Lọt lòng mẹ là thở. Rồi khóc. Mãi sau mới bú. Một năm sau mới ăn. Mọi sinh vật đều thở đều đặn liên tục suốt cả quãng đời, kể cả trong khi ngủ, thậm chí cả khi hôn mê. Trong khi đó ăn và uống thì có thì có bữa.
Con người có thể nhịn ăn cả tuần, có thể nhịn uống vài ba ngày hoặc hơn nữa, nhưng không thể nhịn thở quá vài ba phút. Các sinh vật khác cũng vậy. Thế mới hay cái sự thở quan trọng nhường nào.
Các nhà khoa học đã tính được rằng khí thở chiếm tới 87% tổng lượng vật chất mà con người hấp thụ từ môi trường. Còn lại thức ăn và nước uống chỉ chiếm có 13%.(*) Vậy mà không mấy ai để ý đến hơi thở, ngược lại thường để tâm để sức vào việc tìm kiếm thức ăn, và thưởng thức nhấm nháp món ăn miếng uống.
Có vẻ như có cái gì đó mâu thuẫn ở đây. Phải chăng vì khí thở miễn phí mà không trọng, vì dưỡng khí vô biên mà không quý, vì không khí không màu không mùi không vị mà không để ý để tâm. Nhưng rồi đến một ngày ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thức ăn nước uống, ô nhiễm cả không khí, con người cảm thấy hôi hám ngột ngạt mới chợt nhận ra rằng không khí trong lành mà Thượng Đế đã ban cho quý giá biết bao.
Nhớ lại hơn năm mươi năm trước, thầy tôi- Cụ Sầm Văn Phú có dặn tôi rằng: "Dưỡng khí nói riêng, sinh khí nói chung là vô biên trong trời đất. Trong lục phủ ngũ tang chỉ có tạng phế là có thể điều khiển được. Vậy thì hãy để tâm điều chỉnh hơi thở sao cho thâu nhận được tối ưu sinh khí của đất trời". Tôi luôn ghi nhớ lời thầy nhưng quả thật chưa thực hành được bao nhiêu. Cũng may cái phổi của tôi vẫn ổn cho tới lúc này.
17/12/2024
(*) Không khó để tính khối lượng vật chất thu nhận qua hơi thở từ thông số dung lượng thở X nhịp thở X nhân thời gian 24h X nhân tỉ trong không khí. Con số thật đáng nể: xấp xỉ trọng lượng cơ thể. Rất tiếc không mấy ai biết đến hay nghĩ tới điều này. Tôi cũng có thể tính mà đã không nghĩ tới, nên gần tám mươi tuổi rồi mới đặt phép nhân. Tiếc nữa là các trường, các thầy cô cũng không giảng dạy điều này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét