Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2025

VĂN PHÚ LÀNG XƯA

 Tên huyện không còn nhập vào xã mới
Văn Phú làng xưa chốn cũ ta về.



50 NĂM SAU MÙA XUÂN 75

 

                                                             Lời tổng bí thư Tô Lâm.

                            Phải chờ 50 năm mới được nghe từ người lãnh đạo cao nhất.

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2025

XÒE MỞ HAI TAY

      Mở hai bàn tay trước mắt, thật mừng thấy nó vẫn còn đây vẹn nguyên lành lặn. Qua hai bàn tay này biết bao lưỡi cuốc đã mòn, lưỡi bay đã vẹt; biết bao chiếc dao đã cùn, chiếc rìu đã mẻ; biết bao kìm búa cưa đục đã qua...  Cũng biết bao phấn bảng giấy mưc hao mòn qua hai bàn tay ấy. 
     Xòe mở hai bàn tay, dẫu trên ấy không có gì nhưng chỉ cần thấy nó vẫn còn đây qua bao tháng năm thăng trầm là cũng đã vui rồi. Càng vui hơn thấy chúng vẫn hồng hào mềm mại và nóng ấm.
     Xin cảm ơn trời đất, xin cảm ơn đời, xin cảm ơn mẹ cha đã cho con hiện diện trong đời với hai bàn tay vừa đủ để tự nuôi thân và làm tròn bổn phận của mình.
                                                                                      18/4/2025

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2025

MÊNH MÔNG ĐỜI

 Có thể là tu
có thể đã thành chai
không thấy đau mình nữa
nhìn ra ngoài kia mênh mông biển cả
mênh mông đời
nhoi nhói một niềm đau
                                      2020 
                                  Tim thấy trong giấy nháp

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2025

CÂY Ở ĐÂU

 Cây đứng ở đây người ở đâu
loanh quanh bầm dập cuộc cơ cầu


dễ gì đứng được trong trời đất
ai biết bây chừ cây ở đâu.
                                         2020 
                         Tìm thấy trong giấy nháp.
Trong hình là cây đa nước mình trồng hơn bốn mươi năm trước, giờ không còn nữa.


Thứ Năm, 13 tháng 2, 2025

XIN CẢM ƠN NHỮNG THÁNG NĂM ĐÓI KHỔ

    Đói do không đủ ăn. Rét do không đủ mặc. Đã thế, đói làm cho cái rét rét thêm. Bao năm như thế, rồi cũng qua. Bây giờ nghĩ lại thấy đói rét cũng đã cho mình biết được bao điều. Ấy là:
    1. Cho mình biết, cho mình cảm, cho mình thấm, cho mình chịu đựng cái đói cái rét nó thế nào? Cái cồn cào trong ruột ra sao? Cái đuối cái luội chân tay thế nào. Đâu là cái rét tím tái thịt da, chân tay run lập cập, ruột thắt thấu xương. Rồi cũng từ đó mà đồng cảm với những ai đã và đang chịu cảnh đói rét như mình.
   2. Nó cho mình biết cái sức chịu đựng của con người, cũng có thể có một chút nào đó của sự rèn luyện dù là bất dăc dĩ, và rồi biết cả cái ngưỡng có thể vượt qua.
   3. Đói rét còn cho mình biết cái bản năng sinh tồn. Biết tìm kiếm cái gì ăn được mà không chết, biết thổi cái nùn rơm, biết nhóm cái bếp lửa, biết cách co ro sao cho đỡ rét...
   4. Đói rét cho mình biết quý miếng cơm manh áo. Biết quý từng lá rau, từng đụt khoai, từng con dam con ốc; rồi từ đó biết quý từng đồng tiền, biết quý từng giọt mồ hôi ...
   5. Đói rét cho mình nhận biết tình thương của mẹ của ba, của bà con đồng bào thân thuộc. Và để biết thế nào là nhường, thế nào là nhịn. Để biết thế nào là "một miếng khi đói bằng một gói khi no".
   6. Khi đã qua được đói rét rồi thì ta có thể tự tin ở chính mình. Tin vào bản năng sinh tồn, tin vào sức chịu đựng gian khổ, tin ở bàn tay khối óc, ở khả năng vượt lên nghèo khó. 
   7.  Và điều cuối cùng, như từng có lúc tôi nói với trò: Trừ khi đói và rét không thể nào gọi là sướng, còn nữa, đã vượt qua cái ngưỡng đói rét rồi thì sướng hay khổ là do mình. Bảo khổ ừ thì vẫn còn khổ, bảo sướng thì cũng là đã sướng lắm rồi. Tất cả tùy ở cái tâm của mình thế nào là biết đủ.
    Biết và hiểu được tới đó quả thực không dễ dàng gì. Bởi vậy mà tự đáy lòng tôi xin cảm ơn những tháng năm đói khổ.
                                    13/2/2025

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

"KỶ NGUYÊN MỚI"

    Gần đây được nghe nhiều lần cụm từ "Kỷ nguyên mới" với nhiều háo hức và kỳ vọng. Điều đó cũng có nghĩa là có một thời cũ kỹ lạc hậu đã qua hoặc đang qua. Vậy cái mốc, cái lằn ranh cũ- mới ấy là lúc nào? ở đâu?
    Không thấy ai nhắc tới cái mốc ấy! Lạ thật, phải có sự kiện gì ghê gớm lắm, đột phá lắm, cách mạng lắm mới có thể chuyển đổi từ kỷ nguyên này sang kỹ nguyên khác? Cái sự kiện ấy là gì? Không thấy ai nói đến.
    Thế mà đùng một phát, kỷ nguyên mới ra đời. Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Quá tuyệt vời nếu đúng được như vậy. 
   Nhưng cũng hơi lăn tăn, vì cũng đã nhiều khi nghe khẩu hiệu bốc đồng kiểu này, rồi chẳng thấy đâu. Có thời "đỉnh cao muôn trượng"; Kỷ nguyên "vĩnh viễn sạch bóng quân thù"; Có thời "thay trời đổi đất"... Cũng đã có thời trong nghành giáo dục nổi lên 'Kỷ nguyên mới"(*), thế rồi trò đánh thầy tơi tả, phụ huynh đến trường bằng gậy dao gạch đá, kì thi thành trận chiến công kiên?.
                                                                                         26/1/2025

(*) Kỉ nguyên mới - nghành mình đã gọi thế vào cái thời nhập bộ đại học và trung học chuyên nghiệp vào bộ giáo dục, rồi chuyển hệ 10 năm sang 12 năm, rồi viết lại SGK...
 Năm ấy trường C3 Nam đàn phải tổ chức thi lại vì trận công kiên...
                           

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

TỪ ADN NGHĨ VỀ MỊN

   1953 Francis Henry Compton Crick tìm ra cấu trúc ADN. Từ bấy đến nay đã có biết bao nhiêu thành tưu y- sinh học được phát triển nhờ phát kiến này. Nhưng cũng hơn 70 năm qua vẫn còn lơ lửng hai câu hỏi chưa ai trả lời được: 
    1. Ai thiết kế nên mã ADN? Không chỉ cho con người mà cho mọi sinh linh đến cả cỏ cây và những virut bé nhỏ?
   2. Bằng cách nào để từ mã/ bản thiết kế ADN có thể xây dựng / hình thành nên cơ thể sống? Ai đã đọc hiểu và ai đã xây dựng nên cơ thể sống từ bản mã ADN này?
  Không một cá thể bố mẹ nào làm được việc đó bằng chính ý thức của mình, mà phải có một trí tuệ siêu việt nào đó ẩn sâu trong vô thức luôn đồng hành và giúp đỡ. 
    Trí tuệ siêu việt ấy ở đâu? 
   Tôi nghĩ là ở MỊN.

   *Khi chúng ta còn sống và đang tỉnh thức, chúng ta cũng không thể nào biết ADN đang điều hành cơ thể và cả trí não của ta bằng cách gì? Tim, phổi, gan, thận... đang vận hành, đang hoạt động theo một chương trình nào đó ngoài ý muốn và nhận thức của chúng ta. 75000 tỉ tế bào trong cơ thể đang phân chia, thay thế, và chết đi mà chúng ta chẳng hay biết gì. Chỉ có ADN đang lặng lẽ điều hành công việc đó. Vậy cơ thể này là của ta hay của ADN?  Mà ADN không phải do ta tạo ra? Vậy ta là ai?

    *Xoắn kép ADN dù phức tạp tới đâu thì cũng chỉ là phần thô, cũng như một pho sách dày cộp với những con chữ. Giá trị của nó không phải ở phần thô, không phải ở giấy mực và các con chữ, mà là ở phần mịn, là ở ý nghĩa của câu chữ, là ở ý nghĩa của thông tin mà nó cất giữ. Chúng ta có thể đọc hiểu một cuốn sách, nhưng tiếc thay, chúng ta không thể đọc hiểu ADN. Thế thì phải có ai đó đọc hiểu và điều hành thực thi nó?
   Tôi nghĩ, người làm được điều đó không phải là cái tôi da thịt này mà là một cái tôi khác, âm thầm lặng lẽ trong cõi MỊN.

    * Không chỉ khi ta còn sống và tỉnh thức, ADN điều hành mọi việc trong vô thức mà cả khi cái cơ thể vật lí này tan rã rồi thì ADN vẫn còn đó vẹn nguyên cấu trúc, nghĩa là cuốn sách vẫn còn đó với tất cả các câu chữ và ý nghĩa của nó. Có thể, kể cả khi cuốn sách không còn, câu chữ không còn, nhưng giá trị thông tin của cuốn sách vẫn còn(*). Vây thì, phải chăng cái tôi MỊN vẫn còn.
    
    Mịn luôn ở đây- lặng lẽ vô hình mà huyền diệu bên chúng ta và trong chúng ta; Cái tôi mịn cũng đang ở đây, một lần và mãi mãi.
                                                                                      12/1/2025

(*) Như tuyên ngôn "Nam quốc sơn hà Nam Đế cư", dẫu bút tích xưa có thể không còn nhưng ý nghĩa của tuyên ngôn đó mãi còn trong tâm hồn Việt, và mãi âm vang trên non sông Việt.