Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

DÂN GIÀU

         Từ đầu thế kỷ trước cụ Tản Đà đã viết: "Giàu có ba hạng khác nhau về của. Một thứ của là của ở trên đời, ai có được nhiều thì giàu. Một thứ của là của trong sách, ai học được nhiều thì giàu. Một thứ của là của trong mình, ai luyện đươc nhiều thì giàu".
      Nay ta có khẩu hiệu "dân giàu nước mạnh công bằng dân chủ văn minh". Trong câu này cũng có chữ giàu, nhưng vì súc tích quá nên người đọc không hiểu được dân giàu là giàu ở hạng nào. Giàu của giữa đời, giàu của học được, hay giàu của trong mình?.
       Giàu của học được, giàu của trong mình, thì khó đo đếm. Thời nay chỉ có của giữa đời là được ghi chép tính toán tỉ mỉ bằng thông số GDP. Cho nên có thể rằng chữ giàu trong câu trên là nhằm chỉ loại giàu này.
       Loại giàu này dễ thấy, nhưng nếu dễ đạt, thì cũng dễ mất. Chỉ là thứ phù vân. Không những vậy, chạy đua mục tiêu này dễ mà kéo theo khai thác tài nguyên quá mức, tàn phá thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, thoái hóa biến chất, gia tăng xung đột, xuống cấp đạo đức...
       Khi ấy thì dân có thể giàu, nhưng giàu không bền và cũng không đều, thì làm sao mà công bằng dân chủ văn minh được? Đã thế, làm sao cho nước mạnh được?.
       Nhớ lại thuở xưa, cụ Phan Châu Trinh từng chủ trương:" Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Dân trí dân khí phải có trước, rồi mới tới dân sinh, mới có cơm no áo ấm, mới có tích lũy chính đáng mà giàu. Giàu thế mới đều, mới bền. Giàu cả của giữa đời lẫn của trong sách và cả của trong mình. Giàu được như thế thì mới có công bằng dân chủ văn minh, và nhờ thế nước mới mạnh.
                                                                              13/1/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét