Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

RCYT: 10. CON TRÂU ĐẦU ĐÀN

        Lâm trường chúng tôi có một đàn trâu kéo gỗ thật ngon lành- anh công nhân vui vẻ kể: Chẳng cứ cái gì ăn được mới có cái ngon. Đàn trâu của chúng tôi kéo gỗ ngon lành. Nhưng tôi không nói chuyện kéo gỗ. Khi nào cần anh cứ theo vết trượt trong rừng sẽ gặp, sẽ biết trâu kéo gỗ như thế nào.
       Bao giờ cũng phải có con trâu đầu đàn. Như một đơn vị, xin lỗi, cần có thủ trưởng. Trâu đầu đàn phải là con khỏe nhất, khôn nhất và đặc biệt phải có trách nhiệm nhất. Đừng nghĩ tôi ví von gì. Nhưng đúng vậy đấy, con trâu đầu đàn phải có trí khôn, hơn thế, còn biết trách nhiệm của mình. Anh nói bản năng ư? Không thể nghĩ như thế được đâu. Roi vọt và thức ăn ư? Không hẳn thế. Đàn trâu tự chúng chọn lấy thủ lĩnh. Đương nhiên chúng tôi có sự tuyển chọn và huấn luyện riêng của mình theo kinh nghiệm nghề nghiệp.
       Thế mà, mới cuối tháng hai vừa rồi, nó - con trâu đầu đàn ấy, bỏ đi đâu mất. Chiều tối cả đàn trâu chạy về mà không thấy nó. Hôm ấy nghỉ kéo, cả đàn được thả rông trong rừng. Không thấy nó về, chúng tôi bổ đi tìm. Bao nhiêu giả thiết, bao nhiêu phương án đặt ra, bao nhiêu công sức nữa. chẳng ăn thua gì. Không thấy nó đâu cả. 
     Đến sáng ngày thứ ba thì thấy có mùi thối. Chỗ ấy có một vách đá dựng đứng, còn bên dưới là những khối đá lô nhô lẫn trong cây bụi rậm rạp. Chúng tôi đã bỏ qua chỗ đó vì nghĩ nó không vào đấy làm gì, còn người ngoài thì không thể nào dẫn nó vào đấy mà giết thịt được. Nhưng nghi lắm. Lần theo mùi thối chúng tôi đi vào. Đây rồi. Con trâu của chúng tôi.
      Thế là rõ. Đàn trâu của chúng tôi đi ăn trong rừng đã gặp hổ. Trâu đầu đàn trực tiếp nghênh chiến. Nó linh hoạt dẻo dai hướng cặp sừng về phía con hổ mà văng mạnh. Chỉ có trâu kéo mới có sức deo dai như vậy. Con hổ không sao bớp được yết hầu của nó. Và vào một lúc nào đó con hổ đã vồ trực diện, chồm qua giữa hai gọng sừng, bám chặt phía trên cổ, vòng xuống bấu chặt hầu. Đúng lúc ấy con trâu hất đầu lên làm mình hổ vắt gọn giữa cặp sừng. Hai tay hổ bám được vào phía sau tai trâu, đầu chồm lên quá gáy, còn ngực hổ thì áp vào giữa trán trâu. Cổ con trâu hằn sâu vết vuốt hổ. Nhưng cổ trâu quá mờm hổ không với xuống tận hầu. Điên tiết trâu húc mạnh, dấn tới. Con hổ chỉ còn hai chân sau chạm đất, nó mất thế. Nhưng vì con hổ luôn ở trước mặt nên trâu phải thúc tới. Con hổ đã cắn vào gáy. Trâu thúc tới nữa. cực mạnh. Hực! vách đá đã ngăn nó lại. 
      Bị cản, con trâu lại càng dấn mạnh thêm. Nó trụ bốn vó, vồng lưng lên mà dấn. Kẻ thù vẫn gan lì trước trán bởi thế nó càng phải dấn tới. Nó đâu có biết con hổ đã bị ép chặt giữa vách đá và cái trán rắn như thép của nó, còn hai gọng sừng thì đã khóa chặt lấy nách con hổ. 
      Có lẽ vào lúc ấy đàn trâu của chúng tôi đã chạy về. Riêng nó trụ lại.
       Con hổ bị chết bẹp nhưng trâu đầu đàn không nhận ra điều đó. Nó cứ trụ như thế. Rồi con hổ sỉnh mùi. Các vết cào cắn mưng mủ. Trâu đầu đàn vẫn cố trụ. Khi chúng tôi đến, nó vẫn đứng ở thế tấn ấy. Bốn vó trụ lại, chồm mình ấn trán vào vách đá. Phần trên con hổ vắt giữa cặp sừng. phần dưới trương phình  còn khúc giữa thì bẹp dán.
     Thấy chúng tôi đến chon trâu đầu đàn như tỉnh lại dần.  Rồi nó văng sừng nhảy lùi ra. Cái xác con hổ rơi xuống. Nó định chạy, con trâu chủa chúng tôi ấy mà, nó định chạy nhưng không đủ sức nữa. Được vài bước nó khụy xuống. Nhưng nó cố gượng dậy. Nó đứng lên, run run. thân hình to lớn của nó hốc hác, đói tóp. Thương quá chừng. Các anh ạ, chúng tôi thương nó quá.
     _ Vâng, nó không chết đâu. Nó vẫn ở trong đàn nhưng chúng tôi không bắt nó kéo gỗ nữa. chúng tôi quý nó lắm. Đừng so sánh nó với cái gì cả. Thương lắm, quý lắm!
                                                            1984
(Ghi lại từ lâm trường Đò Ham).


     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét