Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

THỂ CHẾ LÀ THÔ HAY MỊN

    Bài "Thể chế là gì..." trên trang Luật Việt Nam, ngày 24/11/2023, có viết:
     "Thể chế là hệ thống gồm các nguyên tắc, quy định, các luật lệ,... Thể chế được sử dụng để định hướng sự phát triển của một tổ chức hay một nhà nước, ở những lĩnh vực nhất định trong xã hội.
    Thể chế là sản phẩm của một chế độ xã hội, thể hiện bản chất và chức năng của Nhà nước lãnh đạo. Mỗi quốc gia sẽ có một thể chế riêng, được quy định trong văn bản pháp luật, có giá trị pháp lý cao nhất ở quốc gia đó. Thể chế định hướng sự phát triển của chế độ chính trị đúng đắn theo mục tiêu của quốc gia".
     Với định nghĩa này thì:
   - Thể chế là một hệ thống các quy tắc, luật lệ...
   - Thể chế là một sản phẩm của chế độ xã hội...
   - Thể chế là một công cụ hay một phương tiện định hướng...
    Theo thói quen trong tư duy, tôi nghĩ: Vậy thì thể chế là vật thể hay phi vật thể?, là liên tục hay gián đoạn, rời rác hay dày đặc?, là hữu hạn hay vô hạn, là đếm được hay không đếm được? là thô hay là mịn?
   Ở đâu đó tôi đã viết: Bút mực là thô, chữ viết cũng thô, nhưng ý nghĩa của câu chữ là mịn. Cuốn sách in hiến pháp là thô nhưng ý nghĩa của các điều luật là mịn. Cái gọi là sản phẩm của chế độ xã hội có thể là thô, nhưng giá trị của sản phẩm đó là mịn, công cụ của thể chế là thô, nhưng tác dụng của công cụ đó có thể là mịn?. 
     Thể chế nếu là thô, khi thay thế chỉ cần đốt sách và "cách mẹ cái mạng của nó đi"theo kiểu AQ, là xong. Nhưng nếu thể chế là mịn thì những việc ấy chẳng có nghĩa lý gì, thậm chí còn phản tác dụng.
      Một thể chế tốt thì cả thô và mịn của nó đều tốt. Một thể chế chưa tốt thì trước hết hãy thay đổi, điều chỉnh phần mịn, là phần bản chất, mục tiêu ý nghĩa, và là phần có giá trị nhất của nó. Khi phần mịn đã thay đổi thì phần thô sẽ biến đổi theo.