Không gian chúng ta đang sống thường gọi là không gian ba chiều. Nhưng nếu như ta mãi cắm cúi đi trên một con đường mà không để ý gì đến chung quanh, thì không gian của ta thực ra chỉ có một chiều. Nếu chỉ bò trên mặt đất, không ngẩng đầu nhìn lên, thì không gian tồn tại chỉ có hai chiều. Và trong một, hai hoặc ba chiều không gian ấy, miền tồn tại của mỗi cá thể cũng chỉ là một khoảnh. Khoảnh ấy rộng hẹp bao nhiêu là tùy thuộc năng lực của từng người, đôi khi "tầm nhìn không quá bát cơm", bước chân không ra khỏi lũy tre làng.
Ngoài những chiều không gian kể trên, nếu ta cảm nhận được từng hơi thở, ghi nhớ được từng khoảnh khắc đã qua, thì không gian của ta sẽ có thêm chiều thứ tư, chiều của thời gian. Và thế là ta biết chiều của không gian thực chất là chiều của cảm nhận. Cảm nhận được dài là biết một chiều, cảm nhận được rộng nữa là có hai chiều. Cứ thế rồi ba, bốn chiều không gian được xác nhận.
Với mạch tư duy này, thì: nếu nhận biết được âm thanh, sẽ là chiều thứ năm. Nếu thấy được màu sắc sẽ là chiều thứ sáu. Biết được mùi và vị sẽ là chiều thứ bảy, thứ tám. Nhận biết được nóng lạnh mềm cứng là có thêm chiều không gian thứ chín. Độ nông sâu cao thấp của tri thức, kinh nghiệm , kỹ năng là chiều thứ mười trong không gian sống. Và khi nhận biết được tình yêu thương, hiểu được ý nghĩa của lời nói, của ánh mắt, biết giá trị của thông tin, của tinh thần, ý chí tình cảm... Và khi lãng đãng mộng mơ, phiêu diêu trừu tượng thì sẽ có thêm bao nhiêu chiều của không gian sống nữa.
Còn có chiều không gian sống nào nữa không? thực không dám chắc. Trong các chiều không gian này, mỗi sinh linh chỉ có một khoảnh nhỏ ở mỗi chiều . Tất cả các khoảnh này tập hợp lại thành miền (hay tập) xác định của sinh linh ấy. Nếu nỗ lực rèn luyện, trì kiến tu tập, rủ bỏ được mọi định kiến, mở lòng cảm nhận chân như, thì không gian xác định sẽ càng thêm rộng mở, dần dà hướng tới vô biên.
24/1/2023