Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

RCYT: 39. MƯỜI LĂM ĐỘ DỐC

      Những năm cả nước đói khổ, hạt gạo hẩm rồi vẫn phải cõng thêm mấy lát khoai, khoanh sắn. Con người thiếu ăn nhưng không biết do đâu. Thế rồi có ai đó bảo là do thiếu đất. Thiếu đất thì phải "khai hoang phục hóa". Nhưng không phải mảnh đất nào khai ra cũng trồng cấy được, bởi nơi thì thiếu nước, nơi lại bạc màu. Người ta nghĩ tới di dân, lập "làng kinh tế mới". Nhìn thấy đất rừng màu mỡ, mùn dày cả gang, khe suối chằng chịt, ẩm mát quanh năm, thì người ta tính đưa dân lên rừng. Cuộc di dân này thành phong trào, được tuyên truyền khuyến khích, thâm chí vào cả thơ ca: 
         "Đồng xanh ta thiếu đất cày
        Nghe rừng lắm đất lên đay với rừng".
    Đưa dân lên rừng thì phải có đất ở, đất trồng. Để có đất thì phải phát rừng làm rẫy, và dựng túp lều ở tạm. Rừng chỗ đất bằng đã hết thì chặt đốt tiếp rừng nơi đất dốc. Có một quy định thành văn cho phép làm nương rẫy nơi không phải đầu nguồn và dốc không quá 15 độ. Rừng có nơi đâu là không đầu nguồn, nhưng đã có quy định vậy thì người ta sẽ tìm ra chỗ không phải đầu nguồn. Dốc không quá 15 độ thì có nhiều nơi không quá 15 độ. Chân núi thoai thoải, dốc không đến 15 độ. Đỉnh núi khá bằng phẳng, cũng dốc không quá 15 độ. Chân núi, đỉnh núi phát đốt làm rẫy được thì lưng chừng núi cũng làm nương rẫy được.
      Vả lại người dân làm gì có máy móc trắc địa để biết ở đâu độ dốc bao nhiêu? Người này phát rẫy được thì người khác cũng phát rẫy được. Đơn giản thế thôi. Người ở đâu đâu tận dưới xuôi lên được phép làm rẫy thì bà con bản địa cũng phải được làm rẫy.
       Bởi vậy, chỉ hai năm từ khi có chủ trương "tự túc lương thực tại chỗ" và được phép phát nương làm rẫy ở nơi "dốc không quá 15 độ", rừng đã trống hoác từng mảng lớn. Ơn trời được vài mùa rẫy. Người dân no cơm ấm cật hẳn lên, nhất là những hộ "kinh tế mới". Nhưng rồi nắng hạn, xói lở, bạc màu. Nương rẫy bỏ hoang cho cỏ dại mọc.
Người dân di cư bỏ đi chạy chợ, "công ty cá trích" ra đời; Người có sức khỏe đưa hàng lên vùng cao dịch vụ tận chân cầu thang mắm muối, kim chỉ đá lửa, bất kể nắng mưa, sốt rét dịch bệnh.
     Nhìn lại, chỉ biết lạy trởi. Rằng: "15 độ dốc", "tự túc lương thực tại chỗ" chỉ là chủ trương của một thời, nóng vội một thời, dại dột một thời. Rồi qua. Để rừng còn mọc lại.
                                                Rừng chiều yên tĩnh1985

*****
     Thời ấy thầy trò trường chúng tôi cũng lo lắng phát nương. Vạt nại ấy rộng chừng 1ha, bên đường 48 ở km119. Phát xong mới nhận ra là mình phát vào nại cũ, cây cối um tùm nhưng là mới mọc lại, Nếu đốt cháy rồi thì số cây que chỉ đủ để làm một mé hàng rào. Ba mé còn lại biết rào bằng gì? Mà không rào được thì trâu bò phá hết. Đành bỏ. 
     Nhưng cũng nhờ nhà trường bỏ cuộc mà mẹ tôi mới thôi thúc dục tôi tìm chỗ làm lấy một vạt nương. Tội lắm. Biết mẹ lại lo đói. Thương mẹ nên tôi không dám nói gì.

          * Trường tôi, cũng ngày đó, có cô giáo trẻ nghỉ hè cùng người nhà lên làm rẫy trên đỉnh Pu Quai. Cô giáo bị cảm thương hàn, tới khi người nhà đưa được xuống viện thì đã quá muộn rồi. Cô không qua khỏi. Tội lắm. Càng thương hơn vì là trò cũ của tôi. Tôi tới thăm, trò chỉ kịp nói: "Em- mệt- lắm- thầy- ạ". rôi lặng lẽ nhắm mắt. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét