Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

SAU MÙA XUÂN 75- góp một lời cùng Huy Đức

       Sau 75 tôi lờ mờ nhận ra một cái gì đó không như người ta nói, người ta tuyên truyền, càng không như cái mà người ta ngợi ca, tâng bốc. Tôi đã ghi lại cái cảm nhận lờ mờ đó của mình trong một bài có vẻ vần vè: Sau mùa xuân 75.  Dằn lòng, viết ra để đấy. Tới cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước mới đọc trong nhóm nhỏ vài ba người thật thân quen. Mãi tới cuối tháng tư -2011 mới gõ vào blog. Và ngày 1-5-2011 mới lên trang với những dòng vĩ thanh như vầy:

         Bài này tôi viết đã lâu nhưng không đọc ai nghe, càng không gửi đăng đâu cả, chỉ sợ làm đau người còn sống, đặc biệt sợ không phải với anh linh những anh hùng liệt sĩ.
            Cuộc chiến đã qua 36 năm rồi, nay tôi mới dám lên trang blog, kính mong mọi người ghé qua trang này lượng thứ cho điều gì không phải.
         Xin mượn một câu của Nguyễn Trọng Tạo "thơ chưa hay thì thơ nói thật lòng...", để đãi đằng gan mật.

        Mấy hôm nay đọc Bên thắng cuộc, mới nhận ra không chỉ mình tôi mà còn bao người đã nhận ra những gì sau mùa xuân 75. Nhiều người không chỉ lờ mờ như tôi, họ là người trong cuộc. Họ từng nếm trải, chịu đựng. Hay họ đã không chịu đựng nỗi, bỏ đi. Hoặc tỉnh táo hơn, như Huy Đức thì tìm hiểu, tìm hiểu và viết thành sách. Dằn lòng lắm, đến một lúc, sách cũng được in ra...
       Tôi cóp lại Sau mùa xuân 75 ở đây như góp một lời bình, như một biểu quyết đồng tình với tác giả Bên thắng cuộc.
      

Chủ nhật, ngày 01 tháng năm năm 2011


Sau mùa xuân 75

Sau mùa xuân 75
ba tháng, ba năm, năm năm…
những người lính trở về
rải rác
từng người
từng tốp
không như lúc ra đi
đội ngũ trùng trùng điệp điệp
các anh về
hầu hết đều mang thương tích
phần hồn và phần xác
quê nhà đón các anh
trong vui chỉ có khóc
bên cạnh còn bao người
giờ này không tin tức
ở đâu đấy có mit tinh có duyệt binh
có ôm hôn và những tràng cười sảng khoái
còn những làng quê
chỉ biết âm thầm nhẫn nại
chờ mong


*
Sau mùa xuân 75
trên ba lô những người lính trở về
có con búp bê rất xinh
mắt tròn xoe
khép mở
có người còn cõng theo
chiếc khung xe đạp nữ
những cán bộ cấp cao hơn
vào miền nam tham quan
còn mang theo về những chiếc tivi cũ
những honda 50 xoáy nòng hoen rỉ
những đồ bộ bà ba xanh đỏ tím vàng
và cơ man những thứ bà dằn
ở nhà đang thiếu
với lời giải thích xanh rờn
xã hội phồn hoa phù phiếm



*
Sau mùa xuân 75
những dòng người di cư vào nam
có người dừng chân ở phố
lần hồi độ nhật
có người tới tận vùng xa
khai hoang vở đất
nhiều người lính không về quê
trụ lại miền nam
rồi đón gia đình vào tiếp
họ thuộc diện di dân tự do
tạm cư bất hợp pháp
không hộ khẩu, không sổ mua lương thực
chỉ có hai bàn tay lao động cần cù
mảnh đất phương nam ấm áp chở che
thu đông xuân hè
năm tháng


*
Sau mùa xuân 75
có một dòng người từ Việt nam ra đi
tới một nơi nào đó bất kỳ
Á, Âu, Bắc Mỹ
bỏ lại phía sau quê hương xứ sở
ruộng nương nhà cửa
nhiều người sóng dữ lật thuyền
nhiều người mất con lạc mẹ
nhiều người không thấy bến bờ
những người khác vẫn ùn ùn đi tiếp
không một lời giải thích
không một lời oán trách
có thể không cả những niềm mơ ước
chỉ lờ mờ đâu biết
một miền xa xứ khác
sẽ khác hơn là quê hương


*
Sau mùa xuân 75
sau đạn bom và sau hào quang
người ta nhận ra điều đầu tiên
các cháu miền Nam rất ngoan
ăn nói chào thưa lễ phép
nhận ra người ta xếp hàng nề nếp
rồi dần dà nhận ra
cung cách làm ăn của nhà nông
của thợ thủ công
của viên chức văn phòng và dịch vụ công
tất cả đều ở trình độ cao hơn miền Bắc
ít nhất vài ba mươi năm
rồi nhận ra sách địa viết đủ hơn
sinh học cập nhật hơn
và toán lý cao hơn…
có thể còn nhận ra kinh tế thị trường
và nhiều điều khác
tiếc thay không biết vì gì
kiêu căng hay cố chấp
mà chúng ta đã để trôi qua mất


*
Sau mùa xuân 75
miền bắc phải ăn bobo mỳ hột
ăn cả ngô dành cho gia súc
trên các diễn đàn người ta vẫn tung hô
vẫn tụng ca và vỗ ngực
vĩnh viễn sạch bóng quân thù…
chưa dứt lời
bỗng dậy tiếng gươm khua
ầm ầm chiến tranh biên giới
hết ở tây nam
lại lên phương bắc
không kịp điều quân
phát lệnh tổng động viên
toàn quốc
đất nước ngàn cân
treo
sợi
tóc


                     ****

   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét