Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

GS Trần Văn Khê viết về nhạc sĩ Phạm Duy

Xin tải về từ tuổi trẻ online. Cảm ơn GS Trần Văn Khê và bản báo.



Hoa đã nở tràn trên bước trăm năm

GS TRẦN VĂN KHÊ | 29/01/2013 08:21 (GMT + 7)
TT - LTS: Tiễn biệt nhạc sĩ Phạm Duy vừa qua đời ngày 27-1, Tuổi Trẻ trích đăng bài viết của GS Trần Văn Khê từ quyển sách sắp hoàn thành của ông về Phạm Duy - một người bạn thâm giao.
  • GS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy trong ngày mừng sinh nhật nhạc sĩ Phạm Duy năm 2010 - Ảnh tư liệu Trần Văn Khê

Ðối với tôi, Phạm Duy là một người nhạc sĩ có những khả năng rất đặc biệt trong âm nhạc mà không phải bất kỳ người nhạc sĩ nào cũng có thể hội tụ đầy đủ. Sự cảm thụ âm nhạc nghệ thuật của Duy cũng mang tính cách rất riêng, rất "Phạm Duy", nhưng cái riêng đó không hề lạc ra khỏi gốc rễ tình cảm chung của người VN.
Những cuộc phiêu lưu "chiêu hồn nhạc"
Nếu như trong lĩnh vực âm nhạc, nhiều nhạc sĩ thường thiên về sở trường chuyên môn của mình: những ca khúc hoặc sáng tác nhạc không lời, hoặc viết về nhạc trữ tình quê hương, nhạc hành khúc, nhạc mang âm hưởng theo phong cách truyền thống hoặc theo quy luật sáng tác của phương Tây... thì với Phạm Duy, khả năng sáng tác âm nhạc - không, với tôi giờ đây Duy không sáng tác nữa, mà Duy đã làm những cuộc phiêu lưu "chiêu hồn nhạc" - hết sức đậm đà, huyền diệu, đầy thơ mộng mà cũng đa dạng và phong phú vô cùng! Duy "chiêu" được "hồn" ông thần nhạc và thành công trong nhiều thể loại, có lẽ bản thân ông thần âm nhạc cũng "mê" lối "chiêu hồn" của Duy rồi chăng?
Thành công - đối với Duy mà nói, không phải chỉ sớm nở tối tàn, "triêu như thanh ty, mộ như tuyết" (thơ Lý Bạch) mà phải nói rằng những nhạc phẩm đó đã và vẫn mang nhiều giá trị về ngôn ngữ âm nhạc lẫn ca từ không lẫn với bất cứ ai, đặc biệt là những nhạc phẩm ấy sống mãi trong lòng người Việt say mê âm nhạc nghệ thuật.
Có những thể loại nhạc đối với người nhạc sĩ này là sở trường nhưng với người khác nó lại không phải là thế mạnh. Còn Duy có thể làm cho những thể loại âm nhạc khác nhau "chịu" theo mình, nghe lời mình uốn nắn và đưa vào tâm hồn tình cảm của Duy. Những thể loại Duy làm đều được tán thưởng của giới mộ điệu âm nhạc, lấy được nhiều tình cảm từ công chúng. Ðiều đó không hề dễ có đối với một tác giả. Nó tồn tại cho tới bây giờ cũng đủ để thấy giá trị âm nhạc Phạm Duy mang một dấu ấn khó phai trong dòng chảy âm nhạc Việt, và hạnh phúc hiếm có nhất: vẫn vững chãi trước ba đào thời gian. [...]
Thán phục một tinh thần nghiên cứu
Trước khi sang Pháp để tiếp cận với âm nhạc (học tại lớp dạy âm nhạc học của thầy Jacques Chailley năm 1954) thì Phạm Duy đã là một nhà "dân tộc âm nhạc học" hẳn hòi rồi! Ở VN, Duy đã tự mình ghi âm, ghi hình, sắp loại các bài dân ca và các bài lý, những câu hò ở nông thôn VN... và tự ký âm ra các bài nhạc đó. Duy đã có cách nhìn rất khoa học trong việc phân loại, sắp xếp và ghi chép những vấn đề liên quan trong khi tìm hiểu về dân ca, dân nhạc VN.
Ngoài việc sưu tầm và nghiên cứu dân ca lúc đầu, sau này trong những chuyến đi xuyên Việt, Phạm Duy lại có dịp tiếp cận với nhiều bộ môn âm nhạc khác như: ca Huế, đờn ca tài tử, các điệu hát lý, điệu hò của Trung, Nam bộ, và đặc biệt hơn nữa là thể loại âm nhạc dân tộc thiểu số ít ai chú ý tới... Mỗi lần tiếp cận là mỗi lần Duy ghi chép rất kỹ lưỡng, sâu sắc để sau này có dịp cho ra đời cuốn Ðặc khảo về dân ca VN mà khi được đọc tôi rất ngạc nhiên, đồng thời cũng thán phục tinh thần nghiên cứu của bạn mình. Duy theo dõi nhiều và đi sát phong trào nhạc mới từ lúc khởi thủy cho đến những giai đoạn phát triển ra nhiều trào lưu. Duy cũng có được những điều kiện thuận lợi khi quen biết với những bạn bè, các bậc tiền bối văn nghệ sĩ, nhất là giới nhạc sĩ và từng nhiều lần trao đổi, trò chuyện với họ, biết được từng thời điểm ai làm gì, sáng tác như thế nào...
Từ những lợi thế như vậy, mỗi nhạc phẩm của Duy đưa ra đều mang tính cách thời sự, gắn liền với từng sự kiện xảy ra trong đất nước và không thiếu những hình ảnh rất chân thật sống động ở những nơi mà dấu chân Duy đã đi qua, in lại trong ký ức một cách sâu sắc rồi trở thành những hình tượng nghệ thuật đặc biệt trong âm nhạc.[...]
Con chim Việt lãng du từng bay khắp nơi dẫu chưa mỏi cánh nhưng bây giờ cũng đã tìm được nơi đất lành cho chim đậu. Dấu chân trên mặt đất lúc này không còn là dấu mộng trên đường về, giờ thì "tuyết đã tan trên vài mỏi mòn", Duy hãy tận hưởng đi cảm giác của đường trần trong hơi ấm tình quê. [...]
Duy thương mến!
Chúng ta đã đến, đã đi và đã về, đã làm và đã sống, đã yêu và đã mơ, đã thăng và đã trầm, đã cười và đã khóc... suốt hai thế kỷ này. Nhưng Duy ơi! Một kiếp nhân sinh với bao năm tháng trôi chảy không ngưng nghỉ, có lúc này có lúc kia, nhưng câu chuyện cứ tiếp nối nhau không dứt, thì Khê cũng như Duy, Duy cũng như Khê, đều mỉm cười và mong rằng:
...Nhưng cuối bước đi trăm năm một lầnÐầu cành khô bỗng hoa nở tràn.
(*) Tựa nhỏ trong bài do Tuổi Trẻ đặt.

24  người
Ý kiến bạn đọc (0)Gửi ý kiến của bạn

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét