19-01-2014
Vấn đề lúc này là cách thức và bước đi để đòi lại Hoàng Sa
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
Lời nói thêm trước lúc công bố bài viết: – Sáng 19/1/2014. Bài này viết đã mấy hôm, nhưng tôi chờ xem Chính phủ ta có ra tuyên bố gì trong dịp này không, cũng chờ xem có báo nào đăng không - không nhằm để lấy nhuận bút, mà như một “phép thử” để hiểu được nhiều điều -
Đến nay, thì các thứ chờ đợi đều lặng như tờ - Có 1 tờ báo hẹn đăng nhưng rồi thôi, có lẽ cũng giống như ông Chủ tịch Huyện Hoàng Sa Đà Nẵng nói rằng việc bỏ chương trình thắp nến tưởng niệm các liệt sĩ ở Hoàng Sa không phải do “cấp trên” chỉ đạo mà chỉ vì chưa đủ điều kiện! Bạn đọc rất thông minh, có lẽ không cần bình luận gì thêm cũng hiểu là còn phải rút ra “kết luận” gì qua “vụ” này.)
Trong dịp tưởng niệm 74 chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa 40 năm trước, nhiều tác giả đã viết bài khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Điều này luôn phải nhắc lại, nhất là khi đối phương /(“đương sự”) và các tổ chức quốc tế chưa công khai chấp nhận điều đó bằng văn bản có giá trị pháp lý.
Tuy vậy, đây là vấn đề đã rõ “mười mươi”, đã rõ từ lâu, ít ra là từ 40 năm trước, khi học giả Võ Long Tê công bố cuốn sách “Les archipels de Hoàng - Sa et de Trường - Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d' histoire et de géographie” (“Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam về lịch sử và địa lý” - Bộ Văn hoá- Giáo dục & Thanh niên xuất bản tại Sài Gòn, Tháng 4/1974) với rất nhiều tư liệu và bản đồ có giá trị “không thể tranh cãi.” Tờ bản đồ mà báo "Tuổi trẻ" ngày 15/1 vừa in (do nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn chụp lại tận “Đông Dương văn khố” ở Nhật Bản!) cũng đã được in trong cuốn sách đã dẫn! Bản thân tôi là một ông già trên 70 tuổi, không có chức quyền gì, bức xúc trước những tuyên bố và việc làm ngang ngược xâm phạm chủ quyền Việt Nam (cắt cáp tàu thăm dò dầu khí, bắt bớ người dân Việt Nam…) của Trung Quốc trong mấy năm gần đây, cũng đã viết bài giới thiệu cuốn sách đăng trên các báo “Đà Nẵng”, “Thừa Thiên Huế”, “Văn nghệ” từ đầu tháng 1/ 2012, tức là từ hai năm trước.(Xem ảnh hai bài báo đó kèm đây).
Kể ra như vậy để thấy, đã đến lúc chúng ta phải tiến thêm một bước, chứ không chỉ nêu lại vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa là của Việt Nam. Đây là một việc không đơn giản, nói theo ngôn ngữ ngoại giao là rất “tế nhị”, nhưng cao hơn tất cả các mối quan hệ và sự ràng buộc của ý thức hệ (nếu có), là trách nhiệm của Chính phủ và của mỗi công dân trước vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc đã bị xâm chiếm. Thiết nghĩ bước đi đầu tiên cần thiết lúc này là Nhà nước Việt Nam cần ra tuyên bố chính thức về vấn đề Hoàng Sa (và cả Trường Sa) - không chỉ là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập trong quá khứ, mà cả thái độ trước các sự kiện xẩy ra trong 40 năm qua (như việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974, Tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng…) Bước tiếp theo có thể là đưa vấn đề ra Liên hiệp quốc và Tòa án quốc tế, nếu họ bác bỏ việc trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam…
Sự thật lịch sử và trách nhiệm bảo vệ nguyên vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc không cho phép chúng ta né tránh. Tất nhiên là không thể nóng vội để rồi có thể “đi sai nước cờ”. Nhưng “án binh bất động”, không tiến thêm bước nào thì kẻ cậy thế mạnh nhất định sẽ lấn tới. Việc công bố “vùng cấm bay” rồi bắt ngư dân muốn đánh cá phải xin phép… là bằng chứng gần nhất. Ở đây, nếu được phép mượn cách Hồ Chủ tịch đã viết trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 20/12/1946 thì có thể viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, họ càng lấn tới, vì họ quyết tâm lấn chiếm vĩnh viễn Hoàng Sa cho đến Trường Sa…”
Tình thế không hoàn toàn giống nhau, và không chỉ dân tộc ta muốn hòa bình mà cả nhân loại cũng muốn hòa bình. Và chính vì thế, chính vì tình thế khác năm 1946 (hồi đó đối phương là đế quốc xâm lược), thiết nghĩ nay chúng ta có thể nói rõ: Việc đánh chiếm Hoàng Sa đầu năm 1974 xẩy ra khi hai bên chưa có “16 chữ vàng”, chưa phải là “đồng chí tốt” với nhau, nay những chữ nghĩa đẹp đẽ đó đã được long trọng công bố cho toàn thế giới biết thì hai bên nhất phải ngồi lại với nhau, ký kết hiệp định hẹn ngày giờ trao trả mọi thứ mà bên này đã lỡ chiếm của bên kia một cách phi pháp.
Hẳn sẽ có người cho rằng điều này là ảo tưởng. Nhưng chúng ta - nói rõ hơn là Chính phủ ta, đã có lần nào lên tiếng công khai về việc này chưa mà bảo là “ảo tưởng”? Nếu chúng ta đòi mà họ không hẹn ngày trả lại thì cũng cho chúng ta một kết luận hết sức hệ trọng: Ai là bạn tốt, là đồng chí tốt của Việt Nam!
Thiết nghĩ, Thành phố Đà Nẵng, về danh nghĩa công khai và pháp lý, là địa phương quản lý trực tiếp Hoàng Sa, nên có đủ tư cách đề đạt vấn đề trên chính thức với Chính phủ, để sớm có tiếng nói của Nhà nước Việt Nam trước một vấn đề quan trọng đã chín muồi.
74 chiến sĩ hải quân đã hy sinh ở Hoàng Sa 40 năm trước và hàng triệu người dân Việt bao thế hệ đã đổ xương máu vì bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải bước tiếp, không nhất thiết với khẩu súng mà với sự công khai minh bạch mọi sự thật, mọi mối quan hệ; khi đó, với sức mạnh chính nghĩa, với luật pháp được quốc tế công nhận, chúng ta không còn ở thế yếu để cứ phải mãi lùi bước…
Xin cảm ơn tác giả và trang mạng.
Xin cảm ơn tác giả và trang mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét