Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Cùng bạn tập dưỡng sinh P3: Thư giãn tối đa

     Thể dục, nặng hơn là thể thao, phần lớn chú trọng vào việc rèn luyện gân xương cơ bắp và vận động. Cũng có những môn thiên về khéo léo, trí tuệ nhưng không nhiều. Ngoài ra còn có những hình thức tập luyện cốt để tiêu hao năng lượng, thiêu đốt mỡ thừa, tạo vóc dáng nhẹ nhàng thon chắc.
     Bài tập dưỡng sinh đối với người cao tuổi này có phương thức và mục đích không giống như vậy. Thư giãn tối đa với hầu hết các nhóm cơ trong cơ thể khi tập dưỡng sinh là một trong những sự khác biệt đó. Điều này nhằm:
    1. Tiết kiệm tối đa năng lượng tiêu hao, từ đó mà giản thiểu việc thu nạp năng lượng qua thức ăn nước uống hàng ngày, cũng là để cho nội tạng, đặc biệt là hệ tiêu hóa tránh được sự vận hành quá mức.
   2. Duỗi mền cơ bắp để gân cốt dẻo hơn, đàn hồi mềm mại hơn và có thể vận động với biên độ quay tối đa của các khớp.
   3. Làm quen với những tư thế vận động khác nhau một cách nhẹ nhàng và tránh được các sang chấn vận động rất dễ mắc phải đối với người cao tuổi, đặc biệt là các tư thế éo le ít gặp trong hoạt động thông thường.
    4. Thư giãn tối đa về cơ bắp cũng là cách để kéo theo sự thư giãn thần kinh, để cho đầu óc được thảnh thơi, nhẹ nhàng và ...trống rỗng.
    5. Cũng là để cho các mạch máu ít bị chèn ép nhất do đó khí huyết được lưu thông tốt nhất. 
   6. Và là để cho hơi thở được điều hòa một cách tự nhiên.
   Trong bài tập dưỡng sinh này các tư thế chủ yếu được chọn lựa từ yoga sao cho phù hợp với người cao tuổi xung quanh các tư thế chủ đạo là nằm, ngồi bán già, ngồi trên gót chân (ngồi kiểu Nhật) và đứng thẳng. Với những tư thế "nằm như cây cung, ngồi như cây chuông, đứng như cây tùng cây bách", sẽ giúp ta tránh được sự căng cơ và căng thẳng thần kinh do phải giữ thăng bằng. Và như vậy chúng ta cũng dễ thư giãn tối đa hơn.
     Thông thường chúng ta ít chú ý đến sự thư giãn, vì thế mà có những nhóm cơ nào đó luôn căng cứng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đấy là các nhóm cơ ở cổ, vai, gáy, lưng, bàn tay và mặt. Có thể là do lao động quá mức, do căng thẳng thần kinh, do tư thế không vững, hoặc do hiếu động không ngừng. Sự căng cứng này thường kéo theo sự hao tổn thể chất và tinh thần, lâu dần làm cho ta mệt mỏi, chán nản, làm suy giảm sinh lực và tình yêu cuộc sống.
    Nhưng để thư giãn được thì phải tập. Tiến bộ nhanh hay chậm tùy thuộc ở mỗi người, ở cái sự có để tâm tới hay không. Nhắc lại là chỉ cần để tâm chứ không phải là để ý. Không cần phải cân nhắc biện giải, không cần phải suy diễn lập luận, càng không cần viện dẫn học thuyết này kia. Chỉ cần trống rỗng và thư giãn là được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét