Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

TỬ HUYỆT THỨ BA


Trong bức thư gửi ông Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 6 năm 2011, phần 3, đoạn cuối tôi có ghi bài thơ:

    Những người vô sản nhất

Hàng triệu công nhân trên các đại công trường
Và trong các khu công nghiệp
Rời xa quê hương
Sống không gia đình họ tộc
Không tấc đất cắm dùi
Không nhà ở, không bệnh viện và không trường học
Càng không có tư liệu sản xuất
HỌ LÀ NHỮNG NGƯÒI VÔ SẢN NHẤT
Họ đang bị tư bản nước ngoài bóc lột
Ngay trên đất nước mình
Mà không biết kêu ai
Họ không được đình công, không được biểu tình
Không có quyền tự bảo vệ
Họ cũng không có người đại diện
Không có tổ chức công đoàn
Không đoàn thanh niên
Không hội phụ nữ
Không biết họ có không chi bộ?
-  Rằng không!
Vậy có còn không đảng tiền phong của giai cấp công nhân
Đảng của những người vô sản?
Vậy có còn không đảng của chính mình
Đảng cộng sản?

Và tôi viết tiếp:

"Bài thơ này tôi viết đã lâu, hồi mới rộ lên các khu công nghiệp, tôi chưa đọc ở chỗ nào và ông là người đầu tiên tôi gửi đến. Đây là hình ảnh tập trung nhất về thực trạng người lao động, không chỉ trong các khu công nghiệp, các công trường, mà ở cả nông thôn, thành thị, nơi những người cần lao đang đối mặt với cuộc sống, cuộc mưu sinh khắc nghiệt.
Xin nói thực với ông, đảng chỉ hiện diện đậm đặc nhất ở các cơ quan ban nghành của đảng, ở các cơ quan công quyền, ở chóp bu các công ty, tập đoàn nhà nước…Nói chung ở nơi nào có nhiều quyền lợi và nhiều quyền lực nhất. Còn càng xa quyền lợi và quyền lực thì mật độ đảng càng giảm... Ở đấy dân tự lo, tự bươn chải, ơn trời là họ đã tự vượt qua được để tồn tại, dù không ít những khi bị nhũng nhiễu bởi chính những “đầy tớ” ở trong các cơ quan “hành là chính” của mình."

     Lúc ấy- Khi viết bức thư này- tôi đã nghĩ đây là khiếm khuyết chết người của đảng, bởi vì đảng đã đi ngược lại lợi ích của giai cấp, đã phản bội công nhân, nông dân, trí thức và người lao động, đặc biệt là công nhân và nông dân. Thậm chí người nông dân còn bị lừa gạt bởi khẩu hiệu "người cày có ruộng" để dốc lòng theo đảng làm cách mạng. Đến khi giành được chính quyền thì nông dân bị đẩy đến chỗ không còn quyền sở hữu ruộng đất, đã đang và sẽ mất dần quyền sử dụng đất bất cứ lúc nào khi các nhóm lợi ích nấp dưới bóng công quyền nhòm ngó đến. Hàng triệu công nhân trong các khu công nghiệp chính là nông dân bị bần cùng hóa, họ trở thành vô sản và đang bị tư bản bóc lột. Điều trớ trêu nhất, một nghịch lý, mâu thuẫn lớn nhất là đảng của giai cấp công nhân lại không hề hiện diện ở đó, họ ở đâu "trên cao" và tàn nhẫn bỏ rơi giai cấp cần lao đã khai sinh ra mình.
Một lý thuyết không thể tự mâu thuẫn. Một học thuyết, một thể chế cũng vậy. Một khi đã tự mâu thuẫn, một khi xuất hiện nghịch lý là lý thuyết mất hết giá trị, và nếu là thể chế, thì thể chế ấy sẽ phải tan rã.
Nghịch lý này do đảng tạo ra và chính nó là tử huyệt thứ ba của đảng, sau hai tử huyệt mà giáo sư Hoàng Xuân Phú đã nêu.

        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét