, càng không ai nhìn đến nó. Trong khi ai cũng nhớ câu: "Chết ba tiếng trống, sống miếng dồi chó".
     Dồi chó mà ngon đến vậy thì rồi, cuối cùng lời rên rỉ khẩn cầu của hai con chó cũng được chấp nhận. Khoảng sáu giờ chiều tất cả đã được bày lên bàn. Thịt nấu nhựa mận, thịt hấp, lòng chay thái, dồi nướng cắt khúc, rau xào, rau thơm cùng một lúc bốc mùi ngậy lên. Nổi bật nhất là mùi đặc trưng của thịt chó gồm hỗn hợp riềng, sả, lá tắt, ruốc, mắm, mật, mẻ. Rồi mùi mỡ cháy, mùi húng lìu, rồi tỏi, lạc rang, rồi húng chó lá mơ...chẳng biết nói thế nào.
      Mọi người đã tề tựu quanh mấy chiếc bàn, trừ vài người kỹ tính đang đợi đi mời. Trong khi tưởng như mọi người đang ngây ngất và lo nuốt nước bọt, thì bỗng có mấy tiếng dửng dưng gọn lỏn buông ra: Hơi mặn! Ai nấy sực tỉnh. Hơi mặn! Trời đất!
     Vài người sốt ruột gõ bát inh ỏi trong khi thủ trưởng tuyên bố lí do. Cũng trong khi đó người ta tranh thủ mở nút các chai rượu và rót sẵn ra bát, (trừ mâm khách có chén). Không ai nghe ra thủ trưởng nói gì. Dưới này có vị đã la lên: Mặn thật! như để khẳng định cái ông gì ban nãy có cái mũi thính thật, và cũng là để tuyên bố: Bắt đầu!
     Phòng tiệc lặng đi một lúc. ở đây không có thủ tục nâng cốc chúc mừng, hay cạn chén mừng...Chẳng gì cả. Của ai nấy uống. Để nhắm với rượu cần có món ngon, khi giọt rượu cuối cùng vào cổ thì miếng dồi chó cuối cùng rời đĩa.
     Mấy con chó cắn nhau ầm ĩ ngay dưới gậm bàn khi khúc xương đầu tiên được thả xuống. Rồi nhiều khúc xương khác... cho đến khi da cũng được thả xuống thì một ông khách hốt hoảng la lên bởi hai con chó tranh nhau miếng da đớp phải gấu quần. Phía bàn khách có tiếng mắng chó của chủ. Phía bàn chủ vẫn im lặng, đêu đặn, thịt từ đĩa đi lên mồm, từ mồm trôi xuống cổ, từ cổ rơi vào dạ dày. Ở đó càng lặng lẽ hơn, nó được nhào bóp, được tiêu hóa, được thấm qua ruột vào máu. Máu lên mặt cùng với rượu. mặt ông này thì đỏ gay, mặt ông kia thì tái mét.
     Hình như có người say. Bắt đầu say. Say thì phải nói. Người say nói, người say hưởng ứng. Người say đưa ra cái thuyết:
    _ Trong giống chó có hai loại. Một loại không ăn thịt chó, thì hẳn là chó; một loại ăn thịt chó, thì gọi là má. 
     Người say tranh cãi. Họ không có ý xác minh định nghĩa trên đây có hợp logic hay không, mà họ muốn khẳng định rằng mấy con dưới gậm bàn đích thị là má, còn mấy con mà họ vừa chén thì hẳn là chó. Chó không ăn thịt chó thì chó vẫn có cái gì đó trong sạch và cao quý hơn má. Con người phải ăn thứ trong sạch, chúng ta chỉ ăn thịt chó chứ không ăn thịt má. (Nói vậy thôi, sáng mai tỉnh rượu, chẳng có con nào được gọi là má, kể cả mấy con dưới gậm bàn. Tất cả đều là chó, con nào cũng trong sạch, con nào cũng có thể cho thứ dồi mà người sống chưa được ăn thì ân hận trọn đời).
     Bữa liên hoan cứ thế tiếp tục, khi thăng khi trầm, cho đến khi ngưng hẳn. Nghĩa là khi vị nào vị nấy đều phải vịn vào thành bàn mà đứng dậy. Mồm mép vị nào cũng bóng nhẫy. Hơi thở vị nào cũng sực nức những rượu và mồ hôi vị nào cũng có mùi đặc trưng của thịt chó.
     Đến lúc này không còn ai nhớ ra lúc nãy thủ trưởng tuyên bố những gì. Nghe đâu bổi liên hoan này có đến ba mục địch, năm ý nghĩa. Tôi cũng là người trong cuộc, lại là chủ nhà nữa, mà bóp óc nghĩ mãi không biết ba mục đích năm ý nghĩa là gồm những thứ gì. Chứ mà tôi biết chắc buổi liên hoan này có hai con chó, mấy chai rượu, cùng vài ba chục vị ngồi ăn trên bàn không kể mấy con má gặm xương dưới đất.

     Tìm trong bản nháp QP 1974.

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

NGƯỜI ĐI SĂN

Tìm trên giá sách

NGƯỜI ĐI SĂN
1973

Chưa có đêm nào tối như đêm nay. Trong rừng đi cách một tầm tay với đã sợ lạc nhau rồi.Đâu là rừng, đâu là khoảng trống, đâu là bụi rậm, không thấy. Đâu cũng như đâu, khắp nơi là màn đêm, là bóng tối. Một tiếng động nhỏ cũng vang rất xa, một ánh đom đóm cũng nhìn rất rõ. người đi săn đi theo trí nhớ.
Đêm nay những người đi săn có kinh nghiệm mừng thầm. Thế là họ đi vào rừng. Họ đi nhanh và êm. chỉ có hơi thở truyền tín hiệu từ người này sang người khác. Thở mạnh là lên dốc, nín lặng là chuẩn bị.
Ở một lâm trường nọ vào một đêm như đêm nay cũng có người đi săn. Anh ta đi một mình dọc theo đường ô tô rồi sẽ rẽ vào một lối nhỏ giữa rừng...
Sắp tới chỗ rẽ, anh ta dừng lại, nín thở lắng nghe. Có tiếng động, cành cây rung, cành cây gãy... tiếng con gì gầm gừ...Im lặng... sột soạt... Lại im lặng. Nín thở. Súng nổ. Im lặng. linh tính báo cho người đi săn biết con mồi đã gục. Gục tại chỗ. Cánh tay anh theo thói quen kéo khóa nòng lên viên đạn thứ hai, ngồi chờ.
Một phút. Không đến, có lẽ nửa phút. Cũng không đến nửa phút. chẳng biết là bao lâu nữa... Có tiếng người la lên, tiếng chân chạy rậm rịch. Bóng tối. Không thấy gì cả. người đi săn cũng không biết thêm gì nữa...
Bên đường có một ngôi mộ mới. người ta truyền cho nhau rằng đó là ngôi mộ của một người bị người đi săn bắn chết. Người đó cùng cơ quan với người đi săn. Trong một giây hưng phấn không ngờ anh ta đã rủ thêm mấy người bạn đón đường, trốn vào bụi rậm để dọa người đi săn. Anh ta còn trẻ. Hình như anh ta nới có người yêu... Mà cô ấy đẹp lắm...
- Cái số nó vậy. Người ta ăn nhau cái số thôi bà ạ.
- Ừ có thế nào mới sinh ra thế chứ, Làm người không muốn lại muốn làm cọp.
- Hình như anh ta người miền xuôi...
- Nghe đâu vậy. Khốn khổ. Dọa ai không dọa, dọa gan hùm...
Chi tiết rõ ràng mỗi người nói một phách, nhưng đại khái thì như bà hàng nước trước cổng lâm trường đưa tin. Người chết là người giả là cọp để dọa người đi săn đó thôi.

Mấy tháng trôi qua, cây phân xanh phủ kín ngôi mộ ven đường. Cũng coi như phần mộ không còn. Vậy mà câu chuyện làm quà cho khách qua đường của bà hàng nước vẫn còn. Bát nước chè xanh đậm đà hơn, khói thuốc lào thơm ngọn hơn. Phận người sao bạc. Trên đời muôn vàn cái dại, chẳng cái dại nào giống cái dại nào. thế mà trời còn cho nhiều đêm không trăng sao. Người đi săn đi nhanh và êm. Bốn bề lặng im. Một giây vô tư lự. Người đi săn nín thở...Bóp cò.

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

SÓNG_ CẦU NỐI THÔ VÀ MỊN.

        Sóng vừa có đặc tính của thô vừa có đặc tính của mịn.
    Tính thô thể hiện ở nguồn phát sóng, ở vật tải sóng, ở các bức xạ photon rời rạc, hơn nữa ở tính hai mặt sóng và hạt.
    Tính mịn thể hiện ở khả năng chứa và truyền thông tin của sóng. Đồng thời thể hiện ở khả năng hiện diện một cách trù mật và phủ khắp không gian của sóng. Một sóng có thể lan tỏa tới mọi điểm,  và tại một điểm có thể nhận mọi sóng. Điều đó dẫn tới sự tương đồng giữa tập con và tập mẹ, giữa tiểu vũ trụ và đại vũ trụ trong mịn.
    Vậy, có thể xem sóng là cầu nối giữa thô và mịn. Lần theo dấu vết của sóng ta sẽ biết mịn là gì?
    Sóng lăn tăn mặt hồ dịu êm, sóng bạc đầu biển sâu gầm thét, ấy cũng là cảm nhận trong sâu thẳm lòng người. Khi tơ trúc rung động theo trái tim thì không chỉ là sóng ở cõi thô mà là sóng chạm đã vào cõi mịn. Sóng của não đưa vào tĩnh lặng thiền đinh, hay dẫn tới chớp lóe sáng tạo, hay lãng đãng phiêu du. Lại có sóng ở hạ âm, hay sóng ở siêu âm con người không nghe thấy nhưng loài vật dễ dàng nhận biết mà vui mừng hay sợ hãi. Mịn không chỉ cho riêng ai mà mịn của muôn loài.
     Lại có sóng cho thấy sắc màu, hình ảnh, cho nghe 
âm thanhcho truyền tải thông tin, qua đó tác động đến tình cảm nhận thức của con người qua nghe nhìn, thậm chí qua giác quan thứ sáu v.v...
    Và nhờ thế sóng đã đi từ thô tới mịn.
    Còn từ mịn, từ ý thức tình cảm, nhận biết, trí tuệ, kể cả trí tuệ vũ trụ mà tác động đến thô thì hiển hiện mọi nơi, mọi lúc. Không phải ngẫu nhiên mà có một hạt cát trong vũ trụ (thô) loãng đến 10 mũ âm 60, nói chi để có một viên gạch, một ngôi nhà, một hành tinh hay một sinh linh. Trong tất thảy những gì được xem là thô ấy đều có một chút mịn, một chút trí tuệ, một chút ý chí, một chút tình cảm.
     Tập hợp bấy nhiêu cái một chút ấy ta có được một phần của mịn. Còn cái mịn bao la lấp đầy vũ trụ thì hãy cảm nhận nó bằng chính sự chiêm nghiệm của mình.

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2020

LẶN

Lặn về với tuổi thơ tôi
rừng xanh biển biếc núi đồi hoang sơ
lặn sâu lánh chốn bụi mờ
long lanh hư ảo vật vờ phồn hoa
lặn vào bát ngát bao la
giữa mênh mông chỉ có ta với mình
lặn vào bát ngát mông mênh
giữa bao la chỉ có mình với ta.

2019