Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

TÔN GIÁO MỚI VỚI QUYỀN LỰC VÀ QUYỀN LỢI -(Tiếp theo)


     6. Các vị giáo chủ của TGM đã nhầm khi cho rằng diệt được đối thủ một mất một còn rồi thì mình sẽ thánh thiện hơn, sung sướng hơn. Nào hay nghiệp chướng lại ập đến. Trước hết là phép chia số học thực hiện không đều. Những kẻ ranh mãnh và những kẻ quyền thế đã nhận về mình miếng bánh to hơn. Không những thế chúng còn toan tính bao mưu mô thủ đoạn, kể cả việc tận dụng TGM để giành miếng bánh ngày một to thêm nữa. Những kẻ cả tin, ngây ngô chân thật, hoặc quá chậm chân, ít thế lực đành âm thầm chấp nhận thua thiệt, chưa kể những người đã hy sinh trong cuộc chiến. Mâu thuẫn xã hội lại nẩy sinh và ngày thêm sâu sắc, nhất là khi những kẻ giàu có mới nổi và những kẻ cầm quyền trở nên tha hóa sa đọa biến chất. Nạn tham nhũng trỗi dậy và ngày càng trắng trợn. Những người bị thua thiệt cũng phải tìm cách oằn lên. Dần dà mọi người đều có tâm lý sẵn sàng chặt chém lẫn nhau khi có thể ngõ hầu tìm một chút cân bằng tối thiểu nào đó. Từ những người nông dân chân chất, đến những người trong nghề y, nghề giáo, đến các công chức công quyền, đến các dịch vụ văn hóa du lịch... không ở đâu là không nghĩ tới chém chặt. Văn minh phong bì, tham nhũng và tâm lý chém chặt là sản phẩm tất yếu của TGM và hậu chiến một mất một còn.

     7. Mấy chục năm sau chiến tranh, sau khi chính quyền đã về tay những người vô sản, chính xác hơn là vào tay những người đại diện của họ, thì người vô sản thực sự vẫn trắng tay. Nhân loại cần lao vẫn lao khổ, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần. Họ thấy rõ bất công, thấy bị lừa gạt, thấy những hy sinh mất mát và cả đức tin của họ đã bị kẻ khác lợi dụng. Máu của họ chưa khô mà kẻ thù trực tiếp của họ, bây giờ lại được đồng đội ngôi cao của họ cho là bạn, thậm chí là bạn tốt, nhiều lần tốt, là đối tác chiến lược. Họ thì mất hết, còn đồng đội ngôi cao thì cho con tới cái chỗ vốn là kẻ thù, để học. Và tất nhiên số đông,- không chỉ trong chốn cần lao- bị rơi vào khủng hoảng lòng tin. 
Khi đó họ lại phải tìm về những tôn giáo truyền thống, về với Đức chúa trời, về với Phật, với thần linh, với tổ tiên ông bà. Có người còn tin theo và nhờ cậy đến cả những trò mê tín dị đoan vớ vẩn.

      Chưa bao giờ như mấy chục năm lại đây, các trò mê tín dị đoan trỗi dậy như nấm sau mưa. Cũng chưa bao giờ thấy nhà thờ, chùa chiền đền miếu sau khi bị đập phá tan tành thời duy vật ấu trĩ- cái thời “một mo cơm, một quả cà, một tấm lòng cộng sản; thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn”- đã lại được tu sửa nâng cấp và xây mới nhiều như lâu nay. Đến cả lăng mộ cũng đua nhau nâng cấp, xây mới ngày một to cao, cầu kỳ tô vẽ, bất chấp suy thoái kinh tế và suy thoái đạo đức ngày càng trầm trọng.
8. Cái pháp, hay giáo lý bạo lực của TGM, có thể vô tình nhưng đã tròng một cái vòng kim cô lên giáo phái mình, lên dân tộc mình, nhân dân mình. Ấy là món nợ viện trợ vũ khí và các trang thiết bị chiến tranh.
     Đã dấn sâu vào mâu thuẫn đối kháng, đã một mất một còn, đã chọn giải pháp đấu tranh vũ trang thì những người theo TGM phải có vũ khí khí tài. Muốn có thì phải mua, vì mình lạc hậu không làm ra được. Vì nghèo, không đủ tiền mua thì phải xin, phải vay. Vay thì phải trả, kể cả xin không thì vẫn phải có cái giá của nó. Và đấy là cái vòng kim cô tròng lên đầu chúng ta.
     Cái vòng kim cô ấy mỗi lần siết vào là một lần đau. Đau trong CCRĐ, đau trong NVGP, đau trong CTCTN, đau trong chia cắt hai miền, ở Mậu thân, ở thành cổ Quảng trị...Rồi đau ở biên giới tây nam, biên giới phía bắc, ở Hoàng sa, Trường sa, ở thác Bản Giốc…
    Chiến tranh qua rồi, mà vòng kim cô vẫn không tháo ra được. Không những thế, bạo lực vẫn được xem như là cứu cánh của TGM. Nó đồng hành cùng TGM. Thế mới hay cái họa khôn cùng của giáo lý bạo lực CM ngoại lai này.
      9. Ngược lại, theo một hướng khác, các pháp của TGM cho rằng KHKT phát triển, năng xuất lao động ngày một tăng, sản phẩm xã hội ngày một nhiều rồi thì là nhu cầu của mọi người dân sẽ không ngừng được cải thiện, để đến một khi hoàn toàn thỏa mãn, đảm bảo “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”. Khi đó không còn tranh chấp, không còn áp bức, không còn khổ đau và thế giới sẽ đại đồng. Màu hồng đã được tô lên, một tương lai xán lạn được vẽ ra hết sức hấp dẫn.  
     Số đông tin là như vậy, dù cho đã có cảnh báo ngược lại trong thuyết nhân mãn. Nhưng số đông đói khổ nào có biết cái thuyết đó. Họ chỉ biết mình đang đói khổ, đang cần cơm ăn áo mặc. Hơn nữa, họ cần sung sướng, cần một tương lai tươi sáng. Các pháp vật chất đã đánh trúng tâm lý của họ. Tiếc thay, khi thắng cuộc rồi họ mới biết của cải vật chất rất có giới hạn mà lòng tham thì không cùng. Thỏa mãn nhu cầu vật chất và hoàn toàn bình đẳng về sở hữu, nhất là sở hữu quyền lực và quyền lợi là điều không tưởng. Nhận ra thì máu đã đổ. Thực tế tàn khốc của thế kỷ qua một lần nữa cho hay cái giá phải trả cho các pháp thiên về vật chất thực dụng này. Cũng là cái giá quá đắt cho một đức tin mù quáng, hoặc một cái vô minh đã bị lợi dụng.
      10. Tôn giáo mới có một đặc điểm khác với các tôn giáo khác là nó rất thực dụng. Không chỉ vì nó trung thành với pháp duy vật mà nó còn hiểu sâu sắc và biện chứng về quyền lợi và quyền lực. Những chức sắc của tôn giáo này không bỏ lỡ cơ hội khi có thể nắm lấy những cái đó. Họ tận dụng uy thế trong giáo hội để nắm lấy quyền lực  và dùng quyền lực để thâu tóm các lợi ích. Và vì lợi ích họ đã bất chấp thủ đoạn.
      Một thuật ngữ mới được đưa ra, có vẻ không dính dáng gì tới vật chất, ấy là chính trị. Mà chính trị là gì, chính trị suy cho cùng là quyền lợi. Ban đầu là quyền lợi của cộng đồng, của đại đa số đồng bào theo lý thuyết, rồi biến tướng thành lợi ích nhóm, lợi ích đảng phái, lợi ích cá nhân khi khả dụng.
     Tha hóa của quyền lực là chuyện muôn thuở. Nhưng nếu quyền lực lại được khuyến khích bởi duy vật thực dụng  và lợi ích vật chất thì sự tha hóa càng trở nên trầm trọng, nhất là khi nó được hậu thuẫn bởi một tôn giáo, đặc biệt là một tôn giáo độc tôn. TGM dùng mọi lý lẽ, mọi hình thái tổ chức của giáo hội, thậm chí cả sức mạnh của quyền lực để che chắn, để bảo vệ lợi ích của chính mình và bảo vệ lẫn nhau.
     Ở đây, trong cái TGM này không có pháp về giới, không có các quy tắc để chế ngự các thói hư tật xấu vốn có trong mọi thành viên. Họ không phải hy sinh một điều gì cả, càng không phải xuất gia hành đạo. Ngược lại họ có quyền lực, có sự hậu thuẫn của giáo hội cầm quyền, và họ thực chất có đặc quyền. Chính vì thế mà sự tha hóa càng trở nên nhanh chóng và trầm trọng.

Còn nữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét