Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

YÊN LÒNG KHÔNG EM

   Gặp nhau, các cô gái vùng cao thường được hỏi chào:
   -Dến xây bò noọng?  Có nghĩa là Lạnh lòng không em? Nhưng, đúng ra là không phải là hỏi mà là bày tỏ mối quan tâm, thân mật.
   Câu hỏi chào này còn có nghĩ là : Có bị sốt rét không? Vì vùng cao ngày xưa nhiều người bị sốt rét. Mà sốt rét thì rét từ trong bụng rét ra. Thành thử mới lo lắng mà thăm hỏi nhau như vậy.
    Anh Đào Nguyên Kỷ, dạy văn, đã dịch thoát nghĩa câu này là: Yên lòng không em. Một câu chào hỏi rất hay. Thân thương, nhẹ nhàng, tình cảm.
     Tôi ấn tượng với lời hỏi chào này và tình ý câu dịch nghĩa của anh Kỷ, nên tôi có viết một ca khúc với tựa đề  YÊN LÒNG KHÔNG EM.
 Xin chép lại ca từ:

Yên lòng không em. Dến xây bò noọng
Yên lòng không em, về thăm quê chúng ta
Liệp nậm moi pá, cá vờn ánh trăng
Liệp na moi  khầu lúa lên xanh tốt
Đường băng qua dốc, điện sáng trời sao
Mênh mang rừng quế tinh dầu ngát hương
Ai về mương bản giám pọ giám mẹ
Ai về mương bản vấn vương trong lòng
Gặp em bên suối dến xây bò noọng...
          (2007 Nhân 40 năm thành lập trường  C3 Quế phong tôi đã hát tặng ca khúc này.)

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2024

CỦI

     Từ bé tôi đã theo mẹ xuống hố xuống hác để nhặt củi khô từ các nhánh cây trên cao rụng xuống. Làng tôi có lệ, hố hác là của chung, không ai được bẻ cành chặt cây ở đó. Đến thời con gái tôi, theo bạn vào rừng kiếm củi, cũng chỉ nhặt những cành khô.
    Thuở xưa củi khô còn nhiều, nên người hái củi có nhiều lựa chọn. Chọn cỡ củi vừa đun, vừa bếp; chọn cây củi thẳng, dễ bó dễ vác; chọn loại củi đượm, ít khói, ít mùi; và tránh củi mục, củi độc. Dân quê tôi ngày ấy kỹ tính còn chọn riêng củi vọt là để nấu bánh chưng ngày tết, củi nè dành để nấu nước chè xanh...
     Giờ thì củi hiếm rồi, người ta dùng bếp ga bếp điện, tiện lợi hơn nhiều. Phần đông không ai nhắc đến củi, chỉ còn lớp người xưa hoài niệm xa xôi...

    Thế rồi đến lúc lò lạ được nhóm lên. Củi khô cháy, củi tươi cũng cháy. Củi cành cháy, củi gộc cũng cháy. Cháy rừng rực nhưng chẳng để đun nấu gì, chỉ để cháy suông. Vả lại, củi này mục, và độc nên khói lên ngùn ngụt, bốc mùi khét lẹt, ô nhiễm cả đất trời. Nghẹt thở. 
     Từ thuở khai thiên lập địa, chưa bao giờ thấy loại củi này. Lạy trời cho qua kiếp nạn. 
  13/5/2023

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

THIÊN ĐƯỜNG CHUỘT

 

    Thí nghiệm "Thiên đường chuột" được thực hiện bởi John Calhoun trong 11 năm, và được công bố từ nửa thế kỉ trước (1973) cho thấy:

    Trong điều sống lý tưởng về ăn ở, đàn chuột phát triển rất nhanh, nhưng rồi tới lúc chúng bị rối loạn hành vi và chỉ sau khoảng 600 ngày chúng tự tuyệt diệt.

   Đọc xong bài này, tự dưng tôi liên tưởng: Nếu có một ngày loài người, hoặc một nhóm nào đó của nó  được " hưởng theo nhu cầu" thì có thể lại  xảy ra điều tương tự !?.

6/5/2024

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

RƯỜNG CỘT

    Ngôi nhà bền chắc cốt ở rường cột. Thuở rừng còn nguyên sinh, rường cột được làm bằng tứ thiết: đinh, lim, sến, táu. Nếu là gỗ vườn thì phải là lõi mít, không nữa phải là xoan già ngâm kỹ, không lo mối mọt.
    Các loại gỗ tạp chỉ dùng để làm lán trại tạm thời, hoặc dùng làm cọc rào, làm củi. Cũng có đôi khi do chủ nhà không rành, hoặc do thợ cố dấu mà lỡ có cột kèo nào làm bằng gỗ tạp, thì rồi mối mọt sẽ xông. Khi đó không dễ gì thay thế, nặng nữa thì sụp hẳn ngôi nhà.
     Giờ thì rừng bị tàn phá, không còn tứ thiết để làm rường cột nữa. Có thể có những cây non mới gieo lại từ giống tứ thiết nhưng chưa đủ già đủ rắn. Nếu cố dùng thì vẫn hỏng.
   Đến thời sắt thép bê tông sẽ thay. Mối mọt không lo nhưng rỉ sét vẫn có. Chủ mà không rành, thợ mà vô tâm thì rồi rường cột vẫn hỏng. 
    Thì ra rường cột cốt ở con người.
                       4/5/2023