Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

BỆNH HOANG TƯỞNG

      Đã hơn hai năm nhân loại quằn quại trong dịch bệnh covid Vũ hán. Có vẻ như loài người đã ngấm đòn và đã bớt đi ngạo mạn khi từ bỏ chủ trương zero covid, đã thôi không còn hô "không thắng không về". Nhưng đâu đó vẫn còn có những kẻ hoang tưởng theo đuổi mục tiêu này một cách bệnh hoạn bất chấp nỗi thống khổ của muôn dân.
    Trời tây, hiện đang đùng đoàng cuộc chiến do Rus gây ra ở Ukr. Lại một sự hoang tưởng nữa. Hoang tưởng về sức mạnh súng đạn, hoang tưởng về bạo lực, những tưởng đè bẹp Ukr trong nháy mắt. Chiến sự còn giằng co. chưa biết thằng nào khóc trước.
    Thế kỉ trước, Adolf Hitler hoang tưởng điên rồ về chủng tộc siêu việt đã gảy ra  đại thế chiến kinh hoàng tàn khốc. Còn chúng ta, bốn mươi năm trước, đói rách nghèo khổ mà cũng từng hoang tưởng:  "một mo cơm một quả cà" mà "thay trời đổi đất". 
      Nhân loại cũng đã từng hoang tưởng về chinh phục thiên nhiên, chinh phục vũ trụ. Nào hay, giờ này ngã ngửa: chúng ta đang tàn phá thiên nhiên, đang hủy hoại dần ngôi nhà chung của toàn nhân loại.
     Trước đó nữa, loài người đã từng hoang tưởng về "một mất một còn",  không còn đen chỉ có đỏ, không còn tối chỉ có sáng, không còn xấu chỉ có tốt. Hoang tưởng về một "thế giới đại đồng". Hoang tưởng hơn nữa, sẽ đến một ngày không còn nghèo chỉ toàn giàu, giàu đến nỗi chỉ cần"làm theo năng lực" mà tùy ý "hưởng theo nhu cầu". Hoang tưởng bệnh hoạn đến thế mà biết bao nhiêu người đã tin theo, thậm chí bao nhiêu máu xương đã đổ vì sự hoang tưởng đó.
     Dịch bệnh do virud Vũ hán gây ra, đến nay đã làm chết năm triệu người trên toàn thế giới. Nếu đem so thì dịch do bệnh hoang tưởng gây ra còn khủng khiếp hơn nhiều.




Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

RCYT: 12. CHỦ NHÂN ĐÍCH THỰC

     Tôi đi vào rừng bất cứ lúc nào có thể. Như mọi người đi săn, tôi không thể biết trước kết quả.  Tất cả đều ngẫu nhiên, một chút may mắn, một chút kinh nghiêm, một chút phản xạ không điều kiện. Và hơn hết là cái tình của mình đối với rừng, đối với thiên nhiên.
     Sáng nay tôi gặp đôi sóc đang chạy nhảy đùa nhau ngay bên lối đi. Chúng ngoảnh đầu nhìn tôi rồi lại đuổi theo nhau. Một con kêu lên coọc... coọc...còn con kia thì nhào đến, rượt theo, xoắn xuýt. tôi hiểu niềm vui say của chúng. Lúc này chúng có phớt lờ tôi thì cũng đúng thôi. Đang mùa xuân mà. Tôi cũng đã từng như thế: từng yêu và chỉ biết say mê. Cho nên lúc này tôi không hề có cảm giác rằng mình bị chúng phớt lờ, bị chúng xem thường. tôi không tự ái. Mà ngược lại tôi tôn trọng chúng. Chính chúng mới là chủ nhân tự nhiên của núi rừng. Còn tôi cũng muốn là người chủ, tôi yên lặng và có phần âu yếm nhìn theo chúng mỉm cười tạm biệt.
     Súng vẫn khoác trên vai, tôi đi trong rừng xuân ấm áp.
                            1984


CHỜ XEM

     Nhớ lại hồi xưa con nít đánh lộn: bất kể nhỏ to, thằng nào khóc trước là thằng ấy thua.

Còn lúc này, cuộc chiến của Rus ở Ucr có vẻ như:
1. Rus chủ động và có sức mạnh vượt trội.
2. Lại thấy xe tăng, máy bay và cả soái hạm nữa chỉ là những quan tài thép.
3. Ngẫm xưa nay chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân chưa chịu thua bất cứ kẻ thù nào.
Chờ xem ai khóc trước.
25/4.
*****
Cập nhật:
* 30/4 nhận được tin này:


Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

RCYT: 10. CON TRÂU ĐẦU ĐÀN

        Lâm trường chúng tôi có một đàn trâu kéo gỗ thật ngon lành- anh công nhân vui vẻ kể: Chẳng cứ cái gì ăn được mới có cái ngon. Đàn trâu của chúng tôi kéo gỗ ngon lành. Nhưng tôi không nói chuyện kéo gỗ. Khi nào cần anh cứ theo vết trượt trong rừng sẽ gặp, sẽ biết trâu kéo gỗ như thế nào.
       Bao giờ cũng phải có con trâu đầu đàn. Như một đơn vị, xin lỗi, cần có thủ trưởng. Trâu đầu đàn phải là con khỏe nhất, khôn nhất và đặc biệt phải có trách nhiệm nhất. Đừng nghĩ tôi ví von gì. Nhưng đúng vậy đấy, con trâu đầu đàn phải có trí khôn, hơn thế, còn biết trách nhiệm của mình. Anh nói bản năng ư? Không thể nghĩ như thế được đâu. Roi vọt và thức ăn ư? Không hẳn thế. Đàn trâu tự chúng chọn lấy thủ lĩnh. Đương nhiên chúng tôi có sự tuyển chọn và huấn luyện riêng của mình theo kinh nghiệm nghề nghiệp.
       Thế mà, mới cuối tháng hai vừa rồi, nó - con trâu đầu đàn ấy, bỏ đi đâu mất. Chiều tối cả đàn trâu chạy về mà không thấy nó. Hôm ấy nghỉ kéo, cả đàn được thả rông trong rừng. Không thấy nó về, chúng tôi bổ đi tìm. Bao nhiêu giả thiết, bao nhiêu phương án đặt ra, bao nhiêu công sức nữa. chẳng ăn thua gì. Không thấy nó đâu cả. 
     Đến sáng ngày thứ ba thì thấy có mùi thối. Chỗ ấy có một vách đá dựng đứng, còn bên dưới là những khối đá lô nhô lẫn trong cây bụi rậm rạp. Chúng tôi đã bỏ qua chỗ đó vì nghĩ nó không vào đấy làm gì, còn người ngoài thì không thể nào dẫn nó vào đấy mà giết thịt được. Nhưng nghi lắm. Lần theo mùi thối chúng tôi đi vào. Đây rồi. Con trâu của chúng tôi.
      Thế là rõ. Đàn trâu của chúng tôi đi ăn trong rừng đã gặp hổ. Trâu đầu đàn trực tiếp nghênh chiến. Nó linh hoạt dẻo dai hướng cặp sừng về phía con hổ mà văng mạnh. Chỉ có trâu kéo mới có sức deo dai như vậy. Con hổ không sao bớp được yết hầu của nó. Và vào một lúc nào đó con hổ đã vồ trực diện, chồm qua giữa hai gọng sừng, bám chặt phía trên cổ, vòng xuống bấu chặt hầu. Đúng lúc ấy con trâu hất đầu lên làm mình hổ vắt gọn giữa cặp sừng. Hai tay hổ bám được vào phía sau tai trâu, đầu chồm lên quá gáy, còn ngực hổ thì áp vào giữa trán trâu. Cổ con trâu hằn sâu vết vuốt hổ. Nhưng cổ trâu quá mờm hổ không với xuống tận hầu. Điên tiết trâu húc mạnh, dấn tới. Con hổ chỉ còn hai chân sau chạm đất, nó mất thế. Nhưng vì con hổ luôn ở trước mặt nên trâu phải thúc tới. Con hổ đã cắn vào gáy. Trâu thúc tới nữa. cực mạnh. Hực! vách đá đã ngăn nó lại. 
      Bị cản, con trâu lại càng dấn mạnh thêm. Nó trụ bốn vó, vồng lưng lên mà dấn. Kẻ thù vẫn gan lì trước trán bởi thế nó càng phải dấn tới. Nó đâu có biết con hổ đã bị ép chặt giữa vách đá và cái trán rắn như thép của nó, còn hai gọng sừng thì đã khóa chặt lấy nách con hổ. 
      Có lẽ vào lúc ấy đàn trâu của chúng tôi đã chạy về. Riêng nó trụ lại.
       Con hổ bị chết bẹp nhưng trâu đầu đàn không nhận ra điều đó. Nó cứ trụ như thế. Rồi con hổ sỉnh mùi. Các vết cào cắn mưng mủ. Trâu đầu đàn vẫn cố trụ. Khi chúng tôi đến, nó vẫn đứng ở thế tấn ấy. Bốn vó trụ lại, chồm mình ấn trán vào vách đá. Phần trên con hổ vắt giữa cặp sừng. phần dưới trương phình  còn khúc giữa thì bẹp dán.
     Thấy chúng tôi đến chon trâu đầu đàn như tỉnh lại dần.  Rồi nó văng sừng nhảy lùi ra. Cái xác con hổ rơi xuống. Nó định chạy, con trâu chủa chúng tôi ấy mà, nó định chạy nhưng không đủ sức nữa. Được vài bước nó khụy xuống. Nhưng nó cố gượng dậy. Nó đứng lên, run run. thân hình to lớn của nó hốc hác, đói tóp. Thương quá chừng. Các anh ạ, chúng tôi thương nó quá.
     _ Vâng, nó không chết đâu. Nó vẫn ở trong đàn nhưng chúng tôi không bắt nó kéo gỗ nữa. chúng tôi quý nó lắm. Đừng so sánh nó với cái gì cả. Thương lắm, quý lắm!
                                                            1984
(Ghi lại từ lâm trường Đò Ham).


     

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

RCYT: 03. NHÁI XANH

          Xuân sang thật rồi. Đêm nay có gió ấm. Họ hàng nhà nhái xanh ca hát râm ran suốt đêm trong đám cỏ bên bờ ao. Nhái xanh chẳng có gì, nhưng bù lại, trời đã cho chúng cả mùa xuân và chúng đã vui mừng chào đón.

     Còn rắn nước thì chỉ muốn nuốt tất cả vào mình, nhưng không thể nuốt được mùa xuân, và có lẽ vì thế mà nó chẳng bao giờ hát lên được một khúc ca nào.

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

ĐỌC LẠI BÀI: VỀ ĐỔI MỚI VÀ BẤT BIẾN

      Mười bảy năm rồi hôm nay đọc lại, thử ngẫm xem  cây tre có bất biến gì:
     "Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người..."
                                          Nguyễn Duy
*****
       Trong khoa học có nhiều phương pháp, nhiều con đường khác nhau để tiếp cận chân lý. Có hai phương pháp phổ biến nhất. Một là từ thực nghiệm hoặc từ thực tế khách quan mà phân tích, tổng hợp rồi tìm ra quy luật, tìm ra chân lý. Hai là thừa nhận các khái niệm cơ bản (không định nghĩa) và các tiên đề cơ bản (không chứng minh), rồi dùng suy luận logic mà tìm ra các chân lý mới.
      Rất hay là những phương pháp này không bài xích, không loại trừ lẫn nhau mà thường bổ sung cho nhau trong quá trình tìm hiểu sự vật và tiếp cận chân lý. Và ngay trong cùng một phương pháp, những phép thử trái nhau hoặc các giả thuyết ngược nhau cũng không hề loại trừ nhau mà song song tồn tại, thậm chí đều đúng, đều là chân lý. (Như hình học Ơclit và hình học phi Ơclit; Như cơ học Niu tơn và thuyết tương đối Anh xtanh). Đương nhiên mỗi định đề có một miền nghiệm đúng riêng của nó, và mỗi lý thuyết cũng có những mô hình nghiệm đúng của riêng mình.
      Có một phương pháp thứ ba ít phổ biến, ít được vận dụng hơn nhưng không phải vì thế mà kém tin cậy về mặt khoa học hoặc khó ứng dụng về mặt thực tiễn. Đó là phương pháp bất biến.
      Chúng ta biết rằng các sự vật luôn vận động, luôn biến đổi. Và thường chúng ta chỉ nhìn nhận sự vật theo một chiều như vậy. Thực ra mọi sự vận động đều chứa đựng hai trạng thái hỗn độn và trật tự. Trật tự cho phép duy trì một hình thái hay một tính chất của chính sự vật đó và nhờ thế nó mới chính là nó. Còn hỗn độn là động lực của vận động, hơn thế, còn là “sinh khí” của tồn tại. Và như vậy, mọi sự vật, kể cả cuộc sống của chúng ta, luôn chứa đựng các yếu tố biến và bất biến.
      Động thì dễ gây chú ý hơn tĩnh. Biến dễ thấy hơn bất biến. Bởi vậy chúng ta thường quan tâm tới cái biến mà bỏ qua cái bất biến. Dẫu vậy, bất biến vẫn tồn tại và phương pháp bất biến vẫn được áp dụng đó đây.
      Dễ nhận thấy nhất là trong toán học. Hình học đã áp dung phương pháp này và thu được những kết quả bất ngờ. Những gì chịu sự biến đổi rồi mà vẫn bất biến, ấy là cái còn lại, là chân lý cuối cùng. Và lạ lùng thay, bất biến của phép dời chính là hình học Ơclit mà mỗi chúng ta đều biết.
        Còn trong thực tiễn cách mạng nước ta, bác Hồ cũng đã từng căn dặn “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Và chính Người cùng các học trò lỗi lạc của mình đã áp dụng phương pháp này một cách tài tình để đạt được những thành tựu rực rỡ, những thắng lợi vẻ vang.
     
     Chúng ta có ba cách khác nhau để vận dụng phương pháp bất biến. Một là: chỉ ra phép biến đổi và đối tượng biến đổi rồi mới tìm ra các bất biến của nó như từng làm với hình học. Những bất biến này có thể là khái niệm, cũng có thể là tính chất. Tập hợp tất cả các khái niệm và tính chất bất biến đó lại ta có nội dung của học thuyết tương ứng.
      Hai là: trong muôn vàn hình thái biến đổi của sự vật, hãy lựa chọn những biến đổi theo hướng định trước và tìm cách tác động sao cho các các bất biến được bảo toàn. Chẳng hạn, trong nông nghiệp việc tạo giống mới cho năng suất cao nhưng vẫn giữ được phẩm chất của nông sản là một thí dụ về việc vận dụng phương thức ấy.
      Ba là: tìm kiếm một cơ chế thích ứng khả dĩ có thể hóa giải được mọi biến đổi có thể xảy ra đối với một sự vật trong ngưỡng nào đó mà vẫn giữ được các bất biến của nó. Ví như một chiếc xe, cần có hệ thống điều khiển và hệ thống giảm chấn linh hoạt và hiệu quả để có thể vận hành an toàn trên mọi địa hình, trong mọi hoàn cảnh giao thông mà vẫn bảo toàn cấu trúc của xe.
      Tóm lại, phương thức một là chọn phép biến rồi mới tìm bất biến của nó; phương thức hai là chọn mục đích biến rồi mới tìm cách biến phù hợp; phương thức ba là chọn bất biến rồi mới tìm cơ chế để ứng vạn biến.
     Có nhiều lựa chọn phương thức như vậy là một thuận lợi để triển khai tìm hiểu về bất biến. Trong khi biến và bất biến hiện diện khắp mọi nơi, mọi lúc, trong mọi sự vật, trong mọi lĩnh vực, kể cả trong đời sống xã hội, vậy thì chẳng có lý gì chúng ta lại hờ hững bỏ qua. Bất biến nhiều khi còn có thể là tinh hoa, là cốt cách, là khí phách bất tử, là vàng ròng đã qua thử lửa, bởi vậy càng phải để tâm tìm hiểu.
       Phương pháp bất biến còn là một công cụ, một cách ứng xử hợp lý. Nhớ lại lời của Bác: “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong lúc hiểm nghèo càng thấy bất biến giá trị nhường nào.
     Làm cách mạng là thực hiện một cuộc đại biến đổi. Nhưng đại biến đổi không phải là đại hỗn độn, cũng không phải là đại phủ định. Ngược lại, cách mạng là thực thi biến đổi theo quy luật, vào đúng thời điểm sự biến đổi về lượng dẫn tới biến đổi về chất. Nhưng không phải mọi điều đều biến đổi hết, mà là trong cái hừng hực khí thế ấy, trong sự biến đổi vĩ đại ấy vẫn còn lại những bất biến. Đó là truyền thống, là tinh hoa của văn hiến bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước; đó là khối đại đoàn kết toàn dân tộc không gì phá vỡ nổi, là tính độc lập tự chủ thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, là chân lý bất biến tối hậu: “nước Việt nam là một, dân tộc Việt nam là một”…Chúng ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, đã đánh thắng hai đế quốc to, cốt lõi là nhờ đã giữ vững và vận dụng những bất biến đó.
    
    Sau đại thắng mùa xuân 1975 chúng ta tiến hành cuộc cách mạng XHCN trên cả nước. Thực chất là thực thi một cuộc đại biến đổi có định hướng và hợp quy luật. Đó là ý chí và nguyện vọng của chúng ta. Nhưng không phải lúc nào và ở đâu chúng ta cũng tìm ra quy luật và không phải lúc nào chúng ta cũng định hướng đúng. Những năm tháng “chủ quan nóng vội duy ý chí” đã chỉ rõ điều đó.
      Rất may là chúng ta đã kịp thời đổi mới và cuộc đổi mới này mới thật là cuộc đại biến đổi so với những tháng năm cách mạng XHCN một cách trì trệ trước đây (1975-1985). Nông nghiệp, nhờ áp dụng khoán hộ mà ổn định lương thực, tiến tới xuất khẩu. Thương mại, dịch vụ nhờ cơ chế thị trường (mặc dù mới manh nha) mà có bước phát triển. Bưu chính viễn thông nhờ đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực mà có bước đột phá. Trong khi đó y tế, giáo dục hầu như không tìm ra phếp biến đổi gì hữu hiệu. Còn hệ thống hành chính thì chậm đổi mới nhất và có thể còn nhiều tiêu cực nhất vì hầu như chưa có biện pháp gì thực sự khả thi.
      Cái được và cái chưa được như đã dẫn ở trên cho thấy dù đã có những thành công bước đầu nhưng chúng ta vẫn còn bị động lúng túng trong việc tìm ra những phương cách biến đổi có tính chiến lược để thúc đẩy mọi mặt đời sống, kinh tế- xã hội phát triển bền vững. Có vẻ như chúng ta còn thiếu một hệ thống lý luận, một học thuyết cách mạng để đưa cả nước tiên lên CNXH. Chúng ta có thể xây dựng hệ thống đó bằng phương pháp tiên đề được không. Đây là việc hệ trọng và rất khó, không thể có ngay một sớm một chiều. Trong khi chờ đợi một học thuyết như vậy, chúng ta có thể vận dụng phương pháp bất biến để tìm một đường lối thích hợp cho công cuộc đổi mới hiện nay.
    Chúng tôi xin đề xuất một đề cương giản lược:
   1.- Tập hợp các đối tượng chịu tác động của biến đổi là tất cả vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo và thềm lục địa nước nhà; là toàn thể đồng bào ta với 54 dân tộc anh em; là hệ thống chính trị và nền kinh tế; là toàn bộ cơ sở hạ tầng và nền văn hóa của chúng ta; là các mối quan hệ với các quốc gia và các dân tộc khác trên toàn thế giới.
   2.- Tập hợp các bất biến tuyệt đối, đó là chủ thể: đất nước ta, nhân dân ta; là sự thống nhất và toàn vẹn: “đất nước ta là một, dân tộc ta là một”; là thể chế chính trị: dân chủ cộng hòa; là mục tiêu: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc; là bản sắc dân tộc: văn hiến Việt nam; là quan hệ quốc tế: độc lâp, tự chủ và hợp tác hội nhập.
       Ngoài những bất biến tuyệt đối có thể có những bất biến tương đối có tính sách lược tùy thuộc thời điểm.
    3.- Mục tiêu biến đổi: dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh.
    4.- Động lực biến đổi: là tất cả các nguồn nội lực được giải phóng và khơi dậy tối đa; là thu hút các nguồn ngoại lực; là hợp tác quốc tế và là thuận theo xu thế thời đại.
     5.- Phương thức biến đổi: chấp nhận mọi phép biến đổi bảo toàn bất biến và hướng tới mục tiêu. Các phép biến đổi khác không thỏa mãn các yêu cầu trên đều phải loại trừ.
     Thực tiễn những năm qua cho thấy chúng ta đã chọn lựa được những chủ trương chính sách, cũng là những phép biến, để tạo ra được những đột phá tiệm cận mục tiêu hoặc đã có những cơ chế để ứng vạn biến mà vẫn bảo toàn bất biến cơ bản. Hy vọng trong tương lai gần, với công sức và trí tuệ toàn dân, với những quyết sách đúng đắn và sáng tạo của đảng chúng ta sẽ tìm ra các phép biến đổi có sức tác động mạnh mẽ hơn nữa nhằm xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

        Bất biến là một phương pháp, bất biến tuyệt đối là nguyên tác bất di bất dịch, mục tiêu là ước vọng, là lý tưởng của chúng ta, còn phép biến đổi thì vô vàn và chúng ta phải sáng suốt chọn lựa những biến đổi phù hợp để đảm bảo mục tiêu và bảo toàn bất biến. Đấy chính là công việc của những người vạch ra đường lối và các quyết sách. Đảng ta là đảng cầm quyền. Đảng ta chính là người được toàn dân tin tưởng giao cho trọng trách làm phép chọn lựa quyết định ấy. Đó chính là sinh mệnh chính trị của đảng.
                                                                                                                                   Ngày 28-2-2005.


(Bài này tôi đã gửi văn phòng số 1 Hùng Vương- Hà nội theo ngày ghi ở trên nhưng chưa có hồi âm, nay xin lên trang blog)

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2022

GỐC ĐA XƯA

 Trò cũ Đậu Văn Huy gửi cho bức ảnh:

       Cảm ơn Huy.

     Cây đa này mình gỡ từ một nách cuống lá cọ ở Na phày, mang về trồng nơi đây hồi 1983. Trước đó vài năm, mình đã trồng một cây đa nước, lấy từ trong vườn nhà, không biết con chim nào gieo hạt.


Giờ thì cây đa nước ( cây cao, thẳng) hình như không còn.

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

ĐI DỌC VÒNG THÀNH

 

Đi dọc vòng thành dưới bóng trám đen
Nghe tiếng chim gù đầm ấm
Bình yên nhớ em áo nâu yếm thắm
Lượm lúa tươi vàng nón trắng chao nghiêng
Đi dọc vòng thành mướt mát ngô xanh
Trông vời về đông xóm Gà xóm Mít
Sừng sững bên đình bóng đa cổ tích
Gốc đại sân đền trầm mặc hương đưa
Đi dọc vòng thành nghe vọng ngàn xưa
Những thời định đô cung vàng điện ngọc
Hùng cứ một phương rạch trời nam bắc
Phất ngọn cờ hồng rạng rỡ Rồng Tiên
Đi dọc vòng thành nhớ bóng anh linh
Thục An Dương Vương xây thành mở cõi
Hội tụ khí thiêng nghìn năm sông núi
Kỳ bí mê thành uy nỗ kim quy(1)
Vi vút sáo diều mê mải chân đi
Lông ngỗng từ đâu vương trời trắng muốt
Lung linh soi gương ai về giếng ngọc
Thấp thoáng bóng hồng sương khói xiêm y
Bước xuống bờ nam thong thả ta về
Hướng ra sông Hồng dạt dào sóng vỗ
Nhìn lên Ba Đình nắng vàng rực rỡ
Hùng vĩ dáng rồng cưỡi gió bay lên.
2002
(1)-nỏ, dân Nghệ đọc là nộ.
Bạn, Lưu Lê, Chau Vuong và 17 người khác
10 bình luận
Thích
Bình luận
Chia sẻ