Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

RCYT: 113 MẬT ĐỘ TỐI ƯU

Có rừng mà chẳng có người thì rừng chỉ là chốn hoang vu. Còn như quá ư thưa thớt bóng người trong đại ngàn thăm thẳm thì mãi tối tăm đói nghèo lạc hậu. Ngược lại, một khi đất chật người đông, thì dẫu của khó người khôn, có khôn tới đâu cũng chẳng khá gì. Đấy là không kể, tới một thời thảm hại, rừng không còn nữa mà chỉ còn người nhung nhúc bên người.
Vậy thì ngay bây giờ, khi người đang tăng mà chưa quá ngưỡng, rừng đang giảm mà chưa cạn kiệt, chúng ta hãy giải bài toán: Cần bao nhiêu người giữa thiên nhiên cỏ cây đồng ruộng, giữa rừng vàng biển bạc này là vừa, là tốt nhất?. Mật độ và phân bố thế nào là hợp lý, là tối ưu? Bài toán khó đấy nhưng chắc chắn có lời giải, như ngọn núi có đỉnh.
Để khẳng định mình chúng ta phải tìm cho ra lời giải về mật độ phân bố tối ưu và cái hướng đi lên tốt nhất giữa hai thái cực hoang dại và thảm hại ấy. Nơi đất rộng người thưa phải giải, mà nơi đất chật người đông lại càng phải giải. Phân bố hợp lý để có tập trung đủ đông, đủ mạnh để làm những công trình lớn, nhưng không quá đông để thành ách tắc. Cũng cần phân tán đủ rộng để tận dụng hết năng lực thiên nhiên và đảm bảo quốc phòng, nhưng không quá mỏng để thiên nhiên bị phá hoại đồng loạt khắp nơi đến độ không còn một khoảng rừng nguyên sinh nào nữa.
Bài toán này tôi không giải được nhưng tôi phải nói với trò. Hy vọng ở các trò, hy vọng một ngày không xa bài toán sẽ có lời giải. Còn như, nếu không giải những bái toán trong đời như thế thì học toán phỏng có ích gì? Nếu không, dạy toán cũng chỉ như dạy đánh cờ, học toán trong sách cũng chỉ như học đánh cờ, vậy thôi.
Có ích gì đâu!
1984- 1985

***** Gần bốn mươi năm sau đọc lại thấy chẳng có ai giải bài toán này. Không chỉ thầy trò tôi, mà trên đất nước này, trên châu lục này, và cả trên thế giới cũng chẳng có ai giải bài toán này. Người ta chạy theo lợi ích cá nhân. Đâu có lợi ích thì lao đến đó, bất kể mật độ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét